Đức quay đầu nhìn lại, gật đầu nói: “Rất sẵn lòng” rồi ra hiệu cho cả nhóm dừng lại. Người đàn ông cưỡi chó Bẹc giê cũng nói vọng về sau cho đoàn người dừng bước, chuẩn bị ăn trưa. Những người kia nghe vậy thì lớn tiếng hoan hô, lục tục phân công tản ra tìm củi khô, đào bếp nhóm lửa, nấu cơm.
Lúc này mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nắng rất gay gắt, mọi người kiếm một số chỗ cây cối to lớn có lấy bóng mát để ngồi nghỉ lại.
Một số thanh niên cúi đầu đào bếp, rất nhanh một số bếp ăn dã chiến được nhóm lên, bếp ăn được làm theo kiểu bếp Hoàng Cầm (*) mặc dù hơi tốn thời gian, nhưng khi nấu thì không hề có khói, hơn nữa có một anh chàng có dị năng thổ hệ phụ giúp nên cũng không quá vất vả, phía bên trên bắc một nồi cháo lớn nghi ngút.
Nhóm của Đức lúc này đang ngồi dưới một gốc cây, người đàn ông kia rời khỏi lưng con chó bẹc giê, bước lại phía này, có khoảng năm người nữa cũng theo sau ông ta tiến lại gần ngồi xuống, con chó cũng lững thững theo sau.
Thực ra mà nói lúc đầu Đức cũng không có mong muốn dừng lại bắt chuyện với những người này làm gì, mỗi bên có việc của mình cứ thế mà làm, nước sông không phạm nước giếng là được. Nhưng nếu họ đã mời thì hắn cũng không việc gì phải từ chối, nếu gặp người không tệ, hắn có thể tranh thủ hỏi thăm tình hình xung quanh một chút, còn nếu gặp kẻ hung ác, hắn cũng không ngại kiếm thêm chút điểm giao dịch. Hắn không muốn hại người vô tội, nhưng nếu đã đánh chủ ý trên đầu hắn thì hắn cũng tuyệt không nương tay.
Qua đôi lời giới thiệu và trò chuyện, Đức cũng biết được đôi chút về tình hình của nhóm người này.
Người đàn ông tên là Cường, tuổi tầm 35, trên mặt râu ria xồm xoàm, ở xã Tân Thành, khu vực đó cũng bị bùng phát xác sống biến dị từ rất sớm, ông ta cũng thức tỉnh dị năng nhờ thế mới có thể một đường giết ra trốn khỏi đó được. Nhóm người này là tập hợp của nhiều người chạy nạn từ các thôn, xã gần đó, họ trước kia không gặp quân đội giải cứu nên cũng nhờ đó may mắn thoát khỏi tay của đám quỷ hút máu biến dị. Năm người đi cùng bốn nam một nữ, cô gái tên là: Diệu, bốn người kia lần lượt tên là: Danh, Ngọc, Phúc, Đạt
Nhóm người này tính ra thực lực cũng khá mạnh, cũng có một số thông tin khá là thú vị. Mắt phân tích thể hiện:
Cường, thức tỉnh chiến hồn (**), trance ++, burst ++, rise ++, cấp độ 2C, 3000 điểm giao dịch. Chiến hồn: Ma vượn. Đánh giá: Cận chiến mạnh mẽ, hồn lực cao cấp, dị năng có thể tiến hành tấn công cận chiến cũng như xa chiến tầm trung, rất linh hoạt. Kỹ năng:???? (Mắt phân tích chưa đủ cấp độ thăm dò)
Bốn người còn lại cũng không hề yếu chút nào, trong đó 2 người đã đạt đến cấp C, ba người còn lại cũng đã gần mức độ đột phá cấp D.
Danh, người thức tỉnh, trance+, burst++, rise++, cấp độ C, 1000 điểm giao dịch. Dị năng: thổ hệ. Đánh giá: Công thủ toàn diện, cận chiến xa chiến đều tinh thông. Kỹ năng: (1) Thổ thạch giáp: Vận dụng dị năng biến đất đá bao bọc một lớp quanh người như chiến giáp tăng cường công thủ. (2) Đại địa đột thứ: Điều khiển đất đá tấn công, có thể mọc lên gai từ dưới đất.
Ngọc, biến dị huyết thống gen, trance +, Burst +, Rise +++, cấp độ C 1000 điểm giao dịch. Biến đổi huyết thống: Ma hổ. Đánh giá: Không có kỹ năng công kích tầm xa, nhưng cận chiến cực mạnh, tốc độ nhanh, loại hình linh hoạt, thuần rise. Một người thanh niên có cái tên khá nữ tính nhưng phong cách chiến đấu theo mắt phân tích thì lại chuẩn mực kiểu hổ báo.
Phúc, người thức tỉnh, trance +, burst ++, rise +, cấp độ D, 200 điểm giao dịch. Dị năng: Băng hệ. Đánh giá: Công kích năng lượng, công mạnh thủ yếu. Có thể tạo ra gai băng và dao băng để tấn công, cũng có thể dùng hàn khí hạn chế hành động của đối thủ. Đối với Đức mà nói dị năng này không có gì xa lạ, Toàn thì lại càng không thể quên được, Hải (***) đã từng dùng dị năng này chơi nó suýt chết.
Đạt, biến dị huyết thống gen, trance +, burst ++, rise ++, cấp độ D, 200 điểm giao dịch. Biến đổi huyết thống: Phi ưng – phong hệ. Đánh giá: Có năng lực phi hành sơ cấp, các giác quan, đặc biệt là thị giác được tăng cường rất nhiều. Có thể công kích tầm gần và tầm xa bằng dị năng phong hệ.
Cô gái tên Diệu, gương mặt khá là thanh tú cũng đã là người thức tỉnh, trance +, burst ++, rise +, cấp độ D, 200 điểm giao dịch. Dị năng: mộc hệ. Có thể điều khiển cây cối và chữa thương, chữa thương là một kỹ năng vận dụng burst và trance kết nối heal của rise hai cá thể với nhau để có thể chữa lành thương thế, cô gái này tuy năng lực công kích không mạnh nhưng có thể nói có vai trò rất quan trọng trong đội ngũ.
Kể cả con chó bẹc giê thì nó cũng đã phát sinh biến dị cấp độ không hề thấp chút nào, trance +, burst ++, rise ++, cấp độ C. Đánh giá: Có phát triển về linh trí, trí thông minh cao, trung thành với chủ, ngoài khả năng cận chiến mạnh mẽ thì nó còn có thể khạc ra lửa để tấn công.
Đám người này thực lực khá cao. Ngoài Cường và năm người thức tỉnh này, trong nhóm còn có khoảng mười người thức tỉnh cấp E, và tám người thức tỉnh cấp F. Có thể sinh tồn được đến giờ trong thời buổi hỗn loạn này nếu không có chút bản lĩnh thì không thể nào làm được.
Hơn nữa, có vẻ đám người này cũng không tệ lắm. Từ lúc tiếp xúc Đức đã quan sát khá kỹ, cơ thể những người này ngoại trừ một số những vết trầy trụa do cành cây va quẹt thì không có nhiều vết thương, hoặc vết bầm trên cơ thể, chứng tỏ họ không bị ngược đãi. Lúc dừng lại ăn cơm, đoàn người có phân công công việc rất rõ ràng, người đi nhặt củi, người đào bếp nhóm lửa, người cảnh giới xung quanh, không có tị nạnh, chứng tỏ họ được tổ chức rất tốt, người chỉ huy phải là người có uy tín và sức ảnh hưởng.
Thêm nữa, ánh mắt của họ nhìn về Cường không có vẻ sợ hãi, mà là một vẻ nể trọng, điều này rất dễ nhận thấy. Thông thường, trong thời thế như thế này, để tập hợp một nhóm người xa lạ thì thường chỉ có hai trường hợp: Một, người đứng đầu dùng thực lực của mình xác lập quyền uy, đàn áp tất cả những âm thanh chống đối, bạo lực, bạo lực tuyệt đối, đó là dùng sự sợ hãi để ra lệnh cho kẻ khác. Hai, dùng thực lực và trí tuệ xác lập nên uy tín của mình khiến mọi người xung quanh nể phục mà đi theo.
Và trong tình huống của đoàn người này, khả năng cao là trường hợp thứ hai.
Cháo đã nấu chín, đoàn người tuần tự múc ra cho mỗi người một chén, Cường có đưa qua nhưng Đức nhã nhặn từ chối, chỉ sử dụng thức ăn của nhóm mình. Không nói đến việc có khả năng đầu độc hay không thì lượng đồ ăn của nhóm người này không có nhiều lắm, lương thực đối với những người này có thể thấy rất là quý giá, một miếng ăn cũng là một phần ân nghĩa, hắn không muốn tự dưng mắc nợ ân tình người khác như vậy. Có những người này ở đây thì cũng không tiện ăn sang nên hắn chỉ lấy ra một số đồ ăn khô như bánh quy, lương khô cho cả nhóm cùng ăn.
…………………………………
(*) Bếp Hoàng Cầm: Đây là một loại bếp dã chiến có tên gọi bằng chính người đã phát minh ra nó. Chính là anh Hoàng Cầm, tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội trưởng Đội điều trị 8, Sư đoàn 308 Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Chứ không phải nhà thơ Hoàng Cầm của bài Bên kia Sông Đuống đâu nha ^.^)
Để hiểu được tại sao bếp Hoàng Cầm được phát minh và sự quan trọng của nó thì chắc mọi người phải quay lại một chút về hoàn cảnh các chiến sĩ nước ta hồi đó. Trong khi quân kháng chiến của nước ta khi đó rất nghèo, bắn một viên đạn ra mà không giết được địch còn tiếc hùi hụi thì Pháp và Mỹ lúc đó lại rất giàu, đặc biệt là Mỹ, bom đạn bắn ra không hề tiếc gì cả, thậm chí còn có cả chỉ tiêu bắn hằng ngày, là binh lính cứ cầm súng tới đó, bắn hết băng đạn xong rồi về. Nên cứ hễ thấy gì khả nghi là lúc đó sẽ có không quân tiến hành không kích, rải bom ngay lập tức không cần biết trúng hay trật.
Hành quân trong rừng dài ngày, các anh em chiến sĩ rất hay phải dừng lại nấu cơm, mà nấu ban ngày sẽ có khói, nấu ban đêm sẽ có ánh lửa, rất dễ bị phát hiện mà hễ bị phát hiện sẽ lập tức có bom quăng xuống đầu, thương vong của các anh em chiến sĩ kiểu này hồi đó rất nhiều.
Mà không ăn cơm thì lấy sức đâu ra chiến đấu. Hồi đó không được như quân Mỹ được ăn toàn đồ hộp thịt với cá, mà bên đó cũng lãng phí lắm, hộp chỉ cần vừa hết hạn là quăng, mình có nghe mấy ông chú ở đó kể lại ngày xưa vẫn hay đi lượm về ăn, hơi bị ngon, thậm chí có hộp hết hạn hai năm vẫn ăn được bình thường, đúng là Made in USA có khác. Trong khi đó thì lương thực nuôi quân chủ yếu của chúng ta hồi đó là gạo và lương khô, gạo chiếm phần chủ yếu, nếu không nấu được thành cơm mà cứ phải cắn gạo sống thì đảm bảo không đủ sức hành quân nổi đâu, lương khô cũng không có nhiều để mà ăn dài ngày, chưa kể những trường hợp cần phải nấu nước sát trùng dụng cụ y khoa để trị thương, hoặc nấu nước nóng để uống trong mùa đông giá rét. Bạn cứ tưởng tượng cảnh có gạo, nhưng không dám nổi lửa nấu cơm ăn mà phải nhịn thì sẽ thấy nó ức chế thế nào. Ăn được một bữa cơm nóng lúc đó là cả một vấn đề.
Trong chính hoàn cảnh đó, Bếp Hoàng Cầm được phát minh, chính xác thì nó ra đời ở từ hồi chiến dịch Hòa Bình (1951 – 1952), và trở nên nổi danh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác dụng của Bếp Hoàng Cầm là làm tan loãng khói bếp khi nấu ăn để tránh bị quân địch, nhất là máy bay trinh sát phát hiện. Nó có công rất lớn trong việc giúp các chiến sĩ nước ta được ăn đồ ăn nóng sốt mà vẫn đảm bảo được việc hành quân bí mật trong rừng. Khẩu hiệu hành quân hồi đó của các chiến sĩ nước ta là: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Chỉ là một phát minh chúng ta nghĩ là nho nhỏ, không quan trọng như vậy thôi, nhưng nó lại góp công rất lớn trong cả cuộc kháng chiến.
(**) Chiến hồn: Một hình thức phát triển khác của người thức tỉnh. Mình sẽ giới thiệu về nó kỹ lưỡng hơn ở những chương sau. Nó cũng đặc biệt không kém Hồn binh là mấy đâu.
(***) Hải: Nhân vật từng gài bẫy hãm hại Toàn ở chương 27, cũng có dị năng băng hệ.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT