Hai anh em vội vàng cùng nhau xem thư. Bức thư như sau:
“Ta đi tìm thượng hoàng đã ba năm nay. Dò la trong mười vạn dặm trường,
chẳng những chưa được gặp mặt người, mà thăm thẳm phương trời, dẫu đến
tin tức cũng không thấy chi cả. Thân mẫu các ngươi tới kinh, mỗi người
đồn một cách: Người thì bảo vào nam nội để hầu hạ thái hậu; người thì
bảo hiện ở hữu cung để giúp Phi Giao; lại có người thì bảo đã bị giam
vào trong ngục thất. Còn toàn gia họ Hùng, ta cũng nghe nói đều đã xử
tử, không biết rằng thực hay hư. Chín khúc ruột tằm, luống những bối rối vò tơ, đành chỉ thở dài một tiếng. Gia Tường công chúa cùng các em nhỏ
đều được bình yên vô sự, thế là ta được vui mừng.
Sau này chim trời cá nước, biết là về đâu, ta khuyên các ngươi nên phải tận trung báo quốc.
Ký tên Mạnh Gia Linh”
Triệu Phượng và Triệu Lân xem xong bức thư, hai hàng nước mắt ròng ròng chảy
xuống, rồi gọi Ngũ Xương vào hỏi chuyện. Ngũ Xương thở dài mà bẩm rằng:
- Trong ba năm nay, lão gia tôi đi chẳng thiếu đâu. Trước hết đến chùa
Ngũ Thái ở tỉnh Sơn Tây. Sư cụ mới ngồi nói chuyện trong nửa ngày trời,
không biết nói những chuyện gì. Sau sư cụ giữ lão gia tôi ở đấy, nhưng
lão gia tôi không chịu ở lại xuống núi đi ngay. Đi vượt qua hồ An Thiểm ở Tứ Xuyên, chẳng may gặp cơn phong ba, chiếc thuyền vỡ đắm, nhờ có người đánh cá cứu vớt, cho nên lão gia tôi mới được sinh toàn, lão gia tôi
cảm nhiễm thành bệnh, phải nằm nhà trọ, chữa thuốc tại Thành Đô. Không
ngờ bệnh mỗi ngày một nặng, thấm thoát đã hai tháng trời, hết cả tiền
tiêu, chúng tôi phải cầm cố đến đồ đạc. Chỉ mong sao cho lão gia tôi
chóng được bình phục, để lại đi tìm thượng hoàng. Trời ơi! Sau khi đắm
thuyền, đồ đạc mất nhiều, còn sót cái nào thì cầm cố dần hết. Chúng tôi
mỗi ngày chỉ ăn một bữa, mà vẫn không dám phàn nàn. Sau lão gia tôi thấy chúng tôi ngày một gầy mòn, hoặc nằm liệt không dậy được thì có hỏi
đến, nhưng đang trong khi lão gia tôi bị bệnh cho nên tôi không dám bẩm
trình. Đến khi đã cùng kiệt quá không biết làm thế nào, chúng tôi mới
phải nói thực. Lão gia tôi bảo đem áo long bào đi cầm thì các cửa hàng
cầm không ai dám nhận. Bất đắc dĩ lão gia tôi phải viết thư cho quan
trấn thủ tại Nhạn Môn quan là họ Lưu thì quan trấn thủ tức khắc đem quân đến nơi đón rước lão gia tôi về phủ để chữa thuốc. Bấy giờ khỏi bệnh
lão gia tôi lại đi tìm thượng hoàng, nhưng thải hết đầy tớ về chỉ có một tên lão bộc đi theo. Chúng tôi khóc mà khuyên can thì lão gia tôi lại
mắng là phường tán tận lương tâm không muốn cho chủ được thanh danh
tiết. Nay lão gia tôi một thân đi vào những nơi mường mọi, tưởng cũng
nguy hiểm lắm thay. Quan trấn thủ dẫu không dám ngăn, những có phái ba
trăm quân mật đi về vùng ấy để phòng sự tai biến.
Triệu Phượng và Triệu Lân nghe nói nước mắt ròng ròng, dẫm chân kêu trời một tiếng mà than rằng:
- Trời ơi! Thế này thì ra nhà Hoàng Phủ ta làm hại biết bao nhiêu người!
Phi Giao ơi! Mày đày cha giam mẹ, lại làm khổ cả đến ông cậu. Ta không
hiểu trong lòng mày nghĩ thế nào. Mày đã tuyệt tình nhẫn tâm như vậy thì còn anh em ruột thịt gì nữa.
Sáng hôm sau hai quốc cữu viết thư
giao cho Ngũ Xương đi, để phúc đáp Mạnh Gia Linh, rồi chỉnh tề mũ áo sắp sang bái yết Nguyễn tướng công thì bỗng nghe báo có Nguyễn tướng công
đến. Nguyễn tướng công nghoảnh nhìn bốn mặt, thấy vắng vẻ không ai, mới
thở dài mà bảo rằng:
- Năm xưa Thượng hoàng phong cho nhà Hoàng
Phủ là “Trung Hiếu vương” bấy lâu vẫn giữ trọn được hai chữ “Trung
hiếu”, không biết vì đâu oan nghiệt, mà nhà Hoàng Phủ bỗng mang tiếng hổ lang. Một tay Phi Giao gây ra bao nhiêu sự độc ác. Già này cố lòng kiên nhẫn, theo gương Địch Nhân Kiệt thuở trước, họa may còn có bổ cứu cho
nước nhà được phần nào chăng. Đợi khi Thượng hoàng về triều rồi, già này xin đập đầu trước thềm vàng, một là giải tỏ tấm lòng trung thành; hai
là để được theo quan Lương thừa tướng về nơi chín suối. Nay chờ mai đợi, không thấy Thượng hoàng ruột đứt lòng đau khôn cầm nước mắt. Tôi vẫn
tưởng rằng hai quốc cữu đầu còn xanh tuổi còn trẻ, không nghĩ chi đến
việc nước, đêm qua bỗng thấy Đồ Man An Quốc đem lời hai quốc cữu thuật
cho tôi nghe, khiến tôi căm tức muôn phần mà không biết trả lời thế nào
được. Chẳng thà liều thân chịu chết, chứ già này quyết không bao giờ lại chịu phù lập Đồ Man An Quốc lên trị ngôi trời.
Nói xong, liền đứng phắt ngay dậy. Hai quốc cữu vội nắm lấy áo mà thưa rằng:
- Nguyễn tướng công ơi! Ngày nay đảng phản nghịch vây cánh rất nhiều, từ
khi hai anh em tôi tiến kinh, ruột rối như mớ bòng bong, chỉ đành ngồi
bó tay mà không nghĩ mưu kế chi cho được. Trong mấy năm trời dài đăng
đẳng, tưởng chừng như mấy mươi năm. Hai anh em tôi tóc đã điểm hoa râm,
luống những cùng nhau thở than khóc lóc. May sao lòng trời dun rủi, bỗng có con chim quạ đem thư của thân mẫu tôi ở trong cung ra. Chúng tôi
theo kế thân mẫu tôi mà xui Đồ Man An Quốc nói với tướng công đó. Chúng
tôi vẫn biết là tướng công không thuận, định sang giải tỏ gót đầu, nhưng lại sợ tiết lộ cơ mưu thì tất có tai vạ. Cứ theo kế thân mẫu tôi thì
trước nhất giết ho được đứa gian ác Mã Thuận, còn Đồ Man Hưng Phục là
đứa vũ phu, ta muốn bỏ lúc nào cũng dễ. Hắn đã thụ ân thái hậu mà được
tạm lập làm giám quốc thì tất không dám phạm đến tam cung và phải bảo
toàn cho gia quyến họ Hùng vậy. Vả Hán vương và Triệu vương đem quân tới đây, nếu không có người nội ứng, cũng chưa chắc đã phá vỡ được. Vì thế
nên chúng tôi giả cách vào đảng với hắn, để đợi khi trưởng huynh tôi đem quân về tới đây thì làm nội ứng, bấy giờ đại sự tất thành.
Nguyễn tướng công nói:
- Giả sử khi Hán vương và Triệu vương đem quân tới đây mà thượng hoàng
chưa về, Đồ Man Hưng Phục đang làm giám quốc, thái hậu còn lấy lẽ gì mà
cho thiên tử phục vị được. Tôi chắc bấy giờ cứ theo thứ tự mà lập thì
tất phải lập đến Hán vương.
Triệu Phượng nhìn Triệu Lân mà nói:
- Tướng công trung thành như thế thì thật là ít có! vậy chúng ta nên giải tõ chân tình để cho tướng công khỏi phải ngờ.
Triệu Lân mời Nguyễn tướng công ngồi, rồi đến gần trước mặt mà thưa rằng:
- Nguyễn tướng công ơi! Tướng công chê nhà Hoàng Phủ tôi không giữ trọn
được trung hiếu, nhưng thiết tưởng nỗi khổ tâm của anh em chúng tôi thì
thật chưa mấy người đã hiểu rõ cho.
Nói xong, liền rỉ tai thuật
việc khi trước đem được Hoàng tử ở trong cung ra, hiện nay Hoàng tử đã
gần bảy tuổi. Triệu Lân nói chưa dứt lời thì Nguyễn tướng công có ý kinh ngạc vội cầm lấy tay mà bảo:
- Quốc cữu ơi! Nếu vậy thì quốc cữu là người hay là thần giáng sinh để giúp nước đó! Lão phu đây dẫu lòng
không quên nước, nhưng chỉ ngồi một chỗ than dài thở ngắn, phỏng có ích
gì, còn như việc của hai Quốc cữu làm, mới thật là công thần đệ nhất.
Việc ấy chẳng những bảo toàn cho nhà, cho nước, mà lão phu đây cũng được chút thơm lây. Hai quốc cữu ơi! Xin hai quốc cữu cho tôi được yết kiến
hoàng tử một chút.
Hai quốc cữu nói:
- Từ khi ẵm Hoàng tử
ra để cữu phụ tôi xem mặt đến giờ, chưa hề cho đi khỏi cửa. Nay tướng
công muốn xem mặt thì âu là để chúng tôi lại xin đem ra.
Mụ bảo
mẫu dắt Hoàng tử ra. Triệu Lân đem sang chốn đông phòng, mời Nguyễn
tướng công vào xem mặt, Nguyễn tướng công cố ý nhìn nhận hồi lâu, rồi
tươi cười mà bảo rằng:
- Hay! Nếu vậy hay! Quả nhiên giống Thượng hoàng như đúc! Kẻ lão thần này xin làm lễ triều kiến hoàng tử.
Triệu Lân nói:
- Xin tướng công chớ nói to tiếng! Những lúc này há phải là lúc thủ lễ.
Nguyễn tướng công gật đầu, rồi cầm lấy tay hoàng tử xem, nhìn kỹ bàn tay, thấy có dị tướng, vừa thương vừa mừng.
Triệu Lân nói:
- Chẳng những thế mà thôi, dưới bàn chân lại còn có bảy nốt ruồi, theo
hình thất tinh nữa. Quả nhiên là một vị thái bình thiên tử, sau này chắc hẳn không ai còn dám nghi ngờ.
Nguyễn tướng công tủm tỉm cười mà hỏi Hoàng tử rằng:
- Thế nào? Cậu đã đi học chưa? Mà học đến sách gì rồi?
Hoàng tử nói:
- Tôi đã học thuộc Ngũ kinh chính văn rồi. Mẹ tôi vẫn dạy tôi ở trong cung.
Nguyễn tướng công thở dài mà rằng:
- Thật là một việc hiếm có.
Nói xong, lại bảo Triệu Lân đưa hoàng tử vào. Hai quốc cữu bày tiệc mời
Nguyễn tướng công uống rượu. Trong khi uống rượu, Triệu Lân đem phong
thư của Mạnh Gia Linh và phong thư của Mạnh Lệ Quân ra cho Nguyễn tướng
công xem. Nguyễn tướng công xem xong, lẩm nhẩm gật đầu mà rằng:
- Nếu vậy thì nhà Hoàng Phủ và nhà họ Mạnh thật là toàn được hai chữ
“Trung, hiếu” không mấy người theo kịp.Bây giờ ta nên bảo Đồ Man An Quốc phao ngôn cho các quan văn võ triều thần biết rằng thượng hoàng đã có
tin về, để đến khi khởi sự, dân tâm khỏi đến nỗi náo động.
Triệu Phượng và Triệu Lân nghe nói tấm tắc khen ngợi mà rằng:
- Kế này lại càng diệu lắm! Quả không phụ tài kinh luân của tướng công!
Ba người bàn định hồi lâu, mở lịch chọn ngày, định đến ngày hai mươi lăm
thì khởi sự. Hai quốc cữu nghe tin Đồ Man Hưng Phục đi Thái Sơn vắng,
liền đến phủ thừa tướng bàn mưu với An Quốc tướng quân. An Quốc tướng
quân mừng rỡ xiết bao, lại nhờ hai quận chúa thảo giúp tờ biểu để tâu
thái hậu. An Quốc tướng quân lấy cờ lệnh tiễn giao cho hai quốc cữu để
trong khi khởi sự được quyền sai bảo các quân ngự lâm. Đến hôm khởi sự,
hai quốc cữu vào thuật chuyện cho Gia Tường công chúa biết và bảo rằng:
- Nước nhà hay dở, quan hệ ở một việc này. Giả sử việc có không thành thì xin công chúa yên lòng, đến khi thượng hoàng về triều tất thế nào cũng
xét công cho hai chúng tôi mà không nỡ trị tội nhà Hoàng Phủ vậy.
Hai quốc cữu nói xong đều cúi đầu từ biệt, Gia Tường Công chúa đau xót trong lòng mà rằng:
- Hai Quốc cữu ơi! Vạ gió tai bay, biết thế nào mà phòng trước được! Xót
thương cho thân tôi, từ khi về làm dâu nhà Hoàng Phủ, luống chịu bao
nhiêu nỗi đắng cay; cốt nhục phân ly, cửa nhà tan nát. Nay hai quốc cữu
làm việc này cũng là liều chết để cho toàn trung hiếu. Tôi thiết tưởng
cuộc đời dẫu thay đổi, nhưng trời nào nỡ phụ người ngay. Vạn nhát có
mệnh hệ nào thì người ta ở đời ai là chẳng chết, còn hơn cứ đành ngồi
một chỗ, chịu bó tay mà nhìn nhau.
Triệu Phượng và Triệu Lân hôm
ấy đầu đội mũ trụ, mình mặc áo giáp, chân đi giày đen, lưng đeo cung tên và mỗi người lại có đeo một thanh bảo kiếm. Hai anh em cùng lên ngồi ở
trên Ngân An điện, gọi các gia binh và nội giám, cả thảy hơn mấy trăm
người đến gần trước mặt mà dặn bảo rằng:
- Hôm nay chúng ta đi nghênh giá Thượng hoàng, hiệu lệnh cần phải cẩn nghiêm, các ngươi chớ có coi thường mà phạm tội lỗi.
Nói xong, cắt một trăm quân giữ cửa trước và một trăm quân giữ cửa sau.
Quân sĩ nghe lệnh, đều tưởng là thượng hoàng sắp về thật, ai nấy hớn hở
vui mừng. Hai quốc cữu dặn bảo xong, cưỡi ngựa đến phủ thừa tướng, không đợi có người thông báo, liền tiến thẳng vào tận nơi. Bấy giờ Mã Thuận
đang ngồi nói chuyện với An Quốc tướng quân, thấy hai Quốc cữu vào, đều
đứng cả dậy. An Quốc tướng quân nói:
- Dám thưa hai Quốc cữu! Chẳng hay hôm nay có việc chi mà hai Quốc cữu mặc đồ nhung trang?
Triệu Phượng nói:
- Tướng quân còn chưa biết hay sao! Bên ngoài đều huyên truyền là Thượng
hoàng sắp về, thế thì những lờ nghị luận hôm trước, hôm nay tất phải thi hành, vậy chúng tôi đến đây để báo tin, chẳng hay tôn ý đã quyết định
chưa?
An Quốc tướng quân nói:
- Tôi đang bàn với nội giám
họ Mã đây. Quan nội giám định chờ khi thân phụ tôi về, nhưng tôi thiết
tưởng lúc này đâu có thể trì hoãn được.
- Trăm lạy Quốc cữu! Quốc cữu hãy tha chết cho tôi, tôi xin cùng Quốc cữu biếm truất Phi Giao Hoàng hậu. Nhưng khi nào Thượng hoàng về nước thì
xin Quốc cữu bảo toàn cho.
Triệu Lân giật lấy thanh kiếm, rồi can ngăn mà nói rằng:
- Thân huynh ơi! Xin thân huynh lặng nghe em nói một một lời. Việc này
không nào quan nội giám họ Mã đây lại không đồng ý, chỉ vì thấy anh em
ta cùng Phi Giao Hoàng hậu là tình trong cốt nhục, vậy nên còn ngần ngại chưa dám quyết định đó thôi. Nhưng nào có biết đâu rằng Phi Giao Hoàng
hậu từ khi lên chiếm ngôi trời, dẫu cha mẹ anh em trong nhà, đều coi như cừu thù tất cả. Nay quan nội giám chịu cùng anh em tôi đồng tâm hiệp
lực thì mai sau kể đến các bậc công thần cứu nước, chắc quan nội giám
cũng được dự một vai.
- An Quốc tướng quân ơi! Bây giờ anh em tôi đi ra Ngọ Môn, tướng quân nên đem cấm binh tới nam nội, rồi runội giám chuông đánh trống mà vào tâu
thái hậu. Còn Mã Thuận thì cùng các nội giám vây hữu cung, đợi khi có
chiếu chỉ của thái hậu tới nơi, bấy giờ sẽ định hay dở.
Hai quốc
cữu nói xong liền ngang nhiên đi ra. Bấy giờ trong phủ thừa tướng, quân
đứng sắp hàng, gươm tuốt sáng quắc. An Quốc tướng quân mặc áo giáp lên
ngựa. Mã Thuận cũng tay cầm một thanh bảo kiếm, nhưng trong lòng vẫn áy
náy mà nghĩ thầm rằng: “Nguy cho ta lắm thay! Không ngờ ngày nay ta lại
mắc phải mưu. Bây giờ ta đem quân vây giữ hữu cung, đến khi thái hậu tra hỏi Phi Giao mà Phi Giao thú nhận thì thành ra mưu kế phần nhiều ở ta
xúi giục, ta khó lòng được toàn. Vậy biết tính làm sao bây giờ!”
Mã Thuận đang cau mày ngẫm nghĩ, bỗng tìm được một kế, lòng lại nhủ lòng rằng:
“Âu là ta làm thế nào cho Phi Giao chết đi thì thật mất miệng, không còn
lấy ai đối chứng. Họa may Thái hậu mới không trị tội được ta.”
Mã Thuận nghị vậy mới khỏi áy náy trong lòng, liền giơ roi đánh ngựa,
cùng bọn nội giám thẳng tới hữu cung. Bấy giờ trước cửa Ngọ Môn, đều có
cấm binh đứng, cờ bay phất phới, chuông trống kêu vang, thật là một cảnh tượng rất ghê sợ vậy. Các quan văn võ triều thần thì thào rỉ tai mà bảo thầm nhau rằng:
- Bây giờ thượng hoàng về triều thì không biết Phi Giao Hoàng hậu làm ra thế nào!
Nguyễn tướng công tay cầm hốt ngọc, bước lên trên điện nói với các quan triều thần rằng:
- Thượng hoàng sắp về tới nơi, An Quốc tướng quân đem cấm binh ra nghênh
tiếp. Nhưng ngày nay trước hết phải tâu thái hậu tuyên bố tội trạng mà
bỏ Phi Giao Hoàng hậu, tạm lập giám quốc. Bây giờ tôi xin cùng các quan
triều thần vào diện tấu thái hậu, nếu không thì khi thượng hoàng về đây, tôi cùng các ngài khó lòng mà được sinh toàn vậy.
Nguyễn tướng công nói xong, các quan văn võ triều thần đều biến sắc mặt. Bỗng thấy tả ban có một người bước ra mà rằng:
- Quan Nguyễn tướng công, xin ngài chớ nói càn! Tin thượng hoàng về triều chưa lấy chi làm đích xác. Nay tâu xin phế thiên tử và hoàng hậu để lập giám quốc, vị tất thái hậu đã chuẩn tấu cho. Nếu bảo là hữu cung Hoàng
hậu chuyên quyền thì từ khi thay cầm quyền chính đến giờ, vẫn một lòng
chăm chỉ sớm khuya chăm chỉ để giúp đỡ thiên tử, chưa hề có làm điều gì
trái phép. Bây giờ bàn lập giám quốc, giả sử thượng hoàng không về thì
có phải tự nhiên thành ra thay bậc đổi ngôi, giang sơn này biết trông
cậy vào ai vậy. Tướng công vốn là người trung thành vị quốc, sao lại
xướng khởi làm một việc kỳ dị ấy.
Người đứng ra hỏi mấy câu ấy là ai? Tức là qua hộ bộ thượng thư Tần Sĩ Thăng.
Tần Sĩ Thăng từ khi nàng Hạng Ngọc Thanh đi khỏi rồi, suốt ngày cứ âu sầu
buồn bã, cơm chẳng muốn ăn, ngủ không yên giấc, dần dần nghĩ quá mà
thành bệnh. Tần Sĩ Thăng phu nhân cười mà hỏi rằng:
- Phu quân
ơi! Chẳng hay vì đâu mà phu quân đến nỗi thành bệnh, hoặc là phu quân
còn tưởng nhớ nàng Hạng Ngọc Thanh đó chăng? Nếu quả như vậy thì việc ấy rất dễ, để tôi cho người gọi nàng đến, có lẽ nàng cũng yêu mến phu
quân. Khi trước tôi nói đuổi nàng là câu nói đùa đó thôi, chứ kỳ thực
thì tôi còn đem gởi một chỗ.
Tần Sĩ Thăng nổi giậm mà mắng rằng:
- Phu nhân chớ nói càn! Phu nhân định làm cho danh giá tôi phải bại hoại
hay sao! Các bậc tiên hiền, phẩm liễu bình hoa, cái thói đa tình cũng
chưa mấy người thoát khỏi, không ngờ phu nhân nghi tôi tham mới bỏ cũ,
gây nên một cuộc sư tử Hà Đông. Nói năng càn dỡ, tôi chẳng chấp chi, bây giờ lại còn muốn làm cho tôi bại hoại danh giá. Thế mới biết đàn bà
thâm độc, thuốc nào chữa khỏi, máu ghen đâu có lạ lùng!
Tần Sĩ Thăng nói xong, nét mặt vẫn còn hầm hầm chưa nguôi cơn giận. Tần Sĩ Thăng phu nhân lại nói:
- Phu quân ơi! Thực phu quân không tưởng nhớ đến nàng Hạng Ngọc Thanh nữa phải không?
Tần Sĩ Thăng thở dài mà rằng:
- Phu nhân cũng si ngốc lắm thay! Nàng Hạng Ngọc Thanh kia dẫu xinh đẹp,
chẳng qua cầu vui trong nhất thời mà thôi. Chứ danh giá của mình. cần
phải giữ gìn, mới khỏi hổ thẹn là một bậc tu mi nam tử.
Tần Sĩ Thăng nói chưa dứt lời thì phu nhân tươi cười rồi sụp lạy mà thưa rằng:
- Đa tạ phu quân! Tôi được nghe mấy lời phu quân nói, rất lấy làm vui lòng!
Nói xong, liền thuật hết gót đầu về việc nàng Hạng Ngọc Thanh cho Tần Sĩ
Thăng nghe. Tần Sĩ Thăng mừng rỡ, đứng dậy chắp tay vái mà khen rằng:
- Nếu vậy thì phu nhân là một người tài trí! Lúc trước tôi không hiểu rõ, thấy phu nhân làm như thế cũng có ý giận. Giận về một nỗi muốn cho
chồng bại hoại danh giá hay sao. Ai ngờ phu nhân lượng cả trí cao, khiến tôi đây khác nào như một đứa trẻ thơ ngu dại. Tuy vậy, phu nhân cũng
nhẫn tâm thái quá, nỡ đem những lời quá đáng mà sỉ mắng tôi. Tôi xin hỏi phu nhân vốn là một người thanh tao, cớ sao bấy lâu lại làm nét mặt hổ
lang, để cho tôi luống những đau lòng héo ruột.
Tần Sĩ Thăng phu nhân nói:
- Phu quân không hiểu rõ. Người ta dẫu thuần cẩn đến đâu mà khi đã say
đắm mê man thì những lời trung ngôn cũng khó lọt tai cho được, chỉ có
búa rìu sấm sét, họa may mới tỉnh ngộ mà thôi. Nhưng nếu không phải là
người có chút học thức, cũng không bao giờ biết tỉnh ngộ vậy. Vì thế tôi phải bắt chước thói sư tử Hà Đông, để khiến phu quân hồi tâm nghĩ lại.
Thế là tôi biết phu quân mà phu quân không biết lòng tôi!
Tần Sĩ
Thăng nghe nói, lại càng vui sướng trong lòng, bảo thuật chuyện nàng
Hạng Ngọc Thanh tình nguyện vào nhà giam cho Tần Sĩ Thăng nghe. Tần Sĩ
Thăng nói:
- Thế thì nàng Hạng Ngọc Thanh cũng là một người ít có. Hùng quốc cữu bỏ nghìn vàng ra mua nàng, thật đáng lắm thay!
Sau Tần Sĩ Thăng phu nhân bỗng thụ thai, bấy giờ đã bốn mươi tuổi, sinh đứa con trai. Tần Sĩ Thăng cho là vì có âm đức nên được hưởng báo, từ đó
lại càng hết lòng trung thành để báo đáp thánh triều. Phi Giao hoàng hậu thấy Tần Sĩ Thăng là người có văn tài, mới thăng quan tiến chức cho,
dần dần đến Hộ bộ thượng thư, Tần Sĩ Thăng chính trực cảm ngôn, cho nên
các quan triều thần đều có ý sợ hãi. Hồi ba năm trước, Tần Sĩ Thăng có
ra pháp trường, tiễn biệt Hùng quốc trượng. Từ đó sinh lòng chán nản,
muốn cáo quan trở về. Phu nhân khuyên can mà bảo rằng:
- Phu quân chớ nên nóng nảy! Bấy lâu ơn vua lộc nước, ta chưa báo đáp tý gì, ngày
nay triều chính đang buổi khó khăn, không nên lánh mình nơi điền lý. Làm thân nam tử, nếu không một trường oanh liệt, tận trung báo quốc, há
chẳng thẹn với mày râu.
Tần Sĩ Thăng nghe lời vợ khuyên nhủ, cho
nên vẫn làm quan. Bấy giờ vào triều, vẫn tưởng là để hội nhau đi nghênh
tiếp thượng hoàng, không ngờ Nguyễn tướng công lại bàn đến việc lập giám quốc, Tần Sĩ Thăng tức giận không thể nhịn được, mới bước ra mà bẻ
Nguyễn tướng công. An Quốc tướng quân nghe nói, sầm nét mặt xuống mà
rằng:
- Đại sự đã định, sao quan thượng thư họ Tần còn dám ngăn trở, chớ tưởng là thanh bảo kiếm của ta không sắc đâu!
Tần Sĩ Thăng nổi giận mà mắng rằng:
- Cha con nhà ngươi dối vua hại nước, giao thông với Mã Thuận, xui giục
Phi Giao hoàng hậu làm nhiều điều trái phép, nay lại còn đem lòng hiểm
ác, dám làm một việc đại phản nghịch này. Nguyễn tướng công vốn là người “Trung quân ái quốc” xưa nay, mà sao cũng càn rỡ đến thế. Ta đây dẫu
chết đành chịu, chứ quyết không bao giờ cúi đầu theo đứa quyền gian.
An Quốc tướng quân nổi giận truyền quân sĩ bắt Tần Sĩ Thăng đem ra ngoài
Ngọ Môn để chém. Quân sĩ vâng lệnh, liền xúm lại, tháo mũ cởi áo Tần Sĩ
Thăng mà đem ta ngoài cửa Ngọ Môn. Nguyễn tướng công vội vàng can rằng:
- Quan thượng thư họ Tần vốn là một người nho sinh, không biến quyền
biến. Nhưng ngày nay ta mở cửa cung vào rước thái hậu, không nên chém
quan đại thần, chi bằng cách chức đuổi về, đợi khi thái hậu lâm triều
rồi, bấy giờ sẽ nghị tội.
An Quốc tướng quân gật đầu, truyền tha chém cho Tần Sĩ Thăng mà cách chức đuổi về.
Lại nói chuyện Phi Giao hoàng hậu từ khi giam cấm Mạnh Lệ Quân ở trong cung thái hậu, không còn e sợ ai nữa, lại càng hung ác lạ thường. Một hôm
vua Anh Tôn đang ngự chơi trong vườn thượng uyển, có hai người cung phi
quì xuống tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thần thiếp nghe nói Mạnh
vương phi tới đây đã gần được hai năm, chẳng hay vì cớ chi mà hoàng hậu
không tâu để bệ hạ biết?
Vua Anh Tôn kinh ngạc mà hỏi rằng:
- Mạnh vương phi đến bao giờ thế? Năm trước hoàng hậu bảo trẫm là chỉ đợi Mạnh vương phi tới đây bấy giờ vào triều kiến thái hậu, sẽ giữ được vô
sự. Vậy có lẽ nào Mạnh vương phi tới đây đã hai năm mà lại không cho
trẫm biết! Âu là để trẫm sang cung hoàng hậu, hỏi xem sự tình đầu đuôi
việc này ra làm sao.
Hai người cung phi run sợ mà tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Hữu cung hoàng hậu lâu nay tính khí khác thường, cho
nên Mạnh vương phi tới đây, mọi người đều biết cả, mà không ai dám tâu
bày cùng bệ hạ. Hai thần thiếp ngu dại, tiết lộ việc này, xin bệ hạ rộng lòng thương chớ nên hỏi vội. Nếu bệ hạ hỏi đến thì thần thiếp tính mệnh khó toàn.
Vua Anh Tôn động lòng xót thương, thở dài mà không nói câu gì. Từ đó cứ ngày đêm lo phiền, không được vui vẻ như trước. Một
hôm, Phi Giao hoàng hậu ngự vào trong vườn, trông thấy các cung phi thân thể gầy mòn, y phục lam lũ, mới phán hỏi rằng:
- Lâu nay ta vì bận quốc chính, không ngự tới đây, chẳng hay cớ sao mà các cung phi đến nỗi như thế?
Các cung phi tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Hoàng hậu có đặt ra “Bốn mùa ban thưởng” nhưng lâu nay không thấy cấp phát cho.
Phi Giao hoàng hậu nói:
- Người nào thừa quản việc này?
Các cung phi tâu rằng:
- Muôn tâu hoàng hậu! Việc này do nội giám Phương Khâm thừa quản.
Phi Giao hoàng hậu nghe nói nổi giận, truyền đòi Phương Khâm đế để xét hỏi. Phương Khâm nghe nói tức giận mà tâu:
- Muôn tâu Hoàng hậu! Kẻ hạ thần xin liều chết mà giải bày: Mã Thuận tham lam lạ thường, chẳng những khấu trừ thưởng lệ của các cung phi mà thôi, lại dám cả gan ăn bớt đến số tiền ngự thiện nữa. Trong ngoài ai cũng
biết cả, nhưng hết thảy đều sợ uy mà không dám tâu. Hoàng hậu vốn là bậc thánh minh, không hiểu cớ sao lại bị đứa quyền gian ấy lừa dối. Mã
Thuận giao thông với Đồ Man Hưng Phục, triều chính bất cứ việc to việc
nhỏ, hễ hay thì chúng nhận là chúng tác thủ, mà dở thì chúng đều đổ lỗi
cho Hoàng hậu chuyên quyền. Kẻ hạ thần nói ra thật có nguy hiểm đến tính mệnh, nhưng vì Hoàng hậu hỏi đến, cho nên kẻ hạ thần bất đắc dĩ mà phải tâu như vậy.