Năm 2008, sau khi tốt nghiệp từ một trường dạy nghề ở Liêu Ninh, tôi được phân đến Bắc Kinh, là nhân viên đón khách kiêm lái xe vào bãi gửi cho khách tại một khách sạn nước ngoài nằm cạnh cầu Tam Nguyên.

Ba tháng trước là thời gian thực tập, khách sạn cung cấp đồng phục và ký túc xá, ăn cơm tại nhà ăn dành cho nhân viên. Mỗi ngày làm việc tám giờ, ca sáng làm từ 7 giờ đến 2 giờ chiều, ca chiều từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối, ca đêm từ 9 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau.

Lúc mới đến trùng hợp là thời điểm diễn ra thế vận hội Olympic, ngày nào khách sạn cũng hết phòng, sau khi được hướng dẫn một cách qua loa, tôi vào làm việc ngay. Ngày nào cũng mở cửa cho khách, rồi lái xe cho khách vào bãi gửi. Tuy công việc đòi hỏi phải cúi đầu khom lưng nhưng đổi lại được không ít tiền tip, trong đó còn có cả USD hay Euro. Từ nhỏ, tôi lớn lên tại một thị trấn gần Đan Đông, bố mẹ là công nhân bình thường, chưa biết thành thị có dáng vẻ như thế nào. Ông chủ của cửa hàng cơm Tây duy nhất ở chỗ chúng tôi là người Tân Cương, làm mì Ý chẳng khác gì kéo sợi. Tự nhiên đến một nơi rộng lớn như Bắc Kinh, tôi có cảm giác như thị lực của mình bị giảm sút, nhìn thứ gì cũng thấy chói lóa.

Sau ba tháng làm việc, tôi trở thành nhân viên chính thức. Tiền lương hơn ba ngàn, làm ca đêm có tiền thưởng riêng. Ký túc xá của khách sạn, một phòng tám người, giường tầng, không khác nhiều với ký túc xá hồi tôi học đại học. Lúc đó, tôi thấy cuộc sống của mình đã rất tốt rồi, thậm chí bố mẹ tôi còn cảm thấy tốt hơn. Sau khi biết tôi được trở thành nhân viên chính thức một cách thuận lợi, mẹ tôi nói to trong điện thoại, giọng kích động: “Ôi, con trai tôi tiền đồ rộng mở rồi. Ở Bắc Kinh rộng lớn, có được chỗ ăn chỗ ngủ là giỏi lắm rồi.”

Kể từ lúc đó, tôi làm nhân viên đón khách suốt bốn năm. Trong thời gian này, tôi được tăng lương hai lần, thăng chức một lần, trở thành tổ trưởng tổ đón khách.

Nhưng tôi cũng tỉnh táo lại sau cơn phấn khích ban đầu. Lúc mới đến, tôi hăng hái lắm nhưng dần dần cũng thấy chán nản.

Công việc vất vả là điều không có gì phải bàn cãi, nhưng thứ làm tôi phiền lòng là hoàn cảnh sống quá tệ. Ký túc xá của nhân viên chúng tôi nằm ở tầng hầm thứ hai, ngay bên cạnh bãi đỗ xe, mùa đông gió thổi thông thống từ bốn phía vào trong. Mùa hè thì bí bách như trong lồng hấp, có điều hòa cũng chỉ là hình thức, chỉ thông được gió chứ không làm mát được. 8 thằng, ngày nào cũng mệt lử như chó, về phòng chỉ để ngủ một giấc nên chẳng có ai muốn dọn dẹp gì cả.

Vì thế, phòng ký túc của chúng tôi biến thành ổ vi trùng. Nấm chân, nấm tóc, cái chăn trăm năm không được phơi nắng hôi rình, mì ăn liền trên bàn ăn xong nhưng chẳng ai thèm vứt đi mà để giành làm gạt tàn, tàn thuốc, cấn bia… Trong một cái hộp mì ăn liền nho nhỏ mà có tới ba tầng rác… Túm lại là trong hộp mì, cái gì cũng có.

Tiền lương mỗi tháng góp lại chỉ vỏn vẹn từng đó, thậm chí còn bớt ăn bớt uống giành tiền mua thuốc lá, cuộc sống của chúng tôi túng thiếu eo hẹp vô cùng. Có khi vừa lĩnh lương, hơn 3000 tệ, vui vẻ chạy về phòng suy nghĩ xem tối nay có nên mua hai chai bia uống không thì vừa ngẩng lên đã thấy những chiếc xe hơi đỗ trong bãi: Mercedes, Bently… đủ cả. Sờ vào túi quần, rồi sờ vào những chiếc xe này, cảm thấy túi quần hình như bị thủng, thủng một lỗ rất to, những ý tưởng kiểu như yêu đương gì đó lập tức rơi xuống cái lỗ thủng kia.

Quản lý của tổ đón khách chúng tôi là một lão người Bắc Kinh. Họ Vương. Sau này chúng tôi đều gọi lão là Vương Ngưu Lang.

Nhà Vương Ngưu Lang ở phía nam thành phố, bỏ học từ hồi cấp ba, bố mẹ chẳng quan tâm, sau nhiều năm lăn lộn ngoài xã hội đã, cuối cùng lão đến khách sạn làm nhân viên đón khách. Lúc mới đến đây, tôi được lão dạy việc. Những nhân viên mới vào cơ bản đều được sắp xếp cho làm ca đêm, bởi vì nhân viên thử việc không được nhận tiền thưởng. Hồi đó vì tranh cãi với khách hàng, Vương Ngưu Lang bị lãnh đạo khiển trách nên bị phạt làm ca đêm một tháng.

Khi chúng tôi cùng nhau trực ca đêm là lúc trời đã hết thu vào đông. Bắc Kinh đêm muộn, không còn tấp nập như ban ngày nhưng cực kỳ lạnh lẽo. Ở khách sạn chúng tôi có một quy định không biết do ai đặt ra, nhân viên đón khách phải đứng ngoài cửa, không được vào đại sảnh.

Một hôm, giữa đêm tối, chúng tôi đứng ngoài cửa, lạnh quá nên run lẩy bẩy. Tôi than vãn với Vương Ngưu Lang là lương ít quá không đủ tiêu, thế là Vương Ngưu Lang tốt bụng truyền thụ cho tôi bí kíp xin tiền tip.

“Chú em phải biến mình thành kẻ ăn xin!”

“Hả?”

“Xin tiền tip chính là ăn xin, tiền người ta cho chú em chỉ là tiền lẻ mà thôi. Hãy nhìn những kẻ ăn xin trên đường đi, tại sao có kẻ xin được tiền mà có kẻ lại không?”

“Bởi vì những kẻ đó chưa khiến người ta cảm động.”

“Sai bét! Là ăn xin cả, làm đếch gì có ai đáng thương hơn ai. Giống như anh với chú em đều là hai thằng bị lạnh cóng, đứng đây để chuẩn bị mở cửa cho người ta. Đã quá nửa đêm rồi, trên đường chỉ còn bọn bất hảo với gái “bán hoa”, làm đếch gì có ai đứng đắn nhưng anh vẫn phải chịu đựng. Có đáng thương không?”

“Đáng thương quá!” Tôi sắp khóc rồi.

“Nếu chỉ đáng thương không thôi thì chẳng xin được tiền đâu. Muốn có tiền tip, chú phải đe dọa khách.”

“Hả?” Tôi lại giật mình.

“Chú xem, khách sạn của chúng ta ở một đêm mất hơn 2000 tệ. Đám người này, vào ở mà không cần phải đắn đo, lại còn được ở phòng đẹp, giường êm, vô cùng sung sướng, chẳng khác gì bọn ăn trên ngồi chốc. Thế mà sao lúc vào đây, có 10 đồng tiền tip cũng không chịu bỏ ra? Đó là vì họ nghĩ không cần thiết phải bỏ tiền, cho rằng chúng ta không phải con người nên giả vờ không nhìn thấy. Giống như ăn xin vậy, mày ăn xin việc của mày, tao đi đường của tao, hai thứ không thể làm cùng một lúc. Nếu như vậy, làm sao người ta chịu cho chú em tiền chứ? Người nào cũng sợ mất tiền mà.”

“Vậy phải làm sao?” Tôi đần độn hỏi một câu.

“Chú em phải làm cho họ nhìn thấy mình, vẫn lấy ví dụ về kẻ ăn xin nhé: nếu không muốn bị người ta ngó lơ, bỏ đi không thương tiếc, chú em phải ôm lấy chân người ta ngay lập tức.”

“… Em mà cũng phải ôm chân khách sao?”

Vương Ngưu Lang lườm tôi: “Thằng này đầu chỉ để mọc tóc à? Phải biết suy ra chứ. Chúng ta là gì nào? Chúng ta là nhân viên đón khách, đảm nhiệm việc mở cửa, xách hành lý và lái xe ra vào cho khách. Sự phục vụ của chúng ta cực kỳ thầm lặng. Lúc mở cửa, chú có thể nói chuyện với khách; lúc xách hành lý, chú có thể nhờ khách giúp đỡ, lúc chú ngồi lên xe của khách, khách với chú đã sắp trở thành người một nhà rồi. Rất nhiều đàn ông đều coi xe như vợ, người ta đã giao vợ cho chú rồi còn gì. Chả lẽ như thế mà chú còn chưa xin được tiền sao?”

“Nhưng có lúc, em mở cửa xe cho khách, khách chẳng thèm nhìn em. Lúc muốn xách hành lý, khách đều bảo không cần. Lúc lái xe của khách ra, đừng nói là tiền tip, có người còn không chờ em dừng xe đã vội vàng nhảy lên phóng đi, đến cả một câu cám ơn cũng không có.”

“Vì thế anh mới nói chú phải đe dọa khách. Khách không nhìn chú thì chú nhìn khách. Chú hãy nhìn thẳng vào mặt khách, chú có thể cười, nhưng ánh mắt thì phải nói là: Cháu ngoan, ta là ông nội mi đây, ta mở cửa xe cho mi đây này. Khách không để chú xách hành lý, bảo không cần thì chú cứ xách, không cần cái con m* mày ấy! Ông đây thu tiền cả đấy. Bình thường lúc đi chơi gái, gái cởi sạch rồi đổ nhào lên người mày, mày cũng nói không cần hay sao? Nếu lái xe ra cho khách mà khách vội đi mất, tức là người ta không muốn cho chú mấy đồng đấy mà, thì sao chú lại cho người ta lên xe? Chú phải bắt người ta đứng ngoài cửa xe rồi giới thiệu: Thưa ngài, tôi đã mở điều hòa trên xe cho ngài rồi ạ và tôi cũng đã giúp ngài bật nhạc mà ngài đã tắt trước lúc xuống xe. Cửa xe hiện đang mở hé, đó là một cách giúp xe thông thoáng đó ạ. Chúc ngài thượng lộ bình an.” Nói đến đây, nếu cháu ngoan vẫn chưa chịu móc tiền ra thì phải thay đổi sắc mặt ngay, hãy nhìn họ bằng ánh mắt khinh thường, kiểu như ngài ở khách sạn năm sao, tắm trong bồn tắm rộng lớn, dù có lột da thì vẫn còn rẻ lắm. Lái con xe đểu, mau cút đi cho khuất mắt!”

Tôi ngất ngây vì đám kinh nghiệm đầy mình vừa được Vương Ngưu Lang nói ra bằng giọng điệu thô thiển kia. Giá trị quan của tôi như rơi xuống vực thẳm.

“Sư phụ, hiện giờ mỗi tháng, sư phụ được bao nhiêu tiền tip?” Tôi đã hỏi câu mà tôi muốn hỏi nhất.

Vương Ngưu Lang tỏ vẻ bí mật: “Không thể tiết lộ được, chí hướng của sư phụ không ở nơi đây, dù tiền tip có kiếm được nhiều mấy cũng uổng phí mà thôi.”

Tôi rất thích Vương Ngưu Lang. Lời lão nói tôi tin 100% và cũng bắt tay vào làm theo, quả nhiên lấy được nhiều tiền tip hơn trước. Nhưng đôi khi tôi nhìn thẳng vào mặt khách, nhắn lời “Ta đang đòi tiền đây” bằng ánh mắt, trên mặt khách lại thoáng qua một chút ái ngại, lúc đưa tiền cực kỳ miễn cưỡng, cứ như 5 đồng này là khoản chi đau lòng nhất đời này của anh ta vậy.

Lại một ca đêm nữa, tôi và Vương Ngưu Lang đứng trong gió lớn. Tôi nói với lão: tôi có cảm giác dạo này mình biến thành ăn xin thật, nhục nhã vô cùng!

“Chú nghĩ mà xem, có ai không phải ăn xin chứ?” Vương Ngưu Lang dài giọng nói.

“Chú cảm thấy mình ăn xin của khách. Nhưng tiền khách sạn thì khách lấy từ đâu ra, chẳng phải cũng bán mạng đi xin hay sao? Quản lý sảnh trước là người quản lý chúng ta, chẳng phải ông ta cũng ăn xin của quản lý đại sảnh sao? Quản lý đại sảnh ăn xin của chủ tịch, chủ tịch giỏi lắm sao? Gần đây trụ sở chính từ Mỹ bay sang kiểm tra, chẳng phải chủ tịch cũng đi theo như kẻ hầu người hạ, chỉ thiếu nước theo người ta vào nhà vệ sinh liếm mông cho người ta mà thôi. Chủ tịch chẳng phải cũng là kẻ ăn xin? Chú nhìn cả cái Trung Quốc này đi, có ai không phải ăn xin không? Chỉ vì bát cơm mà thôi. Con người sống trên đời chính là ăn bữa nay lo bữa mai.”

Lời Vương Ngưu Lang nói rất đúng.

Nhưng trong đêm tối với cái lạnh -5 độ, sau khi nghe những lời Vương Ngưu Lang nói, tôi thấy càng lạnh hơn. Khi đó tôi nghĩ, tại sao tôi lại cho rằng, người sống trên đời, ngoài xin ăn, vẫn nên cần những thứ khác nữa chứ?

(Mỗi chương gồm nhiều đoạn nhỏ nhé các chế)

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play