Rõ ràng là do lòng hào hiệp và ưa mạo hiểm, không ngờ mấy chàng ngự lâm lại trở nên được việc cho một nhân vật nào đấy được Giáo chủ vinh dự che chở đặc biệt.
- Nhưng kẻ đó là ai? Đó là vấn đề trước tiên ba chàng ngự lâm đặt ra. Rồi vì không một câu trả lời nào có thể thỏa mãn được họ bằng óc phán đoán: Porthos gọi chủ quán và hỏi quân xúc xắc.
Porthos và Aramis ngồi vào bàn chơi xúc xắc. Athos vừa đi đi lại lại vừa suy nghĩ, vô tình đi qua chiếc lò sưởi bị gãy một nửa, nửa trên thông với phòng trên. Và mỗi lần đi qua đi lại, chàng lại nghe thấy tiếng thì thầm khiến chàng đâm chú ý.
Athos lại gần và phân biệt được vài câu có vẻ rất đáng quan tâm nên chàng ra hiệu cho các bạn im đi rồi khòng người áp tai vào lỗ dưới của ống khói.
- Nghe đây, Milady - Giáo chủ nói - việc quan trọng đấy, ngồi xuống đi, rồi ta nói chuyện.
"Milady ư?" - Athos lẩm bẩm.
- Tôi đang hết sức chăm chú nghe Đức ông đây - Một giọng đàn bà trả lời làm chàng ngự lâm giật nảy mình.
- Một tàu nhỏ với thủy thủ người Anh, nhưng thuyền trưởng là của ta đang đợi bà ở pháo đài La Poăng tại cửa sông Sarăng. Sáng mai sẽ giương buồm.
- Vậy tôi phải đến đấy đêm nay?
- Ngay bây giờ, nghĩa là khi bà đã nhận được chỉ thị của ta. Hai người bà sẽ gặp ngoài cửa khi đi ra sẽ hộ tống bà, bà để ta ra trước, nửa giờ sau bà hãy ra.
- Vâng, thưa Đức ông. Bây giờ, trở lại nhiệm vụ Đức ông định trao cho tôi. Và vì tôi mong tiếp tục xứng đáng với lòng tin của Đức ông, xin chiếu cố trình bày rõ ràng chính xác cho tôi để sao tôi không phạm bất cứ một sai lầm nào.
Hai người im lặng một lúc lâu. Rõ ràng Giáo chủ đang cân nhắc trước ngôn từ mình sắp nói và Milady đang tập trung hết khả năng trí tuệ để hiểu được những điều ông sắp nói ra và ghi khắc chúng trong trí nhớ của mình.
Athos lợi dụng lúc đó để bảo hai bạn khóa trái cửa lại và ra hiệu đến nghe cùng chàng.
Hai chàng ngự lâm kia thích được thoải mái, mỗi người mang theo một chiếc ghế và thêm một chiếc cho Athos. Cả ba cùng ngồi, đầu chụm lại, tai rình nghe.
- Bà sẽ đi London - Giáo chủ tiếp tục - Đến London, bà sẽ đi tìm Buckingham.
- Tôi xin lưu ý Đức ông - Milady nói - từ khi có vụ những nút kim cương, Quận công luôn nghi ngờ tôi, và không còn mặn mà với tôi mấy.
- Vì vậy lần này - Giáo chủ nói - vấn đề không phải là lấy lại lòng tin của ông ta mà là ra mắt một cách thẳng thắn và trung thực với tư cách một nhà thương thuyết.
- Thẳng thắn và trung thực? - Milady nhắc lại với vẻ mặt hai mang khó tả.
- Phải, thẳng thắn và trung thực - Giáo chủ lắp lại cùng một giọng điệu - Toàn bộ cuộc thương thuyết đó phải được công khai.
- Tôi sẽ tuân theo từng chữ những chỉ dụ của Đức ông và tôi đang đợi ngài trao cho tôi.
- Bà sẽ thay mặt ta tìm gặp Buckingham nói với ông ta rằng, ta biết hết những chuẩn bị ông ta tiến hành, nhưng ta không lo lắng mấy đâu, bởi vì nếu ông ta liều lĩnh, thì ngay từ hành động đầu tiên của ông ta, ta sẽ làm cho Hoàng hậu điêu đứng.
- Liệu ông ta có tin Đức ông sẵn sàng hoàn tất lời đe dọa của mình không?
- Có chứ, bởi ta có những bằng chứng.
- Tôi có nên cho ông ta biết những bằng chứng ấy không?
- Hẳn rồi, và bà hãy nói với ông ta rằng ta sẽ cho công bố báo cáo của Boa Rôbe và Hầu tước de Bôtơruy về cuộc gặp gỡ giữa ông ta và Hoàng hậu tại nhà của phu nhân thống tướng, cái buổi tối mà phu nhân tổ chức vũ hội hóa trang. Bà hãy bảo để ông ta đừng ngờ gì cả, rằng ông ta đến đó bằng trang phục của Đại đế Môgôn(1) mà đáng ra ông hiệp sĩ De Ghiơ phải mặc, và ông ta đã mua nó với giá thỏa thuận là ba nghìn đồng vàng Pítxtơn.
- Hay lắm, thưa Đức ông.
- Mọi chi tiết về việc ông ta ra vào hoàng cung cái đêm ông ta đội lốt tên thầy bói người Italia, bà sẽ bảo cho ông ta biết đừng có nghi ngờ gì nữa về độ chính xác những tin tức của ta, rằng ông ta mặc trong áo khoác một chiếc áo dài trắng lác đác những giọt lệ đen và đầu lâu xương chéo, bởi vì trong trường hợp bất ngờ bị bắt, ông ta phải làm ra như con ma Đàn bà áo trắng, như mọi người đồn đại, lại trở lại điện Louvre mỗi lần có sự cố lớn sắp xảy ra.
- Có thế thôi, thưa Đức ông?
- Bảo ông ta rằng ta biết mọi chi tiết của cuộc phiêu lưu ở Amiêng và ta sẽ viết thành cuốn tiểu thuyết nhỏ, được sắp xếp một cách khéo léo với bố cục của mảnh vườn và chân dung những diễn viên chính của cái kịch cảnh ban đêm đó.
- Tôi sẽ nói cho ông ta nghe điều đó.
- Bảo thêm với ông ta rằng ta tóm được Môngteguy, rằng Môngteguy đã ở trong ngục Bastille, rằng người ta không bắt quả tang bức thư nào trên người hắn, đúng vậy, nhưng cực hình có thể làm hắn khai những gì hắn biết và cả những gì hắn… không biết.
- Tuyệt diệu.
- Cuối cùng hãy thêm rằng Huân tước trong lúc cuống cuồng cuốn gói khỏi đảo Rê, đã để quên trong hành dinh mình bức thư nào đó của bà De Chevreuse, phương hại đặc biệt đến Hoàng hậu ở chỗ nó chứng tỏ không những Hoàng hậu có thể yêu những kẻ thù của nhà Vua, mà bà còn âm mưu với kẻ thù của nước Pháp. Bà nhớ kỹ được tất cả những gì ta nói với bà, phải không?
- Đức ông cứ việc thử xem: vũ hội ở chỗ phu nhân thống tướng, đêm ở điện Louvre này, chiều tối ở chỗ Amiêng, rồi việc bắt giữ Môngteguy, bức thư của bà De Chevreuse.
- Là thế đấy - Giáo chủ nói - là những chuyện ấy đấy, Milady, bà có trí nhớ tốt lắm.
- Nhưng - Người vừa được Giáo chủ tâng bốc nói tiếp - nếu mặc dầu tất cả những lý lẽ đó, Quận công vẫn không chịu và tiếp tục đe dọa nước Pháp?
- Quận công si tình như một thằng điên hoặc đúng hơn là một thằng đần - Richelieu nói tiếp bằng một giọng vô cùng chua chát – giống như lũ hiệp sĩ giang hồ thời xưa, ông ta lao vào cuộc chiến này chẳng qua chỉ để chiếm được mắt những của người đẹp. Nếu ông ta biết rằng cuộc chiến này có thể đáng giá danh dự và có lẽ cả tự do của người đàn bà vương vấn trong tâm trí ông ta như ông ta nói, ta đảm bảo với bà ông ta sẽ quan tâm tới chuyện đó gấp đôi.
Milady muốn thấy rõ ngọn ngành nhiệm vụ sắp được giao nên vẫn gặng hỏi:
- Tuy nhiên nếu ông ta vẫn một mực như thế?
- Nếu ông ta một mực - Giáo chủ nói -… không thể như thế.
- Có thể đấy - Milady nói.
- Nếu ông ta một mực… - giáo chủ dừng một lúc rồi nói tiếp - Nếu ông ta một mực, thì nghe đây, ta sẽ hy vọng vào một trong sự kiện làm thay đổi bộ mặt các quốc gia.
Milady nói:
- Nếu Đức ông vui lòng kể ra cho tôi một vài sự biến như thế trong lịch sử, có thể tôi sẽ chia sẻ niềm tin của Đức ông vào tương lai chăng.
- Thì đấy! Đấy nhé, ví dụ vào năm 1610 – Richelieu nói - do một nguyên nhân gần giống như nguyên nhân khiến Quận công Anh quốc dấy quân, vua Henri IV lưu danh muôn thuở đã xâm lược đồng thời cả xứ Flăngđrơ và nước Ý để tấn công nước Áo đồng thời cả hai mặt, thế là, chẳng phải đã xảy ra một sự biến đã cứu nước Áo ư? Tại sao nhà Vua nước Pháp lại không có được cái may như hoàng đế Áo nào?
- Đức ông, muốn nói đến nhát dao găm ở phố Hàng sắt(2).
- Đúng thế!
- Đức ông không e việc hành hình Ravayắc làm cho những kẻ thoáng có ý nghĩ bắt chước việc đó hoảng sợ sao?
- Ở bất cứ thời kỳ nào và trong bất cứ nước nào, nhất là nếu những nước đó bị chia rẽ về tôn giáo, sẽ có những tên cuồng tín không đòi hỏi gì hơn là được tử đạo, mà này, đúng lúc ta nhớ ra là các tín đồ Thanh giáo đang giận dữ chống lại Quận công Buckingham và các nhà truyền giáo của họ gọi ông ta là tên phản Chúa.
- Rồi sao ạ? - Milady hỏi.
- Rồi sao ư? - Giáo chủ tiếp tục vẻ hửng hờ - Ví dụ lúc này tìm được một người đàn bà đẹp, trẻ, khôn khéo, có thù riêng phải trả với Quận công. Có thể gặp một người đàn bà như thế lắm. Quận công là một người thường gặp may trong tình ái và nếu như ông ta đã gieo rắc những mối tình bằng những lời nguyện ước chung thủy suốt đời, ông ta hẳn cũng đã gieo bấy nhiêu mối hận thù về sự bội bạc vĩnh hằng của ông ta.
- Chắc chắn sẽ gặp được một người đàn bà như thế - Milady lạnh lùng nói.
- Ồ vậy thì một người đàn bà như thế sẽ đặt vào tay một kẻ cuồng tín con dao găm của Jắcclêmăng(3) hay của Ravayxắc, và sẽ cứu nước Pháp.
- Vâng, nhưng nàng sẽ là kẻ đồng mưu của một vụ sát nhân.
- Đã ai biết những kẻ đồng mưu của Ravayxắc hay Jắcclêmăng bao giờ chưa?
- Chưa, nhưng có lẽ những kẻ đồng mưu ấy ở địa vị quá cao sang nên người ta không dám truy tìm nơi vị thế của họ. Người ta không đốt cháy tòa công lý vì tất cả mọi người, thưa Đức ông.
- Bà tin rằng đám cháy của tòa công lý có nguyên nhân khác với nguyên nhân rủi ro sao? - Giáo chủ hỏi bằng một giọng không có gì là quan trọng.
- Thưa Đức ông, tôi - Milady trả lời - tôi không tin gì cả tôi chỉ kể ra một sự kiện, có thế thôi. Có điều, tôi nói nếu tôi là công nương Môngpăngsiê(4) hay Hoàng hậu Marie đờ Médicis(5) tôi sẽ ít phải đề phòng hơn, khi tên tôi đơn giản chỉ là phu nhân Clerics.
- Đúng thế - Richelieu nói - Vậy ý bà định thế nào?
- Tôi muốn có một lệnh phê chuẩn trước tất cả những gì tôi tin phải làm cho quyền lợi tối cao của nước Pháp.
- Nhưng trước hết phải tìm được người đàn bà mà ta đã nói là phải trả thù ông Quận công.
- Người đàn bà ấy đã được tìm thấy - Milady nói.
- Rồi còn phải tìm ra tên khốn kiếp cuồng tín sẽ dùng như một công cụ cho công lý của Chúa.
- Sẽ tìm được thôi.
- Vậy thì! - Quận công nói - sẽ kịp thỉnh cầu lệnh mà bà vừa yêu cầu thôi.
- Đức ông nói đúng - Milady nói - Và chính tôi đã nhầm khi nhìn vào nhiệm vụ mà ngài đã vinh dự trao cho tôi khác hẳn trong thực tế, nghĩa là phải nhân danh Đức ông báo cho Huân tước rằng ngài biết rõ những trò cải trang khác nhau, nhờ chúng, ông ta đã đạt được việc đến gần Hoàng hậu trong đêm vũ hội do phu nhân thống tướng tổ chức, rằng ngài có những bằng chứng về cuộc gặp mặt của Hoàng hậu với nhà chiêm tinh người Ý không ai khác ngoài Quận công Buckingham, ở điện Louvre, rằng ngài đã đặt một cuốn tiểu thuyết nhỏ, loại sắc sảo nhất về cuộc phiêu lưu ở Amiêng với bố cục là khu vườn mà cuộc mạo hiểm ấy đã diễn ra, và chân dung những diễn viên đã hiện diện, rằng Môngteguy đã ở ngục Bastille và cực hình có thể khiến hắn nói ra những điều hắn nhớ ra và cả những điều hán có nhẽ đã quên, cuối cùng là ngài đã chiếm hữu được bức thư nào đó của bà De Chevreuse, tìm thấy trong hành dinh của Huân tước sẽ phương hại đặc biệt không những đến người đã viết nó mà còn cả người có tên được viết tới trong bức thư. Rồi nếu như ông ta khăng khăng bất chấp tất cả những cái đó, như nhiệm vụ của tôi giới hạn ở những điều tôi vừa nói, thì tôi sẽ chỉ còn biết cầu Chúa tạo ra một kỳ tích để cứu nước pháp. Có phải thế không, thưa Đức ông, và tôi không có việc gì khác phải làm nữa chứ?
- Có thế thôi - Giáo chủ trả lời cộc lốc.
- Và bây giờ - Tôi đã nhận được những chỉ thị của Đức ông về những kẻ thù của ngài, Đức ông có cho phép tôi được nói đôi điều về những kẻ thù của tôi không?
- Vậy ra bà cũng có những kẻ thù? - Richelieu hỏi.
- Vâng, thưa Đức ông, những kẻ thù mà chống lại chúng tôi phải dựa vào Đức ông, bởi tôi đã biến họ thành kẻ thù khi phục vụ Đức ông.
- Và những tên nào? - Quận công đáp lại.
- Trước hết là con mụ Bonacieux nhỏ bé lắm mưu nhiều kế.
- Nó đang bị giam trong nhà tù ở Nante kia mà.
- Nghĩa là nó từng bị giam ở đấy - Milady lắp lại - nhưng Hoàng hậu đã nhận được lệnh của nhà Vua, nhờ đó, đã cho chuyển mụ ta đến một tu viện.
- Đến một tu viện? - Giáo chủ nói.
- Vâng trong một tu viện.
- Trong tu viện nào?
- Tôi không biết, bí mật được giữ gìn cẩn thận lắm.
- Ta sẽ biết.
- Và Đức ông sẽ nói với tôi mụ ta ở trong tu viện nào?
- Ta không thấy có gì bất tiện trong việc này - Giáo chủ nói.
- Thế thì tốt rồi. Bây giờ tôi có một kẻ thù khác nữa còn đáng sợ hơn là cái mụ Bonacieux bé nhỏ đó đối với tôi.
- Là ai?
- Người tình của mụ.
- Tên là gì?
- Ồ, Đức ông biết nó quá mà - Milady la lên, bừng bừng giận dữ - đó chính là tên ác thần của cả hai chúng ta, chính là kẻ trong cuộc chạm trán với quân cận vệ của Đức ông đã quyết định chiến thắng về phần ngự lâm quân của nhà Vua, là kẻ đã đâm De Wardes, phái viên của Đức ông, ba nhát gươm và đã làm thất bại vụ nút kim cương, cuối cùng chính là kẻ biết tôi đã bắt cóc mụ Bonacieux của hắn và thề sẽ giết tôi.
- À, à! - Giáo chủ nói - Ta biết bà nói về ai rồi.
- Tôi muốn nói về tên D' Artagnan khốn kiếp.
- Đó là một tay đồng ngũ táo tợn - Giáo chủ nói.
- Thì chính vì nó là một tên táo tợn nên nó càng đáng sợ hơn.
- Cần phải có một bằng chứng về sự tư thông của nó với Buckingham.
- Một bằng chứng ư? - Milady hét lên - Tôi có đến mười cơ.
- Vậy thì, đó là điều đơn giản nhất trên đời, hãy cho ta bằng chứng ấy, ta sẽ tống nó vào ngục Bastille.
- Thưa Đức ông, rồi tiếp đó?
- Khi đã ở ngục Bastille thì không có tiếp đó nữa - Giáo chủ nói bằng một giọng bí hiểm - Chà, mẹ kiếp! Nếu ta thanh toán kẻ thù của ta cũng dễ như ta thanh toán kẻ thù của bà, và nếu như chính đối những kẻ như thế mà bà lại xin ta xá tội?
- Thưa Đức ông, có đi có lại mà, mạng đổi mạng, người đổi người. Cho tôi kẻ này, tôi sẽ cho lại kẻ kia.
- Ta không hiểu bà muốn nói gì - Giáo chủ lặp lại - và cũng chẳng muốn hiểu nữa - Nhưng ta lại mong làm vừa lòng bà và không thấy bất cứ sự trở ngại nào để đáp ứng những gì bà yêu cầu đối với một tên vô danh tiểu tốt ấy, huống hồ bà đã nói với ta cái tên D' Artagnan ranh con đó là một kẻ vô sừng sẹo, một tên chuyên thách đấu, một tên phản trắc.
- Một tên đê tiện, thưa Đức ông, một tên đê tiện!
- Đưa giấy bút mực đây cho ta.
- Đây thưa Đức ông.
Một phút im lặng, chắc Giáo chủ bận tìm ngôn từ để viết.
Athos không bỏ sót một lời nào cuộc nói chuyện, hai tay kéo hai bạn ra đầu phòng bên kia.
- Ơ hay? - Porthos nói - Anh muốn gì, tại sao không để chúng tôi nghe nốt câu chuyện?
Khẽ chứ! - Athos hạ giọng nói - Chúng ta đã nghe được mọi điều cần thiết phải nghe, vả lại, tôi không ngăn cậu nghe nốt chuyện đâu, nhưng bây giờ tôi phải đi đây.
- Anh phải đi! - Porthos nói - Nhưng nếu Giáo chủ hỏi anh, chúng tôi sẽ trả lời ra sao cậu đừng đợi ông ta hỏi tôi, cậu nói luôn ra trước tôi phải đi trinh sát tiền trạm bởi vài câu nói của chủ quán khiến tôi nghĩ con đường không an toàn lắm. Trước hết tôi sẽ nói đôi lời với viên tùy tùng của Giáo chủ, còn lại mặc tôi, đừng lo gì hết.
- Hãy cẩn thận, anh Athos - Aramis nói.
- Yên tâm - Athos trả lời - Cậu biết đấy, tôi rất bình tĩnh.
Porthos và Aramis trở lại chỗ cũ bên ống khói lò sưởi.
Còn Athos, chàng đi ra hoàn toàn công khai, tháo ngựa buộc ở cửa quay, thuyết phục viên tùy tùng bằng mấy câu về sự cần thiết phải đi tiền trạm cho đường về. Chàng làm bộ xem xét lại mồi súng ngắn, cắn gươm, như một quyết tử quân theo con đường trở về doanh trại.
Chú thích:
(1) Đại đế Môgôn (1483-1530) triều đại do Baberơ, chắt của Taméclan dòng dõi Thành Cát Tư Hãn sáng lập bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và xứ Hindu.
(2) Vua Henri IV cha của vua Louis XIII, sắp đánh nước Áo từ hai phía như trên đã nói, thì bị một tên cuồng tín theo đạo Tin lành đâm chết ở phố Hàng Sắt
(3) Thày tu dòng Dominique, ám sát vua Henri III năm 1529, sau bị quân cận vệ giết chết.
(4) Nữ Công tước, em gái De Ghidơ, bị buộc tội xúi bảy Clêmăng giết Henri III
(5) Marie de Médicis, vợ vua Henri IV, mẹ Louis XIII, khi chổng chết được nghị viện cử làm nhiếp chính, bà đã đuổi nhưng bộ trưởng thời Henri IV, tin dùng Côngcini, cưới Anne d' Autriche cho Louis XIII, chiếm hết quyền lực cho đến khi thống chế De Ăngcrơ bị ám sát. Tiến hành chiến tranh với con trai từ nãm 1617 đến 1620, cuối cùng thỏa thuận với vua Louis XIII cho vị giáo sĩ tư tế của mình là Richelieu làm thủ tướng (1624). Bị đi đày và chết ở Côlônhơ năm 1642
Alexandre Dumas
Ba người lính ngự lâm
Dịch giả: Nguyễn Bản
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT