Sáng sớm ngày 21
tháng Chín âm lịch năm Dân Quốc thứ ba mươi lăm, Tống Kha bừng tỉnh sau
cơn ngủ say. Anh phát hiện mình đang nằm trong chiếc giường tre trong
căn nhà gỗ nhỏ bé, trên người là chiếc chăn bông mỏng với vỏ chăn bằng
vài trắng. Tống Kha ngạc nhiên vô cùng bởi từ trước tới giờ anh thường
tới đây vào buổi tối và trở về nhà vào lúc sáng sớm. Cho dù anh không
muốn về thì Lăng Sơ Bát cũng bắt anh về. Nhưng sáng sớm nay tỉnh lại,
sao anh vẫn nằm trên chiếc giường tre của Lăng Sơ Bát chứ? Tống Kha
không lý giải nổi. Anh cũng không thấy Lăng Sơ Bát ở trên giường, trong
căn nhà gỗ nhỏ bé không thấy bóng dáng cô, không hiểu cô đi đâu nữa?
Mùi tanh thối nồng nặc trong căn nhà gỗ nhỏ.
Tống Kha vẫn lười nhác nằm trong chăn nghe tiếng chim ríu rít bên ngoài.
Tiếng chim lảnh lót dẫn anh về một ngày nào đỏ trong quá khứ xa xôi. Đó
cũng là buổi sáng sớm, trên chiếc ghế băng đặt dưới tán cây trong khuôn
viên trường Thượng Hải, anh và Tô Tĩnh đang ngồi bên nhau lắng nghe
tiếng chim hót lảnh lót. Trong lòng họ đầy ý thơ ngọt ngào và hướng về
tương lai tốt đẹp… Tống Kha nhắm mắt, anh không dám nghĩ lại những
chuyện đã qua, anh không biết Tô Tĩnh còn sống hay đã chết. Nếu như họ
được gặp lại nhau lần nữa, liệu Tô Tĩnh có còn nhớ tới buổi sáng sớm với tiếng chim líu lo đó không?
Mọi hồi ức đều biến thành ảo giác.
Lòng Tống Kha dâng lên nỗi buồn khó tả.
Con người ta sống được chính là vì có rất nhiều thứ không xác định như vậy, có ai biết được mình sẽ đi đâu, ai biết được số mệnh của mình cuối cùng sẽ thuộc về nơi nào?
Bỗng Tống Kha nghe thấy dưới gầm giường có
thứ gì đó đang đánh nhau, phát ra tiếng bùm bụp, hự hự. Tống Kha cúi
người, ngó xuống, dưới đó chẳng có gì cả. Tiếng động nhanh chóng biến
mất. Tống Kha đứng dậy mở cửa, anh nhìn thấy làn sương mỏng màu xanh
nhạt buông trên khu rừng rậm.
Anh bỗng nhìn thấy Lăng Sơ Bát trong bộ quần áo dân tộc bước ra từ làn sương.
Tống Kha thần người ra, lúc này trong mắt anh Lăng Sơ Bát giống như một nữ
thần. Trong lòng anh trào dâng sự cảm động. Gần đây, nếu như không có sự quan tâm của Lăng Sơ Bát thì không cần người dân trong thị trấn Đường
đuổi, anh cũng tự thu dọn hành lý rời khỏi đây. Từ lúc Tam Lại Tử bệnh
phải ở trong cửa hiệu truyền thần của anh, nhân lúc trời tối thì anh tới chỗ hẹn với Lăng Sơ Bát, hắn đã ăn trộm của anh hai đồng đại dương
khiến anh chẳng còn đồng xu dính túi nào. Mấy tháng nay, thị trấn Đường
không có người chết, cũng chẳng có ai tới mời anh vẽ tranh, anh – người
không có thu nhập – chỉ còn biết dựa vào Lăng Sơ Bát để sống qua quãng
thời gian dài đằng đẵng từ đầu hè tới tận cuối thu. Lăng Sơ Bát đã khiến anh cảm thấy có chỗ dựa, nhưng trong tận đáy lòng anh vẫn cảm thấy có
lỗi với cô, sao anh nỡ lòng nào tăng thêm gánh nặng cho cô được chứ?
Chính trong buổi tối hôm trước, sau khi tới căn nhà gỗ, anh phát hiện
Lăng Sơ Bát vẫn như mọi khi, vừa đợi anh vừa nấu canh móng giò. Tống Kha cảm động vô cùng, anh nói với Lăng Sơ Bát:
“Em đối xử với anh tốt như vậy, anh phải làm gì để báo đáp em đây?”
Lăng Sơ Bát khẽ cười đáp lại: “Chỉ cần anh không ghét bỏ người con gái mắt
đỏ xấu xí là em đây, thì em đã mãn nguyện lắm rồi. Từ ngày đầu tiên anh ở bên em, em đã cam tâm tình nguyện hầu hạ anh, căn bản không nghĩ tới
chuyện anh sẽ báo đáp”>
Tống Kha không nói gì, anh ôm chặt Lăng Sơ Bát vào lòng giống như ôm Tô Tĩnh vậy.
Tống Kha cảm thấy cô giống như nữ thần bước tới từ làn sương xanh, anh khẽ gọi tên cô: Sơ Bát!”
Lăng Sơ Bát bước tới trước mặt anh, nhoẻn cười nói; “Họa sĩ Tống, anh dậy rồi à? Sao anh không ngủ thêm chút nữa?”
Khuôn mặt xanh xao của Tống Kha hơi đỏ lên vì thẹn: “Tỉnh rồi thì dậy luôn thôi”.
Ánh mắt của Tống Kha dừng lại ở chiếc nồi sảnh đen Lăng Sơ Bát đang ôm trên tay.
Lăng Sơ Bát nói: “Họa sĩ Tống à, vào nhà đi, em cho anh xem thứ này”.
Tống Kha và Lăng Sơ Bát cùng bước vào nhà.
Lăng Sơ Bát để chiếc nồi sảnh đen trên đất, lấy nắp nồi ra. Tống Kha nhìn
thấy có thứ gì đó trông rất giống ếch xanh, có điều lớp da của nó có màu tía giống gan lợn. Tống Kha thắc mắc: “Sơ Bát à, đây là cái gì?”
Lăng Sơ Bát cười: “Em biết ngay mà, những người sống trong thành phố chắc
chắn sẽ không biết đây là cái gì mà. Em nói cho anh nghe nhé, đây là báu vật của rừng núi đấy. Con vật này là ếch đá, ếch đá với ếch đồng không
giống nhau, ếch đá sống trong động có nguồn nước trên núi. Vì ếch đá rất ít, gầy gò thế này, em thì lại không có nhiều tiền, không thể ngày nào
cũng xuống thị trấn mua chân giò hầm cho anh được. Do vậy mới nhớ tới
món ếch đá này. Mới sáng sớm em đã dậy rồi, lên núi bắt được những con
ếch đá này đấy. Anh xem này, hôm nay em rất may mắn, em bắt được những
năm con. Lát nữa, em sẽ làm thịt chúng rồi hầm canh ếch đá cho anh ăn.
Món này bổ lắm đấy!”
Tống Kha xúc động nắm bàn tay lạnh ngắt của
Lăng Sơ Bát: “Sơ Bát à, sao em lại tốt với anh như vậy? Anh là người vô
dụng như vậy, có đáng để em đối tốt như vậy không?”
Mỗi khi Tống
Kha động tình, mùi tanh thối trên người lại càng nồng nặc. Lăng Sơ Bát
được Tống Kha ôm trong lòng, cô nhắm nghiền đôi mắt đỏ lại, say sưa hít
những hơi dài mùi tanh thối tỏa ra từ người Tống Kha. Cô ta thì thầm:
“Họa sĩ Tống à, anh thân yêu của em”.
Tống Kha lại ôm chặt cô vào lòng, hôn lên trán cô và nói: “Sơ Bát à, em đừng vì anh mà làm khổ bản
thân, anh không để ý tới việc ăn gì đâu, anh cũng không quan tâm tới cơ
thể mình thế nào, chỉ biết được ở cùng em là sự an ủi lớn nhất đời anh.
Nhưng bây giờ anh còn rất nghèo, chẳng cho em được thứ gì, em cũng biết
mà, dù gì anh cũng là thằng đàn ông, anh không muốn để phụ nữ nuôi
mình”.
Lăng Sơ Bát nghe xong, toàn thân run rẩy, cô khẽ cắn vào
vành tai anh: “Họa sĩ Tống à, em sẽ có tiền thôi. Thực ra, việc anh có
tiền hay không không quan trọng với em, chỉ cần anh mãi ôm em thế này,
để em được ngửi mùi trên người anh thì em đã mãn nguyện lắm rồi”.
Trên đời này có người phụ nữ nào lại thích ngửi mùi tanh thối trên người
Tống Kha chứ? Chỉ có cô gái trong núi vừa thần bí vừa cô độc Lăng Sơ Bát mà thôi. Chỉ dựa vào điểm này, vị trí của Lăng Sơ Bát trong lòng Tống
Kha đã dần dần thay thế hình bóng Tô Tĩnh, người con gái như thật như mơ trong lòng anh. Mặc dù rất nhiều đêm dài, sau khi Lăng Sơ Bát thổi tắt
đèn, lúc cô làm tình với anh, Tống Kha lại không kiềm chế được lòng mình mà gọi tên Tô Tĩnh.
18
Chính trong đêm ngày 21 tháng Chín âm lịch, Tống Kha trở về thị trấn thì nghe nói có người chết.
Sau khi Tống Kha ăn xong bữa tối trong căn nhà gỗ của Lăng Sơ Bát, cô nhìn
anh bằng ánh mắt mê hồn rồi khẽ nói: “Họa sĩ Tống à, anh nên về thôi!”
Tống Kha không kịp nói gì, toàn thân anh run nhẹ như bị điện giật, đôi mắt
sau cặp kính thẫn thờ. Tống Kha đờ đẫn đứng dậy, đi ra khỏi căn nhà gỗ
như bị mộng du. Lăng Sơ Bát cũng theo anh ra ngoài cửa. Cô ta nhìn vào
khu rừng tối om trước mặt, miệng phát ra những tiếng rít đanh đanh. Bỗng chốc một con rắn toàn thân phát ra luồng sáng màu xanh xuất hiện trước
mặt Tống Kha. Trong màn đêm âm u không có trăng sao này, con rắn kia dẫn anh chàng Tống Kha như người mất hồn về thị trấn Đường. Sau khi Tống
Kha trở về thị trấn, con rắn xanh đó cũng biến mất, anh chợt tỉnh táo
hẳn. Trong tâm trí của anh, Lăng Sơ Bát lại biến thành một bông hoa đẹp
mê hồn. Anh băn khoăn không hiểu lúc nào mới có thể gặp lại cô.
Sau khi về tới thị trấn Tống Kha nghe thấy tiếng trống tang thương tâm. Con đường vắng lặng của thị trấn khiến anh lạnh hết cả người.
Tống Kha vừa về tới nhà, đang mở cửa thì nghe thấy có tiếng người nói ở phía sau: “Họa sĩ Tống, cuối cùng anh cũng đã về”.
Tống Kha quay lại, một bóng người trong bóng tối, anh không nhìn rõ mặt người đó.
Tống Kha chột dạ hỏi lại: “Anh là ai?”
Bóng đen đáp: “Tôi là đầu bép quán rượu Hồng Phúc, ông chủ Chu Phúc Bảo
chúng tôi muốn mời anh tới vẽ truyền thần cho bố ông ấy. Bố ông ấy mất
rồi”.
Tống Kha bình tĩnh hơn, anh thắc mắc: “Tại sao đột nhiên lại chết như vậy?”
“Tôi đã đợi anh cả một ngày rồi, bố ông chủ chỗ chúng tôi ngay từ sáng đã
được phát hiện chết trên giường. Sau khi ông ấy chết, ông chủ liền sai
tôi đi tìm anh để vẽ truyền thần cho bố ông ấy. Ông chủ còn nói, may mà
Chủ tịch anh minh, không nghe theo lời của một số người trong thị trấn
đuổi anh đi. Nếu không ông ấy không biết đi đâu để tìm họa sĩ nữa. Ông
chủ còn dặn dò, bất luận phải đợi tới sáng cũng phải chờ anh về để mời
anh sang đó vẽ truyền thần cho ông cụ. Cuối cùng anh cũng đã về rồi, tôi phải dẫn anh qua chỗ ông chủ. Tôi còn tưởng anh đã rời khỏi thị trấn
rồi, sẽ không bao giờ về nữa chứ”.
Tống Kha không nói năng gì.
Ông Chu Quý Sinh – bố ông chủ quán rượu Hồng Phúc – Chu Phúc Bảo chết rất tức tưởi.
Tối hôm đó, ông chủ Chu Quý Sinh còn mời một vài ông bạn địa chủ ở xung
quanh thị trấn tới ăn tiệc tại quán rượu của con trai. Những tay địa chủ đó mãi tận khuya mới lên xe rời khỏi quán rượu. Ông Chu lúc đó vẫn còn
tỉnh táo, ông còn đánh mấy ván mạt chược với Chủ tịch Du, sau đó còn bảo con trai Chu Phúc Bảo đánh thay mình rồi mới về nhà ngủ.
Chủ tịch Du còn sai đội phó Trư Cốc đưa ông Chu về.
Trư Cốc cầm đèn lồng đi phía trước, ông Chu chống gậy đi phía sau. Trư Cốc
vừa đi vừa ngoái đầu lại nói với ông Chu;”Chú Quý Sinh à, chú đi từ từ
thôi, chú ý đường đấy nhé”.
Ông Chu vẫn còn rất khỏe mạnh đáp lại; “Đi thôi! Đi thôi!” Đừng tưởng ông chú đây già rồi mà không đi được đấy”.
Trư Cốc cười khì khì.
Nói ra thì ông Chu và Trư Cốc thật sự có quan hệ chú cháu, nhưng bố của Trư Cốc không nên trò trống gì, cả đời chỉ biết kiếm sống bằng việc thuê
ruộng của ông Chu Quý Sinh nên dù Trư Cốc đã làm đội phó đội bảo vệ,
nhận được sự coi trọng của Chủ tịch Du thì ông Chu vẫn khinh thường hắn. Trong mắt ông ta, thằng Trư Cốc lưng đeo súng trường, tay xách đèn lồng chỉ là con chó mà thôi. Ngôi nhà lớn đầu tiên khi đi vào ngõ Thanh Hoa
chính là nhà của ông Chu.
Lúc đưa ông Chu về ngõ Thanh Hoa, Trư
Cốc cảm thấy có cơn gió thổi sau lưng. Hắn quay phắt người lại, phát
hiện có một bóng trắng lướt qua. Nhớ lại tin đồn về hồn ma Thẩm Văn Tú
tác oai tác quái, Trư Cốc sợ hết hồn. Bóng trắng đó biến mất trong nháy
mắt, cái ngõ Thanh Hoa lại chìm trong bóng tối. Tuy Trư Cốc đeo súng
trường nhưng vẫn lo sợ, xách đèn lồng chạy như bay về ủy ban. Đến nơi,
hắn đứng nhìn mọi người đang đánh mạt chược. Chủ tịch Du nhìn hắn hỏi:
“Trư Cốc, mặt cậu sao trắng bệch vậy?”
Trư Cốc phân minh: “Chắc là do gió đêm thổi đấy ạ”.
Ông Chu Quý Sinh về tới nhà ngâm chân xong liền nằm xuống giường. Ông nhớ
tới con chó trông nhà của mình, con chó đó có tiếng rất dữ tợn. Hồi
trước, nó còn cắn một người đàn ông nửa đêm canh ba mò tới nhà mụ góa Dư Hoa Khố tòm tem. Ông Chu còn phải đền cho người đó hai đấu gạo. Từ đó
trở đi, ông Chu Quý Sinh dặn bọn người ở tới đêm phải nhốt con chó lại,
không để nó sổng ra ngoài cắn người. Bởi ông biết, rất nhiều thằng đàn
ông cứ chờ tới đêm lại lởn vởn trước nhà mụ góa Dư Hoa Khố. Thế nhưng,
hai ngày trước con chó đó mất tích, ông Chu đã sai người đi tìm nó khắp
nơi nhưng không tìm thấy. Nhớ tới con chó này, ông Chu cảm thấy chua
xót, ông và nó đúng là có tình cảm với nhau. Nó còn cứu sống ông một
lần, cái năm thổ phỉ Trần Lan Đầu mò vào thị trấn. Lúc tới nhà ông, nếu
như không phải nó cắn tên thổ phỉ với biệt danh giết người không chớp
mắt này thì có lẽ hắn đã lấy mạng ông rồi.
Nghĩ ngợi một hồi thì ông ngáy khò khò.
Đến sáng, một người hầu tới phòng để chuẩn bị đổ bo cho ông thì phát hiện
ông đã chết trên giường. Cái chết của ông vô cùng đáng sợ, thi thể
trương phềnh lên, bụng ông nổi lên một cục to, mặt mũi sưng lên như cái
đầu, thất khiếu(1) chảy máu đen. Điều khiến người hầu kia kinh hồn bạt
vía là anh ta nhìn thấy một con rắn vằn màu xanh trườn ra từ miệng ông
Chu Quý Sinh… Lúc bọn người nhà họ Chu đi báo tin cho ông chủ Chu Hồng
Phúc, thì ông ta vẫn miệt mài bên bàn mạt chược ở ủy ban, cả tối hôm đó
chỉ mình ông ta thua bạc.
Tống Kha đi theo người làm thuê ở quán
rượu Hồng Phúc tới nhà họ Chu, người nhà họ Chu kéo nhau trốn anh. Thực
ra vào lúc này, mùi hôi trên người Tống Kha đã giảm bớt nhiều rồi, bấy
giờ còn dễ ngửi hơn mùi xác ông Chu Quý Sinh. Nhưng những người nhà họ
Chu kia vẫn tránh xa anh, họ lại còn bịt cả mũi lẫn mồm nữa chứ. Tống
Kha cũng chẳng thèm để ý tới họ. Ông chủ Chu Phúc Bảo đang mặc áo xô
chịu tang nói với anh.
“Họa sĩ Tống à, bức truyền thần của bố tôi phải nhờ cậu thôi, nếu vẽ đẹp, tôi sẽ không bạc đãi cậu”.
Tống Kha không nói gì, anh đi tới chỗ ông Chu rồi bắt đầu vẽ truyền thần.
Tất cả người nhà họ Chu đều nhìn Tống Kha bằng ánh mắt dò xét.
Tống Kha nhanh chóng xuất thần, từ bản năng xuất hiện một động lực. Đó là
Tống Kha phải vẽ đẹp bức truyền thần của ông Chu mới có thể cầm được
khoản thù lao hậu hĩnh. Như vậy có thể đổi lại được một chút tôn nghiêm
của người đàn ông, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm nhẹ gánh nặng
mà anh đem tới cho Lăng Sơ Bát.
Ánh mắt của Tống Kha vô cùng bình tĩnh nhìn vào xác chết, anh biết phải vẽ được cái hồn của người chết
thì bức truyền thần của mình mới thành công.
Anh bắt đầu vẽ những nét đầu tiên trên giấy, dường như anh nghe thấy tiếng giãi bày tâm sự của người chết vậy.
Tống Kha trầm mặc, chăm chú lắng nghe lời tâm sự của người chết. Nếu như lúc này người chết ngồi bật dậy nói chuyện với anh thì anh cũng sẽ không
cảm thấy sợ hãi, bởi lúc này anh đã rơi vào trạng thái quên đi chính
mình.
Tống Kha phải mất một canh giờ mới vẽ xong bức truyền thần cho ông Chu.
Người đầu tiên tới xem bức truyền thần là ông chủ Chu Phúc Bảo.
Dường như bố ông ta đang sống lại trước mắt ông ta. Mắt bố ông ta toát ra vẻ
thần khí khiến ông kính phục vạn phần tài vẽ của Tống Kha, thậm chí ông
ta còn quên mất Tống Kha là người có mùi hôi. Ông ta nắm chặt tay Tống
Kha, mắt nhòe lệ:
“Cám ơn cậu, họa sĩ Tống! Cám ơn cậu! Tôi nghĩ bố tôi ở dưới suối vàng cũng sẽ cảm kích về bức truyền thần cậu vẽ cho ông ấy”.
Tống Kha lúc này đã mệt bã người, anh có cảm giác cái khẩu khí anh dùng để
cổ vũ bản thân khi nãy đã tan biến mất trong giây phút anh vẽ nét cuối
cùng. Đối với những lời cảm ơn hoa mỹ của Chu Phúc Bảo, anh không nghe
lọt câu nào. Anh chỉ nhìn thấy cặp môi của ông ta đang uốn lượn, mấp máy lên xuống không ngừng.
Chu Hồng Phúc không do dự đưa cho Tống
Kha ba đồng đại dương: “Họa sĩ Tống à, tôi đã nói rồi mà, nếu anh vẽ
truyền thần cho bố tôi đẹp, tôi nhất định không bạc đại. Chủ tịch Du khi đó trả anh bao nhiêu tiền thì hiện giờ tôi cũng trả anh nhiều như vậy!”
Tống Kha nhận ba đồng đại dương rồi rời khỏi nhà họ Chu trong tiếng trống tang vừa buồn bã lại vừa có tiết tấu.
Lúc Tống Kha đi trên con đường trong thị trấn thì trời bỗng nổi gió sớm.
Tống Kha cảm thấy mình nhẹ bẫng, dường như anh đã bị người chết hút khô vậy, chỉ còn cái xác thịt mà thôi. Cơn gió lớn liệu có cuốn anh lên giống
như cuốn chiếc lá khô không?
Thứ duy nhất thể hiện trọng lượng
trên người Tống Kha lúc này chính là ba đồng đại dương. Chính ba đồng
đại dương đó đã khiến anh không bị gió cuốn đi mất. Tống Kha đút tay vào túi, khi những ngón tay anh chạm vào đồng bạc lạnh lẽo, nặng trịch đó,
dường như anh nghe thấy tiếng tiếc than dài. Tiếng tiếc than đó bay theo gió trong đêm cuối thu.
Tống Kha còn ngửi thấy mùi chết chóc u buồn.
Có phải cơn gió đã mang mùi chết chóc từ nơi u linh tới? Tống Kha không
biết. Mùi chết chóc ẩm ướt lạnh lẽo, còn tỏa ra mùi phân hủy nữa… Càng
ngày Tống Kha càng ngửi thấy mùi chết chóc nồng hơn, cứ như thể một kẻ
chết đuối đang phải đối mặt với cái chết vậy.
Cơn gió lớn thổi từ đông sang tây, rồi lại thổi ngược từ tây sang đông. Trong gió còn xen
lẫn tiếng khóc thê lương, tiếng gầm phẫn nộ, tiếng than thở bất lực,
những lời giãi bày không có ai nghe, tiếng kêu đau buồn đấm ngực dậm
chân, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng cười điên dại… rất nhiều, rất nhiều những hồn ma không nhìn thấy đang nhảy nhót điên cuồng trong gió đêm,
những tiếng động đó phá vỡ sự yên tĩnh trong thị trấn Đường.
Tống Kha thất thểu đi về cửa hiệu truyền thần, anh muốn trốn trong căn gác
xép của cửa hiệu. Anh muốn cuộn chặt chân vào người, để chống lại mùi
chết chóc đang bay tới trong cơn gió điên cuồng, để chống lại màn đêm
dài đằng đẵng này.
Cuối cùng, Tống Kha cũng chạm vào ổ khóa cửa,
khóa sắt giống như cục băng. Anh mở cửa rồi bước vào trong, vội vàng cài then, dựa lưng vào cửa hiệu thở phì phò. Cửa hiệu bí bách khác thường,
liệu mình có chết ngạt không đây?
Gió vẫn điên cuồng gào thét bên ngoài cửa hiệu.
Chú thích:
.(Từ cổ) Chỉ bảy cái lỗ trên mặt bao gồm hai lỗ tai, hai lỗ mũi, hai mắt và mồm.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT