Mời bạn nghe câu chuyện rắc rối của gia đình tôi. Gia đình tôi bắt đầu gặp rắc rối khi nhà tôi sinh cháu gái thứ ba. Lúc đó cháu thứ hai khoảng năm tuổi. Chúng tôi biết thế nào cũng gặp “rắc rối” với cháu vì bạn bè, thân quyến ai cũng bảo là những đứa con giữa bao giờ cũng “khác biệt” và rắc rối hơn những đứa khác.

Họ bảo sở dĩ như vậy vì chúng không được an ổn và độc lập như đứa lớn nhất đồng thời chẳng được âu yếm và quan tâm như những đứa út. Thực ra, trẻ con có tinh thần hợp tác lắm chứ không như bạn nghĩ đâu. Nếu cha mẹ cho là đứa con giữa khác những đứa khác tất cũng sẽ đối xử khác với chúng. Kết quả là, đứa trẻ non nớt tội nghiệp ấy sẽ hết lòng cộng tác với cha mẹ để trở nên “khác” đúng theo ý họ muốn.

Tiếc một điều là bạn bè, thân quyến không cho chúng tôi hay sự “khác biệt” này có hay không hoàn toàn tùy ở cách người lớn cư xử với chúng.

Riêng trường hợp gia đình tôi, thì quả là tôi đã đối xử với cháu giữa hệt như cách mọi người đã chỉ. Hễ phải la rầy nó là tôi đay nghiến mãi không thôi: “Sao con Cindy khóc dai như đỉa vậy. Tại sao nó không chịu giống hai đứa kia cho tôi nhờ mà lại khác quá như thế chứ? Tại sao mặt mũi nó lúc nào cũng như đưa đám thế kia nhỉ”. Và thế là cháu chỉ còn cách xử sự y hệt như tôi nghĩ mà thôi. Mà quả đáng tội, lúc đầu nó có khác gì hai đứa kia đâu cơ chứ. Sau cùng, chúng tôi bắt đầu học hỏi và đã tìm được lời giải đáp thỏa đáng trong câu Kinh Thánh: “Bạn gieo gì sẽ gặt nấy”. Quả vậy, bạn không thể mong gặt được một đứa trẻ tích cực với những hướng dẫn tiêu cực được, cũng như bạn không thể trồng đậu để gặt khoai vậy.

Thế là chúng tôi thay đổi cách xử sự ngay. Mỗi khi khách đến nhà, vợ chồng tôi luôn cố gắng giới thiệu Cindy một cách đặc biệt: “Cháu gái bé bỏng của chúng tôi đây này, cháu vui vẻ lắm nên ai cũng quí cháu cả. Cháu cười đùa luôn miệng ấy”. Rồi quay sang cháu, chúng tôi hỏi: “Này con, biệt hiệu của con là gì nhỉ?”. Cháu bé liền nhe hàm răng sún ra cười đáp: “Con tên là Tadpole” (biệt hiệu dành cho các cô bé xinh đẹp). Chúng tôi lại khoe tiếp: “Cháu nó cười đùa luôn miệng, anh chị ạ. Nó vui vẻ, khả ái và dễ thương lắm. Phải vậy không bé cưng?”. Cô bé nhe răng ra đáp liền: “Thưa ba má, vâng ạ”.

Cứ vậy mà chỉ hơn một tháng sau chúng tôi đã thành công rực rỡ đấy! Một hôm có khách đến nhà tôi gọi Cindy đến giới thiệu: “Cháu gái mà ai cũng quí của chúng tôi đây này. Bé cưng, nói cho bác biết tên con là gì đi nào”. Cháu liền nắm áo tôi nói: “Ba ơi, con đổi tên rồi!”. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi: “Thế tên bé bây giờ là gì nào”. Bé toét miệng cười thật rạng rỡ đáp: “Tên con là Tadpole hạnh phúc”.

Láng giềng ai cũng muốn biết nhờ đâu Cindy đã biến đổi hẳn như vậy. Quả Cindy có biến đổi thật, nhưng chỉ từ khi chúng tôi bắt đầu coi cháu như đứa trẻ ngoan nhất trên đời mà thôi. Khi chúng tôi nhìn cháu với ánh mắt mới, coi cháu như đứa bé dễ thương, hạnh phúc, cháu đã nghĩ mình như vậy thật, bởi đó chúng tôi đã đổi tên cháu thành “Ngọt” (Sweetning).

Thật vậy, bạn nhìn người ra sao thì sẽ cử xử với họ như vậy. Nên việc học cách “nhìn” người khác cho đúng là điều hết sức quan trọng.

BA CÔ BÉ

Một hôm, có anh bạn ghé thăm chúng tôi. Anh dẫn theo ba cháu gái, một cháu lên ba, một cháu lên năm và cháu lớn nhất lên bảy. Cả ba cháu đều ăn mặc rất đẹp và xinh như búp bê vậy. Thật khó mà tin nổi cách anh giới thiệu ba cô bé của mình. Anh bảo tôi: “Đây là con nhỏ biếng ăn, con kia không biết nghĩ đến mẹ còn con này tối ngày chỉ la hét om sòm”.

Dĩ nhiên, bạn tôi rất thương con. Cứ nhìn vẻ mặt và ánh mắt anh khi chơi đùa với chúng thì biết, chỉ tiếc một điều là anh đã cho chúng cơ hội để sống tệ hơn! Anh nhìn chúng ra sao tất sẽ cư xử với chúng như vậy. Anh đang áp đặt những lời chỉ dẫn tiêu cực lên từng đứa con. Hễ có dịp, anh lại than mình có một cô bé “biếng ăn”, một cô “không biết nghĩ đến mẹ”, một cô “suốt ngày la hét”. Khổ thay, anh không bao giờ biết tại sao lại như vậy cả.

Quả đúng là ta gieo gì sẽ gặt nấy thật! Bởi vậy cách ta nhìn con cái mình hết sức quan trọng vì nó xác định điều ta gieo nơi chúng để rồi sẽ là chính điều ta gieo trở thành.

Ngay cả khi lên đại học, nhiều sinh viên cũng vẫn bị các giáo sư huênh hoang áp chế. Các vị này hãnh diện tuyên bố rằng trong lớp họ bao giờ cũng phải có một tỷ lệ sinh viên “rớt” và không anh nào đáng được điểm “A” cả. Hiển nhiên các vị này không bao giờ nghĩ là phải lo che đậy sự dốt nát về sư phạm của mình qua những lời tuyên bố huênh hoang ấy cả. Theo thiển ý các vị ấy nên làm việc chuyên cần hơn để có thể vỗ ngực xưng tên mình là giáo sư giỏi vì có nhiều học trò đạt điểm “A” và ai cũng có thể thọ giáo mình được mới phải. Xin bạn chớ hiểu lầm. Tôi không có ý nói là thầy giáo phải tự hào về học trò và bảo chúng rằng chúng đang học tập tốt cho dù sự thật ngược hẳn lại đâu. Một nghiên cứu mới đây ở San Francisco cho thấy rằng việc khen ngợi thường xuyên các sinh viên học dở là cách xử sự tàn nhẫn nhất vì nó sẽ sản sinh những người dốt nát có bằng cấp, nhưng không thể đua tranh với đời, nó sẽ tạo nên những con người vỡ mộng đắng cay bắt xã hội phải trả giá vì đã chẳng cho họ vốn liếng đủ để đua tranh. Vậy phải giải quyết làm sao? Không thể có câu trả lời độc nhất cho một vấn đề giáo dục phức tạp như vậy được song tôi thiết nghĩ là phải tìm ra sở trường của học sinh rồi kiên nhẫn, thông cảm giúp chúng phát huy và đồng thời kiên quyết hướng dẫn chúng, nhất là chỉ nên phê phán việc chúng làm chứ đừng phê phán chính chúng.

HÃY PHÊ PHÁN VIỆC LÀM – ĐỪNG PHÊ PHÁN NGƯỜI LÀM. TÓM LẠI, KHI HƯỚNG DẪN HỌC SINH, BẠN hãy khích lệ chúng thật nhiều nhưng đừng phỉnh phờ, ca ngợi những thành quả không có nơi chúng. Khích lệ bằng cách cho chúng biết rằng chúng chưa tận dụng hết khả năng sẵn có – rằng chúng còn có thể đạt được những thành tích tốt đẹp hơn nữa. Khi hình ảnh của chúng đã thay đổi thì kết quả cũng sẽ thay đổi.

Đó là cách hiệu nghiệm nhất để gặt hái được thành quả tối đa nơi một cá nhân. Tóm lại, bạn hãy cho chúng một lý tưởng để vươn tới. Hãy thuyết phục chúng là chúng có thể đạt tới – để rồi chúng sẽ đạt tới.

NỮ HOÀNG BÁN HÀNG

Mary Kay Ash, chủ tịch công ty mỹ phẩm Mary Kay, hiểu rất rõ giá trị và tầm quan trọng trong việc nhìn ra mặt tốt và khả năng của người khác. Bà biết rõ giá trị từ cả hai phía.

Đầu tiên bà làm việc với công ty Stanley Home Products để nuôi hai đứa con nhỏ. Lúc đầu công việc chẳng ra gì, nhưng khi thấy các cô gái khác làm thật giỏi giang, bà tự biết là thời cơ đã đến nên đã cố gắng gấp đôi.

Ít lâu sau, một hội nghị toàn quốc được tổ chức tại Dallas. Mary Kay liền đi vay mười hai đô la trả lộ phí và tiền phòng. Bà chỉ có vỏn vẹn bấy nhiêu, nên phải mang phó mát và bánh quy theo để ăn trong ba ngày hội. Hội nghị đã gây được niềm phấn khởi lớn. Đêm kết thúc, khi ông Stanley Beverage đặt Vương miện nữ hoàng bán hàng lên đầu một phụ nữ mảnh khảnh nước da đen thì Mary Kay đã quyết định khởi hành trên đường dẫn tới thành công.

Khi bước xuống xếp hàng để bắt tay từ giã ông chủ tịch Beverage, tới lượt mình, bà nhìn thẳng vào mặt ông và bảo: “Thưa ông Beverage, tối nay ông không biết tôi là ai, nhưng bằng giờ sang năm, tất ông sẽ biết tôi vì tôi sẽ là nữ hoàng bán hàng năm tới”. Dĩ nhiên, Stanley Beverage có thể bửa vài câu xóc óc. Nhưng ông đã không làm. Hẳn ông đã thấy một điều gì đặc biệt nơi Mary Kay khi bắt tay và nhìn thẳng vào mắt bà, nên ông mới bảo: “Bà biết đấy, tôi nghĩ là bà sẽ làm được”, và bà đã làm được thật. Sau đó bà đã thành công rực rỡ với công ty đó cũng như với một công ty khác. Thế rồi một hôm, bà “nghỉ hưu” một cuộc nghỉ hưu khoảng một tháng với mười hai giờ làm việc mỗi ngày. Sau một hai ngày suy nghĩ để tập trung tư tưởng, bà lấy một tờ giấy vàng và bắt đầu phác họa. Bà kê ra tất cả những gì mình thích nơi các công ty mình đại diện.

Bà viết ra những gì mình cho là quan trọng đối với một phụ nữ đang tìm kiếm sự nghiệp trong việc bán hàng. Bà quyết định mở công ty riêng và đặt nền tảng trên việc cho phép nhân viên sử dụng vẻ đẹp và khả năng phụ nữ của mình. Bà thấy rằng giúp người khám phá ra khả năng của họ sẽ có lợi và quan trọng hơn là cho họ một phần khả năng của mình. Bà thấy phụ nữ đủ sức kiếm được những món tiền lớn và hưởng dùng những món hàng cao cấp, gồm cả xe Cadillac nữa. Với số vốn giới hạn, công ty mỹ phẩm Mary Kay khai trương vào tháng 8 năm 1963, và chỉ đến cuối năm, công ty đã bán lẻ được sáu mươi ngàn đô la hàng. Năm 1976, công ty mỹ phẩm Mary Kay bán được gần tám mươi tám triệu đô la và gồm gần 40.000 cố vấn giám đốc trên khắp nước Mỹ. Có nhiều lý do giải thích câu chuyện thành công này, nhưng tất cả đã bắt đầu khi một người “thấy” được một cái gì đặc biệt nơi Mary Kay. Cái gì đó đã tiếp tục và lớn lên vì bà đã duy trì chúng trong một viễn cảnh thịnh vượng. Bà dạy nhân viên: Trước nhất là gia đình rồi mới đến công ty mỹ phẩm Mary Kay. Bà cũng đã và đang “nhìn ra” những khả năng vĩ đại của nhân viên mình và cư xử với họ theo cái nhìn đó. Kết quả là bà “thấy họ” đang lái những chiếc Cadillac màu hồng của Mary Kay trên khắp nước.

ĐỀN TRẢ BẰNG CHIA SẺ

Thiếu tá Anderson, một sĩ quan nổi tiếng trong cuộc chiến tranh cách mạng, có một thư viện. Vốn tính quảng đại nên ông mở cửa cho tất cả các thanh niên trong vùng muốn bồi bổ thêm kiến thức.

Trong những thanh niên thường đến nhà thiếu tá Anderson mỗi sáng thứ Bảy ấy có một chàng trai xứ Ê-Cốt. Anh ta rất biết ơn thiếu tá đã cho mình cơ hội đọc sách suốt ngày. Dĩ nhiên là anh đã học hỏi thêm được rất nhiều, vì sau đó, Andrew Carnegie (tên chàng thanh niên) đã trở nên một trong những người giàu có và sáng chế nhiều nhất mà nước Mỹ có thể sản sinh. Mình ông đã tạo được bốn mươi ba nhà triệu phú vào một thời mà các nhà triệu phú có thể đếm trên đầu ngón tay. Carnegie đã tiếp tục công việc hữu ích của thiếu tá ngày nào. Ông sáng lập những thư viện Carnegie trên khắp nước Mỹ, nhờ đó hàng ngàn người đã được hưởng lợi nhờ sự quảng đại của ông.

Thật vậy, mỗi khi bạn nhận ra, nuôi dưỡng và phát triển khả năng của người khác là bạn đã có công rất lớn. Dĩ nhiên, điều đáng kể nhất là càng cho đi nhiều, bạn càng NHẬN ĐƯỢC NHIỀU!

HAI THẤT BẠI LỚN

Một giáo sư đại học bình thường có bà vợ nặng tai, nên cứ mơ ước chế được một máy nghe cho người vợ yêu dấu. Ông đã dành từng đô la, từng giây phút rảnh rỗi để thực hiện ước mơ này. Lịch sử đã cho ta biết là ông thất bại nhưng nhờ đó đã tiến xa hơn. Alexander Graham Bell đã thất bại với mục tiêu trước mắt, nhưng loài người đã được hưởng lợi lớn lao nhờ ông hiến mình giải quyết vấn đề của người khác. Ông không giúp đỡ được vợ, thay vào đó, lại giúp đỡ được hàng triệu người.

Nhiều năm trước đó, một nhà phát minh người Đức tên Wilhelm Reiss cũng đã chế được một máy truyền thanh hữu tuyến. Giả như Reiss cố di chuyển hai điện cực lại gần nhau thêm 1/1000 inches thì ông đã chế được điện thoại rồi. Tiếc là Reiss bỏ lỡ mất cơ hội trở nên người bất tử chỉ trong gang tấc. Sự thất bại trong gang tấc ấy khiến ta phải tự hỏi: Nếu Reiss làm việc với cùng một động lực như Bell thì điều gì đã xảy ra? Phải chăng sẽ có cơ may là các điện cực “bất ngờ” chạm nhau? Khó ai mà biết được.

VỊ CHỦ LỄ TRÙ BỊ

Cách đây nhiều năm, ông bạn David Smith có gọi điện hỏi xem tôi có thể đóng vai vị chủ lễ trù bị giúp ông trong buổi vũ hội hàng năm của câu lạc bộ Elks không. Tôi trả lời đùa là mình lúc nào cũng muốn đóng vai vị chủ lễ trù bị hết. Ông liền nói: Thế thì tốt lắm. Đây là buổi lễ lớn hàng năm của chúng tôi. Một chính khách địa phương có hứa đến nhưng chúng tôi không chắc ông có đến được không nữa.

Đây là một buổi lễ hội đúng nghĩa với áo đuôi tôm cà vạt và ban nhạc sống. Vợ tôi và tôi đến khá sớm và khi nhìn thấy David khiêu vũ, chúng tôi hết sức ngạc nhiên trước vẻ khéo léo và duyên dáng của ông. Khi nghe chúng tôi nồng nhiệt khen ngợi, ông có vẻ rất thích nhưng hơi ngượng. Rồi ông giải thích cho chúng tôi hay mình đã từng có thời làm vũ sư. Lúc đó, tôi mới chợt thấy là tuy quen nhau đã bao năm vậy mà tôi còn biết quá ít về ông nên mới nài ông kể cho nghe qua về đời ông một chút.

Ông bảo tôi ông đã phải thôi học năm mười sáu tuổi để làm việc giúp gia đình. Mãi năm hai mươi hai tuổi ông mới được đi học lại và tốt nghiệp trung học vào năm hai mươi lăm. Ông kể mình có ba cô con gái, hai cô làm giáo viên và một trong hai cô này vừa đậu cử nhân. Ông có vẻ rất tự hào về gia đình mình, điều đó cũng phải thôi.

Song điều đáng nói nhất nơi David là tuổi tác của ông. Ông đã sáu mươi sáu tuổi, vậy mà tôi chưa gặp ai làm việc siêng năng như ông cả. Hiện ông là người làm việc trong kho của chúng tôi và câu chuyện đời ông quả là những bài học sống động. Nó tái khẳng định rằng ta không thể đánh giá một người qua vẻ bề ngoài được. Câu chuyện đó cũng cho thấy: CÁCH TA LÀM VIỆC SẼ ĐEM LẠI GIÁ TRỊ CHO BẤT CỨ CÔNG VIỆC CHÂN CHÍNH NÀO.

Nghề coi kho có lẽ chẳng có lợi gì cho một số người nhưng nó đã giúp David Smith nuôi nấng và dạy dỗ được ba cô con gái. Hơn nữa, nó cho thấy một sự kiện là CƠ HỘI NẰM NGAY TRONG BẢN THÂN CON NGƯỜI CHỨ KHÔNG PHẢI TRONG CÔNG VIỆC. ÔNG ĐANG LÀM VIỆC ĐẾN NƠI ĐẾN chốn và có thể dùng nó để phục vụ người khác. Song điểm chính yếu vì David Smith đã muốn con gái “khá hơn” nên ông đã tự hiến cho chúng nhiều hơn. Kết quả là mọi người đều thắng lợi. Còn gì phấn khởi hơn ý nghĩ sau này cháu chắt sẽ còn tiến xa hơn nữa! Mà điều này tất nhiên thôi, vì David Smith, trước tiên đã tự rèn luyện rồi rèn luyện con cái là những người sau này sẽ rèn luyện cháu chắt...

ĐỪNG MƯỚN HẮN – HẮN LÀ KẺ NGOÀI LỀ XÃ HỘI

Xã hội chúng ta có một quan niệm khá thú vị về công lý, là bắt phạm nhân phải chịu hình phạt. Xử sự như vậy là đúng. Tuy nhiên, xã hội thường xử quá lố đối với những người ấy. Thật vậy dù có bảo phạm nhân: Bạn phạm tội nên phải đền. Giờ đã đền xong thì tôi với bạn lại y như nhau thôi. Nhưng thực sự, phần lớn trường hợp đều không dễ như vậy. Tại nhiều nơi, 80% phạm nhân lại phải trở lại nhà tù không phải vì họ thích cuộc sống đằng sau chấn song sắt hơn cuộc sống tự do mà chỉ vì cách đối xử vô tình hay ác ý của xã hội. Nếu một phạm nhân thú thực quá khứ của mình khi đi xin việc, phần chắc là họ sẽ bị từ chối. Trường hợp anh ta giấu giếm thì điều không thể tránh khỏi là khi sự thực bị phát hiện, anh ta thường mất việc dù có làm tốt đến đâu đi nữa. Lý do giản dị lắm, nhìn họ ta luôn thầm nghĩ “Đây là một phạm nhân, một tên cướp, một tay dối trá, lừa bịp...”. Nên nhớ là ta nhìn người ra sao tất sẽ cư xử với họ như vậy. Vì thế, khi coi kẻ sống ngoài lề xã hội kẻ cướp ắt ta sẽ đối xử với họ như đối với kẻ cướp. Lối nhìn đó cộng với sự quá nhạy cảm trước mỗi xúc phạm thực sự hay tưởng tượng sẽ khiến ta kết án họ thật dễ dàng. Trước hàng loạt cố gắng sửa mình bị thất bại, họ bắt đầu nhận ra thực tế phũ phàng của mình, nên lý luận: “Mọi người đều biết mình là kẻ ngoài lề xã hội nên chẳng ai tin mình nữa. Họ nghĩ thế nào mình cũng tái phạm nên canh chừng mình thật kĩ. Chỉ sơ sẩy là mình sẽ bị đuổi ngay thôi. Dù sao phải có tiền mình mới đi được, vì thế, chỉ có cách ăn trộm mà thôi. Vả lại, thế cũng đáng kiếp cho họ”. Chính ý nghĩ này đã đưa họ trở lại nhà tù.

Vấn đề là như vậy. Giải quyết cách nào bây giờ? Trước tiên, phải tập trung vào việc chuẩn bị cho họ tái hội nhập vào xã hội (nói ra sợ bạn cười chứ tôi nghĩ nên cho họ học qua khóa “Đời sống phong phú hơn” trong sách này) thay vì chỉ trừng phạt lỗi lầm của họ.

Thứ đến, hãy luôn nhớ lời Thánh Kinh: “Nếu anh em con có điều gì thất thế, hãy sửa bảo và nếu nó hối hận, hãy tha thứ và đối xử tử tế với nó” (Luca 17,3). Tục ngữ cũng có câu: “Bạn chỉ có thể thấy nơi người khác điều đã có nơi mình”, nên hãy tìm kiếm điều tốt nơi người vì đó là cách tốt nhất để tìm ra điều tốt nơi mình.

ĐA SỐ CHÚNG TA ĐỀU XÀI HAI TIÊU CHUẨN

Một chủ lò bánh nghi người chủ trại chuyên cung cấp bơ cân thiếu cho mình, nên cẩn thận cân lại, kết quả đúng như vậy. Tức giận, ông phát đơn kiện và người chủ trại bị đưa ra toà. Tại đây, sau khi nghe bị cáo giải thích, bên nguyên mới ngã ngửa ra, còn quan tòa lại hết sức thỏa mãn. Thì ra, vì không có cân nên người chủ trại đã dùng miếng bánh một cân của người làm bánh để cân bơ lại cho ông. Thật đúng là “gậy ông đập lưng ông”.

Điểm khác biệt duy nhất giữa nhiều người ở tù ra với người ở ngoài là một đằng bị bắt một đằng không. Nhiều người trong chúng ta có lẽ cũng sẽ như những người ngoài lề xã hội nếu bị bắt vì tội trốn đóng thuế lợi tức, hoặc vì chạy xe quá tốc độ khi cua vòng, vượt đèn đỏ hoặc lái xe khi say rượu rồi. Dĩ nhiên tôi đồng ý là phải trừng phạt kẻ lỗi luật song cũng nên tính sao để “trả lại đầy đủ” cho họ mới được. Chính thái độ tin tưởng của ta sẽ giúp họ lấy lại được lòng tự tin, và lúc đó, họ sẽ có thể tự lo thân và đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Được như vậy, phần lớn tùy ở cách ta nhìn họ. Thật ra họ còn hơn nhiều người trong chúng ta vì một cách nào đó, họ đã hết nợ với đời trong khi chúng ta chỉ vì không bị bắt thôi, chứ đâu đã xóa được nợ đời.

Tôi tin cách tốt nhất để ngăn chặn những thanh niên phạm tội lần đầu khỏi tái phạm là bắt họ làm việc hoặc phạt tù một cách nào đó.

Trẻ em ở độ tuổi đi học sẽ ăn ở đúng phép khi ta dạy chúng biết cân nhắc hậu quả do cách cư xử của chúng.

Lý thuyết này áp dụng cho các em nhà trẻ hay các thiếu niên phạm pháp đều hiệu nghiệm cả và nếu các bậc cha mẹ biết dùng nó để dạy dỗ con em mình ngay từ nhỏ, tôi tin chắc tình trạng phạm pháp trong xã hội sẽ giảm sút ngay. Mà điều này rất dễ thực hiện, vì với những bậc cha mẹ hiểu biết thì kỷ luật là điều ta phải làm vì con cái chứ không phải là điều ta áp đặt cho chúng. William Glasser, cha đẻ của phương pháp “ĐIỀU TRỊ THỰC TIỄN” KHUYÊN CÁC BẬC CHA MẸ NÊN hiểu là kỷ luật nhằm uốn nắn lối cư xử đáng trách của con trẻ và được coi như sự sửa dạy đầy tình thương nên cá nhân dễ chấp nhận. Còn hình phạt là sự phản ứng nhằm vào cá nhân và được coi như một sự đàn áp thù nghịch nên bị chống đối mạnh mẽ. Để giúp đứa trẻ nhận ra sự khác biệt ấy, tiến sĩ Glasser đề nghị nên kết thúc thời gian áp dụng kỷ luật bằng một cử chỉ yêu thương, vì chính nó sẽ khiến cha mẹ thêm giá trị trước mặt con cái.

Bạn thực sự có thể gây ảnh hưởng tốt hay xấu, tích cực hoặc tiêu cực đối với người khác. Bởi thế, luôn có một cái nhìn tốt đẹp và đúng đắn đối với người khác là điều hết sức quan trọng. Chúng ta nắm giữ một vai trò nào đó trong cuộc đời của mỗi cá nhân có liên hệ với mình, và đó có thể là một vai trò có tính quyết định như trong câu chuyện sau đây.

LÀM ƠN CHO MƯỢN CHÌA KHÓA

Một cụ già đang ngồi đánh đại phong cầm trong nhà thờ chính tòa. Ngày sắp tàn, những tia nắng xế chiều qua các khung kính màu rực rỡ khiến cụ ông trông giống như một thiên thần, những âm thanh trầm bổng vang lên từ những ngón tay điêu luyện của cụ đang dần dần kết thành một khúc hát trầm buồn, nức nở, một bài ca chia ly kết thúc một mối tình đau xót. Chả là hôm nay là ngày cuối cùng trong tư cách nghệ sĩ đại phong cầm của cụ. Người ta đã chọn được một nghệ sĩ trẻ để đàn thay cho cụ, khi hoàng hôn buông xuống, chàng nghệ sĩ trẻ bước vội qua khung cửa hậu của giáo đường. Thấy bóng anh, cụ già vội đóng đàn, đút chìa khóa vào túi rồi chầm chậm ra về. Khi ông đi ngang, chàng trai vội giơ tay nói: “Cụ làm ơn cho cháu mượn chìa khóa”. Cụ già từ từ thọc tay vào túi rút chìa khóa trao cho anh rồi bước vội trở lại bên cây đàn. Chàng trai ngồi chỉ một chút rồi tra chìa khóa vào ổ, mở nắp đàn lên và bắt đầu chơi.

Cụ già chơi hay và điêu luyện còn chàng trai thì đúng là một thiên tài. Những chùm âm thanh diệu kỳ, độc đáo vô song vang lên trong giáo đường, lồng lộng trên tháp chuông rồi ngân vang khắp cánh đồng. Chiều hôm đó, buổi diễn tấu đầu tiên của Johann Sebastian Bach. Đứng bên cây đàn, đôi dòng dòng lệ nóng chảy tràn trên gò má nhăn nheo cụ già lẩm bẩm “giá mình đừng đưa chìa khóa cho bậc thiên tài này!”.

Dẫu sao, cụ cũng đã đưa chìa khóa cho chàng trai tuyệt diệu ấy và chàng đã biết tận dụng nó. Bạn thân mến, bạn cũng đang nắm giữ chìa khóa tương lai của người khác đấy. Chúng ta không sống một mình trên đời. HÀNH VI VÀ CÔNG VIỆC CỦA TA ẢNH HƯỞNG ĐẾN NGƯỜI KHÁC CHO DẪU TA CHƯA BAO GIỜ BIẾT HỌ LÀ AI CẢ. BỞI ĐÓ, TA CÓ trách nhiệm và bổn phận làm những việc tốt nhất có thể làm được cho cả người khác nữa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play