Dẫu sao chuyện vợ con thằng Sài cũng là chuyện nhỏ so với nạn đói đang có nguy cơ loang bùng khắp xã. Không ai còn bụng dạ, hơi sức đâu để bàn tán, khen chê. Vả lại, chuyện tình của hai đứa trẻ ấy chưa đến tuổi "phát điên" nên nó vẫn chỉ là nỗi ấm ức hậm hụi của trẻ con, đôi khi mải chơi đùa, học hành, nó cũng quên là mình đang bị oan ức trói buộc nghiệt ngã. Lệ thường đã thế huống hồ những ngày này. Tuy làng mới được giải phóng mấy tháng nhưng không phải dò mìn, gỡ dây thép gai, nhặt mảnh bom, đầu đạn và san lấp hầm hào như những làng quanh vùng Tây. Đất làng cũng tầng tầng phù sa trông ngon như những tảng thịt nạc, nhưng những người nông dân ở đây không cần đến đất. Nói đúng ra họ dửng dưng với cách bãi bồi mênh mông màu mỡ. Không hiểu từ thuở nào làng chỉ quen đi làm thuê. Miếng cơm thiên hạ bao giờ cũng ngon nên người sức dài vai rộng thì đi tứ chiếng bằng đủ thứ nghề: hàn nồi và cắt tóc, đốt gạch và nung vôi, thợ nề, thợ đất, thợ lặn... Kẻ giảo hoạt mà lười biếng thì đi buôn cau con, bán rong thuốc cam, buôn vỏ quạch và chổi tre, tiểu sành và cối đá. Không có mặt hàng nào đáng giá và những hàng dễ thiu, vữa đổ, vỡ cũng không ai có gan để buôn. Buôn bán đã non gan cũng chỉ là tạm bợ giật gấu vá vai, làm sao nghề trong tay, dường như mục đích cao cả và sự sung sướng hồi hộp của họ cũng chỉ là kiếm được miếng ăn giữa tháng ba ngày tám, sau đấy vợ chồng con cái lại dắt díu nhau về cày bừa vội vã, cuốc và đập vội vã, gieo trồng cũng vội vã để lại bồng bế nhau đi. Dăm bữa, nửa tháng vợ hoặc con đảo qua để làm cỏ, xáo xới rồi cũng lại vội vã ra đi. Đến mùa thu hoạch lại về. Hết mùa lại đi. Cứ thế. Khi về lại nhớ cơm thiên hạ. Khi đi lại cồn cào thương từ gốc cau, bụi chuối. Họ không yêu tha thiết với đồng ruộng nhưng không đủ sức dứt bỏ những gì quen thuộc từ thuở cha sinh mẹ đẻ ở cái nơi mà ai cũng quen gọi là quê hương.
Những người còn lại hoặc tuổi già yếu, con bận con mọn, hoặc không biết nghề, không quen đi xa, cái lực lượng sản xuất chủ yếu ấy cũng chỉ chòn chọt năm một vụ ngô, tháng mười cày bừa dối dả, tháng tư bẻ bắp chặt cây vội vàng để rồi lại nô nức kéo nhau sang bên kia sông, vào nội đồng làm thuê, sáng cắp nón đi, tối cắp nón về nói cười rả rích. Dường như số trời đã định cho làng này chỉ có việc đi làm thuê. Chen lấn, tranh cướp nhau từng người chủ, và ai được chủ tin thì coi đó là một diễm phúc có thể vênh váo, hãnh diện với kẻ khác, sẵn sàng hạch sách bắt bẻ người cùng xóm, cùng làng, cùng cánh thợ làm thuê một cách nghiệt ngã độc ác hơn cả người chủ thật. Bởi thế, cũng là tỉa ngô, rắc đỗ, ruộng nhà thì làm quáng quàng chỗ dầy, chỗ mỏng, hàng thưa hàng mau nhưng ruộng của chủ cứ đều tăm tắp. Ruộng nhà không bao giờ bón phân, cả làng không ai bón phân, cần quái gì chuồng lợn, chuồng xí. Đàn ông, đàn bà, cả người già trẻ con đều chạy toá ra đồng và lợn cũng thả rông hoặc có chuồng thì cũng chả cần phân ấy để làm gì. Chính những con người ấy lại đánh phân, rửa ráy quét dọn cả chuồng xí, chuồng lợn cho chủ rồi gánh ra đồng cứ của những người chủ tốt tươi sai quả, mấy hạt lại theo đà đâu đó, ca thán, và xỉ vả làng mình ngu si không biết đường làm ăn.
Cái thói quen, thích được chủ tin dùng khen ngợi, thích được sai bảo mắng mỏ nó bắt đầu đơn giản thế này. Lúc túng thiếu đói kém vay mượn vừa khó, vừa canh cánh lo ngày trả, ấy là chưa kể lãi mẹ đẻ lãi con gặp lúc sa cơ lỡ vận có khi suốt đời đầu tắt mặt tối không đủ trả nợ. Còn tự làm lấy ruộng nhà thì lưng vốn ít, lại phải đợi trông và biết đâu "ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả" đến lúc miếng ăn đến miệng gặp một cơn gió, một trận mưa rào hay ngày nắng hạn mà trái vụ thì mất như chơi. Chi bằng cắp nón đi làm thuê vừa nhẹ nhàng, vừa có miếng ăn ngay. Đôi khi bớt xén ăn xin ăn nài nắm xôi, quả chuối, vốc lạc, nắm cháy, củ khoai mang về cho bố mẹ hoặc chồng và con cái ở nhà là tất cả tươi vui bừng sáng và ai cũng phấp phỏng ấp ủ hy vọng ngày hôm sau, những ngày hôm sau nữa sẽ có, sẽ lại có niềm sung sướng như thế. Lâu dần thành quen. Người ta có thể bỏ ruộng chứ không thể bỏ nghề làm thuê.
Ai cũng náo nức đi làm thuê thì đành chịu khinh rẻ biết làm thế nào. Lúc giáp vụ đã bị rẻ rúng chê ỏng chê eo huống hồ lúc đã vãn việc. Hôm nào cũng dăm bảy trăm người đi "đón", khi chỉ dăm ba chục người "đắt" còn là ế lũ lượt. Nhưng đêm nào cũng đi. Đi tất cả làng. Ngay nhà ông đồ Khang, trừ có ông già yếu và đã mang tiếng là ông đồ, vợ chồng anh cả, vợ Tính, vợ Sài, và cả cu Sài cũng đi. Đêm nào cũng khoảng nửa đêm là ông đồ tỉnh dậy, đun nước ủ tích nụ vối và hút thuốc lào chờ khi nào nghe được nghe tiếng ơi ới gọi nhau ở xung quanh hoặc tiếng nói oàm oàm như lội nước của vợ chồng nhà Mồng là ông chỉ cần hỏi khẽ khàng: "Bà đồ đã thức chưa? dậy uống hụm nước cho ấm bụng" là bà đồ nhổm ngay dậy. Vợ Sài cũng lặng lẽ ngồi dậy. Khi bà đồ chít khăn, khoác chiếc áo tơi, ngoài hàng dây ở phía trước, bà thắt thêm một dây bằng sợi đay ở ngang lưng, rồi xách đôi dép bằng mo cau xỏ vào chân. Gọi là xỏ, thực ra chỉ cần nhét vào một ngón chân trỏ vào cái quai cũng bằng "lưỡi mèo" bao ở buồng cau khi chưa bung thành hoa. Xong xuôi, bà ngồi vào bên ổ, trải lá chuối khô nơi ông đồ và thằng Sài vẫn nằm lăn lóc, xoay ngang, xoay ngược. Khi bà uống xong chén nước ông đưa, liền quay vào lay gọi "Sài, Sài dậy. Sáng rồi". Cu Sài mở mắt ngồi dậy đỡ chén nước bước ra khỏi nhà, ngửa mặt súc miệng òng ọc rồi quay vào vê thuốc nhồi vào nõ, động tác thành thạo như một người lớn. Rít xong hơi thuốc khi hai mắt còn lờ đờ, miệng há ra thở dốc thì bà choàng lên người nó chiếc bao tải. Vừa buộc bịu cho con bà vừa nhắc "Cầm lấy đôi guốc mà đi" - "Sưng hết cả chân rồi" - "Cầm đi lúc chờ ngồi vẫn chả ấm chân! Nặng nhọc gì". Trong khi ấy, vợ nó vẫn phong phanh một chiếc áo cánh, đi ra đầu bể nhổ miếng thuốc nhuộm răng, chiết bằng lọ nước nước điếu đã cất sẵn từ tối hôm trước rồi rửa mặt, chải tóc,vấn khăn và ngồi sẵn ở góc bếp chỗ đã có ba chiếc vồ cho ba người, thêm hai chiếc liềm và hai cái dầm làm cỏ của nó là mẹ chồng. Chỉ cần mẹ và chồng ra khỏi cửa là nó đã cầm liềm, vác đập lên vai, ra ngõ trước.
Bao giờ bước ra cửa, bà đồ cũng hỏi: "Nhà Tính đã dậy chưa con". Khi nghe tiếng "rồi ạ" bà mới đi. Bà đi thong thả và mắng con dâu: "Còn sớm, nhà Sài đi đâu mà vội thế". Bà đi chậm lại, vợ Sài đi chậm lại. Nhưng thằng Sài hoặc không đi nữa hoặc chạy vọt tít tận đâu đâu đến khi không còn nghe, không nhìn thấy "con bé ấy", nó mới thôi.
Làng lũ lượt kéo nhau đi. Lúc đầu còn gọi nhau í ới, còn hỏi han nhau về sau càng gần đến nơi càng im lặng như những cái bóng lầm lũi chuyển động. Dường như ai cũng đang nghĩ đến cái bí quyết gì đấy để khỏi ế ẩm. Cả hàng dăm bẩy trăm người đi và chạy ba cây số, khi đến chân đê không ai bảo ai đều dấn lên ào ào như cơn lốc cuốn lên để tranh chiếm chỗ ngồi. Những chỗ có thể gọi là "ngon" đã hết, họ dúm dụm vào từng khóm, trông lặng lẽ như những mô đất. Ai mới qua đây lần đầu vào những trăng suông lạnh lẽo dễ hoảng hốt tưởng mình lạc vào một bãi tha ma chi chít những ngôi mộ đắp đất cày ải. Những cái "mô" ấy ắng lặng khoảng vài sau mới tở ra xáo xác. Đầu tiên là tiếng ngáp dài của ai đó: "ối giờ...ơi...ơi bây giờ được mẻ ngô rang mà nhá nhẩy". Rồi loáng thoáng những tiếng pha trò rời rạc chìm trong giá buốt. Những đốm lửa từ những chiếc mồi rơm loè đỏ loè lên, những hơi thuốc lào phả ra hoà với hơi ấm của lửa như là những tín hiệu lay gọi mọi người tỉnh táo, đã đến giờ "kiếm ăn" rồi. Phải còn trên dưới một giờ nữa, nghĩa là lúc có thể nhìn rõ mặt người, mới xuất hiện những người chủ vừa đáng nguyền rủa, vừa kính yêu của họ. Trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, mặt đê bỗng xôn xao như họp chợ. Cánh đàn ông thì tán phét, nói tục, bàn chuyện làm các món ăn ngon và vô vàn sự sung sướng mình đã từng giáp mặt, từng chứng kiến ở các nhân vật giàu có, các làng xã trù phú. Những người đàn bà lặng lẽ nhai vỏ quạch, xin nhau vôi, sẻ cho nhau lớp sương mù xuyên tới con đường từ giữa chợ Bái lên đê. Những ông bà chủ thường xuất hiện từ đấy. Ngong ngóng chờ đợi mãi rồi cũng đến cái phút hồi hộp và thất vọng, mừng rỡ và cáu giận. Thoạt đầu bỗng nhiên cả mấy trăm con người xô cả dậy như sóng đùn đẩy chen chúc, chửi bới, la hét nhau để dấn lên, lao xấn tới con đường lên dốc. Khi tiếng quát của đàn ông, tiếng chửi chanh chua của đàn bà, tiếng khóc thét của trẻ con bị xéo đạp chưa dứt lại thấy từ giữa cái mục tiêu mà mọi người nhào tới đó tiu nghỉu mà chùng xuống, mà lặng thinh kéo vồ quay lại. Thì ra một cô gái xinh đẹp lại muốn làm công việc đào thải buổi sớm ở phía ngoài đê. Chắc vừa ức bị nhầm, vừa giận cái vẻ đẹp còn mập mờ kia làm chuyện trái khoáy, một lão đàn ông cất giọng thật to chửi tục. "Đ. mẹ nó, tội tình gì chưa bảnh mắt đã dẫn xác ra tận đây để hàng trăm người mừng hụt". Một giọng con trai đế: "Ông ơi thích thì theo cô ấy đi. Công hôm nay đến đồng rưỡi, hai đồng chứ không ít" - "Đ. mẹ con cái nhà ai đấy". Nếu không có một đợt sóng mới lại ào lên có nhẽ đám thợ Hạ Vị và cánh Trung Thanh đã vác vồ mà choảng nhau. Lần này thì có thật. Cả hàng chục người vừa đàn ông, vừa đàn bà thững thờ đi tới đám đông. Để đáp lại sự nhốn nháo xô đẩy, những ông bà chủ đưa mắt khinh khỉnh nhìn lướt trên đầu mọi người. Họ cứ đi từ đầu đến cuối không thèm hỏi ai, không thèm trả lời hàng trăm người đều nhao nhao "ông cần gì" bà muốn thuê đàn ông hay đàn bà ạ". Nhìn ngắm hết lượt, lúc quay lại các ông bà chủ mới lên tiếng như ra lệnh:
- Bảy người đạp. Hai người đánh phân.
- Bốn người đàn ông tát ao, một chị cắt cỏ.
- Ai biết vực nghé hẩy.
Đủ loại công việc từ rào giậu, quét vôi, bắc cầu ao, xẻ rãnh đến làm cỏ, trát vách, vạc bờ cuốc góc... Ai ới lên cần công việc gì lập tức từng đàn, từng đàn lốc nhốc chạy theo bâu quanh người ấy nhao nhao giành nhau.
Thằng Sài cũng là loại nhanh. Nó tì vào cái chuôi vồ cao bằng người nó cũng đánh thoắt đã len đến, luồn dưới nách mọi người lên trước, một chân đứng trên quả vồ, một chân kiễng lên án ngữ ngay trước mặt người chủ. Giá những người làm thuê biết bảo ban nhau một tí, biết kìm nén sự thèm thuồng một tí, biết dửng dưng xem rẻ đồng tiền, bát gạo một tí thì từng người đỡ bị chê bai, cả đám người đêm nào cũng đằm mình trong sương muối ở mặt đê đỡ bị rẻ rúng khinh thường. Người lớn đã ế ẩm ai họ thèm hỏi han gì đến các lũ trẻ như thằng Sài thì rất đắc chí là nó đã được người ta thuê, một mình theo một luồng không phải ai "rước" cũng đến bờ cùng với người lớn. Nó biết đâu chỉ có ngày giáp vụ, người ta cần đập "chạy hanh" và cái ngày công đầu tiên của mẹ nó các anh con nhà cậu Hồng kèm hai bên, mỗi người "ăn" sang nửa tay vồ là quá nửa luống của nó. Dù đã năm đêm nay nó đều ế, có hôm bà mẹ phải vì con mà ế theo, nhưng còn niềm kiêu hãnh đã một ngày đi làm thuê, nó còn hy vọng. Bà đồ đã nhờ được người kèm con dâu đi vơ cỏ theo bừa. Bà chờ mãi đến sáng bạch nhật mới có người bằng lòng bà kèm theo thằng bé con. Bà cuống quýt: "Sài đâu. Đầu rồi Sài. Nhanh lên. Mày cứ dán mắt ở tận đâu ấy". Thằng Sài vác vồ chạy về bên mẹ. Người chủ lạnh nhạt quay đi: "Cắn chưa vỡ hạt cơm đòi thuê mướn". Bà đồ vội níu lấy tay người kia van vỉ: "Bác ơi, cháu nó bé hạt tiêu, nó vẫn vào làm trong này" - "Có ai hoài cơm, mới mượn con nhà bà" - "Thôi thì không công sá gì, bác cho cháu nó hai bữa cơm người lớn làm được tám chín" "Hai bữa! Hào chưa đầy bơ gạo con bà lèn hai bữa lại chả hết hai bơ, hoá ra còn quá công người lớn" - Chả nhẽ bà để cháu nhịn từ giờ đến quá trưa. Hay bà chiết công tôi ba xu, cho cháu nó theo. Thêm đũa thêm bát" - "Có mà thêm lại chả "đánh" tì tì thủng nồi trôi rế. Vậy là hai người bốn bữa, bốn bơ gạo với sau xu tiền công. Thôi năm xu. Thương tình mẹ con bà tôi liều chứ ai dở hơi đi rước cái của nợ này làm gì".
Đến nhà bà đồ theo chỉ vào bếp gạt tro bắc nồi cơm thì người chồng bà ta đứng ngắm từ đầu đến chân thằng Sài nem nép ở chỗ bể nước. Mẹ mở vung nồi cơm, cái làn hơi gạo mới oà ra ngào ngạt cùng với mùi dưa kho tép thơm lừng lẫy làm nước chân răng thằng Sài tứa ra nhưng nó thậm thột không dám nhìn vào chỗ mẹ đang xới cơm. Người chồng hỏi trống không... "Thằng cu con này ở đâu đây?" - "Con bà lão. Thằng này cuốc ở đồng thốp được" - "Có cuốc cái mả nhà mày. Đ mẹ đồ mắt mù" - "Cha bố nhà anh nói gì đấy. Cả đêm hành hạ người ta, bảnh mắt vẫn chỏng dái lên ngủ mà còn hạch sách" - "Tiên sư con đĩ. Ăn nói thế à". Hai vợ chồng xô vào nhau, kẻ túm tóc thụi và chửi, người xé áo và kêu la. Những nhà bên cạnh chạy đến đứng ở cổng nhìn. Họ ra hiệu cho mẹ ocn bà đồ rút vồ, xách len lén ra khỏi cổng.
Phía sân sau mùi cơm gạo quyện với mùi tép kho dưa toả lên nghi ngút như cuốn lấy tâm trí thằng Sài. Nó đã định ngồi xuống so đũa theo lời bà chủ nhưng sự việc xảy ra nhanh quá, bà đồ phải ụp bát cơm xới giở xuống nồi, lặng lẽ đứng lên, cái phút ấy thằng Sài muốn ứa nước mắt vì bị khinh rẻ, nó hiểu thế nào là thân phận của kẻ đi làm cốt chỉ để kiếm lấy một bữa cơm.
Nhưng đến nửa đêm, bà đồ và những người con dâu vẫn phải đi. Chỉ trừ thằng Sài "đếch thèm đi làm" còn cả làng vẫn lếch thếch kéo nhau đi. Có người đã ba bốn ngày bị ế, vợ chồng con cái mỗi ngày được lưng bát cháo cám, cả ngày không buồn bước nửa đêm cố mà đi. Đi để kiếm lấy một bữa. Thật khốn khổ cho cả làng. Trời đang yên lành bỗng trút nước ào ào. Cả khối người chết lặng trên mặt đê chờ sáng lao vào các quán chợ trống cả bốn phía. Họ nép vào nhau, đến rõ mặt người mới ngớt mưa. Không ai thèm ngó ngàng đến ai họ đành lũ lượt kéo nhau về.
Đêm đó, xã Hạ Vị họp ở đình làng Hạ Vị. Gọi là đình nhưng chỉ còn có mái và hậu cung. Bốn xung quanh đã phá lấy gạch đi xây đồn Trung Thuỷ cho Tây từ mấy năm trước. Ngọn đèn măng xông treo giữa đình từ xa đã thấy ánh sáng rực rõ đầy vẻ hấp dẫn của nó. Suốt từ giữa trưa, nhữgn anh cán bộ tuyên truyền vác loa sắt tây trèo lên những cây bàng, cây gạo ở mỗi xóm gào đến đặc cả cổ: "A lô, a lô xin toàn thể các ông, các bà, các đồng chí nam nữ thanh niên, các em thiếu niên và nhi đồng đến tập trung tại đình làng Hạ Vị để nghe huyện về phổ biến những quyết định khẩn cấp. A lô, alô...ô...ồ..." "Toàn thể nhân dân chú ý, chú ý tối nay huyện về xã ta phổ biến những quyết định quan trọng, nếu ai không đi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm sau này. A lô, alô...ô...ồ..." Đám trẻ con bâu dưới gốc cây ngửa mặt như hứng tới từng lời rơi từ trên ngọn xuống. Và khi anh cán bộ tuyên truyền xuống đất, lũ trẻ lốc nhốc chạy theo thi nhau sờ vào cái loa sắt tây. Đứa nào làm được việc ấy, chạy quay lại hý hửng tưởng như nó phải hướng niềm vui sướng đến hết cả đời. Những đứa trạc tuổi thằng Sài không chạy theo, chỉ đứng ở đầu ngõ nghe và nhớ không sót một lời để rồi qua chúng, từ các cụ già đau yếu đến các bà nạ dòng bận mọn đều cảm thấy cuộc họp tối nay là vô cùng hệ trọng.
Sự đồn đại của đám trẻ không hề sai ngoa, láo lếu. Cuộc họp toàn xã tối nay đã công bố những quyết định gắt gao của uỷ ban kháng chiến hành chính của xã Hạ Vị. Kể từ ngày mai, tất cả mọi công dân của xã không được đi làm mướn ở bất cứ nơi nào. Không được đi buôn bán và làm thuê nghề phụ như giấy thông hành đã cho phép, giấy thông hành đều không có giá trị. Những người đang ở xa, các gia đình tìm cách đi báo để họ có mặt ở địa phương trong vòng một tuần lễ kể từ hôm nay. Tất cả các ngành, giới, các đoàn thể nam phụ lão ấu đều tập trung vào nhiệm vụ sống còn: chống đói và cứu đói. Cách mạng rồi, giải phóng rồi, không thể để xã Hạ Vị diễn lại cảnh chết đói, chết rét, như năm ất dậu. Ai chống lại mệnh lệnh này sẽ bị coi là kẻ phản động và bị trừng trị đích đáng. Cái quyết định vừa đanh thép vừa thống thiết. Người đọc quyết định là xã đội trưởng có bộ mặt lạnh lùng trang nghiêm, cái giọng hùng hồn trang nghiêm khiến người nghe không thể coi thường. Quyết định của uỷ ban như trời giáng, hất bỏ đi cái việc từ xưa đến nay hàng ngày nên làm sao có thể bỏ qua được. Lấy gì mà chống mà cứu đói. Khoai lang thì sương táp chưa lại cây, ngô đỗ chưa nhú lên khỏi mặt đất! Hay xúc đất về mà ăn với nhau. Ai cũng thắc mắc chưa thông, cũng lo sốt vó và ấm ức với cái quyết định tai quái nhưng cả hàng nghìn con người vẫn ngồi chật ních trong đình ngoài sân, ngồi và đứng xuống cả dệ cỏ, đứng cả ngoài đường. Ngồi đâu, đứng đâu cũng nghe thấy cả, cũng tức tối cả nhưng ai cũng chờ, cũng mong đợi một người nào đó sẽ nói hộ nỗi ấm ức trong lòng mình. Chỉ đứng và ngồi thin thít mà ước. Ước gì có người nói, nói quá lên một chút cũng được, nổi khùng và phá bĩnh cũng được, chúng tôi sẽ hoan hô nhiệt liệt, sẽ ủng hộ mạnh mẽ, chúgn tôi chỉ dám ủng hộ thôi. Thông cảm, tôi không nói ra được. Nói ra nhỡ không phải đầu lại phải tai. Giá một thân một mình còn dễ. Còn vợ con, mấy miệng ăn đều trông vào mình.
Ai cũng biết tính toán chi li, tất cả đều khôn ngoan, lấy đâu ra kẻ dại dột thắc mắc hộ mình.
Quyết định đọc xong một lúc khá lâu, xã đội trưởng giải thích như có ý "lấp chỗ hổng", chờ ai đó. Dân làng ai cũng lặng im rất trật tự như lắng nghe chăm chú nhưng là cũng để chờ đợi một cái gì đó. Khi biết không chờ vào cái gì nữa, tiếng ca thán; lời trách móc nổi lên, lúc đầu còn rì rầm ở ngoài chỗ tối, sau lan vào đến giữa đình, ồn ào như họp chợ. Lúc ấy, Hà cùng với mấy người lạ mới từ đâu về.Ông mặc bộ quần áo cánh gụ, phía ngoài khoác áo Mỹ chun ở giữa và quàng cổ bằng chiếc phu la bằng len ô màu nâu. Ông đứng chỗ sáng nhất, tươi cười rất có duyên khiến các cụ bảo cái miệng và hàm răng cười ấy mà không phải là người hoạt động thì có đến hàng trăm cô gái phải lăn xả vào mà chết đứng chết ngồi. Ông chưa nói gì, hàng nghìn người đã im tăm tắp. Làng thừa biết chính ông là người đẻ ra quyết định này, và cũng lại ông có thể xoá bỏ nếu ông thấy không hợp ý dân, không đem lại lợi ích gì cho dân. Ngoài ông, ai bàn lùi, ai phá ngang chỉ tổ mang vạ. Ông Hà chỉ nói mươi lăm phút rồi hỏi mọi người còn gì chưa thông, còn gì thấy khó, cứ nói. Có nói hết với chính quyền những ý nghĩ của mình thì công việc mới chạy. Nhắc đi nhắc lại ba lần vẫn thấy im lặng như tờ, ông nói:
"Thế là coi như toàn dân không ai phản đối quyết định của uỷ ban. Ai làm sai quyết định này là phản lại nguyện vọng của toàn dân, sẽ bị nghiêm trị". Lúc ấy Tuy "cau con" suốt năm vào Thanh, lên Thái, lên Tuyên buôn bán cau con, là người cũng "lợi khẩu", đứng dậy "rào rỡ" bằng những lời hết sức văn hoa, lễ phép khiến ông Hà nhăn mặt yêu cầu anh ta nói thẳng điều định nói.
- Vâng, tôi xin phép hỏi ông chủ tịch, như thế này có sợ xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của mỗi công dân mà chính phủ ta đã đem lại cho toàn thể nhân dân lao động không ạ?
- Tôi nói ngay là không xâm phạm. Vì anh có quyền làm ăn, buôn bán thì chính quyền cũng có quyền bắt mọi người công dân không được bỏ ruộng.
- Thửa ruộng đất nhà chúng tôi đã gieo trồng cả, lúc rảnh rỗi nhất là tháng ba ngày tám đói rách...
- Anh chưa làm gì hết. Cả hai sào rưỡi vườn anh đang bỏ cho cỏ mọc.
- Báo cáo ông chủ tịch đấy là trong vườn, quyền của mỗi gia đình người ta muốn làm gì thì làm, từ xưa đến nay vẫn thế.
- Đừng lầm chúng ta chỉ có ruộng công điểm. Mà ngay ruộng tư cũng không cho phép được bỏ hoang hoá.
Thấy đã có vẻ yếu thế. Tuy nói giọng nịnh, thân tình.
- Được ông chủ tịch cho phép, chúng tôi cứ mạnh dạn nêu chung như thế chứ không có ý gì. Xin ông cho tôi hỏi thêm.
- Anh cứ nói tự nhiên, nói hết sức thoải mái, chúng ta tranh luận với nhau tự nhiên.
- Nếu vợ con chúng tôi ở nhà đảm nhận được việc đó để chúng tôi đi kiếm ăn lúc này, cũng là nhiệm vụ cứu đói.
- Trước mắt tập trung toàn bộ nhân lực đã. Và, anh nhớ là quyết định đã nói rồi không ai làm thay cho người khác nếu người đó còn sức lao động. Những biện pháp sau này mới thấy rõ trách nhiệm của từng người trong từng công việc.
Tuy ngồi xuống một lúc thì một ông đầu chít khăn nâu vá, khoác bao tải đứng phắt dậy:
- Tôi chưa thấy ai cấm dân chúng đi làm kiếm miếng ăn như chính quyền hiện nay. Tưởng giải phóng rồi không phải kìm kẹp, ai ngờ.
- Thật không ai ngờ cả tuần nay, không ai họ thuê, cả nhà phải ăn cháo cám mà ông còn tiếc thân phận của một người bị rẻ rúng, ế ẩm đến thế.
- Độ một tháng nữa không ai thuê mướn cũng không ai bắt tôi phải bỏ việc đó.
- Chính quyền sẽ bắt ông phải ở nhà.
- Thế chính quyền này là phát xít à.
- Không. Vì không là phát xít mới không cho phép ai được quyền chết đói, chết rét, chết lúc nào không ai hay.
- Tôi còn sức lực, tôi phải làm thuê làm mướn kiếm ăn, không ai bắt tôi được.
- Ông còn sức lực thật không?
- Sao lại không?
- Thế thì càng tốt. Tôi sẽ bắt ông ở nhà.
- Gia đình tôi chết đói ai chịu trách nhiệm.
- Chính quyền xã này sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ngay ngày mai ông đi cách đây mười lăm ki lô mét gánh cho xã một tạ giống.
- Người khác cứ làm trước, chúng tôi làm sau.
- Thật không.
- Lại chả thật.
- Có lẽ nói đùa với ông như thế là đủ rồi đấy. Tạ "giống" ngày mai ông đi gánh tức là tạ thóc cứu tế cho gia đình ông đấy. Đến đây chắc ông không phản đối. Nhưng nếu thực sự là tạ giống của xã mà xã yêu cầu ông, ông cũng không được phép phản đối. Tại sao những năm dưới chính quyền tổng Lơi ông ngoan ngoãn thế. Việc phu phen hầu hạ cứ răm rắp, ông quen chỉ biết làm tôi tớ, ăn xin ăn nhặt, ngửa tay xin việc kiếm miếng ăn. Còn lúc tự mình làm chủ lấy công việc, làm chủ lấy ruộng đất, làm chủ lấy đời mình thì lại phá ngang, ăn nói chấp chửng. Tôi xin nói ngay là từ nay ông không thể chống được bất cứ một quyết định nào của chính quyền, trừ phi mệnh lệnh ấy sai lầm. Ngay một tạ thóc cứu tế, chính quyền cũng phải có mệnh lệnh cho gia đình sử dụng từng bữa số lượng bao nhiêu, ăn cách nào chứ không thể để ông tự tiện sử dụng bừa bãi để độ ba ngày sau cả nhà lại ăn cám.
Sau cái phút bực bõ với một người suốt đời chỉ thích ăn vay, làm thuê, ông Hà công bố tất cả những công việc phải làm kể từ ngày mai. Từ ngày mai mỗi nhà sẽ trồng bao nhiêu ụ khoai lang bao nhiêu gốc bầu trắng, bao nhiêu bè và ruộng rau muống! Từ ngày mai sẽ phải đào các hố tiêu, mua nồi sành đựng nước tiểu, phân lợn phân trâu, tro và lá tre lá cây để làm phân xanh sẽ được hướng dẫn và tổ chức làm đồng loạt. Từ ngày mai, mỗi đoàn thể, mỗi nghành giới phải làm những công việc gì! Và, những ai phải cứu tế thóc, khoai ngô do nhà nước và các xã bạn tương trợ, những ai vào các tổ đi nhận thóc của nhà nước và về xay giã lấy tỷ lệ phần trăm vân vân. Bao nhiêu công việc của hàng mấy nghìn con người cứ đâu vào đấy. Quan trọng là một tổ chức chặt chẽ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, chính xác tới tổ, từng xóm. Thành ra đầu cuộc họp là nỗi khổ, ấm ức, cuối cuộc họp đã là sự sung sướng thoả mãn. Đã bảo mà. Ông Hà đã làm việc gì thì cứ đầu vào đấy. Có thể, người ta mới được tỉnh, được huyện kính nể, cái gì cũng ưu tiên cho nhân khẩu ít nhất cũng được mười cân thóc thì có thức suốt đêm nay mà khen ông chủ tị đã thấm gì. Riêng thằng Sài, nhìn chú vừa kính phục vừa hãnh diện nhưng không phải nhờ chú mà ba ngày sau, khi các đội thiếu nhi được tổ chức, nó đã được bầu làm liên đội trưởng của ba xóm thuộc thôn Hạ Vị. Người lớn, trẻ con làng này quý nó ở nhiều nhẽ; gặp ai nó cũng chào hỏi, thưa gửi rất lễ phép. Trông mặt mũi khôi ngô, lại có vẻ lành dễ thương, nhưng lại rất tháo vát ,nhanh nhẹn và chịu khó. Song cái điểm quan trọng hơn là nó chăm học và học nhất làng, lớp bốn. Nó nói và viết đâu ra đấy. Quyển sách bài tập của lớp bốn nó thuộc từng con số, từ đầu đến cuối. Những buổi thiếu nhi tập trung tự học một hai ngày nó nói còn hay hơn cả anh phụ trách. Dù hay hơn các anh, nó vẫn ngoan ngoãn nghe các anh bảo ban dạy dỗ nên các anh cũng quý nó. Mỗi khi có người phát biểu "Bạn Sài chê vợ không xứng đáng làm liên đội trưởng" thì các anh phụ trách đều tức giận và bảo: "Em nào nói thế là vô kỷ luật".
Không đêm nào liên đội của Sài không tập trung đi hô khẩu hiệu rồi về sân nhà ông Cần học hát, học múa. Sài còn dạy các bạn học hành làm tính, học viết chữ. Liên đội của Sài làm gì cũng đông đủ, được khen, được giải nhất. Dăm bảy tháng sau toàn xã Hạ Vị đã "ăn nên làm ra", các đoàn thể tiến rầm rập, Sài là một trong năm thiếu niên tiêu biểu nhất của toàn xã trở thành thiếu niên tháng 8. Giữa cuộc mít tinh của toàn xã Sài dẫn đầu đoàn Thiếu nhi tháng lên đứng giữa khán đài để nhận danh hiệu vẻ vang. Chú Hà đại diện cho huyện và xã quàng khăn đỏ cho các cháu. Khi chú đến bên, Sài thấy khăn đỏ cho các cháu. Khi chú đến bên, Sài thấy run lên vì sung sướng. Sài chưa biết nói câu gì, chú đã cúi xuống quàng khăn vào cổ cho cháu và nói nhỏ:" Cấm được bỏ vợ đấy nhé". Không ngờ cái câu đó như một tảng đá khổng lồ đè lên người Sài khiến cậu bé 14 tuổi ấy đứng chết lặng và khi bạn đẩy lên hứa hẹn cậu mới như tỉnh ra nói được một câu: "Chúng cháu xin hứa suốt đời thực hiện lời căn dặn của các chú trong buổi tối hôm nay". Các bạn đều ngơ ngác vfi những buổi tập duyệt của Sài suốt mấy ngày nay cho lời hứa hẹn của mình không hề có câu ấy!
--------------------------------------------------------------------------------
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT