Huyền Thanh đạo nhân nhỏm dậy, đưa mắt nhìn về phía ấy thì thấy đàng xa
có bốn người tướng mạo xấu xí trông rất cổ quái, đi kèm ủng hộ một ông
lão râu bạc, tay cầm chiếc gậy long đầu.
Chỉ loáng mắt, năm người đó đã tiến đến chỗ Huyền Thanh đạo nhân.
Ông lão này tướng mạo khôi ngô, râu bạc dài chấm bụng, hai đường bạch mi dài quá mắt, sắc mặc hồng hào, mặc áo xanh lam dài đến gối. Còn bốn
người theo hộ vệ thì tướng mạo xấu xí, mặt mày đầy cả vết sẹo, họ đều
mặc đồng phục màu xanh, chân đi giày cỏ.
Ông lão vừa đi đến cách chỗ Huyền Thanh chừng một trượng đã dừng bước, khoanh tay nói với Huyền Thanh :
- Côn Luân tam tử là bậc cao nhân có danh vọng trong võ lâm. Lão hủ hôm nay may mắn được gặp cao nhân.
Ông già này chính là Thiên Long bang chủ, tên Tô Bằng Hải còn bốn người kia là bộ hạ Xuyên Trung tứ xú.
Huyền Thanh đạo nhân chắp tay đáp lễ, và nói :
- Tô bang chủ là kỳ nhân trong giới giang hồ, tự tay sáng lập Thiên Long bang uy danh lừng lẫy khắp xa gần. Côn Luân tam tử chúng tôi là những
kẻ nhàn nhân nơi thôn dã, đâu dám ngang nhiên so sánh cùng nhau được.
Tô Bằng Hải mỉm cười nói :
- Xin đừng khách sáo làm chi! Côn Luân là một trong chín môn phái lớn
trong võ lâm. Còn Thiên Long bang chẳng qua là kết nạp những kẻ cường
khấu trong giang hồ họp thành. Bàng môn tả đạo đâu dám sánh với môn phái chính tông.
Dứt lời, lão lại trố mắt nhìn thẳng vào mặt Huyền Thanh, đôi mắt như nẩy lửa, hỏi :
- Nghe người ta phong thanh đồn rằng Viện chủ được bức “Tạng Chánh đồ”
của võ lâm từ hơn trăm năm nay truyền lại. Điều đó chẳng hay có thực
chăng?
Sau một phút trầm ngâm, Huyền Thanh đáp :
- Đúng như thế! Bần đạo có được vật đó thực.
Tô Bằng Hải cười ha hả, nói lớn :
- Đã có “Tạng Chánh đồ” thì việc tìm “Quy Nguyên mật tập” không khó khăn gì. Trong cái bọc vải vàng đeo trên lưng Viện chủ có phải là “Quy
Nguyên mật tập” chăng?
Huyền Thanh đạo nhân nét mặt hơi đổi khác, lạnh lùng đáp :
- Chính phải! Nhưng Bang chủ hỏi đến “Quy Nguyên mật tập” cặn kẽ như vậy là có dụng ý gì?
Hải Thiên Nhất Tào Tô Bằng Hải cất tiếng cười lanh lảnh. Tiếng cười làm rung động cả chốn thâm u. Ông ta nói :
- “Quy Nguyên mật tập” là một bảo vật của võ lâm, không phải của riêng
ai! Song lão Hải Thiên Nhất Tào này cũng chẳng cướp ép mà lấy vội. Hiện
thời, những bậc cao nhân đang tụ họp trong Quát Thương sơn này không
thiếu mặt ai. Thế thì sự kiện sẽ đi đến chỗ lôi thôi phiền toái lắm. Lão có một biện pháp rất công bằng là “Quy Nguyên mật tập” vẫn cứ để cho
Viện chủ giữ, nhưng không được tự tiện mở ra xem. Đồng thời, vị Chưởng
môn của quý phái cùng tôi viết thiệp, mời khắp các giới võ lâm giang hồ
đến đây luận kiếm. Cuộc đấu kiếm này có mục đích sắp xếp ngôi thứ giữa
các phái và cũng để quyết định xem “Quy Nguyên mật tập” này sẽ thuộc về
ai. Ý kiến tôi như vậy, chẳng hay Viện chủ nghĩ thế nào?
Huyền Thanh đạo nhân chưa kịp đáp thì Ngọc Chánh Tử đã lên tiếng đáp :
- “Quy Nguyên mật tập” là do công phu của phái Côn Luân chúng tôi tìm
được, thế thì nó là của riêng của phái Côn Luân rồi! Còn việc định kỳ
đấu kiếm lần thứ hai để phân định ngôi thứ giữa các phái là do ý muốn
của Bang chủ bang Thiên Long, chúng tôi có can dự gì đến.
Tô Bằng Hải cười nhạt một tiếng, cau đôi mày trắng, nhìn vào mặt Ngọc Chánh Tử nói :
- Vị này chắc là nữ hiệp Ngọc Chánh Tử đã lừng danh trên giang hồ. Nhưng lão phu và lệnh sư huynh của nữ hiệp đang nói chuyện, lớn nhỏ có tôn ti trật tự, sao lại không biết lễ nghĩa gì cả?
Ngọc Chánh Tử giận đỏ mặt, nhưng không biết cách nào để trả đũa, đành quay mặt nhìn sang vị đại sư huynh.
Huyền Thanh đạo nhân mặt đầy sắc giận, thong thả đáp :
- Bang chủ Thiên Long có ý định mời các phái luận kiếm lần thứ hai, việc đó chúng tôi đâu dám từ chối mà không tham dự. Còn “Quy Nguyên mật tập” hiện nay nhất định đã là của phái Côn Luân rồi, xin chớ bàn đến nữa mà
mất thời gian vô ích. Bần đạo hiện nay có việc gấp rút không còn thời
gian ở đây hầu chuyện cùng quý Bang chủ. Chúng tôi chờ đợi thiệp mời của quý Bang chủ nơi Tam Nguyên Cung tại núi Côn Luân. Lúc nào tiếp được
thiệp mời, chúng tôi sẽ theo ngày đúng hẹn.
Dứt lời, Huyền Thanh quay đầu lại ra hiệu cho đồng bọn tiến bước.
Tô Bằng Hải cười ha hả, đưa cây long đầu quái trượng ra cản, và nói lớn :
- Các người không thể nào được tự do ra khỏi nơi đây đâu! Dẫu ta đây
không tranh cản đoạt lấy “Quy Nguyên mật tập” thì báu vật đó cũng về tay kẻ khác mà thôi.
Huyền Thanh đạo nhân cười nhạt nói :
- Côn Luân tam tử xưa nay chưa hề bị ai hiếp đáp! Xin quý Bang chủ chớ nhọc lòng lo đến chúng tôi.
Tô Bằng Hải trợn mắt nói :
- Nếu “Quy Nguyên mật tập” mà bị kẻ khác tranh đoạt thì Thiên Long bang chúng tôi có quyền nhúng tay vào chăng?
Huyền Thanh đạo nhân thản nhiên đáp :
- Điều đó chúng tôi đâu dám cấm! Muốn tranh đoạt hay không là quyền của quý bang. Vậy xin Bang chủ cứ ra sớm càng hay.
Dứt lời, Huyền Thanh buông một tràng cười ngạo nghễ.
Tô Bằng Hải đổi sắc mặt, trầm lặng một lúc rồi thu cây long đầu quái trượng về, nhường đường cho Huyền Thanh đạo nhân, và nói :
- Chúng mình nói ra một lời chẳng khác sắt đá. Nếu các môn phái khác
không nhắm vào “Quy Nguyên mật tập” để tranh đoạt, thì Thiên Long bang
cuộc chúng tôi cũng chẳng cần làm khó dễ đến quý môn.
Dứt lời, Tô Bằng Hải bỏ đi.
Huyền Thanh chờ cho Tô Bằng Hải và Xuyên Trung tứ xú đi xa rồi, mời quay lại nói với Mã Quân Vũ và Lý Thanh Loan :
- Lát nữa, nếu có người ngăn cản, các con không được tự tiện ra tay.
Những người này đều là hạng cao thủ nhất lưu trong giới võ lâm đương
thời, họ rất tự phụ, và bảo trọng thanh danh. Các con không ra tay thì
không ai làm hại đến các con đâu.
Câu nói ấy tuy là một lời giáo huấn song Mã Quân Vũ thấy được cả một
tình thương của sư phụ đối với chàng. Chàng hiểu rằng sư phụ chàng nói
như thế là có ý muốn liều mình để bảo vệ “Quy Nguyên mật tập” và tránh
cho chàng khỏi thiệt thân vì tai nạn ấy.
Chàng cảm động quá, sụt sùi nói :
- Sư phụ...
Huyền Thanh không để cho chàng nói dứt câu, khoa tay lắc đầu, rồi gọi Ngọc Chánh Tử cùng Ngô Không đại sư hối thúc lên đường.
Đi độ hai mươi dặm nữa đã đến nơi u cốc, gió thổi xạc xào, từ xa đưa lại một mùi thơm nhẹ nhàng, thanh thoát.
Cảnh vật tuy đẹp nhưng tâm tình của mỗi người đều mải lo lắng những gian nguy sắp đến, chẳng ai nói với ai một câu nào.
Bỗng nhiên, từ trên cây tùng gần đó xuất hiện một bóng người, từ trên
cao nhảy xuống, râu bạc mày dài, tay cầm cây gậy trúc, cản đường và chấp tay nói với Huyền Thanh đạo nhân :
- Tam Thanh quan Viện chủ có còn nhớ mặt lão hữu đây chăng?
- Chưởng môn phái Hoa Sơn quả rất thính tai. Thiên hạ đồn chẳng sai!
Không ngờ Chưởng môn cũng có công lặn lội đến Quát Thương sơn chứ!
Bát Cánh Thần Ôn Đỗ Duy Sinh cười hề hề đáp :
- Đâu phải chỉ một mình lão đến. Ngoài Điểm Thương song nhạn ra, đại
khái còn có đến mười mấy vị cao thủ giang hồ mà xưa nay chưa từng được
dịp gặp mặt. Đó là chưa kể các tay đàn em trong hàng võ lâm. Có lẽ lần
này là một dịp đặc biệt có đông đủ cao nhân, chẳng khác ngày hội kiến
Thiếu Thất Phong thưở trước.
Huyền Thanh đạo nhân trầm lặng hỏi :
- Thế ra Đỗ lão huynh cũng có ý đến đây để dự ngày họp mặt sao?
Đỗ Duy Sinh cười ha hả, nói :
- Đâu dám! Đâu dám! Tôi chỉ là người đến chót để góp mặt cho đủ số thôi.
Huyền Thanh đạo nhân “hừ” một tiếng, nói :
- “Quy Nguyên mật tập” ở trong gói vải vàng, tôi đang đeo trên vai này.
Nếu Đỗ lão huynh tự tin là mình có đủ tài đoạt lấy thì xin cứ ra tay.
- “Phân Quang kiếm pháp” vá “Thiên cang chưởng” cũng có thể gọi là tuyệt chiêu trong võ công thực đấy, song thực ra tôi cũng có thể đỡ được năm
ba hiệp, đâu phải thua liền. Xét vì Hoa Sơn và Côn Luân giữa hai phái
lâu nay chẳng có gì thâm thù, nếu Đạo huynh chịu cho phái Hoa Sơn chúng
tôi nhập bọn để nghiên cứu về “Quy Nguyên mật tập” thì chúng tôi tuy tài hèn cũng có thể giúp đỡ Đạo huynh một tay để bảo vệ tập sách quý ấy
khỏi lọt vào tay kẻ khác.
Huyền Thanh đạo nhân cười lớn nói :
- Đỗ lão huynh có hảo ý thật, tôi rất mang ơn, nhưng môn phái chúng tôi
xưa nay chưa hề nhờ đến sự giúp sức của ai, xin lão huynh miễn cho bần
đạo khỏi làm cái việc đó.
Đỗ Duy Sinh bị chạm tự ái, mặt nóng phừng phừng, đưa cây gậy trúc ra trước mặt nói :
- Thế thì tôi phải lãnh giáo với đạo huynh một trận.
Huyền Thanh đạo nhân đưa tay ra sau, rút trường kiếm nói :
- Vâng tôi sẽ được nếm thử môn “Đàn Chỉ Kim Hoàn” của lão huynh một
trận, dầu có chôn thây nơi Quát Thương sơn này cũng chẳng đáng tiếc.
Cây gậy trúc của Đỗ Duy Sinh đánh ra một chiêu theo thế “Hiện Chỉ Thiên
Nam” gió lộng ào ào. Huyền Thanh đạo nhân cũng vung trường kiếm dùng thế “Bạch Vân Xuất Do” trả lại. Mũi kiếm và gậy trúc quấn vào nhau loang
loáng.
Hai bên trổ hết tài lực, chiêu pháp rất tinh kỳ, không bên nào chịu phục bên nào.
Chỉ loáng mắt họ đã trao đổi nhau đến bảy tám chiêu.
Huyền Thanh đạo nhân tuy là dùng các chiêu thế trong “Phân Quang kiếm
pháp” song so với Mã Quân Vũ thì lại khác xa, bởi vì nội lực ông ta đã
đến mức thâm hậu, sử dụng kiếm pháp lại già dặn, nên mỗi cái đâm, cái
chém đều có thể gây nguy hiểm cho đối phương.
Ngược lại, cây gậy trúc của Đỗ Duy Sinh chiêu thế cũng không vừa. Càng đánh kình lực càng mạnh, luôn luôn giữ lấy thế quân bình.
Đánh được vài mươi hồi, Đỗ Duy Sinh thấy kiếm pháp của Huyền Thanh đạo
nhân không thể nào áp đảo nổi, nên tức giận hét lên một tiếng lớn, nhảy
lùi ra xa bảy thước, đưa ngang cây gậy trúc trước ngực, đứng sững như
pho tượng đồng.
Huyền Thanh đạo nhân trông thấy nét mặt và cặp chân mày dựng ngược của
lão, biết lão đang nóng lòng thủ thắng, vận hết nội lực vào người để
quyết một mất một còn. Vì vậy, Huyền Thanh đạo nhân cũng chẳng dám xem
thường, liền vận khí xuống Đan điền tập trung toàn lực để đối phó.
Từ chỗ đấu nhau bằng chiếu pháp họ đã đổi sang cuộc đối chọi nội lực để thanh toán lẫn nhau.
Ngọc Chánh Tử thấy vậy rất lo sợ. Nếu họ đem công lực đấu với nhau thì
cuộc thắng bại tất phải một chết một sống không thể tránh.
Trong lúc hai bên như hai cánh cung giương sẵn, chỉ chờ bắn ra, thì đằng xa có tiếng cười dòn vang lại, và có một giọng nói sang sảng như chuông rền :
- Hai vị hãy khoan xuất thủ, đợi anh em chúng tôi đến góp mặt với!
Đỗ Duy Sinh và Huyền Thanh nghe tiếng nói biết là có cao thủ đến nên cả
hai đều thâu hồi nội lực quay đầu lại xem xét, thì thấy đó là Song nhạn, người trong phái Điểm Thương.
Đỗ Duy Sinh cười lớn nói :
- Hai vị lúc nào cũng đến rất đúng lúc. Xem thế thì duyên phận của chúng ta không phải là ít.
Tuy ngoài miệng hỏi chào vui vẻ, song trong lòng Đỗ Duy Sinh rất bực tức.
Khi dùng nội lực giao đấu với Huyền Thanh, chính ra Đỗ Duy Sinh đã có
một ý định sẵn. Nếu đánh bằng nội lực mà thắng thì ông ta sẻ thừa dịp
chiếm đoạt “Quy Nguyên mật tập” của Huyền Thanh, còn nếu bị bại, ông ta
sẽ xuất thủ bằng môn “Đàn Chỉ Kim Hoàn” là món độc đáo nhất của ông để
giành lại phần thắng cuối cùng.
Nào ngờ chưa kịp ra tay thì hai người trong phái Điểm Thương lại đến phá đám.
Bây giờ có mặt Song nhạn trong phái Điểm Thương, ý định của Đỗ Duy Sinh không còn nữa. Ông ta nghĩ thầm :
- “Nếu ta đem hết nội lực đánh thắng Huyền Thanh đoạt được “Quy Nguyên
mật tập” thì thế nào Ngọc Chánh Tử và Ngô Không đại sư cũng hợp sức với
Song nhạn đánh ta để giật lại. Môn “Đàn Chỉ Kim Hoàn” của ta tuy lợi
hại, song cũng chỉ có thể đánh nổi hai người mà thôi. Nếu họ hợp sức cả
bốn người thì thực khó lòng. Chi bằng trước tiên ta đánh đuổi Song nhạn
đi đã. Trừ được hai cường địch này rồi sẽ tìm cách đoạt “Quy Nguyên mật
tập” sau”.
Nghĩ như vậy. Đỗ Duy Sinh lại tập trung nội lực nhắm vào Song nhạn.
Nhưng Điểm Thương song nhạn cũng là tay kinh nghiệm giang hồ, đâu phải
là kẻ tầm thường. Vừa thấy nét mặt thay đổi của Đỗ Duy Sinh, họ đã biết
được ý định ngay. Cả hai đứng sát vào nhau để đối phó.
Nguyên Song nhạn này là hai cao thủ trong phái Điểm Thương. Người mặc áo đạo, râu dài, có tên là Vân Trung Nhạn Đào Chấn, còn người không râu,
ăn mặc theo lối nho sinh có tên là Truy Vân Nhạn Sa Quế. Hai người này
là sư đệ của vị Chưởng môn phái Điểm Thương Phan Thiên Nhạn Hạ Vân
Phong. Cả ba được võ lâm tặng cho biệt hiệu là Tam nhạn. Trong Tam nhạn
chỉ có Hạ Vân Phong làm Chưởng môn là võ công cao nhất. Tuy nhiên, Hạ
Vân Phong vì đã luyện đến thượng đẳng nội công nên mỗi ngày đều cặm cụi
tu tập, rất ít khi xuống núi. Chỉ có Song nhạn Đào Chấn và Sa Quế, tuy
võ công kém xa sư huynh họ, song lại năng lui tới trong chốn giang hồ.
Vừa rồi, Song nhạn dắt nhau du ngoạn nơi vùng Tương Ngạc, chợt nghe được tin Huyền Thanh đạo nhân tìm được “Tạng Chánh đồ” nên động lòng tham,
theo đuổi để tranh đoạt “Quy Nguyên mật tập”. Vì vậy, họ không kịp trở
về báo tin ấy cho vị chưởng môn sư huynh biết.
Lúc họ tìm đến Quát Thương sơn thì đã gặp ngay Đỗ Duy Sinh và Huyền Thanh đạo nhân đang dụng lực đấu nhau.
Thấy Đỗ Duy Sinh có ý gây sự với mình, Song nhạn đã đề phòng trước.
Đỗ Duy Sinh thấy hai người vẫn bình tĩnh, tập trung kình lực để chống
lại thì đã nao núng. Tuy nhiên, lão là người đa mưu túc trí, nhiều nham
hiểm, đã dự tính thì không thể buông xuôi.
Trong lúc hai bên đang suýt đánh nhau thì phía sau họ lại có tiếng vũ
khí chạm nhau chan chát rất kinh dị, Ai nấy đều ngạc nhiên, quay lại
nhìn thì ra Xà Tào Trần Hổ đã đang giao đấu với Ngọc Chánh Tử từ lúc nào rồi.
Cây xà thần quái trượng của Trần Hổ múa veo véo, chống lại với luồng kiếm quang chớp nhoáng của Ngọc Chánh Tử.
Đỗ Duy Sinh thấy tình thế như vậy không tiện đánh với Song nhạn, vì nếu
thắng được Song nhạn phải hao mòn công lực, chi bằng lúc này cứ đứng bên ngoài xem tình thế biến chuyển ra sao rồi sẽ liệu.
Nghĩ như thế, Đỗ Duy Sinh cười nhạt, nói với Song nhạn :
- Chúng ta còn nhiều lần gặp gỡ! Chờ khi đủ mặt Tam nhạn của các ngươi, ta sẽ lãnh giáo luôn.
Song nhạn đã thừa hiểu mưu tính của Bát Cánh Thần Ôn, nhưng hai người
này đến đây cũng chỉ để cướp đoạt “Quy Nguyên mật tập” mà thôi , đâu dại gì đem sức ra giao đấu để người ngoài thừa cơ trục lợi. Cho nên, khi
thấy Bát Cánh Thần Ôn bỏ lơ, họ mừng lắm, đồng thanh cười một tiếng lớn
rồi bước lảng ra xa.
Bát Cánh Thần Ôn bấy giời cũng không đứng gần đấy nữa, lảng bước ra ngoài đứng nhìn Trần Hổ và Ngọc Chánh Tử tranh thắng phụ.
Ngọc Chánh Tử và Trần Hổ đấu với nhau hơn tám chục chiêu vẫn không phân thắng bại.
Ngọc Chánh Tử nổi giận, hét lên một tiếng, vung trường kiếm diễn ra
những tuyệt chiêu trong “Truy Vân kiếm pháp”. Hào quang xé gió loan
loáng, mũi kiếm luôn luôn nhắm vào yếu điểm của đối phương đâm tới.
“Truy Vân kiếm pháp” là môn võ học tinh hoa nhất của phái Côn Luân, Xà
Tào Trần Hổ không thể nào chế ngự nổi. Chỉ phút chốc, mũi kiếm đã ép
Trần Hổ lui dần ra đàng sau, và phần thắng nghiêng về Ngọc Chánh Tử rõ
rệt.
Nếu Ngọc Chánh Tử dùng chiêu thế trong “Truy Vân kiếm pháp” đánh tiếp
mấy chiêu nữa thì Trần Hổ không khỏi bị thương. Nhưng Ngọc Chánh Tử lâu
nay có tính nhân từ, không nỡ giết người không thù oán, vì vậy bà đã đổi thế kiếm, cười lớn nói :
- Chiêu thuật của cây xà trượng ngươi thật hay, nhưng vẫn không đủ sức để tranh đoạt “Quy Nguyên mật tập” đâu!
Bát Cánh Thần Ôn đứng đằng xa, lớn tiếng chen vào, nói khích :
- Trần lão huynh! Đã đánh thua người đàn bà còn chờ gì mà không xuống núi cho sớm.
Xà Tào Trần Hổ bị Đỗ Duy Sinh chế nhạo giận run người, hàm râu dựng ngược lên, đôi mắt trắng toát, nhìn Đỗ Duy Sinh nói :
- Xin chớ nhiều lời, sớm muộn chúng ta cũng đánh nhau một trận sống chết mà!
Đỗ Duy Sinh vẫn cười ngạo nghễ, nói :
- Tôi đã biết trước mà! Trần lão huynh nhất định không phải là đối thủ
của Côn Luân tam tử rồi! Còn về việc Trần huynh muốn đấu với tiểu đệ thì dẫu chết tiểu đệ cũng bồi tiếp.
Trần Hổ nghe hai lời nói của Đỗ Duy Sinh lòng như lửa đốt, đôi mắt nảy
lửa, lão muốn phóng mình tới liều chết với Đỗ Duy Sinh một phen, song
đối thủ còn đứng trước mắt, không lẽ bỏ đi. Lão liền thò tay vào bụng
rút ra hai cái cây bằng sắt, dài chừng một thước, to bằng ngón chân cái, nhìn thẳng vào mặt Ngọc Chánh Tử nói :
- Được nữ hiệp vị tình, đáng lẽ phải bỏ khí giới chịu thua, song Trần Hổ này xưa nay đã quen tính không kể chết. Vậy tôi có món binh khí này,
xin đưa ra lãnh giáo nữ hiệp vài chiêu nữa.
Ngọc Chánh Tử cười lanh lảnh nói :
- Còn binh khí gì nữa người cứ việc đem ra mà đánh với ta, ngại gì.
Trần Hổ ôn tồn nói :
- Được rồi! Xin nữ hiệp hãy lưu tâm...
Lời nói của lão chưa dứt thì mũi kiếm của Ngọc Chánh Tử đã veo véo đến
ngực theo thế “Lang Hốt Lưu Sa”. Trần Hổ chỉ đưa hai cây sắt ngắn ấy ra
đỡ một cách ngượng ngập. Nhưng lần này Ngọc Chánh Tử không còn lưu tình
gì nữa, liên tiếp đánh ba chiêu trong “Truy Vân kiếm pháp”. Ba chiêu ấy
chẳng khác vũ bão, ép Trần Hổ thối lui hơn tám bước.
Huyền Thanh đạo nhân thấy Trần Hổ có tài sử dụng cây xà trượng, nhưng
lại khôn dùng xà trượng mà lại dùng hai cây thiết bổng dài không quá một thước, nên lấy làm lạ trố mắt nhìn. Nhưng ông ta quan sát một hồi vẫn
không sao tìm ra cái hay đặt biệt của loại binh khí ấy.
Lấy làm lạ, Huyền Thanh nghĩ thầm :
- “Nếu không có gì ảo diệu sao hắn lại sử dụng đồ vũ khí quái dị ấy có vẻ thận trọng như vậy”?
Ông ta đang lo lắng cho Ngọc Chánh Tử và toan gọi Ngọc Chánh Tử phải cẩn thận đề phòng thì giữa lúc đó Ngọc Chánh Tử đã phất trường kiếm đánh
tiếp ba chiêu nữa, làm cho Trần Hổ phải quay cuồng đi mấy vòng mới tránh thoát.
Tuy để ý lo lắng cho Ngọc Chánh Tử, nhưng Huyền Thanh đạo nhân một phần
phải xem chừng Đỗ Duy Sinh và Song nhạn! Bọn người này cứ lảng vảng
quanh đây, nếu sơ ý họ có thể bất ngờ xông đến đoạt lấy “Quy Nguyên mật
tập” ngay.
Ngọc Chánh Tử đánh bồi ba chiêu nữa đã ép Trần Hổ vào thế bí. Bà chỉ cần vận dụng thêm sức lực chút nữa là hạ thủ một cường địch rồi.
Giữa lúc đó, Trần Hổ râu tóc dựng ngược, đôi mắt đỏ ngầu, tay trái lão
cầm lấy cây thiết bổng lướt tới rất nhanh, xem như không còn kể gì đến
tánh mạng.
Ngọc Chánh Tử dừng tay, mỉm cười nói :
- Ngươi không sợ uổng mạng sao?
Lời nói chưa dứt thì một mùi hôi tanh từ đâu bay ra nồng nặc. Tiếp đó
một con vật dài loang loáng phóng vào mặt. Ngọc Chánh Tử thất kinh, đưa
trường kiếm lên phất ngang qua mặt, bỗng cảm thấy nơi cánh tay đau nhói
lên. Bà thất kinh ré lên một tiếng, toàn thân lảo đảo, cây kiếm đã rơi
xuống đất.
Thì ra một con rắn nhỏ màu vàng, dài độ bảy tám tấc, đang cắn vào cánh tay của Ngọc Chánh Tử, lòng thòng trông rất ghê rợn.
Ngọc Chánh Tử vừa kịp thối lui mấy bước thì đã ngã quỵ xuống.
Huyền Thanh đạo nhân, Ngô Không đại sư và Mã Quân Vũ đều chạy đến vây lấy Ngọc Chánh Tử.
Huyền Thanh thấy rắn độc vẫn không chịu buông cánh tay Ngọc Chánh Tử,
toan dùng kiếm chặt dứt con rắn ra, nhưng Trần Hổ đã lướt tới, khoa tay
nói :
- Khoan, khoan! Ngươi không muốn để bà ta sống nữa sao?
Huyền Thanh đạo nhân dừng tay, quay mặt nhìn Trần Hổ, nạt lớn :
- Ngươi hèn hạ! Thả rắn cắn người ta rồi sợ mất rắn, không cho ta giết nó à?
Trần Hổ cười lại nói :
- Té ra ngươi không hiểu gì cả! Ta đâu sợ mất rắn. Ta chỉ sợ mất mạng vị nữ kiệt này. Nếu không tin lời ngươi cứ chặt thử con rắn ấy xem sao?
Huyền Thanh tuy không tin lời của Trần Hổ, nhưng lại e ngại tánh mạng
của Ngọc Chánh Tử, không dám giết con rắn đó, mặt mày ngơ ngác.
Trần Hổ nói :
- Nếu là loại rắn thường thì không thể làm thiệt mạng nổi một người có
được sức nội công uyên thâm như nữ hiệp đây. Nhưng rắn này là loại rắn
Kim Tuyến xà cực độc, nếu nó bị thương nó sẽ truyền hết chất độc trong
mình nó sang vết thương của người bị cắn, thì người đó không đầy một
canh giờ phải bỏ mạng, không có thuốc gì cứu chữa nổi.
Huyền Thanh đạo nhân chú ý nhìn con rắn quả nhiên kỳ lạ, chưa từng thấy, bèn quay lại nói với Ngọc Chánh Tử :
- Sư muội hãy ngồi im mà vận công, đừng để độc rắn nhiễm vào tạng phủ.
Ngọc Chánh Tử lòng đang giận Trần Hổ, nhưng được sự ân cần săn sóc của Huyền Thanh, lòng thấy lâng lâng sung sướng, nói :
- Sư huynh! Em chết sống chẳng hề gì! Anh đừng để cho lão già ác độc đó phỉnh phờ, dọa dẫm.
Huyền Thanh và Ngọc Chánh Tử trước kia đã ấp ủ mảnh tình, nhưng sau đó
vì danh dự của sư môn, cả hai đều phải xem nhiệm vụ là trọng. Cho nên đã hai mươi năm qua họ ít được dịp gặp nhau. Lần này, Ngọc Chánh Tử vì sợ
Huyền Thanh gặp nguy biết nên đến đây giúp sức, chẳng ngờ lại bị Xà Tào
Trần Hổ ám toán như vậy, đứng về tình cảm, Huyền Thanh rất đau đớn.
Nhìn nét mặt đau buồn của Ngọc Chánh Tử, Huyền Thanh không còn ham muốn
gì trên cõi đời này nữa, ông ta đứng thẳng, đôi mắt u buồn, đưa tay chỉ
vào cái gói vải đeo sau lưng, nói với Trần Hổ :
- Chẳng qua ngươi cũng chỉ vì ham muốn “Quy Nguyên mật tập” nên mới sanh ác tâm như vậy. Giờ đây ta để cho ngươi được mãn nguyện, ngưoi hãy đưa
thuốc giúp nàng giải độc Kim Tuyến xà.
Trần Hổ sững sờ một lúc rồi nói :
- Nếu ta muốn phỉnh ngươi để lấy “Quy Nguyên mật tập” thì rất dễ, ta chỉ cần cho nữ hiệp uống một thứ thuốc tạm thời khỏi chết là được. Nhưng
lão Trần Hổ này xưa nay chưa bao giờ làm chuyện hèn hạ đó.
Huyền Thanh đạo nhân thất kinh, run rẩy nói :
- Nói như vậy thì không có thuốc nào cứu mạng được sao?
Trần Hổ nói :
- Tính mạng thì có thể giữ lại được. Nhưng công lực thì sẽ mất hẳn và
sống cũng chỉ được trong mười năm thôi. Qua mười năm, nọc độc sẽ tái
phát, dẫu cho có linh đơn diệu dược cũng không thể cứu nữa.
Huyền Thanh đạo nhân thở dài một tiếng não ruột, rồi nói :
- Thôi được! Ngươi cứu cho nàng sống thêm mười năm nữa. Còn việc mất hết võ công cũng chẳng hề gì. Ngươi làm xong việc ấy ta sẽ giao “Quy Nguyên mật tập” cho ngươi.
Trần Hổ lấy ra một bình ngọc trắng nhỏ, trút ra một viên thuốc màu lục,
bỏ vào miệng nhai, và đưa cây thiết bổng tới, dùng tay bấm một cái nút
trong cây thiết bổng ấy, tức thì đầu thiết bổng tự động mở ra.
Mọi người ngạc nhiên! Thì ra hai cây “Phi Long thiết bổng” của lão bọng
ruột, bên trong có nhốt một con Kim Tuyến xà. Khi đánh với ngươi khác,
lão chỉ cần lừa thế bấm nút cho đầu thiết bổng mở ra, rồi dí đầu thiết
bổng ấy vào đối phương để cho Kim Tuyến xà phóng ra cắn địch thủ.
Đôi binh khí này Trần Hổ đã phải tốn biết bao nhiêu tâm huyết mới tạo thành.
Còn đôi Kim Tuyến xà thì chính lão đã mất công phu hơn ba năm trời, đi
khắp xứ Tây Vực mới tìm được. Chủ ý của lão là chuẩn bị đối phó với Bát
Cánh Thần Ôn Đỗ Duy Sinh sau này, để rửa cái nhục bị thảm bại hai mươi
năm về trước.
Không ngờ lần đầu tiên, đem ra thử lại làm cho Ngọc Chánh Tử bị thương.
Trần Hổ chạy đến gần Ngọc Chánh Tử, trước hết lão cho cái đuôi rắn vào
trong đầu thiết bổng, rồi há miệng phun thuốc lão vừa mới nhai ra.
Thuốc đó là thứ thuốc khắc chế rắn độc, Kim Tuyến xà bị ngửi phải hơi
thuốc liền há mồm nhả tay Ngọc Chánh Tử, và chun thụt lùi vào trong lòng thiết bổng. Trần Hổ buông ngón tay bấm nút, tức thì đầu thiết bổng ngậm kín lại. Lão thở phào một hơi, bảo Huyền Thanh đạo nhân :
- Hiện giờ chỉ còn dùng thuốc khử độc thôi. Nhưng ở nơi thâm sơn cùng
cốc này không có cách nào tìm ra đủ vị thuốc được, phải đợi ra khỏi Quát Thương sơn mới có thể bắt tay vào việc chữa độc.
Huyền Thanh đạo nhân cau mày giận dữ, nói :
- Đại trượng phu đã nói ra một lời thì xem trọng như núi Thái Sơn. Chẳng lẽ ta không giữ đúng hay sao? Ngươi đừng sợ ta bộ ước. Ta đưa “Quy
Nguyên mật tập” cho ngươi cầm trước đây.
Nói xong, ông ta lấy cái bọc vải vàng đưa cho Trần Hổ.
Xà Tào Trần Hổ tiếp lấy, rồi lạnh lùng đáp :
- Nếu tôi không tin thì tôi đâu đã nói thực cho ông nghe. Muốn giải độc, trước nhất dùng một trăm cân giấm đun sôi, xông ngươi cho chất độc dồn
lại chỗ bị rắn cắn, sau đó mới dùng thuốc để khử độc. Việc này chỉ tốn
công trong một ngày là xong.
Huyền Thanh đạo nhân cười lạt nói :
- Cần ra khỏi dãy núi này ít nhất phải mất một ngày một đêm, liệu bệnh nhân có chịu nổi trong thời gian đó không?
Trần Hổ cầm bình thuốc giơ lên, nói :
- Đây là thuốc ngọc lộ giải độc, chuyên trị các loại rắn độc cắn. Nếu là các loại rắn độc thường thì dùng một viên là vô sự. Nhưng đây là loại
rắn cực độc, thuốc này không chữa nổi, nhưng có thể giữ cho độc rắn
không xâm nhập vào trong lục phủ ngũ tạng. Công hiệu có thể bảo toàn
bệnh nhân trong thời gian quá hai ngày. Thế thì chúng ta thừa thời giờ
ra khỏi Quát Thương sơn rồi.
Huyền Thanh đạo nhân tiếp lấy bình thuốc, mởi nút đổ ra hai viên rồi khẽ bảo Ngọc Chánh Tử :
- Sư muội hãy uống hai viên thuốc này trước đi. Chúng ta phải rời Quát Thương sơn lập tức.
Ngọc Chánh Tử đang vận công chống lại vết thương, không nghe thấy Huyền Thanh nói gì cả.
Ngô Không đại sư xua tay bảo Huyền Thanh :
- Cứ để yên cho lệnh muội hành công. Chốc nữa sẽ uống cũng được.
Bỗng nghe Đỗ Duy Sinh quát một tiếng lớn, đồng thời cây gậy trúc của lão đã dùng thế “Lãng Quyền Lưu Sa” nhắm quật ngang vào lưng Trần Hổ, đồng
thời bàn tay trái lão lại vươn ra chộp ngay lấy gói “Quy Nguyên mật tập” mà Trần Hổ vừa được Huyền Thanh trao cho.
Thật là một việc bất ngờ. Chẳng ai hiểu Đỗ Duy Sinh rình rập từ lúc nào mà lại có hành động đó.
Xà Tào Trần Hổ không kịp nghênh địch, vội nhảy lùi lại tám bước để tránh.
Không ngờ giữa lúc đó, Điểm Thương song nhạn lại từ đâu nhảy đến, Trần
Hổ chưa kịp đứng vững chân thì Song nhạn đã áp lại hai bên, đánh luôn
bốn chưởng ập lại với một sức mạnh cực ác.
Xà Tào Trần Hổ ứng phó không kịp, vai bên trái bị phong chưởng của Vân
Trung Nhạn đánh trúng, toàn thân lão lảo đảo. Truy Phong Nhạn liền biến
“chưởng” thành “trảo” chộp lấy gói “Quy Nguyên mật tập” trên tay Xà Tào, rồi phi thân nhảy vọt lên sườn núi.
Biến cố xảy ra chớp mắt! Đỗ Duy Sinh và Song nhạn đồng là cao thủ bật
nhất trong võ lâm, hơn nữa họ đã chuẩn bị trước nên lúc xuất thủ nhanh
không thể nào lường được.
Đến lúc Huyền Thanh và Ngô Không hay được thì Truy Phong Nhạn đã cướp
được “Quy Nguyên mật tập” trèo lên sườn núi đến mười trượng rồi.
Người đáng uất hận nhất là Đỗ Duy Sinh. Nếu lão không đánh trước một
trượng thì Song nhạn dẫu có nhất tề động thủ, cũng chưa chắc đã cướp
được “Mật tập” trong tay Trần Hổ.
Lão không ngờ đường đường danh hiệu một vị tôn sư trong một phái, cam
tâm làm một việc không đẹp đẽ chút nào đối với võ lâm, bất thần đánh
lén, để tạo cơ hội cho Song nhạn thành công.
Lão hết sức phẫn nộ, liền bỏ Trần Hổ, vội vàng đuổi theo Song nhạn.
Truy Phong Nhạn Sa Quế nhường cho sư huynh Vân Trung Nhạn Đào Chấn chạy
lên sườn núi trước, còn mình rút Ngô câu kiếm ra đoạn hậu.
Đỗ Duy Sinh phẫn uất đuổi tới nơi, vung gậy trúc quật thẳng vào mặt đối
phương theo thế “Hàn Nguyệt Thương Ba”. Sa Quế liền dùng thế “Dạ Hỏa
Thiêu Thiên” đưa ngô câu kiếm lên gạt ngang trúc trượng.
Đỗ Duy Sinh hạ thấp cánh tay quét ngang dưới chân địch theo thế “Kim
Cương Thiết Vị”. Sa Quế liền tung người lên tránh. Nhưng chưa kịp đổi
thế kiếm thì Sa Quế đã bị một lúc ba chiêu trong “Phục Ma trượng pháp”
của Đỗ Duy Sinh phát ra rất mạnh, gió lộng vù vù.
Sa Quế thất thế, nên bị lùi lại gần tới sơn cốc.
Đỗ Duy Sinh chủ ý muốn cướp lại “Quy Nguyên mật tập” chứ không có ý ham
chiến với Sa Quế, nên dùng thế “Khai Sơn Đạo Lưu” quất tới một trượng
thật mạnh để Sa Quế tránh ra, đoạt lấy đường mà đuổi theo Đào Chấn.
Tuy nhiên, Sa Quế dẫu bị áp đảo quyết không ngường bước, vận hết công
lực ra cánh tay phải, truyền cả vào lưỡi kiếm, gầm lên một tiếng như sấm dùng thế “Độc Xanh Ngũ Nhạc”, chế ngự cây gậy trúc của Đỗ Duy Sinh.
Bị kình lực quá mạnh, Đỗ Duy Sinh phải lui ra ba bước, còn Sa Quế củng
cảm thấy trong người rúng động, ngô câu kiếm suýt bị rơi ra khỏi tay.
Đỗ Duy Sinh nổi giận, vận hết công lực đánh tiếp luôn ba chưởng nhắm
thẳng vào mặt đối phương, sức mạnh như sóng ngàn chuyển động. Sa Quế
không dám gượng đỡ, né tránh sang một bên, luồng chưởng phong đánh trúng vào sườn núi, làm cho đá đất tung ra, bay mù mịt.
Thừa dịp ấy, Đỗ Duy Sinh lắc mình một cái đã phóng lên sườn đồi, xa mấy trượng.
Sa Quế sợ Đỗ Duy Sinh đuổi theo Đào Chấn đoạt mất “Quy Nguyên mật tập” nên gắng sức đuổi theo.
Thế là Đỗ Duy Sinh đuổi theo Đào Chấn, rồi Sa Quế lại đuổi theo Đỗ Duy Sinh. Ba người cùng chạy như gió.
Lúc này Huyền Thanh đạo nhân không coi “Quy Nguyên mật tập” ra gì nữa,
mà chỉ lo sanh mạnh của Ngọc Chánh Tử. Vì vậy, khi thấy Điểm Thương song nhạn và Bát Cánh Thần Ôn đuổi nhau giành “Quy Nguyên mật tập” ông ta
cũng không để ý đến.
Ông ta chậm bước đến bên Xà Tào Trần Hổ hỏi :
- Ngươi bị Điểm Thương song nhạn vừa đánh trúng nơi vai có hề chi không?
Trần Hổ thở dài, nói :
- Không ngờ lão Bát Cánh Thần Ôn làm chưởng môn một phái mà lại hèn hạ
đánh lén ta như vậy. Nếu không có lão ấy đánh lén thì Điểm Thương song
nhạn làm gì đoạt nổi “Quy Nguyên mật tập” trong tay tôi.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT