Núi Thúy Vân, anh hùng làm thảo khấu

Lục Hình đình hiến gái đẹp gạt người

Nghe Châu Khôn nói anh rể mình là Đả hổ anh hùng Hắc diện báo Đậu Vĩnh Hàng, ba vị trại chủ lật đật xuống ngựa bước tới hành lễ, nói:

- Té ra là Đậu huynh trưởng, hèn lâu mới gặp.

Đậu Vĩnh Hàng nhìn lại ba vị trại chủ đều không quen, liền vội vàng đáp lễ, nói:

- Qúy tánh của ba vị trại chủ là chỉ Tôi thật là mới gặp lần đầu.

- Đậu đại ca là bậc quý nhơn hay quên, xin mời lên sơn trại rồi sẽ trình bày sau.

Đậu Vĩnh Hàng không lẽ không đi, bèn theo mọi người đi lên núi. Đến cổng trại nhìn thấy tòa đại trại này nhà cửa rất nhiều. Tiến vào cửa đại trại đầu, giao ngựa cho tùng nhân rồi vào thẳng Tụ nghĩa đường. Ngồi xuống xong, các thủ hạ dâng trà. Châu Khôn nói:

- Chưa được lãnh giáo tôn tánh của ba vị trại chủ.

Vị trại chủ mặt vàng nói:

- Chúng ta là người nhà trăm năm về trước. Tôi cũng họ Châu tên là Hổ, có ngoại hiệu nho nhỏ là Tiếu diện tỳ hưu. Còn đây là hai em kết nghĩa của tôi.

Nói rồi lấy tay chỉ người mặt đen nói:

- Chú ấy kêu là Thiết bối tử Cao Trân, còn chú mặt trắng kia gọi là Hắc mao sái Cao Thuận. Tòa núi này tên là Thúy Vân Phong. Đậu huynh trưởng, các vị từ đâu đến đây?

Châu Khôn nói:

- Thôi, đừng thắc mắc nữa! Anh rể tôi ngụ tại thành Lâm An, vô cớ gặp phải việc oan rất là oan khuất, may mắn gặp được một vị cao tăng cứu chúng tôi ra khỏi đầm rồng hang hổ. Tôi định cùng anh ấy đi đến nhà bạn, qua đường này gặp ba vị trại chủ ở đây. Không biết ba vị trại chủ làm thế nào mà quen biết anh rể tôi như thế?

Châu Hổ nói:

- Ba anh em chúng tôi đóng ở đây lâu rồi, vâng lệnh ủy phái chúng tôi ở đây. Từ lâu thanh danh Đậu huynh trưởng vang vội xa gần, hôm nay mới gặp mặt, thật là tam sanh hữu hạnh! Trước đây chúng tôi có cho người đi mời Đậu đại ca hai lần nhưng không tìm được chỗ ở, hôm nay may mắn gặp được ở đây. Đậu đại ca, Châu hiền đệ, hai vị đừng đi đâu nữa làm chi!

Đậu Vĩnh Hàng hỏi:

- Mấy vị chiếm cứ núi này, làm sao còn có cấp trên nữa?

- Chúng tôi chiếm cứ núi này cốt để chiêu tụ anh hùng trong thiên hạ, tương lai chúng tôi đều giữ chức Khai quốc đại tướng quân cả.

- Ba vị nguyên là tướng quân của Đại Tống ư?

- Không phải là quan chức của Đại Tống đâu. Tôi có một vị Tổ sư gia tên là Xích phát linh quang Thiệu Hoa Phong. Ông ấy có một thứ bửu bối tên là Càn khôn tí ngọ hỗn ngươn bát. Lão nhân gia giỏi về tính toán, khóe biết về quá khứ vị lai. Ở giữa Bình Sa Giang tại Thường Châu có một tòa núi tên là Ngọa Ngưu Ky, trên núi có một cái miếu tên là Từ Vân quán. Hiện tại trong miếu đó có Tiền điện chân nhân, Hậu điện chân nhân, Tả điện chân nhân, Hữu điện chân nhân. Có hơn 500 vị lục lâm muốn thiết lập Huân Hương hội. Ai nấy đều dừng chân ở miếu đó. Đậu đại ca, anh đừng đi đâu, nên ở lại núi này đi. Chúng tôi sẽ gởi cho Tổ sư gia ở Từ Vân quán một phong thơ, chờ Tổ sư gia hồi âm, các anh sẽ giúp chúng tôi cùng hoàn thành đại nghiệp. Tương lai thế nào cũng được một chức hoặc nữa chức quan chớ chẳng không.

Đậu Vĩnh Hàng suy nghĩ: "Tạm thời không chỗ nào có thể đến được, chỉ nên hứa trước ở đây đã". Nghĩ rồi bèn ưng thuận. Châu Hổ liền sai người cho quét dọn riêng một căn nhà cho vợ chồng Đậu Vĩnh Hàng, có vú em hầu hạ. Châu Khôn cũng ở trên núi đó. Tiếu diện tỳ hưu sai người đem sang Từ Vân quán một phong thợ Suốt ngày, các vị trại chủ cùng vầy đoàn một chỗ. Thời gian thấm thoát, ngày tháng như thoi, một hôm mọi người đang nói chuyện ở đại sảnh, Đậu Vĩnh Hàng nhắc lại hồi ở Lâm An bị Vương Thắng Tiên làm nhục, thật là đáng giận! Châu Hổ nói:

- Không hề chi! Tương lai chúng ta thành công rồi thì có thể báo thù.

Đương nói tới đó thì bên ngoài một tên lâu la chạy vào phi báo:

- Bẩm các vị trại chủ, dưới núi hiện có quan Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn ở thành Lâm An đang trở về nhà, đi ngang qua dưới núi, chúng tôi chạy ra ngăn kiệu lại; ông ta đưa một tấm danh thiếp, nói là bái vọng trại chủ, mượn đường qua núi.

Tiếu diện tỳ hưu Châu Hổ nghe nói, bảo:

- Cao hiền đệ, mấy em ai biết Kinh doanh điện soái Lục Bính Văn?

Cao Trân, Cao Thuận đều lắc đầu không biết. Châu Hổ lại hỏi:

- Đậu huynh trưởng có quen biết không?

Đậu Vĩnh Hàng nghe đến tên Lục Bính Văn, giận đến nỗi sắc mặt tái xanh, nói:

- Ba vị trại chủ không biết, Lục Bính Văn với tôi có một mối thù sâu tợ biển. Tôi ở thành Lâm An bị hắn vu cáo đạo tặc bắt tôi bỏ ngục, gạt vợ tôi đem đi đưa cho Hoa hoa thái tuế Vương Thắng Tiên, hại cho cả nhà tôi tan nát. Nếu không nhờ Tế Công cứu cho thì chúng tôi đều bị chết trong tay hắn. Tế Công đã nói cho tôi biết trước, hắn là kẻ cừu thù của tôi. Hôm nay hắn đã đến đây, tôi đâu có thể để yên cho hắn? Ba vị trại chủ đã không quen biết với tên Lục Bính Văn này thì để cho tôi báo cừu rửa hận.

Nói rồi cầm lấy con dao, chạy bay ra ngoài.

Lục Bính Văn tại sao lại đến đây? Trong đó phải có một đoạn duyên cớ. Nhơn vì trước đây Lục Bính Văn thả Đậu Vĩnh Hàng ra, sau khi tỉnh trí lại bèn sai người xét bắt, nhưng không bắt được, ông ta tính thầm: "Việc này đã tâu lên hoàng thượng rồi, làm sao mà ém nhẹm được!". Nghĩ rồi lật đật ngồi kiệu đến nhà Vương Thắng Tiên và được mời vào thư phòng. Lục Bính Văn hành lễ Vương Thắng Tiên xong rồi nói:

- Lão gia, xin cứu môn sinh với. Bị rắc rối rồi!

- Hiền khế có việc gì thế? Chậm chậm hãy nói.

- Hiện giờ Đậu Vĩnh Hàng chặn đường cướp bạc ở Bạch Sa Cương đã trốn thoát rồi. Sự việc này đã tâu lên thánh thượng biết, cầu xin lão sư gia che chở giùm cho môn sinh với.

Vương Thắng Tiên nghe nhắc tới việc này, đùng đùng nổi giận, nói:

- Đậu Vĩnh Hàng là cừu nhân của ta, ngươi không biết sao? Hỏa thiêu lầu Hợp Hoan làm cho người đẹp của ta bị chết cháy trong đó, ta mất không cả về người lẫn của mà còn thả Đậu Vĩnh Hàng ra để nó cầm dao đến thí mạng ta à! Đến nước này ngươi còn bảo ta che chở cho ngươi, chừng nó đến kiếm ta báo cừu thì ai che chở cho tả Ngươi tự mình làm thì tự mình chịu lấy, ta cũng không có cách nào giúp ngươi được, ngươi hãy về đi.

Lục Bính Văn như đâm đầu vào cọc, không còn cách nào hơn, đành phải cáo từ. Ngồi trên kiệu trở về nha môn tìm cách chạy chọt sau. Đang ngồi trên kiệu đi tới trước, Lục Bính Văn bỗng thấy bên con đường lớn một người đẹp đang đứng, thật là thiên kiều bách mị, như hoa tự ngọc, Lục Bính Văn bỗng nhiên nảy sinh ý mới: "Vương Thắng Tiên rất thích người đẹp, muốn nhờ ông ta giúp, nếu không đưa người đẹp đến cho ông ta thì khó làm cho ông ta động lòng". Nghĩ rồi liền bảo dừng kiệu lại, hỏi:

- Người đứng bên đường là ai vậy?

Đương sai đáp:

- Không có ai, chỉ có mỗi người bán tranh thôi.

Lục Bính Văn định thần nhìn lại, thì ra đó là một bức họa đang treo, trên có vẽ hình một người đẹp, trông giống như thiệt. Đứng kế bức họa là người bán tranh, phục sức theo lối nho lưu tú tài, tuấn tú hơn người. Lục Bính Văn liền gọi người bán tranh đến gần hỏi:

- Bức tranh người đẹp đó bán bao nhiêu tiền?

- Đại nhân muốn mua, tôi không dám lấy đắt, chỉ cần đưa một trăm lượng bạc thôi, ít nữa tôi không bán.

- Một bức tranh giá gì mà nhiều thế?

- Bức tranh này đắt giá vì công phu rất nhiều. Món hàng này chỉ dành cho bậc thức giả minh công sành điệu. Bức tranh của tôi ngày âm u không vẽ, ngày mưa không vẽ, gió mạnh, đại hàn, nóng bức cũng không vẽ, mỗi khi gặp ngày trong sáng mới đem ra vẽ vài nét. Hơi có một chút không cao hứng thì cũng không vẽ. Bức họa này tôi vẽ mất hơn một năm mới thành, có thần như thế. Cho nên ít nữa không bán vậy.

- Qúy tánh tiên sinh là gì?

- Tôi họ Mai, có tên đôi là Thành Ngọc.

- Tiên sinh là người ở đâu?

- Tôi nguyên là dân ở phủ Trấn Giang.

- Tiên sinh đến kinh đô làm gì?

- Nhân vì song thân đã qua đời, tôi đưa cô em lên kinh đô, ở tạm nhà thân thích; làm việc gì có hai nhà giúp đỡ qua lại cũng tiện. Hiện tại anh em tôi ở nhờ đằng ngõ thứ hai tại hẽm Thanh Trúc để vẽ tranh sống qua ngày.

Lục Bính Văn trong lòng bỗng nghĩ: "Mỗi khi vẽ một nét đều có ảnh hưởng đến ngũ quan của người, xem ra Mai Thành Ngọc tướng mạo thanh tú, đại khái em gái anh ta chắc phải đẹp lắm". Nghĩ rồi nói:

- Tiên sinh hãy cuốn bức họa này lại theo ta về nha môn.

Mai Thành Ngọc bèn cầm bức họa cùng theo về nha môn. Quan kinh doanh điện soái mời Mai Thành Ngọc vào thư phòng rồi hỏi:

- Tiên sinh, trong nhà được mấy người?

- Chỉ có hai anh em tôi thôi.

- Tiên sinh! Lệnh muội cũng biết vẽ nữa phải không?

- Cũng biết vẽ.

Lục Bính Văn lập tức kêu người cân 100 lượng bạc giao cho Mai Thành Ngọc. Lục Bính Văn nói:

- Tiên sinh nên nán lại ở đây hoặc có thể tôi còn muốn nhờ tiên sinh vẽ cho ít tấm bình phong.

Mai Thành Ngọc trong lòng rất vui vẽ, bèn chịu ở nán lại; rồi cáo từ ra về.

Sáng sớm ngày hôm sau, Lục Bính Văn sai một bà vú em đem theo hai bao điểm tâm, dạy bà vú mấy câu rồi bảo ngồi lên một chiếc kiệu nhỏ thẳng đến ngõ thứ hai hẻm Thanh Trúc. Đến nơi hỏi thăm nhà của Mai tiên sinh vẽ tranh. Khi đã hỏi thăm rõ ràng bèn đến ngay cửa hạ kiệu, gọi cửa.

Mai Thành Ngọc lúc đó cùng em là Bích Hòan đang bàn luận ở trong nhà, nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa. Mai Thành Ngọc ra mở cửa xem thì thấy đó là một người vú em bèn hỏi:

- Bà tìm ai?

- Tôi là người của nha môn Kinh doanh điện soái đại nhân. Chỉ vì hôm qua đại nhân chúng tôi mua bức tranh của tiên sinh đem về, phu nhân chúng tôi xem thấy rất thích, bảo tôi đến nhà tìm tiên sinh để vẽ thêm mấy bức nữa. Tôi vào nhà tiên sinh quấy rầy một chút được không?

Mai Thành Ngọc nghĩ thầm: "Bà ta là vú em, mời vào nhà có hề chi!". Lập tức mời vào nhà bên trong, Bích Hoàn cô nương tự nhiên cũng gặp mặt. Bà vú em thấy vị cô nương này quả thật là mặt như thiên tiên. Lục Bính Văn phái vú em đến cốt xem mặt cô nương này, nếu như cô đẹp đẽ thì mời Mai Thành Ngọc đi, còn như mặt mày coi bình thường thì không luận đến nữa. Vú em thấy vị cô nương này quả là thiên kiều bá mị, mới nói:

- Đại nhân chúng tôi bảo tôi đến mời tiên sinh đến nha môn nói chuyện, ngài còn muốn vẽ một số tranh nữa, tôi không nhớ là bao nhiêu! Tiên sinh đích thân đến gặp đại nhân chúng tôi nói chuyện tốt hơn, sẵn dịp định giá cả luôn.

Mai Thành Ngọc nghĩ rằng: "Qúa tốt". Lập tức cùng theo vú em đi đến nha môn.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play