Chiều hôm sau, tôi được cơ quan công an mời đến làm việc. Ngồi đối diện tôi là một anh công an trong màu áo xanh chừng hơn 30
tuổi, nghiêm túc và đường hoàng, gương mặt cương nghị này dễ làm cho
những tên tội phạm phải sợ hãi. Tôi gật đầu chào anh. Anh nhìn tôi một
lượt với ánh mắt đầy nghi vấn rồi đưa ra trước mặt tôi ba tờ khai.
“Ba kẻ bắt cóc con trai chị đã thừa nhận hành vi của chúng nhưng chúng khai rằng chính chị đã liên hệ với chúng để bán con.”
Tôi nghe mà như sét đánh ngang tai, cầm cả ba bản lời khai đọc kỹ từng
bản một. Chuyện gì thế này? Tại sao chúng lại nói dối một cách trắng
trợn như thế chứ? Chúng nói vì tôi túng thiếu tiền nên đã chủ động tìm
hiểu và liên lạc với chúng để bán Bo với số tiền là 300 triệu, tôi đã
nhận tiền. Nhưng để tránh bị mọi người nghi ngờ nên tôi dàn dựng thành
một vụ bắt cóc để che mắt tất cả.
“Không, chúng nói dối. Tại sao tôi lại phải bán con mình chứ? Không có
bằng chứng. Anh không thể tin lời xảo quyệt của chúng được.” Tôi gần như mất bình tĩnh, chẳng suy nghĩ được gì.
“Chị cứ bình tĩnh.” Anh công an trấn an tôi. “Hiện tại chúng tôi đang
điều tra làm rõ sự việc và mong chị hết sức hợp tác. Mời chị làm tường
trình toàn bộ sự việc diễn ra hôm cháu Nguyễn Thành Đạt bị mất tích.”
Tôi hít sâu một hơi, tự trấn tĩnh lại bản thân mình. Phải thật bình
tĩnh, chuyện gì cũng có pháp luật can thiệp, kẻ vu khống thì không thể
nào thoát tội. Tôi cầm bút lên, run run viết, viết tất cả. Tôi không làm thì không cần sợ.
Sau một tiếng đồng hồ, tôi cũng viết xong bản tường trình và cảm thấy mình bình tĩnh hơn hẳn.
Người công an đọc xong thì nói: “Được rồi, chị không cần lo lắng, cái gì cũng có pháp luật. Sẽ biết ai nói dối, ai nói thật thôi. Bây giờ chị có thể về nhưng bất kể khi nào chúng tôi gọi, chị đều phải có mặt.”
“Vâng, tôi trông cậy cả vào các anh, mong các anh nhanh chóng tìm ra sự thật.”
Tôi ra về trong sự bất thần, đi xe máy trên đường nhưng hoàn toàn không
để tâm mà đầu óc cứ nghĩ miên man về một nơi khác. Tôi không rõ tại sao
bọn bắt cóc lại dám nói dối như thế, chúng chỉ vì muốn thoát tội hay có
một lí do nào khác. Nhưng không, vấn đề là chúng chẳng có bằng chứng nào cả vì sự thật không phải như thế, công an sớm muộn sẽ nhận ra điều đó,
chúng hoàn toàn vu khống. Hải, cái tên này chợt lóe lên trong đầu tôi,
chẳng lẽ lại là anh ta? Bây giờ tôi mới nhớ ra, ngay sau khi Bo bị bắt
cóc thì anh ta đến và nói muốn gặp Bo, còn nữa, tối qua anh Trí nói gặp
Hải ở đồn công an và anh ta xin vào gặp bọn bắt cóc. Anh ta gặp bọn
chúng để làm gì chứ? Chẳng lẽ tất cả chỉ là trùng hợp? Hay dựa vào đó để “mượn gió bẻ măng”? Tiện thể vu oan cho tôi để anh ta dễ dàng có quyền
nuôi Bo?
Không thể chậm trễ hơn, tôi quay xe trở lại đồn công an để hỏi cho ra nhẽ mọi chuyện.
Anh công an vừa tiếp tôi lúc nãy rất ngạc nhiên khi thấy tôi quay lại,
anh ta nhướng mày hỏi: “Có chuyện gì sao? Hay chị mới nghĩ ra điều gì
quên chưa nói?”
Tôi gật gật đầu, vội vàng hỏi: “Anh cho tôi hỏi. Có phải tối qua có một
người đàn ông tên Đặng Minh Hải đến đây tự nhận là bố của con trai tôi
không?”
Anh công an gật đầu: “Đúng rồi. Anh ta xin vào gặp bọn bắt cóc để nói chuyện.”
“Anh ta nói những gì?”
“Không có gì, chỉ là hỏi lí do bắt cóc rồi suýt nữa thì xông vào đánh bọn chúng. May mà chúng tôi can thiệp kịp thời.”
“Đánh?!” Tôi sửng sốt. “Vậy tôi có thể gặp chúng không? Tôi muốn biết vì sao chúng lại vu oan cho tôi.”
Anh công an suy nghĩ một lát thì đồng ý, dẫn tôi vào một căn phòng riêng biệt và có người giải bọn bắt cóc ra. Chúng có 3 người, kẻ nào kẻ nấy
mặt mũi bặm trợn, một trong số đó còn cạo trọc đầu, săm trổ đầy mình nom rất đáng sợ. Thế này thì con trai tôi sẽ sợ đến khóc thét lên mất.
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh công an. Anh công an nhìn bọn chúng và hỏi: “Các anh có biết cô gái này là ai không?”
Tên trọc đầu trả lời: “Thưa cán bộ, tất nhiên là bọn em biết. Chính cô ta là người đã đến tìm bọn em để bán con mà.”
Tôi siết chặt lòng bàn tay, không thể nhẫn nhịn thêm được mà nói: “Các
anh nói láo. Tôi còn chưa từng nhìn thấy các anh bao giờ, tại sao các
anh dám vu oan cho tôi chứ? Có phải Hải đã thuê các anh không?”
“Hải?” Hắn dường như bức xúc lắm. “Cô nói cái tên hôm qua sừng sộ vào đây định đánh chúng tôi à?”
Nhìn mặt bọn chúng có vẻ vẫn còn tức giận, nhưng tôi tuyệt đối không thể tin tưởng. Hải là kẻ xảo quyệt, anh ta đóng kịch rất giỏi, cái màn đơn
giản này chẳng thế làm khó anh ta. Anh ta từng lừa dối Trinh như thế thì đâu có lạ gì khi anh ta tiếp tục dở trò này để đối phó với tôi.
“Tất cả các người đang đóng kịch. Anh ta đã cho các anh bao nhiêu tiền chứ? Các anh không phải là con người.”
Thấy tôi bị kích động, anh công an tiếp tục trấn an tôi: “Được rồi, chị
không phải lo. Thật giả thế nào chúng tôi sẽ tìm ra, chị cứ về nhà và
yên tâm tin tưởng ở chúng tôi đi.”
Tôi túm chặt lấy tay anh công an khẩn cầu: “Không, các anh phải tin
tưởng ở tôi. Tôi không bao giờ bán con tôi. Xin hãy tin tôi.”
Một trong ba kẻ bắt cóc lại lên tiếng: “Làm gì có ai thích thừa nhận là
bán con mình chứ. Cán bộ, chúng tôi đã ngồi trong này rồi, chẳng còn gì
để mất, nói dối làm gì cho tăng tội thêm.”
Tôi cảm thấy tuyệt vọng khi không biết phải chứng minh mình trong sạch
như thế nào. “Các anh cứ khăng khăng tôi bán con, vậy bằng chứng đâu?”
“Bằng chứng thì chúng tôi đã khai nhận với cán bộ rồi. Nói với cô làm gì chứ? Để cô phi tang mất à?”
Tôi ngây ngẩn cả người, chúng nói thế có nghĩa là chúng có bằng chứng ư? Bằng chứng gì? Ở đâu? Đầu óc tôi một lần nữa quay cuồng trong suy nghĩ. Tôi không biết mình đã ra khỏi đồn công an bằng cách nào, bên tai chỉ
còn lại câu nói quen thuộc của anh công an: “Hãy tin tưởng ở chúng tôi.”
Tôi không vội trở về nhà mà đi qua nghĩa trang thăm Trinh. Mua cho nó
một ít hoa quả, một bó hoa hồng nhung, thắp cho nó mấy nén nhang rồi
ngồi phủ phục ngay dưới chân mộ. Tôi dựa cả người mình trên tấm đá lát
lạnh lẽo trên mộ và tưởng tượng như đây chính là bờ vai mềm mại ấm áp
của Trinh. Những chuyện xảy ra trong mấy ngày qua đối với tôi như một
cơn ác mộng vô cùng đáng sợ. Vì sao họ lại không tha cho tôi chứ? Vì sao họ không để chúng tôi được sống yên ổn, sao cứ muốn cướp đi tất cả? Đó
gọi là cuộc sống à?
Cúi nhìn di ảnh của Trinh, nụ cười của nó rạng ngời như nắng mùa xuân
khiến tôi cảm thấy bình yên vô cùng. Tôi tự hỏi nếu như Trinh còn sống
thì sao? Có phải là nó sẽ phải chịu những gì tôi đã và đang phải chịu
đựng không? Và có thể nào vì Bo mà Trinh sẽ quay về bên Hải không? Tôi
chợt nhận ra rằng tôi đang sống thay cho cuộc đời của Trinh, chịu đựng
thay tất cả. Cường nói đúng, tôi đang phải gánh chịu hậu quả mà người
khác để lại, nhưng có sao đâu, tôi tự nguyện cơ mà. Dù có thế nào thì
cũng là tôi tự gánh lấy, chẳng liên quan gì đến ai. Nhưng mà nếu như
không có Bo thì sao? Nếu như Trinh không chết? Có lẽ tôi vẫn sẽ là tôi,
không cần sống thay ai cả, vẫn sống cuộc đời của chính mình, tiếp tục
với tình yêu, hạnh phúc của riêng mình. Có lẽ tôi sẽ chờ được Cường trở
về, có thể thoái mái nói “Em vẫn chờ anh, vẫn nhớ anh, vẫn yêu anh.” Có
thể chúng tôi đã cưới nhau, cũng có thể chưa, nhưng chúng tôi vẫn cứ yêu nhau như thế. Anh chắc chắn không nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ mà sẽ
cười với tôi dịu ngọt. Có thể tôi sẽ rất hạnh phúc bên anh, cũng có thể
sẽ chia tay. Nhưng tôi vẫn sống bằng cuộc đời của chính tôi, dù đau khổ
hay vui sướng, dù từ bỏ hay không thì vẫn là cuộc đời của tôi. Vậy mà
tôi đã sống thay Trinh, thật là thế! Nhưng tôi sẽ chẳng đời nào hối hận
cả, vì tôi có Bo và từng có một người bạn như Trinh, một người có thể vì tôi mà ngay cả khi nguy hiểm nhất vẫn nghĩ cho tôi, chỉ thế thôi cũng
đủ để tôi hi sinh rồi. Tất cả đều là số phận, sẽ chẳng ai có tất cả,
cũng chẳng ai mất tất cả, tôi vẫn luôn ghi nhớ điều đó và tôi sẽ không
để mất Bo như từng để mất Trinh.
Bỗng nhiên tôi nhìn thấy Trinh hiện ra ngay trước mắt, nó mặc bộ váy màu trắng vào hôm nó mất. Trinh vẫn đẹp lắm, lung linh huyền ảo giữa không gian quạnh vắng, đẹp một cách kỳ diệu và tinh khôi, mái
tóc dài đen nhánh, làn da trắng dường như trong suốt. Nó cười với tôi,
nắm lấy bàn tay tôi mà nói: “Cảm ơn mày nhé Vân, mấy năm qua mày vất vả
vì Bo quá. Bo ngoan lắm, tao không biết phải làm sao để báo đáp công mày nuôi nấng Bo. Tao biết mày mệt mỏi lắm rồi, đừng tự gồng mình chống đỡ
nữa, tao không thích đâu. Nếu cảm thấy không chịu đựng được nữa thì hãy
buông tay và đi tìm hạnh phúc của riêng mày. Mày giúp tao thế là quá đủ
rồi. Hãy sống cuộc sống của mày đi.”
Tôi vội vàng nắm lấy tay Trinh, sợ nó sẽ như làn gió mà bay mất: “Không, Bo là con trai chúng ta mà. Hãy nói cho tao biết tao phải làm gì, chỉ
đường cho tao, tao không thấy gì cả, mù mịt lắm. Tao sợ, rất sợ Trinh
à!”
“Đừng khóc.” Trinh đưa tay vuốt khẽ mặt tôi, bàn tay nó lành lạnh nhưng
cõi lòng tôi lại ấm áp. “Mọi chuyện sẽ qua. Hãy tin vào người mà mày tin tưởng, hãy nắm lấy bàn tay người đó. Tao có thể nhìn ra người đó sẽ
mang đến hạnh phúc cho mày.”
“Tao không thấy ai cả. Tao hoang mang lắm!”
“Người đó ở ngay bên cạnh mày thôi. Cố lên Vân!”
Rồi Trinh đứng lên, quay bước đi vào vùng sương khói trắng mịt mùng, đi
xa mãi, xa mãi, tôi gọi thế nào nó cũng không quay lại. Muốn đuổi theo
nhưng đôi chân lại không sao nhấc lên được.
“Vân! Vân! Tỉnh dậy đi!”
Tôi mở choàng mắt ra, ngơ ngác nhìn thì thấy anh Trí đang ngồi bên cạnh.
“Sao em lại ngủ ở đây? Về nhà thôi.”
Thì ra tôi đã nằm trên mộ Trinh mà ngủ thiếp đi, tất cả chỉ là mơ, nhưng sao giấc mơ ấy lại thật đến thế? Từng lời nói, cử chỉ của Trinh tôi còn nhớ như in, thậm chí…tôi nhận ra rằng mình thực sự đã khóc.
“Em mơ thấy gì mà khóc thế này?” Anh Trí quan tâm hỏi, lau đi những giọt nước mặt còn vương *** trên má tôi.
Tôi nở một nụ cười gượng gạo: “Không sao đâu ạ! Chỉ là một giấc mơ.”
Chuyện tâm linh vốn là thứ rất hư ảo, nhưng chẳng lẽ Trinh thực sự đã
hiện về với tôi? Thế nào cũng được, là thật hay chỉ là mơ thì nó cũng đã truyền thêm cho tôi một chút sức mạnh. Mọi chuyện sẽ qua.
“Em đến gặp phía công an sao rồi?” Anh Trí vừa dìu tôi đứng dậy vừa hỏi.
Tôi không nhìn anh, trả lời: “Mọi chuyện ổn cả ạ! Anh đừng lo. Sao anh lại biết em ở đây?”
“Ổn cả? Có mỗi chuyện em bị đổ oan thôi chứ gì? Khi anh nghe tin dữ, anh liền đi tìm em, thì ra em ở đây.”
Tôi giật mình ngẩng đầu nhìn anh, thì ra anh đã biết cả. Tôi tự cười
mình nhưng lại không dám nói gì với anh. Anh lo cho tôi như thế là đủ
rồi, tôi không muốn nợ nần gì anh thêm nữa, nhưng tôi vẫn không thể
thoát khỏi anh. Anh giữ chặt lấy tôi, nói như một sự giải thích: “Em
đừng quên bạn anh là công an ở đó. Nó nói với anh hết rồi. Đừng giấu
anh, anh thực sự muốn giúp em.”
“Anh giúp em tìm lại Bo là đủ lắm rồi. Em không muốn anh lại vì chuyện của em làm vướng bận, anh còn công việc của mình mà.”
“Em có chắc là một mình em có thể đối phó được không? Họ liên kết lại đổ oan cho em thì sao? Mặc dù anh không phải người có chức quyền hay có
tiền như bố ruột của Bo nhưng anh vẫn có thể giúp em trong tầm với của
anh mà. Ít ra anh cũng có thể làm chỗ dựa cho hai mẹ con em.”
Đôi mắt quá chân thành của anh không những làm tôi bối rối mà còn thấy
áy náy nếu tiếp tục từ chối. Nhưng đây là chuyện của tôi và tôi phải tự
mình đối mặt với nó chứ không phải dựa dẫm vào một người khác. Tôi tự
cho là mình đã từng vượt qua điều kinh khủng nhất trong cuộc đời thì
không có lí gì bây giờ lại không thể tự chống chọi được.
“Một mình em vẫn ổn mà. Bao năm qua em vẫn một mình sống tốt, em không
nghĩ là cần một ai đó giúp đỡ mình, dù là một chỗ dựa. Chỉ mong anh giúp em giấu kín chuyện này, không cho bố mẹ em biết là được rồi.”
Anh Trí chợt cười buồn: “Em không muốn nói cho ai biết vậy em định làm sao? Em chỉ có một mình thôi mà.”
“Em tin rằng người không có tội thì rồi cũng sẽ được minh oan.”
Nói xong tôi quay người bước đi trước, không nhanh cũng không chậm và
tôi biết anh Trí vẫn đi sau lưng tôi như một điểm tựa vững chắc mà bất
kể khi nào quay lại cũng sẽ thấy anh đứng ở đó sẵn sàng dang tay giúp
đỡ.
Lên đến chỗ dựng xe, tôi mới nghe anh Trí nói: “Đứng trước kẻ có tiền và có quyền thì công lý chỉ như một trò hề thôi.”
Rồi anh đi ngay, bỏ tôi lại đó suy ngẫm câu nói của anh. Là trò hề cũng
được, tôi là con ngốc cũng được, tôi vẫn muốn tin tưởng ở nó, ít ra còn
có một niềm tin để hy vọng và bám víu, còn hơn là không biết phải tin
vào cái gì.
Vừa dựng xe ngoài sân nhà bố mẹ, tôi đã nghe tiếng cười giòn tan của Bo, tiếng cười ấy làm tôi nhẹ lòng biết mấy. Tôi không vội vào nhà ngay mà
ngồi ở chiếc ghế gỗ cũ kỹ dưới giàn cây thiên lý, nhẹ nhàng cầm ấm tích
rót ra một ít chè xanh mà bố tôi thường *** mỗi ngày. Nước chè nóng xanh ngắt, phảng phất chút mùi hương tươi mát. Tôi đưa chén chè lên mũi
ngửi, cảm nhận mùi hương lan dần lên sống mũi. Nhớ lại cảm giác khi còn
bé, hay nghịch ngợm ấm chè của bố, thử uống một tí mà mặt mũi cứ nhăn
nhúm hết lại kêu đắng, chẳng hiểu sao bố cứ uống ngon lành, còn khen chè vừa thơm vừa ngon ngọt. Tôi nhắm mắt lại, nhấp một ngụm chè, hương vị
đăng đắng, chan chát nhưng khi nuốt xuống lại có vị ngọt ngào nơi cổ
họng khiến tôi quên mọi buồn phiền của cuộc sống thực tế. Tôi khoan
khoái mỉm cười, ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh qua những tán lá, nắng
chiều nhè nhẹ xuyên qua, chiếu lên gương mặt tôi ấm áp.
“Sao con không vào nhà?” Giọng nói trầm trầm của bố vang lên bên cạnh.
Tôi nhìn bố, mỉm cười như không có chuyện gì xảy ra: “Con muốn ở ngoài này một chút cho thoáng.”
Bố ngồi xuống chiếc ghế đối diện, cũng rót một cốc chè, chầm chậm uống
một ngụm rồi gật gật đầu: “Con thấy chè hôm nay có ngon không?”
“Ngon lắm ạ! Bố đúng là người biết chọn chè.” Tôi tấm tắc khen.
“Chè ngon hay không là do đất, do nơi nó sống chứ không phải do bố. Bố
chỉ là may mắn chọn được loại ngon mà thôi. Lá chè hôm nay rất xanh,
tươi, *** ra được nước chè ngon.”
Tôi cười mà không nói gì, tiếp tục uống ngụm chè của bố.
“Con đi gặp phía công an thế nào?” Bố lại hỏi.
“Không có gì ạ. Chỉ là thủ tục thôi.” Tôi trả lời mà không nhìn vào mắt bố.
“Vậy là ổn rồi. Bố là đàn ông nhưng cũng biết con cái là thứ quan trọng
nhất của người phụ nữ. Một người phụ nữ thật sự có thể mất chồng, mất
tình yêu, thậm chí mất cả sự nghiệp nhưng họ không đời nào để mất đứa
con của mình.” Bố thở dài một tiếng rồi nói tiếp: “Đối với bố mẹ, hai
chị em con dù có lớn đến mấy thì vẫn chỉ như những đứa trẻ chưa hiểu
chuyện. Cho đến hôm Bo mất tích, bố đã chứng kiến con đau khổ, dằn vặt
trong nỗi xót xa của một người mẹ thì bố đã tin con gái nhỏ của bố đã
lớn thật rồi. Con đã thực sự là một người phụ nữ trưởng thành.”
“Bố…” Tôi không nói được gì, cảm thấy cổ họng mình cứ nghèn nghẹn. Từ bé đến lớn, đây là lần đầu tiên bố nói chuyện với tôi như với một người
trưởng thành.
“Hôm đầu tiên con bế Bo về nhà, bố đã thật sự tức giận, cảm thấy mất mặt ghê gớm, nhưng chưa bao giờ bố muốn đuổi con đi, chỉ là lời nói trong
lúc tức giận mà thôi. Cho đến ngày hôm nay thì có lẽ bố phải cảm ơn con
đã cho bố một thằng cháu ngoại đáng yêu, và cảm ơn Bo đã giúp con trở
thành một người phụ nữ thật sự.”
Tôi xúc động nắm lấy bàn tay chắc nịch đầy những vết chai sạn của bố.
Bàn tay này đã từng ôm ấp hai chị em tôi mỗi khi bố đi xa trở về, cũng
chính đôi tay này đã vất vả làm lụng để kiếm từng đồng tiền nuôi hai chị em ăn học. Tôi nợ bố mẹ nhiều quá, nợ một cuộc đời, nợ những giọt mồ
hôi nước mắt, nợ tình yêu thương, nợ sự chăm sóc lo lắng, nợ cả những
vất vả mỗi ngày, nợ nhiều, nhiều lắm. Thế mà đến giờ tôi vẫn chưa thể
làm được gì cho bố mẹ tôi, vẫn cứ loay hoay tìm con đường đi đúng đắn
cho mình, và giờ lại bị mang một niềm oan khuất khó nói. Làm sao tôi dám nói ra, làm sao tôi nỡ để bố mẹ tôi phải lo lắng vì tôi thêm nữa, bố mẹ đã chịu đựng đủ rồi. Tôi không muốn bố mẹ tôi vướng vào chuyện của tôi
để bị người ta dùng những lời lẽ không ra gì làm tổn thương, tôi sẽ đau
lòng lắm.
“Bố, con yêu bố!” Tôi thốt ra một câu mà tôi đã từng muốn nói từ rất lâu mà chưa có cơ hội.
Bố nở một nụ cười mãn nguyện, như một loại tự hào nào đó của bố về đứa
con gái vô dụng này. Nụ cười của bố làm tôi nhìn rõ hơn những nếp nhăn
quanh khóe miệng, vết chân chim hằn sâu nơi đôi mắt cũng tố cáo tuổi tác cùng nỗi vất vả của một đời người.
“Bố cũng vậy, bố yêu cả gia đình mình.”
Tôi nhào đến ôm chặt lấy bố, áp mặt vào lồng ngực rộng và ấm của bố. Bố
cũng ôm lấy tôi, vỗ nhè nhẹ lên vai như một sự động viên âm thầm. Tôi
vừa khóc vừa nghe tiếng nhịp tim đập trầm ổn của bố để nhận ra tình yêu
thương của bố sao mà ấm áp đến thế. Bố tôi vốn không phải người giỏi thế hiện tình cảm, chị em tôi chỉ có thể nhìn thấy nó qua cử chỉ, hành động của bố hay đôi khi chỉ là một câu nói rất khô khan nhưng sự quan tâm
lại đong đầy. Bây giờ tôi chỉ cần gia đình tôi cứ mãi như thế này thôi,
không đòi hỏi gì khác nhưng sao mọi thứ cứ không chịu yên, sao cứ dồn ép khiến tôi mệt mỏi thế này?
“Mẹ về!” Bo từ trong nhà chạy ra gọi to. Chắc thằng bé thấy tôi đang ôm
ông ngoại của nó nên cứ đứng nhìn với một vẻ rất lạ lẫm. Tôi mỉm cười
trong dòng nước mắt nhìn Bo, bố tôi thì đưa tay ra vẫy vẫy. Bo thấy vậy, lăng xăng chạy lại ôm ông ngoại. “Ông ngoại ơi, Bo cũng thích ôm ông.”
Bố tôi ngửa đầu cười: “Ông cũng thích ôm Bo của ông.”
Mẹ tôi từ ngoài vườn ôm rổ rau mới hái đi đến bể nước, thấy mấy ông cháu đang ôm nhau thì trêu đùa: “Ông ngoại mới có thêm đứa cháu gái hả?”
Bố tôi vẫn cười khà khà. Bo nghe tiếng bà ngoại múc nước liền cun cút chạy đến: “Bà ngoại rửa rau, Bo cũng rửa.”
Tôi đứng dậy, nghiêm chình nạt Bo: “Con đừng có động đến chậu nước của bà, nghe chưa Bo? Lại chuẩn bị ướt hết quần áo bây giờ.”
“Bo rửa rau cho bà ngoại, không phải nghịch nước đâu mẹ.” Thằng bé chống chế.
“Được rồi, mẹ Vân không cần mắng Bo của bà nữa. Để bà dạy Bo rửa rau.” Mẹ tôi vẫn luôn bênh vực Bo như thế.
“Nhà mình hôm nay vui thế ạ?” Tuyên ôm quả bóng dắt xe vào sân.
“Mới đi đá bóng về hả Tuyên?” Tôi hỏi.
“Vâng, mệt quá!” Rồi Tuyên chạy đến nhấc bỗng Bo khỏi chậu nước khi nó
đang làm nước bắn tung tóe. “Bo của cậu lại nghịch nước phải không?”
Tuyên dụi dụi cằm vào bụng Bo làm thằng bé cười khanh khách: “Bo rửa rau. Cậu ơi!”
“Rửa rau hay nghịch nước?”
“Bà ngoại ơi! Cứu Bo” Bo chuyển sang cầu cứu bà.
Bố tôi đang uống chè, thấy vậy nhắc Tuyên: “Đi tắm đi Tuyên, còn ăn cơm, đừng trêu cháu nữa.”
Tuyên đùa với Bo thêm một lát rồi mới chạy đi tắm. Tôi đứng trên sân
nhà, nhìn mặt trời đang lặn dần, những tia nắng nhạt ngập vàng sân gạch
đỏ hòa quyện với tiếng cười nói giòn tan của cả gia đình. Hạnh phúc chỉ
đơn giản có thế thôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT