Hoàng hậu mừng rỡ mà phán rằng:

- Nhà ngươi nói rất phải! Nhưng chẳng lẽ ta lại dám tâu thái hậu xin lập Phi Giao quận chúa là quý phi hay sao?

Mã Thuận tâu rằng:

- Khó chi điều ấy! Đời trước cũng có khi lập tả hoàng hậu và hữu hoàng hậu, lại viện lệ ấy mà tâu xin thái hậu thì chẳng những thái hậu được vui lòng mà khắp các thần dân trong bốn bể, ai cũng phải ca tụng hiền đức của hoàng hậu vậy.

Hùng hậu nghe nói gật đầu mà rằng:

- Ừ! Để sáng mai ta sẽ tâu với thượng hoàng và thái hậu.

Sáng hôm sau, Hùng hậu vào Võ Thái cung triều kiến thái hậu, gặp bấy giờ Phi Giao quận chúa đi sang cung khác, Hùng hậu liền tâu với thái hậu rằng:

- Muôn tâu thái hậu con được đẹp duyên cùng thánh thượng đã bốn năm nay mà chưa thấy sinh hạ hoàng nam, trong lòng con thật lấy làm áy náy. Nay con muốn tuyển thêm mỹ nữ vào cung thì thánh thượng lại không ưng thuận, vậy ý con trộm nghĩ có một việc này muốn xin thái hậu rủ lòng thương mà thành toàn cho.

Thái hậu khen rằng:

- Con thật là một người hiền đức! Con định xin việc gì? Nếu con muốn bắt chước như là hậu phi nhà Chu thuở xưa thì ta há lại chẳng mong có cảnh ngậm kẹo bỡn cháu hay sao! Con cứ nói cho ta nghe.

Hùng hậu tâu rằng:

- Con không muốn điều gì, chỉ muốn xin đem biểu muội vào cung để theo lệ như Nga Hoàng và Nữ Anh (3) thuở xưa mà cùng thờ một vị minh chủ vậy.

Thái hậu nói:

(3) Nga Hoàng Nữ Anh: là hai con gái của vua Nghiêu, củng gả cho vua Thuấn (NXB)

- Như thế sao được! Từ xưa đến nay chưa thấy có lập hai hoàng hậu bao giờ. Vả năm nay con còn trẻ tuổi, trong sáu cung cũng chẳng thiếu chi người, có lẻ nào lại không sinh nở hay sao, hà tất con phải vội vàng như thế.

Hùng hậu nói:

- Con cũng biết rằng đang độ xuân xanh, đã lo chi hiếm đường sinh nở. Nhưng sang năm đến kỳ “Vạn thọ” của thượng hoàng, nếu có sinh được hoàng nam thì cũng là một sự may cho thiên hạ thần dân vậy. Vả đời trước cũng có khi lập tả hoàng hậu và hữu hoàng hậu, xin thái hậu thành toàn cho.

Thái hậu nghe nói ngẫm nghĩ hồi lậu, rồi phán rằng:

- Con biết nghĩ như thế, thật là một người hiền đức ít có! Nhưng chỉ sợ các quan đại thần lại cố can ngăn thì việc này khó thi hành được. Phi Giao quận chúa dẫu nhan sắc vẫn xinh đẹp, nhưng ta trông nó có vẻ uy nghiêm khác với mọi người. Nó lại là chỗ tình cốt nhục với ta, nếu sau này có điều gì, ta càng thêm khó xử. Con nên nghĩ đi nghĩ lại cho kỹ, chớ vội vàng mà sinh hối hận về sau.

Hùng hậu nói:

- Muôn tâu thái hậu! Xin thái hậu cứ yên lòng, con quyết không hối hận.

Hùng hậu cáo từ về cung để định làm biểu tâu thượng hoàng. Thái hậu nghĩ thầm: “Từ khi Phi Giao vào tới đây, thiên tử liếc trông, vẫn có ý thầm yêu trộm nhớ, hoàng hậu biết tình, cho nên thừa cơ mà tâu xin như vậy. Việc này ta khó nghĩ quá, không biết nên làm thế nào. Đã đành rằng điệt nữ ta đẹp duyên với thiên tử là tôn quý thật, nhưng bao giờ cũng phận thứ phòng. Nếu theo như lời hoàng hậu xin mà lập hai hoàng hậu, lại e rối loạn cương thường. Vả nghĩa tỷ (4) ta có ơn to với ta, nay đã lập con gái lên làm hoàng hậu thì nỡ nào lại khiến cho có sự ngang trái. Thôi, âu là ta phải đem việc này bàn với thượng hoàng.” Thái hậu đang ngẫm nghĩ thì bỗng thấy thượng hoàng đến, lại có cả Ôn phi và Mai phi đi theo. Thượng hoàng tươi cười mà bảo với thái hậu rằng:

(4) tức Vệ Dũng Nga

- Thái hậu ngày nay đã được bình phục như thường, ta lấy làm mừng lắm.

Nói xong liền cầm lấy tay thái hậu rồi ngồi xuống sập rồng. Ôn phi và Mai phi cũng ngồi ở bên cạnh. Cung nũ dâng trà uống. Thái hậu hỏi:

- Phi Giao quận chúa đâu?

Mai phi nói:

- Đang đánh đầu hồ với Gia Tường công chúa.

Thái hậu mới thuật hết những lời hùng hậu tâu xin cho thượng hoàng nghe. Thượng hoàng nghe nói, mừng rỡ mà phán rằng:

- Nếu vậy thì hoàng hậu thật là một người hiền thục đáng khen! Cổ lai mới có một! Chẳng qua cũng bởi phúc đức của liệt thánh tiền triều để lại, mà ngày nay trong cung có được một bà hoàng hậu chẳng kém gì phong hóa của hậu phi đời Chu Văn vương. Thái hậu ơi! Ta nói câu này, thái hậu hãy tha lỗi cho ta, chứ thái hậu cũng còn kém một vài phần vậy. Xem như việc Mạnh Lệ Quân thuở trước, thái hậu đã vội ghép cho ta tội tư tà. Máu ghen đâu có lạ đời, khiến cho ta khi nào nghĩ đến, trong lòng vẫn còn áy náy.

Thái hậu nghe lời cả cười mà không nói câu gì. Ôn phi cũng cười rồi tâu với thượng hoàng rằng:

- Mạnh Lệ Quân nguyên là quốc cữu phu nhân, nếu ngày ấy thượng hoàng có lòng tư tà thì quân đạo sao giữ được chính, bởi vậy mà thái hậu phải can gián, không muốn để cho thượng hoàng mang tiếng về sau. Giả sử có lòng ghen thì bọn chúng tôi hầu hạ trong hai mươi năm trời, sao được đội ơn đằm thắm vậy.

Mai phi cũng cười mà tâu rằng:

- Thượng hoàng thật là hay nhớ chuyện cũ, nhưng bọn chúng tôi nếu không được thái hậu rộng ơn che trùm thì trong chốn cung vi, sao được cảnh tượng êm đềm như thế này?

Thượng hoàng cả cười mà phán rằng:

- Khéo thay! Thái hậu lại được hai người rả phù hữu bật thì tài nào mà không khiến cho ta phải bó tay nghe lệnh vậy.

Thái hậu cũng cười mà rằng:

- Câu chuyện mua vui ấy thư phàn sẽ nói, bây giờ hãy sin thượng hoàng đem việc Phi Giao quận chúa mà hỏi ý quốc cựu và Bình Giang Vương xem sao.

Thượng hoàng phán rằng:

- Việc ấy rất dễ! Điệt nữ hiện đang chưa hứa gả, có lẽ nào lại chối từ. ngày nay hãy cho người đưa Phi Giao quận chúa về, rồi sau sẽ giáng chỉ hỏi ý quốc cữu.

Một hôm vua Anh Tôn ra ngự triều, có chiếu chỉ của thượng hoàng tuyên cáo việc lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu. Các quan văn võ trong triều đều ngẩn mặt nhìn nhau, không ai dám nói câu gì. Hoàng Phủ Thiếu Hoa vội quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Con gái kẻ hạ thần tuổi còn ngây dại dung công ngôn hạnh còn nhiều điều khuyết liệt, có đâu đã xứng đáng với địa vị chí tôn. Vả lập hai hoàng hậu thì thiết tưởng xưa nay không có lệ ấy. Huống chi một nhà kẻ hạ thần, mông ơn vũ lộ, tưởng đã đầm thắm quá thịnh, kẻ hạ thần tự nghĩ vẫn lấy làm làm sợ. Thế thì chẳng những lập làm hoàng hậu, giả sử phong làm quý phi, kẻ hạ thần cũng không dám vâng mệnh. Cúi xin bệ hạ rộng ơn mà tâu lại với thượng hoàng cho, để bảo toàn phúc trạch cho một nhà kẻ hạ thần vậy.

Tâu xong phủ phục ở trước sân rồng. Bấy giờ bọn Mạnh Gia Linh, Lương Trấn Lân và Doãn Thượng Khanh đồng thanh mà tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Thần đẳng thiết tưởng việc ấy rất không nên, vì cổ lai chưa thấy có lệ lập hai hoàng hậu bao giờ.

Vua Anh Tôn phán rằng:

- Việc này là tự ý hoàng hậu tâu xin, rồi thượng hoàng và thái hậu ưng chuẩn, quyết định thi hành, trẫm cũng đã cố can mà không được.

Mạnh Gia Linh tâu rằng:

- Thượng hoàng và thái hậu giáng chỉ phong cho Hoàng Phủ Phi Giao làm quý phi thì còn khả dĩ, chứ quyết không nên lập hai hoàng hậu.

Doãn Thượng Khanh tâu rằng:

- Bệ hạ nghĩ tình thân của thái hậu và công to của Tương vương thì không nên lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu, nghĩa là để bảo toàn phúc trạch cho nhả Hoàng phủ vậy.

Vua Anh Tôn không bằng lòng mà phán rằng:

- Việc này không phải tự ý trẫm. Nếu các ngươi không cho là phả thì nên cùng nhau làm một bản tấu để dâng thượng hoàng.

Vua Anh Tôn nói chưa dứt lời thì bỗng thấy có một viên triều thần chạy ra quì tâu. Viên triều thần ấy cũng về dòng tôn thất, họ Đồ Man tên Hưng Phục, hiện đang làm chức ngự sử, vốn tính quỷ quyệt, vẫn muốn cầu làm chức đại thần, nhưng bọn Lương thừa tướng ghét là người mưu tiến hiếu lợi, vậy nên không chịu thăng thiên cho. Đồ Man Hưng Phục lĩnh chức ngự sử trong mười mấy năm trời nhưng không hề dám khai khẩu tâu một việc gì cả. Bởi hắn thấy vua Thành Tôn khi trước tin dùng bọn Lương thừa tướng, dẫu có sàm báng cũng không có ích gì. Nay thấy vua Anh Tôn có ý không bằng lòng. Vả hắn lại thông giao với bọn nội giám là Mã Thuận hơi biết câu chuyện trong cung, vậy mới quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! kẻ hạ thần là Đồ Man Hưng Phục lĩnh chức giám sát ngự sử, xin cúi đầu để thánh thượng xét. Thượng hoàng đã giáng chỉ như vậy mà triều thần lại không vâng mệnh nghĩa là thế nào. Lập hai hoàng hậu dẫu có trái lẽ thật, nhưng chánh cung hoàng hậu ngày nay vốn là một bậc hiền đức đáng kính phục. Đạo thần tử nên phải để tiếng tốt cho vua, nay lập hai hoàng hậu thì nghìn năm về sau chánh cung hoàng hậu vẫn được tiếng thơm như bà hậu phi đời Chu. Các quan triều thần không thể tất ý tốt ấy mà lại câu nệ, cố giữ lệ thường, cũng đáng nực cười vậy. Xin bệ hạ cứ truyền cho lễ bộ quan phụng chỉ thi hành.

Lương Trấn Lân nghe lời tâu, nổi giận mà rằng:

- Đồ Man Hưng Phục! Nhà ngươi định làm cho thánh thượng để tiếng bát chính về sau hay sao! Có lẽ nào lại lập hai hoàng hậu?

Đồ Man Hưng Phục cười mà đáp rằng:

- Lương thừa tướng! Ngài câu nệ quá! Việc này chẳng những chánh cung hoàng hậu nổi tiếng là người hiền thục mà thôi, cả đến thánh thượng cũng được danh thơm muôn thuở, vì phong hóa ở chốn cung vi, đáng làm khuôn phép cho đời sau. Sao ngài lại bảo rằng bất chính?

Doãn Thượng Khanh nghe nói cũng nổi giận mà rằng:

- Đồ Man Hưng Phục! Nhà ngươi chớ đem những cách xảo ngôn mà làm mê hoặc thánh thượng. Việc này không phải tự ý thượng hoàng, chẳng qua vì chánh cung hoàng hậu yêu mến Phi Giao quận chúa mà tâu xin như thế. Thượng hoàng không nỡ trái ý, cho nên giáng chỉ để hỏi các quan triều thần, còn việc nên thi hành hay không thì tuỳ ý các quan đại thần xét đoán. Chúng ta là phận thần tử, nên phải một lòng trung trực, lấy lễ pháp mà khuyên ngăn, cớ sao nhà ngươi lại dùng cách ô mị gian hiểm như thế.

Doãn Thượng Khanh lại quì xuống tâu vua Anh Tôn rằng:

- Xin thánh thượng truất bỏ kẻ tiểu nhân ấy đi, khiến cho triều đình được trong sạch.

Đồ Man Hưng Phục nói:

- Doãn thừa tướng ơi! Tôi dẫu ngu hèn cũng là chi phái trong hoàng tộc, mà trước mặt thánh thượng đây, sao ngài dám chỉ trích nói càn.

Đồ Man Hưng Phục cũng quì xuống tâu với vua Anh Tôn:

- Doan thừa tướng muốn mua danh trung trực mà để tiếng xấu cho hai cung, tức là tội đại nghịch bất đạo. Kẻ hạ thần thiết tưởng nhà họ Doãn mấy đời chịu ơn triều đình mà nay dám khi mạn thánh thượng như thế. Trên trái lệnh thượng hoàng và thái hậu, dưới ẩn đức hiền thục của chánh cung, ngày nay thánh thượng không truất bỏ Doãn thừa tướng thì quốc pháp chẳng còn ra thế nào.

Vua Anh Tôn dẫu ngoài miệng không nói, nhưng mặt rồng cũng hơi có ý không vui. Bỗng thấy ngự sử là Nguyễn Long Quang quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Lời tâu của Lương thừa tướng thật là trung trực, xin bệ hạ nên để tai nghe. Nhưng kẻ hạ thần thiết tưởng việc này cũng tốt cho nhà Hoàng Phủ, từng chịu ơn triều đình rất to, dẫu dâng con gái vào làm cung phi, cũng là đáng lễ. Có vì cớ thân tình với thái hậu thì nghi tiết long trọng, chứ không nên để ngang hàng với chánh cung. Kẻ hạ thần tâu như thế thì không đến nỗi trái lệnh thượng hoàng xin bệ hạ lượng xét phê chuẩn.

Vua Anh Tôn nghe lời tau, cúi đầu ngẫm nghĩ. Đồ Man Hưng Phục lại thừa cơ mà tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Việc này đã khó quyết định thì xin bệ hạ phán hỏi Hùng quốc trượng, rồi theo ý quốc trượng mà thi hành.

Vua Anh Tôn gật đầu, truyền chỉ gọi Hùng quốc trượng. Hùng quốc trượng vâng mệnh bước ra, vua Anh Tôn có có hổ thẹn mà phán rằng:

- Việc này thực là thượng hoàng theo lời tâu xin của hoàng hậu, nay các quan triều đình cứ cố tình can ngăn, khiến cho trẫm không biết quyết đoán thế nào, vậy xin hỏi ý quốc trượng.

Hùng Hiệu nghe lời chỉ phán liền quì xuống tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Thượng hoàng và thái hậu đã giáng chỉ thì kẻ hạ thần dám chẳng tuân theo. Vả đời xưa Nga Hoàng Nữ Anh hai người cùng thờ một vị minh chủ, phỏng có hề chi. Huống chi kẻ hạ thần cùng nhà Hoàng Phủ, tình thân như thể tay chân thì dẫu lập hai hoàng hậu, tất cũng không tranh cạnh chút nào. Còn các quan đại thần can ngăn việc này, cũng vì một lòng trung thành vì vua vì nước, Đồ Man Hưng Phục há nên đem lời sàm báng mà chỉ trích các bậc nguyên huân. Kẻ hạ thần xin chúc thánh thượng vạn tuế!

Vua Anh Tôn mừng rỡ mà phán rằng:

- Quốc trượng thật là bậc hiền phụ, cho nên sinh được hoàng hậu cũng có đức hiền thục ấy. Thôi việc này các quan đại thần bất tất phải tâu bày nữa, mà Đồ Man Hưng Phục trẫm cũng tha lỗi cho.

Vua Anh Tôn lại truyền chỉ cho Khâm Thiên giám chọn ngày để lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu. Khi bãi triều lui ra, các quan đại thần đều có ý không bằng lòng, nhất là Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại càng âu sầu buồn bã, cầm lấy tay Hùng Hiệu, rồi oán trách rằng:

- Sao hiền huynh lại tâu như thế, khiến cho ngu đệ không còn biết nói thế nào.

Hùng Hiệu khuyên giải mà rằng:

- Hiền đệ ơi! Bọn nhi nữ trẻ tuổi còn có lòng yêu mến lẫn nhau, huống chi giao tình của hai ta, bấy lâu thân mật, không nên vì việc này mà tranh biện ở chốn triều đường. Chi bằng ta thừa ý thánh thượng mà thành toàn việc này, để khiến cho trong ngoài khỏi thêm dị nghị.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa nín lặng. Khi về tới vương phủ, thuật chuyện cho Mạnh Lệ Quân nghe và bảo rằng:

- Nhà ta phúc trạch quá thịnh, ta thường lấy làm lo. Không ngờ ngày nay lại thêm một sự hiển quý. Thánh ân to như trời bể, tình khuyển mã thật khó nỗi báo đền.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa lại bảo Phi Giao quận chúa rằng:

- Đó chẳng qua cũng là duyên số của con, nhưng chắc chắn hoàng hậu đã có lòng tử tế như thế thì con cũng phải nên học đức hiền thục của cô nương (5) con, để giữ cho trọn danh thơm muôn thuở vậy.

(5) Tức Trưởng Hoa

Phi Giao quận chúa nghe nói, nét mặt đỏ bừng, cúi đầu ngẫm nghĩ, luống những mừng thầm:

“Ngày nay quả nhiên thân này được gần gũi quân vương. Bấy lâu nay ta vẫn hâm mộ danh tiếng Võ Tắc Thiên, ngờ đâu bây giờ cờ đã đến tay vậy”. Mạnh Lệ Quân cũng ngẩn người ra mà nghĩ thầm:

“Nếu như vậy thì tướng pháp của Lưu phu nhân thật là thần diệu. Con gái ta vốn tính cương cường vị tất theo được đức hiền thục như thái hậu”.

Mạnh Lệ Quân vương phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói với Hoàng Phủ Thiếu Hoa rằng:

- Phu quân ơi! Sau khi tôi vào cung đem Phi Giao ra, không thấy thái hậu tỏ ý chi cả, thế thì việc này không biết có phải tự ý thượng hoàng và thái hậu hay không?

Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:

- Việc này nguyên tự ý hoàng hậu, thái hậu không muốn để cho Phi Giao phải làm thứ cung, vậy nên mới tâu xin lập hai hoàng hậu.

Triệu Câu nói:

- Nếu thân phụ nhất định từ chối thì tất thánh thượng cũng phải bãi nghị.

Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói:

- Các quan đại thần cố tình can ngăn, mà thánh thượng còn không nghe, thế thì bảo ta từ chối làm sao cho được.

Triệu Câu nói:

- Kính trình hai thân! Không phải con đây dám cả gan nói bậy đâu. Thân phụ tài kiêm văn võ, thân mẫu học quán thiện nhân, há lại không biết rằng tự cổ đến nay, những họ ngoại thích mà phúc trạch quá thịnh, có mấy nhà được an toàn đâu. Nhà ta đây, cô làm thái hậu, cháu làm phò mã, ba đơì phong vương, thật là cổ lai ít có. Thân phụ chịu ơn triều đình to lắm, chưa có thể thoát vị được, cớ sao lại còn tiến con gái vào làm cung phi. Tiến lam cung phà còn không nên, huống chi lại lập hai hoàng hậu thì thật là một sự dị kỳ quá. Con thiết tưởng thân phụ nghĩ lầm, chứ quyết không nên tiến em con vào cung vậy.

Mạnh Lệ Quân nghe nói bảo Triệu Câu rằng:

- Triệu Câu con ơi! Người ta ở đời, dẫu từ miếng ăn hớp uống, cũng có tiền định, huống chi là việc nhân duyên. Thôi, việc đã xảy ra dường này, thân phụ con cũng không thể nói sao cho được.

Khi Phi Giao quận chúa lui ra, Mạnh Lệ Quân lại bảo Triệu Câu rằng:

- Con bất tất phải lo phiền và oán trách cha mẹ. Muôn sự chẳng qua cũng bởi tại trời. Hôm trước Lưu mẫu lâm hành, đã từng bảo ta là Phi Giao sau này sẽ làm hoàng hậu, xem thế thì số mệnh quả nhiên đã có tiền định, con chớ nên lấy làm lạ.

Triệu Câu đem việc Phi Giao quận chúa tinh nghịch trong một tháng trời những thế nào thuật hết cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe.

Mạnh Lệ Quân vương phi bảo rằng:

- Bây giờ nói cũng vô ích, chi bằng ta nên tùy cơ ứng biến.

Bấy giờ tới bữa ăn cơm. Khi ăn xong Triẹu Câu và Triệu Lân cùng nhau sanh Thụy Chi hiên nói chuyện. Triệu Lân nói:

- Anh chớ lo phiền! Lòng trời đã định, sức người không thể trái lại được. Giả sử nước nhà xó sự gì bất hạnh thì hai anh em ta đành phải tận trung báo quốc chứ sao. Ngày nay anh cũng chớ nên nóng nảy mà vội nói làm chi, khiến cho người ngoài thêm nghị luận.

Hai anh em Triệu Câu đang chuyện trò cùng nhau thì bỗng thấy có chiếu chỉ của thượng hoàng ban đến, lập Phi Giao quận chúa làm hoàng hậu.

Vua Anh Tôn phụng mệnh thượng hoàng và thái hậu sách lập Hùng hậu làm tả hoàng hậu, còn Phi Giao quận chúa làm hữu hoàng hậu.

Phi Giao hoàng hậu vào đến trong cung, một lòng nhu thuận, đối với kẻ dưới, lại có lượng khoan dung, và thưởng tứ rất phong hậu. Mọi người trong cung ai cũng ca tụng đức tính Phi Giao hoàng hậu rất vui vẻ dễ dàng, không như Hùng hậu ít nói ít cười. Phi Giao hoàng hậu đối với Hùng hậu lại càng một lòng tôn kính, biết giữ lễ phép, không dám đi cùng xe và ngồi cùng chiếu bao giờ. Thượng hoàng và thái hậu thấy vậy cũng được vui lòng.

Vua Anh Tôn từ khi được Phi Giao hoàng hậu vào cung, tình đằm thắm ấy kể sao cho xiết. Cách ba hôm sau, Vệ Dũng Nga vương phi và Mạnh Lệ Quân vương phi cùng vào cung để chúc mừng hai hoàng hậu. Hai người trông thấy Phi Giao hoàng hậu biết giữ lễ phép, cũng đều mừng lòng tự nghĩ hai hoàng hậu sau này cư xử với nhau, chắc được thủy chung như nhất. Hai người lại vào nam nội triều kiến thái hậu.

Vệ Dũng Nga tâu rằng:

- Muôn tâu thái hậu! Thần thiếp đã lâu không vào triều kiến, vẫn có lòng khát vọng, ngặt vì cung vi là nơi cấm địa, nên không dám sổ sàng. Mới đây trộm nghe ngọc thể khang cường, mừng rỡ xiết bao, thật là hạnh phúc cho nước. Còn như việc lập hai hoàng hậu thì trên nhờ ơn che trùm của thái hậu, dưới nhờ tình thân mật của Tương vương, con gái thần thiếp cũng được bội phần vinh dự vậy.

Thái hậu nói:

- Sao chị lại nói như thế! Năm xưa tôi tôi là thân mẫu tôi khi ở tù xa, nếu không có chịu cứu cho thì còn đâu đến ngày nay. Vả lại chị chiêu tập binh mã, đi cứu được thân phụ tôi về triều, ơn ấy kể sao cho xiết. Về sau chị kết duyên với một vị vương tước, tôi vào chốn hoàng cung dẫu rằng xa cách hai nơi, nhưng vẫn coi nhau như một. Vì nghĩa nặng ơn sâu ấy mà tôi xin lập lệnh ái làm hoàng hậu để cho được thêm thân. May sao lệnh ái lại có đức hiền thục, không hề ghen tuông, thượng hoàng và tôi lấy làm mừng rỡ. Khi Phi Giao vào đây, lệnh ái trông thấy, đem lòng quyến luyến, mới tâu thượng hoàng xin lập hai hoàng hậu, để muốn theo đòi như Nga Hoàng và Nữ Anh thuở xưa. Tôi cũng đã khuyên lệnh ái nên nghĩ cho kỹ, nhưng lệnh ái một lòng cố xin. Vậy hai hoàng hậu đã có tình yêu mến thì chị cũng chớ nghĩ ngợi chi điều ấy.

Mạnh Lệ Quân vương phi nói:

- Tiện nữ Phi Giao bổn phận liễu bồ, dung công ngôn hạnh còn nhiều điều khuyết điểm, dẫu cho vào hàng cung phi cũng chưa xứng đáng, huống chi nay lại ngự ngôi Chiêu dương. Tôi thiết tưởng Hùng quốc trượng không nên ưng thuận chỉ lập hai hoàng hậu mà khiến cho vợ chồng nhà tôi phải mang tiếng với đời.

Vệ Dũng Nga vương phi cười mà đáp rằng:

- Có bề chi điều đó! Con gái tôi cũng tức là con gái vương phi, hà tất lại phảii phân biệt. Vả thái hậu là bậc “Mẫu nghi thiên hạ” mà Tương vương là hàng quốc cữu, chẳng lẽ lại phong Phi Giao làm quý phi, thế thì tiện nữ xin tâu như vậy thật đã trọn cả đôi đường vậy.

Thái hậu truyền cung nữ bày tiệc, mời hai vị vương phi cùng ngồi lại cho hai hoàng hậu ngồi hầu. Phi Giao hoàng hậu chối từ, nhất định không dám ngồi ngang Hùng hậu. Vệ Dũng Nga cười mà bảo rằng:

- Cứ ngồi là phải! Có thế mới tỏ tình yêu mến lẫn nhau. Hai chị em cùng ngôi hoàng hậu thật là ít có!

Phi Giao hoàng hậu bảo cung nữ để dịch ghế ra một bên, mới dám vào ngồi. Cung nữ rót rượu. Vừa uống được ba tuần rượu thì có nội giám vào tâu với Phi Giao hoàng hậu rằng:

- Muôn tâu hoàng hậu! Thánh giá ngự đến Khôn Phúc cung, xin mời hoàng hậu về nghênh tiếp.

Hùng hậu liền bảo rằng:

- Thôi, em nên cáo từ đứng dậy rồi về nghênh tiếp thánh thượng.

Phi Giao hoàng hậu cáo từ đứng dậy, mặc hoa hớn hở, mày liễu nở nang, vội vàng lui về Khôn Phúc cung để nghênh tiếp thánh giá. Khi Phi Giao hoàng hậu lui ra, Vệ Dũng Nga đưa mắt nhìn theo, thấy vẻ khuynh thành ấy, trong lòng cũng lấy làm ngẫm nghĩ. Tiệc xong, Hùng hậu lại mời Vệ Dũng Nga về cung để hai mẹ con nói chuyện riêng. Hùng hậu liền đem những lời Mã Thuận nói hết đầu đuôi cho thân mẫu nghe. Vệ Dũng Nga nghe nói, biết là thánh thượng đã mật mưu với Mã Thuận, nhưng không nói gì, cùng Mạnh Lệ Quân đều ra về.

Khi về tới nhà, Vệ Dũng Nga thuật chuyện trong cung cho Hùng Hiệu nghe và bảo rằng:

- Hai hoàng hậu ngày nay cư xử với nhau rất tử tế, nhưng tôi liếc nhìn Phi Giao hoàng hậu thì nhan sắc xinh đẹp, đã nên một bậc nghiêng nước nghiêng thành. Phu quân ơi! Tôi dám chắc rằng ơn vũ lộ của cửu trùng đối với tân hoàng hậu sẽ bội phần âu yếm. Chi bằng ta bảo con gái ta nhường ngôi Chiêu dương đi, hà tất phải lập tả hoàng hậu và hữu hoàng hậu. Có như vậy thì may ra nhà ta mới bảo toàn được phúc trạch, mà con gái ta cũng lưu được tiếng thơm hiền thục về mai sau.

Hùng Hiệu chưa kịp trả lời thì Hùng Khởi Phượng đứng dậy mà thưa rằng:

- Thân mẫu ơi! Chỉ có thượng hoàng nhường truyền ngôi cho thánh thượng được, chứ hoàng hậu mà nhường ngôi Chiêu Dương thì thật con chưa hề nghe nói bao giờ. Con thiết tưởng cái gì còn có thể nhường được, đến như danh vị thì quyết không nên nhường. Nếu em con nhường ngôi Chiêu Dương thì tự xử vào ngôi vị nào, há chẳng để làm trò cười cho thiên hạ.

Hùng Hiệu nghe nói, liền gật đầu mà bảo rằng:

- Con nói rất phải! Nhưng ta cùng nhà Hoàng Phủ là chỗ bạn chí thân, Phi Giao há lại không nghĩ đến tình cũ. Huống chi chính sự trong nước đã có các quan triều thần xử đoán, ta không dự chi đến tất cũng chẳng lo cái họa ngoại thích về sau. Con gái ta đã được làm hoàng hậu thì số mệnh chẳng qua bởi trời, can chi ta phải bàn đi tính lại vậy.

Lại nói chuyện Phi Giao hoàng hậu ở trong cung đối với Hùng hậu thân mật nhau như chị em ruột. Bởi vậy công việc trong cung, Hùng hậu đều uỷ thác cho Phi Giao hoàng hậu cả. Tên nội giám Mã Thuận lại hết sức xu nịnh, hắn vẫn giao thông với Đồ Man Hưng Phục, hễ trong cung có chuyện gì lạ, đều mật báo cho nhau biết. Đồ Man Hưng Phục đệ bản tâu dâng vua Anh Tôn nói nhà Hoàng Phủ có hai hoàng hậu thì thật là thiên hạ ít có! Kẻ hạ thần thiết tưởng triều đình nên đặc cách gia phong “Cửu Tích” cho Tương Vương để khiến được long trọng như một bậc thiên tử mới phải. Phi Giao hoàng hậu thấy vậy, liền viết một bản tâu thượng hoàng trong bản tâu đại khái nói:

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play