Tôi vẫn đi học như bình thường, vẫn đến lớp, vẫn ăn uống, vẫn ngủ nghỉ đều đặn như bình thường, như thể mọi chuyện xảy ra trong phòng của Anh Quân không có thật. Đúng, tôi có thể coi như không có chuyện ấy nhưng còn vết thương của tôi, tôi không thể coi nó không có thật được. Tôi có thể che đôi mắt để không nhìn thấy những thứ tôi không muốn nhìn, có thể bịt tai để không phải nghe những thứ tôi không muốn nghe, nhưng tôi lại không thể giữ lòng mình tránh xa những nỗi đau ấy, tôi có thể vờ như không nghe, vờ như không thấy nhưng còn cảm giác mà tôi đang phải nếm trải thì nó quá chân thật.
Tôi đứng chép lịch thi ở bảng thông báo để lên truyền đạt lại cho cả lớp, đây có lẽ là việc cuối cùng tôi có thể làm cho lớp với tư cách là một thành viên của đại gia đình 11A6, với tư cách là một thư kí mà chúng nó hay gọi đùa là “ôsin cấp cao của lớp”. Chưa bao giờ tôi lại muốn cười mà lại vừa muốn khóc đến vậy. Sắp thôi, không xa nữa đâu tôi sẽ phải rời xa nơi đây, rời xa đám bạn của tôi, chúng nó như thể là tay, chân, miệng, mắt và tai của tôi vậy. Bạn bè đối với tôi thân thiết chẳng khác nào gia đình. Giờ đây khi phải nói lời từ biệt với chúng nó tôi thật không nỡ. Ngay cả việc tôi đã nhận học bổng và đang trong thời gian chờ visa tôi cũng chưa nói cho chúng nó biết. Tôi sẽ ra đi trong sự quyến luyến đầy nước mắt hay là sẽ lẳng lặng mà ra đi không lời từ biệt? Dù chọn cách nào thì vẫn sẽ có người bị tổn thương và tôi sẽ là một trong số đó.
Tôi cẩn thật cất tờ giấy có lịch thi và đóng nắp bút chuẩn bị lên lớp. Tôi có thể hình dung ra đám bạn mình sẽ gào thét chửi rủa thảm khốc như thế nào sau khi nhìn thấy cái lịch thi tréo ngoe như thế này. Tôi cười thầm rồi khựng lại, nụ cười vẫn dán trên mặt khi nhìn thấy Anh Quân và Bảo Khánh đi ngang qua nhau. Tôi không nên nghĩ về anh nữa, tôi sẽ để anh lại với những kí ức ở nơi đây. Ranh giới giữa từ bỏ và tiếp tục hóa ra lại chỉ mong manh đến vậy. Tôi không trách anh, tôi cũng không trách Bảo Khánh bởi trên đời chẳng có gì là hoàn hảo, bạn có tình với người này thì sẽ phải vô tình với người kia, đơn giản vậy thôi.
Lên tới lớp, chúng nó đứa nào cũng cầm trong tay một cái quạt giấy quạt phành phạch, đứa thì lấy quyển vở ngồi phe phẩy tám chuyện với nhau. Tôi từ tốn chép lịch thi lên bảng. Ngay cả khi vừa chép xong chúng nó đã gào ầm lên thảm thiết. Đứa thì than thở trời đất, đứa thì chửi thề bằng đủ mọi thứ tiếng, đứa thì lại cam nhận số phận. Còn tôi, lần đầu tiên chép lịch thi mà tôi cảm thấy thanh thản đến thế, đương nhiên, bởi tôi có thi đâu mà. Tự nhiên tôi cảm thấy tha thiết với các kì thi như thế này, cảm thấy muốn làm trọn vẹn đống đề cương còn đang ngổn ngang ấy bởi tôi sẽ chẳng còn cơ hội để làm mấy thứ như thế nữa.
– Ôi trời ơi, tao phải đi kiến nghị với hiệu trưởng, lịch thi vớ va vớ vẩn, sao lại cách 1 ngày thi 1 môn thế này, để chết à. – Một đứa nào đấy kêu gào thảm thiết.
– Thế này tốt mà, có thời gian mà ôn. – Có đứa lại “ủng hộ”.
– Thà tao thi tất cả mấy môn này trong 1 ngày còn hơn. – Lam đập bàn kêu khổ.
– Giá như có giáo viên bước vào lớp xong nói là các em được lên thẳng lớp, không cần thi thì tốt biết mấy. – Thùy uể oải nhoài người ôm lấy cái bàn.
Đúng lúc đó thầy giám thị bước vào lớp tôi, cả lớp đang kêu gào phản đối bỗng dưng im tịt khi nhìn thấy thầy bước vào.
– Có lẽ nào lời tao nói linh nghiệm không mày? – Thùy thì thầm.
– Tao nghĩ lớp mình dễ bị phạt lao động hơn mày ạ. – Chi nuốt nước bọt nhìn ra phía ngoài trời nắng như đổ lửa.
– Cái lớp này sao mà ầm thế hả? – Thầy giám thị to tiếng. – Tú An là cô nào hả?
Tôi giật mình. Quái, mình có làm gì đâu nhỉ.
– D..dạ.. – Tôi từ từ đứng dậy.
– Đi theo tôi mau lên.
Tôi tròn mắt. Trời đất tôi có làm gì đâu chứ mà sao nghe giọng điệu của thầy giám thị chưa nhiều nộ khí vậy. Cả lớp đổ dổn ánh mắt về phía tôi. Bọn cái Lam thì nhăn mày cau trán vì không hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi cùng thầy đi hết hành lang, xuống cầu thang và tiến thẳng về phòng hiệu trưởng. Tôi mở cửa bước vào, so với cái oi bức ở ngoài kia thì ở trong phòng điều hòa của thầy hiệu trưởng vẫn dễ chịu hơn đôi chút.
– Thầy gọi em ạ? – Tôi lễ phép.
– Em ngồi đi. – Thầy chỉ vào cái ghế rồi tiếp lời. – Về phần giấy tờ thủ tục và học bạ thì nhà trường đã làm xong xuôi cả rồi. Học bạ của em cũng được sắp xếp xong xuôi ổn thỏa cả rồi. Về phía nhà trường, thầy đã liên lạc với bên đó, họ nói rằng em có thể nhập học vào tháng 6 này để theo khóa học mới nhưng tốt nhất vẫn nên sang đó vào tháng 4 vì còn khá nhiều thứ cần làm quen. Bên phía họ cũng cho em thời gian 2 tháng để tham gia một lớp tiếng Anh.
– Dạ vâng.
– Thế các bạn đã biết chuyện em sẽ đi chưa?
– Dạ chưa ạ.
– Không nỡ nói ra chứ gì. Thầy nghĩ em vẫn nên nói với các bạn một câu.
– Vâng.
– Bạn bè luôn là chỗ dựa tốt nhất, ngay cả khi chia xa thì cũng vẫn sẽ là bạn bè. Các bạn em sẽ thông cảm cho em thôi.
Thầy hiệu trưởng mỉm cười nhìn tôi rồi nói. Không hiểu sao nhưng mỗi lần nhìn thầy là tôi lại nhớ tới bố. Bố tôi nếu còn thì có lẽ cũng sẽ giống như thầy hiệu trưởng vậy, hiền hậu và thân thiện.
Tôi trở về lớp. Lớp tôi trống tiết nên chúng nó ngồi rải rác từ đầu lớp đến cuối lớp. Chúng nó đổ dồn mắt về phía tôi, có đứa lên tiếng hỏi.
– Làm sao thế? Mày bị trách mắng gì à?
Tôi lắc đầu nhìn chúng nó, lời nói tôi sắp nói ra sao mà khó quá vậy. Miệng thì đã mở nhưng lời nói thì cứ nghẹn lại ở cổ họng.
– Tao…
– Mày làm sao? – Lam sốt ruột.
– Tao sắp đi du học. – Tôi hít một hơi thật sâu rồi nói ra từng tiếng một cách khó khăn.
– Gì cơ? Mày đùa à? Hôm nay là qua cá tháng tư được một tuần rồi nhé.
– Không, tao đi thật. Thầy hiệu trưởng vừa gọi tao lên để nhận thông báo.
– Sao mày bảo mày không đi mà?
– À ừ nhưng mà không đi chắc không được rồi. – Tôi cười, cố tỏ ra vui vẻ nhưng chỉ thấy buồn.
– Thôi nào, lạc quan mà nói thì mày sẽ phải làm quả tiệc chia tay, khao bọn tao luôn thể.
– À ừ thì ok thôi.
Vậy là xong, tôi sẽ rời khỏi đây. Buổi chiều hôm ấy tôi đến lớp vẽ học thêm, cô giáo dạy vẽ của tôi không nói gì, cô chỉ cười rồi bảo.
– Điều kiện bên nước ngoài rất tốt, thích hợp để phát triển tài năng. Không phải là chê trách gì nhưng đất nước mình vẫn còn nhiều thiếu sót cả về cơ sở vật chất lẫn cả nhận thức. Con sang bên đó học tập tốt, chăm chỉ và nhớ rằng luôn cần phải tự mài rũa bản thân, tiếp thu những cái mới.
– Con nhớ rồi ạ.
– Vậy bao giờ con đi? Chắc khoảng tuần sau ạ.
– Vậy cũng sắp rồi còn gì. Cô cứ nghĩ là Hạ sẽ ra nước ngoài trước cơ.
– Con cũng không nghĩ là mình sẽ đi du học, cũng không nghĩ mình có cái cơ hội ấy.
– Không ai biết trước được điều gì nhưng cơ hội đến thì nên biết nắm bắt.
Tôi dạ vâng thêm vài câu rồi từ biệt cô. Tiếp đến tôi gọi điện cho Linh Trang. Nó mới chỉ nghe thấy hai từ “du học” là đã gào ầm hết cả lên rồi đòi gặp tôi. Và thế là hai đứa tôi lại hẹn nhau ở đâu đó.
– Mày đi thật á? – Trang đẩy gọng kính dày cộp lên rồi hỏi tôi, nó không thể tin rằng tôi sẽ chọn cái học bổng đó.
– Ừ. – Một câu trả lời nhẹ bẫng nhưng dài thượt những mỏi mệt.
– Còn chuyện kia thì sao? Chuyện ông thầy…
– Đừng nhắc nữa. Tao từ bỏ rồi. – Tôi thở dài rồi kể lại cho nó những việc xảy ra. Cổ họng tôi nghẹn đắng, buồn nhưng nước mắt lại chẳng thể trào ra.
Linh Trang nghe xong thì chỉ gật gật đầu rồi nói nhỏ một câu thế à thật khẽ. Tôi biết, nó đang ước như chưa hỏi câu hỏi ấy, nó không muốn làm tôi buồn thêm khi phải nhớ lại chuyện cũ để kể lại cho nó. Tôi cầm tay nó một cách sến súa rồi trấn an.
– Không sao. Kể cả mày không hỏi thì tao cũng không quên được chuyện đấy.
– An. – Nó gọi tên tôi rồi vươn người ra ôm tôi. – Mày đi rồi ai sẽ nghe tao than vãn đây? Rồi còn Việt Anh nữa, nó bắt nạt tao thì sao? Dạo này bận ôn thi nên chẳng có thời gian gặp mày nhiều, sau này không biết có còn cơ hội không nữa.
– Bi quan thế. Tao đi học chứ có phải bỏ đi biệt xứ tha hương cầu thực đâu.
– Nhưng mày quyết định đi là vì thất tình. Lỡ mày gặp anh Tây nào cao to đẹp trai rồi ở bên đó riết không về nữa thì sao?
– Yên tâm, tao sẽ về mà, còn ăn bánh kẹo của chúng mày nữa chứ hahaha.
Và thế là hai đứa con gái lại cười ầm lên với nhau. Những nụ cười hồn nhiên trong sáng ấy không biết đến khi nào mới có thể cùng vang lên một lần nữa.
Chuyện tôi đi du học chẳng mấy mà cả trường biết, các học sinh biết, các giáo viên không lí gì mà lại không biết. Hôm ấy tôi đi học về, hôm nay tôi đi bộ, tôi muốn ngắm nhìn rõ hơn Hà Nội của tôi. Hà Nội đẹp lắm, Hà Nội luôn đẹp ngay cả những ngày nóng bức thì cũng vẫn rất đẹp. Tôi thả bộ trên con đường thênh thang, hai bên đường là những sắc màu rực rỡ của Phượng đỏ đầu mùa, là sắc tím êm dịu của dãy Bằng Lăng già. Vậy là sắp hè rồi đấy, sang năm là tất cả sẽ lên lớp 12, sẽ bận bịu với lịch học lịch ôn dày đặc. Quả là những ngày tháng khiến người ta phải kinh hoàng. Còn tôi, năm tới tôi sẽ không ở đây nữa, sẽ không cùng Hà Nội vi vu với những vui buồn, không cùng Hà Nội đón mùa lá rụng, không cùng Hà Nội chịu những cái rét giá lạnh đầu Đông. Nắng của Anh Quốc có rực rỡ như nắng của Hà Nội không? Không, Anh Quốc là xứ sở xương mù, nắng bên đó sẽ chẳng thể tràn đầy sức sống như bên này được đâu bởi bên đó làm gì có anh. Sẽ không có ai rảnh rỗi mà phân bua với tôi về nắng và mưa, cũng chẳng có ai trêu chọc khiến tôi phát bực, sẽ chẳng có ai dẫn tôi đi chơi hết chỗ này sang chỗ khác. Bởi vị trí của anh là ở đây, ở đâu đó mãi mãi không phải ở cạnh tôi. Hóa ra yêu một ai đó đơn giản lại chỉ là buông tay.
Tôi cứ đi bộ một cách chậm rãi, đầu óc suy nghĩ mông lung cho đến khi Bảo Khánh lướt qua thì tôi mới sực tỉnh.
– Chị Khánh. – Tôi bất giác gọi khi Bảo Khánh tình cờ đi ngang qua.
– Kinh nhỉ, hôm nay lại gọi chị lại cơ à. – Bảo Khánh tiến lại gần về phía tôi. Chị vẫn vậy, vẫn thích công kích người khác bằng vẻ đắc ý của bản thân. – Nghe nói em đi du học hả, chị nói rồi, tình cảm nhất thời rồi cũng sẽ bị những thứ khác vùi lấp thôi. Anh Quân là của chị mà.
– Thầy ấy… à không, anh ấy là của ai em không biết và em cũng không chắc là mình muốn biết. Thực sự thì anh Quân đã từng rất yêu chị, anh ấy đã chờ đợi chị một cách vô vọng trong suốt mấy năm liền. Em không biết anh Quân của chị lúc ấy như thế nào nhưng anh Quân mà em gặp lại là một người bị thương tổn biến thành người lạnh lùng đến gai góc. Là một người khó gần với lòng tự tôn cao ngất, anh ấy chẳng quan tâm người ta nghĩ cái gì mà chỉ nghĩ rằng phải làm sao để bản thân không gục ngã. Một con người luôn đề phòng người khác, luôn giấu đi suy nghĩ của mình. Em tự hỏi không biết rằng nỗi đau kia to lớn thế nào thì mới có thể tôi luyện được một con người trở nên sắt đá đến thế. Cho đến khi gặp chị thì em hoàn toàn hiểu, si tình một người con gái hoàn mĩ, tài giỏi, có thể chứ. Vâng em thích anh Quân, thích nhiều hơn em nghĩ. Thích tới mức em có thể gạt bỏ cảm giác của bản thân, đứng nhìn anh ấy hạnh phúc bên người mình yêu. Em biết với lứa tuổi này, để nói ra những câu từ như thế này thì thật không phù hợp chút nào nhưng em vẫn cứ phải nói. Có những thứ qua đi rồi thì sẽ không lấy lại được, nhưng cuộc đời thì không ai biết chắc được. Em chỉ mong rằn con người ta khi nhìn thấy cơ hội trước mắt thì sẽ không sai lầm thêm lần nữa. Vậy thôi ạ.
Nói xong tôi quay đi, thật nhanh để không phải nghe thêm bất cứ ngôn từ nào từ người con gái ấy. Có lẽ tôi cũng bị chị làm cho tổn thương mất rồi. Nước mắt rơi xuống như một lẽ tự nhiên. Lần này tôi sẽ không gạt đi nước mắt nữa mà sẽ để nó thuận theo lẽ tự nhiên. Nước mắt rơi, rơi xong thì sẽ tự ngưng thôi, sau đó thì sẽ tự khô. Trên đời có hai điều khiến con người ta trở nên thực sự đáng thương. Một là khi đã phải quen làm bạn với cô đơn và hai là khi đối diện với đau thương lại quên mất phải đau như thế nào.
Mọi người ai tôi cũng đã nói lời từ biệt duy chỉ mình anh là tôi chẳng nói gì hết, tôi cũng đã nhắn tin cho Hoàng Duy nhưng cậu ta còn chẳng thèm trả lời, à mà phải rồi, còn con mèo béo ị đang lười biếng ở Back In Time nữa, tôi muốn từ biệt nó. Và thế là bàn chân nhanh chóng đổi hướng. Tôi chào bác Lâm, bác hỏi qua loa về chuyện du học, tôi cũng trả lời qua quýt cho xong rồi xin phép bác lên trên tầng thượng để tìm con mèo béo đó. Tôi ngồi ở sân thượng ôm lấy con mèo. Hình như Nheo cũng biết rằng tôi sắp phải xa nó nên nó cứ một lúc lại kêu meo một tiếng rồi cọ cọ đầu vào tay tôi. Cuối cugnf tôi cũng đành để nó lại rồi xuống dưới. Khi đi qua phòng Anh Quân tôi chợt khựng lại, cánh cửa ấy vẫn he hé mở như muốn nói tôi nên vào trong đó. Tôi vô thức đi về phía phòng anh, không mở hẳn cửa mà chỉ lách người vào. Căn phòng rộng với mùi hương quen thuộc, tôi sẽ mãi nhớ, cả bức tường đầy những mảnh giấy nhớ dán chi chít, bức tường ấy anh vẫn chưa bỏ đi. Ở góc tủ gần đó vẫn còn hai chiếc bút và mấy tệp giấy nhớ. Tôi nín thở, cầm bút lên rồi viết thật nắn nót :”em thích anh”, vẽ một hình trái tim bên cạnh rồi bật cười. Tôi xé tờ giấy đó ra rồi vo tròn vứt xuống chân sau đó ra khỏi phòng, bước đi và không ngoảnh lại.
…
Đến buổi tiệc chia tay, tôi lục tìm cho mình một bộ quần áo phù hợp nhưng chọn mãi lại chẳng thể tìm thấy gì ưng ý. Thùy ngồi đợi lâu liền đứng dậy chọn cùng tôi. Nó lôi ra một chiếc váy màu kem, điểm xuyến trên đó là những bông hoa nhỏ nhắn, chân váy là đường ren mềm mại uyển chuyển chạy theo mép vải, eo váy còn được thắt một chiếc nơ tăng thêm phần nữ tính cho bộ váy và cho cả nguời mặc. Phải rồi, đây là quà sinh nhật từ năm ngoái của bác Lân. Tôi rất hiếm khi mặc váy nên chưa bao giờ tôi đụng tới nó cả.
– Hôm nay mày mặc váy đi, mặc cái này, nhanh lên, vào thay rồi ra đây.
Thùy ném cho tôi cái váy bắt thay. Thay xong nó gật gật đầu vài cái rồi trang điểm cho tôi một chút. Nó nói rằng là con gái nên phải biết làm điệu một chút, nhất là tôi lại theo ngành mỹ thuật nên không thể không chăm chút cho bản thân được. sau 15′ tôi trở thành một đứa con gái có vẻ hiền dịu và dễ bị bắt nạt, nói chung là không giống tôi của mọi ngày.
Tới chỗ hẹn, tôi là người cuối cùng bước vào. Tôi đi ngay sau Thùy nên khi đã bước vào phòng, dù mọi người chưa nhận ra tôi thì tôi đã sớm điểm mặt được từng người. Buổi chia tay hôm nay có cả một số thầy cô, trong đó có Anh Quân.
Mọi người tròn mắt nhìn tôi, một đứa con gái tính cách quái dị hôm nay trở nên dịu dàng trong bộ váy nữ tính. Mấy đứa con trai ngồi ở đó có đứa lên tiếng trêu đùa khiến tôi thật muốn cho chúng nó mỗi đứa một đập. Tôi nhìn chúng nó cười cười với vẻ mặt nguy hiểm rồi sau đó cũng hòa vào cuộc vui, hoàn toàn chẳng để ý tới ai đó nãy giờ vẫn nhìn tôi.
– Hôm nay tất cả đều ở đây rồi, có phải thế này nghĩa là mày sẽ đi thật không?
Thùy lầm rầm thật khẽ bên tai tôi. Tôi nắm lấy tay nó với hàm ý muốn nó hãy yên tâm, tôi sẽ luôn ở cạnh nó. Thùy không nói gì nữa rồi cũng tiếp tục cười đùa.
Đáng lí ra buổi chia tay chỉ có bọn lớp tôi và giáo viên chủ nhiệm, tôi định là sẽ chỉ mời mấy đứa thân thiết với tôi như bọn cái Lam, như lão Việt Anh hay là cái Linh Trang đến, làm một bữa nho nhỏ gọi là có rồi tất cả sẽ tâm sự hoặc là nói với nhau vài câu gì đó nhưng chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào cô chủ nhiệm lớp tôi lại muốn tổ chức một buổi đông đủ cả lớp rồi có cả một vài thầy cô trong ban giám hiệu. Thật là phô trương màu mè hết sức.
Sau khi tiệc tàn, mỗi người đi một ngả. Dù vậy nhưng tôi biết rằng sáng ngày mai thôi tất cả chúng nẽ sẽ lại gặp nhau tại lớp, tại trường học, không chỉ sáng mai mà còn tất cả các buổi sáng của những ngày sau nữa, chúng nó sẽ vẫn gặp lại nhau dễ dàng. Còn tôi, dù là sáng mai hay những buổi sáng khác của tương lai thì cũng chưa chắc rằng tôi sẽ được gặp lại những con người ấy tại chính lớp học thân thương ấy. Cảm giác khi ngồi trong phòng học hầm hập hơi người cùng với một đám ồn ào, từ giờ tôi chỉ có thể tìm lại nó trong mớ hỗn độn của quá khứ. Đúng là việc gì cũng có thể, ngay cả việc bỏ lại những điều mình yêu thương.
Tôi đi bộ về, trong lòng cứ mong mỏi ai đó đang đi theo mình nhưng khi tôi nhìn lại thì chỉ thấy cái bóng của chính mình đang chảy dài trên mặt đất, phố xá vẫn nhộn nhịp, người qua người lại vẫn cứ nườm nượp. Tôi vẫn còn mơ tưởng sao? Vẫn còn chờ đợi sao? Ngày mai tôi sẽ không phải tới trường nữa, mai là ngày tôi chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi của mình. Về đồ đạc tôi nghĩ là cũng không có gì nhiều để thu xếp nhưng đồ đạc trong lòng tôi thì lại cần phải chỉnh đốn lại rất nhiều. Vấn đề không phải là hành lí tôi sẽ mang theo, mà là tâm lí khi tôi quyết định ra đi mà trái tim mình thì vẫn đang để lại ở một nơi nào đó ở Hà Nội thân thuộc này. Hà Nội trời đêm thật đẹp và tôi muốn ôm trọn Hà Nội vào lòng mình.
…
Trước khi tôi đi một ngày trời đã mưa rất lớn. Hà Nội chìm trong một màu u tối xầm xì ủ dột. Hà Nội muốn níu chân tôi lại sao? Tôi mỉm cười, uống một ngụm cafe sữa. Một bản nhạc, một quyển sách, một tách cafe ngọt ngào, thế là đủ cho một ngày mưa và cho những nỗi buồn vẫn thế ngổn ngang chưa kết thúc. Tôi bình thản đọc tiếp cuốn sách còn dang dở. Chợt nghĩ, người ta đánh giá một cuốn truyện có hay hay không thường dựa vào cái kết của nó. Đa số họ thích những cái kết hạnh phúc, đẹp đẽ như truyện cổ tích mà đôi khi quên luôn cả những tình tiết xuất hiện trong đó. Một cái kết đẹp chưa chắc đã là một cái kết hay. Có những cuốn truyện tôi đọc qua mang một cái kết bi thảm nhưng tôi lại đánh giá nó rất hay, hay không phải vì cái kết đó vui hay buồn mà vì sự việc phải xảy ra theo như nó vốn có. Cuộc đời này cũng vậy, cũng chỉ là một cuốn truyện còn chưa rõ hồi kết, dù là vui hay buồn, dù là đắng cay khổ sở hay sung sướng hạnh phúc thì ta vẫn đều phải chấp nhận nó. Và tôi, rồi tôi sẽ biết cách chân trọng những thứ đã làm mình đau.
Sang hôm sau tôi kéo vali lên taxi, cùng anh trai và mẹ đến sân bay. Chị dâu tôi vẫn trong đợt công tác bận rộn, bọn bạn tôi hôm nay bước vào môn thi đầu tiên nên có lẽ hôm nay tiễn tôi đi chỉ có gia đình. Sau màn dặn dò từ biệt đầy sướt mướt tôi mỉm cười thật tươi rồi đẩy hành lí bước vào khu vực phòng chờ.
Ngày tôi đi Hà Nội không còn mưa nữa. Hà Nội tiễn tôi bằng một màu xám xịt, như thể khi người ta khóc nhưng lại không hề rơi nước mắt vậy. Cuộc sống không phải lúc nào cũng xảy ra theo ý muốn, sau một cơn mưa rất có thể sẽ lại là một cơn mưa khác và chúng ta chỉ có thể chấp nhận buông xuôi. Anh Quân sẽ có một cuộc sống của riêng anh, Bảo Khánh cũng vậy và tôi cũng thế. Tôi còn cả chặng đường dài trước mắt, còn cả một chuyến bay đầy mỏi mệt đang đợi chờ tôi. Tôi chọn ra đi không phải hết tình cảm, tôi ra đi bởi tôi tin vào định mệnh, tin vào sự sắp đặt của số phận. Nếu thực sự là của nhau thì chắc chắn sẽ quay về. Nhưng để bước tiếp qua con đường gập ghềnh phía trước thì tôi sẽ cần nhiều hơn là những niềm tin chênh vênh ấy.
Tôi nghĩ tâm trạng của người ra đi đều giống nhau, đều buồn, đều cô đơn, đều mệt mỏi. Và tất cả đều mong chờ một sự thay đổi ngay từ trong chính suy nghĩ của mình. Tôi đeo hadephone, bài hát tôi đang nghe là “Goodbye” của Avril Lavigne, tôi lẩm nhẩm hát theo những lời ca đang trôi chảy. Giọng hát êm ái vang lên, mang theo những gợn sóng trong lòng của trái tim non dại. Kết thúc nhé cái tuổi 17 đầy mộng mơ, khép lại những rung động ban đầu, khép lại những khờ dại ngây thơ. Ngay sau đây khi tôi bước qua cánh cửa ấy tôi sẽ phải học cách quên đi một người…
“Goodbye, brown eyes
Goodbye for now
Goodbye, sunshine
Take care of yourself
…
Goodbye, brown eyes
Goodbye my love”
Anh Quân, em đi không phải vì hết tình cảm, anh chính là lí do khiến em ra đi…
Đôi khi muốn đặt bàn tay mình vào đâu đó, muốn được dựa dẫm, muốn được yếu đuối, muốn được yêu thương, muốn được sống hết mình bằng những nhiệt huyết của tuổi trẻ. Muốn được có ai đó cho em tựa vào, người đó sẽ là người luôn bên cạnh, cùng em đi qua khắp nẻo đường đời. Nhưng rồi sau đó thì sao? Người có thể cầm tay em đi hết cùng trời cuối đất lại chỉ có thể là bản thân em mà thôi. Bàn tay trái tự nắm lấy bàn tay phải, tự đưa mình qua hết tháng năm…
Công việc khiến tôi mệt nhoài. Tối hôm đó khi đang ngồi chấm bài cho học sinh tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một số lạ.
– Alo? – Tôi nhắc máy.
– Quân à? Còn nhớ tôi không? – Đầu dây bên kia vang lên một giọng nói quen thuộc.
– Mất tăm mất tích tưởng ông bị bắt cóc rồi bị tống lên trạm vũ trụ NASA lâu rồi chứ. – Tôi lập tức nhận ra người bạn chí cốt của mình.
– Thôi nào tôi đang có chuyện cần nhờ cậu đây. – Hoàng Phong(1) nghiêm túc.
– Tôi giúp được cái gì nào?
– Thì Estermir đấy, các vị phụ huynh muốn lôi tôi về để điều hành công ty mà tôi thì chưa muốn về, cậu qua giúp tôi đi.
– Tôi là thầy giáo, không phải chân chạy việc cho công ty nhà cậu. Bảo tôi dạy thêm cho cậu thì ok thôi còn mấy chuyện này thì cậu tìm người khác đi.
– Cậu là cái thằng cha ích kỉ lập dị nhất mà tôi quen đấy. Thế cậu định học Quản trị kinh doanh ở tận bên Anh Quốc rồi vác tấm bằng đó về để treo tường chơi thay vì treo tranh hả.
– Ý tưởng hay đó sao tôi không nghĩ ra nhỉ. – Tôi buông cây bút trong tay, giọng có chút cợt nhả.
– Thôi không đùa nữa. Nếu cậu chịu về làm giúp tôi, tôi sẽ trả lương cho cậu đàng hoàng. Mà các vị “bô lão” nhà tôi đâu phải là không biết cậu, có khi biết cậu về đầu quân cho Estermir các cụ còn mừng không kịp ấy chứ, có khi cậu về bên đó tôi cũng không bị lôi về nữa. – Hoàng Phong nói một lèo rồi cười ha hả phía bên kia đầu dây.
-Nhưng tôi đang bận. Ở trường bọn trẻ con sắp thi học kì, hiện tại thì không được đâu Phong.
– Tôi mặc kệ. Tài liệu và hồ sơ tôi sẽ gửi fax sang cho cậu, còn cậu muốn bao giờ về Estermir cũng được. Từng ấy năm dạy học chưa chán hả? Tôi không hiểu rốt cục thì cậu sang Anh học quản trị kinh doanh làm cái quái gì nữa.
– Không phải là chưa chán, chán thì cũng hơi hơi chán, nhưng tôi có lí do để không bỏ đi vào lúc này. – Tôi cười rồi cúp máy.
Máy vừa cúp xuống nụ cười cũng tắt theo. Em là lí do khiến tôi không thể ngừng công việc hiện tại ở trường, cũng là lí do khiến nụ cười của tôi tắt ngấm. Tôi ngồi trước bàn làm việc với một đống bài kiểm tra còn đang chấm dở, cây bút đỏ còn chưa đóng nắp nằm lộn xộn trên đống bài. Tôi phóng tầm mắt nhìn về phía bầu trời đêm huyền ảo. Vui thế nào được khi mà biết rằng em có thể rời xa tôi ngay bất cứ lúc nào. Tú An nhận được học bổng toàn phần, em hầu như chẳng mảy may quan tâm đến vấn đề đó. Đợt mẹ em gửi em ở nhà tôi đã không ít lần tôi thử đề vập đến việc du học đó của em. Câu trả lời tôi nhận được lại chỉ là vài tiếng ậm ừ không chắc chắn, rằng em vẫn đang chưa quyết định được. Một mặt tôi muốn em nhìn nhận được cơ hội đang đến với em, nắm bắt nó em sẽ có một tương lai rộng mở, một mặt tôi lại muốn em từ bỏ nó, tôi muốn giữ em ở lại cho riêng mình. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, cho dù có ở lại thì em cũng đã có đối tượng cho bản thân mình. Và thế là tôi đã căn dặn bản thân rằng đối với chuyện này tôi sẽ không can dự vào nữa. Tôi không muốn mình làm ảnh hưởng đến sự chọn lựa của Tú An. Dù vậy nhưng mỗi lần nghe người khác hào hứng nhắc đến chuyện du học của mình là em lại im lặng, đôi mắt em chưa một loại cảm giác hoang mang vô định. Em nhìn tôi với vẻ chờ đợi, như thể em đang hỏi tôi rằng em nên đi hay ở lại. Tôi luôn là người im lặng và tỏ ra bình thản trong các buổi trò chuyện ấy. Công bằng mà nói, nếu đứng ở diện của một người thầy tôi sẽ khuyên em chọn học bổng và phát triển năng lực bản thân, nhưng nếu ở diện của một con người bình thường tôi lại muốn em đừng có rời khỏi tầm quan sát của tôi. Kệ cho em có để ý ai đi nữa, chỉ cần mỗi ngày tôi nhìn thấy em từ vị trí của mình là đủ. Tưởng như mọi việc có thể đơn giản như vậy nhưng kết cục lại bị bẻ theo một ngã rẽ mà không một ai mong muốn.
Sáng hôm ấy tôi nhận được bản fax của Phong về Estermir. Tôi định bụng sẽ để mặc cậu ta cho tới khi nào mình rảnh hơn một chút thì sẽ vào giúp nhưng khi vừa nhận được bản fax cũng là lúc người của Estermir ở chi nhánh công ty mẹ gọi điện cho tôi, nói rằng bộ phận quản lí của tập đoàn gặp rắc rối và Hoàng Phong đã chỉ định cho cậu ta liên lạc với tôi để giải quyết. Được lắm Hoàng Phong, rồi khi nào về Việt Nam xem tôi xử cậu thế nào. Tôi lầm bầm vài câu rồi vội vã đến thẳng Estermir.
Cái đống lộn xộn mà Hoàng Phong “gửi tặng” cho tôi khiến tôi quay như chong chóng suốt mấy ngày liền. Trong khi tôi bị quay cho đầu xấp mặt tối thì không biết cái thằng cha đểu cáng đang ăn chơi nhảy múa ở Úc đó có biết chút gì không. Mấy ngày bận rộn ở Estermir cũng là mấy ngày tôi không đi dạy, cũng không biết cái học bổng đó em đã quyết định thế nào rồi. Tôi vừa về tới nhà, vừa kịp chào mẹ một câu tôi lại nghe thấy một giọng nói khác vang lên sau đó.
– Cháu chào bác. Em chào anh.
Bảo Khánh cười thật tươi trong bộ váy màu vàng nhạt. Tôi nhìn Bảo Khánh bằng ánh mắt dửng dưng rồi đi thằng lên phòng mình. Khánh đi theo tôi vào phòng, nhẹ nhàng hỏi.
– Mấy ngày nay anh đi đâu vậy?
– Ờ. – Tôi thờ ơ.
– Anh có biết em nhớ anh không?
Tôi không nói gì, chỉ nới lỏng tay áo, như thể Khánh đang nói với ai đó chứ không phải tôi.
– Anh Quân. Chẳng lẽ anh vẫn còn hy vọng vào con bé An gì đó sao? Nó gặp anh có lâu bằng em không? Có hiểu anh được bằng em không? Có yêu anh nhiều như em không? Tại sao anh lại vẫn cố chấp đeo đuổi một việc không có kết quả vậy?
– Bảo Khánh, tôi rất mệt. Em về đi, hiện tại tôi không có sức để đôi co với em.
– Không được. Em cũng mệt, chạy theo anh suốt bao nhiêu lâu kể từ khi em về nước em cũng mệt. Chẳng lẽ anh trừng phạt em như thế chưa đủ sao?
– Em vẫn không chịu hiểu nhỉ, tôi không muốn làm em tổn thương nhưng em cứ nhất quyết thì tôi cũng đành chịu. Tôi không còn yêu em nữa Bảo Khánh ạ.
– Em không tin. – Bảo Khánh đứng chắn trước mặt tôi.
– Thế tùy em nhưng tôi khuyên em, làm những chuyện vô ích như thế mãi rồi người tổn thương lại là em thôi.
– Anh đừng vờ vịt nữa. Nhất định là anh chỉ muốn phạt em thôi đúng không?
– Thế làm thế nào em mới tin và buông tha cho tôi?
Bảo Khánh không nói gì mà chỉ tiến gần về phía tôi, quàng tay qua vai tôi, em nhón gót nhẹ nhàng kiễng chân lên đặt lên một nụ hôn. Tôi bất ngờ, giật mình đến thảng thốt. Một suy nghĩ vụt qua, tôi cần phải đẩy Bảo Khánh ra nhưng khi đôi bàn tay đưa lên không trung thì lại dừng lại. Môi lưỡi chạm nhau nhưng tôi lại chẳng có cảm giác gì hết. Không giống như ngày xưa, cứ mỗi lần hôn Bảo Khánh là tim tôi lại đập loạn xạ, còn lần này chỉ thấy nhạt nhẽo vô vị.
Tôi giữ lấy vai Bảo Khánh, nhìn thẳng vào đôi mắt chứa đầy mong đợi của em rồi khẳng định chắc như đinh đóng cột.
– Tôi không yêu em. Tôi cũng chẳng cảm thấy gì cả. Em đừng tự huyễn hoặc bản thân mình nữa. Tôi biết em đã rất cố gắng từ khi trở về nhưng sự cố gắng đó của em có đáng không? Chuyện ngày xưa mãi mãi thuộc về quá khứ. Tôi hiểu, có những chuyện không thể nào ra đi mãi mãi nhưng cũng không cách nào trở lại nguyên vẹn như cũ. Đừng để bản thân phải mệt mỏi vì những chuyện đã qua. Em biết không, trong thời gian chỉ có một mình tôi đã nhận ra rất nhiều điều.
– Là gì ạ?
– Quá khứ mãi mãi chỉ là quá khứ. Một đồ vật đã vớ tan thì sẽ không có cách nào biến chúng trở về lành lặn nguyên vẹn như lúc ban đầu. Tôi và em, quá khứ của chúng ta, hãy để nó ngủ yên thôi…
Bảo Khánh không nói gì, em chỉ khóc và rời khỏi căn phòng của tôi. Tôi cũng không đuổi theo, đuổi theo làm gì khi biết rằng những tình cảm tôi dành cho em giờ chỉ còn là kí ức và kí ức thì chỉ nên hồi tưởng chứ không nên đuổi theo. Có thể như thế này Bảo Khánh sẽ không tự bó buộc mình trong những mảnh kí ức mà đeo đuổi tôi nữa. Tốt cho em và tốt cho cả tôi.
Tâm trạng có chút khá hơn sau nhiều ngày mệt mỏi, công việc ở Estermir tạm thời được coi là ổn định và tôi lại quay trở về với trường học. Đó cũng là lúc tôi nhận được tin Tú An nhận học bổng và chuẩn bị rời khỏi đây, rời khỏi Việt Nam, rời khỏi tầm nhìn của tôi. Từ khi biết tin em đi du học cho đến cái ngày em đi còn chưa quá nổi 3 ngày. Cái hôm tiệc chia tay là lần đầu tiên tôi thấy em mặc váy. Tú An trở nên dịu dàng trong bộ váy mà mẹ tôi tặng em nhân dịp sinh nhật năm ngoái. Nhớ lại hôm tôi đưa mẹ đi mua chiếc váy đó, mẹ cứ hỏi ý kiến tôi rằng cái nào thì đẹp, cái này có được không, cái kia thì tối màu quá rồi bô lô ba la một hồi khiến tôi phát mệt, vâng đại một câu khi mẹ giơ lên hai chiếc váy, không ngờ nó lại hợp với em đến thế.
Tôi có vẻ là người im lặng nhất căn phòng đó. Đôi khi vì tôi im lặng mà họ nghĩ tôi bình thản và chẳng mảy may quan tâm, thực chất tôi thấy mình là người quan tâm nhiều nhất, không những quan tâm đến việc học hành của em mà còn quan tâm đến cả em nữa. Tiệc tàn, ai về nhà người nấy, mỗi người một nẻo còn em thì lẻ loi ở đó. Bóng dáng nhỏ bé lầm lũi đi một mình, tôi chỉ dám nhìn theo em từ xa chứ không dám tiến lại gần bởi lòng tự trọng của tôi không cho phép. Tôi đi theo em nhưng không phải đi ngay phía sau như trước, lần này tôi đi theo em nhưng là đi ở phía bên kia đường. Cho đến khi nào chắc chắn rằng Tú An đã về tới nhà an toàn lúc ấy tôi mới yên tâm rời khỏi.
Ngày An đi Hà Nội ngập trong màu buồn não nề. Bảo Khánh từ ngày hôm đó không liên lạc với tôi thì nay lại gọi điện. Em hẹn tôi tới con đường của một năm nào đó, em đã bỏ lại tôi ở đây cùng với cơn mưa rồi đi mất. Tôi khá bất ngờ khi nhận được cuộc gọi của em nhưng rồi cũng đến chỗ hẹn.
Nhanh nhỉ, cũng đã khá lâu tôi không quay trở lại nơi này, cỏ dại vẫn mọc, người qua người thì vẫn cứ tiếp tục lướt ngang nhau. Bảo Khánh chờ tôi ở một cái ghế đá. Tôi không biết em sẽ lại nói gì với tôi nhưng vì lí do nào đó mà linh tính mách bảo tôi rằng hãy cứ đến đó đi. Bảo Khánh thấy tôi từ xa đã khẽ mỉm cười.
– Em còn cứ nghĩ anh sẽ không đến.
Tôi mỉm cười đáp lại rồi ngồi xuống cạnh em.
– Anh biết không, em là một đứa con gái tồi. Cho đến khi em rời khỏi nhà anh em vẫn chưa nhận ra việc làm của mình, vẫn thầm trách anh đã quá vô tình mà nói ra những lời đó.
– Rồi sao? – Tôi hỏi khi thấy em ngừng lại.
– Rồi em đã gặp Tú An vào hôm sau đó. Con bé nói rằng anh bị tổn thương làm cho gai góc và lạnh lùng. Nó còn nói nhiều hơn thế, chính con bé khiến em hiểu thêm về anh, hiểu thêm về những ngày tháng của anh sau khi em bỏ đi. – Bảo Khánh chợt cười, nụ cười ấy là để che giấu đi màng nước mắt đang trực trào tuôn rơi. – Anh Quân, Tú An con bé nó cũng thích anh. Em đã biết được điều này từ lâu nhưng không để anh biết.
Tôi nhìn em đầy vẻ nghi hoặc, Tú An thích tôi? Tôi cố gắng đè nén cả chục câu hỏi của mình lại, tiếp tục lắng nghe câu chuyện của Bảo Khánh.
– Nhưng lần này em để anh biết bởi vì em biết rằng mình sẽ chẳng có cơ hội nào cả, anh đã thật sự không còn muốn ở cạnh em từ lâu rồi. Em muốn bù đắp cho anh nhưng có vẻ như anh cũng chẳng cần tới nó nữa. Nếu kịp, anh hãy giữ Tú An ở lại…
– Bảo Khánh… Cảm ơn em. Nhưng Tú An giờ này đã lên máy bay rồi. Không biết chừng đã bay được nửa chặng đường rồi. – Tôi thở dài.
– Lại là tại em à?
Tôi cười rồi khẽ ôm em. Cái ôm cuối cùng, cái ôm của gần 7 năm xa cách. 7 năm trôi qua tôi mới có thể ôm em vào lòng như thế nhưng cái ôm của ngày này thật không giống với 7 năm trước. Cái ôm này là cái ôm từ biệt, cái ôm này để tôi có thể khẳng định rằng sau này đi cạnh tôi sẽ là một người khác chứ không phải Bảo Khánh. Bảo Khánh là kí ức của tôi, một mảnh kí ức đẹp đẽ nhưng khiến tôi phải tần ngần một chút. Mối tình đầu của tôi, tạm biệt em.
Tôi bắt taxi rồi lao như điên ra sân bay. Suốt cả chặng đường trong đầu tôi chỉ đọng lại câu nói “Tú An thích anh”. Điều đó là thật hay chỉ là trực giác của Bảo Khánh? Mặc kệ, tôi vẫn muốn được nhìn thấy con bé ngốc đó.
Khi taxi vừa dừng lại, tôi lao vào trong mặc kệ cho tài xế có đang gào thét, tôi vội tới mức không kịp bảo anh tài xế một câu. Tôi chạy tìm khắp nơi nhưng chẳng thấy bóng dáng thân thuộc ấy. Trên bảng thông báo vừa xuất hiện một chuyến bay từ Việt Nam tới London vừa khởi hành cách đây 2 phút. 2 phút, 2 phút cuộc đời tôi lại để lạc mất người mà tôi yêu… Có những người vội đi đến nỗi chẳng kịp cho ta một cái hẹn của ngày trở lại. Cũng có người họ chẳng vội đi nhưng cũng chẳng buồn cho ai lời hứa hẹn. Hẳn là vì họ đi sẽ không về nữa.
Em còn chưa từ biệt tôi, cũng chẳng nói gì với tôi, em làm thế là sao chứ? Có bao giờ em ngoái lại thật lâu rồi nhìn thấy tôi luôn ở đâu đó nhìn theo em không? Có khi nào em bỏ headphone ra để nghe rõ tiếng cười, tiếng nói của cuộc sống, có lẽ lúc ấy tôi sẽ mạnh dạn mà tiếng tới ôm chặt em rồi nói tôi yêu em. Nhưng đáng tiếc em lại chẳng bao giờ tháo bỏ những tấm màn chắn đó ra cả. Có lẽ đơn giản vì phía sau em chẳng thể là nụ cười, chẳng hề vui vẻ như cách em vẫn thường cố gắng tỏ ra để trấn an người khác. Em nói em thích mưa ghét nắng, tôi cũng chưa có cơ hội để giải thích cho em hiểu rằng, ừ đúng rồi, nắng chỉ là khoảng không thôi, nhưng khi em chạm vào nắng thì sẽ ấm áp hơn chạm vào mưa rất nhiều. Hoặc nếu không tôi có thể làm ánh nắng của em, sẽ luôn che chở và bao bọc em, miễn là em ở cạnh tôi, thế là đủ. Nhưng bây giờ thì chẳng thể đủ được nữa bởi tôi để lạc mất em rồi. Tôi đã từng tặng em một bản nhạc với tên “Aye”, nghĩa là mãi mãi, tôi muốn em mãi mãi ở đó, mãi mãi xuất hiện ở nơi tôi có thể thấy. Nhưng tôi đã đọc ở đâu đó người ta định nghĩa về hai từ “mãi mãi” không chỉ đơn giản như vậy, họ nói rằng với những kẻ yêu nhau, mãi mãi là từ chỉ nỗi buồn, niềm nhớ. Với những kẻ bị bỏ rơi, mãi mãi là từ dành cho tổn thương. Với những người dứt áo ra đi, mãi mãi là từ dành cho nuối tiếc. Xin lỗi chỉ là một động từ bất lực. Rời bỏ, vẫn là rời bỏ mà thôi. Em có nuối tiếc? Có đắn đo không? Còn tôi thì rất nuối tiếc vì đã để lạc mất em trong cuộc đời.
____________________________________
Ghi chú: (1) Tìm đọc :”Hay Là Anh Cưới Em Đi” để tìm hiểu thêm về câu chuyện của Hoàng Phong.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT