Quán trọ chuồng bồ câu đỏ

Trong khi đó, nhà Vua vừa mới đến, đã rất vội vã giáp mặt kẻ thù với lý do giống hệt như Giáo chủ và chia sẽ cùng Giáo chủ mối căm hận chống lại Buckingham, muốn bố trí tất cả mọi lực lượng, trước hết để đánh đuổi quân Anh khỏi đảo Rê, tiếp đó siết chặt thêm vòng vây La Rochelle. Nhưng dù muốn vậy, nhà Vua vẫn không vội được do những bất hòa đã nổ ra giữa các vị

De Bassompirre và Skombéc chống lại Quận công Ănggulêm.

De Bassompirre và Xkombée là Thống chế nước Pháp và họ đòi quyền chỉ huy quân đội dưới mệnh lệnh của nhà Vua, nhưng Giáo chủ lại sợ Batxompie, trong lòng mang tinh thần giáo phái Tin lành sẽ không cho quân ép mạnh bọn Anh và bọn La Rochelle, những giáo hữu của ông ta, nên Giáo chủ trái lại đã đẩy Quận công Ănggulêm lên xui Vua phong ông ta chức trung tướng. Kết quả là vì lo Bassompirre và Xkombée làm suy yếu tinh thần quân đội, người ta buộc phải để mỗi người chỉ huy một mặt trận riêng.

Bassompirre giữ các khu phía bắc thành phố từ sông La Lơ đến Đôngpie, Quận công Ăngulêm phía đông và Xkombéc cánh quân trung tâm từ Pêrfmky đến Ăngutanh. Hành dinh của Hoàng đệ ở Đôngpie.

Hành dinh của nhà Vua lúc ở Éttrê lúc ở Lajari.

Cuối cùng hành dinh của Giáo chủ là trên các đụn cát ở cầu La Pie, trong một ngôi nhà đơn giản không có công sự.

Theo cách đó Hoàng đệ sẽ giám sát Bassompirre, nhà Vua giám sát Công tước Ăngulêm và Giáo chủ giám sát ông Xkombéc.

Sau khi đã bố trí như vậy xong, họ lập tức lo chuyện đánh đuổi quân Anh khỏi đảo Rê.

Thời cơ đang thuận lợi. Quân Anh trước hết cần phải có lương thực thực phẩm tốt cho binh lính tốt, lại chỉ được ăn thịt ướp muối, và lương khô tồi, đã có những người bị ốm trong doanh trại. Đã thế, vào mùa này trong năm, biển động dữ dội khắp ven bờ đại dương, ngày nào cũng làm những thuyền nhỏ hư hỏng và bãi biển từ mũi Eghiông đến chiến hào mỗi khi thủy triều lên lại phủ đầy những mảnh vỡ của thuyền thoi, xuồng và thuyền buồm có tay chèo. Kết quả là binh lính của nhà Vua cũng phải ở lì trong trại, đương nhiên Buckingham, vẫn còn trụ lại ở đảo do bướng bỉnh buộc lòng sớm muộn phải bỏ vây.

Nhưng vì ông De Toiras lại loan tin doanh trại quân thù đang chuẩn bị một cuộc tập kích mới, nhà Vua quyết định phải thanh toán chuyện này và ban những mệnh lệnh cần thiết để giải quyết dứt điểm việc này.

Cuộc tấn công thành công đến mức khiến nhà Vua vô cùng kinh ngạc và đem lại vinh quang lớn cho Giáo chủ. Quân Anh bị đẩy lùi từng bước, bị đánh bại trong mọi cuộc giáp chiến, bị đè bẹp trên con đường qua đảo Loa buộc phải xuống tàu, bỏ lại trên chiến trường hai nghìn người trong đó có năm đại tá, ba trung tá, hai trăm năm mươi đại úy, và hai mươi nhà quý tộc danh giá, bốn khẩu đại bác và sáu mươi lá cờ được Clốt de Saint-Simon đem về Paris trang trí dưới các vòm cửa nhà thờ Đức Thánh ca tạ ơn được hát khắp mọi nơi và rồi từ đó lan ra khắp nước Pháp.

Giáo chủ vì vậy được tự do theo đuổi cuộc bao vây, tạm thời ít ra cũng không phải e ngại về phần quân Anh nữa.

Nhưng sự nghỉ ngơi chỉ là tạm thời.

Một phái viên của Công tước De Buckingham, tên là Môngtequy bị bắt giữ và người ta đã thu được bằng chứng một sự liên minh giữa các đế chế Tây BanNha, Anh quốc và vùng Loren.

Liên minh đó hướng vào việc chống nước Pháp.

Thêm nữa, trong hành dinh của Buckingham mà ông ta buộc phải vội vã bỏ lại một cách không ngờ tới, người ta tìm thấy những giấy tờ khẳng định liên minh đó và như giáo chủ cam đoan trong những tập hồi ký của mình, đều phương hại nhiều đến bà De Chevreuse và do đó cả Hoàng hậu nữa.

Trách nhiệm đè nặng lên chính Giáo chủ, bởi không thể là một Thủ tướng chuyên chế mà lại không chịu trách nhiệm. Vì thế đầu óc của thiên tài rộng lớn của ông ngày đêm bị căng ra, và bận rộn nghe ngóng từng tin đồn nhỏ bung ra từ một trong những vương quốc của châu Âu.

Giáo chủ biết rõ hoạt động và nhất là lòng hận thù của Buckingham. Nếu liên minh đe dọa nước Pháp thắng lợi, mọi ảnh hưởng của ông sẽ tiêu tan, chính trị Tây Ban Nha và chính trị Áo quốc sẽ có những đại diện trong triều đình Louvre, nơi lúc này họ mới chỉ có những tên bè phái. Chính ông, Richelieu, thủ tướng Pháp, một Thủ tướng ưu tú của quốc gia cũng tiêu ma.

Nhà Vua hoàn toàn phục tùng ông, căm ghét ông như một đứa trẻ như nó căm ghét ông thầy của mình và sẽ bỏ rơi ông, mặc cho Hoàng đệ và Hoàng hậu trả thù. Vậy là ông sẽ đi toi, và có thể cả nước Pháp theo ông. Phải ngăn chặn lại tất cả những cái.

Vì thế, người ta thấy những phu trạm mỗi lúc một nhiều hơn ngày đêm kế tiếp nhau đến ngôi nhà nhỏ ở cầu Pi-e nơi Giáo chủ thiết lập hành dinh của mình.

Đó là những thày tu khoác vụng về chiếc áo tu hành mà người ta dễ nhận ra họ hầu hết thuộc giáo phái Thánh chiến, là những phụ nữ hơi vụng về trong y phục thị đồng mà những ống quần không thể che nổi hoàn toàn vẻ ngoài mũm mĩm, cuối cùng là những nông dân với hai bàn tay đen nhẻm, nhưng chân lại mảnh mai và cách xa một dặm đã sặc mùi phẩm giá.

Rồi còn những cuộc thăm viếng khác kém thi vị hơn, bởi hai ba lần từ đấy loan ra tin đồn Giáo chủ bị ám sát hụt.

Đúng là những kẻ thù của Đức ông đã tuyên bố chính Đức ông đã từng phái những sát thủ vụng về đi hành thích, cốt để khi lâm sự có quyền sử dụng việc báo thù. Nhưng không nên tin vào các vị bộ trưởng nói cũng như chẳng nên tin vào những gì kẻ thù đã nói ra.

Vả lại điều đó cũng không ngăn nổi Giáo chủ, mà những kẻ phỉ báng ông gay gắt nhất cũng chưa bao giờ bác bỏ lòng can trường của ông, khi ông tiến hành những chuyến đi đêm khi thì để thông báo cho Quận công Ănggulêm những mệnh lệnh quan trọng, khi thì để đến thống nhất với nhà Vua, khi thì đến hội đàm với một sứ giả nào đó mà ông không muốn người ta để viên này đến chỗ ông.

Về phần mình, những ngự lâm quân chẳng có việc gì lớn phải làm trong cuộc vây thành, nên không bị quản lý nghiêm ngặt lắm, và được sống thảnh thơi vui vẻ. Điều đó đối với ba chàng lại càng dễ dàng hơn, nhất là họ đều là những người thân thiết của ông De Treville, họ được ông cho phép dễ đàng về muộn và được lưu lại bên ngoài sau giờ cấm trại với sự cho phép đặc biệt.

Một tối, D' Artagnan phải ở chiến hào không thể đi theo họ được, Athos, Porthos và Aramis cưỡi trên ba con ngựa chiến, mặc áo khoác nhà binh, tay để trên cò súng ngắn, từ một quán rượu ra về, cái quán rượu đó, Athos đã phát hiện ra hai ngày trước đây trên đường Lajari và người ta gọi là quán Chuồng chim câu Đỏ. Họ đi theo con đường dẫn về doanh trại, luôn ở tư thế phòng bị vì sợ bị phục kích, khi đến cách làng Boana khoảng một phần tư dặm, họ nghe tiếng vó ngựa phi về phía họ. Cả ba liền dừng ngay lại, đứng sát vào nhau ở giữa đường và đợi xem chuyện gì. Một lát sau, khi trăng vừa ló ra khỏi một đám mây, họ thấy ở chỗ ngoặt của con đường hai kỵ sĩ. Thấy họ, hai người này cũng dừng lại, hình như bàn với nhau cứ tiếp tục lên đường hay quay lại phía sau. Sự ngập ngừng đó khiến ba người bạn nghi ngờ, và Athos tiến lên mấy bước, quát lên bằng một giọng đanh thép:

- Ai?

- Vậy chính các người là ai? - Một trong hai kỵ sĩ trả lời.

- Thế không phải là trả lời! - Athos nói - Ai? Nói ngay không chúng ta bắn.

Thế là một giọng ngân lên có vẻ như đã quen với việc ra lệnh:

- Hãy coi chừng điều đang định làm đấy, các vị!

- Hình như đó là một sĩ quan cao cấp nào đó đi tuần đêm - Athos nói - Các vị muốn làm gì?

- Các ông là ai đã? - Vẫn cái giọng chỉ huy ấy nói - hãy trả lời đi, nếu không các ông có thể gặp chuyện không may vì tội không phục tùng đó.

- Ngự lâm quân của nhà Vua - Athos nói, mỗi lúc càng tin hơn người đang hỏi bọn chàng có cái quyền đó.

- Đại đội nào?

- Đại đội ông De Treville.

- Tiến lên theo lệnh ta, và báo cáo rõ các người làm gì ở đây vào giờ này.

Cả ba người bạn cùng tiến lên, tai hơi cúp xuống, bởi cả ba lúc này đều tin là họ đang gặp chuyện với những người mạnh hơn họ.

Một trong hai kỵ sĩ, người lần sau lên tiếng đó tiến lên mười bước trước người đồng bọn. Athos ra hiệu cho Porthos và Aramis cứ ở lại phía sau, rồi một mình tiến lên.

- Xin lỗi, ngài sĩ quan! - Athos nói - nhưng chúng tôi không biết chúng tôi đang tiếp chuyện ai, và ngài có thể thấy chúng tôi phải đề phòng rất cẩn thận.

- Tên ông? - Viên sĩ quan nói, và che mặt bớt đi bằng áo khoác.

- Nhưng tên ông đã, thưa ông - Athos nói, và bắt đầu nổi cáu trước sự lục vấn này - Xin ông hãy cho tôi rõ bằng chứng ông có quyền thẩm vấn tôi.

- Tên ông? - Kỵ sĩ vừa nhắc lại câu hỏi, vừa buông rơi áo khoác để lộ mặt ra.

- Đức ông Giáo chủ! - Chàng ngự lâm bàng hoàng kêu lên.

- Tên ông? - Đức ông nhắc lại lần thứ ba.

- Athos - Chàng ngự lâm trả lời.

Giáo chủ ra hiệu cho viên tùy tùng lại gần.

- Ba lính ngự lâm này sẽ theo ta - Ông nói khẽ - Ta không muốn ai biết ta ra khỏi doanh trại, và trong khi đi theo chúng ta, chúng ta tin chắc họ sẽ không nói ra với ai.

- Thưa Đức ông, chúng tôi là những nhà quý tộc - Athos nói - - Xin Đức ông yêu cầu chúng tôi hứa một lời là Đức ông không còn phải lo gì hết. Ơn Chúa, chúng tôi biết giữ bí mật mà.

Giáo chủ chằm chằm đôi mắt sắc nhìn vào kẻ đối thoại dầy dạn:

- Ông Athos, ông có đôi tai thính lắm - Giáo chủ nói - nhưng bây giờ, nghe đây: nếu nghi ngờ ta đã không yêu cầu ông đi theo ta, mà chính để ta được an toàn. Chắc hẳn hai người bạn kia của ông là Porthos và Aramis?

- Vâng, thưa Đức ông - Athos nói, trong khi đó hai chàng ngự lâm ở lại phía sau cũng lại gần, tay ngả mũ ra chào.

- Các vị, ta hiểu các vị - Giáo chủ nói - ta biết các vị không hoàn toàn thuộc loại các bạn ta và ta lấy làm phiền lòng vì điều đó, nhưng ta biết các vị là những nhà quý tộc trung thực và can trường, có thể tin cậy được. Ông Athos, hãy cho ta vinh dự tháp tùng ta, cả ông và hai bạn ông, và thế là ta bỗng có một đoàn hộ tống khiến Hoàng thượng cũng phải ghen thầm nếu chúng ta gặp Người.

Ba người ngự lâm quân cúi rạp mình xuống tận cổ ngựa, Athos nói:

- Ồ, tôi xin lấy danh dự tin rằng Đức ông có lý khi mang chúng tôi đi theo. Chúng tôi đã gặp trên đường những bộ mặt ghê rợn và chúng tôi cũng đã cãi lộn với bốn tên có những bộ mặt ấy ở quán Chuồng chim câu Đỏ.

- Một cuộc cãi lộn à, và tại sao, các vị? - Giáo chủ nói - Ta không thích những cuộc cãi lộn, các ông biết rồi đấy.

- Chính vì thế mà tôi có vinh dự được báo trước cho Đức ông những gì vừa xảy ra, Đức ông có thể biết được điều đó qua người khác chứ không phải qua chúng tôi, và trên cơ sở một báo cáo sai, ngài có thể tưởng rằng chúng tôi có lỗi.

Giáo chủ nhíu lông mày hỏi:

- Và kết quả của cuộc cãi lộn?

- Dạ, ông bạn Aramis của tôi đây bị mỗi một mũi gươm nhẹ vào cánh tay, điều đó sẽ không thể ngăn nổi ông ấy, như Đức ông có thể thấy, ngày mai ông ấy vẫn leo lên xung phong nếu Đức ông ra lệnh công thành.

- Nhưng các ông không phải những người dễ bị gươm đâm như thế - Giáo chủ nói - nào, nói thực đi, các vị, các vị chắc đã trả đũa được vài tên, thú nhận đi, các vị biết ta có quyền đặc xá mà.

- Thưa Đức ông, tôi đâu có được gươm trong tay, nhưng tôi túm lấy kẻ có chuyện với tôi trong hai cánh tay và ném nó qua cửa sổ, hình như khi rơi - Athos tiếp giọng ngập ngừng, - nó bị gẫy đùi.

- Chà, chà! - Giáo chủ nói - Còn ông, Porthos?

- Tôi, thưa Đức ông, tôi biết quyết đấu bị cấm, tôi cầm chiếc ghế dài và tôi choang cho tên cướp một đòn, tôi tin nó bị gãy vai.

- Được - Giáo chủ nói - Còn ông, ông Aramis?

- Tôi, thưa Đức ông, vì tôi bẩm tính rất hiền lành và hơn nữa, có thể Đức ông chưa biết, tôi đang định thụ giáo, tôi muốn ngăn các bạn tôi ra, thì một tên trong lũ khốn kiếp ấy đã phản trắc đâm tôi một mũi gươm vào tay trái, thế là tôi không kiên nhẫn được nữa, tôi cũng tuốt gươm ra và vì nó lại xông vào tấn công, tôi cảm thấy khi chồm lên tôi, nó bị gươm xuyên qua người, tôi chỉ biết nó ngã lăn ra và hình như người ta khênh nó và hai tên đồng bọn đi.

- Đồ quỷ, lũ các ông! - Giáo chủ nói - ba người bị loại khỏi vòng chiến đấu vì một cuộc cãi lộn nơi quán rượu, các ông không nhẹ tay được sao, mà về chuyện gì đến nỗi sinh cãi nhau?

- Bọn khốn ấy say - Athos nói - và biết có một người đàn bà đã đến tửu quán lúc tối, chúng định phá cửa phòng.

- Phá cửa phòng? - Giáo chủ nói - và để làm gì?

- Chắc để cưỡng bức - Athos nói - tôi đã có vinh dự nói với Đức ông là bọn khốn kiếp ấy say.

- Và người đàn bà đó trẻ và đẹp không? - Giáo chủ hỏi, hơi có vẻ lo lắng.

- Thưa Đức ông, chúng tôi không nhìn thấy bà ta - Athos nói.

- Các ông không nhìn thấy bà ta, chà! Tốt lắm! - Giáo chủ nhanh nhảu nói tiếp - các ông bảo vệ danh dự một phụ nữ như vậy là rất tốt, và vì chính là quán Chuồng chim câu Đỏ, ta phải đích thân đến, ta sẽ biết liệu các ông có nói đúng sự thực với ta không.

- Thưa Đức ông - Athos kiêu hãnh nói - Chúng tôi là những nhà quý tộc và dù để cứu mình khỏi mất đầu, chúng tôi cũng không nói dối một câu.

- Như vậy, ta chẳng còn gì để nghi ngờ điều ông nói nữa, ông Athos ạ, một giây thôi ta cũng không nghi ngờ gì nữa, nhưng… - ông nói thêm để chuyển hướng câu chuyện - người phụ nữ ấy chỉ có một mình à?

- Người phụ nữ ấy có một kỵ sĩ giấu mình trong phòng với bà ta - Athos nói - nhưng mặc cho những tiếng xô xát, gã kỵ sĩ ấy vẫn không ló mặt, có thể cho gã là một thằng hèn.

Giáo chủ đáp lại:

- Kinh thánh nói: "Đừng xét đoán liều!"

Athos nghiêng mình.

- Và bây giờ, tốt lắm - Giáo chủ tiếp tục - ta biết điều ta muốn biết rồi, các ông hãy theo ta.

Ba người lính ngự lâm đi đằng sau Giáo chủ.

Giáo chủ lại kéo áo khoác lên che mặt và cho ngựa đi thong thả, giữ cự ly chừng tám chín bước đằng trước bốn người đồng hành.

Chẳng mấy chốc họ đến chiếc quán trọ im lìm và đơn độc, chắc chắn chủ quán đã biết mình đang chờ một vị khách danh tiếng, do đó, đã tống khứ hết bọn quấy rối đi rồi.

Đến trước cửa quán mươi bước, Giáo chủ ra hiệu cho viên tùy tùng của mình và ba lính ngự lâm dừng ngựa. Một con ngựa yên cương sẵn sàng buộc ở cửa chắn gió, Giáo chủ gõ ba tiếng theo ám hiệu riêng.

Một người khoác áo choàng ra ngay và trao đổi nhanh vài câu với Giáo chủ, sau đó lại lên ngựa ra đi về hướng Xuagerơ cùng hướng về Paris.

- Tiến lên, các ông - Giáo chủ nói - các ông đã nói đúng sự thật, mấy nhà quý tộc của ta ạ - Ông nói thêm với ba chàng lính ngự lâm - Cuộc chạm trán giữa chúng ta tối nay có lợi hay không cho các ông, không phụ thuộc vào ta, trong khi chờ đợi, hãy theo ta.

Giáo chủ xuống ngựa. Ba chàng cùng xuống ngựa theo. Giáo chủ ném cương cho viên tùy tòng, ba chàng buộc ngựa mình vào cửa chắn gió.

Chủ quán đứng đón ở ngưỡng cửa, với hắn, Giáo chủ chỉ là một viên sĩ quan đến thăm một người đàn bà.

- Ông có một cái phòng nào đó ở tầng trệt mà các ông này có thể đợi ta bên lò sưởi ấm không? - Giáo chủ hỏi.

Chủ quán liền mở cửa một căn phòng lớn, trong phòng người ta vừa thay chiếc lò sưởi tồi bằng một lò sưởi mới và rất tốt.

- Tôi có chiếc phòng này.

- Tốt lắm - Giáo chủ nói - Vào đi, các vị và đợi ta, ta sẽ không lâu hơn nửa giờ đâu.

- Và trong khi ba chàng ngự lâm vào căn phòng ở tầng trệt đó, Giáo chủ chẳng cần hỏi han gì thêm nữa, lên thẳng cầu thang như một người không cần phải chỉ đường.

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Dịch giả: Nguyễn Bản

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play