"Mưa của thời hiện đại chẳng còn trong lành như xưa nhưng vị vẫn chưa quá tệ; cũng như con người dẫu có bất trị đến đâu đi chăng nữa thì đâu đó trong họ vẫn le lói những tia nhân bản. Tất cả đều tùy thuộc phần lớn vào việc chúng ta có nhìn thấy, công nhận và tôn trọng những tia sáng mỏng mảnh ấy hay không."
Đông Dương mùa này nắng nhiều mưa cũng lắm. Nếu trưa còn oi ả ánh mặt trời chói chang như muốn thiêu đốt vạn vật thì khi màn đêm buông lơi, mây thường kéo về che kín trăng sao, mang những giọt mưa trắng xóa đến tắm mát đất trời. Đêm nay còn là một đêm mưa gió về giữa bão.
Cô trao tấm ni-lông sọc xanh đỏ cho một thành viên trong nhóm hỗ trợ đường phố, vừa kéo lại chiếc mũ áo mưa vừa nói: "Mai chị phải lên lớp sớm nên việc ở đây giao lại cho em. Ổn chứ?"
Cậu thanh niên trạc tuổi hai lăm, hơi gầy, mắt đeo kính cận khá dày gật đầu, môi cười tự tin: "Bão đang vô, chị tranh thủ về trước đi, mấy việc còn lại cứ yên tâm giao cho bọn em."
"Ừ!" Cô đưa tay vẫy cô gái vừa trao phần thức ăn nóng sốt cuối cùng trong giỏ cho một cụ già nhỏ thó, ngồi lọt thỏm sau bức vách tạm được ghép từ hai mảnh ni-lông sọc xanh đỏ nơi gầm cầu tăm tối, nước mưa chảy thành dòng lớn. Mắt vẫn không rời khỏi cụ già ấy, cô băn khoăn nói: "Hay chị em mình thử thuyết phục bà Tư lần nữa xem sao. Mưa này khó lòng tạnh sớm, bà làm sao ngồi như vậy cả đêm được?"
"Em còn lo sau khi nhóm rút đi, gió bão nổi lên rồi bọn loi choi sẽ cướp luôn hai miếng bạt của bà Tư để đắp ngủ cho ấm." Cậu thanh niên tặc lưỡi ý chừng rất nan giải: "Nhưng thuyết phục bà Tư rời xa chỗ gầm cầu đó còn khó hơn lên trời nữa."
Đây là hoạt động thực tế định kì hàng tuần của nhóm đồng đẳng thuộc một dự án do bên cô quản lí. Trên lí thuyết, hoạt động chủ yếu hướng đến các đối tượng nghiện vô gia cư, gái mại dâm hoạt động vào ban đêm. Ban đầu, các tình nguyện viên chỉ đơn thuần đi vận động họ sử dụng kim tiêm sạch, bao cao su; sau đó sẽ từ từ thu hẹp khoảng cách phòng bị khiến họ tin tưởng, chấp nhận sự hỗ trợ từ dự án. Tuy nhiên khi đi vào thực tiễn, đối tượng lẫn phương thức hoạt động đều có sự mở rộng.
Từ việc phân phát những chiếc kim tiêm sạch, bao cao su của thuở ban đầu, nhóm dần thân quen với những con người chọn gầm cầu làm nhà, nắng mưa hai mùa làm người thân. Họ có thể nghiện, nhiễm hoặc có thể không. Họ là đứa bé mới lên mười đã thâm niên vài năm trong nghề móc túi; là một gia đình bốn năm nhân khẩu mất quyền công dân trên chính quê mẹ; là người mẹ già tám mươi tuổi mỗi ngày lê thân cầu xin sự bố thí để nuôi thằng con nghiện nằm một chỗ; là người đàn ông trung niên ho xé lồng ngực, đêm đêm vẫn lê thân già xuống chợ đầu mối bốc vác, ngày về nướng sạch số tiền bán sức khỏe có được vào men rượu cồn pha;... Nhưng dẫu có là ai, phận đời ra sao thì họ đều mang một thân phận chung - những con người dưới đáy cùng xã hội. Nơi đây hội tụ đầy đủ mọi sắc màu cuộc sống, chỉ là hầu hết đều lấm lem bụi đất, bốc mùi rác thải tanh ôi và nhạt nhòa trong tầm mắt phán xét, thương vay mang tên cuộc đời.
Vì thế, vào mỗi đêm cuối tuần trong suốt hai năm qua, bọn cô luôn không quên mang theo những mảnh ni-lông xanh đỏ đã được cắt sẵn, có diện tích đủ che thân người; một ít thuốc hạ sốt, giảm đau; hoặc dăm túi quần áo cũ do các thành viên quyền góp từ người nhà, hàng xóm. Cách đây một năm, Van quyết định duyệt chi thêm khoản hỗ trợ phần thức ăn đêm. Một phần thức ăn chẳng đủ nuôi người ta no đủ thân xác héo gầy nhưng biết đâu chừng... lại phần nào xoa dịu được tâm hồn đau yếu.
Nhắc đến bà Tư, không chỉ cá nhân cô mà tất cả mọi người trong tổ đều cảm thấy xót lòng. Cũng như bao người phụ nữ truyền thống khác, bà từng có gia đình đề huề với người chồng thành đạt, hai con trai khỏe mạnh nhưng hạnh phúc thường chẳng tày gang. Sau hơn hai mươi năm chịu thương chịu khó làm hậu phương vững chắc cho chồng yên lòng chinh Nam phạt Bắc, bà được đền đáp bằng một tờ đơn ly hôn cùng hai căn nhà ở tuổi cận năm mươi. Thôi thì đàn ông đã muốn ra đi, giữ cách nào cũng chỉ hoài công; bà gạt nước mắt, đặt bút ký tên rồi an phận đơn lẻ sống cùng hai người con trai. Con bà cũng lần lượt lập gia đình, sinh con, mỗi người bận bịu sống cuộc đời riêng nên khoảng thời gian dành cho mẹ ngày càng thu hẹp dần dẫu ba thế hệ cùng sống dưới một mái nhà. Bà lại quen với nếp sinh hoạt cũ, ít giao tiếp, không nhiều bạn bè, e dè chẳng dám sống vì bản thân, suốt ngày chỉ quẩn quanh bếp núc, chăm cháu chờ con. Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi mười năm trường, cho đến một ngày con tim tưởng đã hóa đá của bà bỗng dưng đập loạn nhịp, biết nhảy múa vũ khúc ru tình trước người đàn ông vừa chuyển đến dãy trọ sau nhà. Ông bé hơn bà đôi tuổi, góa vợ, sống cùng vợ chồng anh con trai bị liệt nửa người. Bà thương ông tuổi già chẳng được nghỉ ngơi - ông thương bà cô độc ra ra vào vào như kẻ thừa trong chính mái ấm của mình. Thế nên mối tình già nảy mầm trong âm thầm, khẽ khàng đấy nhưng thắm thiết, sâu nặng. Ngày ngày, bà ra sạp báo nép dưới chân cầu của ông, cùng ăn cơm trưa, cùng bán buôn, cùng cười tíu tít như đôi chim quyên. Rồi con trai bà phát hiện ra mối quan hệ này, họ kịch liệt phản đối bởi ông chỉ là người bán báo trên hè phố có gánh nặng gia đình oằn vai; vì bà đường đường là thân mẫu của ông này ngài nọ, sao có thể yêu đương không đoan chính ở tuổi sáu mươi. Mặc kệ bà giải thích, phân trần, thậm chí khóc thương van nài, họ năm lần bảy lượt sang nhà ông, đến tận cơ quan con dâu ông để buông ra những câu lời sắt nhọn của những kẻ có học, đủ sức cứa nát mảnh tình cảm xế bóng còn sót lại nơi con tim đàn ông vốn đã đủ mệt nhoài. Một đêm mưa gió, ông và gia đình lặng lẽ chuyển đi, chẳng để lại cho bà lấy nửa lời tạ từ.
Sau đó không lâu, người ta bắt đầu thấy một bà lão hom hem, nhếch nhác, tỉnh tỉnh mê mê xuất hiện ngay đúng vị trí sạp báo dưới chân cầu đã bỏ trống của ông. Dăm tháng đầu, thi thoảng có một hai người đàn ông ăn mặc lịch sự ghé qua khuyên nhủ, lôi kéo, đôi khi to tiếng với bà lão. Rồi dần dà đã dăm năm nữa trôi nhanh, gầm cầu bẩn thỉu, hôi hám đã trở thành mái nhà của bà lão, hai người đàn ông hôm nao thành nhân ảnh quá vãng xa xăm. Đặc biệt, bất kể là thu nhặt phế liệu loanh quanh chân cầu hay xuống sông tắm giặt, bà lão đều không để vị trí sạp báo trong tiềm thức bị che khuất trong tầm mắt mỏi mòn cơn đợi chờ của mình. Bà lão ấy chính là bà Tư!
Cô gục gặc đầu, đưa mắt nhìn bầu trời đêm đen kịt bao phủ màn mưa bay bay đủ ướt áo người xoáy tròn theo làn gió lạnh rồi hướng về phía bà cụ gầy gò ăn vận rách rưới với bàn tay đang run rẩy đưa thìa cơm lên miệng. Ôi những người đàn ông! Ôi những tình yêu mãnh liệt! Nếu đàn bà cứ nhất thiết phải yêu đương, kết hôn, hi sinh bản thân mới tìm thấy hạnh phúc viên mãn thì cô xin bằng lòng với nỗi bất hạnh của riêng mình. Hạnh phúc theo chuẩn mực xã hội đôi khi chỉ là câu lời điêu toa, xảo ngôn. Cuối cùng, cung đường hư ảo đang đi vẫn là lựa chọn tốt nhất, an ổn nhất! Môi bất giác nhếch lên nét cười bàng bạc lẫn trong tiếng thở dài chua chát khi bước chân tiến nhanh về hướng bà Tư, cô quyết định sẽ về nhà muộn hơn dự định.
"Cơm ngon không bà Tư?" Cô thâu lại nét chua cay nơi đáy mắt, nhoẻn cười thân thiết khi ngồi xổm xuống cạnh bà Tư.
"Ngon chớ! Mấy đứa cho cái gì cũng thấy ngon hết trơn." Bà Tư móm mém nhai thức ăn bằng đôi chiếc răng hàm còn sót lại, đôi mắt mờ đục lấp lánh ánh mưa đêm biết cười.
Vì sức già cộng thêm thói quen không đi xa chân cầu nên thu nhập của bà Tư khá bấp bênh, ngày khá nhất cũng chỉ đủ mua hai phần cơm bình dân, hầu hết vẫn là mẩu bánh mì lạt hoặc nắm xôi qua bữa, thậm chí nhịn đói vào những hôm mưa gió không ngớt. Về sau, ngoài suất cuối tuần, chị em cô và vài bạn trong nhóm đồng đẳng cùng chung tay hòng mong mỗi ngày, bà có ít nhất một bữa đủ no.
Nghe bà Tư đáp vậy, cô cau mày tỏ ý không vui trong chừng mức của người nhỏ tuổi: "Là bà cháu mình chia sẻ với nhau!" Nói đoạn, cô tự nhiên đặt tay mình lên bàn tay khòng khoèo nhăn nheo màu nâu xỉn bởi nắng mưa, đất bụi kia và xuýt xoa: "Lạnh ghê, bà Tư ha!"
Bà Tư cẩn thận thu vén phần cơm còn non nửa trong hộp, đậy nắp, cho vào túi ni-lông rồi ôm khư khư trên tay, sau đó hướng ánh nhìn thụt sâu trong hốc mắt vào màn mưa nhạt, tặc lưỡi than: "Đã mưa thì chớ, còn thêm gió. Chập khuya hơn, gió dưới sông thổi lên, càng lạnh dữ!"
Cô còn sức trẻ, bên trong mặc áo ấm, bên ngoài có cả áo mưa mà vẫn cảm thấy cơn lạnh xâm chiếm toàn thân thì một bà cụ gần bảy mươi như đèn khuya trước gió sẽ chống chọi thế nào trước cơn bão đang đến gần? Nét ưu tư thấm ướt vành môi khô, cô nhanh nhảu nói: "Dạ! Mà sao bà Tư không ăn hết cơm?"
"Mèn ơi! May mà có mấy đứa ra che lại cái xó này cho Tư." Vừa nói, bà Tư vừa cầm chặt tay cô, trao lời cảm ơn chân thành hơn vạn triệu câu từ buông qua khóe môi. Ánh mắt đục ngầu những âu lo loang loang hai màu xanh đỏ từ mảnh ni-lông đang oằn trĩu che gió đón mưa. Giọng bà như mất hút vào tiếng nước chảy như thác do hệ thống thoát nước đã xuống cấp của cây cầu có tuổi đời gần trọn một thế kỉ: "Mưa vầy, Tư để dành nửa hộp cơm lại, mai sáng ăn. À! Con nhờ đứa nào tháo tấm bạt xuống cho Tư nghen?"
Đây là vị trí ngay dưới mố chân cầu nên thân cầu làm mái che, ba mặt còn lại đều trống. Hiện tại, dẫu đã có che chắn nhưng mưa vẫn hắt vào theo những đợt gió ngược, huống gì không có tấm ni-lông kia thì nơi đây gần như lộ thiên. Điều này khiến cô nhíu mày nghĩ ngợi hồi lâu vẫn chưa lên tiếng thưa.
Bà Tư nhận ra sự khó hiểu của cô khi mắt đau đáu hướng về chiếc thùng bìa cứng được che chắn bằng những mảnh ni-lông, đặt trên một kệ gỗ xiêu vẹo sau lưng và cất lời trong âm giọng dây dứt u hoài: "Người ta ướt còn khô được chứ giấy mà ướt là rã nát hết! Đời Tư có chừng đó gia tài đem theo hà."
Ở "xóm" gầm cầu này, ai cũng tường tận từng vật bên trong chiếc thùng ấy bởi mỗi ngày ba lượt, bà Tư đều đặn mang chúng ra, ve vuốt thẳng nếp rồi run rẩy ôm ấp vào lòng khi cõi hồn chìm vào cơn thổn thức khôn nguôi. Đó là một cuốn sổ tay loại nhỏ có chép những bài thơ do chính ông cụ bán báo sáng tác tặng riêng bà; vài mươi tấm hình lưu giữ từng đoạn đời của hai người con trai, từ lúc chập chững vào mẫu giáo đến khi lấy vợ, làm bố trong gia đình làm ngài ngoài xã hội, ảnh cháu nội, cả ảnh cưới trắng đen nhạt nhòa; vài ba mảnh giấy ố vàng chứng nhận rằng bà từng một lần được kết hôn cũng như đã ly hôn; hai bộ hồ sơ sang nhượng quyền sở hữu nhà - đất từ tên bà sang tên hai anh con trai. Chấm hết! Những mảnh giấy vô tri ấy chính là sinh mệnh của người đàn bà đã dành trọn cả cuộc đời để nhặt tìm hoài vọng yêu thương.
Giờ thì cô đã hiểu. Nụ cười vốn chẳng mấy tươi nay càng thêm nhạt dưới màn mưa giăng giăng nơi góc gầm cầu vàng võ ánh đèn đường, cô vờ vô tư buông tiếng thở dài não nề: "Hồi chiều, tivi có thông báo bão lớn ngoài biển đang vô, con sợ cái kệ với miếng bạt này không chịu nổi mưa lớn với gió giật."
Cô hơi cúi đầu che giấu nét áy náy: "Dạ thiệt! Tivi thông báo đàng hoàng mà bà Tư. Hay giờ con tính vầy, bà Tư coi được không nha?" Chỉ chờ bà Tư tỏ ý quan tâm, cô lập tức dịu giọng thuyết phục: "Đêm nay bà Tư với cái thùng sang nhà tụi con ngủ lại một đêm, sáng mai bão tan là mấy đứa nhỏ đưa bà Tư ra đây liền..."
"Ý! Đâu có được." Chưa chờ cô nói hết câu, bà Tư lập tức xua tay ra ý chối từ dứt khoát: "Lỡ nửa đêm nửa hôm, thấy mưa bão vầy rồi ổng hay mấy đứa nhỏ con Tư ra tìm, không gặp Tư lại lo lắng thì tội. Nhất là ổng đó, ổng hứa sẽ không phụ Tư. Tư tin ổng!" Âm giọng người phụ nữ đi quá sáu mươi năm cuộc đời vẫn trở nên thỏ thẻ tựa cô gái đôi mươi khi nhắc đến tin yêu nhưng ánh mắt tự ủi an đang dần chìm vào niềm tuyệt vọng mênh mang. Trước mặt bà, đường phố vắng lặng, thi thoảng mới có vài chiếc xe vội vã rẽ mưa, chỉ duy gầm cầu này chộn rộn những mảnh đời chẳng còn chốn nao để trở về.
Dăm năm qua, bà Tư luôn bất chấp mọi khó khăn, quyết sống quyết chết không rời xa gầm cầu đặt sạp báo ngày xưa. Lần thi công đoạn đường dẫn dưới chân cầu, sau khi đã dùng đủ mọi biện pháp vẫn không thể thuyết phục bà dời đi, chính quyền đành áp dụng cưỡng chế. Tuy nhiên chẳng ai dám tưởng tượng ra cảnh bà Tư một tay ôm chiếc thùng giấy, tay còn lại tự kề vỏ chai bia lởm chởm những mảnh vỡ sắc nhọn vào cổ mình, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt bi ai cùng cực, ướt đẫm từng câu từ cầu khẩn được ở lại nơi bà đã xem là nhà. Tất cả chỉ vì niềm hi vọng mỏng manh rằng còn ai đó nhớ đến mình.
Do vậy, lòng cô vẫn cồn lên cảm giác vừa xa xót vừa chán ngán dẫu đã biết trước câu trả lời kia. Nhưng mưa đang nặng hạt hơn, gió cuốn xoáy cơn từng cơn lạnh buốt khiến nỗi lo âu lớn dần, che phủ tất thảy. Hít một hơi sâu để nén lại những đắng chát, cô muốn cố gắng thêm lần nữa: "Dạ! Con sẽ viết địa chỉ, số điện thoại của con vô thiệt nhiều tấm bìa cứng rồi treo chung quanh đây. Ông hay con bà Tư đến là thấy liền. Chứ bà Tư nằm đây giữa mưa gió, ông biết sẽ đau lòng lắm hoặc nhỡ có mệnh hệ gì, hai con trai ân hận tới chết cũng không yên."
Gương mặt nhăn nheo biến chuyển theo từng lời cô nói, bà Tư im lặng ra chiều đang đấu tranh tư tưởng kịch liệt, chập thở dài chập lại móm mém cười. Bà nhìn chằm chằm vào màn mưa giăng trắng xóa khoảng không trước mặt đủ lâu rồi cương quyết lắc đầu: "Sống chết có số hết rồi con. Để lại số điện thoại với địa chỉ của con cũng được nhưng Tư sợ ổng với mấy đứa nhỏ hiểu lầm là Tư có nhà mới, quên hết chuyện xưa rồi. Thôi, cứ để Tư nằm đây cho yên lòng!" Dứt lời, bà liền liêu xiêu đứng lên, lưng còng gần như đường thẳng song song với mặt đất, bước từng bước ngắn đến chỗ chiếc thùng giấy, bàn tay gầy guộc run run kiểm tra xem nước mưa có hắt đến nơi đây hay chưa.
Mỗi cá thể đều có quyền chọn lựa cũng như chịu trách nhiệm với quyết định của họ, bất kể người đó là ai hoặc có hoàn cảnh ra sao. Cô thở dài thành tiếng rõ ràng, khóe môi nhếch lên nụ cười bất nhẫn. Bà Tư muốn phó mặc cho định mệnh mà cô chưa bao giờ là thiên thần nên nghĩa vụ này đã đến lúc dừng lại. Dặn dò bà khi Tư thêm dăm lời, trò chuyện cùng những người khác thêm vài câu, cô liền cùng một cậu thanh niên trong tổ đội mưa ngược gió rời đi. Vết thương trên tay cô vẫn chưa bình phục hoàn toàn nên tự lái xe máy đi về là bất khả.
Đi được chừng vài mươi bước, cô dừng chân trước chiếc giường đơn được kê cao bởi hai chồng gạch. Trên giường, người đàn ông có nét mặt dữ tợn, tầm hai mươi lăm đang quấn chăn ngủ ngon lành. Vẻ như cơn bão đang đến chẳng mảy may ảnh hưởng đến góc gầm cầu kín gió được che chắn bởi hai mố chân cầu vững chắc này. Cậu thanh niên đi cùng trợn mắt lo lắng, tỏ ý cản ngăn khi cô cất giọng đánh thức người đang ngủ kia.
Cô gọi tên "Long" đến lần thứ ba thì chiếc chăn đen ngòm bốc mùi thum thủm liền bực dọc tung ra. Giọng nam ngái ngủ cất lên tràng chửi thề cáu kỉnh trước khi đôi mí mắt thâm quầng lười biếng hé mở. Tiếng chửi thề dừng lại, anh ta lồm cồm ngồi lên, ngáp dài: "Chị hai, chuyện gì đây?"
Không vội trả lời, cô vén áo mưa, từ trong chiếc ba-lô mang sau lưng lấy ra bao thuốc lá, châm lửa một điếu cho bản thân rồi đưa cả bao còn lại cho người tên Long kia. Hành động ấy lập tức khiến nét mặt đối phương dịu xuống. Cô rít thuốc, cất lời bằng chất giọng hòa đồng nhưng không thân thiết: "Dạo này cậu ăn ngon ngủ kĩ quá!"
Long nhanh chóng châm thuốc, rít mấy hơi dài rồi sảng khoái cười: "Cũng tàm tạm!" Đoạn, anh ta liếc qua cánh tay cô: "Tay bà sao vậy?"
"Bị chém!" Cô đáp gọn.
"Đứa nào chém bà?" Long như nhảy nhổm lên, thân hình gầy gầy bật ra khỏi chăn. Ánh mắt trượng nghĩa kiểu giang hồ chiếu thắng đến cô: "Bà nói tui biết, tui chém thấy mẹ nhà nó."
Cô lườm mắt nhìn Long: "Bỏ cái thói anh hùng rơm đó đi! Chị không cần cậu chém người giúp, chỉ cần cậu để mắt đến bà Tư là được."
"Bà Tư Mạc Sầu!?" Long hướng mắt đến góc có mảnh ni-lông xanh đỏ đang giật tung trong gió: "Sao?"
Cái tên bà Tư Mạc Sầu là do những cư dân gầm cầu này đặt cho bà Tư bởi họ cho rằng bà lụy tình đến độ loạn trí giống nhân vật Lý Mạc Sầu trong phim "Thần Điêu đại hiệp".
"Mưa bão nên chị lo mấy đứa choai choai giành mấy tấm ni-lông hay chỗ ngủ với bà Tư. Có gì cậu ngó qua, được không?" Khác với tất thảy những người quanh đây, họ luôn tỏ ra sợ hãi hoặc ghét bỏ Long vì anh ta lầm lì, hung hăng, thi thoảng lên cơn điên đánh chém người; chỉ riêng cô luôn thoải mái thậm chí ra vẻ bề trên khi tiếp xúc cùng.
"Yên tâm, để đó tui lo." Long khí khái gật đầu. Dường như gã Long liều lĩnh thích gây hấn thường nhật đã được thay bằng hình ảnh cậu thanh niên dù bụi bờ vẫn biết kính trên nhường dưới, có lòng yêu dạt dào.
Cô gật đầu an tâm, môi nở nụ cười nhè nhẹ lộ rõ ý tin cậy: "Chị đi đây! Bão đang đến, không có việc gì thì đừng ra đường." Dứt lời, cô điềm nhiên với tay rút thêm một điếu từ bao thuốc trên tay Long rồi quay lưng, bước tiếp.
Mưa nương theo gió, quất ràn rạt vào mặt người những tia nước lạnh buốt. Chiếc xe máy chở cậu thanh niên kia và cô xiêu vẹo lăn bánh giữa phố đêm thưa thớt. Người kia nói to như cố át tiếng mưa gió rít lên từng hồi: "Chị quen với gã Long lâu chưa?"
Đang mải suy tư vấn đề khác, cô chỉ nghe thấp thoáng tên Long nên đáp lời theo ý mình: "Thật ra Long không đến độ quá tệ, chỉ là cậu ta ghét bị làm phiền. Sau này, bọn em cứ xem như cậu ta không ở đó, đôi bên sẽ dễ chịu hơn."
"Dạ! Cũng chưa có mâu thuẫn gì lớn." Đoạn đường về nhà cô còn khá xa nên cậu thanh niên tiếp tục nói to, hòng tạm quên gió giật mưa vùi: "Tại lần đầu tiên em thấy Long ăn nói đàng hoàng, nhất là với phụ nữ."
"Chắc tại chị vừa đanh đá vừa hâm dở nên cậu ta cũng sợ!" Cô thản nhiên nhận xét bản thân xong liền phá lên cười khanh khách. Nước mưa theo môi trôi vòm họng vài ngụm, vị ngòn ngọt, mát mát. Mưa của thời hiện đại chẳng còn trong lành như xưa nhưng vị vẫn chưa quá tệ; cũng như con người dẫu có bất trị đến đâu đi chăng nữa thì đâu đó trong họ vẫn le lói những tia nhân bản. Tât cả đều tùy thuộc phần lớn vào việc chúng ta có nhìn thấy, công nhận và tôn trọng những tia sáng mỏng mảnh ấy hay không.
Long - một thành phần được xem như nhân tố gây cản trở sự hoàn thiện của xã hội văn minh, pháp trị. Cô biết cậu ta từ trước khi tham gia vào nhà nhóm, mười năm có lẻ. Khi ấy, cô vẫn đang ấp ủ mộng công hầu, Long còn là thằng nhãi ranh đánh giày kiêm trộm vặt. Mỗi ngày, Long sẽ ôm hộp đồ nghề đi loanh quanh các khu phố có nhiều người đi giày tây tụ tập; trong lúc đánh giày sẽ đồng thời quan sát tình hình, khách hàng nhanh chóng biến thành con mồi nếu để lộ sơ hở. Giày, ví tiền, điện thoại, túi xách,... là những món hàng yêu thích của cậu ta.
Lần ấy, Long ra tay trên chiếc ví của cô và người phát hiện là hai cảnh sát viên mặc thường phục ngồi cách đó không xa. Chẳng biết do vô tình hay cố ý mai phục nhưng họ đã nhanh chóng áp sát ngay khi tay Long vừa chạm đến chiếc ví. Trước tang chứng rõ ràng, cậu bé Long gầy guộc với nước da xanh tái cùng nét mặt lì lợm chỉ khẽ thở dài ưu phiền một cách lạ kì rồi mím môi, trơ tráo đưa mắt nhìn quanh như thể chính bản thân mới là kẻ bị hại; thay vì van xin hay mồm loa mép giải trình bày hoàn cảnh đáng thương. Có lẽ chính vì tiếng thở dài kia đã khiến cô bấm tay Thắng ra hiệu, xong lại mở to mắt, buông lời xảo ngữ rằng chính cô đã cá cược với Long rằng nếu cậu bé có thể âm thầm lấy được ví mà không bị cô phát hiện thì sẽ nhận được món tiền trị giá bằng công đánh mười đôi giày. Lí do cô nêu ra quả thật khiến người ta cười không thể khép mồm tuy nhiên nhân chứng không có, nguyên cáo bảo vệ ngược nghi can nên hai cảnh sát viên cũng đành cảnh cáo suông dăm lời rồi bực dọc trở về chỗ ngồi vì đã để sổng một thành phần bất hảo.
Sau khi hai cảnh sát rời đi, Thắng vốn là mẫu đàn ông cứng nhắc nhưng luôn chiều theo ý bạn gái nên anh chẳng buồn bận tâm đến Long; cô cũng tiếp tục nhởn nhơ nhấm nháp cà-phê, dõi mắt ngắm nhìn phố phường nhộn nhịp. Câu chuyện vừa xảy ra dường như chưa từng tồn tại. Long ngơ ngác, xớ rớ đứng cạnh hai người một hồi lâu rồi cúi đầu, lí nhí nói: "Cảm ơn. Mà sao bà muốn cứu tui?"
Cô nghiêng đầu, lướt ánh mắt ơ hờ ngang qua nét mặt biểu thị sự hàm ơn xen lẫn thắc mắc của Long, đều giọng nói: "Chị có cứu nhóc à? Sao chị không nhớ?" Rồi mặc kệ tròng mắt còn chưa hết trong veo đang mở to hết cỡ kia, cô khẽ vươn vai, nũng nịu tựa vào vai Thắng và thỏ thẻ: "Giày anh bẩn rồi kìa!"
Long đã tận tụy hoàn thành công việc đánh giày của mình và một mực chối từ nhận tiền công. Tuy nhiên cô còn kiên quyết hơn khi đặt vào tay cậu bé tờ tiền, nghiêm giọng nói: "Cậu nhóc, cực nhọc kiếm tiền lẻ nhưng không phải thở dài hay trúng mánh đậm để rồi phải thở dài, là cho em chọn. Mỗi người chỉ được may mắn một lần, hiểu không?"
Chẳng hiểu là Long có hiểu được lời ấy hay không nhưng rất lâu sau đó, mỗi chiều cuối tuần bọn cô ghé ngang quán cà-phê quen ở ven hè phố này đều gặp lại cậu bé nhỏ gầy kia cần mẫn đánh giày cho khách. Cậu bé quê ở miền Trung khô cằn sỏi đá, nhà còn ông bà ngoại già, em thơ và đã lang bạt giữa lòng thành phố hoa lệ hơn năm năm dẫu tuổi đời chưa trọn đôi tám; vì bố mẹ có mà như không có nên từ tiền học cho em đến chi tiêu trong gia đình đều do cậu cáng đáng phần lớn. Tuổi mười sáu mộng mơ chỉ còn lại những tiếng thở dài muộn phiền về một tương lai bất định.
Thời gian mải miết trôi, mối quan hệ giữa cô và Long như xa lạ như thân quen. Ngày bà ngoại mất, Long đã khóc nức nở trên đường cô đưa cậu ra ga, mua vé trở về quê nhà. Khi biết cô đã dừng lại đoạn tình cảm cùng Thắng, Long mời cô hút thuốc lá thơm - loại đắt tiền chẳng bao giờ cậu dám mua.
Mười năm - Long vẫn xem góc gầm cầu là chốn đi về, vạ vật làm đủ nghề từ bốc vác đến đòi nợ thuê, bảo kê gái bán hoa, tính tình càng thêm bất cần, chai lì, dấu vết thương tích trên thân thể chẳng thể nào đếm hết được. Trong những sẹo đời ấy, không ít vết được tạo nên bởi sự kiên quyết chối từ tham gia vào các đường dây trộm cướp hoặc sử dụng ma túy của cậu. Có lần, cậu tâm sự với cô rằng, đời cậu xem như bỏ phế nhưng đời hai đứa em còn dài phía trước, đứa nhỏ vừa vào năm nhất, đứa lớn đang là cô giáo cấp I và chuẩn bị cưới chồng; cậu không muốn chúng gánh thêm tủi nhục bởi có một bà mẹ lang chạ với đàn ông khắp làng xã, một ông bố nghiện rượu đến cuồng điên đã là quá đủ.
Mười năm - giấc mộng danh vọng một thời tuổi trẻ đã phai tàn trên những chặng đường dài hư ảo, cô rong ruổi với hành trang mang theo là dăm tiếng thở dài, đôi ba điệu cười nhàn nhạt giọt nắng vỡ, vài mươi nụ hàm tiếu trong vắt như pha-lê và những lần tiễn đưa; trong đó có cả tiếng thở dài chua xót hôm nao của Long. Thật lạ! Cô chưa một lần thử khuyên Long thay đổi hoặc giả ổn định cuộc sống cho tương lai cũng như Long là người "dưng" duy nhất không từng hỏi cô những câu hỏi về tình yêu, hôn nhân, gia đình. Mười năm trước - hiện tại - mười năm sau nữa, dòng đời trong tầm mắt cô có nhiều đổi thay, chỉ duy nhất một điều bất biến - đó là quan điểm cực đoan rằng mỗi cá nhân đều phải tự quyết con đường mình nên đi và hoàn toàn chịu trách nhiệm cho những chọn lựa ấy; lời khuyên chỉ được đưa ra khi đối tượng biết cầu thị và chưa đủ tuổi trưởng thành.
Trong cơn miên man về miền quá khứ, bỗng một ánh sáng võ vàng vụt qua tròng kính đọng nước của cô và... tiếng phanh gấp rít lên lanh lảnh giữa phố đêm mờ mịt mưa giăng. Toàn thân cô trượt dài trên mặt đường khi cơn đau kinh khủng ùa đến, vòm họng tràn ngập thứ nước mưa mang theo mùi vị tanh tưởi đến buồn nôn. Thị thính cứ hư ảo dần, hư ảo dần rồi tắt lịm!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT