Người ta dựng một giàn gỗ rất cao ven sông Trum-chu, dưới chân núi Benbo và phủ cỏ khô xung quanh. Kháp Na nằm đó như đang say giấc trong lớp áo trắng tinh khiết. Dung mạo thanh tân của chàng mãi mãi dừng lại ở tuổi hai mươi chín, không bao giờ già đi.
Shakya Zangpo cùng tất cả sư tăng của Sakya xếp thành mấy chục hàng dài, ngồi thiền trên những phiến đá nhỏ ven sông, tụng kinh siêu độ. Bên kia là gia tộc họ Khon, gồm các anh chị em và cháu của Kháp Na. Người có gương mặt thảm hại nhất là Kunga Zangpo, cậu ta bị trúng độc nhưng vẫn gắng gượng tiễn đưa Kháp Na.
Thiên táng là tập tục phổ biến, đã hình thành từ lâu đời ở đất Tạng. Chỉ bậc cao tăng của các giáo phái, sau khi viên tịch, mới được hỏa táng. Tuy không phải là pháp vương nhưng địa vị của Kháp Na ở Sakya không thua kém địa vị của pháp vương nên chàng được hỏa táng long trọng và Bát Tư Ba đích thân chủ trì lễ táng.
Tôi ngồi trong kiệu, không cầm nổi những dòng nước mắt tuôn rơi xuống bụng bầu. Tôi không còn đủ linh khí để biến hóa thành người khác nên Bát Tư Ba không muốn tôi tham dự tang lễ, nhưng tôi yêu cầu được đến. Bát Tư Ba đành sắp xếp để tôi ngồi trong kiệu, dặn dò tôi không được ra ngoài. Chàng nói với mọi người rằng thai nhi không được khỏe, Vương phi phải kiêng gió, tránh gặp người lạ.
Mọi người lần lượt bước lên phía trước, tay cầm khăn lụa Ha đa, cúi đầu trước Kháp Na rồi dâng khăn lên giàn gỗ. Sau đó, Dampa trao cho Bát Tư Ba một ngọn đuốc. Râu ria lởm chởm dưới cằm, hai mắt sưng đỏ, vẻ mặt tiều tuy, võ vàng, bàn tay chàng run bần bật khi đón lấy ngọn đuốc rồi chàng bật khóc. Một tay Bát Tư Ba cầm ngọn đuốc, một tay ôm ngực, lưng còng xuống, lảo đảo bước lên phía trước, hít thở rất nhiều lần mới châm được ngọn lửa vào đám cỏ khô.
Cỏ khô bén lửa rất nhanh, gương mặt Kháp Na trở nên hồng hào, tràn đầy sinh khí dưới ánh lửa bập bùng. Tôi đã khóc hết nước mắt, một tay túm chặt rèm kiệu, một tay áp chặt sợi dây buộc tóc màu lam lên ngực, cố kiềm chế khao khát muốn lao đến bên chàng. Đêm qua, Bát Tư Ba đã cho phép tôi vào gặp Kháp Na lần cuối. Tôi đã cắt sợi dây buộc tóc màu lam làm hai, buộc một nửa vào mái tóc mềm như lụa của chàng. Tôi hôn lên bờ môi giá băng của chàng lần cuối. Tình yêu của chàng, hạnh phúc của chàng, mọi thứ đẹp đẽ về chàng đã kết thúc chóng vánh ở tuổi hai mươi chín.
Mọi người đều quỳ xuống, tiếng khóc ai oán vang vọng khắp hai bên bờ sông. Bát Tư Ba chống hai tay xuống đất, đầu cúi thấp, bờ vai rung động. Ba nghìn tăng nhân của phái Sakya ngồi xếp bằng tụng kinh siêu độ, tiếng tụng niệm xen lẫn tiếng khóc than nức nở khiến cho bầu không khí vừa trang nghiêm vừa tang thương. Ngọn lửa lớn dần, chỉ trong chốc lát đã nuốt chửng thi thể của Kháp Na. Trái tim tôi như bị cắt thành từng mảnh khi nghĩ về những ngày tháng sau này tôi sẽ không còn được nhìn thấy chàng cười, nghe chàng nói lời yêu thương nữa.
Rặng thông ù ù thổi, như khóc như than. Tang lễ kéo dài hơn một canh giờ. Vậy là, Kháp Na đã trở về với cát bụi…
Bát Tư Ba chầm chậm gom nhặt tro cốt của em trai vào chiếc bình vàng. Chàng mân mê chiếc bình rồi đau đớn bật khóc, tưởng như không thể tiếp tục thu lượm được nữa. Có người đứng bên muốn lại gần giúp nhưng chàng kiên quyết không chịu, kiên trì tự tay gom nhặt bằng hết, bỏ vào bình. Mặt trời ngả về tây, ráng chiều nhuộm nền trời đỏ rực. Những chùm nắng đổ dài trên núi Benbo, đan cài giữa màu tuyết trắng bàng bạc. Bát Tư Ba run rẩy đặt bình tro cốt vào tháp hoàng kim nguy nga trước cổng ngôi đền Sakya. Khi những người thợ từ từ đóng nắp tòa tháp lại, Bát Tư Ba đau đớn tột độ, ngất đi. Khi ra lệnh cho Anigo xây dựng tòa tháp này, chàng đâu ngờ rằng, nó lại trở thành mộ chí của Kháp Na.
Sau những tiếng gọi hốt hoảng của Shakya Zangpo, Bát Tư Ba dần tỉnh lại, chàng gượng đứng lên, tuyên bố với tất cả con dân của giáo phái Sakya:
- Thành trì của giáo phái không cần dời đến Samdruptse nữa.
Lời tuyên bố vừa dứt, đám đông lập tức xôn xao. Vì ngày trước, chính Bát Tư Ba là người bất chấp ý kiến phản đối việc di dời thành trì đến nơi khác. Vậy nên bản khâm Shakya Zangpo tỏ ra vô cùng băn khoăn:
- Pháp vương, vậy thì thành trì sẽ…
- Sẽ ở đây, thành trì sẽ được xây dựng trên lũng sông Trum-chu này.
Bát Tư Ba chỉ tay xuống mảnh đất dưới chân, mắt dõi nhìn công trình kiến trúc đồ sộ trên lưng chừng núi, dưới ánh chiều ta, sắc đỏ, trắng, xanh biến đổi kỳ ảo.
- Ngôi đền trên lưng chừng núi sẽ được gọi là đền Bắc Sakya, còn thành trì mới xây dựng sẽ được gọi là đền Nam Sakya, công trình mới sẽ được khởi công ngay tức khắc.
Những lời này khiến tôi sững sờ, nước mắt tuôn rơi. Kế hoạch mà chàng đã khổ công trù bị bao tháng ngày đã thay đổi một sớm một chiều vì sự ra đi đột ngột của Kháp Na. Tôi hiểu rằng, chàng không muốn rời xa em trai mình, chàng muốn bao bọc, che chở cho Kháp Na.
Ánh chiếu đã xuống đến tòa tháp hoàng kim, nơi lưu giữ tro cốt của Kháp Na. Giọng Bát Tư Ba run rẩy cất lên:
- Ta sẽ cho xây dựng một Phật điện bên cạnh lăng mộ của Bạch Lan Vương để ngày ngày hương khói. Sau này, lăng mộ của các đời pháp vương phái Sakya đều sẽ được xây dựng ở đây, kể cả ta.
Mặt trời khuất sau rặng núi Benbo, màn đêm trùm khắp mặt đất, gió đêm ào tới, thổi bay vạt áo tăng ni của chàng. Bát Tư Ba và tòa tháp chất chứa đau thương ấy như quyện hòa vào nhau, chìm trong bóng tối thê lương.
- Lam Kha, chịu khó ăn một chút đi, đây là món thịt gà và sữa bò mà em thích nhất. – Bát Tư Ba bưng khay đồ ăn đến bên giường, động viên tôi. – Em đã bỏ bữa rất lâu rồi. Cho dù còn linh khí đi nữa, em cũng không nên đày ải bản thân mình như vậy.
Nói vậy nhưng chàng có hơn tôi là bao, cũng mất ngủ, cũng bỏ bữa liên tục nhiều ngày. Tôi ngó khay đồ ăn thơm phức mà chẳng có cảm giác đói bụng, tủi thân, lắc đầu.
Bát Tư Ba ngồi xuống trước mặt tôi, nhìn tôi đầy lo lắng:
- Ta xin em, hãy nghĩ đến đứa bé!
Tôi ôm bụng, cơn đau khiến mồ hôi trên trán tôi túa ra đầm đìa:
- Không phải em không chịu ăn mà bụng em đau dữ dội, đau đến mức em không muốn ăn bất cứ thứ gì.
Tôi thở hổn hển, ngả lưng xuống gối:
- Em e mình sẽ sinh non mất.
Bát Tư Ba bàng hoàng khi thấy thân dưới của tôi ra máu.
- Ta sẽ lập tức cho gọi bà đỡ đến và lệnh cho tất cả các thầy thuốc của giáo phái đứng đợi lệnh ở bên ngoài.
Tôi vội nắm chặt tay áo rộng của chàng, ngăn lại:
- Em muốn tự mình sinh con vì em không thể biến thành Kangtsoban được nữa, không thể để người khác nhìn thấy gương mặt thật của em.
Chàng sốt ruột:
- Đến nước này rồi, em còn lo chuyện đó làm gì! Em sinh non khi mới mang thai bảy tháng, cả hai mẹ con đều rất nguy hiểm.
Tôi khổ sở lắc đầu:
- Em đã diễn vở kịch này ngần ấy thời gian, nếu bây giờ bị lộ, công lao của em và Kháp Na sẽ đổ xuống sông, xuống biển.
Chàng hơi do dự. Thấy tôi đau đớn, quẳn quại, chàng liền bật dậy, nhặt tấm chăn thừa, trèo lên giường, buộc hai đầu góc chăn lên cột giường, để tấm chăn rủ xuống đúng phần ngực của tôi, sau đó buông màn che kín bốn xung quanh. Chàng nhìn tôi, gật đầu:
- Làm thế này, bà đỡ sẽ không nhìn thấy dung mạo của em.
Tôi không đủ sức để đáp lời, đành cắn răng, gật đầu.
Bà đỡ đến rất nhanh, theo sau là Zhuoma. Vừa vào phòng, các bà đỡ ráo riết chuẩn bị vải sạch, dây buộc, kéo và dao nhỏ đã được đun trong nước sôi, nước sôi và rượu gạo nồng độ cao. Bát Tư Ba giữ tay Zhuoma lại khi cô ấy định vén màn. Tôi nghe thấy Zhuoma nói với Bát Tư Ba:
- Đại ca, hãy để muội chăm sóc em dâu, huynh cứ ra ngoài đi.
Bát Tư Ba nghiêm giọng đáp:
- Không cần đâu, không ai được phép vào bên trong, ta sẽ chăm sóc cô ấy.Các bà đỡ đều ngỡ ngàng, một người rụt rè lên tiếng:
- Thưa pháp vương, xin mời ngài ra ngoài chờ. Đàn ông không được phép vào phòng đẻ.
Chàng trầm ngâm một lát rồi cất giọng chắc nịch:
- Ta không đi đâu cả. Ta sẽ ở đây, bên cạnh cô ấy. Các người cứ làm tốt
phận sự của mình, nhất định phải giúp mẹ con cô ấy được bình an.
Zhuoma thất kinh:
- Đại ca, làm vậy không hợp với lễ nghi. Huynh là…
Bát Tư Ba ngắt lời Zhuoma:
- Ta là bác ruột của đứa bé, bác cũng như cha vậy. Ta chỉ cần biết có thế, trước mặt đứa bé này, thân phần gì cũng vô nghĩa.
Zhuoma vẫn kiên trì thuyết phục:
- Huynh không sợ người đời chê trách sao?
- Ta đâu cần bận tâm người khác sẽ nói gì.
Chàng ngừng lại, giọng nghẹn ngào:
- Ta đã mất Kháp Na, ta không thể mất thêm mẹ con cô ấy.
Zhuoma và các bà đỡ không biết phải nói sao. Bát Tư Ba vén màn, bước vào, ngồi xuống bên cạnh tôi, đôi mắt hun hút buồn:
- Ta sẽ ở bên, cùng em vượt qua cửa ải này!
Cơn đau dồn đến, ào ạt như bão tố. Tôi đau đớn rã rời, càng thấm thía lời
nói năm xưa của Khabi. Yêu loài người, sẽ phải chịu đựng nỗi khốn khổ
khi sinh nở nhiều hơn gấp trăm ngàn lần so với đồng loại, huống hồ tôi
lại đẻ non thế này. Theo chỉ dẫn của Zhuoma, Bát Tư Ba kê mấy lần gối
dưới lưng tôi. Tôi há miệng thực hiện động tác hít thở, không được thở
quá mạnh, càng không được nín thở.
Bát Tư Ba lau mồ hôi trên trán tôi, không ngơi tay. Tôi đau đớn đến không còn giữ nổi sự tỉnh táo, cứ
túm chặt lấy cánh tay chàng. Chàng khẽ rùng mình, hàng lông mày xô lại
như thể đang chịu đựng điều gì. Tôi mặc kệ, tiếng Zhuoma vọng vào:
- Em dâu à, phải hết sức bình tĩnh. Nào, hãy đếm theo ta: một, hai, ba…
Chàng nắm chặt tay tôi. Tôi gượng mở cặp mắt đã mệt lử, quay sang nhìn chàng. Toàn thân chàng run lên bần bật, hàng lông mày nhíu lại, rúm ró, khổ sở nhưng bàn tay vẫn siết chặt tay tôi, truyền cho tôi hơi ấm và sức mạnh. Chàng nhìn tôi trân trân, gương mặt nhễ nhại mồ hôi của tôi in trong
đôi đồng tử màu đen huyền hoặc ấy.
- Ta sẽ đếm cùng em, một, hai, ba…
Tôi không cầm được nước mắt. Trên vầng trán cao rộng của chàng đã xuất hiện vài nếp nhăn, gương mặt gầy guộc mà kiên định, vững chắc, giọng nói
trầm vang, ấm áp. Tôi thấy mình được an ủi rất nhiều, mạnh mẽ lên rất
nhiều nên cũng gắng gượng, lẩm nhẩm theo:
- Bốn, năm, sáu…
Không biết chúng tôi đã đếm đến bao nhiêu, giọng nói của chàng vẫn vang vang
bên tai tôi. Tôi đếm theo chàng để quên đi cơn đau như thể có hàng trăm
cỗ xe đang giày xéo phần thân dưới.
Trong cơn mê man, tôi nhận ra mình được nhấc lên, tựa vào một bờ vai gầy guộc. Giọng nói của ai đó
run lên bần bật, cơ thể như bị co rút vì đau đớn:
- Đây là canh nhân sâm nghìn năm, em hãy chịu khó uống để lấy sức.
Chàng bón cho tôi từng thìa một, tôi cố nuốt vài ngụm. Bên ngoài vọng vào giọng nói đầy lo lắng của bà đỡ:
- Thưa Vương phi, đứa bé bị kẹt bên trong. Xin hãy rặn thật mạnh!
Tôi muốn làm theo nhưng cơ thể tôi mềm nhũn, chẳng còn chút sức lực. Bà đỡ hô lớn:
- Vương phi đã đau quá lâu, e là kiệt sức rồi. Lúc này, quan trọng nhất là giúp Vương phi có thêm sức lực.
Chàng rối trí, bèn nhấp một ngụm canh sâm, giữ chặt cằm tôi, kề sát miệng
tôi. Chàng khẽ rên lên khi chạm phải môi tôi, toàn thân run bần bật. Sau một hồi hổn hển, chàng tiếp tục kiên trì mớm canh sâm cho tôi. Không
dịu dàng, không kinh nghiệm, chàng cứ thế ép tôi nuốt. Trong lúc nước
sôi lửa bỏng ấy, không ai còn tâm trí để nghĩ ra cách gì hợp lý, nhẹ
nhàng hơn. Tôi đã uống hết bát canh sâm theo cách như vậy, và tôi đã lấy lại sức lực để tiếp tục cơn rặn theo chỉ dẫn của bà đỡ.
Thời
gian tiếp tục trôi, tôi không còn nhớ nổi lúc này là lúc nào nữa, chỉ
biết rằng, trong phòng đèn nến đã sáng trưng. Phía sau tấm màn, bóng
người chập chờn, lay động. Thần trí tôi cứ bay bổng, lơ lửng. Giọng nam
trầm ấm, dặt dìu, tha thiết:
- “Ầu ơ, ầu ơ, nhịp võng ru
Ngủ ngoan con yêu, tay mẹ đưa
Mai sau khôn lớn con hãy nhớ
Tình mẹ ngày đêm vẫn đợi chờ.”
Giữa đêm không gian bồng bềnh, mơ mộng ấy, người đàn ông cao gầy đang mỉm
cười với tôi. Tôi đưa tay về phía trước, lồng vào ngón tay chàng, mãn
nguyện gọi tên chàng:
- Kháp Na...
Giọng nói trầm ấm vẳng bên tai tôi:
- Ta ở đây, luôn ở đây bên em.
Bên ngoài, tiếng bà đỡ reo lên:
- Thấy đầu đứa bé rồi! Xin Vương phi hãy ráng nữa lên!
- Con của chúng ta...
Nhìn thấy nụ cười rạng rỡ và gương mặt tuấn tú của Kháp Na nên tôi dồn hết
sức bình sinh, ngẩng đầu, đẩy người lên, hét to một tiếng. Thân thể tôi
như từ không trung rơi xuống vực sâu. Tôi ra khỏi cơn mộng mị, trở lại
với hiện thực. Gắng gượng mở mắt, gương mặt thân thương ấy ngày một hiện ra rõ nét. Thì ra, người hát cho tôi nghe, lồng tay vào tay tôi, không
phải Kháp Na, mà là Bát Tư Ba. Nhưng khi ấy, cơn đau tột cùng khiến tôi
không còn đủ sức để suy nghĩ về điều này, vì sao gương mặt chàng lại như đang phải chịu đựng đau khổ vậy? Lẽ nào chỉ là ảo giác?
Bỗng ngoài kia vang lên tiếng hò reo của Zhouma:
- Ra rồi, ra rồi, một cậu con trai!
Bát Tư Ba giật mình, bật dậy, cuống quýt vén màn, đi ra. Tiếp đó là giọng nói mừng rỡ điên cuồng của chàng:
- Là con trai! Là con trai! Sakya có hy vọng rồi! Kháp Na ơi, Sakya có người nối dõi rồi!
- Thưa pháp vương, hình như đứa bé không được khỏe. – Giọng nói của bà đỡ có vẻ lo lắng. – Vì quá đau lòng nên Vương phi đã đẻ non. Trong thời
gian rặn để lại mất nhiều sức lực nên đứa bé bị thiếu cân nghiêm trọng,
hơi thở yếu ớt, vỗ thế nào cũng không khóc, chỉ e...
Bát Tư Ba lo lắng gào lên:
- Mau mời thầy thuốc, phải cứu bằng được đứa bé!
Tiếng những bước chân dồn dập rời khỏi căn phòng, tiếng thầy thuốc vang lên ngoài kia:
- Đứa bé kẹt trong bụng mẹ quá lâu, chỉ e đã bị ngạt thở.
- Có thể cứu được không?
- Đứa bé này quá yếu, tôi sẽ cố thử!
Đầu óc tôi quay cuồng nhưng tôi vẫn cố giữ cho mình được tỉnh táo, cất giọng khó khăn:
- Đưa cho tôi!
Bát Tư Ba thận trọn bế đứa bé vào, đặt trước mặt tôi. Nó nhỏ bé, tội nghiệp quá, hệt như chú chuột con đỏ hỏn vậy. Tôi gượng dậy, áp môi lên cái
miệng xinh xinh của nó. Bát Tư Ba hốt hoảng:
- Em không muốn sống nữa sao?Tôi mệt mỏi xua tay.
Giờ đây, chỉ có tôi mới cứu được nó. Tôi hút hết dịch ối trong miệng đứa bé và truyền cho nó chút linh khí cuối cùng trong cơ thể. Cuối cùng,
đứa bé chịu cất tiếng khóc, dù chỉ là tiếng thút thít như tiếng mèo kêu
nhưng đối với tôi, đó là âm thanh tuyệt vời nhất trên đời.
- Dharmapala, tên của nó là Dharmapala...
Tôi không đủ sức để mở mắt ra nữa, đổ người xuống gối, hơi thở khó khăn,
gắng gượng thốt lên những lời cuối cùng trước lúc ngất đi:
- Lâu Cát... Nếu em chết... xin chàng... hãy chôn em cùng với Kháp Na...
- Em nói gì vậy? Em không thể chết! – Chàng lay gọi tôi, thổn thức bên tai tôi. – Đừng đi, cầu xin em, đừng bỏ ta lại một mình!
Đầu óc tôi mất dần sự tỉnh táo, hai mắt khép lại, dường như chàng vẫn không ngừng gào gọi, nhưng tôi chẳng thể nghe thấy nữa, tôi đang chìm vào cõi u tối vô biên.
Tôi cứ ngỡ, sự sống của tôi từ đây sẽ ra đi theo
Kháp Na. Nếu là vậy thì ngoài việc không thể nuôi con trai khôn lớn, tôi không còn gì để nuối tiếc hoặc ân hận. Nhưng tôi không phải con người,
sự sống mãnh liệt của loài hồ ly thiêng buộc tôi phải chấp nhận số phận: là nhân chứng của bảy trăm năm bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời tiếp
theo. Thế nên, khi tỉnh lại và trông thấy gương mặt tiều tụy của Bát Tư
Ba sáng lên vì phấn khích, tôi đã không hề vui mừng khi biết mình vẫn
còn sống, như chàng.
- Lam Kha, cuối cùng em cũng chịu tỉnh lại! Em đã hôn mê hơn một tháng rồi đó!
Chàng ôm tôi lên, ghì chặt vào lòng, khốc nấc lên vì vui sướng. Khoan đã, vì
sao cánh tay của chàng lại phải băng bó thế kia? Và vì sao chàng lại ôm
tôi lên được? Tôi cúi xuống và bắt gặp những móng vuốt quen thuộc, bộ
lông màu lam ảm đạm. Tôi sững sờ. Khabi từng nói, trong thời gian cho
con bú, chúng tôi phải duy trì hình hài con người, phải chờ giai đoạn
này kết thúc mới có thể trở lại nguyên hình kia mà?
Tôi muốn nói
chuyện với chàng nhưng chỉ có thể thốt lên những tiếng kêu lí nhí. Tôi
thảng thốt, thử giọng thêm lần nữa, vẫn chỉ là tiếng kêu của loài hồ ly.
Chàng nhìn tôi vẻ băn khoăn:
- Lam Kha, em muốn nói gì với ta?
Tôi muốn nói: “Vì sao em không nói được?” Tôi bứt mấy sợi lông ở đùi để cơn đau kích thích thanh âm, nhưng khi mở miệng cất tiếng, vẫn không thể
thốt ra lời.
Chàng vội vã ngăn tôi tiếp tục cắn xé bản thân:
- Lam Kha, đừng hành hạ bản thân như vậy!
Tôi ngẩng lên nhìn chàng, miệng dính đầy lông, nước mắt giàn giụa. Tôi đã
bị đẩy trở lại nguyên hình hoàn toàn, không thể hóa phép, không thể trò
chuyện, chỉ khẽ cử động cũng mệt mỏi rã rời, tôi đã không còn, dù chỉ
một chút linh khí. Ngoài việc vẫn nghe hiểu được tiếng người, tôi chẳng
làm được gì khác. Tôi không còn đủ năng lực để tiếp tục sống sót nữa!
Tôi ngoảnh mặt đi, nước mắt như mưa. Tôi đã tu luyện khổ cực biết bao nhiêu để có được hình hài con người mà Kháp Na yêu thích. Giờ đây, tất cả đã
trở thành bóng trăng dưới mặt nước, chẳng thể tìm lại được nữa.
Chàng ôm tôi vào lòng, dịu dàng an ủi:
- Đừng sợ, ta sẽ đưa em về Trung Nguyên. Chúng ta đến tìm hoàng hậu Khabi, chắc chắn cô ấy sẽ có cách.
Tôi giật mình ngẩng lên, lắc đầu quầy quậy. Chàng chừng như đoán ra suy nghĩ của tôi:
- Em không muốn xa Dharma, phải không? Vì em lo lắng cho sự an nguy của thằng bé?
Tôi gật đầu xác nhận. Chàng thở dài khe khẽ:
- Nhưng em thế này, dù có ở lại cũng chẳng thể bảo vệ được nó.
Tôi choáng váng. Tôi bây giờ chỉ là một hồ ly nhỏ bé, mất hết linh khí, một con chó giữ nhà cũng có thể là đối thủ đáng gờm của tôi, tôi lấy gì để
bảo vệ con trai mình? Cảm giác ấy vừa cay đắng vừa tủi phận, tôi lo lắng đập đầu liên hồi vào bàn tay chàng.
Chàng đứng lên, ôm tôi theo.
- Ta biết rồi, em muốn gặp Dharma phải không? Ta sẽ đưa em đi gặp con.
Trước khi Kháp Na qua đời, hai chúng tôi đã lên kế hoạch chu tất cho căn
phòng của em bé. Căn phòng được bố trí nằm đối diện với buồng ngủ của
chúng tôi. Trong phòng sẽ xếp nôi, ngựa gỗ và rất nhiều đồ chơi con trẻ
mà Kháp Na đã chuẩn bị cho bé từ rất sớm. Thế nhưng Bát Tư Ba lại đưa
tôi đến một khu nhà mới xây, nằm kề Lang Như Thư Lầu. Tôi không khỏi
ngạc nhiên, khu này này mọc ra từ khi nào vậy?
Căn phòng ngăn
cách với thế giới bên ngoài bởi ba bức tường, bên ngoài mỗi bức tường
đều có mấy lực sĩ canh gác rất mực nghiêm cẩn. Phải vào sâu bên trong
mới thấy một căn nhà nho nhỏ, ngoài vườn là những hàng thông bách thường gặp ở Sakya. Căn nhà không lớn, nhưng tôi đã sững sờ khi thấy nó. Người Sakya thường xây nhà bằng đá, vậy mà căn nhà này lại được dựng hoàn
toàn bằng gỗ. Sakya nằm trên vùng núi cao, gỗ được xem là vật liệu quý
hiếm ở đây. Căn nhà bằng gỗ này khiến người ta không khỏi xuýt xoa về
mức độ xa hoa của nó.
Chàng dừng lại, ngước nhìn căn nhà rỗ rực rỡ dưới ánh mặt trời.
- Đây là phòng của Dharma. Thằng bé sẽ được nuôi dưỡng trong căn nhà này.
~.~.~.~.~.~
- Thảo nào trong trí nhớ của tôi, không hề có dữ kiện nào về việc phái
Sakya di dời thành trì đến nơi khác, thì ra bên trong lại chứa nhiều uẩn khúc như vậy.
Chàng trai trẻ như chợt bừng tỉnh rồi thở dài ảo não:
- Tình cảm sâu đậm của hai anh em họ thật khiến người ta cảm động.
- Vì là thành trì của chính quyền Sakya nên ngôi đền Nam Sakya hoàn toàn khác với các ngôi đền Phật giáo ở đất Tạng trước đó.
Tôi lật mở cuốn sách ảnh, chỉ cho cậu ta xem:
- Ngôi đền mà chúng ta thấy ở Sakya ngày nay chính là đền Nam Sakya.
Cậu ta gật đầu xác nhận:
- Đúng là nó. Tôi nhớ rằng bức tường bao quanh ngôi đền rất cao và vô
cùng kiên cố. Nó không giống một ngôi đền mà giống thành lũy hơn.
- Nó đã được thiết kế theo bố cục của thành lũy. Bên ngoài là tường
thành, ở giữa là Phật điện, thành phố và đền đài đan xen kết hợp.
Tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn ngôi đền Sakya trong bức tranh, một lát sau mới sực tỉnh.
- Bát Tư Ba đã dốc toàn bộ của cải vào việc xây dựng đền Nam Sakya. Công
trình này kéo dài suốt hơn hai mươi năm mới hoàn tất, bắt đầu từ nhiệm
kỳ bản khâm đời thứ nhất cho đại sư Shakya Zangpo đảm nhiệm cho đến đời
nhiệm kỳ bản khâm thứ ba. Tức là, cho đến khi Bát Tư Ba qua đời, ngôi
đền vẫn chưa được xây cất xong.
- Tôi cũng lưu giữ những bức ảnh về ngôi đền này, để tôi cho cô xem.
Chàng trai trẻ rút ra chiếc iPhone, chỉ cho tôi thấy từng tấm hình.
- Lúc đến Sakya, tôi đã phải thốt lên, vì sao một nơi nghèo nào thế này
lại có thể xây dựng một ngôi đền nguy nga, lộng lẫy như thế? Thật không
thể tin nổi!
Tôi chỉ vào bức ảnh và nói:
- Ngôi đền mà cậu đến tham quan là ngôi đền mới xây dựng, còn đền Bắc Sakya nằm trên lưng chừng núi Benbo đã bị phá hủy vào thời Cách mạng Văn hóa, đến nay chỉ
còn lại tàn tích mà thôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT