Đường về không đến nỗi gian khổ như lúc ra đi. Thứ nhất là nhờ có lời tiên đoán của Tây Phật. Thứ hai, Vô Giới rất thông thạo đường lối nên đã tránh được những địa hình gian nan, trắc trở. Ba người đi chếch lên hướng Đông bắc, tám ngày sau còn cách thành Đông Thăng hơn trăm dặm.
Có Vô Giới và Huệ Vân đồng hành, đường thiên lý như ngắn lại và nỗi ưu tư trong lòng Tuấn Hạc cũng vơi đi. Nắng hạ vẫn gay gắt nhưng thỉnh thoảng cũng có những cơn mưa rào ập đến, tắm mát cho lữ khách, đồng thời cũng làm đường đi thêm lầy lội, dơ bẩn.
Mặt đất Hoàng Thổ bị xói mòn, chia cắt thành hẻm sâu và gò đống lởm chởm nên việc canh tác rất khó khăn. Vì vậy, vùng này hoang vu, vắng bóng dân cư, đương nhiên hàng quán cũng thiếu.
Mỗi lần đến được chỗ sầm uất, bọn Tuấn Hạc phải mua thật nhiều lương khô, để dành cho đoạn tiếp theo. Họ thường xuyên phải ngủ lại dọc đường, những lúc ấy Huệ Vân có dịp trổ tài bếp núc, chăm sóc cho hai nam nhân kia. Nàng là ni cô, Vô Giới là sư nên nàng cũng gọi lão bằng sư huynh.
Huệ Vân có nước da trắng như tuyết, nay dãi nắng dầm mưa, đỏ rực lên và cháy nạm. Vô Giới cười khà khà bảo :
- Tội nghiệp cho sư muội, theo bọn ta làm gì cho mặt hoa tàn tạ thế kia?
Huệ Vân dịu dàng bảo :
- Thân tứ đại chỉ là vật giả, trước sau gì cũng mất đi, hà tất phải đau lòng vì xấu đẹp?
Vô Giới gật gù :
- Đúng vậy, nhan sắc kia gởi vào chốn thiền môn cũng như vàng bạc chôn sâu dưới lòng đất, có sáng hay mờ cũng thế thôi.
Vầng dương đã sắp khuất sau rặng núi cuối trời Tây mà vẫn chưa thấy mái nhà nào, Tuấn Hạc thở dài :
- Đêm nay Huệ Vân sư muội lại phải ngủ ngoài đồng trống nữa rồi.
Nghe giọng quan hoài, Huệ Vân sung sướng đáp :
- Đa tạ sư huynh đã quan tâm, nhưng tiểu muội đã quen rồi, chẳng hề thấy cực khổ chút nào cả.
Ánh mắt nàng bày tỏ trọn vẹn mối chân tình, tràn ngập niềm hạnh phúc và chan chứa yêu thương. Tuấn Hạc cố nén tiếng thở dài, thầm trách trời già cứ đẩy đưa mình vướng vào lưới tình.
Chàng đưa mắt nhìn về phía trước, giật mình phát hiện một lá cờ vàng to bằng hai mảnh chiếu đang bay phần phật, thấp thoáng bốn chữ Hoàng Thổ Chi Vương - cách đấy chừng hai mươi trượng.
Vô Giới cũng đã nhìn thấy, cười hì hì bảo :
- Chúng ta sắp được đánh một trận sướng tay.
Tuấn Hạc trầm giọng :
- Chỉ lo cho Huệ Vân thôi. Hai ta kẹp nàng ở giữa rồi phá vòng vây thoát đi.
Vô Giới cố bám víu một chút hy vọng :
- Chưa chắc họ đã nhận ra chúng ta.
Huệ Vân buồn bã nói :
- Văn sư huynh cần phải sống để đem Phật trượng về cứu Tiểu Băng. Xin đừng để ý đến tiểu muội.
Tuấn Hạc cười mát :
- Tử sinh hàn mệnh! Làm việc nghĩa chẳng thể cân nhắc thân sơ. Nếu ta vì Tiểu Băng mà bỏ nàng, cố cứu lấy mạng mình thì sau này tất cũng chẳng thể yên tâm làm người.
Dứt lời, chàng thúc ngựa đi nhanh hơn, khẳng khái tiến đến vùng hiểm địa, đoạn đường phía trước chính là một hẻm cạn, do mặt đất bị nước xói mòn tạo nên. Hai bên là gò đống lổn nhổn, và toán cao thủ của Hoàng Thổ thành đứng ở trên ấy.
Năm mươi tên cao thủ kia đều mặc y phục màu nâu vàng, tiệp với màu đất Hoàng Thổ dưới chân, chiếc khăn bịt đầu cũng vậy, hông họ đeo đao lủng lẳng và cung tiễn sẵn trên tay.
Trên gò đất cao nhất ở mé hán có một cây vu cao lớn um tùm. Đại kỳ cắm dưới bóng mát của tàn cây, và cạnh đấy là một hán tử áo trắng, khăn buộc tóc màu vàng kim. Vô Giới nhận ra lai lịch của hán tử, quay sang bảo Tuấn Hạc.
- Gã này là cận vệ của Hoàng Thổ vương gia, đã từng theo lão ta đến Lục Bàn sơn. Để bần tăng đối đáp với y, nhị vị hãy dừng lại ở đây, đừng đi vào hẻm vực kia.
Vô Giới thúc ngựa lên trước, cười ha hả hỏi :
- Có phải tôn giá là Truy Mệnh Kiếm Sứ dưới trướng Hướng vương gia đấy không? Sao lại đến đây phơi nắng thế này?
Hán tử áo trắng cười nhạt :
- Bổn sứ giả chờ đợi để đưa bọn ngươi về chốn suối vàng đấy.
Vô Giới cười khanh khách :
- Bần tăng là hảo hán của Diêm Vương nên thường lui tới chốn hoàng tuyền nên có lạ lùng gì? Tôn giá cứ đi một mình đi.
Tuấn Hạc đứng hơi xa nhưng nhờ nhãn lực sắc bén nên cũng nhìn rõ dung mạo gã áo trắng. Tuổi y độ bốn mươi, vóc dáng cao gầy, da mặt tái xanh. Đáng sợ nhất là dôi mắt dài nhỏ nằm dưới cặp lông mày rậm, giao nhau ở mi tâm, nối lại thành một đường liền lạc. Từ đôi mắt híp như hai sợi chỉ ấy, luồng nhãn quang tàn độc bắn ra khiến người đối diện phải nổi gai ốc. Y lại không có râu, chiếc cằm bạnh và vành miệng rộng càng tăng phần tàn nhẫn. Giờ đây, đôi môi mỏng kia đang rít lên :
- Đừng lắm lời! Nể mặt Tây Phật, bổn sứ giả tha mạng cho lão, hãy quay về Lục Bàn sơn đi.
Gã dơ cao kiếm chỉ về phía Tuấn Hạc :
- Tiểu tử kia lại đây! Ngươi đã có gan giết Tầm Hoa sứ giả, sao giờ lại núp bóng lão trọc này?
Tuấn Hạc thúc ngựa tiến lên, điềm đạm hỏi :
- Tôn giá định dùng số đông để uy hiếp hay đơn đấu. Tại hạ nghe Vô Giới đại sư bảo rằng tôn giá là đại cao thủ Hoàng Thổ thành, chẳng hiểu có dám cùng tại hạ tỉ đấu công bằng hay không?
Tuấn Hạc là người chính trực, chẳng thích dùng mưu mẹo. Nhưng nay, đứng trước cảnh hiểm nghèo đành phải vận dụng tâm cơ, dùng kế khích tướng.
Mẹo này chẳng có gì là sâu xa, huyền diệu, nhưng lại luôn đắc dụng với những kẻ tự cao, tự dại. Khuất Bạch Thành mắc mưu này thì Truy Mệnh Kiếm Sứ cũng không tránh khỏi. Trong võ lâm, chẳng có mấy ai không lụy bởi thanh danh. Vì vậy, hán tử áo trắng cười ngạo nghễ đáp ngay :
- Tiểu tử ngươi tưởng giết được Tầm Hoa sứ giả là có thể diệu võ dương oai với Hoắc mỗ được sao? Nếu ngươi thắng ta, dù chỉ nửa chiêu cũng có thể an toàn thượng lộ.
Dứt lời, gã tung mình rời gò đất, nhẹ nhàng hạ thân xuống đứng đối diện với Tuấn Hạc. Chàng nhận ra không một hạt bụi nào bay lên, thầm khen thưởng bản lãnh của đối phương.
Tuấn Hạc truyền âm bảo Vô Giới :
- Đại sư hãy lui lại, đứng cạnh Huệ Vân. Nếu tại hạ bại, tức tốc đưa nàng trở lại tìm đường khác mà đi.
Vô Giới rầu rỉ làm theo lời chàng. Tuấn Hạc xuống ngựa, rút kiếm thủ thế. Truy Mệnh Kiếm Sứ ập đến tấn công ngay để chiếm tiên cơ. Thân pháp của hắn nhanh như ánh chớp và đường kiếm cũng cực kỳ hiểm ác, phong tỏa bảy yếu huyệt cùng một lúc.
Tuấn Hạc thận trọng dùng “Thiên Trù Trướng Mộ Yên” đón đỡ và phản kích lại. Hai thanh trường kiếm xoắn lấy nhau, vang lên những tiếng ngân dài. Tốc độ chuyển động ngày càng tăng khiến bụi vàng bốc lên che mờ hai đối thủ. Họ đảo lộn, lên xuống, ập vào rồi lại văng ra. Trên người Tuấn Hạc đã có sáu vết kiếm thương nhẹ và đối phương chỉ bị có hai.
Huệ Vân nhìn những giọt máu bị kiếm phong thổi thành làn sương, lo lắng cho Tuấn Hạc. Mắt nàng nhòa lệ và miệng lâm râm khấn vái, cầu khẩn Phật tổ và chư vị Bồ Tát phù trì cho chàng.
Đến chiêu thứ ba trăm hai mươi sáu, Truy Mệnh Kiếm Sứ gầm vang, lao vào đối thủ, thanh trường kiếm rít lên ghê rợn, kiếm quang loang loáng dưới ánh tà dương, bao phủ cả đấu trường.
Tuấn Hạc bỗng mỉm cười, lảo đảo bước đến, thân hình nghiêng ngả như say rượu mũi kiếm vẽ nhanh lên màn kiếm quang rực rỡ của đối phương những nét nguệch ngoạc. Chàng đã dồn hết năm mươi năm công lực vào thân kiếm nên lực đạo mãnh liệt phi thường. Tiếng tính tang ngân lên không dứt và đường kiếm của họ Hoắc bị chân lại. Đồng thời, mũi kiếm của Tuấn Hạc tìm ra sơ hở mà len vào đâm vào cổ họng đối thủ.
Đôi mắt dài nhỏ kia trợn lên, đầy vẻ kinh hoàng và tuyệt vọng, nhưng khi mũi kiếm vừa chạm lớp da cổ đã bị Tuấn Hạc thu về.
Chàng hòa nhã vòng tay nói :
- Cảm tạ tôn giá đã nhường cho nửa chiêu.
- Hảo kiếm pháp! Hoắc mỗ khổ luyện kiếm thuật từ năm mười tuổi, không ngờ lại thảm bại dưới tay các hạ. Ta còn mặt mũi nào mà vác gươm hành tẩu giang hồ nữa?
Tuấn Hạc nghiêm sắc mặt nói :
- Tôn giá là bậc anh hùng cái thế, sao lại chỉ mới thất bại có một lần mà đã thoái chí? Con đường học kiếm dài vô tận, ai dám tự hào mình là kẻ đã đi đến cùng? Tại hạ nhờ gặp kỳ duyên nên công lực mới thâm hậu hơn tôn giá một bậc, nếu không cũng khó mà phá được chiêu kiếm kỳ tuyệt lúc nãy. Chính vì không muốn kiếm đạo mất đi một đóa kỳ hoa nên tại hạ đã không thể xuống tay. Nếu tôn giá khổ công rèn luyện thêm, chưa chắc lần sau tại hạ đã dành được thượng phong.
Truy Mệnh Sứ sững sờ im lặng, lát sau gã thức ngộ được điều gì đó, bật cười khanh khách :
- Té ra các hạ sợ mình trở thành cô độc vì không có đối thủ đấy ư? Được lắm! Hoắc Cân ta rất vinh dự được trở thành kình địch của các hạ.
Gã bước đến vỗ vai chàng :
- Tại hạ tung hoành dết Tây Hạ này đã nhiều năm, chưa hề gặp kiếm thủ nào xứng tay. Đôi lúc cảm giác cô đơn cũng khiến lòng trống vắng. Nay gặp được các hạ, Hoắc mỗ cảm thấy cuộc đời bớt vô vị. Ít tháng nữa, Vương gia tiến vào Trung Nguyên tranh bá, hẹn gặp các hạ ở bờ Động Đình hồ, đúng trưa ngày rằm tháng tám.
Tuấn Hạc cười đáp :
- Tại hạ là Văn Tuấn Hạc, quê đất Lư Lăng, hứa sẽ có mặt đúng hẹn. Xin cáo biệt.
Hoắc Cừu vòng tay chào, kéo quân đi ngược về hướng Tây. Huệ Vân chạy đến chăm sóc vết thương cho Tuấn Hạc. Đó chính là dấu vết sáu mũi kiếm, chúng đều lệch các đại huyệt chừng hai lóng tay. Vết thương không sâu nên chỉ đắp thuốc kim sang là đủ.
Tuấn Hạc nghiêm giọng :
- Tại hạ phải chịu đủ sáu nhát kiếm mới tìm ra lộ số kiếm pháp của đối phương. Hoắc Cừu đã tiến một bước rất dài trong kiếm đạo.
Vô Giới cười hì hì :
- Văn thí chủ mới đáng được xưng tụng là đệ nhất kiếm thủ.
Huệ Vân không nói gì nhưng ánh mắt nàng đã nói lên niềm ngưỡng mộ vô bờ.
Chàng trai kia không những là một đại kiếm khách mà còn là một bậc kỳ hiệp.
Giết người đã khó, tha người lại càng khó hơn. Trong chốn võ lâm sắc máu này, chẳng ai dung tha địch thủ của mình và lại còn khuyến khích kẻ kia phục hận.
Ba người đi thêm vài dặm thì trời sụp tối. Chung quanh hoang vắng, chẳng một mái nhà, một ánh lửa, họ đành nghĩ chân trong một khe hẻm sâu.
Vô Giới gom góp được một ít củi khô, nhóm đống lửa nhỏ. Huệ Vân và Tuấn Hạc lo bày lương thực trên tấm vải lều.
Ăn uống vừa xong thì đống lửa kia thoi thóp rồi tắt lịm, chỉ còn lại những làn khói trắng. Vô Giới khó chịu, bốc đất vàng lấp đi, miệng càu nhàu :
- Để lại chỉ thêm nhức mũi.
Huệ Vân tủm tỉm :
- Lát nữa trăng mười sáu sẽ soi sáng cho giấc ngủ của chúng ta.
Vô Giới hòa thượng đã uống cạn ba cân rượu ngon nên che miệng ngáp dài. Lão ôm chăn trải xuống chân vách hẻm rồi ngả lưng. Chưa đầy khắc sau, tiếng ngáy đã vang lên như sấm.
Trăng dần lên cao, lơ lửng trên đầu ngọn đồi cao nhất phía xa xa. Tuấn Hạc tung mình lên bờ hẻm vực, đứng trên một gò đất, ngắm vùng đất bao la chung quanh.
Dưới ánh trăng sực rỡ, hàng vạn gò đống kia chẳng khác gì những nấm mộ điêu tàn. Tiếng côn trùng rỉ rã và ngọn gió hạ vi vu càng làm cho không gian thêm tịch mịch, thê lương.
Chàng nhớ thương vô hạn những người thân nơi Hải Giác Thiên Nhai. Tiểu Băng thì tử sinh chưa rõ, số còn lại bặt vô âm tín. Gương mặt kiều diễm, thùy mị của Doanh Doanh hiện ra khiến lòng chàng quặn đau.
Và lần lượt, hình bóng đại ca Tuấn Thu, Hà Tú Chân, Văn Uyển Lan, Diệu Anh, Cù Sở Hòa... như từ cõi xa xôi nào đấy trở về. Chàng hình dung thân họ đầy máu, da thịt nức nẻ, cháy xém vì lửa đỏ, bất giác dòng lệ thương tâm lén trào ra.
Huệ Vân đã lên đến tự lúc nào không rõ. Nàng lặng lẽ ngắm nhìn những giọt nước mắt thống khổ của Tuấn Hạc. Huệ Vân nghe nỗi sầu muộn của chàng thấm vào hồn mình rồi nàng bật khóc.
Tuấn Hạc quay sang, nhìn gương mặt thanh tú, thánh thiện của Huệ Vân, trong nỗi đớn đau và cô đơn cùng cực, sự hiện diện của nàng tựa như ánh lửa hồng ấm áp rong đêm đông băng giá. Chàng không tự chủ được, bước đến xiết chặt Huệ Vân vào lòng. Không ai nói tiếng nào cả, họ nhắm mắt lại như lắng nghe tiếng thở của chính lòng mình.
Tuấn Hạc dần dần bình tâm lại, chàng buông Huệ Vân ra và thì thầm :
- Cám ơn Mạc sư muội.
Bỗng đôi tai tinh tường của chàng phát hiện ngoài xa có tiếng bước chân người. Chàng bế xốc Huệ Vân nhảy xuống hẻm vực Chàng lay nhẹ Vô Giới :
- Đại sư có người tới.
Hòa thượng bật dậy, cau mày bảo :
- Chẳng lẽ gã Truy Mệnh Kiếm Sứ kia quay lại?
Tuấn Hạc bác ngay :
- Không phải Hoắc Cừu! Gã mang bản chất anh hùng chứ không phải phường phản bác.
Vô Giới tư lự :
- Vùng đất này có hàng ngàn hẻm vực dọc ngang. Chưa chắc chúng đã phát hiện bọn ta ở dưới này. Huệ Vân sư muội hãy ở lại giữ ngựa và hành lý. Bần tăng và Tuấn Hạc lẻn ra đánh du kích một trận.
Huệ Vân phụng phịu đáp :
- Tiểu muội tuy không sánh với đại sư và Văn sư huynh nhưng cũng đâu đến nỗi yếu hèn? Cả ba chúng ta đều xuất trận.
Tuấn Hạc biết nàng đủ sức tự vệ nên trao bảo kiếm :
- Mạc sư muội hãy sử dụng thanh kiếm này, ta đã có pho Tiêu Dao thần chưởng.
Vô Giới xách cây đoản côn bằng thép ròng nặng bốn mươi cân đi trước dẫn đường Họ cúi thấp người, lướt đi trong những hẻm vực, tiến về phía địch nhân.
Tuấn Hạc núp sau một gò đất, căng mắt ra quan sát tứ bề. Chàng đếm được không dưới bốn chục tên đao thủ, chúng tỏa ra, cố tìm được chỗ bọn chàng nghỉ qua đêm.
Có một toán sáu tên mò đến gần vị trí bọn Tuấn Hạc. Khi chúng còn cách chừng hơn trượng, ba người nhất tề xuất thủ.
Đòn bất ngờ này hoàn toàn chính xác. Song chưởng của Tuấn Hạc vỗ dập ngực hai tên. Thiết côn của Vô Giới hòa thượng cũng không chịu kém, đập vỡ sọ hai gã xấu số. Huệ Vân kém hơn, chỉ giết được một tên. Nhưng gã thứ sáu cũng chẳng toàn mạng dưới chưởng kình của Tuấn Hạc.
Tiếng la hét báo động vang dậy, nhưng bọn Tuấn Hạc đã nhảy xuống hẻm vực, thoát đi êm thắm. Tuy nhiên, họ không đào tẩu mà âm thầm tiến lên, tìm mục tiêu mới.
Có tiếng người quát vang :
- Đốt đuốc lên!
Bọn đao thủ kia vội lúi húi che gió để bật hỏa tập, bọn Tuấn Hạc lợi dụng cơ hội ấy, nhảy đến tập kích lần nữa, tiêu diệt thêm được bốn tên.
Nhưng rồi, mấy chục cây đuốc bừng sáng, soi rõ đấu trường. Tuấn Hạc dặn dò Vô Giới và Huệ Vân rồi nhảy lên. Chàng phi thân vung chưởng giáng vào bọn đao thủ. Chưởng kình vũ bão đẩy bốn gã về phía sau. Chúng rú lên đau đớn và không ngồi dậy nổi.
Tuấn Hạc nhận ra thủ lĩnh của bọn này chính là một đại hán áo trắng, đứng trên gò đất cách đấy vài trượng. Chàng cử chưởng xuất chiêu “Bạch Lãng Đao Thiên” hạ thêm ba gã áo vàng, mở đường lao về phía ấy.
Đại hán kia không phải là Hoắc Cừu, gã vạm vỡ hơn và có một bộ râu quai nón trông rất oai vệ. Thấy Tuấn Hạc xông đến, gã vẫn bình thản nắm chắc chuôi đao chờ đợi. Sát khí trong người gã toát ra hừng hực.
Tuấn Hạc đã chạm trán với Hoắc Cừu nên sinh lòng cảnh giác. Đối phương mặc bạch y tất chức vụ, vai vế phải ngang hàng với Truy Mệnh Kiếm Sứ và võ công cũng chẳng thể kém hơn. Chàng lướt đến nhưng khi còn cách hơn trượng đã bất thần bốc thẳng lên cao, vừa kịp tránh khỏi một chiêu đao mãnh liệt. Đối phương trong tư thế Dĩ Dật Đãi Lao, chân khí sung mãn, đầy đủ nên đường đao nhanh như tia chớp và hùng mạnh phi thường. Đại hán đã dùng đến phép Ngự Đao, chứng tỏ bản lĩnh rất cao cường.
Bạch y đại hán đã xuất thủ trước để chiếm tiên cơ và chắc mẩm rằng đối phương tay không vũ khí tất sẽ không chống nổi chiêu đao thần tốc. Nào ngờ, gã vừa động thân thì tiểu tử kia đã bay vọt lên như chiếc pháo thăng thiên. Và từ trên cao, lưới chưởng mờ mờ bủa xuống. Đại hán liền đổi chiêu, múa tít thanh bảo đao để phá chiêu.
Nhưng dẫu sao gã cũng đã thất thế, công lực dồn vào thân đao không đủ và đường đao có vài sơ hở - khi chuyển từ chiêu này sang chiêu khác.
Đối với các đại cao thủ thì như vậy là quá đủ chưởng kình của Tuấn Hạc xuyên qua chỗ mỏng nhất của màn đao quang, giáng vào ngực đối phương. Đại hán áo trắng hự lên, văng ra xa sáu bước, máu miệng ộc ra.
Nhưng gã không hề gục ngã như Tuấn Hạc đã ước lượng, mà còn cười ngạo nghễ :
- Giỏi lắm Tiểu Nhai Nhi!
Tuấn Hạc lạnh lùng đáp :
- Nếu tôn giá không mặc bảo y thì giờ này không còn mở miệng nữa rồi.
Đại hán cười vang :
- Bổn sứ giả là Truy Mệnh Đao Sứ, được Vương gia yêu thương, ban cho Kim Khuyên Giáp để hộ thân, cả vùng Hoàng Thổ này đều biết việc ấy. Tại ngươi là kẻ xa lạ nên không biết đấy thôi.
Tuấn Hạc liếc thấy Vô Giới hòa thượng và Huệ Vân đang dũng mãnh tung hoành giữa đám đao thủ nên yên tâm đối đáp :
- Vậy là bản lãnh của tôn giá không bằng Hoắc Cừu nên Hướng vương gia mới phải ban cho bảo y. Việc ấy đáng hổ thẹn chứ có gì là vinh hạnh?
Truy Mệnh Đao Sứ giận tím mặt :
- Ngươi tưởng thắng được họ Hoắc là thắng được ta sao?
Dứt lời gã vung đao chém liền. Nhận ra khinh công của đối phương cực kỳ nhanh nhẹn, đại hán không dùng thuật Ngự đao mà đem pho đao pháp thành danh ra thi thố.
Thanh bạch đao xanh biếc kia hóa thành những lớp sóng cuồn cuộn ập đến. Chiêu thức của gã kín đáo và hùng mạnh tuyệt luân.
Đao tuy chỉ sắc bén có một bề nhưng dày và nặng hơn kiếm. Nhờ ưu điểm đó, đến thời nhà Minh, ba quân triều đình đều đã bỏ kiếm, sử dụng đao. Kiếm chỉ còn là một vật tùy thân của các vị võ tướng hoặc dùng làm kiếm lệnh.
Nhưng trong giới võ lâm, kiếm vẫn giữ được ngôi vị độc tôn của mình.
Kiếm nhẹ và sắc cả hai bên lưỡi nên cực kỳ linh hoạt biến ảo.
Tuy nhiên, giờ đây, Tuấn Hạc không có kiếm trong tay. Chàng dùng pho Tiêu Dao thất thập nhị thủ mà đối phó. Từng loạt chưởng kình uy hiếp thân trên đối thủ, chạm vào màn đao kình, vang lên những tiếng lùng bùng hay tiếng gió rít gay gắt.
Phách Không chưởng chính là tuyệt học thượng thừa của võ thuật Trung Hoa.
Nếu không có trên hai mươi năm công lực chẳng thể nào dồn được chân khí qua lòng bàn tay để tạo ra chưởng kình.
Ưu thế của nó là có thể từ xa tấn công địch thủ, chẳng cần phải chạm tay đến da thịt Nhưng đương nhiên công phu này rất hao tổn nội lực.
Tuấn Hạc nhờ có nguồn chân khí hùng hậu, liên tục giáng những đòn nặng nề như búa bổ, khiến thanh đao của đối phương rung lên. Gã Đao sứ vẫn cắn răng chống đỡ, chờ chàng đuối sức rồi mới phản công. Đôi mắt cú vọ kia chợt sáng lên ánh tàn độc và bảo đao hóa thành chiếc móng bạc bay về phía đối phương.
Tuấn Hạc mỉm cười xuất chiêu “Thu Dạ Hàn Tinh”. Chưởng ảnh trùng trùng giăng mắc, chưởng phong lồng lộng như bảo tố vỗ vào lưới đao. Đại hán áo trắng trúng liền bốn phương vào ngực, bụng nhưng vẫn nghiến răng ập đến. Mũi đao lướt ngang bụng Tuấn Hạc, tưởng như sẽ cắt chàng thành hai đoạn.
Nhưng có một vật gì đó rất cứng rắn đã cản đường đao lại. Chỉ trong sát na ấy, chân phải của Tuấn Hạc quất một cước vào vai tả đối phương. Cú đá như trời giáng đã chấn gãy khớp vai, đẩy Đao sứ văng xa hơn trượng. Gã lồm cồm bò dậy, nhìn chàng bằng cặp mắt oán độc.
Tuấn Hạc chưa kịp hạ thủ thì nghe tiếng dây cung bật và những mũi trường tiễn xé gió bay đến. Chàng vội múa tít song thủ, dùng chiêu “Sảng Khí Phi Phi” hộ thân. Màn chưởng phong đã đánh bạt trận mưa tên, nhưng ở bên kia, chợt vang lên tiếng kêu rên đau đớn của Huệ Vân.
Tuấn Hạc kinh hãi, lướt nhanh về phía ấy nhận ra trên lưng Huệ Vân đã cắm sâu một mũi tên dài. Nàng lảo đảo, cố chống chọi với hai gã đao thủ.
Cách đấy hơn trượng, Vô Giới hòa thượng đang lồng lộn như hổ dữ, múa tít thiết côn đối phó cùng sáu gã áo vàng.
Tuấn Hạc động nộ, vận toàn lực giáng song chưởng vào đối thủ của Huệ Vân. Hai gã xấu số gào lên thảm thiết, lăng lông lốc trên mặt đất.
Chàng vươn tả thủ cặp Huệ Vân vào hông, tay hữuu đoạt lấy bảo kiếm của nàng, Tuấn Hạc quát vang :
- Đại sư! Chúng ta rút thôi! Huệ Vân sư muội đã trúng tên!
Nói xong, chàng múa tít bảo kiếm mở đường máu chạy về hướng Đông. Thanh kiếm lấp loáng dưới ánh trăng vàng nhạt, gạt phăng những mũi tên và chặt gãy những trở ngại trước mặt. Với pho khinh công “Thiên Tinh Quá Hải”, chàng lướt như bay trên đám gò đất, hẻm vực dọc ngang và biến mất.
Vô Giới muốn chia rẽ lực lượng đối phương nên đào tẩu về hướng Bắc. Bọn đao thủ Hoàng Thổ thành khinh công kém cỏi nên không cách nào đuổi kịp. Còn dùng ngựa thì càng thất sách vì địa hình cực kỳ trắc trở.
Lúc này, bên cạnh Truy Mệnh Đao Sứ xuất hiện một người áo vàng. Đó là một lão nhân tuổi độ gần thất thập, vóc dáng nhỏ bé, tóc hoa râm và da mặt đỏ như gấc. Lão búi tóc theo kiểu đạo gia, tay cầm phất trần.
Đạo nhân áo vàng gật gù, ngửa mặt nhìn trăng một lúc thở dài bảo :
- Chúng ta sơ xuất ở chỗ quá nóng nảy trước cái chết của Tầm Hoa sứ giả nên đã kết oán với tiểu tử họ Văn kia. Y chính là truyền nhân của Cuồng Kiếm Công Tôn Quang Nguyệt. Tuy tuổi mới đôi mươi nhưng đáng được coi là đệ nhất cao thủ đất Trung Nguyên. Thú thực, ngay bản thân bần đạo cũng không chắc thắng được y.
Truy Mệnh Đao Sứ không phục :
- Thuộc hạ cho rằng họ Văn không quá lợi hại như vậy. Nếu bụng y không giấu sẵn một vật cứng thì đã đứt làm hai đoạn rồi.
Phó vương lắc đầu :
- Đao sứ nói sai rồi. Văn nhị công tử là người thông minh tuyệt thế, mới mười ba tuổi đã nổi tiếng thần đồng. Khi y bước vào võ đạo cũng thành công nhanh chóng. Chỉ sau ba trăm chiêu đã tìm ra sơ hở trong pho kiếm pháp của Kiếm sứ. Và lúc nãy, y cũng đã đoán được đường đao của các hạ sẽ lướt vào bụng. Họ Văn chỉ lợi dụng vật cứng ấy để thực hiện ý đồ chiến thuật của mình, tâm cơ và dũng khí ấy hỏi mấy ai có được?
Đao sứ hằn học nói :
- Vậy sao Phó vương không truy sát để diệt trừ hậu hoạn?
Đạo nhân cười mát :
- Bần đạo nói thực cho các hạ biết là pho khinh công “Thiên Tinh Quá Hải” kia độc bá võ lâm, chẳng thể nào đuổi kịp. Thứ hai là cổ nhân có câu “giặc cùng chớ đuổi”. Y không có kiếm trong tay còn đả thương được các hạ, thì liệu bần đạo có chịu nổi sự liều mạng của y không? Hơn nữa, bần đạo đã có ý chiêu mộ họ Văn về phò tá Vương gia. Văn Tuấn Hạc nắm trong tay bốn vạn đệ tử Cái bang ở vùng Nam Trường Giang, thu phục được y tốt hơn là giết đi.
* * * * *
Nhắc lại Tuấn Hạc đem Huệ Vân thoát khỏi vòng vây, vận toàn lực chạy đi.
Được vài dặm, chàng phi thân lên gò đất cao nhất, nhìn trở lại. Biết chắc không có người truy đuổi, chàng thở phào nhảy xuống, tìm một hẻm vực kín đáo để xem xét vết thương của Huệ Vân.
Tuấn Hạc cởi áo choàng của mình trải xuống đất, đặt Huệ Vân nằm sấp xuống. Chàng dùng mũi kiếm cắt lớp vải quanh vết thương, điểm huyệt chỉ huyết rồi mới dám nhổ mũi tên. Một vòi máu bắn ra nhưng dừng lại ngay. Huệ Vân đau đớn rên rỉ khiến lòng chàng đau xót. Tuấn Hạc điểm nhanh vào hai huyệt Ế Minh, An Miêu sau tai trái khiến nàng mê man ngủ thiếp đi.
Chàng xé vạt áo mình lau sạch máu quanh vết thương rồi bóp nát bốn viên linh đan đắp vào.
Băng bó xong, Tuấn Hạc cho nàng uống thuốc trị thương. Chẳng có miếng nước nào, chàng đành nhai nát rồi dùng lưới mình đưa xuống cổ họng nàng.
Chàng đã từng chạm đến những chỗ cấm ky nên không nề hà chuyện nhỏ nhặt này. Hành lý, lương thực, nước uống đều để ở chỗ cũ, có quay lại cũng chưa chắc đã còn. Tuấn Hạc nghe khát và biết rằng Huệ Vân mất máu tất cần nước hơn mình. Chàng quyết định đưa nàng rời khỏi khu vực này, may ra tìm được mái nhà nào đó.
Được giải huyệt, Huệ Vân tỉnh lại. Nàng chỉ khẽ rên rồi lại im ngay và nở nụ cười khô héo :
- Văn sư huynh có bị hề hấn gì không?
Tuấn Hạc lắc đầu :
- Cả ta và đại sư đều an toàn, nhưng đã lạc mất nhau rồi.
Huệ Vân ho húng hắng mấy tiếng, nhăn mặt đáp :
- Tiểu muội nghe đau ở vùng phổi mé hữu và khát khô cả cổ.
Tuấn Hạc gượng cười bảo :
- Ta cũng khát. Sư muội hãy để ta cõng đi tìm nước.
Chàng đỡ nàng lên lưng mình rồi lướt đi dưới ánh trăng lạnh lẽo. Thỉnh thoảng, chàng trèo lên những gò đất cao nhìn tứ phía xem có ánh lửa hay mái nhà nào không?
Tiếng ho sù sụ của Huệ Vân khiến lòng chàng quặn thắt. Phần Huệ Vân dù bị vết thương hành hạ nhưng vẫn thanh thản ôm chặt lấy cổ Tuấn Hạc. Nàng lắng nghe da thịt mình cọ sát vào cơ thể của chàng. Không phải vì xuân tình rạo rực mà là cảm giác ngọt ngào, hạnh phúc cuối cùng trong đời. Nàng biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Nàng không buồn vì mình sắp chết. Khi trong những giây phút cuối đời này, được ôm ấp người mình yêu dấu. Nàng yêu Tuấn Hạc nhưng chẳng bao giờ dám thố lộ. Nếu nàng còn sống sót thì cũng lặng lẽ ôm mối tình câm, chia tay chàng - khi đã về đến Hằng Sơn.
Tuấn Hạc không thấy nàng nói gì, sợ hãi hỏi :
- Sư muội có sao không?
Huệ Vân thì thầm vào tai chàng :
- Tiểu muội rất hạnh phúc và mong sao được chết trên lưng sư huynh.
Cuối cùng thì cái chết đã đem lại cho nàng dũng khí để thổ lộ lòng mình. Tuấn Hạc rùng mình, choáng váng trước mối tình tha thiết của người con gái bạc mệnh này. Bất giác dòng lệ thương cảm trào ra.
Chàng biết rõ rằng mũi trường tiễn kia đã đâm thủng phổi và trong vùng đất hoang vu thiếu thốn này, khả năng sống sót rất hiếm hoi.
Huệ Vân từng kể cho chàng nghe rằng nàng mồ côi cha mẹ từ năm bảy tuổi. Trong một lần về thăm quê ở Hán Trung, Huệ Hà sư thái động lòng thương cô bé chăn trâu ngộ nghĩnh, đem về Hằng Sơn. Mạc Ái Luân được Định Trần, sư phụ của Huệ Hà, nhận làm đệ tử.
Thân phận côi cút của Huệ Vân đã khiến Tuấn Hạc sinh mối đồng cảm - vì chàng cũng mồ côi.
Vết thương hoành hành khiến cơ thể Huệ Vân nóng ran vì cơn sốt. Nàng chìm dần trong cơn mê man, miệng rên rỉ đòi nước.
Tuấn Hạc nghe đứt từng khúc ruột, lao đi như tên bắn. Đến đầu canh năm vẫn chưa tìm được nước, bản thân chàng cũng mệt mỏi rã rời. Chàng đành dừng lại trên một gò đất xem xét tình trạng của bệnh nhân.
Nhìn đôi môi khô héo, nứt nẻ của Huệ Vân, chàng đau đớn vô vàn. Mạch của nàng mỗi lúc một yếu dần, máu trong phổi cứ chực ứa ra khóe miệng.
Tuấn Hạc kinh hãi, lấy năm viên linh đan chế từ rễ cây Tử Diệp Bạch Lê - nhai nát, mớm cho nàng. Nhưng giờ đây, thuốc không thể nào trôi qua được cổ họng khô khốc kia. Chàng bèn rút kiếm cắt tay, để dòng máu mình chảy vào miệng nàng, hòa tan số thuốc kia.
Tuấn Hạc còn xoa bóp một số đại huyệt và trút chân khí vào người nàng. Nhờ vậy lát sau Huệ Vân tỉnh lại, nhận ra Tuấn Hạc ngồi hành công bên cạnh.
Nàng cố dằn những cơn ho để khỏi kinh động chàng, nằm im ngắm nhìn gương mặt dấu yêu.
Sương mai lạnh lẽo rơi xuống làm dịu cơn sốt trong người nàng.
Khi những tia nắng hồng đầu tiên le lói cuối trời đông, Tuấn Hạc xả công, nhìn Huệ Vân mỉm cười :
- Mạc sư muội đã tỉnh lại rồi ư?
Huệ Vân ngượng ngừng gật đầu và nói :
- Sư huynh! Tiểu muội khát nước.
Tuấn Hạc đứng lên nhìn quanh. Trời đã sáng hẳn nên chàng nhận ra xa xa có một mái lá. Chàng mừng rỡ bồng Huệ Vân chạy về hướng ấy.
Đến nơi, chàng thất vọng vì đấy chỉ là chiếc chòi tránh nắng nằm cạnh thửa ruộng khô cằn. Trời chưa mưa lớn nên vẫn bị bỏ hoang.
Nhưng may thay, ở phía sau có một chiếc lu sành đầy ắp nước. Nó để ngoài trời nên đã hứng được nước của những cơn mưa đầu mùa vừa qua.
Tuấn Hạc đặt Huệ Vân lên chiếc chỏng tre ọp ẹp, dùng chiếc lọ sành đựng linh đan - đã rỗng không - múc nước. Chàng uống no bụng rồi đem vào đổ vào miệng Huệ Vân.
Nàng tỉnh táo ra, cười hỏi :
- Có nhiều nước không Văn sư huynh?
Tuấn Hạc cười đáp :
- Nhiều lắm, có cả một lu đầy.
Huệ Vân im lặng một lát, đỏ mặt thì thầm :
- Su huynh! Tiểu muội biết mình không thể sống nổi. Nhưng là phận nữ nhi, tiểu muội muốn được sạch sẽ trước khi chết.
Tuấn Hạc băng khoăng đáp :
- Sư muội là ni cô! Ta không tiện chạm đến ngọc thể.
Huệ Vân lắc đầu :
- Sư huynh yên tâm, lúc rời Hằng Sơn, Chưởng môn sư tỷ đã cho tiểu muội hoàn tục rồi.
Ánh mắt nàng đầy vẻ ai oán, van xin khiến Tuấn Hạc chẳng thể chối từ. Chàng cũng biết rằng nàng sắp chết.
Chàng ra ngoài cẩn thận nhấc bổng lu nước đem vào, đặt cạnh chõng tre. Xé vạt trường bào làm khăn để lau cho nàng.
Nho gia chú trọng lễ giáo nhưng lại đặt đức nhân lên trên hết. Lễ có thể bỏ nhưng điều nhân thì không. Chị dâu té giếng, em chồng còn phải vớt lên, huống hồ gì đây là tâm nguyện cuối cùng của một kẻ sắp lìa đời.
Hơn nữa, Tuấn Hạc đã nhiều lần đụng chạm đến cơ thể Huệ Vân nên việc tắm rửa cho nàng cũng chẳng phải là nghiêm trọng.
Chàng tự nhủ như vậy, thản nhiên cởi xiêm áo nàng ra, xếp ngay ngắn để ở đầu chõng. Huệ Vân nhắm nghiền mắt lại vì hổ thẹn.
Khi cả tấm thân ngà ngọc kia hoàn toàn lõa lồ, Tuấn Hạc nhận ra nó nảy nở và gợi cảm biết bao. Chàng nghe mặt nóng bừng, cố nén lòng, chăm chú lau sạch bụi đất.
Bỗng hai hàng lệ ứa ra từ khóe mắt nhắm chặt và nàng hỏi như mê sảng :
- Văn sư huynh! Nếu tiểu muội không chết, sư huynh có chịu nhận tiểu muội làm thê thiếp hay không?
Chẳng còn gì để tiếc nữa, Tuấn Hạc cười khổ đáp :
- Mối chân tình của nàng lẽ nào ta không hiểu. Sư muội đừng để mất hy vọng khát sống. Ngu huynh rất vinh dự được cầu hôn sư muội.
Nụ cười hạnh phúc nở trên đôi môi tái nhợt và bỗng đông cứng lại. Tuấn Hạc kinh hãi cầm tay thăm mạch thì thấy nàng đã chết.
Chàng áp mặt vào ngực Huệ Vân khóc nức nở. Lát sau chàng mới bình tâm lại đôi chút, mặc lại y phục cho nàng.
Chàng ôm xác nàng ra ngoài, nhảy lên gò đất cao nhất và dùng kiếm đào một lỗ huyệt.
Ai bảo trượng phu không biết khóc? Tuấn Hạc quỳ trước nấm mộ vùi nông, tiếc thương người con gái xinh đẹp và bạc mệnh Mạc Ái Luân!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT