Dưới tòa thành này có dấu vết của triều Hạ cổ xưa, có thành quách của
Chiến quốc Đại Lương, có tàn viên (vườn hoang) của Biện Châu thời Đường. Nghĩ đến điều này khiến người ta bất chợt có cảm giác kỳ diệu trong
lòng.
Từ trên tàu bước xuống, Ninh Nghị dậm dậm hai chân xuống đất. Trong cơn mưa, bến tàu vừa hỗn loạn vừa ồn ào.
Từ Giang Ninh tới đây, đồng hành suốt một đường, đến lúc này rốt cục mỗi
người đi một ngả. Lễ vật sinh nhật tự có người của hoàng gia tới giao
nhận. Đám hoàng thân quyền quý, con ông cháu cha cũng đều có quan hệ của mình tới tìm, có thân thích tới gặp. Lúc này tin tức lưu thông không
quá linh hoạt, mọi người đi lên phía bắc gặp phải mọi sự trì hoãn, tới
nơi không chuẩn xác thời gian, người ở kinh thành cũng không thể tính
toán được. Có người thân phận khá cao và cũng khá để ý tới thân phận và
mặt mũi thì ngay từ tối hôm qua đã khiến tôi tớ ra roi thúc ngựa tới
kinh thành báo tin. Lúc này liền có những người thoạt nhìn cũng rất có
thân phận đang nghênh đón ở bến tàu. Cũng có người, ví dụ như tiểu quận
chúa, thân phận không thấp, lại có đám người Khang Hiền lo lắng tới an
toàn của nàng nên đã sớm cho người báo tin đến kinh thành, nên đã cho
người chờ đợi hàng ngày ở bến tàu. Đãi ngộ như vậy là tận tâm nhất, cũng có thể chứng minh thân phận nhất.
Những thứ như Mật Trinh Ti
hiện giờ cũng không hoàn toàn vận hành một cách cẩn thận, nghiêm túc,
chính quy, đám người Văn Nhân Bất Nhị lên kinh thành chủ yếu vẫn là đến
thăm Tần Tự Nguyên. Văn Nhân Bất Nhị vốn là đệ tử học lễ của Tần Tự
Nguyên, hiện tại lên bờ thì buổi chiều phải đi tới Tướng phủ (phủ thừa
tướng) bái kiến. Về phần Ninh Nghị, hắn lẽ ra cũng phải đi Tướng phủ
nhưng vì cùng đi còn có Tiểu Thiền, có Tô Văn Dục, Tô Yến Bình, có Vân
Trúc, có Cẩm Nhi, có bốn năm tôi tớ và hộ viện tin cậy của Tô phủ, cũng
mang theo không ít đồ đạc, lại không thể đem toàn bộ mọi người cùng
theo, nên trước tiên buổi chiều phải đi tìm nhà trọ để ở. Về phần đám
người ba huynh đệ Tề gia, Lư Tuấn Nghĩa, dù sao mọi người đều đã rất
quen thuộc, ở cùng nhà trọ là không thành vấn đề.
Mới đến Biện
Lương, kỳ thật được coi là không quen người quen đất. Cũng may trong số
những người Tô gia đi theo có một người có kinh nghiệm, chính là vị chạy tới Biện Lương để ném đá xuống giếng trong sự kiện Hoàng Thương
- Liêu chưởng quầy.
Người này tên là Liêu Tam Hoa, xem như rất đáng tin cậy trong số các chưởng
quầy Tô gia, lại có kinh nghiệm chạy phương pháp buôn bán ở kinh thành.
Lần này khiến y đi theo tới đây làm tiền trạm.
Khi mọi người đang ở trong đại sảnh chuyên dùng để đón khách ở bến tàu cùng nhau thảo luận xem nên đến ở chỗ nào, Chu Bội đã dẫn mấy người tới tiếp đón. Đó là
người của phủ Sùng Vương ở kinh thành. Những ngày kế tiếp, nàng hẳn là
sẽ ở trong phủ Sùng Vương cho đến khi thọ yến của Thái Hậu kết thúc. Bởi vậy nàng tới đây hỏi Ninh Nghị sẽ ở đâu.
Theo những sự tình xảy
ra trên đường đi, nàng đã tương đối sùng bái Ninh Nghị, mấy ngày đều
quấn quýt lấy Ninh Nghị hỏi cái này cái kia. Ngày thường vốn nàng hay
cãi lại một hai câu mỗi khi không phục, giờ giảm bớt rất nhiều. Ngay cả
cái gì mà Thiên hạ trăm đại cao thủ bảng mà rõ ràng là Ninh Nghị chỉ làm chơi nghịch cũng được nàng sao chép lại một bản, tự suy ngẫm ảo diệu
trong đó. Nếu khả năng, chỉ sợ nàng sẽ rất tình nguyện đi theo "sư phụ"
như vậy để học tập mọi thứ. Nhưng đương nhiên, đại bộ phận thời gian,
nàng vẫn rất hiểu đại thể, cũng biết việc này căn bản là không có khả
năng.
Lúc này đám người Ninh Nghị đang chuẩn bị đi tới khách sạn
Phúc Tường mà theo giới thiệu của Liêu chưởng quầy là lớn nhất, sang
nhất Biện Lương. Vừa nói ra tên này, một vị quản sự của phủ Sùng Vương
đi theo Chu Bội cũng nói:
- Khách sạn Phúc Tường khá lớn, chỉ có điều e rằng không còn phòng trống. Đến lúc đó nếu không còn chỗ, công
tử không ngại đi tới Văn Hối lầu bên phố Thái Miếu. Phủ Sùng Vương có
chút quan hệ với khách sạn bên kia.
Vị quản sự này có lẽ là một
thái giám nhưng thái độ ôn hòa, kính cẩn, nói xong thì trình ra một tấm
danh thiếp. Xem ra phủ Sùng Vương và phủ Khang Vương có quan hệ không
tồi. Đối phương làm như vậy khiến Tiểu quận chúa cảm thấy nở mày nở mặt.
- Về chỗ ở của sư phụ, ngày mai con lại đi hỏi Tần gia gia một chút. Nếu có chuyện gì, sư phụ cứ đến phủ Sùng Vương tìm con.
Chu Bội nói xong, hai tay chắp lại trước ngực, hơi khụy gối thi lễ rồi mới rời đi.
Thiếu nữ mười lăm tuổi này đã hiển lộ vẻ vừa cao quý vừa phóng khoáng.
Sau khi Chu Bội rời khỏi, Trần Kim Quy cũng đi tới nói mấy câu với Ninh Nghị.
Y muốn cảm tạ hắn đã giúp đỡ trên đường đi, cũng nói mình cũng quen biết
một số người ở kinh thành, nếu có việc cần cứ thoải mái mở miệng, vân
vân … Sau khi Trần Kim Quy đi thì tới tìm Ninh Nghị lại là Lý Sư Sư.
Lần này mọi người ai về nhà nấy, sau khi "lưu luyến chia tay" với mọi
người, Lý Sư Sư phải trở về Phàn Lâu nên cũng tới đây hỏi chỗ ở của Ninh Nghị. Trên thực tế, có lẽ hai ngày đầu Ninh Nghị sẽ ở nhà trọ nhưng sau này vẫn phải mua mấy cái nhà ở kinh thành.
- Nếu có rảnh, Ninh
đại ca không ngại đến Phàn Lâu chơi một chút. Ở kinh sư có rất đông tài
tử, Ninh đại ca hẳn còn nhớ Chu Bang Ngạn Chu Mỹ Thành chứ? Y vẫn nhớ
mãi không quên những bài từ của huynh. Đương nhiên, chủ yếu nhất là tiểu muội hy vọng có thể tụ họp với Ninh đại ca, Vu đại ca, Trần đại ca.
Thái độ của nàng tha thiết và thành khẩn, Ninh Nghị cũng cảm thấy không tiện từ chối. Đương nhiên, sự tình này hắn cũng không cần phải từ chối nên
gật đầu đồng ý. Lý Sư Sư liền khẽ thi lễ rồi cười rời đi. Bóng dáng nàng tuy không mang theo vẻ cao quý như Chu Bội nhưng lại xinh đẹp thướt tha và phóng khoáng, như thể thiếu nữ thanh thuần và nữ nhân quyến rũ kết
hợp lại cùng một chỗ, nhưng vẫn không mất đi cảm giác thuần khiết. Nếu
nói Vân Trúc là hoa bách hợp thanh nhã, trắng trong, thuần khiết thì Lý
Sư Sư lại là hoa thủy tiên vừa thuần khiết vừa mang chút tự nhiên, phóng khoáng. Có lẽ cũng bởi vì như vậy nên Vân Trúc không thể dung nhập được vào hoàn cảnh của thanh lâu mà nàng lại có thể thành thạo và tự nhiên.
- Lý cô nương này thật là lợi hại nhỉ …
Lúc này Vân Trúc mặc áo vải thô, tóc cài trâm đầy vẻ trắng trong, thuần
khiết, nhìn bóng dáng Lý Sư Sư từ biệt mọi người dần đi xa, không khỏi
nghiêng đầu cảm thán. Đây có lẽ chỉ thuần túy là sùng bái mà thôi. Vân
Trúc nghiêng đầu cũng mang đến một khí chất mê người khiến Ninh Nghị
cười cười. Nguyên Cẩm Nhi thì ăn mặc nam trang, ngồi trên đống hành lý
ăn cái gì đó, chỉ khẽ hừ một tiếng không cho là đúng.
Trời vẫn
mưa, đoàn người thuê xe ngựa rời đi. Sau khi qua hai con phố, sự bẩn
loạn đặc hữu của vùng ven bến tàu dần dần biến mất, nhưng vén rèm lên
nhìn ra bên ngoài, cảnh phố vẫn có vẻ chật chội như trước. Các công
trình cao thấp chen chúc nhau, đường rộng ngõ nhỏ rẽ ngang rẽ dọc. Dưới
màn mưa, cảnh tượng trước mắt khi thì cũ kỹ, khi thì mới mẻ độc đáo. Tửu quán mới, trà lầu cũ, mái hiên cao thấp sát vai nhau. Có khi đi qua
những căn nhà cũ kỹ, tường nhà đầy rêu xanh, có khi đi qua lầu nhỏ mới
xây, tường sơn đỏ được nước mưa tẩy rửa thật sáng sủa. Có phủ đệ uy
nghiêm đặt sư tử đá to lớn phía trước, có tiêu cục cắm cột cờ thật cao
trước sân. Có người luyện võ lưng đeo binh khí, trú mưa dưới mái hiên.
Có thanh lâu treo những chiếc đèn lồng bắt mắt, có lầu thì treo quần áo, lụa màu. Có những nữ tử trong mắt đầy vẻ khao khát và không yên lòng
đứng trên lầu nhìn những người đi qua lại trên đường. Có những cửa sổ
truyền ra tiếng ca, tiếng cười, tiếng mắng chửi, âm thanh bị bao phủ
trong tiếng mưa. Có những cây cổ thụ mọc ở góc nhà hoặc ở đầu cầu, góc
đường, vươn những cành lá sum xuê lên bầu trời của tòa thành cổ xưa này. Có những cung điện nguy nga, v. v …
Một đường đi từ bến tàu tới khách sạn Phúc Tường, đang định ở lại thì mới phát hiện khách sạn quả
nhiên là đã kín phòng. Tiếp đó đoàn người Ninh Nghị chuyển sang Văn Hồi
lầu theo giới thiệu của quản sự phủ Sùng Vương. Bên kia quả nhiên cũng
là khách sạn rộng rãi, quý phái. Đám người Ninh Nghị xuất danh thiếp ra, sau khi thuê hai căn nhà thì đã đến gần chạng vạng. Mưa vẫn chưa tạnh,
trong khách sạn châm lên những chiếc đèn lồng treo cao, sáng trưng một
mảng. Không ít người đều ở trong đại sảnh cao giọng nói chuyện, đang tán gẫu chuyện vừa mới được truyền ra ngày hôm qua: Dưới sự nỗ lực tranh
thủ của bên mình, Thường Thắng Quân Thống soái Quách Dược Sư nước Liêu
đã mang hai châu Trác, Dịch đầu hàng triều Vũ.
Cũng như đời sau, ở kinh thành mọi người đều thích nói chuyện chính trị. Ninh Nghị cũng chỉ mới biết chuyện này từ hai ngày trước đây, nhưng dù sao cũng là tin tức tốt, bên trên cũng không cần phải che giấu. Lúc này nước Kim đánh Liêu
đã liên tiếp đại thắng, nhưng triều Vũ bên này vẫn là đầu voi đuôi
chuột. Lúc trước một trăm ngàn người đánh không thắng mười ngàn người đã làm người ta không thể nào tin tưởng nổi. Cho dù hiện giờ Đồng Quán đã
dẫn quân lên phía bắc nhưng trước đó không hề có thành tích chiến thắng
nên quân đội của triều Vũ rất khó có thể khiến người ta tin tưởng. Nhưng thật ra Thường Thắng Quân vốn là do người Liêu Đông tạo thành. Họ vốn
là vì đối kháng với người Nữ Chân, tên gọi là Oán Quân. Tuy không chắc
có thể thắng được người Nữ Chân nhưng chiến lực của họ vẫn rất mạnh.
Hiển nhiên là triều đình bên này vẫn đang tuyên truyền như vậy.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT