Hai tháng nay, nhờ số tiền lương hậu hĩnh của luật sư Thắng trả cho việc dạy kèm ở tư gia, Bảo Lâm đã kiếm được người làm phụ công việc cho cha. Bà này, mỗi buổi sáng tám giờ đến và mãi tám giờ tối mới rời nhà. Bà lo công việc lặt vặt trong nhà. Sáng nay bà đến trễ, Bảo Lâm tự pha sữa cho mẹ bịnh, không ngờ cái ly bị vỡ cứa vào tay nàng một cái.
Bước vào phòng tắm, Bảo Lâm mở vết thương ra. Vết cứa vừa sâu lại vừa rộng, nàng lấy bông và băng vải ra quấn vội vết thương, xong thay áo bước ra ngoài. Hối hả vậy mà cũng gần tám giờ sáng.
Rời nhà, Bảo Lâm thẳng bước về phía trạm xe buýt.
Trời nóng quá. Mùa hè ở đây vừa mới sáng là mặt trời đã leo lên tận mái nhà. Cái nắng như muốn thiêu đốt mọi vật. Nắng chói chang đã làm Bảo Lâm hoa mắt. Nàng sửa lại chồng sách trong tay, tựa lưng vào cột đèn nghỉ một chút cho đỡ mệt. Có một cái gì đó làm đầu như nặng ra, làm cơ thể như chao đảo, toàn thân nàng mệt mỏi một cách lạ kỳ.
Bảo Lâm chưa lấy lại được thăng bằng thì chợt có tiếng rú của tiếng xe tăng tốc độ. Quay lại, nàng đã thấy chiếc xe gắn máy lái bởi một người đàn ông trẻ đang lao thẳng về phía nàng. Bảo Lâm giật mình muốn tránh, nhưng không kịp. Thôi rồi! Hôm nay quả là một ngày xui xẻo, Bảo Lâm nghĩ. Chiếc xe thắng két một tiếng, rồi nó dừng lại chỉ cách Bảo Lâm có mấy phân. Bảo Lâm bàng hoàng chưa kịp nhìn kỹ thì có tiếng cười:
- Sao thế? Giật mình ư? Làm gì mặt mày tái mơ tái mét vậy? Sợ à?
Bảo Lâm úp những quyển sách vào ngực, nhìn kỹ thì ra là Từ Sâm. Mấy ngày nay, không hiểu sao sáng nào Bảo Lâm cũng gặp Từ Sâm. Có lẽ vì Công ty Xây dựng của cậu ấy ở gần đây. Thỉnh thoảng, Từ Sâm cũng đến nhà đòi đưa Bảo Lâm đi làm, nhưng nàng nghĩ con gái mà ngồi sau xe con trai thì kỳ quá, nên cứ khăng khăng từ chối. Từ Sâm cũng không ép. Nhưng mỗi lần Bảo Lâm đến trạm xe buýt thì Từ Sâm cũng chạy chầm chậm theo một quãng đường. Bảo Lâm không vui nói:
- Bậy thật! Cậu cứ làm như trẻ con không bằng, tôi tưởng chừng sắp gặp tai nạn đến nơi!
Từ Sâm cười, nụ cười của anh chàng rất tự nhiên, nắng như lấp lánh trong ánh mắt.
- Xin lỗi nhé! Bảo Lâm không tin tưởng tài nghệ lái xe của tôi ư? Không lẽ tôi có thể đụng Lâm được à?
- Nếu bây giờ mà Lâm còn ở đây chờ xe buýt nữa thì chắc là phải trễ thật. Thôi lên đây, bảo đảm chỉ mười phút sau là Lâm sẽ đến trước cổng trường ngay.
Bảo Lâm nhìn Từ Sâm hơi do dự. Sâm thấy vậy vội kéo cánh tay Bảo Lâm về phía xe.
- Ui da!
Bảo Lâm bất giác hét lên vì Từ Sâm đã vô tình nắm trúng cánh tay đau của nàng. Từ Sâm tái mặt, buông lỏng cánh tay Bảo Lâm ra.
- Làm sao thế?
Chàng đã nhìn thấy vết máu loang ra cả áo. Từ Sâm kéo Bảo Lâm đến gần, kéo tay áo lên cao, máu rịn ra ngoài lớp băng vải. Từ Sâm rùng mình, chưa kịp phản ứng thì Bảo Lâm đã lảo đảo nói:
- Từ Sâm, tôi... Tôi sắp ngất xỉu đấy!
Từ Sâm giật mình nhảy xuống xe, một tay đỡ lấy Bảo Lâm, tay kia kéo xe vào sát lề đường. Chàng thấy không thể chậm trễ được, vội vẫy tay gọi taxi. Kéo Bảo Lâm lên xe, Từ Sâm nói như ra lệnh:
- Lên nhanh, tôi đưa Lâm đến bệnh viện.
Bảo Lâm lưỡng lự:
- Nhưng tôi còn phải lên lớp.
- Không lớp liếc gì cả.
Từ Sâm hét và đẩy Bảo Lâm lên taxi.
Ngồi tựa lưng vào nệm mà Bảo Lâm vẫn thấy choáng váng, tứ chi đau nhói, đau đến chảy nước mắt được. Tuy vậy, nàng vẫn không quên chiếc xe gắn máy của Từ Sâm ở vệ đường:
- Cậu Sâm.
- Gì thế?
- Còn chiếc xe, cậu chưa khóa. Coi chừng mất trộm đấy.
- Mặc nó!
Từ Sâm nói và leo lên xe ngồi cạnh Bảo Lâm. Chiếc xe lướt nhanh.
Bảo Lâm nghĩ có lẽ anh chàng đang giận ta. Ta đã làm anh ta trễ giờ mất. Bảo Lâm biết công việc của Từ Sâm khá quan trọng. Kiến trúc sư mà! Có lẽ những bản vẽ kia vẫn còn để trong cốp xe? Bảo Lâm thở dài, cố giữ vẻ bình thản nói:
- Cậu Sâm! Thật có lỗi, tôi đã làm cho cậu bị trễ giờ mất.
Máy điều hòa không khí trong taxi khiến nàng cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thật ra thì vết thương không nặng lắm đâu, cậu hãy để tôi xuống xe đi dạy, khỏi phải đến bệnh viện làm gì.
Từ Sâm quay lại quắc mắt:
- Cô nói ít một chút có được không? Tại sao lại bị thương nặng như vậy?
- Tôi bị té.
- Cha mẹ của Lâm không hay biết gì ư?
Từ Sâm nói, nhưng rồi chợt nhớ ra hoàn cảnh của Bảo Lâm nên ngưng lại.
Bảo Lâm thì tựa đầu vào ghế. Lúc này có cái gì bềnh bồng trong đầu khiến nàng cảm thấy buồn ngủ. Tối qua không ngủ được, sáng nay lại chưa ăn gì, rồi lại gặp chuyện bị thương, hèn gì chẳng yếu, chẳng mệt mỏi sao được. Bảo Lâm chợt thấy muốn có một chỗ nào đó nằm nghỉ một lúc, có lẽ khỏe hơn chứ bây giờ không phải chỉ có sự mệt mỏi ở thể xác, mà còn cả ở tinh thần.
Chiếc xe dừng lại trước cửa một bệnh viện, Bảo Lâm được đưa vào trong.
Ngồi trước mặt bác sĩ, Bảo Lâm mới nhớ ra, nói với Từ Sâm.
- Tôi không có mang tiền theo.
Từ Sâm nói nhanh:
- Đừng lo, tôi có đây.
Bác sĩ đã mở lớp băng vải lộn xộn của Bảo Lâm ra, ông chau mày. Vết thương thật rộng, đang rỉ máu. Ông quan sát kỹ rồi nói:
- Thế này làm sao cô ấy không đau cho được? Còn mấy mảnh thủy tinh li ti nằm trong vết cắt này.
Bác sĩ nói xong quay qua bảo Từ Sâm:
- Cậu ra ngoài ngồi chờ một chút, chúng tôi cần một khoảng thời gian để rửa vết thương và gắp mảnh chai ra. Có lẽ còn phải may thêm khoảng mười mũi. Rất tiếc, cánh tay đẹp thế này mà phải mang sẹo.
Từ Sâm bước ra khỏi phòng tiểu phẫu. Như vậy là Bảo Lâm không thể lên lớp sáng nay rồi. Chàng vội gọi dây nói đến trường của Bảo Lâm xin phép, rồi lại gọi sang Công ty xây dựng xin cho mình nghỉ một ngày.
Từ Sâm ngồi ở phòng chờ. Hơn một tiếng đồng hồ sau mới thấy Bảo Lâm bước ra với bác sĩ.
Từ Sâm được dặn dò:
- Mai nhớ đưa cô ấy lại thay băng. Một tuần lễ sau tháo chỉ, còn thuốc thì bốn giờ uống một lần. Nếu tối không bị sốt thì coi như không có gì đáng sợ nữa, còn nếu không thì làm ơn gọi điện thoại cho tôi nghen.
Bác sĩ ghi cho Bảo Lâm số điện thoại với một đống thuốc uống. Ông ta còn nói thêm:
- Cô cần phải nghỉ ngơi, nhớ không nên để va chạm thêm vào vết thương, cũng không nên đụng nước, bằng không vết thương mà sưng vấy lên thì cái sẹo nở to ra đấy. À! Cũng phải đề phòng cả nhiễm trùng nữa đấy.
Từ Sâm trả tiền viện phí xong, hai người bước ra ngoài. Mặt Bảo Lâm vẫn xanh xao, Từ Sâm nghĩ có lẽ Bảo Lâm đau lắm. Chàng nói:
- Tôi xin phép cho Lâm nghỉ hôm nay, thành thử đừng phải bận tâm gì về chuyện dạy dỗ nữa. Bây giờ để tôi đưa Lâm về nhà nhé?
Bảo Lâm nói nhanh:
- Thôi khỏi cần! Tôi không thể về nhà bây giờ, làm thế cha tôi sẽ lo lắng.
Bảo Lâm nhìn quanh rồi nói tiếp:
- Cậu Sâm, cậu biết nơi nào có thể ngồi lâu được không? Tôi cần tìm một chỗ ngồi đến tan giờ dạy học mới về nhà được.
Từ Sâm nhìn nàng không đáp, vẫy tay gọi một chiếc taxi. Mười phút sau, họ đã có mặt ở một quán ăn Tây có tên là "Lan Tâm". Chọn một góc vắng, họ ngồi xuống. Ánh sáng vừa phải, ghế nệm êm, khung cảnh thoải mái khiến Bảo Lâm thấy dễ chịu. Trên tường là một bức họa lớn, vẽ một thiếu nữ cỡi ngựa. Trên bàn bày một chậu thủy tinh, trên có đóa hoa hồng tươi màu đỏ.
Bảo Lâm ngồi tựa lưng vào ghế, chưa bao giờ Bảo Lâm bước chân vào nơi sang trọng như vầy, có chăng chỉ một lần. Đó là lần cuối cùng chia tay với La Dũng, nhưng chỉ là một quán cà phê nhỏ. Bảo Lâm còn nhớ La Dũng đã nắm chặt đôi tay nàng với những lời thề thiết tha:
- Tối đa là hai năm, Bảo Lâm! Hai năm nữa anh sẽ trở về. Dù có thi đậu hay không thi đậu, anh cũng phải trở về, anh không thể sống xa em. Bảo Lâm, em hiểu không, cứ nghĩ đến cảnh sống mà thiếu em, anh buồn muốn chết.
Còn, còn nhiều nữa, La Dũng đã nói với nàng những lời mật ngọt như vậy.
Thế mà hai năm đã trôi qua. Không phải hai năm, bây giờ đã là bốn năm rưỡi. La Dũng không quay lại, Dũng cũng không chết mất. Trái lại, La Dũng đã sống một cuộc sống đầy hạnh phúc. Chàng đã cưới vợ. Tất cả những lời thề non hẹn biển trở thành lời nói chơi.
Chuyện trăm năm như một ảo ảnh.
Tình yêu! Tình yêu! Tình yêu là gì?
Bảo Lâm thầm nghĩ phải chăng chỉ là cái mà các nhà văn múa bút để lường gạt người đọc thôi? Giữa thời đại tên lửa này, cuộc sống thay đổi đến độ chóng mặt thì tìm đâu ra một tình yêu chung thủy?
Chợt nhiên, Bảo Lâm cảm thấy có hai hàng nước mắt lăn xuống má.
Trên bàn, trước mặt có ly cafe đen. Ly cafe đã nguội, mang ra từ bao giờ thế? Bảo Lâm ngẩn ra, rồi nàng lại thấy có người kéo ghế đến ngồi sát bên cạnh nàng, nắm lấy cánh tay không bị thương của nàng. Một giọng nói thanh niên, một giọng nói trẻ và ấm:
- Có đau lắm không? Có cần uống thuốc giảm đau không? Bác sĩ nói là Lâm sẽ thấy nhức nhối lắm, uống thuốc đi chứ?
Bảo Lâm giật mình, nàng như mới tỉnh giấc, quay trở về thực tế sau giấc mộng xa xăm. Bảo Lâm mở to mắt ra. Nàng phát hiện Từ Sâm đã kéo ghế từ vị trí đối diện đến cạnh bên nàng. Anh chàng đang nhìn nàng với đôi mắt to. Đôi mắt có chút lôi cuốn và đang nhìn nàng rất lạ. Lâu lắm rồi, Bảo Lâm cũng đã gặp ánh mắt giống như vậy. Đúng rồi! Ánh mắt của La Dũng. Bảo Lâm giật mình, hoàn toàn trở về thực tế. Bảo Lâm luống cuống, cố rút tay ra khỏi tay Từ Sâm nhưng không được. Nàng nói:
- À, cậu Sâm. Tôi khỏe lắm, không thấy đau đớn gì cả. Cậu yên tâm.
Bảo Lâm lại cố rút tay ra nhưng vẫn không được. Từ Sâm nhìn trừng trừng vào mắt Bảo Lâm, giọng nói của cậu ta có cái gì đó đổi khác:
- Đừng nên thế! Tại sao lúc nào Lâm cũng như muốn trốn lánh tôi? Tại sao vậy? Giữ khoảng cách để làm gì? Không cho tôi cái diễm phúc được chăm sóc, chìu chuộng Lâm à?
Bảo Lâm bối rối. Trời đất! Chuyện gì sắp xảy ra đây? Không, không được. Hôm nay xảy ra bấy nhiêu chuyện đủ rồi. Đầu óc như muốn nổ tung rồi. Không thể suy nghĩ, phân tích gì nữa được. Mọi thứ đang đau. Ta không có quyền nghĩ khác được.
Bảo Lâm lưỡi như cứng ra, môi như khô lại. Nàng cố gắng nuốt nước bọt nói nhỏ nhẹ:
- Cậu Sâm, cậu nên tỉnh táo một chút nào! Cậu còn trẻ tuổi! Tôi lúc nào cũng coi cậu như em. Cậu biết đấy, nếu em tôi còn sống, nó cũng bằng cỡ tuổi cậu.
Mặt Từ Sâm đỏ hẳn. Chàng nói nhanh, giọng nói có vẻ xúc động:
- Nhưng tôi đâu phải là em của Lâm đâu? Lâm cao lắm là lớn hơn tôi hai tuổi thôi! Khoảng cách thời gian như vậy đâu lớn lắm. Bảo Lâm, đừng hòng nói với tôi là Lâm hoàn toàn không hiểu vì sao tôi cứ tìm cách xuất hiện trước cửa nhà của Lâm, cũng đừng cho rằng hoàn toàn không hiểu vì sao tôi cứ quan tâm, lo lắng, cứ tìm mãi lý do để gần gũi Lâm. Tôi muốn nói với Lâm rằng...
Bảo Lâm hoảng hốt, cố rút tay và thu người vào ghế:
- Đừng! Đừng... Cậu đừng làm tôi sợ, cậu Sâm. Cậu còn trẻ, có thể cậu chưa hiểu được cậu đang làm gì. Hãy quên đi, cậu Sâm. Đừng nói đến chuyện đó nữa, bằng không một ngày nào đó cậu lớn lên, cậu trưởng thành, cậu sẽ thấy hối hận về những gì cậu vừa nói với tôi.
Từ Sâm mở trừng trừng đôi mắt, rồi tự nhiên nhắm nghiền lại. Hình như cậu ta đang cắn nhẹ môi. Từ Sâm ngã người ra sau một chút. Đã có một khoảng cách nhỏ. Khuôn mặt Từ Sâm không còn đỏ mặt nữa mà tái đi. Lập tức Bảo Lâm hiểu ra. Nàng đã khiến cho Từ Sâm thấy tổn thương. Từ Sâm bị chạm tự ái.
Bảo Lâm bối rối. Đặt tay mình lên tay Từ Sâm, Bảo Lâm nói như giải thích, phân bua:
- Cậu thấy đó cậu Sâm. Cậu không hiểu được tôi đâu.
Ngừng một chút, nàng tiếp:
- Tôi bây giờ già rồi. Tôi không xứng đáng với cậu nữa.
Từ Sâm cắt ngang:
- Thôi đừng nói gì hết!
Khuôn mặt chàng có nét giận hờn của trẻ con. Chàng hất tay Bảo Lâm ra rồi thọc tay vào tóc với cái vẻ nũng nịu của trẻ con, trông rất dễ thương.
Từ Sâm vừa lắc đầu vừa nói:
- Tôi hiểu rồi, Lâm không coi tôi ra gì cả. Lâm cho tôi chỉ là một đứa con nít, chưa trưởng thành, chưa biết suy nghĩ. Lâm khi dể tôi. Chưa bao giờ tôi nhận ra điều ấy và thấm thía như lúc này.
Bảo Lâm vội vã nói. Nàng cũng không hiểu tại sao mình lại nói như vậy:
- Không phải vậy đâu, hoàn toàn không phải.
Từ Sâm buông tay xuống, nhìn thẳng Bảo Lâm:
- Không phải sao? Có nghĩa là Lâm không coi tôi là đứa con nít, phải không? Tôi dù sao cũng hai mươi bốn tuổi rồi. Tôi cũng đã đi làm, đã có một vị trí trong xã hội nhất định. Nói tóm lại, tôi đã trưởng thành, đã có nghề nghiệp, có trình độ và nhận thức rõ ràng những gì mình đang làm. Vậy thử còn gì nữa, Lâm hãy cho biết đi! Thế nào mới gọi là trưởng thành chứ?
Từ Sâm nhíu mày suy nghĩ. Đôi mắt chàng như van lơn, như cầu khẩn nhìn Bảo Lâm:
- Lâm hãy nói đi! Lúc Lâm nói chuyện tình yêu với La Dũng, bấy giờ hắn bao nhiêu tuổi?
Bảo Lâm mở to mắt. Nàng cảm thấy ngột ngạt khó thở. Nàng muốn nói với Từ Sâm:
- Cậu Sâm! Cậu biết không, chính vì có chuyện La Dũng mà tôi không muốn lầm lỡ, không muốn sa chân một lần nữa. Cậu không hiểu đâu. Cậu không hiểu vì sao tôi lại sợ tuổi trẻ như vậy, và vì sao tôi lại già thế này. Tất cả cũng chỉ vì tình yêu, vì nỗi đau.
Đầu óc Bảo Lâm lúc này lan man bao ý nghĩ. Bất giác nàng nói:
- Cậu Sâm này!
Bảo Lâm tiếp tục rất khẽ:
- Thuốc giảm đau cậu để đâu, cho tôi. Tôi cảm thấy đau quá, đau quá...
Lập tức, ngón đòn khỏa lấp được hữu hiệu ngay. Từ Sâm như gác mọi chuyện qua một bên, vội vã tìm trong đống thuốc ra viên thuốc Bảo Lâm cần.
Từ Sâm nhìn Bảo Lâm. Viên thuốc được uống ngay với nước lọc. Nhìn khuôn mặt nhăn nhó của Bảo Lâm, Từ Sâm chợt như hối hận. Lòng chàng buồn rười rượi. Đúng ra không nên, không nên nhắc đến tên La Dũng. Bảo Lâm đang bị đau vết thương ở tay, ta đành lòng nào lại nhắc đến vết thương ở tim nàng. Rõ thật tàn nhẫn!
Bảo Lâm tựa đầu vào ghế nói:
- Bây giờ cậu hãy cho tôi nghĩ một chút nhé. Chuyện kia để hôm khác sẽ bàn đến. Lúc nào tôi khỏe, tôi không còn đau, chúng ta sẽ có dịp bàn lại.
Từ Sâm nói nhanh:
- Lỗi tại tôi cả. Bảo Lâm nói đúng, tôi rõ ràng chưa trưởng thành. Tôi còn ích kỷ ngang ngạnh, chưa biết cách chìu chuộng, chăm sóc.
Từ Sâm có vẻ đau khổ về những gì mình làm không đúng lúc đã qua.
Bảo Lâm ngồi đấy, ngồi yên. Trong phút giây, nàng chợt thấy lòng mình thoáng một chút xúc động, nhưng nàng vẫn im lặng.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT