- Lúc trước Lưu Tây Qua đánh các ngươi là ba đấu một đấy … Trần Phàm lợi hại hơn cơ à?

- Phật Soái vẫn che chở cho y, không muốn y nổi danh quá sớm. Chúng ta đều biết võ nghệ của Trần Phàm, chỉ có điều ở trên chiến trường, y vẫn luôn dùng sức lực một mình. Nếu nói đơn đả độc đấu, bối phận của y không cao, lúc còn ở chỗ Phương Lạp, bề trên sẽ không so chiêu với y cho nên chỉ có Lưu Tây Qua mới so chiêu với y thôi. Chúng ta cũng không coi là quen thuộc với y, cũng rất ít luận bàn … Lúc ấy cũng biết cho dù có cùng đánh thì cũng không chắc hơn được y. Trong mấy huynh đệ chúng ta, Tân Hàn có thiên phú nhất nhưng so sánh với hai biến thái Trần Phàm và Lưu Tây Qua thì vẫn là không đủ … Về mối thù giết cha thì ba huynh đệ đều oán hận Phương Lạp và Lưu Tây Qua, bởi vậy lúc này nhắc đến tên Phương Lạp đều không hề có gì tôn kính.

Tề Tân Dũng lắc đầu nói:

- Lúc trước ở trong quân, kỳ thật võ nghệ của Phương Lạp lợi hại nhất. Phật Soái cũng không kém gã là mấy. Kế tiếp mới là đám người Đặng Nguyên Giác, Thạch Bảo, Ti Hành Phương, gia phụ. Theo chúng ta thấy, Trần Phàm và Lưu Tây Qua cũng đã tới trình độ này rồi. Bao Đạo Ất thì ở tầng tiếp theo. Lư viên ngoại phỏng chừng hơi kém một chút so với Trần Phàm, nhưng nếu chống lại Bao Đạo Ất thì cũng đủ thắng …

- Nói như vậy thì hiểu rồi. Bao Đạo Ất là chết trên tay ta, cho nên Huyết Thủ Nhân Đồ hẳn là ngay tại vị trí này …

Ninh Nghị tự đắc viết một cái tên xuống.

Văn Nhân Bất Nhị nhìn xem, ngạc nhiên hỏi:

- Ngươi đang viết cái gì thế?

- Võ lâm Phong Vân bảng linh tinh … Người biên soạn Ninh Lập Hằng.

Ninh Nghị gập quyển sách lại, giơ bìa lên cho mọi người xem:

- Ta muốn sửa sang tên của các cao thủ sưu tập được thành sách, liệt ra giang hồ trăm đại cao thủ. Hiện tại thì … Các ngươi xem, có thể xếp vào thiên hạ đệ nhất có mấy cái tên. Đầu tiên là Đại ma đầu Thánh công Phương Lạp, Vân Long Cửu Hiện Phương Thất Phật. Hai cái tên này đều biết rồi nhé. Nguyên đệ nhất cao thủ Ngự Quyền Quán ở Biện Lương "Thiết tí bàng" Chu Đồng. Lư viên ngoại, Lâm Xung, Nhạc gia tiểu đệ đều là đệ tử của y. Tuy rằng hiện tại y không ở Biện Lương nhưng chỉ sợ rằng phải công nhận đấy chính là thiên hạ đệ nhất, chỉ có điều ngoại hiệu hơi kém một chút … Mặt khác khi ta ở Hàng Châu có nghe tới hai cái tên. Một người tên là "Hồng Nhan Bạch Thủ" Thôi Tiểu Lục, nghe nói là xuất thân là yêu nữ thanh lâu gì đó, rất lợi hại. Mặt khác, trước khi Phương Lạp tiếp quản ma giáo có Thánh nữ Tư Không Nam, nghe nói đã chết. Nhưng ta đã từng hỏi Lưu Tây Qua, bà ta là bị Phương Lạp cậy người đông thế mạnh cưỡng ép dời đi. Tuy nhiên hiện tại có lẽ là một bà già … Thiên hạ đệ nhất tạm thời chọn trong số năm người này đi. Tuy rằng Hà Sơn Thiết Kiếm Lục Hồng Đề chắc chắn là cũng lợi hại như vậy nhưng ta không tính toán để nàng dính vào vũng nước đục này …

Mọi người nghe vậy sửng sốt ngây người, hỏi:

- Cái này có ích lợi gì?

- Biên soạn thành sách để phát hành khắp thiên hạ. Dưới năm người này có thể đến lượt đám người Bá đao Lưu Đại Bưu, Đặng Nguyên Giác, Thạch Bảo … Ngay từ khi mới bị bắt ở Hàng Châu, ta đã luôn hỏi thăm những vấn đề này của võ lâm, nhưng lúc ấy không có thời gian, hiện tại thì có thể bắt đầu làm rồi. Nhưng tư liệu về Điền Hổ, Vương Khánh bên kia thì vẫn còn chưa tập hợp được … Ta chuẩn bị liệt kê ra thứ tự một trăm đại cao thủ, cuộc đời và sự tích … Tất cả mọi người đều thích xem những cái này …

Đám người Tề Tân Dũng ngây ngẩn một lúc lâu, rồi cũng hơi mong chờ. Dù sao bọn họ cũng là xuất thân dân quê, lại là người luyện võ nên rất ham thích những thứ bát nháo này, tuy nhiên lại cảm thấy Ninh Nghị nói chuyện này không được ổn cho lắm. Quả nhiên, chỉ nghe Ninh Nghị cười nói:

- Đợi cho liệt kê xong rồi, mọi người lan truyền ra thì đến lượt bọn họ đau đầu. Đám người Thiết tí bàng Chu Đồng chắc sẽ không ai dám gây sự. Mấy người Thạch Bảo, Đặng Nguyên Giác thì đang ở trong quân đội. Nhưng những kẻ đơn lẻ thì khác, cả ngày sẽ có người khiêu chiến bọn họ để được nổi tiếng. Ngươi xem, người trên Lương Sơn chỉ cần ra ngoài gây án, hắc đạo mà biết thì đêm hôm khuya khoắt sẽ có người chạy đến khách điếm của bọn họ rút đại đao ra quát "Lý Quỳ, ngươi ra đây cho ta. Hôm nay lão tử (bố mày) muốn khiêu chiến ngươi, chứng minh ta đây mới là thiên hạ thứ tám mươi … " Ta cam đoan bọn họ nửa bước cũng khó đi …

Hắn cười đầy vẻ tự đắc: - Lăn lộn trong chốn lục lâm, đánh nhau cả đời chính là vì danh tiếng và mặt mũi. Quyển sách này chúng ta sẽ thông qua phía quan phủ để phát ra. Hàng năm vào kỳ thi Võ Trạng Nguyên cũng có thể phối hợp một chút. Có thể lập nên mấy cái Tông sư bảng, Cao thủ bảng, Tân tú bảng gì gì đó. Có một số người sẽ không thèm để ý nhưng người bình thường lại rất ham thích. Ta đang tính toán tổ chức một nhóm người chuyên môn thuyết thư (kể chuyện), có thể kể những giai thoại giang hồ này nọ. Nếu có người muốn được lọt vào trong bảng, muốn tạo thế, không thành vấn đề, trả thù lao là được … Các ngươi có muốn lọt vào bảng không? Mọi người là người một nhà, chỉ cần thứ tự không cần thái quá, ta có thể giảm tám phần (80%) cho các ngươi …

- Miễn!

Đám người Tề Tân Dũng đều tái mặt. Trên thế giới này có những sự tình chỉ là nói năng càn quấy, nhưng nếu Ninh Nghị thực sự muốn thi hành như vậy, sợ rằng rất có khả năng sẽ thành công. Danh tiếng trong bảng nếu truyền lưu đến những người bình thường sẽ là rất mê người, nhưng tiếp theo đó mà đến chắc chắn sẽ là một trận gió tanh mưa máu.

Ninh Nghị nói xong thì thở hắt ra, nhìn quyển sách nhỏ lắc đầu.

- Hàng năm tuyển chọn một lần, nếu huyên náo thành thanh thế lớn, còn có thể làm giống như tuyển hoa khôi, để cho người ta bỏ phiếu. Bỏ phiếu cần chi bạc … Ta biết ở Biện Lương thường xuyên có loại tỉ thí xếp hạng cho các tài tử, quy mô đều hơi nhỏ một chút. Nếu thực sự phát triển lên, đừng nói là thiên hạ đệ nhất võ công, sẽ có cả thiên hạ đệ nhất văn chương, thiên hạ đệ nhất hoa khôi … Ừ, ta sẽ mở một công ty bình xét chuyên nghiệp về thiên hạ đệ nhất, ngay cả mô phạm đạo đức tiên phong đều bình bầu hàng năm một lần. Người thường muốn bầu một phiếu, ta thu một lượng bạc! Không bao lâu liền phát tài …

Ninh Nghị nói chuyện này với mọi người, đôi khi nói xong giọng điệu lại hơi chút buồn bã, xem ra không hẳn là hoàn toàn đùa vui. Về sau, mọi người cũng không thể phân rõ được câu nào hắn nói thật, câu nào hắn nói giả thì hắn đã nói liên miên không ngừng. Gió mát thổi đến từng cơn thật dễ chịu. Đến khi mọi người nghỉ ngơi đủ rồi mới lục tục lên thuyền đi thẳng lên phía bắc.

Tối hôm nay đội tàu bỏ neo một đêm, sáng sớm hôm sau thì tiến vào địa giới Khai Phong. Đến chiều, trời mưa xuống, đội tàu đã đi đến thành Biện Lương … Là con sông mẹ của dân tộc Trung Hoa, Hoàng Hà chảy dài trong suốt trăm ngàn năm tháng, khi thì dịu dàng, khi thì cuồng bạo. Mấy lần vỡ đê cải tạo Hoàng Hà đã mang đến vô số tai nạn, nhưng dòng nước cọ rửa trầm tích, mỗi lần thay đổi dòng chảy đều để lại thổ nhưỡng vô cùng phì nhiêu ở những khu vực nó tràn qua. Cũng bởi vậy mà nhân loại có thể sinh sống, dựa vào sự cuồng bạo hay im lặng của dòng sông mà đời đời sinh sản và xây dựng nền văn minh phồn hoa.

Dân tộc Trung Hoa coi đây là trung tâm phát xạ ra ngoài, đều quay xung quanh Hoàng Hà, từng chỗ từng chỗ tụ tập định cư rồi cuối cùng phát triển trở thành thành thị. Có chỗ kéo dài mấy ngàn năm, có chỗ thì dần dần bị bao phủ trong sông dài thời gian, chỉ để lại cái tên và ký ức. Trong số đó thì thành Biện Lương phủ Khai Phong là một trong những cái tên rực rỡ nhất.

Ở mũi nhọn của đồng bằng phù sa rộng lớn thuộc hạ du Hoàng Hà, phủ Khai Phong phồn hoa từ xa xưa. Nơi này có thổ nhưỡng phì nhiêu, khí hậu thích hợp, vị trí địa lý mấu chốt và giao thông thủy bộ tiện lợi kết nối bắc nam. Bắt đầu từ triều Hạ hai ngàn năm trước Công nguyên, ở đây đã lần đầu tiên xây dựng thủ đô của một vương triều, sau đó kéo dài liên miên hơn bốn ngàn năm cũng có hơn mười vương triều định đô ở đây. Hoàng Hà nuôi dưỡng tòa thành này, cũng không ngừng phá hủy nó. Mỗi một lần thay đổi lớn dòng chảy, thành trì cũ liền bị bao phủ. Dòng nước qua đi, thành trì mới lại được dựng lên. Sau Công nguyên hai ngàn năm (tức là năm 2000), phủ Khai Phong vẫn là thành lớn vô cùng phồn vinh, nhưng thành trì của ngày xưa và hồi ức về nó thì đã bị tầng tầng lớp lớp bùn đất Hoàng Hà vùi lấp, không thể nhìn thấy được nữa.

Vũ triều, thành Biện Lương phủ Khai Phong vẫn là cổ đô của lục triều (1). Đây là thành thị mà Ninh Nghị không hề có ký ức. Khai Phong ngàn năm sau phải cao hơn rất nhiều so với thành trì hôm nay. Tòa thành mà theo lý luận là rất nhiều năm sau sản xuất bị vùi lấp dưới lòng đất lúc này có vẻ vừa cổ xưa lại vừa trẻ trung. Dưới màn mưa mùa hạ màu xanh sậm, những kiến trúc vừa cổ xưa và mới mẻ độc đáo của tòa thành được xây dựng đan xen vào nhau, giống như những thành thị đang phát triển với tốc độ cao, mang theo nó sự vội vàng, sự mâu thuẫn giữa ký ức mới và cũ, mang theo hơi thở có thể khiến người ta vừa hoài niệm vừa chán ghét. Trong dòng chảy thời gian, nơi đây còn để lại dấu vết của nhiều triều đại.

1. Lục triều: (tiếng Trung: 六朝; bính âm: Liù Cháo; 220 hoặc 222 - 589) là một danh từ dùng để chỉ sáu triều đại trong các thời kỳ Tam Quốc (220280), Lưỡng Tấn (265420), và Nam -Bắc triều (420589) trong lịch sử Trung Quốc.

Giai đoạn này bắt đầu ngay sau sự sụp đổ của nhà Hán vào năm 220, và là một giai đoạn chia rẽ, bất ổn định và xung đột. Lục triều chấm dứt khi Tùy Văn Đế tái thống nhất miền Nam và miền Bắc Trung Quốc.

Thuật ngữ thường được dùng để chỉ hai nhóm triều đại trong thời kỳ này: Sáu triều đại đặt kinh đô tại Kiến Khang (nay là Nam Kinh) gần Trường Giang.

Hứa Tung (许嵩) thời Đường đã viết một cuốn sách tên là "Kiến Khang thực lục" (建康实录), là nguồn gốc của tên gọi này.

Đông Ngô (222280) Đông Tấn (317-420) Lưu Tống (420479) Nam Tề (479502) Lương (502557) Trần (557589) Sáu triều đại có quan hệ kế thừa. Trong Tư trị thông giám, Tư Mã Quang đã sử dụng niên hiệu của các triều đại này trong biên niên kí sự chính thống, hậu nhân gọi giai đoạn này là Lục triều, hoặc Ngụy -Tấn -Nam -Bắc triều.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play