Thanh Dương và Băng
Dương đã chạy trốn vào thảo nguyên. Anh em họ Lý phải bỏ trốn, tất cả
đều do Đại Cá. Trong buổi đấu tố Văn Vũ, Đại Cá đã lập công lớn. Nếu anh ta không trình báo, đoàn bần nông làm sao có thể đào được nhiều tài sản như thế ở nhà họ Lý. Bởi thế, khi phân chia thành quả thắng lợi, người
ta đã chia cho anh ta nhiều hơn một ít. Đại Cá có phần đắc ý, gặp ai
cũng nói:
- Muốn đổi đời cũng phải hiểu rõ nội tình địa chủ. Nếu không, lấy đâu ra tài sản chia nhau!
Do Đại Cá bây giờ đã công khai là đoàn viên đoàn bần nông, nên chuyện anh
ta trình báo trước đây không còn là bí mật nữa. Thanh Dương và Băng
Dương cũng biết chuyện Đại Cá bán đứng mình, nên đoàn bần nông mới biết
bọn họ bí mất chôn của cải vào ban đêm, mới đấu tố bọn họ mạnh tay như
thế, mới đánh chết người chú của họ là Văn Vũ. Hai người vô cùng hối
hận:
- Lúc đầu cứ tưởng Đại Cá là người thật thà, nuôi nó từng ấy năm, ai ngờ nuôi ong tay áo!
Nhưng bây giờ không còn là trước đây nữa. Trước đây, Đại Cá là người làm
thuê, còn bọn họ là chủ, thích đè Đại Cá ra đất làm ngựa cưỡi lúc nào
thì làm. Nhưng bây giờ Đại Cá đã đổi đời, bọn họ trở thành đối tượng bị
đánh đổ. Mặc dù bây giờ bọn họ hận Đại Cá tận xương tận tủy, nhưng khi
gặp Đại Cá vẫn phải đon đả chào “Chú ạ”, nếu không, ai biết anh ta sẽ
lại đi trình báo những gì. Cứ mỗi lần Đại Cá trình báo là Hòa Thượng lại đến, đêm hôm lại treo bọn họ lên để đánh. Đại Cá mặc dù đã là đoàn viên đoàn bần nông, nhưng vì anh ta là người làm thuê, không có nhà trong
thôn, nên buổi tối vẫn ở nhà họ Lý. Có điều, chuồng ngựa ở chiếc sân nhỏ phía nam nơi anh ta ở trước đây bây giờ đã là nơi trú ngụ của mười mấy
người nhà họ Lý, còn anh ta thì ở gian nhà chính. Buổi tối, Đại Cá về
nhà. Chỉ cần nghe tiếng chân của anh là mười mấy người nhà họ Lý lại run như cầy sấy trong chuồng ngựa, không biết hôm nay anh ta đã ra ngoài
làm những gì. Nhưng họ không biết rằng, trong thâm tâm, Đại Cá cũng áy
náy lắm. Vì anh ta trình báo nên mười mấy người nhà họ Lý mới lâm vào
cảnh khổ sở thế này. Dù sao, trước đây cũng đã sống với nhau hơn 20 năm, đều hiểu nhau cả, bây giờ người ta gặp cảnh éo le, mình cũng lại giậu
đổ bìm leo, để đến nỗi đàn bà con trẻ nhà người ta không có chỗ nương
thân. Đại Cá thấy day dứt lắm. Đặc biệt, có một hôm anh nằm mơ thấy địa
chủ Văn Vũ và anh ta cùng đánh xe đi thăm con gái. Sau đó, xe bị sa
xuống rãnh, kéo thế nào chiếc xe cũng không chịu lên. Văn Vũ nói:
- Đại Cá, để ta biến thành ngựa kéo xe lên vậy!
Nói rồi, Văn Vũ biến thành một con ngựa, tiến về phía trước kéo xe. Lúc
tỉnh dậy, Đại Cá thấy xót xa. Hồi còn sống, ông chủ đối đãi với mình
cũng tử tế! Vậy mà mình còn đi trình báo họ, để đến nỗi ông chủ bị người ta đập quả lựu đạn vào đầu chết tươi. Sau khi chết, lại bị lũ chó hoang xé xác, phải làm ma với tấm thân không lành lặn.
Nhưng chỉ những lúc ở nhà họ Lý, Đại Cá mới thấy day dứt. Chứ đã ra khỏi nhà, đến đoàn
bần nông, thấy mọi người hân hoan với niềm vui đổi đời, đặc biệt, trong
buổi đấu tố trước, thấy mọi người tố cáo tội ác và nợ máu của nhà họ Lý, Đại Cá lại cảm thấy nhà họ Lý thật đáng căm ghét, trình báo bọn chúng
là đúng. Lúc này, anh ta lại đắc ý vì mình đã trình báo họ. Bởi vậy, khi phân chia thành quả đấu tranh, công tác viên Lão Phạm đã dẫn anh ta đi
một vòng quanh sân xem xem thành quả đã đủ chưa, anh ta lại trình báo
chuyện nhà họ Lý có nhiều nhẫn vàng. Nhưng buổi tối, khi mang thành quả
thắng lợi về đến nhà họ Lý, nghe thấy tiếng thút thít của đàn bà con trẻ vọng lên từ chuồng ngựa ở chiếc sân nhỏ phía sau, Đại Cá lại thấy ân
hận. Nhà người ta đã có người bị chết, còn lại toàn đàn bà con gái trẻ
con, đến bước đường cùng rồi, vậy mà mình còn trình báo việc họ có nhẫn
vàng làm gì? Huống hồ, nhà người ta rốt cuộc có nhẫn vàng hay không,
mình cũng chưa thấy tận mắt, chỉ là nghe nói, chứ không thấy rõ ràng như họ bí mật chôn của lần trước. Nghĩ thế, Đại Cá day dứt lắm. Tối nay anh lấy chỗ thịt lợn được chia băm làm nhân bánh cảo, nhưng bây giờ chẳng
còn lòng dạ nào để làm bánh nữa. Anh muốn ra chuồng ngựa đích thân hỏi
Thanh Dương và Băng Dương xem họ còn nhẫn vàng không. Nếu có, thì khuyên họ thành khẩn khai báo. Nếu thật sự không có, có nghĩa là anh trình báo sai, anh sẽ đi tìm Hòa Thượng để nói rõ tình hình, để anh em nhà họ Lý
khỏi bị treo lên tra khảo. Nghĩ đến cảnh bọn họ bị đánh đập tra hỏi bên
ngoài, trong khi mình đang đánh giấc say sưa trong này. Nếu oan cho họ
thật, thì lương tâm mình chẳng phải cũng day dứt lắm sao? Nghĩ thế, Đại
Cá liền đứng dậy đi về phía gian nhà nhỏ phía nam. Vào đến chuồng ngựa,
thấy người nhà họ Lý, già trẻ gái trai cả thảy hơn 10 người đang co ro
trên đống rơm. Chiếc nồi to trước đây dùng để nấu thức ăn cho gia súc,
bây giờ bọn họ dùng để nấu một nồi cháo loãng to. Trên đống rơm, cả nhà
co ro xì xụp húp cháo loãng. Thấy Đại Cá đi vào, cả bọn sợ quá, đến đứa
trẻ mới hơn 10 ngày tuổi đang khóc, ngửi thấy mùi lạ cũng im bặt. Thanh
Dương và Băng Dương thấy Đại Cá đi vào, trong bụng run lắm. Thật ra, bọn họ không húp cháo. Bị Hòa Thượng treo lên đánh suốt một đêm, thân thể
rã rời, sốt cao, đang rên hừ hừ trên đống rơm. Trông thấy Đại Cá, tiếng
rên rỉ câm bặt. Bọn họ lồm cồm bò dậy, hô một tiếng “Chú ạ!”, rồi cúi
đầu khoanh tay trước mặt Đại Cá. Đại Cá thấy không nỡ, nói:
- Các anh cứ nằm đi, nằm đi!
Rồi lại nói:
- Tôi đến để hỏi các anh, nhà mình còn giấu nhẫn vàng không?
Thanh Dương và Băng Dương nói:
- Chú ơi, trong nhà đã đào sâu ba thước, làm gì có nhẫn vàng? Chúng con
bị đánh đập như thế, nếu còn nhẫn vàng thật thì bọn con đã khai rồi!
Nói rồi hai người lại quỳ xuống trước mặt Đại Cá:
- Chú, bây giờ bọn con chẳng còn ai thân thích, chỉ còn biết trông cậy vào sự che chở của chú!
Đại Cá thấy thế, vội vàng chạy ra ngoài, vừa chạy vừa nói:
- Đừng làm thế, đừng làm thế. Tôi cũng chỉ hỏi vậy thôi, vì sợ lát nữa Hòa Thượng lại đến thẩm vấn các anh!
Đại Cá chạy ra khỏi sân, cũng không rõ nhà họ Lý còn nhẫn vàng hay không.
Nhưng anh ta ân hận vì lời khai báo của mình ngày hôm nay. Cho dù là có
còn nhẫn vàng hay không, nhưng thân thể người ta đã bị đánh tơi bời như
thế, buổi tối Hòa Thượng đến nữa thì biết làm thế nào? Nghĩ đến đây, Đại Cá ra khỏi nhà đi đến nhà Hòa Thượng. Đại muốn khuyên Hòa Thượng tối
nay đừng thẩm vấn nữa. Đến nhà Hòa Thượng, thấy anh ta say rượu. Đại Cá
nghĩ, đêm nay nó đã say thế thì không thẩm vấn được, mới yên tâm về nhà
ngủ.
Nhưng Thanh Dương và Băng Dương lại không biết Hòa Thượng
say rượu. Tưởng lát nữa Hòa Thượng sẽ lại đến thẩm vấn. Mới nghĩ đến
chuyện lại bị thẩm vấn, hai người đã sởn da gà. Thanh Dương nói:
- Cứ tưởng dần cho anh em mình một trận là xong. Ai dè vẫn cứ dây dưa
mãi. Tịch thu tài sản, đuổi ra khỏi nhà, đào đất sâu ba thước. Đã thế
lại bảo còn nhẫn vàng. Lấy nhẫn vàng xong, không biết chừng lại bảo còn
vàng thoi, mình còn bị hành đến bao giờ nữa?
Băng Dương nói:
- Em không chịu nổi nữa đâu! Nếu chúng dùng roi da đánh em một đêm nữa có lẽ em cũng giống chú Văn Vũ, bị ném ra đồng hoang làm mồi cho chó. Anh, đã đến nước này, anh em phải trốn thôi!
Nhắc đến ông chú xấu số, hai anh em nhà họ Lý lại run như cầy sấy. Thế là đồng ý chạy trốn. Thanh Dương nói:
- Chúng ta bỏ trốn, đàn bà trẻ con ở lại biết làm thế nào?
Vợ Thanh Dương nói:
- Các anh cứ trốn đi. Bọn chúng chỉ trút giận vào các anh. Các anh có bỏ
chạy thì bọn chúng chắc cũng chẳng làm gì cánh đàn bà trẻ con ở nhà đâu!
Vợ Tiểu Vũ là Ngọc Chi cũng gật đầu đồng ý, lại nói với Thanh Dương:
- Các chú chạy đến thảo nguyên, gặp Tiểu Vũ bảo anh ấy mau về đón mẹ con tôi. Tôi không chịu nổi rồi!
Nói rồi lấy tay bụm miệng, nấc lên.
Mọi người chuẩn bị hành trang đơn giản cho Thanh Dương và Băng Dương rồi
hai người trèo tường bỏ trốn. Cảnh chia ly cũng đau thương, bịn rịn lắm, nhưng mọi người đều kiềm chế để không bật ra tiếng khóc, sợ Đại Cá ở
nhà giữa nghe thấy. Thật ra, Đại Cá đã ngủ say từ lâu, làm sao biết
chuyện bọn họ bỏ trốn? Sáng sớm hôm sau, Hòa Thượng tỉnh rượu, dẫn dân
binh đến thẩm vấn mới phát hiện địa chủ Thanh Dương và Băng Dương bỏ
trốn.
Thanh Dương và Băng Dương băng tuyết đi mất một đêm. Vì
đang bị thương, nên một đêm chỉ đi được ba mươi dặm. Trời sáng, bọn họ
không dám đi tiếp, lánh tạm vào mé đê. Lúc đói, lại lôi ít cháy trong
bao nải ra ăn. Đến tối, hai người lại tiếp tục đi, đến khi trời sáng thì đến được thảo nguyên.
Thảo nguyên bao la, trong vòng mấy chục
dặm tịnh không một bóng người. Tiểu Thốc từng dẫn đầu một toán phỉ đóng ở đây. Đến mùa thu, lau sậy cao ngút đầu người, không cẩn thận dễ sa chân xuống đầm lầy. Loài thỏ, cáo, sói thường xuất hiện trong đám cỏ và lau
sậy. Lúc nhàn rỗi, bọn phỉ thường đến đây săn thỏ và cáo để luyện bắn
súng. Sau đó, thỏ và cáo đều bỏ trốn đi nơi khác. Bọn phỉ lại ở đây,
không xây nhà mà chỉ dựng tạm chiếc lều đơn sơ. Chặt một ít cây, cắt một ít lau sậy lợp thành lều. Do lều ẩn mình trong bãi lau sậy, nên người
ngoài rất khó phát hiện. Chiếc lều trông bề ngoài thì xộc xệch, chỗ ngắn chỗ dài, chỗ thò ra, thụt vào, nhưng bên trong rất rộng rãi. Do xung
quanh đều là lau sậy nên còn ấm hơn cả nhà dân bình thường. Mùa đông,
kiếm một ít củi về nhóm lửa sưởi, chẳng hề lạnh một tí nào. Chỉ có điều, ở đây không trồng được hoa màu lại heo hút không có bóng người, nên vấn đề ăn uống cũng khó khăn. Chỉ trông chờ vào những lần mò xuống các thôn cướp. Trước khi giặc Nhật đến, có đến mấy toán phỉ sống ở đây, thường
xích mích, đánh lộn nhau. Ở ngoài cứ nghe thấy trong thảo nguyên có
tiếng súng là biết ngay bọn phỉ đang thanh toán nhau. Bây giờ, Đảng cộng sản đã giải phóng vùng đất này. Đại quân vừa đến, bọn phỉ đã tan tác.
Toán phỉ của Tiểu Thốc bị tan rã từ đó. Tiểu Thốc quay về thôn. Từ đó,
trong thảo nguyên không còn ai. Tiểu Vũ dẫn tàn quân chui lủi khắp nơi,
cuối cùng mò đến căn cứ của bọn phỉ trước đây ở tạm. Nhưng lúc này, quân lính của Tiểu Vũ chỉ còn lại hơn hai mươi người. Chỗ ở lại có sẵn, đâu
đâu cũng thấy những túp lều tạm do bọn phỉ trước đây để lại, nên chuyện ở coi như giải quyết xong. Vấn đề còn lại chỉ là chuyện ăn uống thế nào.
Tứ phía đâu cũng có bộ đội chính quy của Đảng cộng sản, nên bọn Tiểu Vũ
không dám ban đêm mò vào thôn cướp của dân. Huống hồ, Tiểu Vũ cũng không muốn làm phỉ. Một vài tên lính không chịu nổi cuộc sống vất vả, đang
đêm lén bỏ trốn. Số đàn em thân cận còn lại và Tiểu Vũ cũng chỉ được hơn 10 người. Tiểu Vũ vốn là thư sinh, sau này gác bút tòng quân, vốn tưởng sẽ từng bước leo lên đỉnh cao danh vọng, nào ngờ quân đội Quốc dân đảng đội ngũ chỉnh tề là thế, cuối cùng vẫn bị Bát lộ quân quê mùa đầy mình
chấy rận đánh bại. Để đến bây giờ, Tiểu Vũ phải lưu lạc đến vùng đồng
không mông quạnh này. Cảnh khốn khó bây giờ bắt anh phải suy ngẫm. Chỉ
có hai đường thoát: Một là cam chịu thất bại, đầu hàng Đảng cộng sản.
Nhưng Tiểu Vũ không đành lòng. Anh còn lo sau khi đầu hàng Đảng cộng sản thì số phận của mình sẽ ra sao. Hai là ngoan cố kháng cự Đảng cộng sản
đến cùng. Nhưng anh cũng hiểu rằng, quân đội Quốc dân đảng đã bị đánh
lui xuống mạn phía nam sông Trường Giang. Ở đây chỉ còn lại anh và lính
tráng vẻn vẹn hơn mười người. Có chống cự cũng chẳng làm nên trò chống
gì, rốt cuộc vẫn không thoát khỏi cái chết. Tiểu Vũ cứ suy đi tính lại
mãi, lúc nào cũng trong tình trạng buồn bực, căng thẳng. Ngoài ra, anh
còn canh cánh một nỗi lo nữa. Anh đã bí mật đưa vợ bụng mang dạ chửa về
quê, không biết bây giờ đã sinh chưa. Trong thôn bây giờ đang cải cách
ruộng đất, không biết Đảng cộng sản có làm gì gia đình mình không. Có
lúc, anh nghĩ miên man cả ngày, chẳng nói chẳng rằng. Tiểu đội trưởng
Ngô thấy vậy sợ quá, khuyên:
- Đại đội trưởng, anh đừng nghĩ lung tung nữa. Anh có nghĩ nữa cũng chẳng ích gì đâu. Chúng ta bây giờ sống
ngày nào hay ngày ấy thôi!
Tiểu Vũ thấy tên Ngô nói cũng đúng,
tình cảnh bây giờ chẳng khác gì sống ngày nào biết ngày ấy. Nghĩ đến
đây, nỗi lòng anh mới vơi đi đôi chút. Có lúc trời nắng đẹp, Tiểu Vũ ra
khỏi lều, nằm lên đám lau sậy sưởi nắng. Có lúc lại đọc sách cho qua
ngày. Nhưng Tiểu Vũ vẫn không lơ là cảnh giác, thường xuyên thay đổi nơi ở. Cũng may bọn cướp để lại nhiều lều, nên đi đến đâu cũng có chỗ ở.
Hơn mười người còn lại trước đây không phải là lính bảo vệ của Tiểu Vũ
mà toàn là cánh tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, một mực trung thành
với Tiểu Vũ. Tiểu Vũ cũng rất quan tâm đến cấp dưới của mình. Lần trước
lẻn về nhà được bố cho một chiếc đệm da hổ. Anh mang về tặng lại trung
đội trưởng Nghê bị thương ở hông trong một trận chiến. Sống khổ sở,
nhưng mọi người rất đồng lòng, bao bọc thương yêu nhau. Nhóm tàn quân
này của Quốc dân đảng tạm thời sống trong thảo nguyên.
Thanh
Dương và Băng Dương mò đến thảo nguyên, vào sâu thêm hơn mười dặm nữa
thì gặp quân của Tiểu Vũ đang di chuyển địa điểm. Thế là quá may cho bọn chúng, bởi nếu không, thảo nguyên rộng những mấy chục dặm, bao la như
thế biết tìm ở đâu? Lính của Tiểu Vũ trông thấy hai anh em họ Lý, tưởng
là lính trinh sát của giải phóng quân liền vội vàng ẩn nấp. Thanh Dương
và Băng Dương đang dò dẫm trong đám lau sậy, thì bị quật xuống trói quặt tay từ phía sau. Đến khi bọn lính giải hai người đến trước mặt Tiểu Vũ, Tiểu Vũ mới giật mình thốt lên một tiếng:
- Kìa, Thanh Dương, Băng Dương!
Thanh Dương và Băng Dương thấy Tiểu Vũ, chỉ nói được tiếng “Anh Vũ!” rồi ngất xỉu. Lính của Tiểu Vũ khiêng bọn họ vào lều, gọi thế nào cũng không
tỉnh. Sờ trán thấy sốt cao, mở khuy áo ra, thấy trên mình toàn vết
thương. Tiểu Vũ chau mày nói:
- Hỏng rồi, hỏng rồi. Ở nhà chắc chắn có chuyện rồi!
Rồi đi lại xung quanh Thanh Dương và Băng Dương. Cũng may, đám lính vẫn
mang theo một thùng thuốc. Họ cho hai anh em họ Dương uống thuốc, rồi
thoa thuốc lên người. Đến tối, Băng Dương vẫn mê man, Thanh Dương đã
tỉnh lại. Nhìn thấy Tiểu Vũ dưới ánh đuốc, Thanh Dương òa khóc nức nở.
Lúc này, Tiểu Vũ lại rất bình tĩnh, nói:
- Đừng khóc, đừng khóc nữa. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì vậy, em cứ thong thả nói!
Thanh Dương mới thôi khóc, rồi kể đầu đuôi chuyện nhà cho Tiểu Vũ. Người ta
đã tổ chức đấu tố như thế nào, bị thu tài sản ra sao, Văn Vũ bị lựu đạn
đập vào đầu như thế nào, sau khi chết bị lũ chó hoang cắn xé ra sao, đất trong nhà bị đào sâu ba thước như thế nào, cả nhà hơn mười người bị
đuổi ra chuồng ngựa ở chiếc sân nhỏ phía nam ra sao, chị dâu Ngọc Chi đã sinh con như thế nào, đứa trẻ mới hơn mười ngày tuổi suýt nữa cũng bị
chết oan ra sao. Anh em họ bị treo lên đánh đập như thế nào, cuối cùng
đã bỏ trốn như thế nào. Tiểu Vũ càng nghe, mặt càng tím tái, cuối cùng
nói:
- Thế nghĩa là, cả nhà mình hơn mười người bây giờ không có nhà nữa à?
- Làm gì còn nhà. Đều bị đuổi hết vào chuồng ngựa ở chiếc sân nhỏ phía nam rồi. Chú còn bị đánh chết!
Tiểu Vũ hai tay nắm chặt, đập lia lịa vào đầu mình:
- Khốn nạn thân tôi, cha bị giết, vậy mà còn có ý định đầu hàng cộng sản. Tôi không ngờ bọn chúng lại tàn nhẫn như vậy. Bọn chúng không để lại
cho tôi một chút đường lui. Muốn hàng cũng không xong!
Nói rồi gục xuống đất khóc rưng rức.
Đến tối, thảo nguyên mới trở lại vẻ yên tĩnh. Tiểu đội trưởng Ngô cho người nấu một nồi cháo loãng, hơn chục người cầm bát húp xì xụp. Con ngựa
chiến bị giết lần trước vẫn còn lại hai chiếc đùi. Tên Ngô cũng hầm một
nồi con, bưng đến trước mặt mọi người. Nhưng trong suốt bữa ăn, không
một ai vớt thịt ngựa lên để ăn. Mọi người chỉ húp cháo loãng. Húp cháo
xong, lại đi ngủ. Tên Ngô bò đến cạnh Tiểu Vũ nói:
- Đại đội trưởng, có cần em dẫn mấy anh em về thôn trả thù cho bác trai không?
Lúc này, Tiểu Vũ đã bình tĩnh trở lại, vỗ vai tên Ngô nói:
- Anh Ngô, anh đi ngủ đi. Bây giờ lửa giận đang bốc lên đầu, không được
hành động hấp tấp, ngày mai có thể cử người đi trinh sát trước!
Sáng sớm hôm sau, lại xảy ra một chuyện. Ba tên lính đi ra đầm lầy đục băng
bắt cá, lại tóm được hai kẻ lạ mặt ở trong một chiếc lều ở đầm lầy. Giải bọn chúng đến trước mặt Tiểu Vũ. Anh nhận ra đây là Tiểu Thốc và Bố
Đại. Trông dáng vẻ hai người cũng giống như chạy nạn. Ai cũng ních chặt
quần áo, lưng khoác bao nải, chân lấm lem bùn đất. Tiểu Vũ thấy lạ hỏi:
- Sao chú và anh cũng đến đây?
Lúc này Thanh Dương mới quay người lại. Tiểu Thốc chỉ vào anh ta nói:
- Sao anh ta cũng đến đây?
Thanh Dương nói:
- Chúng tôi không đến, để người ta treo chúng tôi lên đánh đến chết à?
- Thì thế. Hai anh đến đây thì trong thôn sẽ lại đến lượt chúng tôi. Các anh sợ chết, còn chúng tôi thì không sợ chết chắc?
Tiểu Thốc vốn chẳng mấy quan tâm đến chuyện cải cách ruộng đất, còn trách
công tác viên Lão Phạm không để anh ta tham gia cùng. Đến khi công khai
gây chuyện với trưởng đoàn bần nông Thích Vị, hắt rượu vào mặt anh ta,
Tiểu Thốc không còn oán trách nữa. Nghĩ thầm, không cho mình tham gia
cũng hay, càng được tự do tự tại. Trấn được của Văn Vũ một chiếc áo da,
mang ra chợ bán, mua một ít hàng Tết, về nhà hầm thịt uống rượu cả ngày. Nghe nói, công tác viên đòi đấu tố mình, Tiểu Thốc cũng không bận tâm.
Anh ta đã một lần bị dẫn ra đấu tố cùng Văn Vũ, khi về nhà vẫn uống
rượu. Thích đấu tố thì đấu tố, dù sao mình cũng chẳng có tài sản gì to
tát, sợ gì. Nhưng sau khi Văn Vũ bị Thích Vị cầm lựu đạn đập chết, Tiểu
Thốc hoảng thật sự. Lúc này mới biết lợi hại của buổi đấu tố và đoàn bần nông. Họ không chỉ tịch thu của cải, mà còn đòi tính mạng địa chủ! Tiểu Thốc không sợ bị tịch thu tài sản nhưng sợ bị mất mạng. Hắn đã từng làm tướng cướp, chỉ huy đàn em giết người. Hắn biết, giết một người chỉ cần nháy mắt là xong, dễ vô cùng. Hồi làm cướp, con tin trong tay mình, chỉ cần một lúc không cao hứng, phút trước vẫn còn để con tin sống, phút
sau đã bắt họ phải chết. Bây giờ, chẳng phải hắn cũng rơi vào tay đoàn
bần nông và Thích Vị rồi hay sao? Người ta thích đấu tố lúc nào, thích
giết lúc nào là được lúc ấy. Lần trước, Tiểu Thốc hắt một bát rượu vào
mặt Thích Vị, vì tưởng rằng anh ta cũng chỉ là một thằng nhát gan, nào
ngờ, thắng oắt đó dám ra tay thật. Nó đập Văn Vũ một cái chết luôn. Vậy
thì nó muốn đập mình lúc nào chẳng được. Càng nghĩ, càng sợ. Lại nghe
nói Thanh Dương và Băng Dương bị nhét giẻ vào mồm rồi treo lên cây đánh. Thế thì đau đớn lắm, Tiểu Thốc biết rõ điều đó. Sau khi nghe tin Thanh
Dương và Băng Dương sợ quá bỏ trốn, biết cuộc đấu tố chuẩn bị đến lượt
mình. Hắn sốt ruột như kiến nằm trong chảo nóng, rượu không muốn uống,
thịt chẳng buồn ăn, chỉ đi đi lại lại như đèn cù trong nhà. Mãi sau,
bỗng nói với vợ:
- Cô khẩn trương thu xếp tay nải cho tôi, tôi phải trốn!
Lão Khang hỏi:
- Anh định trốn đi đâu?
- Trốn đâu cũng được, còn hơn ở nhà chờ chết!
- Anh chỉ biết sướng thân anh. Anh bỏ trốn, mình tôi ở lại biết làm thế nào?
Tiểu Thốc bước đến giáng cho vợ một cái tát:
- Mẹ mày chứ, tao chết đến nơi rồi, mà mày còn đứng đó mà lải nhải à!
Lão Khang khóc rống lên:
- Tôi không ở nhà. Tôi đi theo anh. Ở nhà đói rã họng ra, tôi không chịu nổi!
- Ở nhà vẫn còn thịt lợn và một bó rau hẹ đấy thôi? Cô chạy trốn theo tôi thì không khổ nữa chắc? Đây là chạy trốn, chứ không phải đi cướp. Mẹ
kiếp lũ đàn bà các cô, cứ có chuyện là nhảy dựng lên, nói cho sướng mồm. Hồi ấy lẽ ra tôi không nên nghe lời thằng biết chữ lấy cô làm vợ!
Nói xong, mặc kệ Lão Khang, tự mình chuẩn bị tay nải. Xong xuôi, lại đi tìm chiếc điếu, nhét vào tay nải, khoác lên người rồi đi. Lúc này, Lão
Khang không khóc nữa, còn ra vẻ quan tâm:
- Một mình nhà mình chạy trốn, sao không tìm lấy một người bạn đồng hành, trên đường đi đỡ buồn!
- Sao cô biết là tôi không có bạn. Bây giờ tôi đi tìm đây!
Nói rồi khoác tay nải chạy đến nhà Bố Đại để tìm bạn đồng hành. Nói:
- Chú ơi, anh em nhà họ Lý đều chạy hết rồi, bây giờ đến lượt chú cháu mình phải mất mạng rồi! Mình chạy trốn thôi!
Bố Đại thấy tình hình trong thôn như vậy, cũng hơi sợ, đang buồn bực về
tình cảnh của mình. Nhưng thấy Tiểu Thốc hớt ha hớt hải, lại thấy buồn
cười, nói:
- Tiểu Thốc, cái hôm bị đấu tố cùng Văn Vũ, tao đã bảo mày, nhưng mày lại nổi nóng với tao, bảo tao đừng có lợi dụng mày, sao
bây giờ mày cũng sợ rồi à?
Tiểu Thốc xua tay nói:
- Chú,
chuyện trước đây không nói nữa, cũng tại tôi chưa hiểu rõ về Đảng cộng
sản. Bây giờ tôi đến tìm chú làm bạn đồng hành đây!
- Tao đã hơn 60 tuổi rồi, chẳng muốn chạy trốn đâu!
- Nhưng cộng sản cũng chẳng quan tâm đến tuổi tác của ông đâu. Đến như
Văn Vũ, hơn 60 tuổi đầu vẫn bị người ta dùng lựu đạn đập chết tươi đấy
thôi. Nếu ông muốn cũng bị đập chết như thế, thì ông ở lại. Còn tôi kiểu gì cũng phải trốn!
Bố Đại nghĩ một lúc, cũng không muốn bị đập
chết. Bây giờ, chẳng còn con đường nào khác ngoài bỏ trốn. Bố Đại thở
dài, mới hồi nào ngang dọc một thời, vậy mà bây giờ đã thành ông già.
Đến lúc già lại rơi vào tình cảnh khốn nạn này, phải làm bạn với một tên cướp để bỏ trốn. Bố Đại hỏi Tiểu Thốc:
- Mày định trốn đi đâu?
- Thảo nguyên. Tôi thông thạo địa hình ở đó. Ta cứ đến đó lánh nạn trước cái đã!
Bố Đại bèn bảo Tiểu Xảo chuẩn bị tay nải. Hai người bỏ trốn ra thảo
nguyên. Nào ngờ, vừa đến thảo nguyên đã bị lính của Tiểu Vũ bắt. Tiểu Vũ hỏi chuyện bọn họ xong, nghĩ đến cảnh mọi người đều đang hoạn nạn, liền giữ bọn họ ở lại. Nhưng Thanh Dương không đồng ý, nói:
- Anh Vũ, hai tên này phải giết!
- Họ cũng bị Cộng sản ép phải chạy trốn, hoàn cảnh cũng giống mình, sao lại giết?
- Bọn họ đều là kẻ thù của gia đình mình! Bố Đại có mối thâm thù với nhà
ta. Mấy chục năm trước, ông nội chúng ta bị nó giết. Thù này mãi vẫn
chưa trả được. Tiểu Thốc thì gây thù mới với nhà ta. Mấy hôm trước, hắn
còn ép nhà mình phải chuyển mộ tổ, nếu không phải nộp mười đấu vừng. Bây giờ, bọn chúng rơi vào tay chúng ta, không giết luôn, còn đợi đến bao
giờ?
Tiểu Vũ nghĩ một lúc, thấy cũng có lý, nói:
- Thế này vậy, chúng ta không để cho chúng sống, nhưng cũng không giết ngay. Cứ giam chúng lại đã rồi tính sau!
Rồi bảo tên Ngô tịch thu tay nải của bọn họ, sau đó nhốt vào một chiếc lồng sắt trong đầm lầy. Chiếc lồng sắt này cũng do bọn cướp để lại từ ngày
xưa, chuyên dùng để nhốt con tin. Ngày trước, khi Tiểu Thốc làm tướng
cướp ở dây đều dùng chiếc lồng sắt này để nhốt con tin. Không ngờ, ngày
hôm nay, mình lại bị nhốt ở đây. Vừa vào lồng sắt, Tiểu Thốc nói:
- Chú ơi, hôm nay mình đen đủi quá. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Vừa thoát
khỏi bàn tay của Cộng sản, thì lại bị bọn Quốc dân đảng nhốt vào lồng.
Thiên hạ không còn chốn cho hai ta dung thân rồi!
Bố Đại trừng mắt:
- Tao đã bảo không trốn, mày cứ xui tao. Đấy, mày xem!
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT