Để tranh thủ thời gian, Tuấn Hạc đi thẳng lên hướng Bắc. Bốn ngày sau họ đến Chương Phàn - tận bờ sông Hán Thủy. Tuấn Hạc cho xe ghé vào khách điếm nghỉ ngơi và bảo Hồ Diện Cái đi dò hỏi tin tức, đồng thời báo về Thiên Ma cốc cho Mạn Ngọc biết họ đang trên đường đi Sơn Tây.
Phương pháp truyền tin bằng chim bồ câu đã có từ thời nhà Đường, nhưng không phổ biến. Nay chỉ còn duy nhất có Cái bang là duy trì được hệ thống liên lạc độc đáo này.
Trước bữa cơm tối, Cù Y Thảo trở lại, báo rằng Thiên Ma cốc vẩn an toàn. Mạn Ngọc đã giả nét chữ của Thiên Ma đại lão Đinh Sơn Giáp, gởi thư cho Trường Thiên Sư nói rằng Tây Phật đã đến Thiên Ma cốc giết chết lão nhị và đoạt lại Phật trượng. Sau đó, Trương Tỳ Vân không đến Hoàng Sơn nữa.
Mờ sáng, bọn Tuấn Hạc lại lên đường.
Tiểu Băng vẫn mê man, chỉ sống bằng nước cháo loãng nấu với sâm già. Nàng không chủ động được sự bài tiết nên Phương Phương rất cực khổ. Tuy nhiên, cô gái này vẫn vui vẻ chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo.
Một là Phương Phương cảm thương kiếp hồng nhan bạc phận của Tiểu Băng.
Hai là nàng hiểu rằng mình tận tâm với người chị chung thuyền này thì sẽ dành được lòng yêu mến của Tuấn Hạc.
Quả đúng như vậy, Tuấn Hạc vô cùng cảm kích và nhìn Phương Phương với ánh mắt trìu mến.
Đã bước vào mùa hạ nên vầng dương chói lọi trên cao, thiêu đốt vạn vật. Nền đường khô cứng lại và bụi bốc lên mờ mịt theo vó ngựa. Tuấn Hạc nhờ công lực thâm hậu nên không đến nỗi khổ sở, chỉ tội cho Hồ Diện Cái Cù Y Thảo và hai nữ nhân.
Phương Phương đã phải lấy mấy tấm nệm bông cột chặt vào nóc và quanh mui xe để giảm bớt cái nóng kinh người.
Thỉnh thoảng, nàng nhảy lên lưng ngựa Tuấn Hạc, dùng khăn ướt lau mặt phu tướng hoặc cho chàng uống nước.
Đến chiều ngày mùng năm tháng tư, họ đã đi thêm được gần bốn trăm dặm đường vượt qua thành Nam Dương một quảng khá xa. Một con chó của nhà nông dân nào đó băng ngang qua dường, suýt nữa bị vó ngựa đạp bẹp. Cũng may, nó chỉ bị đau ít, kêu ăng ẳng và bỏ chạy về phía sau. Nhờ vậy, chàng phát hiện xa xa đám bụi mù mịt bốc cao và di chuyển rất nhanh.
Chàng cau mày đoán rằng đoàn ky mã kia rất đông đảo nên mới gây hiện tượng như vậy Một cảm giác bất an thoáng hiện, có thể họ đang cố bắt kịp chàng thì sao?
Nghĩ đến câu “cẩn tắc vô ưu” Tuấn Hạc bảo họ Cù :
- Các hạ cho xe phóng nhanh lên, có thể cường địch đang đuổi theo.
Hồ Diện Cái vội vung roi quất đôi ngựa gia tăng tốc độ.
Đường xấu nên xe bị nhồi lắc dữ dội. Phương Phương thò đầu ra hỏi :
- Tướng công! Tại sao lại cho xe chạy nhanh làm gì?
Tuấn Hạc thở dài chỉ về phía sau :
- Phương muội xem kìa, đám bụi kia tiến đến rất nhanh, chứng tỏ đám ky mã đang đuổi theo chúng ta. Nếu quả đúng như vậy thì lấy nệm bông che chắn cả phía sau để đề phòng cung tiễn. Ta sẽ bảo vệ không cho chúng đến gần.
Chàng lại bảo Hồ Diện Cái :
- Các hạ hãy đưa cây roi ngựa dự trữ cho ta.
Thói thường, bao giờ trên xe cũng có thêm một, hai cây roi da để thay thế.
Cù Y Thảo vội lấy vòng dây treo trên càng xe đưa cho chàng.
Cây roi này dài gần trượng, khi múa lên có thể che chắn một phạm vi khá rộng.
Hơn khắc sau, đoàn ky mã kia đã đến nơi. Người dẫn đầu chính là Khuất Bạch Thành. Gã quát vang :
- Tuấn Hạc! Nếu ngươi không chịu giao Ôn Tiểu Băng lại thì đừng hòng sống sót.
Để thị uy bọn ky mã giương cung bắn liền. Bốn mươi mũi trường tiễn xé gió bay đến. Tuấn Hạc cho ngựa chạy ngay sau xe, ngồi xoay ngược lại, múa tít roi da. Luồng chân khí hùng hậu của chàng đã biến cây roi mềm mại thành một tấm lưới bền chắc, kín đáo, hứng lấy tất cả những mũi tên.
Lại thêm mấy loạt bắn nữa nhưng đều vô ích. Tuy nhiên, khoảng cách hai bên càng lúc càng gần. Tuấn Hạc phát hiện trong xe vang lên những tiếng như nhà bếp động dao thớt mà không hiểu Phương Phương đang làm gì.
Lát sau, nàng thò ra, đưa cho chàng một túi lụa :
- Tướng công! Thiếp đã chặt nhỏ những thỏi vàng bạc, chàng hãy dùng làm ám khí để đối phó với bọn chúng.
Tuấn Hạc mừng rỡ nhận lấy, bỏ vào lòng rồi bắt đầu tấn công. Mảnh vàng đầu tiên xé gió bay vào ngực Khuất Bạch Thành. Nhờ ánh hoàng kim lấp loáng nên gã nhận ra, nghiêng mình tránh thoát.
Nhưng viên ám khí đắt tiền nay trúng vào tên đệ tử phía sau. Gã rú lên thảm khốc, rơi khỏi mình ngựa. Lại thêm bốn tên nữa chết vì số vàng bạc mà chúng chẳng hề ham muốn. Khuất Bạch Thành đành chậm lại để tránh xa tầm ném. Đường quan đạo chật hẹp, hai bên là ruộng nước nên chúng không thể vượt lên được.
Thỉnh thoảng, Tuấn Hạc ghì cương ngựa, chờ phe đối phương đến mà rải ám khí. Chàng giết thêm được vài tên rồi bỏ chạy theo xe.
Tuấn Hạc nhận ra hai lão nhân đi song song với Khuất Bạch Thành có kiếm pháp rất lợi hại. Những thỏi bạc bị bắn vào họ đều bị chặt nát thành những mảnh nhỏ. Chàng biết đôi ngựa kéo xe không thể chịu đựng được lâu. Chúng đã đi bảy tám trăm dặm và được nghỉ ngơi rất ít.
Tuấn Hạc quay lại nói với Phương Phương :
- Phương muội bảo họ Cù ghé vào chỗ nào có địa thế hiểm yếu.
Được hơn trăm dặm là hết vùng ruộng lúa, đến rặng núi Hạc Sơn. Hồ Diện Cái quyết định cho xe rẽ sang mé hữu, đi vào con đường gồ ghề, lởm chởm đá. Gã nói lớn :
- Trưởng lão cố cầm chân bọn chúng lại xe không chạy nhanh hơn được. Chỉ hơn dặm nữa là đến nơi trú ẩn.
Tuấn Hạc gật đầu, cho ngựa chạy chậm lại chặn ngang giữa đường quan đạo. Những mảnh vàng bạc trong tay chàng đã bay ra như sao sa, lại có vài tên nữa bỏ mạng.
Khuất Bạch Thành gầm lên ghê rợn, cùng hai lão nhân áo xanh múa tít trường kiếm tiến lên. Bọn thủ hạ của gã cũng bám theo.
Ba luồng kim quang rực rỡ đã gạt phăng những viên ám khí của Tuấn Hạc. Chàng cười nhạt, nhắm vào ức ngựa mà hạ thủ. Trường kiếm không thể với tới nên ba con ngựa đều trúng đòn, chúng đau đớn hí lên rồi ngã quỵ, hất bọn Bạch Thành xuống đất.
Tuấn Hạc nhân cơ hội ấy quay ngựa phi theo xe song mã. Đến chân núi, chàng nhận ra xe đã chạy vào một khe đá hẹp, chỉ vừa lọt chiều ngang của thùng xe, hai bên là vách đá dựng đứng. Địa thế này đáng gọi là tuyệt hiểm, nhất phu đương quan, vạn nhân nan quá.
Chàng thúc ngựa vào, chỉ năm trượng đã đến một khoảng trống rộng rãi, cây cối rậm rạp, xanh tươi. Vách sơn cốc cũng cao vun vút khiến bầu trời phía trên như nhỏ lại.
Bọn Khuất Bạch Thành cũng đến nơi nhưng không dám vào, đứng lố nhố ở ngoài cửa cốc. Tuấn Hạc xuống ngựa, nhặt cục đá to bằng nắm tay, vận toàn lực ném ra ngoài.
Viên đá bay ra với tốc độ kinh hồn, dập vỡ sọ một tên ky sĩ. Chúng hoảng sợ, dạt cả ra hai bên.
Khuất Bạch Thành thở dài bảo hai lão nhân :
- Vàng bạc thì có thể đỡ được chứ với đá xanh thì phải cẩn trọng, tiểu tử họ Văn có đến năm mươi năm công lực trong người, không thể coi thường được.
Họ Khuất ra lệnh xuống ngựa nghỉ ngơi ăn uống. Bên trong cốc, bọn Tuấn Hạc cũng đang chuẩn bị việc phòng ngự.
Phương Phương và Cù Y Thảo chạy đi nhặt những viên đá to bằng trứng ngỗng, chất thành đống trước hẻm núi.
Tuấn Hạc vui vẻ khen ngợi :
- Vì sao Cù các hạ lại biết nơi này?
Cù Y Thảo cười hì hì :
- Bốn năm trước, gia phụ sai thuộc hạ đến vùng Hạc Sơn này tìm một vị thuốc, nhờ vậy mới khám phá ra chỗ tuyệt địa này.
Phương Phương giận dỗi nói :
- Cù huynh dẫn chúng ta vào đây thì có hay ho gì? Chỉ như cá trong rọ mà thôi. Vài ngày nữa hết nước hết lương thực là chết đói ngay.
Họ Cù cười xòa :
- Phu nhân yên tâm, trong này có cả một hồ nước trong vắt, đầy cá. Còn chồn thỏ cũng hằng hà sa số.
Phương Phương là nữ nhân không chịu được cảnh dơ dáy vì thiếu nước nên mừng rỡ :
- Thế thì được.
Nàng tất tả quay xe lại, lấy y phục và bồng Tiểu Băng đi sâu vào trong.
Cù Y Thảo cũng bày lương khô và rượu ngon ra nhấm nháp. Ai cũng đói bụng vì hoàng hôn đã buông xuống. Hai người ngồi ngay vị trí phòng thủ mà dùng bữa.
Tuấn Hạc trầm ngâm nói :
- Bệnh tình của Tiểu Băng không cho phép chúng ta lưu lại nơi này lâu hơn được. Đêm nay các hạ và Phương muội giữ vững đường vào, ta sẽ ra ngoài tiêu diệt bọn chúng. Chỉ cần tiêu diệt được Khuất Bạch Thành là đối phương phải rút lui thôi.
Ăn uống xong, chàng điều tức một lúc để khôi phục công lực rồi lướt ra ngoài. Phương Phương và Hồ Diện Cái núp hai bên vách chờ đợi.
Cửa sơn cốc sáng rực vì phe Bạch Thành đã đốt một đống lửa rất lớn ở mé tả Chúng muốn nhìn thấy rõ khi đối phương đi ra.
Tuấn Hạc thản nhiên lộ diện, trầm giọng gọi :
- Bạch Thành, hãy ra đây làm vài chiêu xem nào. Hay là hậu duệ của Vô Tâm kiếm khách chỉ biết dùng cung tiễn?
Khuất Bạch Thành là người cao ngạo, không chịu nổi lời khiêu khích liền kéo thuộc hạ xông đến.
Tuấn Hạc cười nhạt :
- Bạch Thành! Ngươi học cái thói ỷ chúng hiếp cô từ bao giờ thế? Có dám cùng ta đơn đấu hay không? Nếu trong ba chiêu ta không khiến máu ngươi ướt đất này thi Văn mỗ nguyện vung kiếm tự vẫn ngay.
Câu hỏi khinh bạc, ngạo nghễ kia khiến họ Khuất giận run người. Gã ngửa cổ cười dài :
- Được! Nhất ngôn cửu đỉnh. Bổn tước gia sẽ dạy cho ngươi ba chiêu.
Gã rút kiếm đến đứng đối diện Tuấn Hạc. Từng bị Tuấn Hạc đánh trọng thương nên Bạch Thành hiểu rất rõ công lực của đối thủ. Nhưng gã không tin rằng kiếm pháp của Tuấn Hạc cũng cao siêu như chưởng pháp. Thường thì cao thủ nào cũng chỉ sở trường một môn công phu.
Tuấn Hạc dựng trường kiếm trước mặt, tay tả bắt kiếm quyết, chỉ về phía đối phương. Thế thức này rất thông dụng và chẳng có gì đặc sắc cả. Chỉ khác một điểm là chàng đứng trên hai đầu bàn chân, gót nhón cao. Thân hình chàng trôi dần về phía Khuất Bạch Thành. Khoảng cách càng lúc càng ngắn lại, Bạch Thành phải xuất thủ trước để chiếm tiên cơ. Thanh kiếm rung động, hóa thành ngàn kiếm ảnh, đưa thân hình gã bốc lên cao.
Tuấn Hạc chỉ chờ có thế, hóa thành mũi tên bạc bay chếch lên, chặn ngang đường đối phương. Khuất Bạch Thành ở trên, chàng ở dưới nên mục tiêu của chàng chính là hạ bàn của gã.
Chiêu kiếm này có tên là “Trường Đoạn Vô Nghi” (Đứt một chẳng còn nghi). Tuấn Hạc chưa bao giờ dùng đến vì nó cực kỳ hiểm ác. Nay chàng ở tuyệt lộ, chẳng còn khách sáo được nữa.
Khuất Bạch Thành kinh hoàng chúi xuống, cố chặn đường kiếm của đối phương. Nhưng đã quá muộn, sau tám tiếng va chạm chói tai là tiếng rên đau đớn của họ Khuất. Gã rơi xuống đất, đứng ôm bụng rên rỉ. Một vết kiếm vắt ngang rốn và bốn vết nữa vạch nát hai đùi.
Hai lão già áo xanh vội lao đến đỡ lấy thiếu chủ và quát vang :
- Giết!
Gần ba mươi gã kiếm thủ của Khuất gia trang dù sợ chết khiếp cũng phải xông vào. Có điều chúng dùng chiến thuật xa luân, từng đợt bốn tên tiến lên tấn công rồi rút ngay, nhường cho đợt khác.
Tuấn Hạc cười mát, lùi nhanh vào khe núi, biến mất trong bóng tối. Và hàng loạt phi thạch bay ra khiến phe đối phương không dám đuổi theo. Thì ra Phương Phương và Cù Y Thảo nóng ruột nên đã ôm đá ra tận ngoài cửa hang để quan chiến.
Ba người rút vào sơn cốc nghỉ ngơi, bên đống lửa bập bùng. Phương Phương âu yếm lau mặt cho Tuấn Hạc và thỏ thẻ :
- Gã họ Khuất đã bị trọng thương, chắc bọn chúng phải rút thôi.
Quả nhiên, lát sau tiếng vó ngựa lọc cọc khua vang, ngày càng xa sơn cốc. Có lẽ chúng phải đi ngay để tìm cách trị thương cho Khuất Bạch Thành.
Hồ Diện Cái ấp úng :
- Bẩm trưởng lão! Theo thiển ý của thuộc hạ thì bọn chúng không đi hẳn đâu. Chắc chắc chúng sẽ cho người mai phục ở lối ra. Hai bên đều có loạn thạch, rất dễ ẩn thân.
Tuấn Hạc tán thành :
- Ta cũng nghĩ thế. Chỉ cần hai người để đưa Khuất Bạch Thành về Nam Dương chữa thương, số còn lại sẽ chân đường chúng ta. Nhưng không sao, các vị cứ nghỉ ngơi, sáng mai sẽ tính sau.
Phương Phương bỗng nói :
- Tướng công! Tiện thiếp nghĩ mãi không ra vì sao Khuất Bạch Thành lại biết rằng Ôn đại thư nằm trong xe và chúng ta sẽ đi đường này?
Tuấn Hạc thở dài :
- Ta cũng thắc mắc nhưng không lý giải được.
Hồ Diện Cái nói ngay :
- Theo ý thuộc hạ thì có ba khả năng xảy ra. Một là Ôn giáo chủ đã đào thoát đến Khuất gia trang ở Giang Âm và báo cho Khuất Bạch Thành biết. Hai là trong Ma cung có nội gián. Ba là chính Luân Hồi Đế Quân đã bán rẻ chúng ta.
Tuấn Hạc cân nhắc :
- Khả năng thứ nhất không đứng vững vì Ôn lão không biết ta đã còn được Tiểu Băng. Còn việc bị Đế quân bán đứng cũng không hợp lý. Lão còn cần đến ta để mượn Hàn Ngọc thiền trượng của Tây Phương tự.
Phương Phương cướp lời chàng :
- Thiếp lại nghĩ khác chàng. Có thể Vô Giới đại sư đã ngộ hại dọc đường và Ngọc trượng đã rơi vào tay Đế quân. Khi tướng công nói với lão về việc Ngọc trượng là chìa khóa, thiếp thấy ánh mắt lão rất kỳ lạ, có vẻ như đắc ý.
Tuấn Hạc gạt ngay :
- Việc ấy tính sau, phải đến cho được Hằng Sơn cái đã.
* * * * *
Trời còn mờ mờ, Tuấn Hạc đã rời sơn cốc. Chàng không đi dưới lòng đường mà luồn lách những bụi rậm hoặc loạn thạch ở trên. Chàng học hỏi của Thần viên cách di chuyển êm thắm nên đến được đoạn mai phục mà không hề bị phát giác.
Ba mươi tên cung thủ đang dật dựa ngủ gật. Tuấn Hạc chăm chú quan sát, cố tìm ra hai lão già áo xanh. Chàng phải tiêu diệt họ trước vì Phương Phương và Hồ Diện Cái không thể ngăn được.
Tuấn Hạc mừng rỡ nhận ra chỉ có một lão đang ngồi nhập định sau một tảng đá. Lão kia chắc đã đưa Khuất Bạch Thành đi khỏi. Chàng nhảy lên tảng đá cao nhất rồi hắng giọng. Lão nhân và đám cung thủ giật bắn mình chồm dậy. Tuấn Hạc không để trễ một giây, tung mình chụp lưới kiếm xuống đầu thanh y lão nhân.
Chàng nóng ruột vì an nguy của Tiểu Băng nên sát khí ngập hồn, xuất thủ rất nặng tay. Chàng đã thức ngộ ra rằng trong chốn võ lâm tanh máu này, lòng nhân hậu không còn chỗ đứng nữa.
Tuấn Hạc xuất chiêu “Hoàng Diệp Diêu Linh”, vẽ lên hàng trăm kiếm ảnh mờ mờ, phất phới, lả lơi như lá vàng rụng bởi gió thu.
Thanh y lão nhân mất tiên cơ, lại kẹt tảng đá sau lưng lên không còn đường tiến thoái. Lão nghiến răng múa tít bảo kiếm chống đỡ.
Tiếng thép ngân dài hòa với tiếng rú ghê rợn của lão áo xanh. Ngực và bụng lão thủng lỗ chỗ, máu phun thành vòi.
Cái chết thảm thiết của đầu lãnh đã khiến đám cung thủ hồn phi phách tán, ném vũ khí đào tẩu không còn một mống. Chúng sợ đến nỗi không dám nhảy lên lưng ngựa, chỉ mong sống sót nhờ đôi chân mà cha mẹ đã ban cho.
Tuấn Hạc hài lòng, chẳng truy sát làm gì. Chàng ngửa cổ hú vang báo hiệu. Lát sau, xe song mã ra đến. Chàng nhảy lên lưng tuấn mã của mình, đi trước mở đường.
Giữa tháng tư, bọn Tuấn Hạc đến được dãy Hằng Sơn mà không gặp thêm trở ngại nào. Bắc Nhạc Hằng Sơn là một dãy núi hùng vĩ ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây, nằm cách huyện Đại Đồng chừng trăm rưỡi dặm.
Trên sườn núi có nhiều chùa chiền, nổi tiếng nhất là Hằng Sơn ni viện và Huyền Không tự.
Tuấn Hạc để Phương Phương và Cù Y Thảo trong quán trọ dưới chân núi, rồi bồng Tiểu Băng thượng sơn. Huyền Không tự là ngôi chùa lớn nhất Sơn Tây, tăng chúng có đến hơn trăm người.
Hôm nay đã là ngày mười tám tháng tư nên chùa đóng kín. Huyền Không tự theo thiền tông, chỉ mở cửa vào các ngày rằm và mùng một.
Tuấn Hạc lên đến nơi thấy một lão ni đang quét lá dưới sân liền gọi :
- Vãn sinh có việc khẩn cấp. Muốn cầu kiến Thiền ông.
Lão ni buông chổi bước ra, mở cửa.
Thấy gương mặt nạm đen của Tiểu Băng, bà biến sắc hỏi :
- Băng nhi bị sao vậy?
Chàng buồn rầu đáp :
- Nàng bị Thiên Độc giáo chủ bắt từ Văn gia bảo về giam ở thạch lao. Không hiểu lão hạ độc thủ thế nào mà nàng hôn mê mãi không hồi tỉnh!
Lão ni nhìn chăm chú chàng rồi hỏi :
- Thí chủ đây là...?
- Bẩm sư thái, vãn sinh là Văn Tuấn Hạc, trượng phu của Tiểu Băng.
Lão ni mỉm cười gật gù :
- Cốt cách của thí chủ khá lắm, hèn gì con nha đầu này không hết lòng yêu mến.
Tuấn Hạc kinh hãi, hiểu ngay bà là ai.
Chàng quỳ xuống ra mắt :
- Tiểu tế bái kiến nhạc mẫu!
Lão ni đỡ chàng lên, an ủi :
- Hiền tế yên tâm, đã đến được đây thì Băng nhi không có gì phải lo cả. Hãy theo ta vào hậu tự gặp Thiền ông.
Bà dẫn chàng đi xuyên qua khu rừng bên hông đại điện, đến một tăng xá rất là mộc mạc, phòng ngoài có một chiếc bàn bát tiên và có hai người đang ngồi uống trà. Tuấn Hạc nhận ra ngay lão nhân râu dài là Thanh Ngưu Cuồng Tử Ôn Thần Phong. Người thứ hai là một lão tăng râu dài bạc phếch, dung mạo hiền từ, có lẽ là Hằng Sơn Thiền Ông Ôn Thanh Liêm.
Chàng vẫn bồng Tiểu Băng trên tay, quỳ xuống thi lễ :
- Tiểu tế bái kiến nhị vị bá phụ.
Cuồng tử mừng rỡ cười ha hả :
- Lão phu cho rằng diệt tế chẳng phải chết được! Mau đứng lên!
Lão bỗng nín bặt vì nhận ra Tiểu Băng :
- Tiểu liễu đầu làm sao vậy?
Ôn phu nhân đỡ lời chàng :
- Băng nhi lại bị Ôn Thiếu Bảo hạ độc thủ.
Thiền ông vội nói :
- Hãy đặt nó lên chõng tre kia ta xem thử.
Tuấn Hạc làm theo lời lão. Thiền ông đứng bên bắt mạch và trầm ngâm rất lâu.
Cuối cùng, lão thở dài bảo :
- Nguy rồi! Nhị đệ đã dùng đến Thiên Độc Bế Tâm tán, bần tăng đành phải bó tay!
Lão ni - tức Ôn phu nhân sa lệ nói :
- Không ngờ lão ta lại nhẫn tâm đến thế.
Tuấn Hạc chết điếng người :
- Bẩm đại bá phụ, chẳng lẽ trong thiên hạ không còn kỳ trân dị dược gì cứu được Băng muội hay sao?
Thiền ông suy nghĩ một lúc lâu mới đáp :
- Nếu mượn được bảo vật trấn sơn của Tây Phương tự trên núi Lục Bàn thì Băng nhi mới thoát chết!
Tuấn Hạc mừng rỡ nói :
- Việc ấy không khó, chính tiểu tể đã đoạt lại vật ấy trong tay Thiên Ma song lão, hoàn lại cho đệ tử Tây Phật. Tiểu tế sẽ đi ngay Cam Túc để mượn lại.
Thiền ông vẫn chưa hết ưu tư :
- Nhưng thí chủ phải đi cho thật nhanh. Băng nhi không sống nổi quá bốn mươi ngày nữa đâu.
Tuấn Hạc nghẹn ngào hứa :
- Tiểu tế sẽ kiêm trình ngày đêm, chắc chắn sẽ về kịp thời hạn.
Chàng sụp xuống thi đại lễ rồi hạ sơn ngay. Xuống đến khách điếm nơi chân núi, chàng bèn kể lại cho Phương Phương và Hồ Diện Cái nghe mọi sự.
Tuấn Hạc nghiêm giọng :
- Cuộc hành trình cấp bách này rất gian khổ hai người không thể kham nổi đâu. Hãy trở lại Hoàng Sơn trước đi. Cứu được Tiểu Băng rồi ta sẽ cùng nàng đến Thiên Ma cốc.
Phương Phương phụng phịu nói :
- Thiếp sẽ ở lại đây và lên Huyền Không tự chăm sóc Ôn đại thư chờ tướng công cùng về. Cứ để Cù huynh đi Thiên Ma cốc trước.
Tuấn Hạc gượng ngừng nói :
- Ta biết giới thiệu nàng với các trưởng bối của Băng nhi thế nào đây?
Phương Phương mỉm cười :
- Tướng công chẳng phải lâm vào tình trạng khó xử. Thiếp sẽ có cách kề cận đại thư, tướng công cứ lên đường ngay đi.
Nàng bèn soạn hành lý cho Tuấn Hạc. Nhân lúc Hồ Diện Cái bước về phòng, chàng kéo Phương Phương vào lòng hôn lên má nàng rồi âu yếm nói :
- Phương muội quả là tuyệt diệu, ta rất cảm kích.
Phương Phương hôn trả lại rồi nũng nịu :
- Chỉ mong sau này tướng công và Ôn đại thư không hất hủi tiểu muội và Mạn Ngọc là đủ rồi.
Tuấn Hạc nghiêm giọng :
- Sao nàng lại nghĩ quẩn như vậy? Ta đâu phải kẻ bạc hạnh vô tình.
Phương Phương thấy chàng có ý giận, vội bịt miệng chàng lại, cười khúc khích :
- Thiếp chỉ đùa chút thôi, ai mà không biết tướng công là đệ nhất chung tình?
Tuấn Hạc đeo tay nải vào vai rồi lên ngựa đi ngay. Dù không thuộc đường nhưng Lục Bàn sơn ở hướng mặt trời lặn nên không sợ lạc.
Trưa hôm sau chàng đã vượt nhánh phải Hoàng Hà, đi vào vùng cao nguyên Hoàng Thổ của Thiểm Tây. Cao nguyên đất vùng này rộng đến gần tám mươi vạn dặm vuông, nằm ở phía Tây bắc lãnh thổ Trung Hoa, trong địa phận các tỉnh: Cam Túc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam, Thanh Hải và Nội Mông.
Dưới chân Tuấn Hạc là một loại đất nâu vàng, gồm các hạt bụi mịn: khi mưa xuống thì bở, xốp, khi nắng ráo thì rắn lại và trên mặt là lớp bụi dày.
Ngay chiều hôm ấy, chàng đã phải đối phó với một cơn giông cát bụi mịt mù. Dù đã lấy áo quấn chặt mũi miệng, lớp bụi vàng kia cũng khiến chàng muốn ngợp thở. Mà ở Thiểm Tây, năm nào cũng có vài cơn giông như vậy.
Tuấn Hạc vẫn cắn răng thúc ngựa đi không nghỉ. Tuy nhiên, cước trình cực kỳ chậm chạp vì địa hình bị chia cắt dữ dội, cả về chiều ngang lẫn chiều dọc, tạo nhành những gò đồi hình tròn hoặc bầu dục. Hoàng thổ rất dễ bị nước mưa xói mòn nên mới gây ra hiện tượng này.
Vầng thái dương mùa hạ chói chang, đổ lửa xuống đầu, vắt kiệt những giọt nước trong cơ thể lữ khách.
Cuộc hành trình gian khổ kéo dài suốt mười lăm ngày, thay bốn lần ngựa mới đến được nhánh tả của Hoàng Hà. Bên kia sông, chính là thành Ngân Xuyên, thủ phủ của đất Tây Hạ.
Giờ đây, Tuấn Hạc đã nhẹ đi mười cân, râu ria rậm rì trên gương mặt sạm nắng. Chàng khoan khoái đứng cạnh bến đò ngang, hít thở luồng gió mát của sông Hoàng. Thấy một gã ăn mày bước đến xin tiền. Chàng cho hắn một nắm tiền đồng rồi hỏi :
- Các hạ có biết chừng nào thì đò ngang sang đến hay không?
Gã cười đáp :
- Giờ mới là cuối giờ Ngọ, công tử phải chờ đúng một canh giờ nữa.
Tuấn Hạc thất vọng bảo :
- Mong các hạ chỉ cho ta một chỗ để tắm rửa và ăn uống.
Gã hóa tử vui vẻ chỉ về hướng Nam :
- Công tử cứ đi dọc theo bờ sông, độ bốn chục trượng sẽ có một tửu quán, tên gọi Tẩy Trần quán. Nơi ấy có cả những phòng tắm dành cho khách lữ hành.
Gã bỗng bụm miệng cười rúc rích :
- Chắc đã lâu công tử chưa hề tắm? Trông người còn dơ bẩn hôi hám hơn cả tiểu nhân.
Tuấn Hạc gượng cười :
- Đã nửa tháng nay ta chỉ rửa ráy qua loa.
Chàng quay đầu ngựa đi về phía Tẩy Trần quán. Giao ngựa cho tiểu nhị xong, chàng bước vào gọi một mâm cơm rượu rồi đi thẳng đến nhà tắm.
Tuấn Hạc dùng hết ba mươi viên tạo giáp mới gột hết bụi đất trên cơ thể và mái tóc.
Tạo giáp chính là viên bồ bết, loại cây này mọc khắp lãnh thổ Trung Quốc và trái của nó đã trở thành chất tẩy rửa đầu tiên, từ thời nhà Tấn. Người ta giã nát bồ kết ra rồi viên thành hạt nhỏ như hạt quệt để tắm gội.
Tắm xong, Tuấn Hạc rút thanh bảo kiếm ra cạo râu. Chàng rất hài lòng với thanh kiếm bề ngoài xấu xí nhưng rất sắc bén này.
Lúc ra ngoài, chàng trở lại là một vị công tử anh tuấn phi phàm, làn da rám nắng càng tăng phần lịch lãm.
Đã mười mấy ngày nay chàng chỉ ăn toàn bánh hấp, bánh bao, lương khô và không uống một giọt rượu. Vì vậy, dù cơm rượu ở quán Tẩy Trần chẳng ra gì, chàng cũng cảm thấy rất ngon.
Tuấn Hạc đã ăn xong bốn chén cơm mà cây khắc hương trên quầy của chủ quán mới cháy được một nửa. Như vậy, còn đến bốn khắc hay nửa canh giờ nữa đò mới sang. Chàng bèn gọi thêm bình rượu nhỏ ngồi nhâm nhi.
Bỗng một cỗ xe độc mã dừng lại trước cửa quán. Người đánh xe là một lão nhân mặc áo lụa xám, râu tóc hoa râm, dung mạo phương phi phúc hậu.
Lão bước xuống, vén rèm xe phía sau, bồng ra một vị cô nương, đem vào đặt ngồi trên ghế. Lão tươi cười phân bua :
- Khuyển nữ chẳng may mắc chứng quái tật, không cử động và cũng không nói được. Cũng may nó còn ăn uống được nếu không lão phu sẽ chẳng biết làm sao.
Mụ chủ quán suýt soa :
- Thật tội nghiệp! Một nữ nhân xinh đẹp thế này mà lại mắc chứng nan y. Chẳng hay lão gia định đưa tiểu thư đi đâu vậy?
Lão nhân ngồi xuống ghế, rầu rĩ đáp :
- Lão phu nghe nói ở Thạch Chuỳ sơn có bậc thần tiên giáng hạ nên đem khuyển nữ đến đấy xem sao.
Tuấn Hạc bỗng nhận ra gương mặt thiếu nữ kia rất quen thuộc. Nàng giống hệt ni cô Huệ Vân, người đã bị chàng đả bại và cứu mạng ở đại hội Hoa Sơn.
Nàng ta ngồi đối diện với chàng và ánh mắt to đen kia ánh lên vẻ bi thương, đau đớn. Tuấn Hạc nhìn thật kỹ rồi vận công truyền âm :
- Tại hạ là Đơn Thu Cốt đây. Nếu cô nương chính là Huệ Vân thì hãy chớp mắt ba cái.
Mắt nữ lang sáng lên và chớp đúng ba cái Tuấn Hạc hỏi tiếp :
- Vậy cô nương bị lão già kia khống chế?
Huệ Vân lại chớp mắt xác nhận.
- Cô nương yên tâm! Tại hạ sẽ giết lão ta ngay bây giờ.
Chàng sợ đò sắp đến nên quyết định xuất thủ liền lập tức. Mụ chủ quán tính tiền xong, chàng khoác bọc hành lý vào vai, cầm kiếm đi ra.
Lúc ngang qua bàn Huệ Vân, chàng thò tay giật mái tóc óng ả trên đầu nàng. Quả nhiên lộ ra lớp da đầu không có tóc. Tuấn Hạc tức tốc nắm thành ghế của nàng, kéo lùi về phía sau, rồi chỉ mặt lão nhân áo xám quát lớn :
- Lão là yêu nhân nhượng nào, sao lại dám bắt cóc đệ tử phái Hằng Sơn?
Lão ta giảo hoạt kêu lên :
- Ngươi đừng vu khống, khuyển nữ lâm trọng bệnh nên phải cạo đầu để đỡ mất công gội.
Tuấn Hạc cười nhạt :
- Để xem lão có chịu lộ nguyên hình hay không?
Chàng vung hữu thủ giáng một chưởng sấm sét vào ngực đối phương. Lão ta không còn cách nào khác, đành tung mình né tránh. Thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn, chẳng giống một viên ngoại chút nào. Tuấn Hạc rất quý thời gian nên rút phăng trường kiếm, xuất chiêu “Tịch Dương Vô Ngũ”.
Lúc này, trên tay lão nhân đã xuất hiện hai thanh đoản kiếm tẩm độc xanh lè. Lão nghiến răng xông vào lưới kiếm vì thấy chẳng có gì đáng sợ.
Nhưng lão đã lầm giống như những người đã từng so kiếm với Tuấn Hạc. Chiêu kiếm này không xuất ra âm thanh hay ánh sáng lóe mắt nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Mũi kiếm cứ âm thầm lướt đến, xuyên qua màn kiếm quang của đối phương và cắm thẳng vào ngực.
- Bẩm trưởng lão! Cam Túc, Tây Hạ cùng chung một Phân đà, trụ sở trong thành Ngân Xuyên.
- Tốt lắm! Các hạ cùng ta qua sông rồi tìm Phân đà chủ, bảo gã đến Tây Phương tự trên Lục Bàn sơn gặp ta. Còn các hạ dẫn con ngựa sau xe kia theo ta.
Chàng lại đưa thêm một tờ tiền giấy trị giá năm mươi lượng :
- Đây là lệ phí.
Đổng Trung mừng rỡ vái tạ, tháo dây cột ngựa, dẫn lên đò.
Sang đến bờ bên kia, Tuấn Hạc hỏi Lật Tử Cái :
- Gần đây có nơi nào vắng vẻ, kín đáo để ta xem xét bệnh trạng cho vị cô nương này không?
Đổng Trung gật đầu, lên ngựa dẫn đường đi về hướng Nam. Được hơn dặm là đến một khoảnh rừng liễu nằm dựa bờ sông. Trong rừng có một tòa phế miếu điêu tàn. Họ Đổng cười bảo :
- Bẩm trưởng lão! Đây là nơi cư ngụ của tiểu nhân. Bề ngoài hoang phế nhưng bên trong rất sạch sẽ.
Tuấn Hạc nghiêm giọng :
- Nhờ các hạ cảnh giới dùm cho.
Chàng mở rèm xe, bồng Huệ Vân vào miếu. Quả thực nền miếu được quét dọn tươm tất, và có cả một ổ rơm dày.
Tuấn Hạc đặt Huệ Vân xuống ổ rơm rồi bảo :
- Tại hạ sẽ hỏi, nếu đúng thì ni cô chớp mắt. Sai thì thôi.
Huệ Vân chớp mắt trả lời. Tuấn Hạc hỏi liền :
- Ni cô bị lão điểm huyệt?
Huệ Vân xác nhận đúng.
- Những huyệt đạo ấy nằm ở đâu?
Nói xong chàng mới nhớ câu này không có cách trả lời. Chàng bèn hỏi lại :
- Tại hạ sẽ đọc tên từng huyệt đạo, ni cô sẽ xác nhận những huyệt mà lão kia đã điểm.
Cuối cùng thì Huệ Vân đã xác định được bảy huyệt mà lão ác nhân đã phong tỏa: Giáp Xa, Nhu Thượng, Thiên Tuyền, Thực Đầu, Thông Lốc, Bế Quan, Thạch Môn.
Tuấn Hạc trầm ngâm suy nghĩ rất lâu, chính sắc nói :
- Thủ pháp điểm huyệt này rất quái dị nhưng không làm khó được tại hạ. Tuy nhiên khi chữa trị tất phải mạo phạm đến những chỗ cấm kỵ của ngọc thể. Chẳng hay ni cô có thể tất cho không?
Da mặt của Huệ Vân đỏ bừng lên và nàng chớp mắt tỏ ý ưng thuận.
Do người bị phong tỏa kinh mạch quá lâu nên không thể dùng thủ pháp cách không chỉ lực mà giải được. Tuấn Hạc bắt buộc phải đặt ngón tay vào da thịt Huệ Vân, chân khí mới vào sâu đáy huyệt.
Tuy không cần cởi y phục nhưng thời gian chàng đả thông hai huyệt Nhũ Trung và Khí Xung lại khá lâu nên Huệ Vân xấu hổ đến sa lệ. Đấy là hai vùng cấm của nữ nhân.
Gần hai khắc trôi qua, Tuấn Hạc mới cứu được Huệ Vân. Sự ngượng ngừng khẩn trương đã khiến mồ hôi chàng toát ra như tắm. Huệ Vân lại tưởng chàng quá mệt nhọc nên càng cảm kích. Nàng ngồi lên, đổi thành thế quỳ, chắp tay vái Tuấn Hạc :
- Đại ân hai lần cứu mạng của thí chủ, bần ni xin tạc dạ. Kiếp này bần ni sẽ luôn cầu nguyện Phật Tổ độ trì cho thí chủ.
Tuấn Hạc vội đỡ nàng lên :
- Ni cô đừng bận tâm.
Huệ Vân thỏ thẻ :
- Theo bần ni được biết thì công tử chẳng phải là Đơn Thu Cốt hay Doãn Tự Vân gì cả? Xin cho biết đại danh.
Chàng cười đáp :
- Tại hạ là Văn Tuấn Hạc, quên ở đất Lư Lăng, Giang Tây. À, ni cô đi đâu mà bị lão yêu quái kia bắt đem về tận chốn này?
Huệ Vân ngượng ngừng đáp :
- Bần ni rời Hằng Sơn về Hán Trung thăm gia quyến. Không ngờ khi đến Trường An thì lại bị lão nhân kia dùng mê hương ám hại. Lão nói rằng mình là Tầm Hoa sứ giả của Hoàng Thổ vương gia, có nhiệm vụ đi tìm nữ nhân về dâng cho Vương gia.
Tuấn Hạc thầm nghĩ :
- “Vị cô nương này có dung mạo kiều diễm phi phàm, sao lại nương thân cửa Phật?”
Chàng hỏi tiếp :
- Lão Tầm Hoa sứ giả có nói ra tọa lạc căn cứ của Hoàng Thổ vương gia hay không?
- Bần ni có nghe lão nhắc đến Hoàng Thổ thành, nhưng không nói rõ ở đâu.
Nàng hỏi lại :
- Dám hỏi Văn thí chủ đến vùng biên tái này có việc gì?
Tuấn Hạc thở dài đáp :
- Thuyết thê bị trúng độc, tại hạ phải đến Tây Phương tự để mượn Hàn Ngọc thiền trượng về giải cứu. Nàng chỉ còn sống có hơn hai chục ngày nữa thôi.
Huệ Vân vội nói :
- Vậy tướng công hãy lên đường ngay đi. Bần ni một mình trở lại Hán Trung cũng được.
Tuấn Hạc lắc đầu :
- Không được đâu! Lão Vương kia đã xưng là Hoàng Thổ Chi Vương tất thế lực bao trùm mấy tỉnh Tây bắc này. Ni cô chỉ mới phục hồi hai thành công lực, tại hạ chẳng yên tâm chút nào cả. Hay là ni cô theo tại hạ đến Lục Bàn sơn? Xong việc, tại hạ sẽ nhờ bằng hữu là Vô Giới hòa thượng hộ tống ni cô về Hán Trung?
Huệ Vân bẽn lẽn ưng thuận :
- Thí chủ đã có dạ quan hoài, bần ni xin tuân mệnh.
Mặt hoa bỗng thoáng hồng, nàng ngượng ngừng nói :
- Trong đại hội Hoa Sơn. Đào Hoa khê chủ đã nói với mọi người rằng công tử là truyền nhân của Cuồng Kiếm Thần Y tiền bối. Lúc về đến núi Hằng Sơn, Chưởng môn sư tỷ đã tiết lộ rằng Công Tôn tiền bối chính là Tiêu Dao Thượng Nhân của phái Nga Mi. Như vậy, đối với Hằng Sơn phái cũng có uyên nguyên. Bần ni mong thí chủ xưng hô như huynh đệ đồng môn có được không?
Tuấn Hạc giật mình, không ngờ rằng ân sư của mình lại là cao thủ của Nga Mi.
Huệ Vân sửa sang xiêm y và mái tóc giả trên đầu rồi cười bảo :
- Sư huynh thấy không? Với trang phục này mà cứ gọi là ni cô thì khó nghe biết chừng nào!
Tuấn Hạc thấy ánh mắt nàng chan chứa niềm vui và nụ cười đầy mị lực, vội quay sang chỗ khác.
Chàng bước ra gọi Lật Tử Cái :
- Chiếc xe này không nên lưu lại, các hạ hãy phi tang dùm ta và vào thành tìm Phân đà chủ. Giờ ta và Huệ Vân sư muội phải lên đường ngay.
Lật Tử Cái mau mắn tháo con ngựa.
Lão xin phép ra ngoài và trở về với một bộ yên cương cũ kỹ nhưng còn rất tốt.
Gã cung kính tiễn đưa :
- Trưởng lão thượng lộ bình yên.
* * * * *
Lục Bàn sơn là dãy núi nằm giữa ranh giới Tây Hạ và Cam Túc. Sườn Bắc thuộc đất Hồi, sườn Nam thuộc đất Cam.
Tuấn Hạc cùng Huệ Vân đi chếch xuống hướng Tây Nam, vào địa phận Cam Túc. Họ ghé vào một trấn lớn dọc đường để mua y phục cho Huệ Vân. Đây là vùng chịu ảnh hưởng của phái Lạt Ma nên chẳng tìm đâu ra được tăng bào. Huệ Vân đành phải bằng lòng với những bộ võ phục may sẵn. Nàng dịu dàng thố lộ :
- Sư huynh! Lúc chưa xuất gia, tục danh của tiểu muội là Mạc Ái Luân.
Tuấn Hạc hiểu ý :
- Ta sẽ gọi nàng là Mạc sư muội.
Ba ngày sau, hai người mới đến được ngọn cực Tây của rặng núi Lục Bàn. Tây Phương tự nằm phơi ngói đỏ trên sườn núi.
Thấy ngay chân núi có ngôi quán lá, treo ngọn tửu kỳ phất phới. Tuấn Hạc rủ Huệ Vân đến đấy gởi ngựa. Cách vài trượng đã nghe tiếng Vô Giới oang oang :
- Chủ quán đâu? Phật gia gọi thêm vò rượu nãy giờ sao không thấy bưng ra?
Có tiếng người đáp lại :
- Đại sư thông cảm cho, bổn quán ít vốn mà đại sư thiếu đến ba mươi lượng, tiểu nhân chẳng thể cho ghi sổ thêm nữa.
Tuấn Hạc mỉm cười, kéo sụp chiếc nón rộng vành xuống, che khuất gương mặt rồi bước vào.
Chàng nhẹ nhàng ngồi xuống một bàn trong góc ngoài. Huệ Vân hỏi nhỏ :
- Sư huynh định bỡn cợt với Vô Giới hòa thượng đấy ư?
Chàng gật đầu, lấy mặt nạ mang vào rối cao giọng :
- Chủ quán đâu, cho lão phu một vò rượu lâu năm và một mâm thịnh soạn.
Lão chủ quán dạ vang, bưng ngay vò rượu ra trước. Lão cười giả lả :
- Đây là vò rượu Lan Sinh cất ba mươi năm, xin đại nhân thưởng thức thử xem.
Lúc này, Tuấn Hạc mang dung mạo của một lão nhân lục tuần. Chàng gật đầu mở nắp, mùi rượu bay ra thơm ngát, chàng giả vờ than :
- Hảo tửu! Không ngờ vùng đất hoang vu thô lậu này lại có được vò rượu ngon thế này. Chẳng lẽ không ai biết thưởng thức?
Chàng róc ra uống liền ba chung, tấm tắc khen mãi. Vô Giới hòa thượng tròn mắt nhìn, nuốt nước miếng liên hồi. Lão điên tiết đập bàn mắng chủ quán :
- Lão có rượu ngon sao không bán cho bần tăng, để người ngoài đến đây nhiếc móc dân đất Cam không biết thưởng thức?
Lão chủ quán dường như có chỗ dựa nên không hề sợ hãi :
- Phương trượng Tây Phương tự đã cấm tiểu nhân bán rượu cho đại sư, thiếu như thế cũng là quá lắm rồi.
Nghe nhắc đến Tây Phật, Vô Giới xìu ngay xuống :
- Thôi được! Bần tăng không dám đòi hỏi nữa! Đành phải giới tửu vậy.
Gương mặt thiểu não của lão khiến Huệ Vân bật cười. Vô Giới bực mình quắc mắt nhìn nàng. Lão giật mình nhận ra nữ lang kia rất quen thuộc.
Huệ Vân vui vẻ gọi :
- Mời đại sư cùng uống cho vui.
Vô Giới khoan khoái bước đến, ngồi ngay xuống ghế đối diện. Lão sững sờ khi nghe lão già kia nói :
- Đã thích uống rượu sao không trở về Thiên Ma cốc làm Cốc chủ?
Hòa thượng vui mừng khôn xiết, cười ha hả, bước đến ôm lấy Tuấn Hạc :
- Té ra là Văn thí chủ! Hòa thượng ta gặp may rồi.
Lão quay sang Huệ Vân ngập ngừng hỏi :
- Còn nữ thí chủ đây là ai mà bần tăng không nhớ ra?
Tuấn Hạc cười đáp :
- Người chính là ni cô của phái Hằng Sơn.
Vô Giới lại cười ha hả, giơ ngón cái khen :
- Văn thí chủ giỏi thật! Quyến rũ được cả đệ tử Phật môn.
Tuấn Hạc bẽ bàng nói ngay :
- Đại sư nên cẩn ngôn.
Vô Giới thấy ánh mắt chàng có sắc giận, còn mặt Huệ Vân đỏ như gấc chính, biết ngay mình đã lỡ lời. Lão vội nói chữa thẹn :
- Bần tăng biết mình nói bậy, tự phạt mình ba chén lớn.
Lão uống xong nghiêm giọng hỏi :
- Vì sao nhị vị thí chủ phải lặn lội đến tận chốn này?
Tuấn Hạc rầu rỉ nói :
- Thuyết thê Ôn Tiểu Băng vẫn còn sống nhưng lại bị độc thủ của Ôn giáo chủ. Tại hạ muốn lên chùa Tây Phương mượn Hàn Ngọc thiền trượng về chữa trị cho nàng.
Vô Giới cười xòa :
- Việc ấy không khó! Gia sư cũng rất muốn gặp mặt thí chủ. Nhưng giờ là lúc người nhập định, chúng ta hãy uống hết vò rượu này rồi hãy lên.
Trong thâm tâm, Vô Giới vẫn coi Tuấn Hạc là bằng hữu vong niên của mình. Lão yêu mến chàng và rất mừng được tái ngộ.
Ba người trò chuyện rất vui vẻ. Vô Giới nghe kể đến Hoàng Thổ Chi Vương, nhăn mặt bảo :
- Lão quỷ ấy đã từng đến đây mời gia sư về làm Phó vương, cùng mưu bá nghiệp. Gia sư lựa lời từ chối và khi lão đi rồi, người thở dài bảo: người này ngộ kỳ duyên, bản lãnh đáng xưng là vô địch. Lão ta lại nuôi dã tâm quá lớn, e rằng võ lâm Trung Nguyên sẽ chẳng được yên thân.
Tuấn Hạc nhíu mày hỏi thêm :
- Đại sư có biết danh rành của lão không?
- Gia sư có tiết lộ điều ấy. Lão ta là người Đột Quyết, họ Hướng tên Y Xích.
Tuấn Hạc gọi lão chủ quán tính tiền. Chàng đưa thêm ba chục lượng để trả món nợ của Vô Giới.
Lão cười hề hề :
- Nếu biết đại sư đây có bằng hữu là bậc đại phú thế này, dẫu thiếu bao nhiêu tiểu nhân cũng cho cả.
Ba người kéo nhau lên núi, Tây Phật đã nhập định xong, bước ra tiếp khách.
Huệ Vân tỏ lòng kính trọng nên tháo tóc giả quỳ xuống ra mắt :
- Hằng Sơn mạt học Huệ Vân bái kiến Thần tăng!
Tuấn Hạc cũng gỡ mặt nạ, thi đại lễ.
Tây Phật vóc người nhỏ bé, râu dài đến bụng, da dẻ hồng hào như trẻ thơ. Ông cười khà khà mời hai người an tọa.
Tây Phật ngắm nhìn dung mạo của đôi nam nữ rồi thở dài :
- Huệ Vân đạo hữu! Lão nạp xin tặng mấy câu kệ thế này:
Phật độ hữu duyên nhân,
Hồng nhan nhập không môn.
Nhược đông thời thiệp xuyên,
Nhất niệm tồn nan quá
Khứ chi! Khứ chi!
(Dịch thơ)
Phật kia độ kẻ hữu duyên,
Má hồng nương tựa cửa tuyền khó xong.
Sang sông giữa tiết trời đông,
Lòng còn vương vấn đừng mong tới bờ.
Đi thôi! Bỏ thôi!
Huệ Vân nghe xong biến sắc, không hiểu Tây Phật muốn khuyên mình cố gắng tu hành hay hoàn tục. Chữ khứ kia vừa có nghĩa đi tới, vừa có nghĩa vứt bỏ đi.
Huệ Vân ấp úng nói :
- Bần ni không hiểu diệu ý của Thần tăng.
Tây Phật mỉm cười :
- Chẳng cần phải thấu hiểu. Cái gì cần làm thì cứ làm.
Lão quay sang bảo Tuấn Hạc :
- Thí chủ đột ngột đến đây, chắc là có việc cần?
- Bẩm Thần tăng! Vãn sinh muốn mượn Hàn Ngọc thiền trượng về Sơn Tấy để cứu thuyết thê.
Tây Phật tủm tỉm cười :
- Vật ấy vốn của thí chủ đòi lại giùm, lão nạp đâu dám tiếc.
Lão bước vào phòng lấy Ngọc Trượng ra, trao cho Tuấn Hạc rồi bảo :
- Lão nạp nghe nói vật này còn là chìa khóa mở cửa một kho tàng nào đấy! Nếu có cơ hội, thí chủ hãy tìm cho được kho tàng kia.
Tuấn Hạc gượng cười :
- Vãn sinh không hề có tham vọng ấy.
Tây Phật nghiêm trang bảo :
- Của cải nằm chất trong kho chỉ là vật vô dụng. Nhưng nếu dùng để chẩn tế cho dân nghèo thì cũng là cách tạo phúc.
Tuấn Hạc thức ngộ ra, cúi đầu nhận mệnh. Chàng cáo từ đi ngay.
Tây Phật hỏi bát tự của Tiểu Băng, bấm tay tính toán một hồi rồi trấn an :
- Mạng của người này rất lớn, tuổi thọ trên tám mươi, chẳng thể nào đoản mệnh được Thí chủ cứ thong thả mà đi.
Tây Phật đã ngoài trăm tuổi, tinh thông cả Phật pháp lẫn dịch số, được xem là đệ nhất kỳ nhân đương đại. Vì vậy, Tuấn Hạc rất vui mừng, yên tâm ở lại một đêm.
Sáng hôm sau, lúc tiễn đưa Tuấn Hạc xuống núi, Vô Giới gãi đầu nói với Tây Phật :
- Sư phụ! Hàn Ngọc thiền trượng là bảo vật trấn sơn, đồ nhi xin đi theo bảo vệ và mang về. Văn thí chủ đây gia vụ đa đoan, chắc không rảnh rỗi để lặn lội ngàn dặm đem trả cho chúng ta.
Tây Phật mỉm cười :
- Muốn đi thì cứ thu xếp hành lý, hà tất phải viện cớ quanh co như vậy?
Vô Giới mừng rỡ chạy vào trong xách tay nải ra, quỳ xuống lạy tạ rồi đi theo Tuấn Hạc. Xuống đến chân núi, chàng bảo lão :
- Phiền đại sư hộ tống Huệ Vân sư muội về Hán Trung, hẹn gặp nhau ở Hằng Sơn.
Huệ Vân lắc đầu cười bảo :
- Tiểu muội không nhất thiết phải về Hán Trung nữa. Ở đấy chỉ còn vài người bà con xa mà thôi. Ba chúng ta về cả Hằng Sơn cho thuận đường.
Vô Giới hoan hỉ nói :
- Té ra vị ni cô này trong lòng có tâm sự gì nặng nề nên mới định đi chơi một chuyến cho khuây khỏa?
Huệ Vân đỏ mặt, cúi đầu.
Nàng không ngờ lão hòa thượng quái dị này lại đoán ra tâm tình của mình.
Quả thực là từ sau đại hội Hoa Sơn, lòng nàng không còn tĩnh lặng như trước nữa. Đơn Thu Cốt đã cứu mạng nàng và để lại những cảm giác khó quên. Nàng nhớ mãi cảnh tượng mình nằm trong vòng tay một nam nhân, dù khổ công tụng niệm cũng chẳng thể xóa mờ ký ức.
Huệ Hà sư thái thấy nàng gầy đi nhiều và trầm lặng khác thường, bà hiểu ngay tâm sự, dịu dàng nói rằng :
- Sư muội được tạo hóa ban cho một nhan sắc thiên kiều bá mị, tất không phải là người của Phật môn. Sư muội hãy hạ sơn ngao du một thời gian xem sao. Nếu tìm được người ấy thì bất tất phải về núi nữa.
Chính vì vậy, Huệ Vân mới rời Hằng Sơn bôn tẩu giang hồ và được biết kẻ giả dạng Đơn Thu Cốt và Doãn Tự Vân chính là Văn nhị công tử của Văn gia bảo. Sau đó nàng lại nghe chàng tự vẩn vì toàn gia bị thảm tử.
Huệ Vân đau đớn định trở về Hán Trung thăm mộ song thân một chuyến rồi trở lại Hằng Sơn tu niệm. Nào ngờ, họa trung đắc phúc, tuy bị Tầm Hoa sứ giả bắt cóc, nhưng lại tái ngộ người trong mộng.
Được Tuấn Hạc cứu mạng lần thứ hai, mối tình kia càng sâu nặng. Nhưng Huệ Vân tu hành từ nhỏ nên sợ hãi chính tình yêu của mình. Nàng không dám và cũng không biết cách thổ lộ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT