- Chu Đức Ân, chẳng lẽ ông còn bắt ta phải lên tiếng hỏi nữa hay sao? Lão Hắc ẩn cư đã mười năm nay trong động núi, suốt năm tháng không mở mồm, thành thử quen mất tật ít nói đi rồi. Mau đưa mấy vật đó ra đây kẻo mất thì giờ.
Ông già họ Chu quắc mắt nhìn lên, chưa kịp cất tiếng trả lời, bỗng từ góc tửu điếm có một chuỗi cười ha hả đưa ra, rồi một giọng nói như tiếng sấm rền vang :
- Hay hà hà... Tưởng Hắc lão ma hết không đổi tâm tính vi thiện, ra tay cứu nhân độ thế, ai ngờ cũng là một phường... ăn cướp. Hà hà...
Một giọng nói thứ hai cũng tiếp luôn :
- Độc Thủ Ma Vương vắng mặt giang hồ mười năm, oai phong vẫn không giảm bớt chút nào. Khả hỉ! Khả hỉ! Song gặp mặt cố nhân chẳng thấy lên tiếng chào hỏi một lời, chẳng lẽ cuộc gặp gỡ năm xưa ở Sinh Tử kiều, Truy hồn đã bị quên mất rồi hay sao?
Hai người vừa nói đó chính là hai lão đạo sĩ, một xấu một đẹp đầu đội mũ bát quái, mình mặc áo đoạn vàng trông rất sang đó vậy.
Hai lão đạo sĩ vừa đứng lên, đôi mắt đột nhiên sáng quắc như sao, chiếu nhìn Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo.
Khẽ nghiêng đầu nhìn về phía hai người, Độc Thủ Ma Vương cười nhạt đáp :
- Lão phu tuy tâm trí thất thường, đầu óc hỗn loạn, nhưng một trận huyết chiến ở Sinh Tử kiều mười hai năm trước làm sao quên được? Nhưng Cô Lâu song sát đừng vội đắc ý ngọn Bạch Cốt Tuyệt Mệnh châm của các ngươi sắp đến lúc hoàn lại cố chủ.
Thì ra hai lão đạo sĩ và Độc Thủ Ma Vương chẳng phải xa lạ với nhau mà cách đây trên mười năm nay đã có lần kịch chiến ở một nơi vô cùng khủng khiếp gọi Sinh Tử kiều.
Lần đó Độc Thủ Ma Vương bị hai lão đạo sĩ này, hồn danh là Cô Lâu song sát phóng một ngọn Bạch Cốt Tuyệt Mệnh châm vào tay, khiến Độc Thủ Ma Vương suýt táng mạng về chất độc trong mũi kim đó.
Cũng may Độc Thủ Ma Vương công lực cao siêu, nên y chỉ mất một ngày một đêm hành công vận khí, đã trừ được mũi kim nhỏ như sợi tóc và có tẩm độc dược kịch độc ra khỏi cơ thể. Tuy vậy Độc Thủ Ma Vương cũng không quên mối thù này và đã thề sẽ có ngày toán chướng.
Nguyên Cô Lâu song sát là hai tay ác sát ghê gớm của giới Hắc đạo. Cả hai không phải là người tu đạo, nhưng lại thích ăn vận quần áo đạo sĩ và thường kén chọn những loại áo quần rất sang, hoa mỹ để mặc. Đó cũng là một thứ quái tính đặc biệt của hai tên ma đầu này.
Người thứ nhất cao lớn, mặt mũi phương phi gọi là Bạch Sát Trùng Phong Nhĩ, còn người thứ hai thấp nhỏ, xấu xí đen đủi gọi là Hắc Sát Phùng Tế Bá. Nơi cư ngụ của chúng cũng là một nơi quái gở, ít người dám đặt chân đến, thuộc về miền Bắc Trung Hoa. Đó là một thung lũng (cốc) nhỏ quanh năm lạnh giá, đặc điểm là khắp cốc đó chỉ có xương người và sọ người trắng hếu với hàng ngàn đàn diều hâu và cú vọ làm tổ, nên được gọi là Cô Lâu cốc.
Thấy Độc Thủ Ma Vương nhắc đến mối thù xưa về ngọn châm độc. Hắc Sát Phùng Tế Bá cất tiếng cười the thé :
- Cô Lâu song sát lúc nào cũng sẵn lòng thừa tiếp cố nhân và muốn biết Âm Phong chưởng của cố nhân ngày nay đã được thêm mấy thành hỏa hậu rồi.
Độc Thủ Ma Vương “hừ” một tiếng đáp :
- Hai lão ma đầu chớ vội lo ngại, lão phu lúc này chưa có thì giờ nói chuyện đến mối thù xưa. Nhưng lão phu hãy hỏi hai người không ở Cô Lâu cốc làm bạn với mấy bộ xương người, còn đến đây làm gì?
Bạch Sát Trùng Phong Nhĩ ngửa mặt lên cười sằng sặc :
- Lão ma vương hỏi như vậy chẳng phải hồ đồ hay sao? Chẳng lẽ anh em Cô Lâu song sát lặn lội ngàn dặm tới đây chỉ cốt để uống mấy chén rượu hôi tanh của tửu điếm này hay sao?
- Lão ma vương tưởng chỉ có một mình tinh quái đi dò hỏi được tung của Côn Luân dị bảo, còn bọn chúng ta đều là đui mù cả, không ai biết gì hết?
- Lão ma vương dễ thường không biết từ đêm qua đến nay có cả chục cao thủ võ lâm theo đuổi hai ông cháu vị Chu đại hiệp này hay sao?
Ác chiến dưới mưa tuyết
Bầu không khí trong tửu điếm lúc này đã căng thẳng đến cực độ. Chưởng quầy và hai điểm tiểu nhị từ lúc thấy có chuyện xung đột, đao kiếm lạnh người, đã biết ngay có chuyện chẳng lành, nên đã khôn hồn bò rạp xuống đất, chui qua mấy gầm bàn rồi chạy qua cửa hậu đi mất, không dám trở về nhà nữa.
Bởi vậy trong tửu điếm lúc này chỉ còn toàn mấy nhân vật võ lâm với nhau.
Bên ngoài trời, mưa tuyết lại bắt đầu rơi, nên không mấy ai qua lại. Thành thử người thường không ai biết trong tửu điếm nhỏ bé này sắp xảy ra những trận kinh thiên động địa giữa những võ lâm cao thủ.
Lại nói chàng thanh niên áo trắng vẫn ngồi ở góc phòng, lúc này nghe thấy Bạch Sát nói đến có cả chục cao thủ đuổi theo ông cháu Chu đại hiệp để chiếm đoạt Côn Luân dị bảo, chàng không khỏi ngạc nhiên thầm nghĩ :
- Không ngờ một thanh kiếm và một kiếm phổ di vật của phái Côn Luân lại quý giá đến thế hấp dẫn toàn một loạt ma vương quỷ sứ đến nơi đây.
Chàng thanh niên đó có biết đâu việc này còn nhiều uẩn khúc bí mật chớ không phải chỉ có hai thứ dị bảo đó mà thôi và những trận thư hùng tranh đoạt sắp diễn ra còn khủng khiếp và rộng lớn gấp bội.
Bạch Sát Trùng Phong Nhĩ vừa nói dứt lời, Hắc Sát Phùng Tế Bá liền cười nhạt tiếp theo :
- Độc Thủ Ma Vương, người chớ có nuôi ảo vọng một mình chiếm đoạt di vật của phái Côn Luân nữa. Cả chục nhân vật võ lâm nhất tề xuất mã truy đuổi, không phải là để ngươi rút cục hốt tay trên đâu. Ngươi thử nhìn xem, ngay tại đây cũng có bao nhiêu người không chịu để cho ngươi toại nguyện đâu.
Độc Thủ Ma Vương giựt mình, quắc mắt dữ dằn nhìn quanh. Quả nhiên trong tửu quán ngoài hai ông cháu Chu Đức Ân và Cô Lâu song sát lại còn có những người khác nữa.
Chàng thanh niên áo trắng trông có vẻ thư sinh non chuẹt, chẳng đáng cho y quan tâm.
Nhưng hai lão hòa thượng ngồi im nhắm mắt kia chẳng phải tầm thường.
Lại nữa, đôi tay cực thính của y đã thoáng nghe tiếng chân người đạp trên tuyết ở đâu đây.
- Ồ, ồ... nhà ngươi cũng tưởng ta vào bọn với lũ người đi tranh đoạt di vật của kẻ khác hay sao? Ta chỉ tình cờ qua đây thôi, nhưng bây giờ thì ta không bỏ qua được nữa rồi.
Độc Thủ Ma Vương nhìn đến hai lão hòa thượng thì vừa lúc hai hòa thượng tủm tỉm cười như công nhận lời nói của Hắc Sát Phùng Tế Bá vừa rồi là đúng.
Hai hòa thượng bỗng mở bừng mắt từ từ đứng lên, một người cắt tiếng nói :
- A di đà Phật! Cô Lâu thí chủ nói quá lời đôi chút. Ở đây chẳng ai có quyền ngăn cản ai, nhưng hai di vật của phái Côn Luân chắc chắn phải thuộc về tay kẻ nào có công lực mạnh nhứt!
Độc Thủ Ma Vương quát :
- Hai hòa thượng kia ở đâu tới mà cuồng ngôn như vậy?
Hai hòa thượng vẫn mỉm cười nhắm mắt, tay chấp trước ngực, nhưng Bạch Sát Trung Phong Nhĩ đã cười lớn :
- Độc Thủ Ma Vương lâu ngày ẩn tích giang hồ, không còn biết trời đất gì nữa. Người không biết đó là hai nhân vật của Mâu Ni đường thuộc Bắc Thiếu Lâm đó hay sao?
Mâu Ni đường Bắc Thiếu Lâm! Chẳng cứ gì Độc Thủ Ma Vương mà tất cả mọi người trong tửu điếm đều giựt mình nhìn lại hai hòa thượng.
Phái Bắc Thiếu Lâm vốn là một trong những đại môn phái của võ lâm, vai vế ngang với phái Nga Mi.
Nhưng từ mấy năm nay khi Câu Hồn bang bắt đầu hoành hành trong thiên hạ. Không hiểu tại sao Bắc Thiếu Lâm ra lệnh cấm các đệ tử không được ra can thiệp đến chuyện ân oán trên giang hồ, rồi ngay cả các bậc cao tăng cũng ít thấy xuất hiện.
Vì lẽ đó, phái Nga Mi đột nhiên nổi bật trong võ lâm, ngôi chùa Thiên Phật tự của Bách Trượng thiền sư trở thành ngôi sao Bắc Đẩu trong võ lâm.
Như mọi người đều biết, trong chùa Thiếu Lâm chia ra nhiều khu vực lớn như Đạt Ma đường là nơi tham thiền tịnh tọa dành cho những bậc cao tăng tiền bối, chẳng những Phật học uyên thâm và cả đến võ học cũng thuộc vào hàng thượng đẳng, có thể nói đến mức siêu phàm nhập hóa.
Bởi thế, khi nghe nói đến hai vị hòa thượng này thuộc Mâu Ni đường, không ai tránh khỏi không giật mình kinh sợ. Với nhìn xem đó là những người thế nào?
Vị hòa thượng cao và gầy đét đứng bên phải, mỉm cười cất tiếng trầm trầm :
- Bần tăng là Tuệ Giác, còn vị này là sư đệ của bần tăng, pháp danh là Tuệ Hải. Hai anh em bần tăng đứng hàng thứ năm và thứ sáu trong Mâu Ni đường thuộc phái Bắc Thiếu Lâm, tuân lệnh vị Phương trượng của bổn tự đến đây thu mấy di vật của phái Côn Luân. Bổn phái mấy năm nay xa lánh giang hồ, nhưng dù sao vẫn mang danh là nguồn gốc của võ học Trung quốc, bởi vậy anh em bần tăng thỉnh cầu các vị thí chủ khỏi tương tranh xung đột, làm mất hòa khí võ lâm đồng đạo, để nhường lại cho anh em bần tăng thu lấy những di vật đó, khỏi nhục mệnh của vị Phương trượng. Dám mong chư vị nể mặt bổn phái chấp thuận cho.
Độc Thủ Ma Vương cười nhạt :
- Mấy hòa thượng là người tu hành, tất nhiên giới luật là không được tham vật của người khác. Vậy mà Thiếu Lâm bỗng dưng xen vào việc này, cũng tranh đoạt như ai, sao không sợ ô danh cửa Thiền?
Tuệ Giác thiền sư không hề tức giận, vẫn hòa nhã đáp :
- Hắc đàn việt đã nhầm rồi. Bổn phái không khi nào tranh đoạt của cải của người khác, vì như thế khác nào hành động của bọn đạo tặc thổ phỉ. Nhưng đối với các di vật của phái Côn Luân, bần đạo có quyền thu lại mà không sợ mang tiếng tranh đoạt. Chư vị đã rõ võ học Trung Quốc quy nguyên về một mối, bất luận Côn Luân, Nga Mi, Võ Đang đều bắt nguồn từ Thiếu Lâm. Chư vị là những người thâm cứu võ học, chắc hẳn không lạ gì điều đó. Đặc biệt là phái Côn Luân đối với bổn phái lại càng có nhiều uyên nguyên hơn nữa.
- Côn Luân Tam Thánh Tư Mã Minh mấy trăm năm trước đây là đệ tử của Kim Cương môn thuộc bổn phái.
- Thời đó vì Mông Cổ xâm lăng Trung Thổ nên võ lâm đồng đạo đã quyết định lập ra nhiều môn phái cốt để truyền bá võ học trong khắp thiên hạ, gây tinh thần chống giặc Thát Đát và đuổi xâm lăng ra ngoài bờ cõi. Chính vì thế vị Chưởng môn của bổn phái thời đó đã chấp thuận cho Tư Mã tổ sư đứng ra thiết lập phái Côn Luân trên núi Côn Luân.
- Xét ra như vậy phái Côn Luân thật ra chỉ là một chi nhánh của bổn phái mà thôi.
- Nay phái Côn Luân bị tai kiếp tan rã, các di vật của phái đó bị thất lạc, lẽ tự nhiên bổn phái ra công tìm kiếm và nếu có thu về cũng chỉ là việc hợp tình hợp lý mà thôi...
Tuệ Giác thiền sư chưa nói dứt lời, đột nhiên Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo quát lớn lên một tiếng, nhảy lai giữa tửu điếm, tay mặt đưa ra phía trước thành trảo, định chợp lấy gói hành lý mà bọn Tứ hung định cướp của thiếu niên, còn để rớt trên sàn nhà.
Độc Thủ Ma Vương thấy nói năng nhiều lời vô ích, y định ra tay cướp lấy gói hành lý đó trước, rồi sau sẽ hay.
Nhưng Độc Thủ Ma Vương khom xuống tay chưa chạm đến bọc hành lý trên mặt đất, y đã phải đứng thẳng người lên vội vã đưa cả hai chưởng ra phía trước đỡ đòn.
Thì ra lúc Độc Thủ Ma Vương nhảy tới cướp, hai đạo sĩ Cô Lâu song sát cũng không chút chậm trễ, tấn công luôn. Cô Lâu song sát cùng ra tay một lúc, chưởng pháp của hai đạo sĩ này thuộc loại song luyện, mấy chục năm nay họ ở Câu Lâu cốc bên những xương người trắng hếu, cùng luyện được một môn võ công rất âm độc là Bạch Cốt chưởng.
Lúc này cả hai cùng nhằm người Độc Thủ Ma Vương đánh ra một ngọn Bạch Cốt chưởng song luyện, nên uy thế kinh khủng vô cùng.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo không dám coi thường, vội giở Âm Phong chưởng, vận đến tám thành công lực ra đối phó, “Bùng”!
Hai luồng chưởng lực thâm hậu giao nhau phát ra tiếng nổ dữ dội như tiếng sấm. Đồng thời cả tòa nhà tửu điếm cột gỗ cùng vách ván rung rinh như muốn sập, bụi cát từ mái nhà rớt xuống rào rào. Nhiều tiếng rú hãi hùng xung quanh tửu điếm nổi lên, đó là những cư dân lân cận, kinh hoảng vì tiếng nổ như sấm và sự chấn động khiến nhà cửa của họ cũng rung chuyển.
Trong tửu điếm, bụi cát còn bay mù đã thấy Độc Thủ Ma Vương phát ra tiếng cười sằng sặc. Thì ra y đã phải lùi lại một bước, nhưng anh em đạo sĩ Cô Lâu song sát phải lùi ra hai bước. Cô Lâu song sát hợp chưởng đánh không nổi đối phương, trái lại còn phải lùi hơn đối phương một bước, rõ ràng là công lực của Độc Thủ Ma Vương đã cao hơn một bực.
Nhưng tiếng cười của Độc Thủ Ma Vương đột nhiên phải gián loạn. Hai hòa thượng Bắc Thiếu Lâm chẳng nói chẳng rằng bỗng vung tay áo, bốn chưởng cùng tung ra, nhằm Độc Thủ Ma Vương tấn công một lượt.
Không biết chưởng lực của hai nhà sư thuộc loại công phu nào, nhưng thật quái dị vô cùng. Từ bốn cánh tay rộng thủng thỉnh của tăng bào phát ra bốn luồng chưởng phong, mới đầu âm nhu huyền diệu, vô thanh vô sắc, nhưng khi công đến gần đối phương, bỗng nhiên chưởng lực bốc phát ào ào như gió lốc, mạnh mẽ dị thường.
Hai anh em Cô Lâu song sát cả chục năm trời ẩn cư tại Cô Lâu cốc để nghiên cứu võ học bên những đống xương người, nên tinh thông võ học vô cùng. Nhác trông thấy luồng chưởng phong của hai hòa thượng Tuệ Giác và Tuệ Hải đánh, cả hai kinh sợ rú lên :
- Kim Cương chưởng!
Đúng vậy, chưởng pháp của hai nhà sư chính là Kim Cương chưởng, một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm. Nguyên Kim Cương chưởng pháp là một môn võ học rất tinh túy ở cuốn kinh Phật giáo, tên gọi “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật”, thuộc về ngoại công lấy chữ “Cương” làm tiêu chuẩn vận dụng thuần dương cương khí toàn thân, rồi sử dụng trí tuệ võ thượng vô biên gọi là “Bát Nhã Ba La Mật” thì không sao luyện được chưởng pháp này.
Kim Cương chưởng còn một hình thức siêu đẳng nữa, gọi là Kim Cương chỉ. Tức là thay vì dùng chưởng, người ta chỉ cần dùng chỉ cũng phát huy được uy lực Kim Cương. Nhưng những nhân vật luyện được Kim Cương chỉ có lẽ chẳng có mấy người và trừ phi là những cao tăng đức độ và khổ hạnh một thế nhân ở chùa Thiếu Lâm mới đạt tới công phu xuất thần nhập hóa này.
Lại nói khi chưởng phong của Kim Cương chưởng ào ào như giông bão cuốn tới, Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo cả kinh, biết là nguy cơ ghê gớm.
Mặc dầu tâm trí thất thường vì chứng khùng năm xưa, Hắc Tôn Hạo cũng như những võ lâm cao thủ khác, khi lâm trận giao chiến trí óc tự nhiên trở nên minh mẫn khác thường.
Y biết rằng Kim Cương chưởng uy mãnh vô song, nếu đường đường chính diện chống đỡ, y khó lòng giữ nổi cho khỏi bị nội thương trầm trọng. Bởi vậy trong khoảnh khắc mấy sao đồng hồ đó, y đã linh cơ ứng biến, vội vàng trầm mình xuống, rồi vận dụng hết sức bình sinh. Tụ tập tới mười tám thành công lực của Âm Phong chưởng, từ dưới đẩy lên trên, để gạt đỡ luồng chưởng phong dũng mãnh của Kim Cương chưởng đang phóng tới.
Những tiếng nổ lần này thật kinh thiên động địa, dữ dội hơn lần trước rất nhiều.
“Ầm... ầm! Bung!”
Hai luồng chưởng phong cùng ghê gớm xô vào nhau, nhưng không đứng vào thế chính giác gặp nhau, mà lại cùng bốc ngược lên.
Thành thử Kim Cương chưởng lực bị gạt bốc thẳng lên. Đồng thời Âm Phong chưởng lực của Độc Thủ Ma Vương cũng theo đà bay lên họp lại thành một luồng gió thần tốc như bão tố, bốc tung cả mái nhà tửu điếm bay lên trời.
Mọi người đều giựt mình kêu lên một tiếng to kinh hãi, trong khi rui nhà, xà nhà và ngói vụn rớt xuống ào ào.
Nhưng kinh lạ hơn hết thảy là mái nhà vừa bốc lên, trên mái nhà bỗng có tiếng cười sằng sặc rất quái dị, tiếng cười trước còn lanh lảnh, sau nghe the thé rợn người. Đồng thời một bóng người mặc áo đen, mượn sức chưởng phong bốc lên, đã từ mái nhà bay tạt sang một bên nhẹ nhàng như chim én. Trong khoảng chớp mắt đó mọi người đều giật mình, không ngờ trên mái nhà tửu điếm cũng có người nấp.
Cứ theo tiếng cười lanh lảnh vừa phát ra đó, người nấp trên mái nhà tửu điếm phải là một người đàn bà. Nhưng chỉ một thân pháp nhảy tránh như én liệng đó, nhất là người đó lại có thể cưỡi được chưởng phong ghê gớm của Kim Cương chưởng và Âm Phong chưởng hợp nhất mà không bị thương, chỉ một việc đó cũng khiến mọi người hiểu người đàn bà đó nấp trên mái nhà là một tay võ công thượng thặng rồi.
Nói thì lâu, nhưng sự việc xảy ra rất chóng, dễ thường chỉ trong chớp mắt. Sau khi gạt được Kim Cương chưởng lực bốc lên cao, Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo cũng bị đẩy lùi lại, loạng choạng luôn mấy bước lùi về phía sau, trong khi bụi cầu gạch ngói rụng như mưa, cả hai lao đầu ra phía cửa định phi thân chạy trốn.
Hai bóng người đó chính là hai anh em đạo sĩ Cô Lâu song sát. Hai đạo sĩ này vừa thấy ở mái nhà lại xuất hiện một cao thủ nữa, trong khi phía dưới này đã có sẵn mấy tay kình địch, công lực quá cao, sức họ không địch nổi, nên biết rằng việc tranh đoạt hôm nay rất khó, các cao thủ thượng đỉnh của võ lâm không biết sao kéo nhau đến đây quá nhiều.
Bởi vậy Cô Lâu song sát nghĩ rằng chỉ có cách ra tay trước cướp đoạt lấy di vật của phái Côn Luân để trong gói hành lý rồi tẩu thoát là kế hay nhất. Nhân lúc còn lộn xộn, Cô Lâu song sát ra tay ngay, quả nhiên cướp được gói hành lý đó.
Nhưng hai đạo sĩ chỉ chạy ra được đến cửa tửu điếm thì nhà sư Bắc Thiếu Lâm đã cười nhạt, giơ tay nhanh như gió, đánh với theo một luồng chưởng phong kinh người.
Hai đạo sĩ đang phi thân, người còn cách mặt đất, bỗng kêu rú lên một tiếng thảm thiết, rớt xuống đất nằm gục xuống như hai con chim đang bay bị trúng tên. Hai ngọn Kim Cương chưởng của Tuệ Giác thiền sư và Tuệ Hải thiền sư đã đánh trúng lưng của Cô Lâu song sát, nên cả hai đã ngã lăn ra, gói hành lý vừa cướp được cũng bắn tung ra một bên, ngay trước cửa tửu quán.
Cô Lâu song sát cũng bị trúng thương rất nặng, nhưng cả hai đều là cao thủ thượng thặng, nên không bị ngất đi. Hai đạo sĩ gượng ngồi dậy, Cô Lâu Bạch Sát Trùng Phong Nhĩ thổ ra một đống máu, còn Cô Lâu Hắc Sát Phùng Tế Bá bị chưởng phong đánh trượt qua bả vai trái, nên cánh tay trái lúc này lủng lẳng như gãy. Công lực đã mất hết, Cô Lâu song sát không đứng lên được nữa, đành ngồi tại chỗ, ngay trên tuyết trắng để điều tức vận công chữa thương.
Trong tửu điếm, hai hòa thượng Bắc Thiếu Lâm chậm rãi bước ra cửa, Tuệ Giác thiền sư lạnh lùng nói :
- A di đà Phật! Anh em bần tăng rất tiếc đã phải đả thương hai vị Cô Lâu thí chủ, nhưng việc này cũng là một bài học cho những vị nào cướp đoạt hai món di vật của phái Côn Luân. Anh em bần tăng...
Tuệ Giác thiền sư chưa nói dứt lời bỗng ngưng bặt, chưng hửng nhìn ra phía trước mặt.
Thì ra ở ngay cửa tửu điếm đã có một dãy người đứng thành hàng từ bao giờ. Nhưng người này có tới hơn chục người đứng thành từng nhóm, chỗ hai người, chỗ ba người, cũng có người đứng riêng một mình, chứng tỏ họ đi thành từng nhóm khác nhau.
Chỉ nhìn qua cũng đủ hiểu đó là những nhân vật võ lâm, đủ loại chính tà của các môn phái, già có trẻ có. Tất cả đều đứng im lìm như pho tượng dưới mưa tuyết lăn tăn, mắt nhìn đăm đăm bọc hành lý lăn lóc bên cạnh hai anh em Cô Lâu song sát đang ngồi vận công.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo nhìn thấy quang cảnh đó, liền tiến lên vài bước cười săng sặc :
- Không ngờ võ lâm truyền tin mau lẹ đến thế, mới có mấy ngày mà võ lâm đồng đạo đã bảo nhau kéo đến đông đủ như thế này. Ha... ha... Báu vật thì có ít, anh hùng hảo hán lại nhiều. Làm sao chia cho xuể? Trừ phi một trận thử tài đọ sức mới xong thôi?
Trong số những người đứng ở phía ngoài, bỗng có một ông già lùn, mặc áo bông, tay cầm ống điếu, “hừ” một tiếng nói :
- Độc thủ lão ma chớ có nhiều lời vô ích. Nhà ngươi liệu có đủ tài sức hãy ra tay cướp đoạt cuốn kiếm phổ và thanh nhuyễn kiếm của phái Côn Luân đi. Còn nếu tự lượng sức mình kém cỏi thì mau rút lui như anh em Bàn Xủng tứ hung cho đỡ vướng chân những người khác.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo nhìn người đó rồi quát lớn :
- Tu lão nhị làm sao phóng ra những lời hôi thối đó? Tu Gia Tam Kiệt các ngươi chưa được biết tin phong chưởng của lão phu hay sao mà dám buông lời ngạo mạn với Độc Thủ Ma Vương này?
Bọn Tu Gia Tam Kiệt định cất tiếng trả lời, bỗng có tiếng nói nghiêm trang vang lên :
- Các vị đều là những võ lâm danh thủ, không thấy sỉ nhục hay sao mà còn cải nhau vậy? Phi Long thần kiếm và Âm Dương Thái Cực kiếm phổ đều là vật di bảo của phái Côn Luân, tức là do người Chưởng môn phái đó giữ. Phái Côn Luân chẳng may bị tai kiếp tan rã, những báu vật trấn sơn của phái Côn Luân bị thất lạc mất hết, duy chỉ còn thanh thần kiếm và kiếm phổ đó được vị Chu chưởng môn giữ được, rồi truyền cho con cháu, như vậy đã thành bảo vật riêng của Chu gia rồi. Quí vị lấy quyền gì mà đòi tranh đoạt hai vật báu đó? Ngay cả hai vị đại sư của phái Bắc Thiếu Lâm cũng không thể dùng hoa ngôn diệu ngữ, mong chiếm đoạt hai vật báu đó được.
Tai biến trong phái Côn Luân
Người vừa nói lên mấy lời đó chính là ông già ốm yếu tên gọi là Chu Đức Ân đi cùng cậu thiếu niên có gói hành lý bị tranh đoạt.
Mọi người nghe nói quay đầu nhìn phía ông già đang đứng bên thiếu niên. Lúc này mái tửu điếm đã bị tốc lên bay đi mất, nên mưa tuyết bắt đầu lả tả rơi xuống phủ lên đầu hai người đó. Ông già nói rồi thở hổn hển, có vẻ bị trúng thương chưa khỏi.
Tuệ Giác thiền sư có vẻ ngạc nhiên hỏi :
- Lão thí chủ là người thế nào của Chu gia?
Chu Đức Ân cười nhạt đáp :
- Lão phu chính là bào đệ của Chưởng môn đời sau cùng của phái Côn Luân tức là Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải đó vậy. Lão phu là Chu Đức Ân.
Tuệ Giác thiền sư gật gù chấp tay :
- Té ra lão thí chủ chính là Chu Đức Ân Chu đại hiệp, thường được giang hồ gọi là Lâm Tuyền kiếm khách đó à? Lão nạp không biết cam tội thất kính.
Lâm Tuyền kiếm khách Chu Đức Ân gượng cười nói có vẻ mệt nhọc :
- Không dám, không dám. Tại hạ đâu nhận lãnh mấy chữ “đại hiệp” hay “kiếm khách”. Đêm qua gặp cường địch, thân bị trọng thương, đến nỗi tự mình không bảo vệ nổi mình, nghĩ thật hổ thẹn vô cùng.
Sau khi Lâm Tuyền kiếm khách Chu Đức Ân xưng danh, hầu hết các nhân vật võ lâm có mặt tại đó đều biết mặt Chu Đức Ân nên không ai lấy làm ngạc nhiên. Vả lại cả bọn đều là những người vì mấy thứ di vật của phái Côn Luân mới đến đây, lẽ tất nhiên họ đã biết Chu Đức Ân là người thế nào.
Duy có chàng thanh niên mặc áo bào trắng, mặt mũi tuấn tú, thân hình mềm mại như thư sinh, tình cờ được chứng kiến việc này từ đầu, đến khi nghe thấy mấy chữ “Lâm Tuyền kiếm khách”, chàng không khỏi ngạc nhiên, cau mày nghĩ ngợi :
- Lâm Tuyền kiếm khách Chu Đức Ân, tên nghe quen quá, hình như ta đã được nghe thấy khi còn ở trang trại. Chẳng Chu đại hiệp này là người có giao du với phụ thân ta hay sao?
Nghĩ vậy, chàng lại càng quyết để ý ngầm theo dõi vụ này và chăm chú nhìn hành động của các nhân vật võ lâm đứng đó.
Tuệ Giác thiền sư đưa mắt nhìn quanh đám nhân vật võ lâm đứng đó một lượt, rồi nhìn tới gói hành lý của thiếu niên đang nằm dưới tuyết trắng, chưa ai dám xông lại cướp từ lúc anh em Cô Lâu song sát bị đánh trọng thương.
Nét mặt lạnh lùng, Tuệ Giác thiền sư lên tiếng nói :
- A di đà Phật! Chư vị anh hùng hãy nghe bần tăng nói mấy lời đây. Vừa rồi trong tửu điếm bần tăng đã nói uyên nguyên của phái Côn Luân đối với tệ phái là phái Thiếu Lâm. Phái Côn Luân tất nhiên phải quy hoàn về bổn phái mới hợp tình hợp lý. Bần tăng có mấy lời thưa trước như vậy để chư vị anh hùng khỏi có điều gì dị nghị về sau...
Tuệ Giác thiền sư chưa nói dứt lời, trong đám nhân vật võ lâm có mặt tại đó đã nổi lên những tiếng nhao nháo, phản đối, tỏ thái độ bất mãn.
Bất chấp tình trạng đó, Tuệ Giác thiền sư điềm nhiên quay lại nói với Chu Đức Ân :
- Chu đại hiệp, bần tăng cũng mong đại hiệp hoan hỉ để cho bần tăng tiếp nhận di vật đó đem về bổn tự. Đại hiệp chắc hẳn cũng nhận thấy rằng tình thế này mà đại hiệp không thể nào giữ nổi thanh thần kiếm và cuốn kiếm phổ đó nữa, mà còn mang họa vào thân.
Tuệ Giác thiền sư nói mấy lời đó chẳng qua là chiếu lệ đứng trước quần hào đông đủ để giữ chút thể diện cho bổn môn tránh khỏi mang tiếng là cướp đoạt của kẻ cô thế. Sự thật, Chu Đức Ân lúc này đã bị trọng thương, làm sao có thể đối địch nổi với một nhân vật lợi hại như Tuệ Giác thiền sư.
Không ngờ Lâm Tuyền kiếm khách Chu Đức Ân quát lớn :
- Không! Phái Côn Luân tuy bị tan rã, nhưng dòng dõi Chưởng môn nhân vẫn còn. Đại sư không thể cưỡng tình đoạt lý như thế được.
Thiếu niên mặt mũi lem luốc đứng cạnh Chu Đức Ân bỗng tiến lên một bước, lớn tiếng nói :
- Giang hồ võ lâm làm gì có quy lệ lạ lùng như thế? Báu vật trấn sơn của phái Côn Luân làm sao trao cho phái Thiếu Lâm? Nói đi nói lại thế nào cũng mặt, chung quy các ngươi chỉ là những nhân vật vô sỉ lâm le tranh đoạt của báu của người khác thôi...
Chu Đức Ân vội gọi :
- Thanh nhi, con không được nói càn.
Bỗng có tiếng quát như tiếng sấm :
- Tiểu tử này là đứa nào mà dám xấc láo như vậy?
Người vừa quát hỏi chính là Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo. Nguyên Độc Thủ Ma Vương cải trang làm nông phu đến đây, đã chắc nhẩm thế nào cũng chiếm được hai báu vật đó một cách dễ dàng. Ai ngờ khi tới nơi sự việc lại lôi thôi phức tạp đến thế này và kéo đến cả mấy chục địch thủ một lúc, làm sao y không nổi nóng.
Thiếu niên quay trở về phía Độc Thủ Ma Vương cất tiếng lanh lảnh quát lai :
- Lão ma vương khùng kia, ai sợ ngươi chớ thiếu gia đâu có sợ? Ngươi muốn biết thiếu gia là ai? Thiếu gia nói cho ngươi rõ, thiếu gia chính là chủ nhân chính thức của hai báu vật phái Côn Luân đó vậy. Nếu võ lâm còn chút đạo nghĩa nào tất nhiên phải công nhận lẽ phải, chớ không thể nào tính chuyện cướp đoạt như phường lục lâm thảo khấu đó được.
- Y chính là cháu đích tôn của Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đức Hải, Chưởng môn nhân đời chót của phái Côn Luân đó vậy, tức là người làm chủ hai báu vật mà quý vị muốn tranh cướp đó.
Nguyên năm xưa Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải tiếp nhận chức Chưởng môn của phái Côn Luân được ít lâu thì trong môn phái xảy ra tai biến ghê gớm đưa đến cảnh huynh đệ tương tàn.
Nguyên nhân của tai biến này vẫn còn là một sự bí mật được giữ rất kín, võ lâm cũng không biết tại sao. Người ta chỉ biết rằng phái Côn Luân thời đó tuy không được phát triển mạnh bằng các đại môn phái như Thiếu Lâm, Võ Đang, Không Động, Nga Mi. v. v... nhưng vẫn còn uy phong của một đại môn phái.
Phái Côn Luân nổi danh là đệ nhất kiếm phái trong thiên hạ. Nghĩa là về kiếm pháp, Côn Luân còn hơn hẳn cả phái Thiếu Lâm, thường được coi là đứng đầu các môn phái. Bởi vậy dù có kém phát triển trong vài chục năm, môn hạ ít đi, những nhân tài không còn nhiều như trước, nhưng vẫn được võ lâm kính nể trọng vọng.
Chẳng ngờ sau khi Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải tiếp nhận chức Chưởng môn độ một năm, bỗng nhiên phái Côn Luân bị một cường địch ghê gớm tấn công. Cường địch đó là ai, bao nhiêu người, thuộc môn phái nào và lý do gì đã tấn công Côn Luân, điều đó tuyệt nhiên không ai hay biết. Một số ít người là những nhân vật lãnh đạo của Côn Luân biết rõ chuyện này nhưng sau đó người bị giết, người mất tích, tản mát hết. Rồi chính người sống sót cũng im lặng luôn, không chịu thổ lộ ra ngoài.
Giữa lúc bị cường địch tấn công, phái Côn Luân lại sinh nội loạn, chính những môn hạ đệ tử của Côn Luân lại chém giết lẫn nhau, gây thành thảm trạng ghê gớm. Sau trận tàn sát này, phái Côn Luân tan rã. Một số ít đệ tử xa cũng không thoát nạn, bị kẻ thù tầm nã giết chết hết. Cũng có người sống sót, nhưng phải mai danh ẩn tích, không dám lộ hình tung nữa vì sợ họa bất kỳ.
Trong lúc cường địch tấn công và sinh nội loạn đó, phái Côn Luân có năm thứ bảo vật trấn sơn đã bị cướp mất ba, chỉ còn lại hai.
Ba thứ bị cướp đoạt là một chiếc gậy ngọc màu xanh, chiếc gậy này không biết vì lẽ gì về sau đã rơi vào tay Thần Cái Xa Triệt, rồi đến khi kịch đấu trên ngọn Gián Vân phong, Thần Cái Xa Triệt bị Câu Hồn bang chủ sát hại. Chiếc gậy ngọc đó rơi vào tay Câu Hồn bang chủ.
Vật thứ hai là một lọ linh dược rất quý, tên gọi là “Tục Mệnh hoàn” có năng lực cải tử hoàn sinh, do một vị Chưởng môn nhân thuộc đời thứ mười hai, tên gọi Nhất Dương chỉ, có tiếng là Thần Y của võ lâm đã mất sáu mươi năm nghiên cứu tìm tòi và tu luyện mới tạo thành.
Vật thứ ba là một cuốn mật cấp võ học, tục truyền do chính vị Sư tổ khai sáng phái Côn Luân để lại, trong đó có cả bút tích của nhân vật này. Cứ theo lời đồn đại của võ lâm thì người nào đoạt được cuốn mật cấp này và có đủ công lực tu luyện sẽ đạt đến mức kiếm tiên, sai khiến được kiếm khí hay phi kiếm phi đao.
Tuy nhiên đây chỉ là một lời đồn đại không rõ hư thực ra sao. Qui luật của phái Côn Luân rất nghiêm khắc, chỉ có vị Chưởng môn nhân và mấy vị Trưởng lão cao niên bắt đầu ẩn cư, mới được quyền biết chỗ để các báu vật trấn sơn, còn việc mở ra xem thì đó là việc hạn hữu, dù người Chưởng môn cũng không phải bỗng dưng được phép mở những mật cấp của môn phái ra đọc.
Trong cơn tai biến, ba vật báu đó đã mất. Nhưng còn hai vật nữa là một thanh nhuyễn kiếm quý giá vô song và sắc bén như kim cương, có thể chém sắt như chém bùn, tên gọi là Phi Long thần kiếm, và vật thứ hai là một cuốn kiếm pháp tên gọi là Âm Dương Thái Cực kiếm pháp, hai báu vật đó may mắn đã được Chưởng môn là Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải thâu lại kịp, không đến nỗi để lọt vào tay địch.
Nói về Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải thì việc vị Chưởng môn nhân này thoát hiểm và sống sót cũng là cả một sự ly kỳ bí mật, không ai biết rõ sự thật ra sao.
Lúc đó Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải là một tay kiếm khách số một số hai của võ lâm, danh vang bốn bể. Oai vọng của Chu Đại Hải rất lớn, võ lâm rất kính nể, bởi vì Chu Đại Hải chẳng những tài cao nghệ tinh, mà đức độ lại hơn người, từ lúc còn thanh niên đã hành hiệp giang hồ, cứu nhân độ thế.
Sư phụ của Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải chính là vị Chưởng môn nhân đời trước đó một bậc, pháp danh là Huyền Diệu chân nhân. Vị Huyền Diệu chân nhân này trước khi xuất gia tu đạo là một tay kiếm khách kỳ tài của phái Côn Luân, người vợ cũng là một tay tứ hiệp giang hồ hành đạo.
Hai vợ chồng kiếm khách đó sinh hạ được một người con gái, nhưng vừa sanh xong thì người vợ từ trần. Huyền Diệu chân nhân vô cùng thương xót và cũng chán nản thế tục, liền lên núi Côn Luân tu đạo. Người con gái của Huyền Diệu chân nhân không biết võ nghệ nhưng nhan sắc cực kỳ xinh đẹp, được Huyền Diệu chân nhân đem gả cho ái đồ tức là Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải.
Thành ra Chu Đại Hải vừa là môn đệ vừa là con rể của Huyền Diệu chân nhân. Cũng vì lẽ đó, Huyền Diệu chân nhân sau lên làm Chưởng môn phái Côn Luân đã đem hết tài nghệ bình sinh truyền thụ cho Chu Đại Hải. Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải được mười phần chân truyền của sư phụ, nên đã thành một tay đệ nhất kiếm khách trong thiên hạ.
Trước khi Huyền Diệu chân nhân cưỡi hạc về trời, ông đã đem ngôi vị Chưởng môn phái Côn Luân truyền lại cho con rể và đồ đệ yêu tức là Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải vậy.
Sau khi phái Côn Luân gặp tai biến tan rã, Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải thoát nạn, nhưng cũng biệt tích luôn không thấy xuất hiện trên chốn giang hồ nữa.
Võ lâm thời đó đồn đại rằng Chu Đại Hải phẫn chí về sự tan rã của môn phái nên đã hóa điên khùng và rồi chết một cách âm thầm ở trên hoang sơn rừng thẳm.
Thật sự Chu Đại Hải đưa vợ về một vùng thôn dã hẻo lánh, sống một cuộc đời quy ẩn nhàn hạ, không màn đến thế sự và chuyện ân oán của giang hồ nữa.
Vợ chồng Chu Đại Hải sinh hạ được một người con trai duy nhứt, tên gọi là Chu Thiên Long mặc dầu võ công chân truyền của cha, cũng không ra mặt trên chốn giang hồ bao giờ.
Đến khi vợ chồng Chu Đại Hải cưỡi hạt quy tiên, Chu Thiên Long nối chí cha trông nom trang trại, sống cuộc đời gần như quy ẩn. Chu Thiên Long cưới một người con gái thuộc một gia đình nông phu làm vợ. Vị phu nhân này không biết võ công, sinh hạ được một người con, rồi cũng từ trần luôn ngay từ lúc đứa con còn nằm ngửa.
Cậu thiếu niên vừa nhiếc mắng Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo chính là con của Chu Thiên Long, tên gọi là Chu Uyển Thanh đó vậy.
Văn nhân hòa giải
Lại nói tình thế trước tửu điếm lúc đó khẩn trương vô cùng. Thiếu niên nhiếc mắng một lão ma đầu như Độc Thủ Ma Vương trước quần hùng, khiến bầu không khí cực kỳ căng thẳng.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo tức giận như điên cuồng, râu tóc dựng ngược, mặt mũi nhăn nhó trông khó coi vô cùng. Quá tức giận, Độc Thủ Ma Vương lặng người đi một lúc, rồi mới chỉ tay vào mặt thiếu niên, quát như sấm nổ :
- Tiểu tử, ngươi không muốn sống mới dùng lời lẽ ngông cuồng đó với lão gia.
Vừa quát tháo y vừa từ từ tiến lại trước thiếu niên. Độc Thủ Ma Vương đã nổi hung tính nên mắt y đỏ ngầu, hai chưởng của y giơ lên về phía trước, vận dụng khí lực toàn thân để chuẩn bị tấn công. Y chưa phát chưởng nhưng từ người y đã toát ra một luồng khí lạnh rất âm u đó là nội lực Âm Phong chưởng đã tụ đến lúc cực thịnh.
Thiếu niên đó chính là Chu Uyển Thanh cháu đích tôn của Hoàng Sơn Nhất Kiếm Chu Đại Hải, người Chưởng môn đời chót của phái Côn Luân, nên đã học được võ công chân truyền của phái Côn Luân do nội tổ và phụ thân truyền thụ. Bởi vậy vừa rồi chỉ đấu có mấy hiệp, bọn Bàn Xủng tứ hung đã bị thảm bại về tay Chu Uyển Thanh.
Tuy nhiên đối với một đại ma đầu như Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo, võ công vào bậc nhứt lưu cao thủ, đã gieo khủng khiếp trong võ lâm mười năm trước, thì tình thế lại khác hẳn. Lâm Tuyền kiếm khách Chu Đức Ân thấy thế giật mình, lo ngại cho cháu mình, định giơ tay ngăn cản, nhưng lúc đó Chu Đức Ân đã bị trọng thương, nếu có đấu với Độc Thủ Ma Vương chẳng khác nào trứng chọi đá.
Vả lại dù muốn ngăn cản cũng quá muộn. Độc Thủ Ma Vương đã tiến tới trước mặt Chu Uyển Thanh rồi.
Tất cả các nhân vật võ lâm đứng đó, chỉ vì chuyện tranh cướp di vật của phái Côn Luân nên đến đây, chợt thấy Độc Thủ Ma Vương nổi sát tính, tiến lại thiếu niên như vậy, mọi người đều nghĩ ngay rằng hai ông cháu Chu Đức Ân khó lòng thoát khỏi độc thủ của lão Ma Vương tàn ác có tiếng trên chốn giang hồ.
Chu Uyển Thanh thấy Độc Thủ Ma Vương hung hãn như vậy, cũng giật mình kinh hãi, vội rút thanh gươm lên định đối phó. Không ngờ Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo bỗng cười ha hả, giơ tay lên khẽ phẩy, từ ống tay một luồng kình phong bay ra cuốn lấy thanh gươm.
Chu Uyển Thanh kêu lên một tiếng hoảng sợ, thanh kiếm trong tay bỗng thấy run dữ dội, bàn tay vô cùng ê ẩm, đành phải buông ra cho thanh kiếm rớt xuống đất nghe keng một tiếng, Chu Uyển Thanh mặt tái mét lùi lại một bước.
Chu Đức Ân vội kêu lên một tiếng :
- Thanh nhi...
Đoạn Chu Đức Ân tiến lên định cản trở cho cháu. Nhưng Độc Thủ Ma Vương cười nhạt khẽ dùng chưởng bên trái đẩy ra, một luồng kình phong bay đến đập vào người Chu Đức Ân nghe “hự” một tiếng. Chu Đức Ân ôm ngực, mồm bọc ra một đống máu tươi, ngã ngồi xuống đất.
Lâm Tuyền kiếm khách Chu Đức Ân năm xưa cũng là đệ tử phái Côn Luân, võ công không phải tầm thường. Nhưng đêm hôm trước gặp nhiều cường địch đánh đuổi, ông đã bị đánh trúng một ngọn Thiết Tâm chưởng nội thương cực trọng, bao nhiêu công lực tản mất hết, cho nên dù có đối phó với những tay bản lãnh tầm thường chưa chắc đã kháng cự nổi, nói gì đến việc gặp một tay ma đầu võ công thượng thặng như Độc Thủ Ma Vương.
Chu Uyển Thanh thấy thúc tổ phụ bị thương, kinh hãi quá đỗi, đứng chết lặng ngây người ra. Còn Độc Thủ Ma Vương cất tiếng cười rất ghê rợn như điên cuồng, chưởng tay mặt giơ lên cao, đôi mắt hung quang sáng lóe. Chỉ một chưởng đó bổ xuống, nếu Chu Uyển Thanh không nát óc thì cũng tan thây.
Giữa lúc đó, bỗng có một bóng người mặc áo trắng rảo bước đi tới, len chân đứng ngay trước mặt Độc Thủ Ma Vương.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo sắp sửa hạ chưởng kết liễu tính mạng Chu Uyển Thanh, bỗng thấy có người chen đến trước mặt, y ngạc nhiên nhìn. Đó là một thanh niên mặt mũi tuấn tú, dáng người mảnh khảnh, mặc áo dài trắng, đội mũ thư sinh, rõ ràng đó là một văn nhân chớ không phải một nhân vật võ lâm.
Thì ra người vừa bước tới đó chính là thanh niên áo trắng bước vào tửu điếm từ đầu và được chứng kiến vụ này từ đầu đến cuối.
Đến lúc đó quần hùng mới để ý đến chàng thanh niên này. Vì từ nãy giờ chàng ta vẫn ngồi yên bên bàn rượu ở góc tửu điếm, có vẻ là người ngoài cuộc không dính líu gì đến việc này.
Thanh niên áo trắng đến tước mặt Độc Thủ Ma Vương, nét mặt vẫn thản nhiên tươi cười như không biết có một ngọn chưởng kinh thiên động địa đang giơ cao trên đầu, chàng chấp tay nói :
- Các hạ chẳng nên tức giận hung hãn như vậy làm gì. Có điều gì không nên không phải, chẳng bằng lòng, ta nên dùng lời lẽ tranh luận, rồi tìm phương kế hòa giải êm mãn cho đúng với câu Thánh Hiền đã dạy “Dĩ hòa vi quý”, chớ không nên bỗng dưng bỗng chốc “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” như vậy.
Các nhân vật võ lâm đứng quanh đó không khỏi tức cười, cho rằng thanh niên thư sinh quả là một hủ nho chẳng biết trời cao đất thấp ra sao hết. Giữa lúc tình thế cực kỳ nghiêm trọng, tính mạng người treo trên sợi tóc, ai lại đem lời thánh hiền nói với một tên ma đầu có tiếng hung hãn điên khùng như Độc Thủ Ma Vương, khác nào đem thân vào miệng cọp.
Quả nhiên thanh niên thư sinh đã gặp ngay nguy hiểm. Nếu là một tên ma đầu khác, dù ác sát đến đâu, trông thấy một văn nhân không biết võ công, tự nhiên cũng thấy ngần ngại không muốn ra tay giết hại, sợ võ lâm chê cười. Nhưng đằng này Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo là một kẻ điên điên khùng khùng, hết sức hung tàn khát máu.
Đang lúc y sắp ra tay hạ độc thủ, tự nhiên có người đến cản, việc đó cũng đủ làm cho y nổi sát cơ lên rồi. Lại thêm thanh niên này ăn nói hoa mỹ, như thể bảo y là đồ “thất phu” không thông đạo lý, làm sao không thấy nóng mặt?
Chỉ thấy Độc Thủ Ma Vương “hừ” một tiếng ghê rợn, chẳng nói chẳng rằng, chưởng tay mặt bỗng biến thành trảo, năm đầu ngón tay như năm móc sắt, nhằm ngực thanh niên bổ xuống, khí thế hung hãn, chiêu số thần tốc tuyệt luân.
Trong đám quần hùng có người rú lên một tiếng kinh hãi, bởi vì thấy văn nhân là người không biết võ công mà lại chết thảm nên có ý thương tiếc.
Không ngờ việc xảy ra kỳ dị hết sức. Thanh niên nét mặt vẫn tươi cười, tuyệt nhiên không có vẻ gì biết là thần chết đang bay tới mình. Nhưng khi năm ngón tay của Độc Thủ Ma Vương sắp sửa bay tới ngực chàng thì tình cờ thanh niên lại cúi xuống nhặt thanh kiếm của Chu Uyển Thanh vừa đánh rơi, thành thử ngọn trảo thần tốc của Độc Thủ Ma Vương vồ vào không khí.
Quần hùng đứng xung quanh ngay cả hai hòa thượng của Bắc Thiếu Lâm, cũng “ồ” lên một tiếng ngạc nhiên.
Còn Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo đứng chết sững, trợn mắt nhìn thanh niên, sự kinh hãi bất ngờ làm tiêu tan cơn nóng giận điên cuồng của y. Nên nhớ ngọn trảo vừa rồi là một trong tám thế tuyệt học mà y đã khổ luyện thành công trong thời gian xa lánh giang hồ từ hơn mười năm nay. Đó là ngọn Độc Thủ ma trảo, đừng nói đến các cao thủ giang hồ, mà ngay đến các bậc võ lâm tiền bối, khi gặp phải ngọn Độc Thủ ma trảo này cũng phải luống cuống tay chân, vì chiêu số thần diệu và vô cùng mau lẹ của môn võ công đó.
Vậy mà thanh niên lại tránh được một cách dễ dàng. Điều kỳ lạ hơn hết là thanh niên có vẻ như vô tình cúi xuống nhặt thanh kiếm nên mới thoát chết, chớ không phải có tài nghệ kinh người, tránh được ngọn trảo thần tốc đó. Tại sao thế gian thế gian lại có người may mắn đến kỳ lạ như thế?
Chẳng những Độc Thủ Ma Vương mà tất cả các nhân vật võ lâm đứng đó cũng phải thắc mắc, không biết có phải thanh niên có võ công cao cường, tránh được đòn địch không, hay chỉ tình cờ, còn thanh niên không biết võ gì hết.
Trong lúc mọi người phân vân như vậy, thanh niên vẫn thản nhiên như không, không biết đến bao cặp mắt sáng quắc đang chăm chú nhìn, quan sát cử chỉ của mình. Chàng cầm thanh kiếm lên rồi ung dung quay lại đưa cho thiếu niên tên gọi là Chu Uyển Thanh.
- Huynh đài nên cất vật này đi thứ khí giới giết người này chỉ nên dùng để đối phó với bọn thổ phỉ đạo tặc, chớ chẳng nên dùng để nói chuyện gây gổ với mọi người.
Tuy đang lúc hết sức phẫn nộ vì thái độ hung hãn của Độc Thủ Ma Vương và mặc dầu tình thế lúc đó nguy nan nghiêm trọng hết sức, cậu thanh niên tên gọi Chu Uyển Thanh cũng không khỏi nhếch mép cười vì ngôn ngữ đặc vẻ hủ nho của chàng thư sinh áo trắng.
Nhưng Chu Uyển Thanh thấy chàng thanh niên ân cần đưa kiếm cho mình nên cũng vội đưa tay ra đón lấy, miệng cười :
- Thâm tạ đại huynh!
Trong lúc đó hai hòa thượng Bắc Thiếu Lâm Tuệ Giác và Tuệ Hải thiền sư cùng một vài võ lâm cao thủ, mắt sáng quắc như điện chăm chú nhìn thanh niên, có vẻ lo ngại vô cùng.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo chỉ sững sờ ngạc nhiên một chút, rồi y lại đùng đùng nổi giận, nhất là xấu hổ trước quần hùng vì đánh không trúng một thư sinh yếu ớt. Tuy thế, y cũng như các cao thủ khác, phân vân về thái độ của thư sinh, nên y đâm ra thận trọng, không dám hạ độc thủ nữa, chỉ quát lớn :
- Tiểu tử, ngươi là đồ đệ của môn phái nào? Chẳng lẽ ngươi không biết thủ đoạn của lão gia hay sao mà dám đến đây cản trở.
Thanh niên áo trắng mỉm cười, chắp tay đáp :
- Tại hạ không thuộc môn phái nào cả và cũng chưa được biết cao danh quý tánh bao giờ.
Độc Thủ Ma Vương Hắc Tôn Hạo bỗng thét :
- Khán chiêu.
Chưởng tay mặt của y đột nhiên tung lên, trong chớp mắt biến chiêu thành chỉ lực, ngón tay nhỏ của y như mũi giùi sắt từ từ hạ xuống nhắm đúng Bách Hội huyệt trên đầu thanh niên. Bách Hội huyệt vốn là tử huyệt trên đầu thân thể người ta, phàm người học võ quyết không bao giờ để đối phương chạm đến được điểm này, vì dù nội công thâm hậu đến đâu nhưng bị đụng tới đó cũng hết sống.
Nhưng thanh niên vẫn thản nhiên như không, miệng cười ha hả như đó là trò đùa, chớ không phải đòn tấn công thật sự. Chàng không né tránh mà cũng không gạt đỡ, để mặc cho ngón tay của Độc Thủ Ma Vương chọc tới.
Quần hùng lúc đó cũng phải giật mình kêu lên một tiếng kinh hãi, cho là tính mạng của thanh niên sắp tàn trong khoảnh khắc.
Không ngờ Độc Thủ Ma Vương lần này không đánh thật mà chỉ dọa, để thử xem thanh niên có biết võ công thật hay không. Ngón tay của y sắp chạm đến yếu huyệt của thanh niên thì dừng ngay lại.
Tâm tính của Độc Thủ Ma Vương quả là điên điên khùng khùng, hỉ nộ thất thường. Y rụt ngay tay lại rồi cười hô hố :
- Hủ nho! Mạng ngươi chưa đến lúc tuyệt nên mới được lão Ma Vương này tha chết cho hôm nay. Mau bước đi khỏi đây kẻo lão Ma Vương đổi ý.
Chàng thanh niên chưa kịp đối đáp ra sao thì đột nhiên có mấy tiếng quát tháo nổi lên.
“Bùng” “Bùng”. Tiếng chưởng lực giao nhau, bụi tuyết bay mù. Đồng thời có thân người bị đánh bật tung lên cao rồi ngã vật xuống mặt đất tuyết trắng nghe “phịch” một tiếng.
Thì ra nhân lúc mọi người còn chú mục đến cuộc đối đáp giữa Độc Thủ Ma Vương và chàng thanh niên áo trắng, có một tên ma đầu giảo hoạt đã nhảy xổ ngay lại cướp gói hành lý rồi tẩu thoát ngay. Tên ma đầu này đi một mình nên không biết y tên tuổi là gì, nhưng khinh công của y trác tuyệt, thân pháp vô cùng mau lẹ chỉ thoáng một cái đã cướp được bọc hành lý rồi.
Nào ngờ các cao thủ ở đấy, tuy kinh ngạc vì sự xuất hiện bất ngờ của thanh niên áo trắng, nhưng mắt họ luôn liếc nhìn bọc hành lý của Chu Uyển Thanh vì lẽ dễ hiểu ai cũng muốn cướp lấy để độc chiếm thành của riêng mình. Bởi thế khi tên ma đầu vừa phi thân đến, các cao thủ phản ứng ngay tức tốc.
Chẳng những Tuệ Giác và Tuệ Hải thiền sư mà cả bốn nhân vật võ lâm khác đứng phía ngoài, cùng quát lên một tiếng và tung chưởng tấn công ngay tên ma đầu giảo hoạt định phổng tay trên.
Ba bốn luồng chưởng phong dữ dội đều ập lại cùng một lúc, tên ma đầu nọ dù có võ công cái thế cũng không thể nào né tránh hay chống đỡ được. Y bị đánh tung người lên, bọc hành lý rời khỏi tay rớt xuống một bên còn thân hình y ngã vật xuống, y phục bị chưởng lực đánh rách nát, nằm rũ lên bãi tuyết, thất khiếu ứa máu, chết ngay lập tức.
Bọc hành lý của Chu Uyển Thanh vẫn lăn lóc ở một bên. Nhưng lần này không ai dám đến cướp nữa, vì ai cũng biết rằng chỉ cần đến gói hành lý đó, lập tức sẽ bị kình lực từ bốn phía ập đến tấn công, không chết cũng bị trọng thương, chớ không thể nào đi thoát được.
Bọc hành lý của Chu Uyển Thanh chơ vơ dưới mưa tuyết lăn tăn, bỗng nhiên đã trở thành thứ sát tinh ghê gớm, không ai dám đến gần. Trong khi đó bầu không khí nặng nề, đầy rẫy sắc khí.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT