Thời giờ thấm thoát đã đến ngày mồng một tháng mười, hôm ấy mới là ngày cử
hành đại lễ để phong Triệu Câu làm phò mã. Phò mã Triệu Câu trước bái tạ Thượng hoàng và Thái hậu, sau bái tạ Ôn phi và Mai phi. Hết thảy mọi
người trong cung ai trông thấy Triệu Câu cũng đều khen ngợi rằng:
- Dung mạo Triệu Câu thật giống Mạnh Lệ Quân như đúc:
Thái hậu vui cười, nghoảnh lại bảo Ôn phi rằng:
- Bà Ôn phi ơi! Bà xem cháu tôi có xứng đôi với Gia Tường công chúa đó không?
Ôn phi quì mà tâu rằng:
- Muôn tâu Thái hậu! Thần thiếp xin cúi đầu bái tạ thâm ân của thái hậu
đã rũ lòng thương Gia Tường công chúa mà kén phò mã cho. Phò mã nay văn
tài võ lược, quả đã đáng mặt con nhà, Gia Tường công chúa được đẹp duyên với phò mã, thật là may mắn lắm thay. Cứ lấy dung mạo bề ngoài mà nói
thì Gia Tường công chúa cũng không thể nào theo kịp.
- Gia Tường công chúa vốn là người tính nết hiền thục thì cháu nên phải
một lòng kính yêu. Còn Gia Tường công chúa kia đối với cha mẹ chồng,
cũng nên phải giữ trọn đạo làm con dâu, chớ có cậy mình là kim chi ngọc
diệp mà thất kính.
Thái hậu lại truyền nội giám đưa phò mã Triệu
Câu vào bái yết tả hoàng hậu. Khi Triệu Câu vào tả cung thì Hùng hậu
truyền miễn lễ, vì se mình, không thể ra tiếp kiến được. Triệu Câu lại
lui ra sang hữu cung thì thấy rèm châu đã rũ, các cung nữ đứng sắp hàng
hai bên, hình như có ý đợi Triệu Câu phò mã vào bái yết. Phò mã Triệu
Câu thấy vậy có ý không bằng lòng, vì Phi Giao hoàng hậu là em, cớ sao
lại bắt anh vào lạy. Triệu Câu bất đắc dĩ cũng phải sụp lạy mà tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Kẻ hạ thần là phò mã Triệu Câu vào bái yết.
Bỗng nghe phía trong rèm có tiếng oanh thỏ thẻ phán rằng:
- Triệu Câu thân huynh ơi! Em cách xa thân huynh mấy tháng nay vẫn lấy
làm mong mỏi. Chắc ngày nay học nghiệp của thân huynh đã cao hơn trước.
Trước kia thân huynh chỉ lo em tính nết cương cường, khó giữ trọn được
nữ công và phụ đức. Ngày nay em đội ơn thánh thượng, được hầu hạ thượng
hoàng và thái hậu, em tưởng cũng chưa có điều gì đã đến nỗi điếm nhục
gia thanh, chẳng hay từ nay trở đi, thân huynh còn phải lo thay cho em
nữa không? Xin thân huynh chỉ bảo cho biết.
Phò mã Triệu Câu lại tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Mấy lời kẻ hạ thần khuyên can thuở trước là muốn
giữ cho trọn chức phận làm anh. Hoàng hậu cảm lời nói của kẻ hạ thần mà
tu sửa thánh đức được trước sau như một thì chẳng những là hạnh phúc cho nước nhà, lại là hạnh phúc cho cả hoàng hậu nữa. Nếu hoàng hậu chỉ tạm
dẹp vẻ uy nghiêm, giả bộ tu sức lể pháp thì mối lo của kẻ hạ thần cũng
chưa lấy chi làm quá đáng vậy.
Phi Giao hoàng hậu nghe lời tâu, mặt đỏ bừng bừng, cau đôi mày liễu lại, rồi cười nhạt một tiếng mà phán rằng:
- Em xin tuân lời dạy. Nhưng thân huynh nên biết rằng muôn việc chẳng qua bởi trời, thí dụ như một mẹ sinh ra hai anh em ruột, nào ngờ đâu ngày
nay em ngồi trên sập rồng để cho anh phải cúi đầu sụp lại bao giờ. Thế
mới biết người ta chống nhau với trời sao được. Thôi, ngày nay là ngày
cát kỳ, thân huynh hãy lui ra.
Mã Thuận đứng phía ngoài, liền nói:
- Thôi, phò mã lui ra, hoàng hậu bước vào rồi!
Triệu Câu hầm hầm tức giận mà lui ra. Khi đến cửa cung, nội giám dắt một con
ngựa ngựa ngọc câu mã, yên gấm tua vàng, nói với Triệu Câu rằng:
- Dạ dám bẩm phò mã! Thượng hoàng sai tôi dắt con ngựa này ra để phò mã cưỡi về phủ.
Phò mã Triệu Câu về đến trong phủ, đã thấy đuốc hoa trăm ngọn, sáng như sao sa, đỉnh trầm hương bay, nhà vàng đỏ ối, mấy tên nội giám đến báo trước là Gia Tường công chúa đã sắp tới, có ba vị hoàng thân đi hộ tống.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe báo, vội vàng cùng các con ra đón. Bấy giờ Gia
Tường công chúa đi một chiếc loan giá, cung nga thái nữ vây kín chung
quanh. Kiệu hoa ghé đến trước thềm, rồi Doãn Thượng Khanh phu nhân cùng
Nguyễn Long quang phu nhân vén màn mời công chúa xuống kiệu. Phò mã
Triệu Câu mình mặc áo long bào, cùng Gia Tường công chúa đốt hương làm
lễ tham bái thiên địa lại cùng giao bái, rồi cùng dắt nhau vào động
phòng. Hai bà phu nhân đưa công chúa vào trong phòng tháo mũ cởi áo cho
công chúa, bấy giờ mới lui ra.
Lại nói chuyện Đồ Man Hưng Phục
nguyên là một đứa đại gian hùng. Gia tư giàu kể hàng trăm vạn, chỉ mong
có một sự thăng quan tiến chức mà thôi. Nay làm ngự sử đã lâu năm mà
chưa được thăng, vẫn đem lòng oán giận Lương thừa tướng và Doãn thừa
tướng. Đồ Man Hưng Phục thấy nội giám Mã Thuận là người đắc sủng ở trong cung, mới lấy vàng ngọc giao kết với Mã Thuận để phàm trong hai cung có tin tức gì thì Mã Thuận lại thông báo cho Đồ Man Hưng Phục được tường.
Đồ Man Hưng Phục dò biết Phi Giao hoàng hậu tính tình cương cường, vẫn
lấy Mã Thuận làm tâm phúc, hơi tỏ ý còn e nệ có phụ huynh. Bởi vậy Đồ
Man Hưng Phục tâu xin gia phong “Cửu Tích” cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa, tức
là kế ly gián để khiến cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa phải về hưu đó.
Đồ Man Hưng Phục sinh được hai con trai; con trưởng tên gọi là Định Quốc,
con thứ tên gọi là An Quốc. Hai con đều giỏi võ nghệ, lại đang dự chức
trong bộ ngự lâm. Nhà sẵn có của cải, mới quảng giao cùng các thân sĩ
hào hiệp. Bấy giờ chỉ có Lương Trấn Lân vốn biết Đồ Man Hưng Phục là đứa gian hùng, vẫn dặn Hoàng Phủ Thiếu Hoa không nên cho hai con hắn vào
nơi cấm vệ, lại dùng hắn làm chức ngự sử, để hễ hắn tâu bậy thì tìm cách trị tội mà trừ bỏ đi. Đồ Man Hưng Phục thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa và
Lương thừa tướng vẫn được triều đình tin dùng, cho nên phải nín lặng hơi tiếng trong bấy nhiêu năm, không dám nói câu gì cả. Bấy giờ giao thông
được với Mã Thuận, dò biết ý vua Anh Tôn, mới dám ngang nhiên mà diện
triết các quan đại thần như thế. Sau Đồ Man Hưng Phục thấy Phi Giao
hoàng hậu không muốn cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa đứng tại trong triều, liền
theo ý mà xin gia phong “Cửu Tích”, không ngờ thái hậu thánh minh, dẫu
thuận cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa về hưu, nhưng lại truyền chỉ chém đưá gian nịnh. Đồ Man Hưng Phục vừa mừng vừa lo. Mừng là mừng Hoàng Phủ Thiếu
Hoa đã về hưu không còn phải e sợ; lo là lo về nỗi suýt nữa thì uổng
tính mệnh, may nhờ có thượng hoàng rộng ơn mà khoan xá cho, mới được
cung chức như xưa. Người vợ chính thức của Đồ Man Hưng Phục tạ thế đã
lâu, bây giờ chỉ có hai người thiếp; một người tên gọi Ngô Ngọc Phong;
một người tên gọi là Mã Mị Nương. Mã Mị Nương nhân là họ Mã mới xin nhận làm con gái nuôi của Mã Thuận, để đi lại cho thêm thân mật. Đồ Man Hưng Phục là đứa bất lương có ý muốn chuyên quyền, chỉ ngày đêm bày mưu lập
kế, muốn bỏ Lương thừa tướng và Doãn thừa tướng. Đồ Man Hưng Phục đem
lời sàm báng nói với Phi Giao hoàng hậu, khiến cho Phi Giao hoàng hậu
đối với Lương Doãn có ý không bằng lòng.
Lại nói chuyện Gia Tường công chúa cách mấy hôm sau đang cùng Vệ Dũng Nga vương phi và Phi Loan
quận chúa nói chuyện ở Linh Phượng cung thì bỗng thấy phò mã Triệu Câu
vén rèm bưóc vào mà bảo rằng:
- Có tin nhà ở Hồ Quảng đến, nói tổ mẫu bị cảm từ ngày mười sáu đến hai mươi sáu mà bệnh chưa khỏi, nên Tô
mẫu và Lưu mẫu sai người phi báo cho ta biết.
Vệ Dũng Nga vương
phi và Phi Loan quận chúa đều giật mình kinh sợ cùng nhau sang Võ Thái
cung để hỏi Mạnh Lệ Quân. Bấy giờ Mạnh Lệ Quân vương phi đang ngồi một
mình nức nở khóc thầm, trông thấy Vệ Dũng Nga vương phi vào vội vàng
đứng dậy mà bảo rằng:
- Em xin chào chị! Chẳng hay chị đã biết tin nhà chưa?
Vệ Dũng Nga vương phi nói:
- Đã! Chẳng hay người nhà có nói bệnh nặng nhẹ thế nào không? Và trong thư hai phu nhân nói thế nào?
Mạnh Lệ Quân vương phi nói:
- Cứ lời trong thư nói thì bệnh tình hơi nặng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vàng viết một bản tâu gọi viên đường quan là Cao Vinh Phúc bảo đem vào giao cho nội giám Lã Phúc đệ dâng thiên tử, còn mình
thì sửa soạn đồ hành lý để sắp trở về quê nhà. Phi Loan quận chúa nắm
lấy áo Mạnh Lệ Quân rồi nức nở khóc rằng:
- Thân mẫu ơi! Xin thân mẫu thế nào cũng cho con về, tổ mẫu bệnh nguy, con muốn được trông mặt, thân mẫu nỡ lòng nào mà bỏ con ở lại đây.
Mạnh Lệ Quân ôm lấy Phi Loan quận chúa rồi khóc mà bảo rằng:
- Phi Loan con ơi! Con chớ nên oán trách cha mẹ. Cha mẹ há muốn để ba anh em con ở lại hay sao! Chỉ vì đường thuỷ chậm trễ, mà đường bộ thì núi
rừng hiểm trở, các con không thể chịu được sự dầu dãi nắng mưa, vậy cha
mẹ bất đắc dĩ phải gởi các con ở với cô mẫu, các con chớ nên phàn nàn.
Nhờ trời, tổ mẫu được bình phục như thường, sau này ta sẽ cho đón các
con về nhà cũng được. Con nên biết rằng lòng mẹ đau như dao cắt, nếu con không nghe lời mẹ thì sao cho phải. Con vốn là một người hiếu thuận,
vậy thì chấp kính cũng phải có khi tòng quyền.
Vệ Dũng Nga vương phi cũng gạt nước mắt mà bảo Phi Loan quận chúa rằng:
- Ta cùng con, bề ngoài dẫu là mẹ chồng con dâu, nhưng tổ mẫu con khi xưa coi ta như con đẻ, không bao giờ ta dám quên ơn. Chỉ hiềm một nỗi phu
quân ta còn vướng mình ở chốn triều đường, thành ra ta được về thăm tổ
mẫu. Nay xảy gặp sự khó khăn này thì con nên tạm ở tại nhà ta, để cho
cha mẹ trở lại quê nhà, chớ nên khóc lóc mà làm đau lòng cha mẹ vậy. Phi Loan con ơi! Ta cũng coi con như con đẻ, hà tất con phải e nệ nổi gì.
Con cứ yên lòng sang năm ta cũng trở về nhà, bấy giờ sẽ đưa con về một
thể.
Nói dứt lời thì Gia Tường chánh cung đến, Mạnh Lệ Quân vương phi liền thuận chuyện đầu đuôi cho công chúa nghe. Gia Tường công chúa
nói:
- Nếu vậy thì hai thân nên tức khắc trở về quê nhà, chớ có
chậm trễ. Còn việc tâu với thái hậu, con thiết tưởng không nên, vì thái
hậu nghe biết tin này thì sự phiền não kể sao cho xiết. Cứ như ý con
thiết nghĩ, chỉ nên nói là vương gia bị bệnh, xin cáo về nhà nửa năm để
chữa thuốc, bất tất tâu rõ làm chi.
Sáng hôm sau, nội giám là Lã Phúc phụng mệnh thượng hoàng đến để truyền chỉ cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa biết rằng:
- Thái vương phi bị bệnh, mà Tương Vương tâu xin cáo về nuôi mẹ thật đáng thương. Vậy cho do dịch (là đi đến cung trạm nào, sẽ được phép bắt lính trạm phải đuổi theo hầu) lên đường ngay hôm nay, hễ Thái vương phi khỏi bệnh thì sang đầu năm sau, sẽ cùng tiến kinh một thể.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân lạy tạ thánh ân. Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại căn dặn riêng Lã Phúc rằng:
- Hễ thái hậu có hỏi đến thì nhà ngươi cứ tâu là ta có bệnh, vậy phải cáo về ít lâu để chữa thuốc, chớ nên tâu rõ sự thực, sợ thái hậu lo phiền
chăng. Nhà ngươi cũng đừng nói cho hữu hoàng hậu (tức Phi Giao) biết,
chỉ nên khuyên hữu hoàng hậu giữ lấy đức hiền hòa, để bảo toàn danh dự
cho nhà Hoàng Phủ.
Lã Phúc nói:
- Xin vương gia và vương
phi cứ yên tâm. Chỉ cầu sao cho Thái vương phi chóng được bình phục như
thường thì phò mã ở đây mới khỏi ái náy lo ngại vậy.
Lã Phúc cáo
từ lui ra. Bấy giờ có Doãn Thượng Khanh và Mạnh Gia Linh đến hỏi thăm,
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội vàng ra nghiênh tiếp. Doãn Thượng Khanh và Mạnh
Gia Linh thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa âu sầu buồn bã, đều kiếm lời khuyên
giải. Người nhà Hoàng Phủ đã sắp sẵn ngựa xe, để Hoàng Phủ Thiếu Hoa
cùng Mạnh Lệ Quân ra đi. Phi Loan quận chúa nắm lấy vạt áo mà khóc rằng:
- Cha mẹ ơi! Cha mẹ nỡ lòng nào mà bỏ con ở lại đây.
Nói xong, lại nức nở khóc hoài, Hoàng Phủ Thiếu Hoa bất đắc dĩ phải nổi
giận quát mắng, rồi dứt áo ra đi. Gia Tường công chúa và Vệ Dũng Nga
phải ôm lấy Phi Loan quận chúa mà dắt vào trong nhà. Hoàng Phủ Thiếu Hoa đi ra khỏi cửa thành được độ nửa dặm thì bỗng nghe phía sau có người
cưỡi ngựa đuổi theo mà gọi rằng:
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghoảnh lại, trông thấy Hùng Hiệu vội vàng xuống xe mà bảo rằng:
- Hiền huynh ơi! Thân mẫu em bị bệnh rất nguy, lòng em thật đau như dao
cắt, chỉ sợ chậm trễ, cho nên không kịp đến cáo từ với hiền huynh. Em đã nhờ gia tỷ nói hộ, cớ sao hiền huynh lại còn vội vàng đuổi theo.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nhìn về phía sau, còn thấy có toán quân sắp tới mới hỏi Hùng Hiệu rằng:
- Còn toán quân nào đi theo sau thế kia?
Hùng Hiệu nói:
- Có thượng hoàng và thánh thượng ra tiễn đó!
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói tức khắc truyền gia tướng báo Mạnh Lệ Quân xuống xe để cùng nhau cung nghênh thánh giá. Khi thượng hoàng và vua Anh Tôn
tới nơi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Mạnh Lệ Quân đều sụp lạy mà tâu rằng:
- Muôn tâu thượng hoàng và thánh thượng! Xin xá tử tội cho kẻ hạ thần.
Thượng hoàng xuống kiệu, rồi đỡ Hoàng Phủ Thiếu Hoa dậy mà bảo rằng:
- Hoàng Phủ quốc cữu ơi! Ngày nay ta không thể lưu quốc cữu ở lại được.
Nhưng vua tôi cùng nhau trong hai mươi năm trời, thật là nghĩa nặng ân sâu,
quốc cữu chớ nên vui thú lâm tuyền mà không đoái nghĩ đến triều đình
vậy. Thiên tử ngày nay dẫu rằng nhân hiếu, nhưng vốn là người nhu nhược, ta chỉ trông có quốc cữu phù tá cho.. Một tay Bình Giang vương không
thể coi sóc được cả quốc chính. Mấy lời gắn bó, xin quốc cữu ghi lòng,
qua đầu năm sau, thế nào cũng lại tiến kinh giúp thiên tử.
Nói
xong truyền nội giám lấy rượu, rót ba ly rượu tiễn Hoàng Phủ Thiếu Hoa,
lại rót ba ly rượu ban cho Mạnh Lệ Quân. Mạnh Lệ Quân lạy tạ. Vua Anh
Tôn cũng rót mấy ly rượu để tiễn Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân,
lại thay lời Phi Giao hoàng hậu chúc cho hai thân thượng lộ được bình
an.
Thượng hoàng lại cầm lấy tay Hoàng Phủ Thiếu Hoa mà dặn rằng:
- Quốc cữu ơi! Tình vua tôi cùng nhau, khác nào như tay chân, khi vui có
nhau, khi buồn có nhau. Ngày nay quốc cữu về thăm hai thân, ta không dám ngăn trở, nhưng xin quốc cữu chớ quên mấy lời tống biệt hôm nay. Bây
giờ ta lại lui về, để cho quốc cữu đi, kẻo đang việc vội.
Nói
xong truyền nội giám quay kiệu về thành. Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ
Quân từ đấy theo đường thẳng dong chẳng quản dầm sương dãi gió. Một ngày một đêm đi được ba trăm dặm. Mạnh Lệ Quân mặt hoa cũng tiều tụy khác
thường, dẫu rằng từ năm trẻ thơ, đã từng quen sự phong trần lưu lạc
nhưng bấy lâu an hưởng phú quý, mà ngày nay bỗng gặp nỗi vất vả này thì
trong lòng cũng không khỏi xót thương. Tuy vậy mà hai vợ chồng vẫn phải
cố gượng ăn uống để giữ lấy sức khỏe. Đi trong nửa tháng mới tới Hồ
Quảng, không kịp sai người báo trước, tức khắc thay ngựa để về cho mau.
Khi về gần tới vương phủ, đã trông thấy một lá cờ trắng cắm ở trước cửa, gia tướng tấp nập, ai nấy đều đội khăn trắng. Hoàng Phủ Thiếu Hoa ngất
người ngã xuống, người nhà vội vàng vực vào, lấy nước gừng cứu chữa.
Mạnh Lệ Quân tới nơi trông thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa nằm lăn ra đấy, gọi
mãi chưa tỉnh, mới ứa hai hàng nước mắt, rồi bảo nữ tỳ đem thuốc “An hồn định phách” đổ cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa.
Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến
Ngọc bấy giờ đang mặc đồ tang ở trong nhà chạy ra, trông thấy Mạnh Lệ
Quân đều òa lên khóc, Mạnh Lệ Quân vẫy tay bảo nín khóc, rồi hết sức đổ
thuốc để cứu chữa cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Bỗng thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa miệng chảy giãi trắng, lại thổ ra huyết, Mạnh Lệ Quân cùng Tô, Lưu hai
phu nhân đều run sợ không biết dường nào, chỉ xùm lại nắm lấy Hoàng Phủ
Thiếu Hoa rồi liền thanh mà gọi. Gọi trong hồi lâu, mới thấy Hoàng Phủ
Thiếu Hoa thở dài một tiếng và hơi cựa quậy, lại ứa nước mắt khóc rồi
nói:
- Thân mẫu ơi!...
Mạnh Lệ Quân cho uống mấy viên
thuốc nữa thì bấy giờ mới hoàn hồn mà nói rõ được. Hoàng Phủ Thiếu Hoa
đứng dậy, không kịp hỏi Tô, Lưu hai phu nhân, liền đi thẳng đến trước
linh sàn thờ Thái vương phi mà vật mình lăn khóc, Mạnh Lệ Quân cũng quì
khóc ở trước linh sàng.
Tô, Lưu hai phu nhân kiếm lời khuyên can
Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân để khiến cho đừng quá thương khóc.
Tô, Lưu hai phu nhân nói:
- Phu quân và chị chớ nên khóc nữa. Lão vương gia ngày nay cũng đang đau yếu, hằng ngày chỉ mong đợi phu quân
và chị. Nay phu quân và chị nên thay đổi đồ tang phục rồi vào chào lão
vương gia, để cho vương gia được vui lòng.
Bấy giờ Hoàng Phủ
Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân đều thay áo bận đồ tang phục, cùng nhau bước
vào nhà trong để lạy chào lão vương gia (tức Hoàng Phủ Kính). Hai gia
tướng cuốn rèm châu lên, Hoàng Phủ Kính đang ngồi ở trên giường, trông
thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân bước vào, mừng rỡ xiết bao,
nhưng lại thương xót thay cho Thái vương phi đã từ trần, khiến mình
luống một thân vò võ. Hoàng Phủ Kính nửa mừng nửa thương, chưa biết nói
câu gì thì Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân đã sụp xuống lạy, rồi
khóc mà thưa rằng:
- Thưa thân phụ! Đứa con bất hiếu này ngày nay được trông thấy thân phụ thật lấy làm mừng. Nhưng nghĩ đến sự thân mẫu
con từ trần mà chúng con không được đứng bên trong khi khâm liệm thì tội thâm trọng ấy để đâu cho hết. Nay chúng con cúi xin thân phụ bảo dưỡng
quý thể, khiến cho chúng con được hầu hạ ở bên cạnh mình mà hàng năm
dâng ly rượu thọ vậy.
Hoàng Phủ Kính gạt tay mà bảo rằng:
- Các con chớ lấy làm phiền não. Từ cổ đến nay, anh hùng hào kiệt ai là
người không chết. Người ta sống lão chẳng qua trong một trăm năm, rồi
trước sau cũng có một lần. Ngày nay các con đã về đây, ta lấy làm vui vẻ lắm, nhưng ta nói để các con biết: Nhà ta đây một nhà hai hoàng hậu,
mấy đời đều phong vương, thế thì phúc trạch quá thịnh, cũng là một điều
đáng lo. Sau này dẫu hết tang phục, con cũng đừng làm quan nữa, nên ở
nhà mà vui thú điền viên, dạy bảo con cái, chớ có mong tưởng những sự
cao xa. Các con nên biết rằng thân mẫu con chính vì nhớ con gái mà thành bệnh. Có con gả chồng xa, cũng đã khổ thay, huống chi tiến vào hoàng
cung thì thật chẳng còn bao giờ được gặp mặt. Trưởng tôn là phò mã Triệu Câu nên khuyên nó phải tận trung báo quốc. Cái gương ngoại thích như họ Mã và họ Đặng thuở xưa, nghĩ cũng hối hận.Một đời ta không có điều gì
ân hận, chỉ hiềm về nỗi quốc ân chưa chút báo đền. Ơn triều đình to như
trời bể, con cháu tất phải ghi lòng. Ta sở dĩ còn lưu lại đến ngày nay
là đợi các về đây đó. Các con đã về thế là ta được yên lòng.
Nói xong truyền cho người nhà sắp xếp sẵn nước hương thang để tắm rửa.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân đều ôm lấy mà khóc rằng:
- Thân phụ ơi! Thân phụ đợi con, cho con xin theo đi.
Hoàng Phủ lại cười mà bảo rằng:
- Các con chớ như thế! Số mệnh bởi trời, không ai có thể thay được. Thôi
các con buông ta ra. Một đời ta thật không có tội lỗi gì. Kìa kìa, quan
quân đã tới đón ta đó.
Mạnh Lệ Quân bất đắc dĩ cũng phải gạt nước mắt mà khuyên Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:
- Thôi, giờ đăng tiên của lão vương gia đã đến, phu quân cũng chớ nên ngăn trở.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa buông tay ra, người nhà đem nước hương thang đến. Mạnh Lệ Quân Tô Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc đều lui ra cả. Hoàng Phủ Thiếu Hoa
cùng mấy người con xúm lại tắm rửa cho Hoàng Phủ Kính. Khi tắm rửa xong
Hoàng Phủ Kính lại mũ áo chỉnh tề, đốt hương viết tờ biểu, viết thành ba bản, một bản dâng thượng hoàng, một bản dâng thái hậu và một bản dâng
vua Anh Tôn.
Hoàng Phủ Kính cầm ba bản tâu giao cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa, rồi lại gọi ba người con dâu đến mà dặn bảo rằng:
- Mạnh Lệ Quân con ơi! Nhà ta đây nhờ con mà giãi được nỗi oan khổ. Con
lại phù tá triều đình, làm nên nhiều công trạng. Cái tài cao tiết lạ của con, chẳng những trong bọn nữ nhi không ai sánh kịp, mà xem ngay trong
bọn tu mi, cũng hiếm người được như con vậy. Dẫu năm xưa con có nhẫn tâm mà kháng nghị cùng ta ở chốn triều đường, nhưng sau này con làm dâu hai mươi năm, giữ được đức hiền hòa, cũng đủ chuộc lại lỗi trước. Còn Tô
Ánh Tuyết và Lưu Yến Ngọc thì cái trinh tâm khổ tiết của hai con thật đã đáng khen. Hai con cũng một lòng hiếu kính cùng cha mẹ chồng, lại biết
chiều chồng. Trong nửa năm trời nay, theo vợ chồng ta về quê nhà, hầu hạ thuốc thang, thức khuya dậy sớm, đàn bà mà được như hai con, tưởng cũng là hiếm có lắm thay.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT