Mẹ tôi cũng là con gái miền Bắc. Khác với ba là dân miền núi, mẹ là người đồng bằng. Ở quê mẹ, xa xa chỉ thấy những cánh cò trắng lả lơi lượn lờ trên những cánh đồng lúa bát ngát. Không có một bóng núi, nhìn xa chỉ thấy một đường chân trời mờ nhạt. Ngày tôi về quê mẹ, gặp người anh họ cùng tuổi là con của chị gái mẹ tôi. Nghe anh bảo chưa từng thấy núi, tôi hớn hở rủ anh về nơi mình sống. Trên quãng đường dài dọc theo dải đất miền Trung, tôi tận tình chỉ dẫn cho anh tôi biết rằng, đây là núi, có núi đá và núi đất khác nhau. Ở Ninh Bình là núi đá, còn Tây Nguyên nơi tôi sống lại là núi đất. Ngày đó trong ký ức của đứa trẻ năm tuổi, tôi cũng mơ hồ về khái niệm của những ngọn núi. Nhưng sự mong muốn được chứng tỏ bản thân đã khiến tôi tự tin khoe khoang vốn kiến thức hạn hẹp của mình với người anh chưa từng một lần được thấy núi. Anh họ của tôi, người mà sau này khiến cho cả họ ngoại tự hào vì sự thông minh tài giỏi của mình, lại ngây ngô gật gù nhìn đứa em gái nhỏ với ánh mắt đầy khâm phục.
Nhà mẹ cùng nhà ba có một điểm chung, đó là họ đều không có cha. Ông ngoại tôi cũng đi lính. Mẹ lại là đứa con gái thứ hai trong nhà. Nhà ngoại tôi không có con trai nối dõi. Ông ngoại mất sớm để lại bà ngoại tôi cùng hai đứa con gái. Mặc dù cuộc sống của một căn nhà không nóc không hề dễ dàng gì. Nhưng bà ngoại còn có chị em, còn có những người anh em nhà chồng giúp đỡ. Ngoại tôi là một người phụ nữ giỏi giang. Bà cứ thế chăm lo cho hai đứa con gái lớn khôn thành người. Còn khiến cho mẹ có một tuổi thơ vui vẻ không hờn trách.
Vì là con gái út trong nhà, nên mẹ được cưng chiều hơn so với chị gái, nhưng mẹ và bá đều được đi học. Có lần bà ngoại tôi kể. Bá đi học về mở nồi cơm tìm cơm nguội, thấy cơm chỉ còn một ít nơi đáy nồi, bá chê ít, thế là đổ luôn toàn bộ canh vào nồi cơm, ôm nồi ngồi ăn một mình. Nhưng nồi cơm của ngoại năm đó cũng giống như nồi cơm Thạch Sanh, bá ăn hoài mà không hết. Đến lúc bà về thì thấy đúng cảnh bá tôi đang ôm nồi cơm nước mắt lưng tròng, ráng nuốt cho hết mà miệng thì nghẹn ứ. Bá tôi như vậy, còn mẹ sung sướng hơn nhiều. Ngày ngày đi học, còn có những ngày đi chơi lê la khắp xóm. Tôi có rất nhiều dì, là những người dì họ hàng mà mẹ gọi là em. Mẹ kể, ngày đó, hôm nào học xong cũng chạy qua nhà bà Thiên bế em giúp bà để được thưởng quả lê - ki - ma. Nhà bà Thiên có một cây thật to, thật nhiều quả. Trong ký ức của mẹ, lê - ki - ma là quả cây ngọt nhất, thơm nhất, ngon nhất trên đời này. Có một điều mà mãi sau này mẹ tôi còn kể lại để chọc dì tôi. Mẹ tôi hay hỏi dì:
“Rốt cuộc nhà mày có mấy đứa vậy? Tao nhớ ngày xưa hè nào cũng sang bế em, mà năm nào cũng có em để bế là sao?”
Dì bật cười ha hả.
“Chuyện thường mà chị, có khi mẹ em còn chẳng nhớ rốt cục mình đẻ bao nhiêu đứa.”
Vậy đấy, tâm hồn của một đứa trẻ mà lúc nào cũng treo trên cành lê – ki – ma, đến bây giờ trong trí nhớ cũng là thứ quả vàng thơm, chứ không phải là đàn em nheo nhóc chờ bế.
Nói vậy chứ mẹ vẫn phải làm việc nhà. Ngày còn nhỏ tôi hay vuốt ve bàn tay mẹ. Tay mẹ khô và cứng như có lớp bì bóng vậy. Nhưng không phải là do mẹ làm nhiều đâu mà là do cấu tạo da vậy thôi. Ở móng tay tại ngón giữa tay trái của mẹ lồi lên một đoạn. Tôi vẫn hay thắc mắc:
“Sao móng tay mẹ lại bị chẻ đôi ra vậy?”
“Ngày xưa băm bèo đó, vừa làm vừa chơi, hậu quả là chém luôn vào tay mình.”
Tôi bật cười, mẹ cũng cười. Nhưng trong câu chuyện của mẹ, tôi biết mẹ muốn nhắn nhủ tôi làm gì cũng phải tập trung, làm gì cũng phải cẩn trọng. Vì cái tật đểnh đoảng đó của mẹ, mà trên người mẹ có nhiều hơn một chứng tích thương vong.
Có lần tôi mở chiếc tủ gỗ lớn trong phòng mẹ ra, tôi thấy một bộ răng giả. Đúng ra tôi cũng không hiểu thứ đó có phải là răng giả hay không, chỉ là tôi có cảm giác nó giống như lợi của tôi lúc tôi nhe răng nhìn vào gương, và cái thứ đáng sợ đó ám ảnh tôi suốt một thời gian dài khi tôi còn là một đứa trẻ.
Đến khi cảm thấy có chút không thể chịu đựng được, tôi e dè hỏi mẹ.
“Mẹ ơi, con thấy có thứ gì đáng sợ lắm, ở trong tủ của mẹ ý.”
Mẹ bật cười ha hả.
“Răng giả chứ gì?”
“Sao mẹ phải mua răng giả?”
“Ngày xưa nghịch quá, vập mặt vào thềm xi măng ở sân hợp tác xã, đi luôn hàng tiền đạo rồi.”
Rồi mẹ nhe răng của mẹ ra, chỉ chỉ.
“Đây đều là răng giả.”
Tôi khiếp sợ, hóa ra là vậy, thảo nào răng mẹ đẹp thế. Sau này, khi tôi đi học cấp hai, có những đề văn yêu cầu tả về cô giáo hay về mẹ. Trong văn mẫu lúc nào cũng có câu: “răng cô/mẹ đều như hạt bắp.” Lúc đạo câu văn đó đó vào bài văn tả mẹ của mình, tôi cảm thấy rất hài lòng, bởi vì thực sự răng mẹ tôi đều như hạt bắp, chỉ có điều, nó là hạt bắp bằng sứ mà thôi.
Đó là thời mà tôi học văn, còn đến thời em trai tôi, nó tả mẹ chân thực và vĩ đại hơn nhiều. Tôi đọc bài văn của thằng nhóc cho mẹ nghe, mà hai mẹ con đều cười nghiêng ngả. Nhưng cái kiểu cười của mẹ, rõ ràng ánh lên chút tự hào về… nhan sắc của mình trong bài văn của thằng bé.
Nó tả mẹ mặc váy công sở, tóc nhuộm vàng và đi đôi cao gót. Mẹ trong mắt nó, rất sang trọng và hiện đại. Đúng với những gì mẹ có ở thời điểm đó. Đến bây giờ, mỗi lần tôi nhắc lại chuyện bạn tôi khen mẹ đẹp khi mẹ mặc đồ công sở đi họp phụ huynh cho tôi vào năm lớp tám, mẹ tôi vẫn cười híp mắt. Phụ nữ mà. Thích được khen. Càng thích con cái của mình tự hào về mình lắm chứ.
Từ lúc ra đời, mẹ đã được định là số sướng nhưng ai biết được mẹ của bây giờ là kết quả của cả một quãng đường dài nỗ lực. Một người con gái xuất thân từ gia đình nông dân, được một người mẹ chân lấm tay bùn tự mình nuôi dạy, cuối cùng đã dũng cảm bỏ xứ đồng bằng để đi học xa xứ. Cuối cùng có được ngày hôm nay, cũng là những sự nỗ lực không ngừng và sự can đảm của mẹ. Ai nghĩ được cô bé tinh nghịch sún răng ngày đó, được bà ngoại đổi nguyên một bao thóc để sửa răng cho, lại có thể trở thành người phụ nữ hiện đại tư tưởng thoáng đạt như mẹ hiện nay chứ?
Mẹ độc lập. Độc lập đến mức nhiều lúc tôi cảm thấy xót xa cho mẹ. Mẹ có rất nhiều bệnh trong người. Mãi sau này khi tôi lớn, tôi mới biết điều đó. Có lần mẹ vô Sài Gòn nhân dịp lễ ba mươi tháng tư, hai mẹ con lang thang khắp các con phố bằng xe buýt. Mẹ không than mệt, còn hớn hở bảo:
“Sao đi được nhiều mà rẻ thế, đi hết cái Sài Gòn này chắc cũng chỉ hết năm chục thôi, chả bù cho ngày xưa mẹ toàn đi taxi.”
Tôi mới hỏi:
“Mẹ đi Sài Gòn hồi nào?”
“Hồi mẹ đi mổ u.”
Thế tôi mới biết, mẹ toàn lẳng lặng đi khám, lẳng lặng chịu đau một mình. Có hồi mẹ đi học ở Tuy Hòa, khi đang đi xe ôm thì bị ngất, té xuống xe giữa đường. Có người đưa mẹ vào bệnh viện, hồi đó mẹ bị ung thư cổ tử cung. Cũng vì căn bệnh đó mà mẹ phải cắt đi một bên buồng trứng. Vì vậy, tôi sém chút trở thành đứa con gái duy nhất của ba mẹ. Có lẽ bởi vì bù đắp cho sự cố gắng của những người sống lương thiện, tám năm sau khi sinh tôi, ba mẹ cũng nhận được một cậu bé thiên thần. Cám ơn ông trời vì đã khiến cho gia đình tôi tròn đầy hạnh phúc.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT