“Thông tỏ tri thức uyên thâm, mới xứng danh học giả;

Chỉ biết phân biệt trâu già nghé non, đâu gọi là học vấn.”

(Cách ngôn Sakya)

Tôi khoác áo choàng có mũ trùm đầu thật rộng, kiễng chân ngó nghiêng trước con ngõ nhỏ. Đèn lồng lung linh, rực rỡ trước cổng phủ Quốc sư bên kia đường và cổng phủ Bạch Lan Vương bên này đường, dòng người qua lại tấp nập như mắc cửi. Đi tiếp một đoạn không xa là tới hoàng cung. Hốt Tất Liệt cho dựng một tòa hoa đăng lộng lẫy, tráng lệ trước cửa cung điện, đứng ở góc xa mà tôi vẫn có thể nhìn rõ mọi thứ.

Tiếng bước chân ai đó rón rén phía sau, tôi quay lại, bắt gặp nụ cười phơi phới của Kháp Na. Cậu ấy bước ra, giận dỗi:

- Thính giác của em sao mà nhạy bén quá vậy, muốn gây bất ngờ cho em cũng không được.

Cậu ấy mặc áo lụa dài chấm gót màu xanh da trời, viền thêu diềm mây tinh xảo. Cổ đeo chiếc hộp cổ tạc hình Phật, mạ vàng kiểu người Tạng ưa thích, đây vốn là kỷ vật người bác để lại, bên trong là những kinh văn đã được người bác làm lễ gia trì. Cậu ấy thắt dây đai bản rộng màu xanh ngọc bích đính phỉ thúy, giắt một thanh gươm cong nạm đã quý bên hông, đi ủng Mông Cổ, loại ủng với những họa tiết được trang trí rất tinh xảo, méo ủng thêu hình bát bảo đồ [1]. Quả không hổ danh là công tử con nhà, khôi ngô tuấn tú, phong nhã, hào hoa.

Không khỏi ngạc nhiên về sự xuất hiện của bộ ria mép vút cong trên gương mặt cậu, tôi thắc mắc:

- Kiểu hóa trang này...

Cậu ấy vội vã đưa ngón tay lên miệng, làm điệu “suỵt” khẽ rồi vuốt lại ria mép để chắc chắn chúng không bị suy suyễn:

- Đại ca muốn ta theo huynh ấy vào cung ngắm hoa đăng cùng Đại hãn vì đêm nay Đại hãn sẽ lên lầu hoa đăng chung vui với dân chúng nhưng ta cáo bệnh, trốn ra đây.

Cậu ấy ngắm nghía tôi một hồi, hai mắt sáng rỡ:

- Em cũng hóa trang rất độc đáo đấy thôi.

Tôi kéo sụp chiếc mũ trùm xuống che nửa mặt:

- Vì tôi không thể để người ta thấy mái tóc và đôi mắt màu lam của mình.

Kháp Na tỏ vẻ tiếc nuối:

- Em hiếm khi hóa thành người, vậy mà ta lại chẳng được chiêm ngưỡng đôi mắt và mái tóc tuyệt đẹp của em.

Tôi thít chặt áo khoác, nắm tay Kháp Na:

- Ta đi nào, hôm nay sẽ có rất nhiều màn biểu diễn vui nhộn đấy.

Dọc con phố phía trước hoàng cung, người ta chồng hàng vạn chiếc đèn màu lên thành những núi đèn khổng lồ. Quán trà, quán rượu khắp kinh thành sáng rực, đèn hoa giăng kết, lung linh huyền ảo, đan xem giữa biển màu lấp lánh ấy là những màn biểu diễn ca múa sôi động. Tiếng kèn, trống vang dội không ngớt, tiếng pháo râm ran tưng bừng, đèn hoa rực rỡ tỏa chiếu suốt trăm dặm. Cuối con đường này là cổng phía nam của hoàng cung, lầu hoa đăng tráng lệ nguy nga, rực rỡ ánh sáng và màu sắc huyền hoặc tựa thiên cung của Hốt Tất Liệt được dựng tại đây.

Người đi chơi hội đông như mắc cửi, vai chen vai, chân theo chân, đủ mọi tộc người. Từ phục trang, khẩu âm, nước da và hình dáng của họ, tôi nhận ra người Hán, người Khiết Đan, người Kim, người Mông Cổ, người Tạng, người Ba Tư và còn có cả người Tây phương mắt xanh, tóc vàng nữa. Dù không quen biết, dù không cùng sắc tộc, họ vẫn niềm nở chào hỏi, chúc tụng nhau.

Toàn thành Yên Kinh đêm nay không ngủ.

- Đại hãn tới rồi!

Hốt Tất Liệt vận áo khoác dài kiểu Mông Cổ màu đỏ sang trọng, oai vệ bước lên lầu hoa đăng, theo sau là Hoàng hậu Khabi, các hoàng tử và đại thần thân cận. Nhiều người dân Yên Kinh lần đầu được chiêm ngưỡng dung mạo của Nhà vua, háo hức truyền tai nhau. Biển người lập tức đổ về lầu hoa đăng nhưng cấm quân chỉ cho phép họ đứng cách xa mười trượng. Hốt Tất Liệt vẫy tay chào, mỉm cười thân thiện với con dân đang rất mực phấn chấn, ra sức kiễng chân, nghển cổ để được chiêm ngưỡng đấng quân vương. Khabi đài các, trang trọng, Chân Kim khí độ phi phàm, hình ảnh thân thiện của gia đình Hốt Tất Liệt đã để lại trong lòng cư dân thành Yên Kinh những ấn tượng tốt đẹp.

Cậu ấy nổi bật giữa đám đông phía sau Hốt Tất Liệt với áo cà sa màu vàng lấp lánh, càng tôn thêm vóc dáng mảnh khảnh, gầy guộc, mọi cử chỉ, động tác đều rất mực nho nhã, điềm đạm, phong thái bất phàm. Sóng mắt dạt dào, đôi mắt rực ánh hào quang trí tuệ và nỗi niềm thấu suốt cõi nhân sinh. Con người ấy toát ra vẻ tự tin, thư thái, tự tại và sức hấp dẫn trác truyệt khiến người ta chẳng dám nhìn thẳng.

Có tiếng bình luận bên cạnh tôi:

- Vị đại sư đó chính là quốc sư của chúng ta đấy, nghe nói ngài là người Tufan, Đại hãn rất nể trọng ngài.

Các cô gái đỏ hồng đôi má, nghển cổ ngó nghiêng, xì xào bàn tán:

- Không ngờ quốc sư lại trẻ như vậy!

- Và còn rất đẹp trai nữa!

Nghe họ nói về Bát Tư Ba như vậy, tôi lại càng không thể rời mắt khỏi cậu ấy. Tôi những muốn được ở bên cạnh cậu ấy, cùng thưởng lãm lễ hội hoa đăng tưng bừng, náo nhiệt này, nhưng tôi biết là tôi không thể, bởi vì những lúc thế này, cậu ấy nhất định phải tháp tùng Hốt Tất Liệt.

Sau khi Hốt Tất Liệt bước lên đài cao, trên quảng trường trước cổng hậu cung, mấy chục chiếc trống đồng loạt rền vang, khí thế hào hùng. Đội sư tử ngũ sắc, đủ các màu xanh, đỏ, vàng, trắng và đen từ năm hướng khác nhau tiến vào trung tâm vũ hội. Tiếng trống ngày càng dồn dập, sư tử nhào lộn ngày càng cao, những cú xoay mình nhào lộn trên không cực kỳ điêu luyện, đẹp mắt được kết thúc bằng cú phi thiên giành lấy quả cầu vải nhiều màu trên dài cao. Múa sư tử luôn là tiết mục gây hưng phấn nhất đối với đám đông, những tiếng hoan hô tán thưởng như sóng dậy. Từ đài cao, theo lệnh của Hốt Tất Liệt, tiền xu được tung ràn rạt xuống quảng trường, thưởng cho đội sư tử, hệt như ngàn vàn cánh hoa trút xuống từ trời cao.

Tôi ra sức khắc chế bản thân để ánh mắt rời khỏi Bát Tư Ba, chuyển hướng sang đội sư tử, vừa thưởng thức vừa giải thích với Kháp Na:

- Cậu biết không, ở vùng Tây vực có một quốc gia cổ đại tên gọi Khâu Từ. Hoàng tộc Khâu Từ vô cùng sùng bái sư tử, bởi vậy múa sư tử là điệu múa được khởi nguồn từ quốc gia này. Tám trăm năm trước, viên tướng của Trung Nguyên là Lữ Quang cầm quân tấn công Khâu Từ, sau đó đưa về đất Lương Châu vị cao tăng nổi danh thiên cổ, Kumarajiva và rất nhiều nghệ nhân Khâu Từ. Từ đó, múa sư tử thâm nhập vào văn hóa của người Hán, được cải biên thành múa sư tử của Trung Nguyên và lưu truyền đến ngày nay.

Kháp Na không khỏi ngạc nhiên:

- Vậy ư? Sao em biết được chuyện đó?

Tôi dương dương tự đắc, lè lưỡi tinh nghịch:

- Dù gì tôi cũng hơn cậu ba trăm tuổi!

Tiếp theo là đội múa rồng, mấy chục lực sĩ người Hán để mình trần, nâng trên tay thân rồng khổng lồ, len lỏi qua những dải hoa đăng bồng bềnh, rực rỡ, động tác uyển chuyển, lên xuống nhịp nhàng, chạy đuổi theo quả cầu vải nhiều màu phía trước, diễn trò vờn bắt. Pháo hoa nổ vang trời, trống nện thình thình, thân rồng uốn lượn bay bổng giữa không trung, cảnh tượng rất hùng tráng, không khí sôi động lạ thường.

Lễ hội trở nên tưng bừng hơn bao giờ, đám đông vỗ tay không ngớt, ngay cả Đại hãn Hốt Tất Liệt cũng được truyền cảm hứng bởi bầu không khí náo nức ấy, ngài tươi cười sảng khoái trên đài cao. Ánh mắt tôi như bị thôi miên, lại gắn chặt vào bóng dáng ăn nhiên, thoát tục phía sau Hốt Tất Liệt. Cậu ấy nở nụ cười hồn hậu, gương mặt thư thái, tĩnh tại như nước hồ, đôi mắt sâu hun hút, đồng tử long lanh, thuần khiết.

=========

[1] Bát bảo hay bát bảo cát tường là tám vật may mắn, bao gồm: pháp luân (bánh xe), vỏ ốc (pháp hoa), tán (chiếc dù), lọng trắng, hoa sen, bảo bình, cá vàng và nút thắt may mắn. Theo quan niệm của nhà Phật, sự hiện hữu của bát bảo cát tường mang đến cho người ta sự may mắn, an lành về đời sống vật chất và tinh thần. (DG)

Đang mê mải ngắm nhìn, bỗng cánh tay ai đó kéo tôi giật lùi về phía sau. Tôi quay lại, bắt gặp gương mặt âu lo của Kháp Na, vội hỏi:

- Đi đâu vậy? Ở đây đang vui mà!

Kháp Na không dừng bước, che chắn cho tôi, lách ra khỏi đám đông vây khốn, lí nhí giải thích:

- Đại ca đang ở trên đó, ta sợ huynh ấy sẽ nhìn thấy.

Giọng nói ngập ngừng chốc lát, nhưng rất nhanh đã lấy lại hứng khởi:

- Chúng ta đến khu chợ phía đông nhé, nghe nói ở đó có hội đố chữ, cũng đông vui không kém.

Cậu ấy nắm chặt tay tôi suốt đường đi như sợ tôi lạc mất. Giữa đêm lạnh mà bàn tay cậu ấy nóng rát, lòng bàn tay đẫm mồ hôi. Giữa dòng người nô nức, tôi nhận thấy rất nhiều cặp nam thanh nữ tú điệu bộ thân mật, ngượng ngùng đang vai kề vai thưởng lãm hoa đăng.

Tôi bỗng thấy nao nao khi ngắm nhìn cảnh tượng này. Nếu như... nếu như tôi và người đó có thể tay trong tay cùng nhau ngắm hoa đăng thì sẽ thế nào nhỉ? Hẳn sẽ rất ngọt ngào. Tôi cứ mải mê nhìn từng đôi uyên ương rồi thở dài:

- Tôi còn nhớ, có nhà thơ người Hán từng viết rằng: “Năm ngoái đêm nguyên tiêu – Chợ hoa đèn rực rỡ - Ngọn liễu mảnh trăng treo – Hoàng hôn người hẹn ước” [2]

Kháp Na siết chặt tay tôi, lắc đầu:

- Bài thơ này không hay.

Tôi ngỡ ngàng, tuy tôi biết cậu ấy từng nghiên cứu tiếng Hán nhưng phần nhiều là sách kinh điển của Nho gia và sách sử, tôi đâu ngờ cậu ấy đọc cả thơ ca của người Hán, bèn hỏi:

- Vì sao không hay?

- Em không biết bốn câu cuối sao? “Năm nay đêm nguyên tiêu – Trăng với đèn như trước – Chẳng gặp người năm qua – Tay áo đầm lẹ ướt.”

Cậu ấy dừng bước, quay đầu nhìn tôi:

- Rằm tháng Giêng sang năm, ta vẫn muốn được cùng em đi ngắm hoa đăng.

Chuỗi đèn lồng trên cửa quán rượu ven đường hắt ánh sáng màu đỏ rực rỡ lên gương mặt cậu ấy. Gương mặt hao gầy với chiếc cằm đẹp như tạc, đôi mắt sáng, dịu dàng, đăm đăm nhìn tôi, chờ đợi.

Ánh mắt ấy khiến tim tôi bỗng đập nhanh dữ dội. Tôi cúi đầu, đá viên cuội nhỏ dưới chân:

- Được chứ, tôi hứa với cậu!

Đoán được cậu ấy định nói điều gì, tôi vội ngắt lời:

- Tôi sẽ hóa thành người.

Cậu ấy tươi cười, khuôn mặt bừng sáng, đôi mắt long lanh như vì sao đêm lạnh, má lúm đồng tiền tinh nghịch thoáng ẩn thoáng hiện. Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ như in đêm rằm tháng Giêng lung linh, huyền ảo đó và nụ cười mãn nguyện giữa hàng lông mày thanh thoát, sưởi ấm cả không gian xung quanh của Kháp Na.

Cậu ấy kéo tôi vào sát lề đường, hân hoan nói:

-Chúng ta đi giải câu đố nào!

Người ta chăng kết vô số những chiếc đèn lồng với đủ hình dáng và màu sắc. Dưới mỗi lồng đèn đều treo một mảnh giấy, câu đố được ghi trên đó. Người xem cứ thoải mái kéo mảnh giấy xuống và mang câu trả lời đến cho ban tổ chức, nếu đáp án chính xác, sẽ được nhận những phần thưởng nho nhỏ như hộp phấn, chiếc quạt giấy, hoa giấy, túi thơm. Nếu đáp án sai, phải bỏ vào chiếc hộp đặt ở bên cạnh ban tổ chức năm quan tiền. Tiền phạt không cao, vui là chính. Bởi vậy, trò chơi này thu hút rất đông bà con tới tham dự, bàn làm việc của ban tổ chức chốc chốc lại rộ lên những tràng cười giòn tan.

- Tiểu Lam à, ta đã nhắm một phần thưởng, nhất định sẽ giành lấy để tặng em.

Kháp Na tự tin, hăm hở bước vào trận đồ của vô vàn đèn hoa và câu đối, bắt đầu lật mở từng trang giấy đang bay bay trong gió khuya. Kháp Na lúc đăm chiêu suy ngẫm vẫn đẹp trai lạ thường. Dòng người ào tới, trong nháy mắt cậu ấy bỗng khuất dạng. Không cảm nhận được hơi thở và bước chân cậu ấy nữa, tôi giật mình sợ hãi, quên cả lời căn dặn, cứ thế lao vào biển người tìm kiếm.

Đèn hoa rực rỡ, cảnh tượng như mơ, những làn khói nến nhè nhẹ tỏa trong không trung, bóng người chập chờn, như mơ như thực, tôi mải miết kiếm tìm bóng dáng cao gầy, mảnh khảnh ấy giữa đèn hoa lung linh, huyền hoặc. Không biết đã ngẩn ngơ trước khung cảnh hư ảo ấy bao lâu, tôi mới chợt nghe thấy giọng nói trong như nước suối giữa đại ngàn của cậu ấy:

- Tiểu Lam, ta ở đây!

Ngoảnh lại, thấy cậu ấy đứng cách tôi không xa, gió lạnh thổi làm vạt áo khoác màu lam của cậu ấy tung bay phần phật, đôi mắt long lanh nhìn tôi đăm đăm. Khoảnh khắc ấy, tôi chợt thấy mắt mình nhòe ướt. Cảm giác: “Tìm chàng giữa biển người chìm nổi – Đột nhiên ngoảnh lại – Thấy chàng ngay trước mắt – Dưới tàn lửa lung linh.” [3] là như thế sao?

Cậu ấy cầm trên tay một mảnh giấy, tôi sợ cậu ấy nhận ra vẻ buồn thương vô cớ trên gương mặt mình nên vội chạy đến, cùng cậu ấy đọc câu đố. Lạ lùng quá, đó chỉ là một tờ giấy trắng tinh, không có chữ. Ở một góc nhỏ của mặt giấy bên kia có viết: Đây là tên một loại thảo dược.

Kháp Na bước tới bàn giải câu đố, chìa tờ giấy ra, mỉm cười đọc to đáp án bằng thứ tiếng Hán rõ ràng, mạch lạc:

- Bạch chi.[4]

Ban tổ chức đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Vì đây là một câu đố hóc búa nên ban tổ chức quyết định dành cho Kháp Na quyền tự chọn phần thưởng. Không hề do dự, cậu ấy đã lựa một sợi dây buộc tóc màu lam nhạt.

- Tiểu Lam, tặng em. – Cậu ấy nở nụ cười rạng rỡ, ánh mắt lộ vẻ háo hức. – Sợi dây này cùng màu với mái tóc của em, chắc chắn sẽ rất hợp.

Tôi đón lấy món quà, niềm vui ngập tràn. Dưới ánh nến lung linh, sợi dây càng trở nên rực rỡ. Tôi đã dùng sợ dây đó để buộc tóc suốt những năm tháng dằng dặc sau này. Đó là sợi dây kết nối kỷ niệm, nó gợi nhớ về nụ cười trong trẻo, thuần khiết của Kháp Na buổi tối hôm đó. Từ đó về sau, bất kể tôi có món đồ trang sức quý giá nhường nào cũng không thể thay thế sợi dây buộc tóc màu lam bình dị này.

Kháp Na hân hoan lạ thường, kéo tôi vào một quán rượu sang trọng:

- Ta mời em vài món ngon nhé!

- Thưa quý khách, xin hãy gọi một tô chè viên, đây là món đặc sản của quán chúng tôi. Nom các vị không giống người Hán, chắc chắn chưa từng thưởng thức món chè tuyệt hảo này. – Chủ quán thấy Kháp Na ăn vận sang trọng, bèn đưa chúng tôi vào một phòng dành cho khách quý có cửa sổ trông ra phố lớn trên lầu hai, niềm nở chào mời. – Đây là món ăn mà người nước Tống ở miền Nam không thể không ăn vào ngày rằm tháng Giêng. Sau khi ăn món này, gia đình của quý khách sẽ đầm ấm, náo nhiệt, an lành suốt cả năm.

Kháp Na bật cười vì sự hài hước của ông chủ quán:

- Được, vậy cho chúng tôi hai tô thử xem sao. Bao nhiêu tiền một tô?

- Nửa xâu tiền.

Tôi kinh ngạc, kêu lên:

- Sao đắt vậy?

Chủ quán quay sang giải thích với tôi:

- Này cô vợ trẻ ơi, đắt rẻ đều có nguyên do của nó. Món chè viên ở tiệm chúng tôi được làm từ gạo nếp xay nhuyễn, bên trong là nhân óc chó, đường trắng, hoa hồng, mỗi viên đều bự bằng hạt óc chó đấy.

Kháp Na hào phóng rút tiền, cắt ngang thi hứng của ông chủ quán:

- Thôi thôi, cho hai chúng tôi hai tô.

Khi hai bát chè viên thơm nức được đặt chễm chệ trước mặt chúng tôi, nước miếng tứa ra ròng ròng. Chao ôi là thơm ngon, mềm dẻo! Chẳng trách lại đắt đỏ đến vậy. Món chè giản dị là thế những không phải người dân nào trong thời đại đầy biến động này cũng có đủ điều kiện để thưởng thức.

Ngày sau, người ta gọi món chè này là canh bánh trôi, vào dịp Tết Nguyên tiêu, nhà nhà, người người đều hoan hỷ tận hưởng. Và khi đời sống ngày một khấm khá thì món bánh trôi này không còn là cao lương mỹ vị như vào thời nhà Tống nữa.

Không cưỡng nổi lời chào mời ngọt ngào, khéo léo của ông chủ quán, tối hôm đó, chúng tôi đã thưởng thức không biết bao nhiêu món đặc sản của thành Yên Kinh. Nào là bánh đậu, bánh nhân táo, bánh cuốn, quẩy nhúng sữa đậu nành, tất cả đều ngọt ngọt, thơm thơm, ngậy ngậy khiến một kẻ “phải lòng” các món ăn vặt như tôi đây không sao đừng được. Kháp Na ngồi phía đối diện, chốc chốc lại liếc nhìn tôi, tủm tỉm cười. Hôm nay cậu ấy phá lệ không uống rượu, động viên tôi ăn cho thật đã, nhưng cậu ấy lại chẳng động đũa mấy. Mãi cho tới khi tôi nhăn nhó ôm bụng “đầu hàng”, cậu ấy mới tươi cười đứng lên, đi xuống lầu xin cho tôi một chén trà dễ tiêu.

=========

[2] Bài thơ Đêm nguyên tiêu của Âu Dương Tu (Trung Quốc), bản dịch của Nguyễn Xuân Tảo. (DG)

[3] Bài từ Thanh ngọc án của nhà thơ Trung Quốc Tân Khí Tật. (DG)

[4] Tên một loại thảo dược Đông y, trong tiếng Trung Quốc, từ “bạch chỉ” đồng âm với từ “giấy trắng”. (DG)

Tôi ngồi trong phòng dành cho thượng khách, thò đầu ra ngoài cửa sổ ngắm nghía phố xá. Lúc này đã là giờ Hợi, chuẩn bị sang canh ba. Ngày thường vào giờ này, đường phố sẽ vắng tanh vắng ngắt, nhưng hôm nay thì khác, cảnh tượng đông vui, tấp nập vẫn đang diễn ra trước mắt, các quán trà, quán rượu đông khách hơn ngày thường gấp bội.

Bỗng có tiếng bước chân quen thuộc, nhưng không phải của Kháp Na. Cửa phòng đột nhiên bật mở, một thanh niên cao to, vạm vỡ xuất hiện, mắt to, mày rậm, gương mặt vuông vức, chiếc áo khoác kiểu Mông Cổ giản dị không che nổi khí chất quý tộc toát ra từ cậu ta.

Tôi kinh ngạc thốt lên:

- Chân...

Tôi vội vàng bịt miệng. Tuy tôi chẳng lạ gì cậu ta nhưng chắc chắn lúc này cậu ta không biết tôi là ai.

Chân Kim há hốc miệng, nhìn tôi không chớp mắt như thể bị hóa đá. Ông chủ quán đứng phía sau cậu ấy, ngọt nhạt dạ thưa:

- Thưa công tử, xin lỗi, cậu vào nhầm phòng rồi. Phòng đặt của công tử Khắc Liệt ở bên cạnh.

Những lời của chủ quán dường như chẳng lọt tai Chân Kim, cậu ta cứ đứng ngây ra nhìn tôi chăm chăm. Tôi bàng hoàng nhận ra, có lẽ bộ dạng của tôi đã khiến cậu ta khiếp hãi. Vì chúng tôi chọn phòng thượng khách, ngoài Kháp Na, sẽ chẳng còn ai khác nên tôi đã cởi áo khoác. Lúc này, dưới ánh nến rực sáng, Chân Kim có thể thấy rõ mồn một mái tóc và đôi mắt màu lam kỳ quái của tôi.

Tôi cuống cuồng chụp lấy chiếc áo khoác đặt trên ghế, khoác lên người, cắm đầu định chạy trốn.

- Khoan đã!

Chân Kim sải bước đến chắn trước cửa phòng. Cậu ta cúi xuống nhìn tôi, giọng nói run rẩy:

- Xin lỗi, cảm phiền cô nương cho biết quý danh, quý tính và nơi ở, có được không?

Không phải chứ, tuy thường ngày tôi hay gây sự với cậu ta nhưng chí ít chúng tôi từng là bạn bè thời thơ ấu, lẽ nào cậu ta muốn bắt tôi thật ư? Tôi hoảng sợ không dám ngẩng đầu, cất giọng thê thiết van xin:

- Tôi mắc một căn bệnh kỳ quái mới thành ra bộ dạng thế này, tôi không phải yêu quái.

- Ta có bảo cô nương là yêu quái đâu. – Cậu ta bật cười, thân hình cao lớn mà giọng nói nhẹ nhàng. – Ta... ta thấy cô nương rất xinh đẹp và đáng yêu, nhất là mái tóc và đôi mắt màu xanh vô cùng độc đáo này. Ta muốn... ta muốn...

Cậu ta đan tay vào nhau, không biết phải diễn đạt ra sao, trên gương mặt vuông vức vô cớ xuất hiện vẻ ửng đỏ rất khả nghi:

- Ta... ta ... gia cảnh không tồi, học thức, văn võ ổn cả, ta thích đọc sách, nhất là sách Nho học của người Hán. À, phải rồi, ta còn được danh sư dạy võ, cưỡi ngựa, bắn cung khá điêu luyện.

Tôi chớp chớp mắt, cậu ta nói vậy là ý gì? Tôi cảnh giác lùi lại, dự tính nếu tình hình không ổn sẽ nhảy qua cửa sổ:

- Những điều này hình như không liên quan đến tôi thì phải.

Cậu ta sững sờ, gương mặt càng ửng đỏ, khẽ cúi đầu lẩm bẩm:

- Và... và... đến nay... đến nay, ta vẫn chưa cưới vợ...

Tôi bàng hoàng, lẽ nào cậu ta vừa trúng tiếng sét ái tình? Phủ Yên Vương của cậu ta thiếu gì mỹ nữ, chỉ cần Hoàng tử Chân Kim hô một tiếng, các thiếu nữ chưa chồng toàn thành Yên Kinh sẽ xếp hàng sẵn sàng chờ được cậu ta lựa chọn. Không biết vì lý do gì mà cậu ta lại yêu thích một cô gái tật nguyền, có mái tóc và đôi mắt kỳ quặc như tôi đây? Và điều đáng lo nhất của tôi là: nếu vướng vào Chân Kim, Khabi sẽ không tha cho tôi.

Nhẩm tính thời gian, tôi biết Kháp Na sắp quay trở lại, không thể để cậu ấy và Chân Kim chạm mặt ở đây, ngày mai Kháp Na sẽ làm chú rể, không nên vì tôi mà mang tiếng xấu. Tôi kéo thấp chiếc mũ trùm kín đầu, nói khẽ:

- Làm ơn hãy tránh đường, tôi phải về.

- Cô nương cho ta biết tên đi, được không? – Cậu ta vẫn giữ chặt cửa, không chịu nhường lối, giọng nói khẩn khoản. – Ta không phải loại người thô lỗ, có điều... có điều ta rất thích...

Vẳng nghe tiếng bước chân Kháp Na gõ nhịp trên cầu thang, tôi hết sức bối rối, liếc thấy nơi góc tường có dựng chiếc ô đi mưa, tôi lao đến chộp lấy, rồi phi ra ngoài cửa sổ, mở ô, nhảy xuống. Chân Kim hốt hoảng kêu to, lao đến. Lầu hai của quán rượu không quá cao, tôi tiếp đất nhẹ nhàng. Đám đông gần đó xôn xao, tôi nghe rõ tiếng bước chân hối hả chạy xuống lầu của Chân Kim. Không thể để có thể đuổi kịp, tôi lao đi như bay, trốn vào một ngõ nhỏ không người qua lai, biến phép trở lại nguyên hình, niệm chú giấu đi toàn bộ trang phục, rồi mới cấp tốc chạy về quán rượu nọ.

Phía trước cửa quán, Chân Kim đang lách qua đám đông, hối hả kiếm tìm, hễ thấy cô gái nào khoác áo trùm đầu là bước đến, kéo mũ người ta xuống, và thế là phải nhận hàng tràng những tiếng quát mắng gay gắt. Tôi chẳng còn tâm trí đâu mà lo cho cậu ta nữa, phi vào quán rượu, Kháp Na đang bưng trà lên cầu thang, tôi lao đến, kéo ống quần cậu ấy rồi nhảy lên lòng cậu ấy, thì thào đầu đuôi sự việc. Kháp Na biến sắc mặt, vội vã giữ một tiểu nhị của quán lại, nhét cho cậu ta một ít tiền để cậu ta đưa chúng tôi ra ngoài theo lối cửa sau. May mà tôi về kịp nên Kháp Na và Chân Kim đã không chạm mặt.

Tối hôm đó, sau khi về phủ, Kháp Na nằm dài trên giường, khóe môi treo mãi nụ cười mãn nguyện, dịu dàng vuốt ve tôi:

- Tiểu Lam à, hôm nay ta vui lắm, đã lâu ta không được vui thế này, cảm ơn em!

Sau khi cậu ấy thiếp đi, tôi cứ nghĩ mãi về chuyện này, vì sao trong đêm hội hoa đăng, trong tôi lại nảy sinh thứ xúc cảm bi thương lạ lùng đó với Kháp Na? Một chút đau lòng, một chút tiếc nuối, một chút không đành, hay còn thứ cảm xúc nào khác mà tôi chưa rõ? Trằn trọc mãi cho đến khi trời sáng, tôi mới đưa ra được kết luận: Đó là vì tôi cảm thấy tội nghiệp cho cậu ấy.

Khi tia sáng đầu tiên ló rạng sau tầng mây tím nơi đường chân trời, chợt nhớ đến cuộc hôn nhân ép buộc thứ hai đang chờ đợi Kháp Na, lòng tôi bỗng chùng xuống, nỗi sầu muộn dâng ngập lòng.

~.~.~.~.~.~

- Mông Cổ diệt nước Kim, Yên Kinh rơi vào tay người Mông Cổ, khi ấy thành trì tan hoang, đời sống kinh tế xã hội điêu linh, kinh đô phồn hoa ngày nào bỗng chốc trở nên hoang tàn. Thảm cảnh đó kéo dài cho đến khi Hốt Tất Liệt dời đô từ phủ Khai Bình về đây.

Tôi tìm trên giá sách một cuốn giới thiệu về lịch sử Bắc Kinh rồi đưa cho chàng trai trẻ:

- Chỉ trong một thời gian ngắn, Hốt Tất Liệt liền nhận ra, thành phố này là nơi lý tưởng để xây dựng kinh đô. Yên Kinh nằm trên ranh giới giữa cao nguyên Mông Cổ và vùng đất Trung Nguyên, phía bắc cách thảo nguyên rộng lớn của Mông Cổ không xa, phía nam là vùng đồng bằng Hà Bắc, Sơn Đông phì nhiêu màu mỡ, sản vật phong phú. Khí hậu ôn hòa nơi đây cũng thích hợp với những người Mông Cổ vốn đã quen với đời sống du mục.

- Đến nay, thành Bắc Kinh vẫn lưu giữ các di tích từ triều Nguyên để lại, đó là di chỉ tường thành triều Nguyên, và còn...

Chàng trai trẻ lật mở rồi chỉ vào một trong những bức hình minh họa, tươi cười:

- Đúng rồi, di tích nổi tiếng nhất phải kể đến tháp trắng Bắc Hải.

- Tòa tháp này có liên quan đến Bát Tư Ba, tôi sẽ kể sau.

Tôi mỉm cười tiếp tục câu chuyện:

- Hốt Tất Liệt giao cho viên đại thần người Hán – Lưu Bỉnh Trung – trọng trách trùng tu Yên Kinh với quy mô kinh đô, thiết lập cơ quan hành chính lục bộ, trung thư lệnh [5]. Từ đó, thành phố này trở thành thủ đô của Trung Quốc, trải qua các triều đại Nguyên, Minh, Thanh, cho đến tận ngày nay.

=========

[5] Lục bộ: chỉ sáu cơ quan chức năng cao cấp trong tổ chức triều đình quân chủ Á Đông, bao gồm: bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công. Trung thu lệnh: chức quan đứng đầu trung thư tỉnh. Vào thời Nguyên, trung thư tỉnh là cơ quan hành chính cao nhất. (DG)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play