PHẦN BA: TƯƠNG QUAN GIỮA BẠN VÀ THA NHÂN

MỤC ĐÍCH

1/ Làm sáng tỏ cách bạn nên nhìn người khác.

2/ Quảng bá quan niệm hãy xử với người theo cách ta nhìn họ.

3/ Củng cố nguyên tắc – bạn sẽ đạt được mọi mơ ước ở đời nếu giúp người khác đạt được điều họ muốn.

4/ Nhận diện tình yêu chân thật – cống hiến bạn vài gợi ý đặc biệt trong cách bày tỏ tình yêu – sau khi lập gia đình.

Vài năm trước đây, người ta có thử phân tích một trăm nhà triệu phú tay trắng làm nên, họ thuộc mọi lứa tuổi, từ hai mươi mốt đến bảy mươi, gồm mọi trình độ, từ tiểu học cho tới tiến sĩ, với đủ loại tính tình và đặc điểm. Phần lớn (70%) xuất thân từ những thị trấn dưới mười lăm ngàn dân, và tất cả đều là “những người khám phá điều tốt”. Họ có thể nhận ra điều tốt nơi người khác trong mọi hoàn cảnh.

Có lẽ bạn đã nghe câu chuyện về một cậu bé, trong lúc giận dỗi đã hét vào mặt mẹ là cậu thù ghét bà. Thế rồi có lẽ vì sợ bị đòn nên cậu ta chạy lên đồi hét vọng xuống thung lũng “tao ghét mày, tao ghét mày, tao ghét mày”. Đột nhiên, từ dưới thung lũng có tiếng vọng: “tao ghét mày, tao ghét mày, tao ghét mày”. Nghe thế cậu ta hết hồn, chạy vội về nhà mách mẹ rằng dưới thung lũng có một thằng vô lại dám nói ghét mình.

Mẹ cậu liền dẫn cậu lên đồi rồi bảo cậu la lớn: “Tôi thương anh, tôi thương anh”. Cậu bé làm theo và ngay lập tức, từ dưới thung lũng có tiếng vọng lên: “Tôi thương anh, tôi thương anh”.

Cuộc đời cũng là một tiếng vọng. Bạn gieo gì gặt nấy, bạn cho ra sao sẽ nhận như vậy. Bạn thấy nơi người khác cái gì thì lòng bạn cũng có cái đó.

Dù bạn là ai, giữ chức vụ gì đi nữa, nếu muốn thành công rực rỡ trong bất cứ lãnh vực nào, bạn cũng phải thấy được “điều tốt” trong từng người và mọi hoàn cảnh. Bạn hãy coi đó là khuôn vàng thước ngọc cho cuộc sống của mình. Bạn thấy người khác thế nào thì sẽ cư xử với họ như vậy, đó là một chân lý phổ quát, nhưng nếu muốn thấy điều tốt hay khả năng nơi người khác để cư xử với họ tốt hơn đồng thời khiến họ làm việc hiệu quả hơn, thì bạn phải kiếm tìm mới được. Do đó “người khám phá điều tốt” chính là một người “tốt” và “thành đạt”.

Sau khi tìm thấy điều tốt, bạn phải cố gắng khuếch trương nó lên, vì kinh nghiệm cho thấy, nhiều khi ta có thấy điều tốt thật nhưng không biết biểu dương mà giữ thật kín, khác hẳn với lối sinh hoạt ở trường trung học Bay City, trong thành phố Bay City bang Texas.

Kể từ tháng mười năm 1976, với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông hiệu trưởng Joe Graham, Barry Tacker phát động chương trình đánh giá những điểm tốt của học sinh trong trường, một điều thường ít ai để ý dù các bạn vẫn có những cử chỉ và thái độ tích cực, đầy tinh thần trách nhiệm.

Suốt niên học ấy, văn phòng ông Tacker đã nhận được danh sách của hơn 500 em được các giáo viên đánh giá là tốt. Ông Tacker cho biết việc này mang lại những kết quả sau:

1/ Các học sinh tốt được công nhận.

2/ Học sinh biết rằng thầy cô cũng để ý đến cả thái độ tốt của mình nữa chứ không chỉ để ý đến sự hỗn láo mà thôi.

3/ Ban giám hiệu sẽ biết rõ tên nhiều học sinh chứ không chỉ biết mặt thôi.

4/ Học sinh sẽ ngoan hơn vì các em đánh giá cao sự chú ý này.

5/ Thúc đẩy giáo viên tìm kiếm những tính tốt của học sinh trong lớp.

Mỗi khi được gọi lên văn phòng, phản ứng chung của các em học sinh là tự hỏi: “Không hiểu mình đã phạm lỗi gì đây!” và thấp thỏm chờ đợi hình phạt. Thế nhưng, khi ông Tacker kể cho nghe về thành tích các em đã đạt được thì các em liền mỉm cười vui vẻ.

Mỗi khi khen ngợi và đề cao ai, chắc chắn bạn cũng đạt được rất nhiều lợi ích.

VẤN ĐỀ LÀ

Hồi còn trẻ tôi có đọc một câu chuyện khó quên, về một cô bé lên năm, khởi nghiệp từ ban hát của nhà thờ. Giọng em rất hay và tràn đầy hứa hẹn. Càng lớn, em càng được nhiều nơi mời hát: Từ nhà thờ đến trường học rồi đến cả các buổi lễ hội. Gia đình biết em cần được luyện giọng thêm nên đã gởi em đến học với một nhà luyện giọng bậc thầy. Là người giỏi nhạc, lại cầu toàn nên thầy giáo rất khắt khe, chỉ hơi trật một chút là bắt học lại liền. Càng học, cô càng phục thầy nên dù tuổi tác cách biệt, dù thầy hay khe khắt phê bình, cô vẫn yêu ông và cuối cùng hai người lấy nhau.

Sau đó, ông vẫn luyện tiếp cho cô, song bạn bè nhận thấy giọng hát tuyệt vời, thiên bẩm của cô bắt đầu thay đổi. Cô hát một cách gò bó chứ không còn sôi nổi, phóng khoáng như xưa nữa nên những nơi mời hát thưa dần cho đến ngày chẳng còn ai mời cô hát nữa.

Thế rồi chồng cô qua đời. Từ đó cô hầu như bỏ hẳn không còn hát ca gì nữa. Tài năng của cô bị chôn vùi và ngủ im cho đến ngày một người bán hàng vui tính sôi nổi tỏ tình với cô. Một hôm nhân lúc rỗi rảnh, cô ngâm nga một khúc hát tuyệt vời ngày cũ. Người bán hàng chợt lặng đi trước giọng hát ngọt ngào ấy. Anh rối rít van nài: “Hát nữa đi, hát nữa đi em. Giọng hát em thật độc nhất vô nhị trên thế gian này”. Vấn đề ở đây không phải ở chỗ anh cho là cô hát hay hoặc hát dở mà ở chỗ anh biết chắc mình say mê giọng hát ấy nên mới đề cao vợ như vậy. Nhờ đó, cô ta lại thấy tự tin và bắt đầu được mời đi hát lại. Ít lâu sau, cô đã tái hôn với “người khám phá điều tốt” ấy và thành công rực rỡ.

Một số người coi lời khen như là làn gió thoảng nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng lời khen của người bán hàng hoàn toàn trung thực, chân thành và cần thiết. Thật vậy, lời khen chân thành là phương pháp khích lệ và dạy dỗ hiệu nghiệm nhất hiện nay. Tuy nó chỉ là hơi là gió nhưng giống như hơi bơm vào bánh nó thực sự giúp ta dễ dàng đi lại trên xa lộ cuộc đời.

BẠN LÀ DOANH NGHIỆP

Một nhà doanh nghiệp Nữu Ước bỏ một đô la vào ống tiền của người bán viết chì rồi vội vã bước lên xe điện ngầm. Nhưng nghĩ ngợi sao đó, ông lại bước xuống lấy mấy cây viết chì và phân bua với người bán viết là mình vội quá hóa quên, mong anh ta thông cảm.

Đoạn ông bảo: “Dù gì anh cũng là một nhà doanh nghiệp như tôi, anh có hàng để bán và nó có giá cả đàng hoàng cơ mà”. Nói xong ông bước lên toa xe vừa trờ tới.

Ít tháng sau, tại một buổi họp mặt quan trọng, một người bán hàng ăn mặc chỉnh tề tiến về phía nhà doanh nghiệp và tự giới thiệu: “Có lẽ ông không nhớ tôi và tôi cũng chưa được hân hạnh biết tên ông, song thú thực, tôi không bao giờ quên ông được. Chính ông đã giúp tôi lấy lại sự tự trọng. Tôi chỉ là một gã bán viết chì đói rách cho đến khi gặp ông và ông đã bảo cho tôi biết tôi là một nhà doanh nghiệp”.

Một nhà thông thái đã nói: “Nhiều người đã thành đạt hơn họ nghĩ nhờ người khác bảo rằng họ có thể làm được như vậy”.

Bạn nhìn người khác ra sao? Điều tốt nhất bạn có thể giúp người khác không phải là chia sẻ cho họ tài năng của bạn mà là giúp họ nhận ra tài năng của mình. Trong mỗi người tiềm ẩn biết bao khả năng.

Trong khi phần đầu chúng tôi đã dành ưu tiên để nói với bạn về chính bạn. Bước đầu tiên để đưa tới thành công là nhận biết khả năng của chính mình, bước kế đó là nhận biết khả năng của người khác. Một khi đã biết mình thì cũng rất dễ biết người, nhờ đó, ta có thể giúp họ khám phá tài năng của họ một cách dễ dàng.

NHỮNG CON CHUỘT

Nhiều năm trước, tiến sĩ Robert Rosenthal ở đại học Harvard đã hướng dẫn một loại thí nghiệm với ba nhóm sinh viên và ba nhóm chuột. Ông bảo nhóm sinh viên thứ nhất: “Các bạn may lắm vì được trông coi những chú chuột thông minh nhất. Chúng giỏi từ bé và rất sáng trí, chúng sẽ đi qua mê lộ dễ như bỡn, có điều phải tốn nhiều phó mát đấy vì chúng ăn khiếp lắm”. Đến nhóm thứ hai thì ông nói: “Chuột của bạn trung bình thôi. Chúng không sáng trí lắm song cũng không đến nỗi đần độn. May ra thì chúng đi qua được mê lộ. Chúng cũng ăn vừa phó mát thôi, có điều đừng đừng đặt quá nhiều hi vọng vào chúng, chỉ thế thôi”.

Còn nhóm thứ ba, ông bảo: “Mấy con chuột này tệ lắm, chúng có qua được mê lộ thì chỉ cũng ngẫu nhiên thôi chứ chúng không biết gì đâu. Có lẽ các bạn chỉ nên vẽ chữ phó mát ở cuối mê lộ thôi chứ chẳng cần mua phó mát làm gì cho uổng”.

Sáu tuần sau các sinh viên thực hiện thí nghiệm với những dụng cụ khoa học chính xác nhất. Những con chuột thông minh đã trình diễn thật xuất sắc. Chúng đi thẳng một mạch tới cuối mê lộ.

Mấy con trung bình thì cũng vượt qua mê lộ song chậm hơn nhiều, còn những con đần độn thì sao? Quả thật chúng cứ loay hoay, quẩn đi quẩn lại. Một hai con đến được đích thì cũng chỉ hoàn toàn do tình cờ chứ chẳng phải tính toán gì.

Điều thú vị là 3 nhóm chuột đó y hệt nhau. Tất cả đều ở mức trung bình và cùng một lứa. Sự khác biệt trong thao tác này hoàn toàn do sự đối xử khác biệt của các sinh viên hướng dẫn cuộc thí nghiệm mà ra. Họ đối xử khác biệt với chúng vì nghĩ rằng chúng khác nhau. Vì vậy, sự đối xử khác BIỆT SẼ TẠO RA NHỮNG KẾT QUẢ KHÁC BIỆT, CÁC SINH VIÊN ĐÂU BIẾT tiếng chuột nhưng chuột cũng có cách cư xử riêng. Cách cư xử chính là thứ ngôn ngữ phổ quát nhất.

CON CÁI – NHÀ BUÔN – BỆNH NHÂN – NGƯỜI LÀM – BẠN ĐƯỜNG.

Xin phép được hỏi bạn vài câu:

Con cái bạn ra sao? Nếu là nhà buôn, bạn trông nom những gì? Nếu là cửa hàng trưởng, bạn thích hạng mậu dịch viên nào? Nếu là bác sĩ, bạn ưa hạng bệnh nhân nào? Nếu là chủ nhân, bạn muốn hạng người nào? Là chồng, bạn thích vợ mình ra sao? Là vợ, bạn muốn chồng mình thế nào?

Có lẽ bạn sẽ bảo tôi: từ từ chút coi, ông Ziglar ông mới nói về chuột lại đề cập ngay tới con cái, vợ chồng, tương lai buôn bán như vậy thì bố ai mà hiểu nổi. Ông thử nói rõ hơn được không? Dĩ nhiên là tôi nói đến tầm ảnh hưởng do cách cư xử của bạn đối với những người xung quanh đấy chứ.

Giờ ta trở lại với câu chuyện về những con chuột, nhưng ở một bước khác, vì cuộc thử nghiệm đã tiến sang một trường tiểu học địa phương.

Người ta bảo giáo viên thứ nhất: “Thầy may mắn đấy vì sẽ được dạy một lớp lỗi lạc. Các em rất giỏi, thầy chưa kịp hỏi chúng đã trả lời rồi. Chúng rất thông minh nhưng thầy nên cẩn thận kẻo bị lừa. Thế nào những em làm biếng cũng tìm cách dụ thầy bớt bài tập, đừng nghe chúng đấy! Cứ ra bài nhiều vào, chúng sẽ làm nổi hết, đừng có lo. Chúng có kêu bài khó, thầy đừng tin. Vì chúng sẽ làm nổi hết miễn là thầy tin tưởng, yêu thương, nghiêm minh và quan tâm đến chúng đúng mức”.

Còn giáo viên thứ hai được cho biết là học trò của mình ở mức trung bình cả về chỉ số thông minh lẫn quá trình học tập và khả năng, vì vậy chỉ nên hi vọng ở chúng những kết quả trung bình mà thôi.

Đến cuối niên học, lớp học sinh giỏi đã hơn hẳn lớp trung bình một năm học tập. Chắc bạn đã đoán được cốt lõi của câu chuyện!

Thực ra, không có học sinh lỗi lạc, tất cả đều là những học sinh trung bình. Sở dĩ có khác biệt là vì thái độ cư xử của các giáo viên. Giáo viên tưởng các học sinh trung bình là xuất sắc do đó đã đối xử, trông nom các em học hành xuất sắc nên các em đã được vậy.

Các em có một lý tưởng để cố vươn lên.

Bởi vậy: BẠN NHÌN CHÚNG THẾ NÀO THÌ SẼ CƯ XỬ VỚI CHÚNG NHƯ VẬY, VÀ BẠN CƯ XỬ VỚI CHÚNG THẾ NÀO THÌ THƯỜNG CHÚNG SẼ TRỞ THÀNH NHƯ VẬY.

Xin hỏi bạn thêm. Con cái bạn có thể khôn khéo hơn lên trong vòng năm phút không? Những mậu dịch viên trong công ty bạn ra sao? Họ có sản xuất, thông minh, lành nghề và khéo léo hơn lên trong vòng năm phút không? Còn vợ bạn thì sao? Cô ấy có xinh đẹp và dễ thương hơn không? Hoặc chồng bạn có oai hơn không? Nếu không thì bạn phải lật lại những trang này mà đọc lại ngay mới được, vì bạn đã quên mất điểm cốt yếu về gia đình, bè bạn cũng như những người cộng tác với bạn đang có vấn đề. Vấn đề đó chính là bạn.

Về điểm này, một tác giả đã diễn tả thật tuyệt vời: Nếu bạn đánh giá ai đúng hiện trạng họ, bạn sẽ khiến họ tệ hơn, còn nếu bạn coi họ là người tốt nhất, họ sẽ trở nên người tốt nhất.

Còn nếu con cái, chồng hoặc vợ cũng như người cộng sự của bạn tiến bộ hơn thì tôi xin chúc mừng vì bạn đã thành công.

Một người điển hình cho nguyên tắc nhìn thấy điều tốt nơi người khác là cựu huấn luyện viên bóng rổ John Wooden. Wooden đã nhìn vào con người toàn diện nơi các cầu thủ bóng rổ của mình. Ông quan tâm đến cả đạo đức lẫn sự lanh lẹ. Ông cũng tin tưởng và dạy họ là mọi việc ở đời sẽ trở nên giá trị khi ta biết lưu tâm đến người khác. Đặc điểm của đội banh ông là có tinh thần đồng đội, biết hy sinh, có tinh thần thể thao, luôn hăng say, giữ được quân bình và ưu thế. Đây chính là đội banh từng đoạt giải mười lần trong mười hai lần dự giải vô địch quốc gia. Kết quả ấy khiến ta khó mà phủ nhận lý thuyết của ông được. Có lẽ điều khiến bạn ngạc nhiên hơn nữa là người chiến thắng nhiều nhất ấy lại không cho chiến thắng là điều tối quan trọng. Thật vậy, ông không bao giờ đề cập đến việc đoạt giải đối với các cầu thủ cả. Ông chỉ nhấn mạnh với họ là phải “cố gắng hết sức mình”. Đối với ông, một cầu thủ chỉ tệ hại khi không chịu gắng hết sức mình mà thôi.

ANNIE BÉ BỎNG

Cách đây khá lâu, cô “Annie bé bỏng” đã bị nhốt vào một phòng giam ở bệnh viên tâm thần ngoài thành phố Boston, bang Massachusetts. Mặc dù đây là một trong những viện điều trị những rối loạn tâm thần có tiếng, các bác sĩ vẫn phải cần đến những phòng giam cho các ca mất trí nặng. Trường hợp Annie, họ đã tuyệt vọng nên cô bị giam sống trong cũi sắt nhỏ hẹp chỉ có một chút ánh sáng và rất ít hi vọng.

Tại viện ấy có một bà y tá già sắp về hưu. Bà tự nghĩ đã từng là tạo vật của Thượng Đế thì ai cũng có thể lành bệnh được nên bà bắt đầu đem bữa trưa lên ăn ngay trước cũi nhốt Annie. Bà nghĩ mình sẽ có thể giao cảm và thông truyền niềm hi vọng cho cô gái bé bỏng đó.

Annie thì gần như thú vật vậy. Lúc thì cô hung hăng tấn công mọi người bước vào cũi, lúc lại lạnh lùng không hề chú ý gì đến họ cả. Khi bà y tá bắt đầu thăm nom, Annie không hề màng đến bà.

Một hôm, bà y tá thử mang sôcôla đến phòng giam đặt bên ngoài rào sắt nhưng Annie vẫn thờ ơ như trước. Tuy nhiên, hôm sau quay trở lại, bà y tá không thấy sôcôla đâu nữa.

Ít lâu sau, các bác sĩ nhận thấy có sự biến chuyển và một thời gian sau họ đã quyết định chuyển Annie lên lầu và cuối cùng “ca tuyệt vọng” này đã được phép xuất viện về nhà. Song Annie không muốn rời viện. Cô muốn ở lại quê hương thứ hai này để góp sức giúp đỡ các bệnh nhân khác. Bà y tá già đã thấy và đã giúp cho đời cô rất nhiều nên cô nghĩ mình cũng sẽ thấy để giúp người khác phát triển khả năng của họ.

Nhiều năm sau. Khi gắn huy chương cao quý nhất dành cho người ngoại quốc, nữ hoàng Victoria nước Anh đã hỏi Helen Keller:

- Nhờ đâu cô có thể làm được nhiều việc lớn lao trong khi vừa đui vừa điếc như vậy?

Helen Keller đáp ngay rằng nếu không có Annie Sullivan (Annie bé bỏng) thì đã chẳng ai biết tên Helen Keller.

Nếu tôi không lầm thì trước khi mắc chứng bệnh bí ẩn khiến cô đâm ra tuyệt vọng thì Helen Keller cũng là một cô bé bình thường như bao cô bé khác. Annie Sullivan đã thấy và coi cô như một thụ tạo đặc biệt của Thượng Đế – nên đã đối xử với cô theo cách nhìn ấy – bà đã yêu thương, giúp đỡ cô vào khuôn phép – chơi đùa, cầu nguyện, khuyến khích và làm việc cùng cô cho tới khi ngọn đèn đời cô tỏa chiếu lấp lánh, soi rọi và làm vơi bớt gánh nặng của mọi người trên đời. Thật vậy, sau khi đời mình được “Annie bé bỏng” tác động, Helen Keller đã tác động đến hàng triệu người trên thế giới.

ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN

Cách đây đã lâu, ở Northern Virginia có một cụ già đứng bên bờ sông loay hoay tìm cách qua bờ bên kia. Sông không có cầu, trời lại càng ngày càng lạnh buốt nên cụ tính “đón các kỵ sĩ” quá giang. Cụ chờ thật lâu mới thấy một đoàn người ngựa tiến lại gần. Con ngựa thứ nhất đi ngang, cụ không nói gì, rồi con ngựa thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm... đi ngang, cụ vẫn đứng yên. Đến người cuối cùng cỡi ngựa tiến lại gần, cụ già nhìn thẳng mắt vào người ấy nói: Thưa cậu, cậu có thể cho tôi quá giang được không ạ?

Chàng kỵ mã đáp ngay:

- Ồ, được chứ, mời cụ lên yên!

Tới bờ bên kia, cụ già tụt xuống đất.

Trước khi đi, chàng kỵ mã hỏi:

- Thưa cụ, cháu không hiểu tại sao cụ không hỏi những người đi trước cho quá giang mà lại hỏi cháu?

Cụ già chậm rãi đáp:

- Tại vì khi nhìn vào mắt họ tôi thấy chúng chẳng biểu lộ chút tình thương nào nên tôi nghĩ có hỏi cũng uổng công. Còn khi nhìn vào mắt cậu, tôi thấy nó chứa chan lòng đồng cảm, thương yêu và sự giúp đỡ nên tôi biết chắc thế nào cậu cũng đồng ý, vì vậy tôi mới hỏi xin cậu.

Nghe vậy, chàng kỵ mã khiêm tốn đáp:

- Cháu chân thành cám ơn cụ, lời nhận xét của cụ thật quí giá đối với cháu.

Câu ngạn ngữ “con mắt là cửa sổ tâm hồn” quả lúc nào cũng đúng cả. Tuy nhiên, nếu bạn là chàng kỵ mã cuối cùng, liệu cụ già có dám xin bạn cho quá giang không? Đó mới là điều quan trọng vì giữa lời khuyên và thực hiện là một khoảng cách lớn. Phải làm sao để bản thân cũng như lời khích lệ trở nên nhịp cầu cho một hoặc nhiều người trong chuyến vượt sông quan trọng đó.

Harvey Firestone, chuyên viên giúp đỡ những người leo núi hoàn thành xuất sắc công việc gian lao, đã diễn tả điều này một cách tuyệt vời như sau: BẠN SẼ NHẬN ĐƯỢC TỐT NHẤT NƠI NGƯỜI KHÁC KHI CHO ĐI ĐIỀU TỐT NHẤT NƠI MÌNH.

NHẬN BIẾT VÀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU

Câu chuyện của La Von và Vern Dragt là một điển hình về lòng dũng cảm cũng như quyết tâm thực hiện nguyên tắc này đồng thời cho thấy là họ xác tín rằng niềm tin và sự cần cù chính là câu trả lời cho hầu hết các vấn đề của cuộc sống. Vern là người thợ đắp thạch cao giỏi, được trả lương cao. Năm được ba đứa con thì ông bất ngờ bị bại liệt.

Bốn năm rưỡi nghỉ việc sau đó đúng là một cuộc chiến đấu dũng cảm một mất một còn. Nay thì Vern và La Von đang điều hành cơ sở doanh thương Tupperware Dealers bao gồm trên một ngàn nhân viên giao hàng với doanh số hàng năm là tám triệu đô la.

Những diễn biến xảy ra từ lúc bị bại liệt đến tình trạng hiện nay là cả một thiên truyện dài. Khi Vern ngã bệnh và tiền dành dụm đã cạn thì La Von phải đi làm thuê, một công việc nặng nhọc bắt bà phải còng lưng mười tiếng mỗi ngày, vì vậy bà đã hưởng ứng lời chiêu mộ của Tupperware, rồi đâm ra say mê việc doanh thương và cuối cùng, sau đợt liên hoan thứ hai, bà đã quyết định đi bán trọn ngày. Công việc thú vị và tiện lợi ở chỗ bà có thể sắp xếp thời khóa biểu tùy theo việc nhà chứ không như trước đây. Lúc bấy giờ bà mới chợt thấy là những người khác cũng gặp những vấn đề tương tự nên bắt đầu ra tay thu xếp giúp họ. Kết quả bà trở thành người điều phối số một trong nước, và nuôi sống được cả nhà lại vừa có cơ hội giúp ích cho cộng đồng cũng như người đồng loại và đồng đạo nữa. Trong quá trình hoàn thành mục tiêu của mình Vern và La Von đã giúp cho một trăm hai mươi lăm viên quản lý và vô số người giao hàng của mình được làm chủ những chiếc xe choáng lộn và thành đạt ở đời. Ông bà đã tạo cơ hội cho hàng trăm người khác đi lên, trong số đó có cả Hal Empey hiện là phó chủ tịch của Tupperware nữa. Thành công kỳ diệu của ông bà là kết quả của việc nhận ra những nhu cầu của người khác và cố gắng đáp ứng chúng.

Bạn sẽ đối xử với người khác theo cách nhìn của bạn và nếu bạn nhìn họ như Vern và La Von tất sẽ nhận được nhiều vì bạn đã cho nhiều.

NUÔI NGƯỜI – BẠN SẼ ĐƯỢC ĂN NGON

Có một chuyện cổ, kể rằng: Ngày xưa có một người đàn ông được đi thăm lần lượt cả thiên đàng lẫn địa ngục để biết đường lựa chọn. Vì dành ưu tiên cho Thần Ác nên ông bắt đầu “tham quan” địa ngục trước. Thoạt trông, ông hết sức ngạc nhiên vì mọi người dưới đó đều tề tựu quanh một bàn tiệc chất đầy mọi thứ sơn hào hải vị, mà người khó tính đến đâu cũng chẳng thể đòi hỏi hơn.

Nhưng để ý nhìn kĩ, ông lại càng ngạc nhiên hơn vì không thấy ai mỉm cười hài lòng cả. Bầu khí cũng vắng lặng, đìu hiu không có vẻ gì là tiệc tùng hết. Người ngồi dự tiệc ai nấy đều hững hờ, chán nản, chỉ còn da bọc lấy xương. Tay trái người nào cũng cột một cái xiên và tay phải cột một con dao nhưng cả hai đều có cán dài cả thước nên họ không sao đưa đồ ăn vào miệng được. Do đó mà họ đã chết đói ngay trên bàn tiệc.

Sau đó, ông lên thiên đàng. Cảnh vật cũng giống hệt dưới địa ngục. Cũng sơn hào hải vị, cũng dao, xiên có cán dài cả thước. Song mọi người ở đây đều cười đùa, hát xướng hết sức vui vẻ. Họ ăn uống no say và hồng hào khỏe mạnh. Người đàn ông ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao cùng một hoàn cảnh như nhau mà kết quả trái ngược hẳn như vậy nhỉ? Người dưới địa ngục thì đói khát, khổ sở, còn người trên thiên đường lại no đầy, hạnh phúc?

Cuối cùng, ông cũng tìm được câu trả lời: Thì ra, ở địa ngục ai cũng cố đút thức ăn vào miệng mình, nhưng dao với xiên quá dài không sao tới được, còn trên thiên đàng thì mọi người cố gắng đút cho người ngồi đối diện mình nên ai cũng no say.

Quả thật, khi giúp người khác là giúp chính mình. Bài học quả đã rõ, các bạn nhận định hoàn cảnh và con người hết sức quan trọng, vì bạn sẽ cư xử với người khác và hoàn cảnh tùy theo nhận định của bạn. Chính vì vậy mà tôi nhắc đi nhắc lại rằng: BẠN SẼ ĐẠT ĐƯỢC MỌI ƯỚC MƠ NẾU BẠN BIẾT GIÚP NGƯỜI KHÁC ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU HỌ MUỐN.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play