Đã qua sáu ngày nay Chu Mộng Châu đi ròng rã hầu như không nghỉ, chỉ khi nào vào một tiểu trấn, đại thành mà gặp phải giờ ăn uống, thì chàng mới tìm đến một phạn điếm bình dân để lót dạ. Trong lòng chàng chỉ nôn nóng muốn nhanh chóng tìm đến Hàn Đàm thảo am để gặp lại vị trung niên nữ ni kia.

Chàng cố vắt óc nhớ lại lần bị nạn trong Thiếc Ngõa Tự, rồi chạy thoát, cho đến khi ngất hẳn bên ngoài một thảo am. Chàng đã mường tượng ra khuôn mặt trung niên nữ ni khi thấy chàng tỉnh lại từ đôi mắt lộ ra một nét vừa u buồn vừa trìu mến sâu xa đến khó hiểu.

Cũng chính đôi bàn tay ấm áp ấy đặt trên trán chàng khiến chàng mủi lòng đến muốn khóc, chàng tự hỏi tại sao lại như vậy? Thật ra trung niên nữ ni kia là ai?

Suốt cả ngày hành trình năm sáu ngày đường, bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu chàng, nhưng không giải đáp. Chàng cứ ngờ ngợ một điều trung niên nữ ni kia chính là mẫu thân?

Lần ấy nữ ni chỉ buồn khổ nói là tiên phu của bà bị thất tích, bà lên đầu thân cửa Phật, nhưng không muốn học võ nghệ. Và thanh kiếm mà bà tặng cho chàng lại là thanh kiếm của tiên phu bà ta, sao lại có một sự trùng hợp như thế này? Vậy chồng bà ta là ai?

Nếu là chủ nhân của thanh "Bích Long Kiếm Lệnh" há chẳng phải chính là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm hay sao? Hay là một người nào đó đã đoạt được thanh kiếm này sau khi cha chàng bị hại?

Nếu chồng bà ta không phải là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm thì chẳng lẽ lại là người dính líu đến vụ án này?

Nghi vấn càng lúc càng dày đặc khiến chàng đau cả đầu vì vắt óc suy nghĩ, cuối cùng chàng lắc đầu thầm nói:

- Đằng nào cũng chờ đến lúc gặp được vị nữ ni kia mới sáng tỏ hết mọi chuyện.

Đến chiều hôm thứ sáu của hành trình chàng mới tìm đến được thảo am.

Khung cảnh vẫn không có gì thay đổi, nhưng lần này có một chú tiểu nhỏ đang quét sân chiều.

Chu Mộng Châu bước thẳng vào thảo am, chú tiểu liền chạy đến chấp tay hỏi:

- Đại thí chủ tìm ai?

Chu Mộng Châu nhã nhặn nói:

- Tôi là Chu Mộng Châu, muốn gặp ni cô Tuyệt Duyên, xin chú báo lại giúp!

Chú tiểu vội chấp tay nói:

- Sư phụ đã xuống núi hai hôm nay, không biết bao giờ mới về.

Chu Mộng Châu hơi thất vọng, chưa biết nên làm thế nào, nhưng nhất định phải gặp được Tuyệt Duyên nữ ni.

Có điều đây là thảo am ni, chàng không thể lưu lại nghỉ ngơi được. Đang còn tần ngần phân vân thì bên ngoài bỗng có tiếng người:

- Tịnh Hạnh! Tịnh Hạnh! Mau ra giúp sư phụ!

Chú tiểu vừa nghe tiếng người bỗng la lớn lên:

- A! Sư phụ đã về, đại thí chủ thật gặp may!

Vừa nói chú tiểu pháp danh Tịnh Hạnh vừa chạy nhanh ra hướng đại môn thảo am. Chu Mộng Châu cũng liền quay người nhìn theo. Chỉ thấy một vị nữ ni trung niên, khuôn mặt gầy gầy vẻ khắc khổ, nhưng đôi mắt sáng long lanh và hàng mày liễu đều đặn, không thể che dấu vẻ đẹp thiên phú.

Đúng là Tuyệt Duyên nữ ni mà lần trước đã cứu chàng, nhưng có điều lần trước mặc dù ở lại trong chùa mấy ngày chàng không hề để ý quan sát, lúc này vì có chuyện nên mới để ý như vậy. Nữ ni ngược lại nhìn thấy Chu Mộng Châu thì mặt biến sắc, cố tình cúi thấp đầu lánh đôi mắt của chàng.

Bà lắp bắp hỏi chú tiểu:

- Chu thiếu hiệp đến tự bao giờ?

Chú tiểu trố mắt nhìn sư phụ, nói:

- Vừa mới đến, sư phụ biết người này ư?

Tuyệt Duyên vừa bước vừa nói:

- Hai năm trước vị thí chủ này đã bị nạn bên ngoài chùa, chính thầy đã mang vào dưỡng thương trong thảo am này mấy ngày.

Nói đến đó thì đã gần trước mặt Chu Mộng Châu, bà ta vẫn cố tình không nhìn thẳng vào mắt chàng, hỏi:

- Chu thiếu hiệp tìm đến tệ tự viếng thăm hay còn có chuyện gì?

Chu Mộng Châu cố tìm một nét gì thân quen trên khuôn mặt gầy, nhưng thật tình chàng không thể nhớ nổi, vì lúc mẫu thân chàng gửi chàng lại mà ra đi thì chàng chỉ vừa lên ba, mười bảy mười tám năm trôi qua, ai có thể hình dung ra nổi khuôn mặt mẹ mình như thế nào chứ? Nhưng trong đôi mắt nữ ni khiến chàng linh cảm có một mối quan hệ sâu sắc giữa bà ta và chàng.

Nghe hỏi vậy, chàng ngập ngừng giây lát mới nói:

- Thật ra tại hạ sang năm mới lên đây như đã hẹn trước, nhưng có chuyện muốn hỏi thăm ni sư, nên mới mạo muội đặt chân làm động thiền môn, xin ni sư bỏ qua cho.

Tuyệt Duyên xua tay nói:

- Sao Chu thiếu hiệp khách sáo như vậy? Ít nhiều thiếu hiệp và tệ tự cũng đã có duyên với nhau trước đây! Nào, mời vào trong dùng trà rồi thong thả nói chuyện.

Nói đến cuối câu Tuyệt Duyên vội bước đi trước ngay.

Chu Mộng Châu từ từ theo chân bà ta vào trong hậu viện.

Hàn Đàm thảo am trước đây lúc Chu Mộng Châu bị nạn được cứu, thì trong am chỉ có Huệ Tâm lão ni và Tuyệt Duyên ni sư. Nhưng từ sau khi Huệ Tâm lão ni viên tịch thì thấy có vài chú tiểu được nhận vào.

Lúc này Chu Mộng Châu được Tuyệt Duyên sư ni mời vào hậu viện, đã thấy một chú tiểu khác dâng trà lên.

Sau chén trà, Tuyệt Duyên ni sư hỏi:

- Chẳng hay Chu thiếu hiệp đến có việc gì?

Hỏi câu này, giọng Tuyệt Duyên ni sư vẻ hơi ngần ngại.

Chu Mộng Châu nhìn ni sư thăm dò, rồi mới lôi thanh "Bích Long Kiếm Lệnh" ra đặt lên bàn. Chỉ thấy ni sư vừa nhìn thanh kiếm mặt đã biến sắc, Chu Mộng Châu lòng càng thêm hoài nghi, hỏi:

- Tại hạ chỉ xin hỏi sư ni về lai lịch thanh kiếm này mà thôi!

Tuyệt Duyên trong ánh mắt tỏ ra lúng túng, bà nhìn đi nơi khác, hồi lâu vẫn chưa đáp gì.

Chu Mộng Châu hỏi tiếp:

- Hai năm trước, khi ni sư ban tặng thanh kiếm này cho tại hạ, ni sư từng bảo nó là vật của tiên phu sư ni, đúng thế chứ?

Tuyệt Duyên cúi thấp đầu, trên khuôn mặt bà ta hiện nét đau khổ im lặng không đáp.

Chu Mộng Châu trong lòng run lên, linh cảm điều mà ni sư sắp nói ra sẽ rất hệ trọng với chàng. Chàng cố gắng giữ bình tĩnh nói:

- Cha của tôi vốn là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm, thanh kiếm này là của cha tôi được quyền thủ giữ khi người đoạt danh hiệu trên từ một lần đại hội Thập niên luận kiếm. Nhưng rồi cha tôi bị mất tích một cách bí hiểm, từ đó đến nay đã mười tám năm, thanh kiếm này cũng biến mất trên giang hồ. Chẳng ngờ lại do ni sư cất giữ, bởi vậy tại hạ mới tìm đến hỏi ni sư ...

Chàng nói đến đó chỉ thấy Tuyệt Duyên ni sư từ từ ngẩng đầu lên mặt đầy nước mắt, bà ta cứ nhìn chăm vào mặt Chu Mộng Châu, đôi môi run run một hồi, cuối cùng mới đủ can đảm bật ra thành tiếng:

- Châu nhi, con!

Chu Mộng Châu thật sự sửng sốt, chàng như không dám tin vào tai mình, nhưng quả thật là như vậy, chàng cứ ngưng mắt nhìn vào khuôn mặt hơi gầy nhưng phúc hậu của Tuyệt Duyên ni sư, hồi lâu chàng mới thốt lên:

- Ni sư là ... là ...

Chàng không hỏi được hết câu, nhưng đã thấy Tuyệt Duyên gật đầu hiền hòa đáp:

- Đúng vậy, là mẹ của con đây, Châu nhi!

Lần thứ hai chàng được nghe người gọi mình bằng hai chữ "Châu nhi" nghe mới ngọt ngào tình cảm làm sao. Nhưng chàng cố ghìm tình cảm trong lòng, khi chàng đến đây cũng từng nghĩ đến khả năng Tuyệt Duyên ni sư là mẫu thân của mình, nhưng không dám tin chắc như vậy.

Bấy giờ chàng giữ bình tĩnh, nói:

- Ni sư thật đúng là mẹ của tôi thật sao? Chẳng lẽ hai năm trước trong lần tôi bị thương chạy đến đây nương nhờ, ni sư đã nhận ra con?

Tuyệt Duyên ni sư gật đầu:

- Đúng vậy, lần ấy khi thấy con bị nạn nằm hôn mê ngoài thảm am, mẹ chưa biết là ai, nhưng khi mang vào trong, thấy con hôn mê bất tỉnh rất trầm trọng, chính mẹ đã tự tay cởi áo ra xem xét có bị thương ở đâu không, chẳng ngờ phát hiện được hai nốt ruồi sinh đôi nằm gần nách trái, mẹ đã ngờ ngợ lắm rồi. Vài hôm sau khi con tỉnh lại, hỏi ra tên họ thì mẹ đã tin chắc chính là con. Nhưng mẹ vốn không muốn con phải khổ sở nhiều về chuyện năm xưa, bởi vậy mẹ mãi vẫn không nói ra cho con biết.

Chu Mộng Châu xúc động vô cùng, bỗng quỳ sụp xuống lạy mẹ mình. Tuyệt Duyên ni sư vội đỡ chàng dậy, âu yếm nói:

- Châu nhi, mẹ thật có lỗi với con, vì từ nhỏ đến giờ mẹ đã bỏ con cho người khác, mà không nuôi dưỡng con. Nhưng, chính vì chuyện của cha con nên mẹ mới dứt áo đầu cửa Phật, con hãy tha thứ cho mẹ!

Chu Mộng Châu nhìn mẹ mình hồi lâu mới nói:

- Chẳng lẽ mẹ biết rất rõ về huyết án của cha con?

Tuyệt Duyên ni sư gật đầu trầm ngâm chưa nói.

Chu Mộng Châu vừa mừng vừa kinh ngạc:

- Châu nhi chính vì chuyện huyết án của cha năm xưa mà bị quần hùng bức dồn, may thương thế không trầm trọng, lần này tìm đến đây chính là muốn biết rõ về chuyện của cha, xin mẹ hãy kể hết cho con biết.

Tuyệt Duyên ni sư kinh ngạc la lên:

- Con bị quần hùng bức ư?

Chu Mộng Châu gật đầu nói:

- Đêm trung thu vừa rồi, Quy Hồn Bảo đã mời quần hùng đến tham dự cuộc ấn chứng võ công giữa Đằng Thận với con, đồng thời thưởng nguyệt uống rượu. Trong đó Đằng Thận đã phát thiếp mời năm vị đứng đầu Ngũ kiếm phái. Thì ra âm mưu của lão ta chính là muốn mượn tay Ngũ kiếm phái để đối phó với con, bởi vì lão ta biết con là đệ tử của Kim La Hán.

Mà Kim sư phụ thì năm xưa từng bị tình nghi là hung thủ thảm hại cha con là Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm, khiến hai lần đại hội Thập niên luận kiếm không thành.

Tuyệt Duyên ni sư chặc lưỡi:

- Thì ra là vậy! Đằng Thận thật hiểm độc.

Chu Mộng Châu ngước mắt nhìn mẹ nói như van cầu:

- Châu nhi vừa là rửa sạch thù cha và là lấy lại thanh danh cho Kim La Hán sư phụ, xin mẫu thân hãy giúp Châu nhi hoàn ước nguyện.

Tuyệt Duyên ni sư ngưng mắt nhìn ra ngoài xa, một hồi lâu bà thở dài, đoạn gật đầu nói:

- Mẹ sẽ kể cho con nghe. Chuyện vốn rất dài, bắt đầu là ...

... Liên Vân Bảo năm mươi năm về trước được sáng nghiệp bởi Nam Lĩnh Song Hiệp, một người gọi là Liên Sơn Phi Bằng và một người là Vân Sơn Ẩn Hiệp. Họ là một đôi kim bằng chí thân chí cốt, trong một lần tương hội tại tửu lâu đã tâm đầu ý hợp mà nguyện kết nghĩa huynh đệ, cùng nhau hành hiệp giang hồ.

Liên Vân Bảo chính là lấy từ hai chữ đầu ngoại hiệu của hai người mà thành.

Liên Sơn Phi Bằng chính là ngoại tổ của con, người chỉ có duy nhất một mình mẹ là nữ nhi, cho nên người đã xin một bé trai về làm con nuôi. Nam tử ấy tuổi bằng mẹ, chính là Hồ đại thúc, Hồ đại thúc vốn họ gì không biết, nhưng sau mới đổi thành họ Hồ, và chính thức trở thành nhi tử của Liên Sơn Phi Bằng Hồ bảo chủ.

Ngược lại, Vân Sơn Ẩn Hiệp tính tình phóng khoáng, thích tự do tự tại, nên người không lập thê thất. Vân Sơn Ẩn Hiệp có một người đệ tử tâm đắc nhất chính là cha con về sau này, Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm Chu Hiên.

Thời còn nhỏ, mẹ thường cùng Hồ đại thúc của con chơi với nhau rất thân thiết, đi đâu cũng có nhau, kể cả khi luyện kiếm múa quyền cũng cùng nhau.

Nhưng cha con tính tình trầm tĩnh ít nói, vừa thông minh vừa chịu khó, ngày đêm chỉ miệt mài học võ nghệ với Vân thế bá. Tổ ngoại của con rất thương yêu và mến phục tài trí của cha con, người vốn trong lòng đã để tâm đến tương lai của mẹ, nhưng thời ấy mẹ còn ngây thơ không hề hay nghĩ chuyện gì.

Về sau, khi ngoại tổ và Vân thế bá đều cao tuổi, tính tình có thay đổi, Vân thế bá quyết định rời Liên Vân Bảo về quy ẩn ở cố hương. Trước khi đi, người chỉ có ước nguyện gửi gắm cha con lại cho ngoại tổ chăm lo dìu dắt. Thật ra lúc ấy thì cha con cũng đã mười sáu mười bảy, nghiệp nghệ sở học cũng đã thành tựu.

Sáu bảy năm sau, ngoại tổ đã quyết định thành hôn cho cha con với mẹ, thật tình trong lòng mẹ cũng cảm mến cha con, nhưng không phải là yêu thương lắm như Hồ đại thúc.

Tuy thế, mẹ và Hồ đại thúc dẫu sao danh nghĩa cũng đã là người cùng một nhà, cho nên không thể cãi được quyết định của ngoại tổ.

Ngoại tổ ngày càng già, điều quan tâm suy nghĩ duy nhất của người chính là sẽ nhường lại chức Bảo chủ cho người nào đây? Hồ đại thúc dù là con nuôi nhưng cũng là con, cha con tuy là rể nhưng lại là đệ tử truyền y bát của Vân Sơn Ẩn Hiệp, người có công cùng cha con lập nên Liên Vân Bảo, hiển nhiên cha con cũng có quyền thừa chấp vị Bảo chủ.

Trăn trở hoài, cuối cùng ngoại tổ quyết định trao quyền Bảo chủ cho cha con trước lúc người qua đời.

Hồ đại thúc là người vui tươi thành thật, vốn không hề ghen tức với cha con, duy nhất chỉ một điều là không còn được gần gũi bên mẹ mà thôi. Chính điều này làm cho Hồ đại thúc trở nên thầm lặng ưu sầu, mặc dù Hồ đại thúc sau đó cũng nên gia thất với Đinh thẩm thẩm.

Chuyện cứ nghĩ rồi cũng êm xuôi phẳng lặng, nào ngờ ...

Kể đến đây Tuyệt Duyên ni sư thở dài im lặng một lúc.

Chu Mộng Châu ngưng mắt nhìn mẫu thân của mình chờ đợi, chàng không ngờ câu chuyện lại có nguyên nhân từ sự xấu xa như vậy. Tuyệt Duyên ni sư khép mắt lại không dám nhìn thẳng vào mặt con trai của mình rồi kể tiếp:

- Trong một lần quá hồ đồ, mẹ đã vụng trộm quan hệ với Hồ đại thúc, thực sự là đã không kiềm chế được lòng mình. Ài ... Khổ hải, khổ hải! Đây chính là mầm họa cho tất cả mọi chuyện về sau. Cha con không hề nghi ngờ gì cả, thế nhưng Thiên Cang Thủ Lạc Đại Xuân thì phát hiện được chuyện giữa mẹ và Hồ đại thúc. Hắn là con người gian hiểm, vốn từng bị cha con quở trách những khi hắn có hành động sai trái. Hắn đã ngấm ngầm xúi giục Hồ đại thúc mưu hại cha con. Hồ đại thúc đã bị hắn nắm mũi, đồng thời cũng là quá si yêu mẹ, cho nên một âm mưu hãm hại cha con đã xảy ra, mẹ tuyệt nhiên không hề hay biết gì đến chuyện này. Lạc Đại Xuân tâm địa chỉ muốn sát hại cha con để Hồ đại thúc lên nắm quyền Bảo chủ, khi ấy hắn đã nắm mũi cha con, tất nhiên mặc sức tung hoành. Khi mẹ hay tin cha con bị sát hại trong khuôn viên Thiền Quang Tự thì mẹ đã hốt hoảng cùng Hồ đại thúc và nhiều người nữa đến đó, thi thể cha con bị cháy rữa ra không còn nguyên vẹn ... Hu ...

hu . ...

Kể đến đó bà không cầm được nước mắt khóc òa lên. Chu Mộng Châu thì sửng sốt lẫn căm hận nghiến răng lên trèo trẹo:

- Cha chết thật thảm! Con nhất định băm xác hung thủ ra trăm nghìn mảnh mới hả dạ và cha cũng yên tâm nhắm mắt nơi chín suối.

Tuyệt Duyên ni sư khóc sướt mướt rõ ràng bà cũng đang đau khổ vô cùng.

Hồi lâu Chu Mộng Châu trấn an nói:

- Mẫu thân xin tĩnh tâm mà kể tiếp cho con nghe, dù hung thủ là ai, con nhất định cũng trả thù cho cha!

Tuyệt Duyên ni sư lắc đầu thở dài nói:

- Hung thủ là ai thì mẹ thật không dám biết chắc, thế nhưng sau khi lo hậu sự cho cha con, mặc dù nhiều lời loan truyền đồn đại hung thủ bị tình nghi là Kim La Hán đại sư. Vì chính sau khi cha con bị hại thì Kim La Hán đại sư cũng tự nhiên biệt tăm biệt tích, không ai hay biết ông ta đi đâu. Người ta hoài nghi Kim La Hán thật ra cũng chỉ vì nguyên nhân thứ nhất là án mạng xảy ra trong khuôn viên Thiền Quang Tự mà Kim La Hán đang trụ trì. Thứ hai là vì năm xưa khi Kim La Hán còn hành cước giang hồ từng thua kiếm cha con. Biết rằng chưa thể bằng vào mấy điểm đó để kết án Kim La Hán là hung thủ, thế nhưng võ lâm đã quyết định để cho năm vị đứng đầu Ngũ kiếm phái điều tra vụ án này. Và họ đã chú tâm truy lung tung tích của Kim La Hán ...

Chu Mộng Châu chen ngang nói:

- Nhưng rồi làm sao mẫu thân biết được nội tình âm mưu này?

Tuyệt Duyên ni sư than dài, kể tiếp:

- Sau khi hậu sự của cha con hoàn tất, mẹ bình tâm tĩnh trí nghĩ lại thì hồ nghi chuyện do Hồ đại thúc gây ra, nên đã tìm cách bức vấn ông ta. Hồ đại thúc đã ba lần vẫn chối quanh và bài bác, nhưng một lần mẹ đã lẻn vào mật thất của Hồ đại thúc lục soát tìm thấy được thanh "Bích Long Kiếm Lệnh" chính là thanh kiếm đang ở trong người con mà hai năm trước mẹ đã từng tặng cho con. Với bằng chứng này thì Hồ đại thúc không còn chối cãi được với mẹ, nhưng chuyện cũng chỉ gói gọn giữa mẹ và Hồ đại thúc, mẹ cũng nhận ra nguyên nhân xấu xa là vì mẹ mà ra tất cả. Mọi tội lỗi tự nhiên lương tâm mẹ trừng phạt mẹ, và mẹ đã quyết định đầu thân cửa Phật sám hối tội lỗi, đồng thời cầu kiếm cho cha con giải nỗi hàm khuất nơi chín suối, chóng siêu sanh cực lạc. Trước khi rời Liên Vân Bảo, mẹ chỉ trộm lấy thanh "Bích Long Kiếm Lênh" mang theo, và để lại cho Hồ bảo chủ một mảnh giấy với vài dòng gửi gắm con cho ông ta.

Chu Mộng Châu vừa kích động vừa kinh ngạc la lên:

- Mẹ trao con cho kẻ thù của cha con, chẳng lẽ không thấy trao trứng cho ác hay sao?

Tuyệt Duyên ni sư lắc đầu, rơi nước mắt nói:

- Có lẽ không ai hiểu Hồ đại thúc hơn mẹ, con người Hồ đại thúc vốn phúc hậu trung thực, từ nhỏ đến lớn ở cùng với mẹ tuyệt đối chưa từng nghe nói dối lấy nửa câu. Bản tính rất tốt, nhưng âm mưu kia tất cả đều là bị Lạc Đại Xuân giật dây nắm đầu mà thôi. Chính vì mẹ tin tưởng như vậy, cho nên mới yên tâm gửi con cho Hồ đại thúc.

Nói đến đó, bà ngưng mắt nhìn Chu Mộng Châu trìu mến hỏi:

- Châu nhi, mẹ hỏi con phải nói thật lòng, thời gian con còn ở trong Liên Vân Bảo, Hồ đại thúc đối đãi với con không tệ chứ?

Chu Mộng Châu trầm mặc, nhớ lại thời thơ ấu ở trong Liên Vân Bảo quả thật người duy nhất chăm sóc để mắt đến chàng là Hồ đại thúc, ông ta đối với chàng như một người cha với đứa con rơi của mình.

Mỗi lần chàng bị Lạc Đại Xuân đánh đập hành hạ, chỉ cầu mong Hồ đại thúc đến giải cứu. Chỉ khi ấy có mặt Hồ đại thúc thì chàng mới cảm thấy yên tâm nhất.

Khi ấy chàng nhìn mẹ hỏi tiếp:

- Nhưng Hồ đại thúc không ra tay hại cha con thì ai có thể làm chuyện này?

Tuyệt Duyên ni sư lại thở dài thườn thượt, nói:

- Sau khi Hồ đại thúc bất đắc dĩ thuận ý Lạc Đại Xuân là hãm hại cha con, thì chính Lạc Đại Xuân sắp đặt hết mọi âm mưu, và đã nhờ đến tay Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận dụng một loại kịch độc thuộc ngoại phái Tây Vực để giết cha con.

Chu Mộng Châu rít lên:

- Đằng Thận! Đằng Thận! Chính là ngươi, Chu Mộng Châu ta nhất định báo thù này!

Tuyệt Duyên ni sư nói tiếp:

- Đằng Thận vì sao nhận lời giúp Hồ đại thúc giết hại cha con, thì mẹ không tường tận lắm, nhưng nghe phong phanh giữa bọn họ hai người vốn có quan hệ mật thiết với nhau, và hình như còn dính líu đến vụ án Bạch Vĩ Hồng. Sau này khi mẹ đã đầu thân cửa Phật, ẩn tu ở thảo am này với Huệ tâm ni sư, từng có nghe đến chuyện kiếp nạn của cả nhà họ Bạch.

Lúc ấy mẹ đã liên tưởng đến chính tay Đằng Thận làm, mẹ càng thấy khiếp sợ hơn chuyện giang hồ hiểm độc. Chỉ vì chút danh lợi, chỉ vì chút tình cảm riêng tư, mà bao nhiêu chuyện huynh đệ tương tàn, sư đồ đoạn tuyệt, ân oán dằng dặc mãi không cùng tận. Ài! Mẹ đầu thân cửa Phật nhiều năm, mặc dù có lẽ đến hết kiếp này cũng không rửa gột được tội lỗi của mình, nhưng trong lòng cũng có phần nào an ủi nhẹ nhàng hơn. Chỉ cầu nguyện Phật tổ từ bi, sớm siêu độ cho cha con về miền tiên cảnh.

Chu Mộng Châu nghe xong câu chuyện, chàng chết lặng người. Thật ra giờ chàng trong lòng bao nhiêu tâm sự hỗn tạp quyện lại vói nhau thành một khối uất kết nặng nề, chàng chỉ muốn chạy ra một vùng trời bao la, gào thét thật lớn, gào thét đến vỡ ngực, đến khi khối uất trong lòng tiêu tan. Chàng ngồi bất động, mắt ngầu đỏ lên cay xè, trước mắt chàng hình ảnh mẫu thân trong chiếc áo cà sa nhòe đi theo làn nước mắt, chàng muốn khóc ...

Nhưng lúc bên tai lại tiếp tục nghe văng vẳng tiếng Tuyệt Duyên ni sư:

- Châu nhi, mẹ biết con vô cùng xúc động, nhưng con cần hết sức bình tĩnh minh mẫn hơn bao giờ hết để phân định rạch ròi mọi chuyện. Trong huyết án của cha con, tội nhân đầu tiên đã ăn năn sám hối là mẹ. Nhưng cái nhân mẹ đã gieo đi rồi, giờ nghiệp quả tất đến, mẹ không thể ngăn cản con phục thù rửa hận cho cha và lấy lại sự thanh bạch cho Kim La Hán thiền sư. Nhưng mẹ chỉ cầu xin con nương tay đến mức có thể được, nếu có thể tha được kẻ thù cũng nên tha, chỉ làm sao cho đối phương nhận ra lỗi lầm của mình mà cải tà quy chánh, ăn năn hối cải. Chỉ có cách đó là sự trả thù cao cả nhất, và con cũng không phải hổ thẹn là đệ tử truyền y bát của vị cao tăng Kim La Hán.

Những lời mẹ rót vào tai Chu Mộng Châu như ngây như dại, chàng như rơi vào một khoảng không vô định, chưa biết phải bám víu vào đâu.

Tuyệt Duyên ni sư cứ ngồi nhìn vào mặt Chu Mộng Châu im lặng, một lúc sau bà gọi khẽ:

- Châu nhi, Châu nhi, con làm sao thế?

Chu Mộng Châu giật mình sực tỉnh, lúng túng không nói được tiếng nào.

Tuyệt Duyên ni sư nói tiếp:

- Theo như con nói là thanh "Bích Long Kiếm Lệnh" này đã lộ ra trước mắt quần hùng võ lâm đúng vậy chứ?

Chu Mộng Châu gật đầu đáp:

- Đúng vậy!

Tuyệt Duyên ni sư trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:

- Như vậy là Đằng Thận và Hồ đại thúc cũng biết chuyện mẹ con ta đã gặp nhau, nhất định bọn họ sẽ có đối phó. Cho nên con cần phải hết sức cẩn thận mới được. Từ đây đến tiết trung thu sang năm còn rất lâu, trước hết con nên khổ công luyện thành Bích Long kiếm phổ chứa trong thanh kiếm này. Mẹ chỉ mong sau này con tiếp tục dương danh Thiên Hạ Đệ Nhất Kiếm của cha con, và hào hiệp hành cước cứu nguy phò nhược mà thôi.

Chu Mộng Châu cúi đầu cảm tạ mẫu thân.

Từ đó chàng lưu lại trong thảo am ngày đêm khổ luyện pho Bích Long kiếm phổ.

Bích Long kiếm phổ vốn là pho tuyệt kiếm, nhưng xưa nay ít người luyện thành.

Chu Mộng Châu trẻ tuổi lại có thiên bẩm hơn người, công lực đã vững căn cơ, thêm nữa trước đây chàng từng luyện pho Đạt Ma kiếm pháp và pho kiếm hộ thân mà Thiên Lãng Tử đã truyền thụ, cho nên khi đưa vào luyện Bích Long kiếm phổ khá thuận lợi. Đã vậy lại nhờ mẫu thân của chàng giúp đỡ, năm xưa chính bà đã từng cùng chồng giải mã các thế kiếm trong pho kiếm này, cho nên ít nhiều nắm được mấu chốt cơ bản. Tất cả những điều kiện đã giúp cho Chu Mộng Châu luyện thành pho kiếm rất nhanh.

Tuyệt Duyên ni sư thật không ngờ nhi tử của mình lại thông minh đĩnh ngộ, hấp thụ kiếm pháp cực nhanh như vậy. Trong lòng vui mừng, tự cảm thấy mình đã làm được một điều gì đó để tạ lỗi với tiên phu của mình.

oo Những tháng đông trôi qua.

Khi ánh mặt trời lấp lánh trên những chồi non báo hiệu mùa xuân đang đến, cũng là lúc mà Chu Mộng Châu đã luyện xong pho Bích Long kiếm pháp. Mấy tháng qua từ sau lần phó hội với Quy Hồn Bảo, chàng lưu lại trong thảo am khổ luyện pho kiếm pháp với một ý chí kiên định. Trong lòng chàng nung nấu một tinh thần phục thù và hưng danh cho cha mình, đồng thời rửa sạch danh dự cho sư phụ.

Một sáng đầu năm, Chu Mộng Châu thức dậy sớm chuẩn bị lên đường.

Chàng quyết định trở lại Trường An, việc đầu tiên là tìm gặp sư phụ của mình hỏi cho ra mọi vấn đề, rồi sau đó mới quyết định hành động.

Mẫu thân chàng, Tuyệt Duyên ni sư tiễn chân chàng xuống hết núi, trước khi chia tay bà trao cho Chu Mộng Châu một vật gì đó gói trong lần vải đỏ, nói:

- Đây là một kỷ vật năm xưa khi mẹ chưa thành gia thất với cha con, chính Hồ đại thúc đã tặng mẹ. Con nên cất giữ, lúc gặp cần thiết thì cứ dùng đến.

Chu Mộng Châu bái tạ mẫu thân, chàng nói:

- Sau khi mọi chuyện đã giải quyết xong, con sẽ lên thăm mẹ!

Tuyệt Duyên ni sư lắc đầu nói:

- Mẹ đã muốn dứt cảnh hồng trần, đầu thân cửa Phật là để sám hối tội lỗi, từ nay con tốt nhất đừng bao giờ đến thăm mẹ nữa. Tình mẫu tử chúng ta chỉ nên ghi khắc trong lòng vì quá đủ rồi. Bởi vì mỗi lần nhìn thấy con, mẹ lại phải soi chiếu bản thân mình những ngày tháng xưa, như vậy chỉ thêm đau khổ, trở ngại đường tu.

Chu Mộng Châu nghe mẹ nói thế thì cũng chỉ đành nuốt nước mắt vào lòng, khấu đầu tạ mẹ lần nữa rồi lên đường.

Gió xuân nhẹ thổi đưa những cành lá non là đà trên dòng Thủy êm đềm.

Cổ thành Trường An vẫn y nhiên nằm lặng lẽ in mình xuống dòng nước trong xanh, vẻ cổ kính mãi vẫn còn theo thời gian.

Liên Vân Bảo nguy nga tráng lệ nằm ở ngoại thành Trường An về phía đông bắc chễm chệ, nghiễm nhiên như một hộ sĩ bảo vệ cổ thành, khiến người ta lần đầu đặt chân đến đây nhìn thấy không khỏi chặc lưỡi tán thán.

Liên Vân Bảo cảnh sắc vẫn như cũ, chỉ có điều hôm nay bỗng nhiên người ra vào tấp nập, bộ dạng đều khẩn trương nhưng nét mặt thì hớn hở.

Nội bảo trang tráng lệ, tợ như một ngày hội vui đang chuẩn bị diễn ra ở đây.

Chủ nhân Liên Vân Bảo là Cương Kiếm Đoạt Hồn Hồ Dã, ông lúc ở bên này lúc ở bên kia hạ lệnh cho thuộc hạ trong nhà treo đèn kết hoa chuẩn bị cho ngày hội, thần thái ông tỏ ra rất sung sướng tự đắc.

Trời ngã dần về chiều rồi tối nhanh, bên ngoài tường thành hậu bảo một bóng đen lướt qua rất nhanh rồi biến mất vào rừng táo bạt ngàn.

Chỉ sau chừng mấy giây, một bóng người khác vọt lên đầu tiếng, dừng chân lại đưa mắt nhìn vào khu rừng táo vẻ ngần ngại, mặt hiện vẻ hồ nghi lẩm bẩm một mình:

- Ái, thật đúng là người, thì người này công lực thân pháp nhất định đạt đến cảnh giới siêu thần nhập hóa!

Vừa dứt lời, bỗng lại thêm một bóng người mảnh mai vọt lên đầu tường đưa mắt ngóng nhìn vào rừng táo, rồi quay đầu chớp mắt nhìn người kia lộ chân tình, giọng nhẹ nhàng nói:

- Liêu ca, huynh vừa nhìn thấy gì vậy?

Người được gọi là Liêu ca mắt vẫn còn nghi hoặc nhìn rừng táo, nói vẻ hồ nghi:

- Ta nhìn thấy một bóng người vượt ngang qua đây liền truy đuổi theo, nào ngờ vừa vọt lên đầu tường này thì bóng người kia nhanh như chớp mất hút trong rừng táo. Chỉ trước sau một cái chớp mắt, đối phương bỏ xa như vậy, Thường muội thử nghĩ ...

Thì ra thiếu nữ mảnh mai thon thả kia chính là thiên kim ái nữ của Liên Vân Bảo chủ, ngoại hiệu Liễu Kiếm Tiên Cơ.

Gã hán tử kia lại là đại đệ tử ưu ái nhất của Liên Vân Bảo chủ, ngoại hiệu Ngọc Diện thư sinh Liêu Thứ.

Vừa rồi đang nói chuyện với nhau sau hậu viện, Liêu Thứ phát hiện thấy bóng người lạ, liền vọt đuổi theo không kịp gọi Vân Thường, nàng cũng liền chạy theo chàng xem sự thể thế nào.

Bấy giờ Vân Thường nghe nói vậy chừng như còn hoài nghi, bèn nói:

- Liêu ca, trời chỉ vừa tối huynh chớ nghi thần nghi quỷ? Muội thấy huynh hôm nay hơi hốt hoảng làm sao ấy. Ngày mai là tết Nguyên Tiêu rồi, huynh nếu như để người khác đả bại, thì tiểu muội chỉ e ... thuộc về người khác.

Nói đoạn cuối câu nàng hơi thẹn mặt, cúi đầu lặng im. Liêu Thứ nắm lấy tay Vân Thường, giọng đầy hào khí nói:

- Thường muội, nàng yên tâm, Liêu Thứ ta tuy không hoài công kỳ học, thế nhưng cũng không dễ gì để người khác đả bại đâu. Có điều sư phụ từ trung thu năm trước sau khi đến phó hội ở Quy Hồn Bảo trở lại chừng như có tâm sự gì rất lớn, mấy gian tĩnh thất của sư phụ tuyệt đối không cho phép một người nào đặt chân đến, đồng thời thỉnh thoảng sư phụ bí mật ra ngoài mấy ngày mới quay trở về. Ngu huynh lượng định như sắp xảy ra một chuyện gì vô cùng hệ trọng, nhưng mãi vẫn không dám hỏi.

Hồ Vân Thường cũng như nhớ lại, nói:

- Có lẽ muội quên mất, huynh còn nhớ tên tiểu tử họ Châu bỏ đi từ bảy năm trước chứ?

Chẳng ngờ sau mấy năm không gặp, hắn trở thành nhân vật thân hoài tuyệt học, bản lĩnh cao cường, mấy lần đả bại những tay cự phách giang hồ, nếu như không phải Quy Hồn Bảo chủ Đằng Thận đánh hắn một chưởng, huynh dám nói rằng ngày mai hắn không đến chứ? Đã vậy gần đây trên giang hồ còn xuất hiện một số nhân vật anh hùng trẻ tuổi có võ nghệ cao cường, huynh nghĩ bọn họ bỏ qua cơ hội dương danh lần này sao?

Liêu Thứ ngưng mắt nhìn hoa diện người trong mộng không hề chớp, quả nhiên trong đầu gã cũng lường tới điều này, vì ngày mai là ngày hết sức quan trọng trong đời gã, liệu gã có thành danh giang hồ, đồng thời tối yếu nhất là đoạt được chức phò mã của vị Liên Vân Bảo chủ hay không?

Hồ Vân Thường bị Liêu Thứ nhìn chăm đến đỏ mặt, vội cúi đầu thấp giọng:

- Liêu sư ca, chàng yên tâm, bất luận anh hùng lôi đài ngày mai thắng phụ thế nào, Hồ Vân Thường thiếp sống là người của họ Liêu, chết cũng thành ma nhà họ Liêu ...

Liêu Thứ càng nắm chặt tay nàng hơn, giọng đầy xúc động:

- Vân Thường, nàng ...

Vân Thường tay ngọc bị chàng nắm chặt, không hề vùng ra, đồng thời thân hình vô tri vô giác từ từ ngã tựa vào người chàng.

Liêu Thứ từ nhiều năm nay vô cùng yêu thương vị sư muội này, chính vì hết sức thương yêu quý trọng, cho nên thường ngày cử chỉ cư xử luôn luôn giữ đúng mực, lúc người nàng dựa vào ngực ấm áp khiến Liêu Thứ sung sướng đến ngây ngất như quên đi tất cả xung quanh.

Lúc này đây, trong đầu Liêu Thứ hẳn đã quên bóng người vừa rồi vọt vào khu rừng táo, thần tình dao đãng với giai nhân trong lòng, bất giác đôi tay ôm lấy ngang eo lưng Vân Thường lúc nào không hay.

Hồ Vân Thường giật mình, chợt nhận thấy hai người chính đang đứng trên đầu tường rất dễ bị người khác nhìn thấy, khi ấy nhẹ nhàng đẩy Liêu Thứ ra.

Liêu Thứ cũng giật thót mình vì nhận thấy hành động của mình vừa rồi hơi lộ liễu, may mà nàng không hề lên tiếng trách cứ, bèn nói:

- Thường muội, chúng ta trở về đi thôi!

Hồ Vân Thường mặt ửng hồng, gật nhẹ đầu rồi người lướt nhẹ đi như hồng hồ điệp, thân pháp quả là điêu luynện đẹp mắt.

Liêu Thứ cũng liền tung người phóng theo nàng, cả hai phút chốc hòa vào bóng tối của khu hoa viên.

Lại nói, bóng đen kia sau khi vượt qua hận tường của Liên Vân Bảo, chừng như không hề hay biết có người bám theo mình cứ tiếp tục phóng nhanh vào khu rừng táo.

Thân pháp của người này cực nhanh, hành trình hơn mười dặm vậy mà chỉ trong nháy mắt đã thấy vượt qua rồi.

Trong màn đêm nhờ nhợ, trước mặt đã xuất hiện một bức tường vàng ngói đỏ, còn cách chừng bảy tám trượng, người kia phóng vọt lên vượt rào tường thành, miệng sung sướng gọi lớn:

- Sư phụ, sư phụ, đệ tử về đây!

Trong nội viện tịch lặng như tờ.

Thì ra bóng đen kia không ai khác ngoài Chu Mộng Châu.

Sau khi chia tay với mẫu thân, chàng quyết định trước hết trở về thăm sư phụ, đồng thời hỏi người thêm một số điều mà chàng còn hoài nghi trong lòng.

Chu Mộng Châu đứng khựng người đưa mắt nhìn quanh, bất giác chàng thấy kinh ngạc, nguyên là trong lâm viên cây phủ dày đặc, cỏ mọc um tùmg, chừng như là một nơi bị bỏ hoang phế đã từ lâu.

Chính điện Phật đường mở toang, chỉ nhìn vào trong cũng có thể nhận ra ngay từ lâu không có người nhang khói quét dọn.

Chu Mộng Châu tần ngần một lúc, rồi cất tiếng gọi lớn:

- Sư phụ, sư phụ!

Chu Mộng Châu gọi không lớn, thế nhưng trong khuôn viên Từ Vân Tự nếu có người, nhất định sẽ nghe thấy. Nhưng tiếng chàng lọt thỏm trong màn đêm, rồi lại lặng ngắt không một tiếng người đáp lại. Chu Mộng Châu không còn kiên nhẫn được nữa, chàng phóng chạy vào Phật đường.

Phật đường bài trí vẫn như cũ, không có gì thay đổi, nhưng nhện giăng bụi mốc thành nhiều lớp, cũng đủ biết đã bị bỏ hoang nhiều năm rồi. Chu Mộng Châu trong lòng kinh ngạc, chàng liền chạy lui sau thiền phòng, nhưng vẫn là căn phòng trống không, mốc meo bụi bặm từng lớp, rõ ràng là sư phụ đã không ở đây từ lâu, vậy sư phụ đi đâu?

Chu Mộng Châu đứng thừ người nghĩ ngợi hồi lâu, rồi chạy quanh tìm khắp mọi xó xỉnh trong chùa, nhưng đâu đâu cũng rêu phong u tịch, tuyệt nhiên không một dấu người.

Chàng linh cảm đã có điều gì không hay xảy ra với sư phụ, chàng với sư phụ Kim La Hán tuy ở với nhau không mấy khắc, thế nhưng ba lạy bái sư cũng đủ khiến chàng quý trọng người. Huống gì chính Kim La Hán đã sắp đặt thành toàn cho ước nguyện của chàng về sau, nên bây giờ trong người chàng mới mang được tuyệt học, thử hỏi chừng đó không đủ để chàng cảm nhận thâm ân của sư phụ.

Đứng lặng người suy nghĩ hồi lâu, chàng quyết định tạm thời rời Trường An tìm đến Khai Nguyên Tự ở Mễ Thương Sơn, vì vị phương trượng Khai Nguyên Tự, Đạo An thiền sư chính là sư đệ của sư phụ, nhất định có liên lạc với sư phụ.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play