Sáng hôm sau, khi thức dậy, Ngọc Chánh Tử và ba người môn hạ đã chuẩn bị rất nhiều lương khô, rời khỏi huyện Tiên Cư bắt đầu lên núi.
Ngọc Chánh Tử tuy giang hồ lịch duyệt, song đối với Quát Thương sơn chẳng khác nào một con thuyền nhỏ lạc vào giữa bể khơi.
Nơi đây núi rừng liên tiếp, trùng trùng điệp điệp, hang sâu vực thẳm rất nhiều. Một bầu trời bao la chứa hàng trăm dặm núi non, như một cõi mênh mang vô tận.
Đường núi càng đi càng khúc khuỷu gồ ghề, quanh co như ruột dê đi vun
vút mãi lên. Lúc mới đầu còn thấy năm ba chú tiều phu hái củi ở sườn
núi, về sau đi sâu vào thì tuyệt nhiên không thấy một bóng người nào
nữa. Ngay trên con đường mòn chẳng thấy bóng ai qua lại.
May nhờ bốn người đều giỏi về thuật khinh thân, nên sau khi nhận định về phương hướng, họ nắm những dây bìm bám lên cây mà đu người vượt đèo qua suối, thẳng hướng mà đi.
Vượt được mười mấy ngọn núi thì mặt trời đã ngã về tây, Mã Quân Vũ, Lý
Thanh Loan và Ngọc Bích đều thấm mệt, mồ hôi ướt áo, riêng có Ngọc Chánh Tử thì vẫn như thường, không thấy chút gì uể oải cả.
Ngọc Chánh Tử để ba người ngồi nghỉ trên một tảng đá, đem lương khô ra
ăn để dưỡng sức, còn bà một mình dùng thuật khinh công tuyệt đỉnh phi
thân vút lên ngọn núi cao để xem xét địa thế.
Ba người vừa ngồi ăn vừa ngắm cảnh vật chung quanh.
Mã Quân Vũ đưa mắt nhìn xuống một khe sâu, bỗng chàng kêu lên một tiếng
kinh ngạc. Thanh Loan và Ngọc Bích cũng đưa mắt nhìn theo về phía ấy,
thì thấy một con mãng xà rất lớn, dài hơn hai trượng đang đánh với một
con bạch hạc lớn bằng bốn lần con bạch hạc thường, mắt đỏ như lửa, lông
trắng như tuyết.
Con mãng xà mình đen như mực, vảy lóng lánh như sao, khúc đuôi quấn tròn như chiếc mâm, nửa thân trên dựng đứng thẳng lên trời.
Cứ mỗi lần bạch hạc sa xuống là con mãng xà há mồm, le lưỡi đỏ choét phun hơi độc.
Bạch hạc hình như rất sợ chất độc trong miệng mãng xà, nên tung cánh
quạt mạnh cho hơi độc tỏa đi, rồi mới dám sa xuống mổ vào đầu mãng xà.
Hai con vật đánh nhau đến hàng nửa giờ mà không con nào chịu thua con nào cả.
Một lúc lâu, hơi độc trong miệng mãng xà phun ra mỗi lúc một nhạt dần.
Và hình như nó biết không đủ sức cầm cự với bạch hạc, nên thừa lúc bạch
hạc bay lên tránh hơi, nó lắc lắc chiếc đầu toan bỏ trốn.
Song bạch hạc rất tinh, nhác thấy đầu mãng xà cúi xuống, tức khắc nó sà
xuống đánh liền, buộc mãng xà phải vươn đầu lên để nghênh chiến, không
thể trốn chạy được nữa.
Đánh thêm một lúc nữa thì mãng xà đuối sức, nổi giận phùng hai cái mang
rất lớn, há mồm le lưỡi, toàn thân lao vút như một mũi tên, nhắm phóng
vào bạch hạc.
Bạch hạc cũng trổ hết thần uy, dùng cánh đập mạnh, hai móng chân bấu
chặt vào cổ mãng xà, khí thế rất mau lẹ, trong nháy mắt, bạch hạc đã nắm được cổ mãng xà xách bổng lên cao mấy trượng rồi buông ra.
Mãng xà rơi xuống đấy chết tươi, không còn động đậy nữa. Ấy chính vì
bạch hạc đã bấu trúng vào yếu huyệt “Thất Thốn” của mãng xà.
Sau khi mãng xà bị chết, bạch hạc liền xà xuống lấy chân lật ngửa mãng xà ra, dùng mỏ mổ bụng moi lấy mật mà ăn.
Ăn xong, bạch hạc lại đập cánh bay lượn mấy vòng kêu choe chóe.
Bóng bạch hạc bay lên cao, làm rợp ánh nắng cả một vùng. Nó lượn quanh chỗ Quân Vũ mấy vòng rồi hướng về phía Đông bay mất.
Thanh Loan ngửa mặt nhìn theo cho đến lúc không còn thấy bạch hạc nữa, nàng mới cất tiếng nói khẽ :
- Con bạch hạc này to thực! Nếu cho mình cỡi thì có thể bay tít được đến mây xanh.
Mã Quân Vũ và Ngọc Bích thì không nói gì cả, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng.
Mã Quân Vũ lén xem bạch hạc và mãng xà tranh đấu, nhận thấy những tư thế đánh đỡ của hai con vật này rất kỳ diệu, chàng mơ màng trong óc, phân
định những cái hay cái dở mà bắt chước.
Ngọc Bích thì cúi đầu ngắm cái xác con mãng xà nằm chết dưới khe thẳm.
Nàng nhận thấy đây là loại hắc lân thiết giáp xà, một thứ rắn độc ghê
gớm ít khi gặp thấy.
Thứ rắn này không mấy khi có to lớn, thường thường chỉ dài độ hai ba
thước. Còn con rắn này lại dài hơn hai trượng thì chắc nó đã sống trên
hàng nghìn năm rồi.
Nàng có nghe sư phụ nói về loại hắc lân thiết giáp xà, theo đó da của nó vô cùng quý báu, đao thương chém không đứt, người trong võ lâm xem tấm
da của nó như là một châu bảo. Có điều thứ rắn này ít khi gặp được, mà
có gặp cũng chỉ gặp loại nhỏ mà thôi, hơn nữa, nó là một thứ rắn độc vô
kể, lại rất nhanh nhẹn, ai mà bị nó cắn phải thì không còn có cách gì
chữa được, chỉ chốc lát là chết liền.
Trong lúc mỗi người đang trầm tư mỗi ý nghĩ thì Thanh Loan thích thú
nhất, với ý nghĩ cởi bạch hạc lên mây xanh, nên cất tiếng hỏi Quân Vũ :
- Vũ ca! Anh có muốn cởi bạch hạc chăng?
Quân Vũ đang mải mê nghĩ về bạch hạc, nghĩ đến tư thế của bạch hạc móc
vào yếu huyệt “Thất Thốn” của mãng xà, nên không nghe câu hỏi của Thanh
Loan.
Thanh Loan thấy Quân Vũ không đáp, toan hỏi nữa, bỗng thấy chàng vung
cao tay trái lên, tay phải đưa ngang rồi đánh vào nhau. Nàng không hiểu
ra sao, vừa định đưa tay toan níu lấy Quân Vũ, thì một bàn tay ngọc đã
đưa ra, nắm lấy tay nàng, khẽ bảo :
- Đừng, đừng! Đừng làm rối hắn.
Thanh Loan quay đầu lại đã thấy Ngọc Chánh Tử đứng bên cạnh tự lúc nào rồi.
Nàng cất tiếng hỏi :
- Sư phụ! Sư huynh con đang làm gì thế?
Ngọc Chánh Tử mỉm cười đáp :
- Hắn đang luyện võ! Sư huynh con tư chất thông minh! Không trách đại sư bá của con đem “Truy Vân thập nhị kiếm” dạy cho hắn! Người Chưởng môn
sau này ngoài hắn ra không còn ai hơn được. Tương lai của phái Côn Luân
hy vọng ở hắn mà hưng thịnh, và vang danh chốn giang hồ.
Thanh Loan tuy không hoàn toàn hiểu ý nghĩa vì sao Ngọc Chánh Tử nói như vậy, song thấy sư phụ khen sư huynh nàng là lòng nàng cảm thấy sung
sướng rồi. Nàng lại mỉm cười nói tiếp :
- Sư phụ! Vũ ca con là người rất tốt, bất cứ việc gì cũng hơn con! Những điều gì không biết, con phải hỏi anh ấy cả!
Thấy Thanh Loan ngây thơ, thực thà đáng yêu, Ngọc Chánh Tử bỗng thở dài, nghĩ đến cuộc tình duyên dĩ vãng của bà.
Huyền Thanh đạo nhân là một người mà bà kính yêu rất mực, chỉ vì đại
cuộc mà bà không thể cùng với vị đại sư huynh của bà thỏa lòng ước
nguyện. Giấc mộng đẹp đẽ ba mươi năm qua rồi mà lòng bà vẫn còn mang
hận. Do đó, bà thấy người đệ tử mới của bà lại đem lòng lưu luyến sư
huynh của hắn, bà chợt nảy ra một ý nghĩ, muốn sớm tác thành cuộc tình
duyên này cho xong. Bà không muốn để bọn trẻ ôm mối hận tình, suốt đời
đau khổ như hai vị sư phụ của chúng.
Tuy Ngọc Chánh Tử có lòng tốt, muốn tạo hạnh phúc cho kẻ khác nhưng
lương duyên là chuyện của trời, đâu phải do ý muốn của con người. Vì
vậy, về sau đã đưa hai người đến chỗ tan tác mảnh tình xuân.
Mã Quân Vũ đưa tay tập luyện một hồi, tâm thần không còn biết gì đến mọi việc xung quanh nữa. Qua một lúc, chàng cảm thấy không thể nào khám phá hết cái huyền diệu bên trong được, nên thở dài, buông thõng hai tay
xuống.
Đoạn chàng quay đầu nhìn lại, thấy sư thúc đang đứng ngay bên cạnh, bèn khoanh tay vái, và nói :
- Đệ tử vì mải mê luyện võ công nên thất lễ, xin sư thúc lượng thứ cho.
Ngọc Chánh Tử mỉm cười hỏi :
- Vừa rồi con luyện môn gì vậy? Ta xem giống như thế “Xích Thủ Bộ Long”
trong “Thiên Cang chưởng” đó. Nhưng lại có chỗ khác và còn tinh diệu
hơn. Con tìm ra thế võ đó ở đâu vậy?
Mã Quân Vũ đáp :
- Vừa rồi, dưới khe sâu có bạch hạc và mãng xà khổng lồ giao đấu nhau.
Đệ tử xem thấy hai móng chân bạch hạc quặp lấy cổ mãng xà, chỉ đánh có
một đòn mà mãng xà vong mạng. Đòn này lại giống như thế “Xích Thủ Bộ
Long” mà đệ tử tập mãi vẫn không sao tìm ra diệu quyết của nó.
Ngọc Chánh Tử trầm ngâm một lúc rồi nói :
- Tiếc rằng lúc đó ta không được mục kích, nên không biết thế nào nói
được. Vừa rồi ta nhận thấy cách xử dụng của hai tay con đánh nhau, ta
xem có phần thâm diệu lắm. Nếu con gắng luyện đến chỗ tinh vi của nó thì sau này có thể sáng tạo một chiêu thức riêng cũng chưa biết chừng.
Ngọc Bích đợi Ngọc Chánh Tử nói với Quân Vũ xong mới cúi đầu thưa :
- Sư phụ! Ở dưới khe núi kia có con mãng xà rất lớn, nằm chết queo, sư
phụ xem thử phải là giống “Hắc lân thiết giáp xà” chăng? Lúc nó đánh với bạch hạc nó luôn luôn phun hơi độc.
Ngọc Chánh Tử vận nhãn quang nhìn xuống khe sâu một lúc, lòng rất kinh
ngạc, vì thấy hình dáng mãng xà đúng là loại “Hắc lân thiết giáp” có
điều đáng ngờ là sao nó lại dài đến thế được! Chẳng những là chưa bao
giờ nghe ai nói qua, mà chẳng thế nào tưởng tượng nổi như vậy.
Qua một lúc phân vân, Ngọc Chánh Tử mỉm cười nói :
- Chúng ta xuống đó xem cho tường tận. Vì đây là một con vật lạ đời, cổ kim chưa từng thấy.
Bốn người cùng đứng dậy, phi thân len lỏi vào các mõm đá, nhắm phía khe sâu tiến bước.
Khi xuống gần đến nơi, Ngọc Chánh Tử nhặt một khối đá, vận kình lực vào
hai cánh tay, ném vút một cái, trúng vào giữa lưng mãng xà. Chỉ nghe kêu một tiếng “bịch”, hòn đá bị vỡ ra, tung đi, mà vảy rắn không hề suy sứt một chút nào.
Ngọc Chánh Tử dẫn ba người đến bên xác mãng xà, nói :
- Đây la dịp may ngàn năm một thưở, chúng ta có được bảo vật này! Các con thử tuốt kiếm chém vào mình rắn xem sao?
Mã Quân Vũ không biết da “Hắc lân thiết giáp xà” có thể chống lại đao
kiếm, nên chàng hăm hở tuốt trường kiếm ra, giơ cao chém luôn ba nhát.
Mình rắn không hề
sờn chút nào mà lưỡi kiếm chàng bị mẻ đi nhiều miếng. Chàng vô cùng kinh ngạc, đứng đờ người ra, không nói năng gì cả.
Ngọc Chánh Tử tiếp lấy trường kiếm của Mã Quân Vũ, lật mình mãng xà lên
theo đường chỉ dưới bụng rạch từ trên đầu xuống, máu phụt ra đỏ ối. Máu
mãng xà hôi tanh vô hạn. Mọi người đều phải nín hơi mới khỏi ọe mửa.
Ngọc Chánh Tử đưa tay lột lấy da mãng xà, rồi bảo Quân Vũ mang đến dòng suối bên cạnh, rửa cho thật sạch.
Mã Quân Vũ chưa hiểu dụng ý của sư thúc như thế nào, nhưng không dám hỏi.
Ngọc Chánh Tử hiểu ý, dẫn giải :
- Hắc lân thiết giáp xà là một thứ rắn độc ít ai gặp được. Nó có tánh
hiếu sát, bất luận gặp người hay thú vật nó đều cắn chết. Nó sinh sản ở
những hang núi u tối, miệng phun ra nhiều chất độc, hễ ai trúng phải tất bị hôn mê ngay. Cứ theo truyền thuyết thì loại rắn này do hai loài rắn
độc khác nhau giao hợp rồi sinh ra, nên nó hiếm lắm. Nó tuy độc, nhưng
da nó lại là một báu vật vô giá, nhất là loại to như con mãng xà này,
thì thực cổ kim chưa ai từng thấy. Hôm nay, chúng ta tuy vượt núi băng
ngàn vất vả, mà được tấm da con hắc lân thiết giáp xà này thì thật là
một kỳ duyên hãn hữu vậy. Thứ da này đem ngâm dấm, rồi thuộc mềm đi, đem may thành áo giáp mà mặc có thể tránh được độc chưởng và đạo kiếm.
Dứt lời, Ngọc Chánh Tử gấp gọn miếng da, đeo vào người, rồi cả bốn người cùng trèo lên vách đá, phăng phăng lên núi.
Bốn người lại nhắm những ngọn núi liên miên bất tuyệt tiến tới.
Lúc này, Ngọc Chánh Tử đã lên đỉnh núi cao quan sát địa thế, nhận thấy
về hướng Đông Nam có những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, cao vút tận
mây xanh, khí thế rất hùng vĩ. Cứ theo truyền thuyết thì “Tạng Chánh đồ” trước đây được tìm ra nơi chân núi Bạch Vân, mà nơi đó là một tòa núi
cao nhất, nên Ngọc Chánh Tử hướng dẫn ba đồ đệ thẳng đến phía ấy.
Mã Quân Vũ thấy Thanh Loan vừa đi vừa chau mày, chẳng nói năng gì cả, lấy làm ngạc nhiên, hỏi :
- Sư muội có điều gì bất ý vậy?
Thanh Loan thở phào một hơi, nói :
- Tôi muốn cỡi Bạch hạc, nhưng biết Vũ ca không làm sao bắt nó được, cho nên tôi không hỏi.
Dứt lời, nàng lại nhoẻn cười! Nụ cười có hơi gượng gạo như đứa con nít đòi ăn, làm cho Quân Vũ thấy thật buồn cười.
Mã Quân Vũ nghĩ thầm :
- Cô bé này lúc trước chẳng hề bận tâm điều gì, sao hôm nay cũng sanh ra suy nghĩ vẩn vơ như vậy?
Chàng mỉm cười bảo :
- Việc đó không khó gì! Đợi lúc nào gặp được bạch hạc tôi sẽ bắt cho sư muội cưỡi.
Thanh Loan hớn hở nói :
- No bay mau như vậy, Vũ ca làm sao bắt được?
Quân Vũ nói để làm vui Thanh Loan, chẳng ngờ bị Thanh Loan hỏi lại, chàng không biết đáp làm sao được, cúi gầm mặt xuống đất.
Thanh Loan thấy vậy, ghé bên tai chàng thỏ thẻ.
- Vũ ca! Anh đừng buồn nữa! Tôi không đòi anh bắt bạch hạc đâu.
Mã Quân Vũ mỉm cười :
- Đợi mấy hôm nữa tôi sẽ tìm cách bắt một con bạch hạc tặng cho sư muội chơi...
Thanh Loan hỏi :
- Thế thì tìm bắt cho được hai con. Anh không thích chơi bạch hạc ư?
Mã Quân Vũ gật đầu. Thanh Loan hớn hở vui mừng.
Bốn người đi đến tối, và tìm một hang đá ấm áp nghỉ ngơi.
Hôm sau, trời hừng sáng, họ lại tiếp tục lên đường. Bây giờ bốn người đã tiến sâu đến quãng giữa Quát Thương sơn rồi, họ phóng tầm mắt nhìn
quanh thấy đâu đâu cũng kỳ lạ và hiểm yếu.
Những đỉnh núi cao chọc trời, những sườn núi đứng thẳng tắp, tiếng gió
vi vu thổi, tiếng cây lá xào xạc, hòa lẫn với tiếng thú dữ chốc chốc hét lên, bao nhiêu tiếng đó họp lại tạo thành một cái gì hoang vắng hãi
hùng! Có lẽ nơi đây chẳng mấy khi có dấu chân người bước đến.
Bốn người đành cứ liều thân nhắm thẳng hướng mà đi, vượt hết đỉnh núi này đến đỉnh núi nọ, liên miên như chẳng bao giờ dứt.
Ngọc Chánh Tử tuy không nói ra, nhưng lòng đã thấy ngao ngán. Bạch Vân
sơn không hiểu ở chỗ nào, chẳng lẽ lại phải vượt khắp cả hàng ngàn ngọn
núi để tìm hay
sao.
Thốt nhiên có một tiếng rống như sấm vang, rồi những tiếng hồi âm từ
trong các hang sâu theo nhau vọng lại. Ngọc Chánh Tử nghiêng đầu nhìn
theo, thấy ở góc bên một sườn núi có một con sư tử thật lớn, lông vàng
rằn đen, hai con mắt tròn xoe, sáng quắc đang chòng chọc nhìn vào bốn
người.
Thanh Loan có vẻ sợ hãi, nắm tay Ngọc Bích nói :
- Sư tỷ! Con hổ lớn quá! Chết! Nó cắn chết.
Ngọc Bích bấm tay Thanh Loan nói :
- Không phải hổ! Sư tử! Giống này còn dữ hơn hổ nhiều.
Chợt sư tử gầm lên một tiếng, nhắm hướng bốn người nhảy xổ tới.
Ngọc Chánh Tử ngầm vận nội lực đứng thủ thế. Trong lúc đó Quân Vũ, Thanh Loan và Ngọc Bích đồng tuốt kiếm ra một lượt, xếp thành hàng, đứng sát
bên nhau.
Song con sư tử chỉ nhảy đến một bước, rồi đứng lại, quay đầu bỏ chạy.
Ngọc Chánh Tử lấy làm lạ, thầm nghĩ :
- Sư tử to dường ấy, nó lại là chúa các thú dữ, tình rất hung hăng, sao trông thấy người lại bỏ chạy.
Bà còn đang phân vân thì trên đỉnh núi cao lại có tiếng hạc kêu. Nháy mắt đã thấy một con bạch hạc sà xuống.
Thanh Loan vỗ tay reo :
- Vũ ca! Kìa con hạc trắng về đó!
Mọi người trố mắt nhìn. Con hạc bay sà xuống cách mặt đất chừng năm
trượng, lượn vòng quanh một quả núi, rồi tung cánh đuổi theo hướng con
sư tử vừa chạy.
Ngọc Chánh Tử nhận thấy có sự lạ lùng, để ý lắng nghe, quả nhiên văng vẳng có tiếng tiêu theo gió vọng lại.
Tiếng tiêu tuy không to, nhưng âm thanh réo rắc, bên trong hàm chứa một
uy lực thâm diệu vô cùng. Ngọc Chánh Tử nghe một lúc cảm thấy tâm hồn
xao xuyến, tựa hồ như muốn nhảy múa theo nhịp tiêu, bất giác lòng bà
thấy sợ sệt, vội thu liền tâm thần, đưa chân khí xuống đan điền, đưa tâm vào linh đài, nhắm mắt lại để vận chuyển nội lực.
Còn Mã Quân Vũ, Thanh Loan và Ngọc Bích vì công lực còn kém, nên bị tiếng tiêu ma thu hút cả lý trí.
Ngọc Chánh Tử thấy vậy cuống quýt. Vừa định điểm huyệt cho ba đồ đệ để
giữ vững tinh thần, thì bỗng tiếng tiêu ngưng bặt, dư âm tản lạc vào
không trung.
Mã Quân Vũ sau khi bừng tỉnh vội hỏi :
- Sư thúc! Tiếng tiêu này quái lạ lắm! Âm thuật réo rắc làm rúng động
lòng người. Đệ tử đã vận nội công để chống lại, nhưng vẫn bị tiếng tiêu
làm mê mẩn cả thần trí.
Ngọc Chánh Tử trầm ngâm một lúc, rồi nói :
- Người thổi tiêu này phải là một nhân vật võ công thâm hậu tột bực
trong võ lâm. Theo ta, đoán thì chắc người này là Ngọc Tiêu Tiên Tử. Nếu quả tên nữ quái ấy cũng đến Quát Thương sơn thì một nguy hiểm không nhỏ đối với sư phụ con.
Mã Quân Vũ hỏi lại :
- Ngọc Tiêu Tiên Tử là người thế nào? Chẳng lẽ còn nguy hiểm hơn Bát Cánh Thần Ôn Đỗ Duy Sinh nữa sao?
Ngọc Chánh Tử gật đầu đáp :
- Ngọc Tiêu Tiên Tử hình dạng thế nào không ai có thể nói rõ được. Ít
người được thấy rõ nàng, song tiếng tiêu của nàng thì thường nghe xuất
hiện. Biết bao tay cao thủ võ lâm đã ngã gục trước tiếng tiêu đó, vì thế người ta mới đặt cho nàng cái biệt hiệu là Ngọc Tiêu Tiên Tử. Nghe
người ta nói, Ngọc Tiêu Tiên Tử là một cô gái hay mặc áo đen, mặt có che miếng sa đen. Nàng là một quái nhân ẩn hiện bất thường, không ai thấy
rõ mặt thật của nàng bao giờ.
Ngọc Chánh Tử vừa dứt lời thì đã nghe tiếng hạc kêu, cùng tiếng sư tử rống vang lại. Lòng bà nghi hoặc, nói :
- Chúng ta thử đi xem sao?
Bốn người lại nhảy xuống dưới chân núi, đi vòng sang bên trái, qua mấy khúc quẹo thì thấy cảnh giới thay đổi hẳn.
Có một con đường sơn cốc chạy quanh theo sườn núi, đi sâu vào một cái
hang rộng hơn ba bốn trượng. Mặt đất ở đây bằng phẳng, kỳ hoa dị thảo đủ thứ, gió lộng vươn hương, hai bên sắc núi xanh dờn, dưới chân nền cỏ
xanh như một tấm nệm. Phong cảnh trông đẹp như vẽ, và không thấy bạch
hạc, sư tử đâu cả.
Bốn người cứ trên cỏ mềm chạy riết một hồi quanh qua mười trái núi thì trời đã xế chiều.
Ngọc Chánh Tử thấy các đồ đệ đều có vẻ mệt nhọc, ngừng bước nói :
- Chỗ thâm cốc này khí hậu ấm áp như mùa xuân, phong cảnh lại đẹp, chúng ta hãy ngồi đây nghỉ một lúc rồi sẽ tiếp tục cuộc hành trình.
Lúc đó trời về chiều, ánh nắng vàng rọi xuống dưới hang, những cây thông xanh biếc pha màu với ánh tà dương trông càng rực rỡ.
Thanh Loan nằm ngửa trên thảm cỏ, nhìn những đám mây hồng biến ảo, nét mặt tươi vui như đang nghĩ đến một điều gì thích thú lắm.
Ngọc Chánh Tử đưa mắt nhìn tứ phía, nhận xét vị trí của mỗi nơi, thỉnh
thoảng lại dùng ngón tay vạch ngang vạch dọc trên mặt đá, rồi hốt nhiên
đứng phắt dậy, chạy đến bên sườn núi, để chân khí quy tụ vào đan điền ấn lưng vào vách đá, nhón người vươn lên một sườn núi đứng sững, cao vút
hơn trăm trượng. Rồi chỉ trong chốc lát Ngọc Chánh Tử đã trườn lên đến
đỉnh núi.
Mã Quân Vũ quay sang nói với Ngọc Bích :
- Tam sư thúc về môn “Bích Hổ công” tinh diệu quá! Chỉ dùng một hơi thở
mà có thể vượt lên cao đến trăm trượng. Sức tôi thì chỉ lên cao được
chừng bốn năm mươi trượng mà thôi.
Ngọc Bích mỉm cười, nói :
- Thế thì anh còn hơn tôi nhiều! Tôi có ráng lắm cũng chỉ lên được chừng hai mươi trượng là cùng.
Hai người đang nói chuyện thì bỗng có tiếng Thanh Loan nói :
- Vũ ca! Có người đi tới kia!
Thanh Loan vừa nói vừa nhổm người lên, Quân Vũ và Ngọc Bích đều quay đầu nhìn lại quả nhiên từ phía đông một chàng thiếu niên mặc áo xanh tiến
đến, chân bước tuy chậm, nhưng thân hình lướt đi vun vút, thoáng mắt đã
đến chỗ ba người.
Nhìn kỹ chàng thiếu niên đó, cả ba đều thất kinh. Vì người đó đi chân
không chấm đất, mà chỉ đặt nhẹ lên đầu ngọn cỏ. Do đó, lúc thiếu niên
đến nơi mà không ai có thể nghe một tiếng động nào.
Về thuật “Thảo Thượng Phi Hành” kể ra nó là một thuật khinh thân tuyệt
đỉnh, không lấy gì làm lạ lắm, nhưng ở đây có chỗ lạ là thiếu niên chỉ
đi một hơi mà có thể vượt qua một hành trình quá xa, chứng tỏ nội lực
kinh khủng.
Theo môn này, muốn sử dụng phải vận khí ở đan điền, nhưng một hơi như
vậy chỉ đi chừng độ ba bốn mươi trượng là cùng. Đằng này thiếu niên áo
xanh lại đi một hơi tới hai ba chục dặm, dáng đi trông thong thả mà cực
nhanh! Thật là một công lực phi thường.
Mã Quân Vũ càng xem càng sợ hãi, và nghĩ rằng về môn khinh công của
thiếu niên đó đã đến mức siêu việt. Chàng không hề bì kịp đã đành, mà
ngay cả sư phụ chàng cũng không thể bì nổi công lực ấy được.
Bất giác, chàng đờ người ra, nhìn mãi thiếu niên áo xanh đó. Thiếu niên
áo xanh vẫn cứ dùng thuật “Thảo Thượng Phi Hành” lướt qua lướt lại trước mặt mọi người như đang dò xét việc gì vậy.
Trong lúc đó thì Ngọc Chánh Tử đang đứng trên đỉnh núi cao, phóng tầm
mắt nhìn chung quanh, thấy về hướng Đông có ba đỉnh núi chót vót, đứng
thành hình tam giác, ngọn núi chính giữa có một vệt trắng rũ xuống, ánh
mặt trời rọi vào có những tia sáng long lanh phản chiếu lại. Cứ theo tầm mắt nhìn thì ngọn núi này hùng vĩ nhất vùng. Bà lại cúi xuống nhìn,
thấy bên dưới là một thâm cốc âm u, tuy lối đi quanh co xoay chiều,
nhưng đường hướng vẫn nhắm thẳng tới chỗ ba ngọn núi đó.
Sau khi đã nhận rõ địa thế, Ngọc Chánh Tử lại dùng môn “Bích Hổ công” từ trên đỉnh núi theo vách đá tụt xuống dưới sâu.
Bà vừa đặt chân đến nơi, Mã Quân Vũ liền thuật lại việc chàng thiếu niên áo xanh vừa rồi.
Nghe xong, Ngọc Chánh Tử thất sắc, trầm lặng hàng giờ, không nói câu
nào. Vì bà nghe Quân Vũ diễn tả lại về thân pháp của thiếu niên đó, biết không phải là môn
“Thảo Thượng Phi” mà là môn “Lăng Không Hư Bộ”. Đây là một môn thần công nội gia. Kẻ nào sử dụng được môn này thì công phu đã đến mức siêu đẳng, chẳng những có thể bứt một chiếc lá, một cành hoa búng tới giết người
được, mà còn có thể cỡi trên một bụi cỏ vượt qua một khúc sông xa trăm
dặm.
Tuy nhiên, về môn “Lăng Không Hư Bộ” này, Ngọc Chánh Tử cũng chỉ được
nghe truyền thuyết trên chốn võ lâm mà thôi, bà đã hành tẩu hơn mấy mươi năm, khắp chốn giang hồ mà vẫn chưa hề thấy ai sử dụng được môn ấy.
Ngọc Chánh Tử lại thấy Quân Vũ là kẻ chính chắn, ngôn ngữ rất cẩn thận,
cứ như chàng diễn tả môn phi hành của thiếu niên kia thì thấy quá rành
mạch, không thể nào lầm được. Vì vậy Ngọc Chánh Tử lấy làm lo lắng.
Sau một lúc trầm tư, Ngọc Chánh Tử hỏi Quân Vũ :
- Con xem người thiếu niên áo xanh đó độ bao nhiêu tuổi?
Mã Quân Vũ nghĩ một hồi lâu rồi mới đáp :
- Đệ tử rất hổ thẹn, tuy đã lưu tâm quan sát, song chẳng làm sao nhìn rõ được mặt mày, vì người ấy bước chân lanh lẹ như nước chảy mây trôi.
Trông dáng người thì mảnh mai, ẻo lả, có lẽ không bao nhiêu tuổi, nhưng
con không hiểu vì đâu có được sức nội công như vậy.
Ngọc Chánh Tử lắc đầu nói :
- Theo lời con nói thì đây không phải là môn “Thảo Thượng Phi” đâu. Lúc
người ấy lướt qua mặt các con, các con có nghe một luồng gió nhẹ tạt qua không?
Câu hỏi ấy làm cho Quân Vũ sực nhớ lại, chàng vội nói :
- Nếu sư thúc không hỏi đến con quên mất. Lúc chàng áo xanh đi ngang qua chẳng những không có một chút gió nào, mà cả tà áo cũng chẳng thấy bay, đầu gối cũng chẳng thấy co lại. Lúc chàng rời bước như là lá rụng khói
bay, so với môn “Thảo Thượng Phi” thật khác hẳn.
Ngọc Chánh Tử rợn người, song vẫn cố giữ vẻ trầm tĩnh, lạnh lùng mỉm
cười, không nói. Quân Vũ biết sư thúc nói chưa hết ý, nhưng không dám
hỏi thêm.
Trời dần dần quang đãng, phương Đông nhấp nhô một vừng trăng tròn vành
vạnh, soi sáng vào rừng núi xanh biết. Nơi u cốc càng tịch mịch, cảnh
vật càng thấy đẹp la. lùng.
Ngọc Chánh Tử từ từ đứng dậy, ngoảnh mặt nhìn trăng, thong thả bước trên thảm cỏ xanh, thần thái tuy rất thanh nhã, nhưng thực ra lòng bà đang
rối ren nhiều việc.
Trong sơn cốc đang yên lặng, bỗng vang lên một tiếng hú dài, từ xa vọng đến.
Quân Vũ, Thanh Loan, Ngọc Bích đều đứng dậy một lượt. Ngọc Chánh Tử dừng chân nghe ngóng đợi cho đến lúc tiếng hú im bặt, bà mới quay lại nói
với ba người đồ đệ :
- Rất nhiều cao thủ đã đến Quát Thương sơn, tiếng hú đó cách đây trong vòng năm dặm, chúng ta thu xếp lên đường ngay.
Bốn người dùng thuật khinh công đi nhanh như gió. Đến canh hai thì họ đã vượt qua hơn bảy tám mươi dặm. Cái hang u cốc này hình như vô cùng vô
tận, càng đi càng thấy tân kỳ thanh thú.
Đi quanh vài khúc đường nữa thì lại nghe tiếng thác nước dội ào ào. Ngửa mặt lên thì thấy ba ngọn núi cao chót vót đứng quanh nhau. Hai ngọn
đàng trước, một ngọn đàng sau. Ngọn núi chính giữa có một thác nước từ
trên đổ xuống, dưới ánh trăng trông chẳng khác một dải lụa trắng, rải từ ngọn núi đến chân núi vậy.
Bây giờ u cốc cũng thấy rộng ra, đầy hoa thơm cỏ lạ, mùi thơm man mác
tỏa khắp nơi. Chỗ tận cùng của u cốc là một rừng thông, có mấy cây thông vừa to vừa cao đặc biệt, trên ngọn cành lá xòe ra như một chiếc lọng.
Khu đất này rộng ít nhất cũng phải một mẫu, sau lưng rừng thông là những ngọn núi nhỏ đứng thẳng vút. Những ngọn núi này có một vẻ đẹp rất thanh nhã. Dưới gốc một cây thông cổ thụ có một tảng đá lớn đến nửa mẫu đất.
Dòng suối trong vắt lượn quanh tảng đá ấy rồi chảy xuống một trủng nước
sâu.
Tiếng thác nước dội lên ầm ầm trông rất ngoạn mục, Ngọc Chánh Tử và bọn
đồ đệ ra đứng ở đầu ngọn suối nhìn xuống thì thấy ngọn nước đổ từ trên
xuống vực chẳng khác nào một tấm rèm trắng phau.
Tấm rèm ấy như nhúng xuống một vũng nước mà chúng ta tạm gọi là vực.
Nhưng thực ra khúc vực này không sâu lắm, nó chỉ là một khoảng rộng,
dưới đáy đang bằng phẳng, đột nhiên có một chỗ thu hẹp lại, mà chỗ đó
thì sâu hoắm, nhìn không thấy đáy.
Những cái thần kỳ của tạo hóa không thể nào người ta có thể suy lường được.
Ngọc Chánh Tử chú ý nhìn xuống chỗ sâu, song khốn nỗi trong đó tối om.
Bà tuy nhờ có nội công uyên thâm, mục lực minh mẫn, nhưng cũng chỉ nhìn
rõ được trong vòng mười trượng, ngoài ra không còn phương pháp nào nhìn
rõ cảnh vật trong hang sâu đó được.
Trong lúc đó, bỗng có một vệt trắng từ phương xa bay tới, trong nháy mắt, mọi người nhận ra đó là con bạch hạc.
Thanh Loan vỗ tay reo :
- A! Con bạch hạc lại vào trong thâm động này rồi!
Vừa nghe tiếng nói của Thanh Loan, Mã Quân Vũ thấy bạch hạc lượn qua đầu chàng. Chàng không kịp suy nghĩ, vội vàng vươn người lên, tai trái che
mặt, tay phải dùng thế “Xích Thủ Bộ Long” một thế tuyệt diệu trong
“Thiên Cang chưởng” đánh trúng vào bạch hạc.
Bạch hạc đương lúc vươn mình bay lên, chợt thấy có người đánh trộm, vội
xoay lại, dùng cánh bên trái quạt mạnh một cái, một luồng kình phong
phát ra vô cùng mãnh liệt, đập luồng chưởng lực của Quân Vũ trở lại.
Quân Vũ bị kình lực đánh trúng, tâm thần giao động, liểng xiểng đứng
không vững bị rơi xuống đất từ một trượng cao. Bạch hạc liền nghiêng đầu bay vút đi mất.
Ngọc Chánh Tử thấy Quân Vũ rơi xuống vội phất tay áo phi thân theo. Lúc
Mã Quân Vũ vừa rơi xuống đất, Ngọc Chánh Tử cũng đã đến kịp và đỡ chàng
thoát nạn.
Thanh Loan thấy Quân Vũ bị té sợ quá, đôi mắt rướm lệ, nhìn Quân Vũ không nói nên lời.
Ngọc Chánh Tử đưa tay trái ấn vào nhân trung Quân Vũ một cái. Mã Quân Vũ tỉnh hẳn, mở mắt nhìn thấy Thanh Loan mặt mày đẫm lệ. Chàng lắc đầu,
nói lớn :
- Sư muội! Đừng khóc! Tôi không bị thương tích gì cả.
Thanh Loan đưa tay áo lau nước mắt, nói :
- Con bạch hạc khốn nạn! Tôi không còn thích nó nữa.
Thanh Loan vừa nói dứt lời, bỗng nghe có tiếng quát từ trong bóng cây thông vọng ra :
- Loan nhi! Làm sao con lại đến Quát Thương sơn này?
Tiếng nói ấy đối với Thanh Loan không còn xa lạ gì. Nàng không cần nhìn rõ người ấy đã reo to :
- Sư phụ! Sư phụ!
Từ gốc cây thông, một vị hòa thượng phi thân đến, theo sau là một đạo sư. Hai người này chính là Ngô Không và Huyền Thanh.
Thanh Loan nhảy đến ôm chầm lấy Ngô Không đại sư. Lão hòa thượng tay
phải cầm thiền trượng, tay trái vuốt tóc Thanh Loan mặt đầy thương xót
nói :
- Con đã là đệ tử phái Côn Luân rồi, sao còn gọi ta là sư phụ?
Ngọc Chánh Tử thấy Huyền Thanh đạo nhân xuất hiện trước mặt, cuộc tình
ái trước đây mấy mươi năm lại như nhắc nhở vào lòng. Bà ngẩn người một
lúc rồi mới chấp tay bái kiến, và hỏi :
- Đại sư huynh vẫn được an khang chứ?
Huyền Thanh đạo nhân gật đầu đáp lễ, mặt tươi vui, đáp :
- Vì đâu sư muội lại dẫn các đồ đệ đến đây? Chưởng môn sư đệ vẫn bình yên chứ?
- Nhị sư huynh vẫn mạnh khỏe. Anh ấy và tôi luôn luôn nhớ đến đại sư huynh.
Tôi lặn lội ngàn dặm đến Tương Bắc để thăm đại sư huynh, giữa đường gặp
bọn chúng. Sau khi xem thư, biết là đại sư huynh đến Quát Thương sơn,
nên tôi dẫn
chúng đến đây tìm, may ra giúp được đại sư huynh việc gì chăng.
Huyền Thanh đạo nhân khẽ thở dài, hình như muốn nói điều gì rồi lại
thôi. Tiếp đó ông dẫn Ngọc Chánh Tử đến giới thiệu cùng Ngô Không đại
sư.
Ngô Không đại sư đưa tay lên trước ngực niệm Phật, rồi từ tốn nói :
- Tôi vẫn được nghe lệnh sư huynh nhắc đến hạc giá, nhưng tưởng mình vô
duyên không bao giờ được hội kiến. Loan nhi thân thế rất bi thảm, tứ cố
vô thân, bần tăng vô phương giáo dưỡng để nó quen thói bê tha, mong hạc
giá phí chút tâm sức răn dạy, lão tăng xin thay mặt cảm tạ ân đức muôn
vàn.
Dứt lời, Ngô Không chấp tay bái ba bái.
Ngọc Chánh Tử vội vàng chấp tay đáp lễ và nói :
- Loan nhi về võ học đã được chân truyền của đại sư rồi! Ngọc Chánh Tử
này có tài đức gì đâu mà dám thu nhận đồ đệ tài giỏi như thế. Chẳng qua
vì mệnh lệnh của đại sư huynh tôi, tôi không dám trái ý nên đành đánh
bạo thừa nhận. Ngày sau nếu vì Loan nhi mà ân oán lan rộng đến đâu, tôi
quyết đem thân cáng đáng, không hề ra ngoài thế cuộc.
Huyền Thanh cười ha hả tiếp lời :
- Tam sư muội không nên quá khiêm tốn! Tôi là đại sư huynh, nhưng mệnh
lệnh cũng phải tuân theo ý của Chưởng môn sư đệ. Việc này cũng mong sư
muội bẩm qua với Chưởng môn sư đệ, vì ngày sau dư ba lan tràn không phải nhỏ đâu. Việc này quan hệ đến một cuộc tranh chấp lớn lao về môn phái.
Tôi không dám tự chuyên một mình được.
Ngọc Chánh Tử vui vẻ đáp :
- Nhị sư huynh tuy là người Chưởng môn, song từ mấy chục năm nay vẫn cảm ân đức của đại sư huynh. Việc này xin cứ an tâm. Tôi dám chắc nhị sư
huynh chẳng bao giờ phản đối.
Ngô Không đại sư không hiểu rõ Côn Luân tam tử có một mối tình ái lâm ly đau khổ, nên không thể hiểu được những ý nghĩa của câu nói đó.
Thấy Ngọc Chánh Tử quả quyết thừa nhận đảm đương những việc ân oán của
Thanh Loan, ông ta khâm phục vô cùng, đưa thiền trượng lên cao, nói :
- Bần tăng tuy không phải là một môn hạ của Côn Luân, song xin tình
nguyện hiệp lực cùng quý phái, một khi nếu cần dùng tới, bần tăng sẵn
sàng nghe lời sai bảo, dù phải nhảy vào lửa đỏ cũng chẳng dám chối từ.
Huyền Thanh đạo nhân nét mặt trầm ngâm lo lắng. Ông ta biết rằng “Tạng
Chánh đồ” là một vậy kỳ bảo mà trong giới võ lâm ai cũng ham muốn. Giữ
được “Tạng Chánh đồ” tất phải đổi bằng xương máu. Thế mà hôm nay Ngọc
Chánh Tử lại đem một lũ đồ đệ trẻ đến đây, thực ra chẳng ích gì mà còn
cho ông thêm một mối lo về sinh mạng của chúng nó nữa. Tuy ông không nói ra, nhưng lòng không vui.
Trong mười mấy năm rồi, Ngọc Chánh Tử không gặp mặt Huyền Thanh, bây giờ trông thấy nhau, lòng bà cảm hứng vô cùng, nói không ngớt miệng. Mấy
người ngồi lại quây quần dưới ánh trăng, đem những chuyện trông thấy ở
dọc đường kể lại.
Huyền Thanh đạo nhân nghe kể đến câu chuyện các tay cao thủ kéo nhau đến Tương Bắc để tranh đoạt “Tạng Chánh đồ” ông không lấy làm lạ, là vì
chính việc đó ông cũng nghĩ đến rồi. Chỉ có điều không ngờ họ lại kéo
đến sớm như thế.
Theo lời Ngọc Chánh Tử thuật qua thì phái Hoa Sơn có Bát Cánh Thần Ôn,
phái Điểm Thương có Song Nhạn, còn về Thiên Long bang có Tô Bằng Hải là
kẻ quái kiệt nhất đời, e rằng hắn sẽ bố trí nghiêm mật.
Tuy nhiên, người mà làm cho Huyền Thanh lo lắng nhất là vị thiếu niên áo xanh mà họ gọi là Thanh y quái nhân, mà mọi người đã gặp dưới u cốc.
Ngoài ra lại còn
người thổi tiếng tiêu mê hồn ma nữa. Hai người đó chẳng khác một con thần long, chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi.
Ngọc Tiêu Tiên Tử ẩn hiện trong giang hồ một cách nhập thần xuất quỷ,
còn Thanh y quái nhân kia lại không ai biết rõ lai lịch, không thể nào
lường được sức võ công cao thâm của hai người đó. Mà cả hai đều đã xuất
hiện nơi Quát Thương sơn này thì thật là chuyện vô cùng quan hệ.
Huyền Thanh đạo nhân tuy trong lòng chan chứa mối lo âu, mà ngoài mặt vẫn giữ nét thanh thản, nhìn Ngọc Chánh Tử nói :
- Tôi và Ngô Không đại sư chiếu theo chỉ dẫn của “Tạng Chánh đồ” đi tìm
rất công phu, vất vả hơn sáu bảy ngày mới tìm ra chốn u cốc này đây. Thế mà sư muội và đồ đệ vừa mới lên núi đã tìm được đến đây ngay, lại còn
đến trước chúng tôi một chút, kể ra cũng hay lắm đấy chứ.
Ngọc Chánh Tử đáp :
- Đây chỉ là một sự may mắn ngẫu nhiên thôi, thực ra chúng tôi cũng chỉ nhắm mắt đi càn.
Huyền Thanh đạo nhân thấy thì giờ quý báu vô cùng, không thể chậm trễ
được, ông liền trải tấm “Tạng Chánh đồ” dưới ánh trăng, chiếu theo đồ vẽ sơn thủy thì đúng y như cảnh vật nơi đây, không khác một mảy may nào.
Chỉ có điều khó là “Tạng Chánh đồ” không chỉ rõ chỗ cất “Quy Nguyên mật
tập” ở đâu. Nếu vậy còn phải mất công suy nghĩ tìm tòi qua một thời gian nữa.
Mọi người xúm lại bàn luận nghiên cứu. Kẻ bàn cách này, người nói thế
kia, nhưng không dự đoán được một lý lẽ nào có thể chắc chắn được.
Huyền Thanh đạo nhân ngẩng mặt lên nhìn trời, ánh trăng rọi qua những
cành cây kẽ lá, thỉnh thoảng từng luồng gió thổi tới, làm cho những chấm vàng trên mặt đá rung rinh tựa hồ như những ánh sao di động. Ông ta cất tiếng ngâm hai câu thơ phần sau dưới bài kệ ghi trong bức “Tạng Chánh
đồ”.
Kẽ thông ánh trăng rọi,
Dòng suối quanh thạch đầu.
Thốt nhiên, ông đứng dậy, chạy đến gốc cây thông lớn để ý tìm kiếm, thấy dòng nước chảy róc rách lượn quanh tảng đá rồi chảy vào một thâm động
cách đó chừng một trăm thước.
Nhìn kỹ tảng đá đó, Huyền Thanh thấy nó là một vật thiên nhiên không
phải do tay người xếp đặt. Tuy nhiên ông cũng rút trường kiếm gõ tỉ mỉ
từng chút, từ chỗ này đến chỗ khác, mất hàng giờ mà vẫn chẳng tìm ra một vết tích gì.
Thanh Loan thấy dòng nước mát rượi lấy làm thích thú, chạy đến ngồi trên một triền đá, cởi giày thòng chân xuống, đá tung những bọt trắng lên,
cười ha hả.
Quân Vũ thấy thế, chạy đến bên nàng hỏi :
- Có gì mà thích thú như vậy sư muội?
Thanh Loan đưa mắt nhìn xuống vực rồi nhìn Quân Vũ, nói :
- Tai sao dòng suối thế này mà chảy xuống cái vực bé xíu. Ước gì vực
nước lớn ra, đừng chảy mạnh để chúng ta xuống tắm, bơi lội cho vui.
Mã Quân Vũ thấy nàng ao ước điều vu vơ, mỉm cười nói :
- Trời sanh như thế thì phải chịu, đâu phải lòng người ước mong mà được.
Thanh Loan nũng nịu, nói :
- Dòng suối to, mà cái vực bé xíu, nếu nước cứ chảy vào đấy mãi nó tràn lên thì chết.
Bỗng Quân Vũ “Á” lên một tiếng rất lớn, làm cho Thanh Loan giật mình.
Vì câu nói vu vơ của Thanh Loan mà một ý nghĩ thoáng qua trong óc chàng. Chàng lẩm bẩm :
- Khe suối này chảy xuống đây hàng mấy nghìn vạn năm, thì cái vực này dù to và sâu đến đâu cũng không chỗ chứa, tất nó phải tràn lên. Xem thế
này thì dưới đáy vực nhất định có một đường ngầm thủy đạo chảy thông qua nơi khác.
Quân Vũ chạy tới bên cái hang sâu, đưa tay rờ bốn phía, thì thấy xung
quanh toàn là vách đá dựng đứng lên, bất giác chàng nhớ đến câu kệ trong “Tạng Chánh đồ” và reo to :
- Đúng rồi! Trong cái hang sâu này nhất định phải có một đường hầm thông một chỗ khác.
Huyền Thanh đạo nhân và mọi người đang bóp trán suy nghĩ, nghe tiếng
Quân Vũ la, đều xúm lại hỏi. Quân Vũ trình bày ý nghĩ của mình. Huyền
Thanh trầm ngâm nói :
- Điều đó cũng có lý, nhưng hang sâu thăm thẳm, tối ngòm, xung quanh đều có vách đá thẳng tấp, không chỗ đặt chân xuống để dò thăm đáy vực, thì
xuống đó là cả một sự khó khăn nguy hiểm.
Sau một lúc suy nghĩ, Huyền Thanh đạo nhân quay qua bảo Quân Vũ :
- Con đi tìm cho ta một ít dây thật chắc đem về đây.
Nói xong, ông liền ngồi xếp bằng trên bãi cỏ, nhắm mắt để vận nội công.
Ngọc Chánh Tử biết rõ ý định của vị sư huynh muốn thám hiểm đáy vực,
miệng tuy không nói gì, nhưng lòng băn khoăn không được yên chút nào.
Được một lúc, Quân Vũ đã tìm được một bó dây mang về, Huyền Thanh đứng phắt dậy, mỉm cười nói :
- Cái vực thẳm này bốn vách đều trơn nhẵn, mà không ai hiểu sâu hay cạn
bao nhiêu, nếu dùng môn “Hổ Bích công” e xuống không đến đáy. Ta muốn
mượn sức sợi dây mây để xuống cho đỡ phần nguy hiểm. Mọi người hãy đợi
tôi ở trên bờ.
Đoạn ông ta bảo Quân Vũ nối liền từng sợi dây vào với nhau.
Quân Vũ tuân lời nối lại thành một sợi dây dài, và thưa với Huyền Thanh :
- Thưa sư phụ! Đệ tử xin thám hiểm thay cho sư phụ.
Huyền Thanh lắc đầu nói :
- Vực sâu không biết đâu mà lường. Trong đó biết đâu chẳng có quái vật hung ác, sức con chưa thể đảm nhiệm việc khó khăn này.
Ngọc Chánh Tử tiếp lời :
- Tôi xuống thay cho sư huynh được chăng?
Huyền Thanh đạo nhân cười lớn, nói :
- Chưởng môn sư đệ còn phải cần sư muội giúp đỡ nhiều việc, sư muội
không thể thay tôi làm việc nguy hiểm này. Thân tôi nếu có điều gì bất
trắc, mong sư muội trông nom giùm Quân Vũ và Thanh Loan là đủ. Và nhờ sư muội thay lời tôi xin lỗi với Chưởng môn sư đệ về việc tôi tự tiện
truyền “Truy Vân kiếm pháp” cho Quân Vũ mà chưa được sự đồng ý của nhị
vị sư đệ và sư muội.
Ngọc Chánh Tử nghe nói rất thương cảm, song vẫn gượng cười nói :
- Tôi biết lắm! Chẳng có việc gì nhị sư huynh không tuân theo lời dạy của đại sư huynh đâu.
Huyền Thanh đạo nhân cầm một đầu dây tới gần bờ, nhảy xuống vực. Ngô
Không đại sư ở trên cứ cầm đầu dây thả mãi ra. Trong phút chốc Huyền
Thanh đạo nhân đã chìm hẳn trong đáy vực sâu
Ngọc Chánh Tử và mọi người đều chú mục nhìn xuống đáy vực, trong lòng hồi hộp lo lắng.
Ngô Không đại sư cứ cầm đâu dây thả mãi, từ mười trượng, rồi đến một
trăm trượng, hai trăm trượng mà vẫn còn phải thả mãi. Bỗng nhiên, một
tiếng rú từ dưới
đáy vực văng vẳng vọng lên, rồi đầu dây nhẹ nhõm.
Ngô Không đã biết Huyền Thanh đã xuống tới đáy vực rồi, thở phào một hơi.
Và mọi người ai cũng nóng lòng chờ đợi.
Cái giờ phút ấy thật quan trọng làm sao!
Một giờ rồi hai giờ trôi qua... và cho đến lúc mặt trăng sắp lặn, và mặt trời đã nhấp nhô ở đồi non, mà Huyền Thanh vẫn biệt vô âm tín.
Mã Quân Vũ bận lòng về an nguy của sư phụ, không thể chờ đợi được nữa, liền cúi đầu nói với Ngọc Chánh Tử :
- Sư thúc! Con xin xuống vực tìm sư phụ xem sao?
Ngọc Chánh Tử thấy Quân Vũ có vẻ cương quyết, và chính bà cũng nóng lòng nên không cản trở, gật đầu dặn :
- Con phải thận trọng. Nếu không tìm được sư phụ thì cũng phải lên ngay, không nên chần chờ ở dưới đó.
Quân Vũ vâng lời, chạy ra bờ vực. Thanh Loan bước theo nói nhỏ :
- Em cũng muốn xuống đó.
Quân Vũ xua tay nói :
- Tôi xuống một chút thì lên liền. Sư muội cứ chờ tôi.
Dứt lời, chàng vịn bờ đá tung mình xuống vực. Xuống được mười trượng
chàng cảm thấy hơi lạnh rợn người. Chàng vội vàng vận khí để chống với
sức lạnh.
Chàng vừa xuống vừa quan sát tình thế, thấy cái hầm ấy càng xuống càng
thu hẹp lại. Xuống đến hai trăm trượng, thì đáy hầm chỉ còn bề rộng hơn
một sải tay. Chàng lại thấy từ đáy hầm dần về phía Tây, nước ở khe chảy
xuống đều trào ra phía đó. Giáp vách đá về phía Đông có một cái cửa, cao bằng đầu người đứng. Quân Vũ len mình tiến vào, thấy trước mặt có con
đường hẹp, hai bên là vách đá chỉ vừa một người đi, đường ngoằn ngoèo và tối như mực. Đi một quãng thì thấy rộng dần và có ánh sáng.
Đi một quãng nữa thì ánh sáng rõ dần, cảnh vật xung quanh tuyệt đẹp. Hai bên vách đá nhưng ánh ngọc thạch rọi ra những tia sáng long lanh, huyền ảo chẳng khác nào một thế giới lưu ly vậy.
Thấy cảnh vật đẹp mắt, Quân Vũ bất giác buột miệng khen :
- Thật là không thể tưởng tượng. Ai ngờ trong cái vực thăm thẳm, sâu hơn hai trăm trượng này lại có một bầu trời riêng biệt? Nếu không tự mình
mục kích mà nghe ai kể lại cũng không thể tin nổi.
Bỗng Quân Vũ nghe có tiếng thở dài phía trước, nhận ra đấy chính là
tiếng sư phụ, chàng ngạc nhiên, vội rảo bước về phía ấy. Đi qua hai khúc quanh thì hai bên vách đá không còn nữa, cảnh vật mở rộng hẳn ra, một
khoảng đất bằng, rộng độ một mẫu, có trồng đủ thứ cây trái. Huyền Thanh
đạo nhân đang ngồi xếp bằng ở giữa vườn cây, nét mặt có vẻ trầm tư.
Chàng lần bước đến, nhưng hình như Huyền Thanh đạo nhân chẳng hay biết gì cả.
Chàng có cảm giác lạ lùng, vội chạy nhanh đến bên rừng hoa, định xông
thẳng vào. Nhưng bỗng óc chàng thoáng nghĩ ra điều gì vội dừng lại.
Chàng nhận thấy như sư phụ chàng đang bị vây khốn trong vườn hoa này, không thể nào tìm được lối thoát.
Chàng biết rõ sư phụ chàng chẳng những võ công thâm diệu, mà còn thông
hiểu cả về bát quái, dịch lý và ngũ hành kỳ môn nữa. Vạn nhất vườn hoa
này người ta trồng theo thuật bát quái đồ thì sư phụ chàng cũng hiểu rõ
phương hướng thoát ra dễ dàng có đâu lại khoanh tay ngồi đó.
Lòng nghi hoặc, chàng thận trọng nhìn kỹ những lối trồng cây, thì thấy
cây trồng tán loạn, không có thứ tự, không giống như thế trận bát quái.
Nhìn một lúc lâu, Quân Vũ vẫn không tìm ra chỗ đặc biệt của vườn hoa.
Thốt nhiên, chàng thấy sư phụ chàng đứng dậy suy nghĩ một lúc rồi rẽ
sang bên trái, đoạn vòng sang bên phải. Mã Quân Vũ đứng ngoài thấy rõ sư phụ chàng đang chiếu theo bộ pháp ngũ hành kỳ môn, đi sang bên trái bảy bước, rẽ sang bên phải tám bước quanh đi quẩn lại mãi mà không ra trong vòng một trượng. Có lúc chàng thấy sư phụ chàng đã đi đến mép rừng, chỉ cần bước thêm mấy bước nữa thì ra khỏi, nhưng rồi lại quay trở lui về
chỗ cũ.
Chàng quá nóng ruột, vội lên tiếng, gọi :
- Sư phụ bước thêm hai bước nữa!
Chàng gọi rất lớn mà Huyền Thanh đạo nhân không hề nghe thấy gì cả, mà cũng chẳng quay đầu lại.
Huyền Thanh đạo nhân đi một hồi rồi lại quay về chỗ cũ ngồi thở dài. Nhưng tiếng thở dài ấy Quân Vũ nghe rất rõ.
Chàng nóng lòng quá, vì thấy sư phụ chàng bị khốn trong vườn hoa mà
không sao cứu được. Sau một lúc suy nghĩ chàng tìm ra một biệt pháp.
Chàng nhẩm đếm vườn hoa có tất cả là 9x9 = 81 cây. Chỗ Huyền Thanh bị
khốn vào khoảng giữa. Nếu chặt hẳn đi một mặt bao nhiêu cây thì trận thế không còn hiệu lực nữa, mà sư phụ chàng chắc có thể thoát ra được. Có
điều tám mươi mốt cây hoa này cây nào cũng tươi thắm, trông đẹp mắt,
chết đi thực đáng tiếc.
Nhưng dù sao việc cứu sư phụ là hệ trọng, không thể vì cái đẹp của cành hoa mà đáng tiếc.
Chàng cả quyết, tuốt kiếm! Cứ mỗi lần vung kiếm là một thân cây ngã xuống.
Quân Vũ lại hết sức thận trọng, mỗi lần chàng vung kiếm chém đều cúi rạp người xuống, đợi cho cây ngã xong mới dò bước đi. Khi không thấy có gì
khác lạ chàng mới chém tới cây thứ hai.
Chàng chém một lúc thì ngã được hai mươi bảy cây.
Huyền Thanh đang thất vọng không còn biết phương pháp nào ra khỏi vườn
hoa đột nhiên thấy trước mặt sáng hẳn. Nhìn lại thấy Quân Vũ đang cầm
kiếm đứng ngay bên cạnh, ông ta thong thả đứng dậy nói :
- Trận hoa này rất kỳ lạ, khác hẳn trận ngũ hành kỳ môn. Trận thế huyền
diệu khôn lường, nếu không có đồ đệ nghĩ ra biện pháp này thì ta không
thể nào thoát được. Nhưng tại sao ngươi lại xuống đây?
Quân Vũ thuật lại việc mọi người nóng lòng chờ đợi bên trên.
Huyền Thanh nói :
- Dẫu nóng lòng, nhưng ta không thể nào bỏ lên sớm được. Vì một lần thám hiểm là một lần khó, phải tìm được kết quả nào. Ta sơ ý, suýt hỏng việc lớn.
Quân Vũ hỏi :
- Bây giờ có cần phải chặt cho hết vườn hoa này để lúc ra khỏi bị vây hãm nữa không?
Huyền Thanh lắc đầu nói :
- Không cần, con đã chặt mất hai mươi bảy cây thì vườn hoa đâu còn hiệu lực nữa. Chúng ta lần sâu vào trong xem sao.
Mã Quân Vũ thấy chưa yên lòng, tay cầm kiếm dài đi mở đường. Chàng thấy
cây hoa nào đứng gần đều phát ngay cho ngã xuống. Huyền Thanh đạo nhân
mải suy nghĩ nên cũng để mặc cho chàng hành động.
Bỗng Quân Vũ thấy quanh đấy lại có mấy đống xương, lớp đã mục, lớp còn
nguyên. Có bộ xương đứng, có bộ xương nằm, có bộ xương ngồi, không giống nhau nhưng đều là xương người cả.
Chàng quay lại hỏi Huyền Thanh đạo nhân :
- Những bộ xương này đều là xương người cả hay sao?
Huyền Thanh đạo nhân thở dài nói :
- “Quy Nguyên mật tập” đã hại người như thế đó. Những người này trước
đây cũng chỉ vì đi tìm “Quy Nguyên mật tập” bị khốn trong vườn hoa này
đến nỗi bỏ xương. Nếu con không xuống đây và không có sáng kiến chặt
vườn hoa này thì ta cũng góp vào đây một bộ xương nữa rồi.
Quân Vũ nói :
- Con đứng ngoài thấy sư phụ bị khốn, không biết cách nào, nghĩ rằng chỉ vì các cây hoa ấy đã làm hại sư phụ nên quyết định chặt nó. Đó cũng là
hành động liều lĩnh, may là có kết quả.
Hai người đi qua khỏi khu vườn thì có một con đường hẹp, hai bên vách đá cheo leo. Trước mặt có một cánh cửa bằng đá ngăn chận. Huyền Thanh đạo
nhân liền vận nội lực đẩy tới, tức thì cánh cửa mở ra, trong đó có một
hang rộng bằng ba căn phòng.
Hai bên vách đá có gắn hai cục ngọc lưu ly rất lớn, tỏa ánh sáng lờ mờ.
Giữa phòng có một cái bàn thạch bóng nhẵn. Trên bài thạch có một sư nữ
và một đạo nhân ngồi xếp bằng trông rất nghiêm chỉnh. Trong phòng lại
phát ra một mùi thơm khác lạ.
Trước mặt hai người có để một ly hương lớn, trong đó tàn hương trắng
xóa. Mùi thơm trong lòng phát ra là do ở bình hương đó. Cái mà Huyền
Thanh đạo nhân chú ý nhất là phía trong bình hương có một chiếc hộp
ngọc, bề dài một thước, bền ngang hơn ba tấc, chiếu lóng lánh trên mặt
bàn.
Huyền Thanh đạo nhân đoán ra một sư một đạo đó chính là pháp thân của
Ngọc Long chân nhân và Tam Âm thần ni, mà thế nhân đã truyền tụng trước
đây một trăm năm đó.
Ông liền cúi rạp mình xuống tham bái. Mã Quân Vũ thấy sư phụ quỳ lạy rất cung kính cũng phải quỳ xuống lại theo. Nhưng chàng không khỏi thắc
mắc, chẳng hiểu hai người ngồi trong thạch động này chết hay sống.
Trong lúc quỳ lạy, chàng lén ngẩng đầu lên nhìn thì thấy hai pháp thể
của hai vị đó ngồi im, đôi mắt nhắm kín như tham thiền nhập định.
Chàng nghĩ thầm :
- Cứ theo lời sư phụ thường nói thì hai vị này đã chết trước đây hơn một trăm năm. Thế sao xương thịt không bị tiêu tan mà vẫn giữ được nguyên
hình như kẻ sống? Có lẽ hai vị cao nhân tiền bối này đã luyện được một
phương phát đặc dị nào chăng?
Tuy chàng thắc mắc nhưng thấy vẻ mặt của sư phụ chàng quá trịnh trọng, nên không dám hỏi.
Huyền Thanh đạo nhân tham bái xong từ từ bước tới bàn thạch, nhìn kỹ chiếc hộp ngọc, thấy trên nắp hộp có khắc tám chữ lớn:
“Mật tập trọng bảo trân kỳ mạc tuyển”.
Qua một trăm năm lưu truyền trong các giới võ lâm về “Mật tập kỳ thư”
này, chẳng khác nào một bảo vật quý giá nhất đời, mà lòng người ai cũng
hằng mong ước.
Nay được thấy của quý ấy trước mặt, Huyền Thanh đạo nhân là kẻ trầm tĩnh nhất mà tâm hồn cũng phải xao động. Nét mặt ông đổi khác, không thể
đoán được ông ta mừng vui hay lo lắng. Chỉ thấy tay ông run run đưa tới, mở nắp hộp ngọc ra.
Nắp hộp vừa mở, bên trong để lộ ra ba cuốn sách mỏng. Quyển sách đầu tiên trên bìa có đề bốn chữ “Quy Nguyên mật tập”.
Mặt Huyền Thanh tái nhợt vì sung sướng, ông ta rút trong bọc ra một
miếng vải vàng mỗi bề một thước, đặt trước bàn thạch, rồi trịnh trọng
lấy ba quyển sách bỏ vào đấy gói lại đeo lên vai.
Đoạn ông rạp mình bái lạy hai pháp thân của hai vị tiền bối một lần nữa, rồi mới từ từ dắt Quân Vũ bước ra, theo đường cũ trở về đáy vực.
Đến nơi, Huyền Thanh từ dưới đáy thẳm vận khí nơi đan điền hét lên một
tiếng dài. Tiếng hét có một công lực rất mạnh xé nước tung lên.
Ngọc Chánh Tử và Ngô Không đại sư đang đứng trên miệng vực nóng lòng chờ đợi, bỗng nghe tiếng hét vang lên, ai nấy đều khoan khoái thở phào ra
một hơi như trút được niềm lo lắng.
Qua một lúc, mới thấy Mã Quân Vũ theo dây leo lên trước.
Lý Thanh Loan từ khi Mã Quân Vũ xuống đáy vực thám hiểm, lòng nàng hồi
hộp từng giây từng phút. Đôi mắt nàng không lúc nào rời khỏi cái đáy vực thăm thẳm kia. Đến khi thấy Mã Quân Vũ trồi đầu lên, nàng cười to một
tiếng, và la lớn :
- Kìa! Vũ ca! Vũ ca đã lên đến!
Tiếp đó Huyền Thanh đạo nhân cũng nói theo Quân Vũ xuất hiện.
Ngọc Chánh Tử vui mừng hỏi :
- Sao ở dưới vực thẳm lâu như vậy? Cái gói đại sư huynh đeo trên vai có phải là “Quy Nguyên mật tập” chăng?
Huyền Thanh đạo nhân gật đầu, nhìn qua mọi người, rồi mỉm cười đáp :
- Tôi bị vây trong trạân hoa ở đáy vực, thiếu chút nữa là bỏ mình. May
nhờ có Mã đồ đệ xuống kịp và có óc thông minh nên mới tìm được báu vật
đó.
Ngọc Chánh Tử quay mặt nhìn Mã Quân Vũ , rồi mỉm cười nói với Huyền Thanh :
- Nó không những có óc thông minh mà còn đầy lòng quả cảm nữa. Đại sư
huynh có được người đệ tử như vậy chắc phái Côn Luân chúng ta sau này có kẻ thừa kế rồi!
Mã Quân Vũ được sư thúc khen, mặt đỏ bừng, không nói ra lời.
Huyền Thanh đạo nhân nhìn Quân Vũ tỏ vẻ ái ngại. Ông ta thầm nghĩ :
- Bây giờ lấy được mật tập rồi, nhưng chưa phải là đã hết khó khăn. Việc tiếp theo là phải tìm một nơi hoang vu cô tịch để nghiên cứu. Trong mật tập thế nào cũng có nhiều khó khăn, mà không phải một năm hai năm có
thể thấu đáo nổi. Trong lúc đó thì các cao thủ võ lâm đâu chịu để yên,
chúng đến cướp giật, gây nhiều khổ sở cho phái Côn Luân ta, mà bọn đồ đệ trẻ tuổi không thể nào tránh khỏi thảm họa. Việc đánh giết này không
phải một cuộc trả thù cá nhân, mà nó là một đại sự, ảnh hưởng khắp giang hồ, bất cứ môn phái nào cũng tham chiến, dự phần vào cuộc tranh giành
thảm khốc này.
Suy nghĩ một lúc không tìm ra cách nào để giải thoát cho các đồ đệ của ông được, Huyền Thanh đạo nhân thở dài não nuột.
Ngọc Chánh Tử thấy đại sư huynh được “Quy Nguyên mật tập” đã không vui, mà nét mặt đầy vẻ lo lắng, liền hỏi :
- Đại sư huynh có điều gì khó nghĩ?
Huyền Thanh đạo nhân nói :
- Có được bảo vật càng phải lo lắng nhiều hơn, vì nó là một “khoáng thế
kỳ thư di bảo” mà cũng là một căn nguyên của tai họa trong giới võ lâm.
Ngọc Chánh Tử sực nhớ đến tâm da rắn của bà vừa lấy được, vội mở ra chỉ cho Huyền Thanh đạo nhân xem, và nói :
- Lần đi Quát Thương sơn này tôi cũng không phí công. Trong lúc đại sư
huynh lấy được “Quy Nguyên mật tập” thì tôi cũng được một “võ lâm kỳ
trân”. Sư huynh xem đây.
Huyền Thanh đạo nhân lấy tấm da rắn để dưới ánh nắng mặt trời xem xét
thấy trên da lóng lánh như sao, đúng là da của loại “Hắc lân thiết giáp
xà”, mỉm cười gật đầu nói :
- Tấm da “Hắc lân thiết giáp xà” mà to như thế này thực là một vật vô cùng quý giá, ít khi kiếm được. Sư muội tìm đâu ra vậy?
Ngọc Chánh Tử vồn vã nói :
- Kể ra cũng chỉ là chuyện may thôi, chứ một quái xà to như thế dẫu có
gặp cũng không thể nào bắt nó được. Tuy nhiên, giờ đây hai vật báu đã
vào tay phái Côn Luân. Một là “Quy Nguyên mật tập”, hai là “Thiết Giáp
xà” thì phái Côn Luân chúng ta có đủ điều kiện xưng hùng trong chốn võ
lâm sau này.
Ngọc Chánh Tử chưa nói dứt lời, thì bỗng nhiên có một tràng cười lanh lảnh vọng đến. Tiếng cười tuy không to nhưng nghe rất rõ.
Huyền Thanh đạo nhân thất kinh đứng phắt dậy, đưa hai luồng nhãn quang
tìm khắp bốn phía. Nhưng lạ thay, tiếng cười rất gần mà không thấy ai
cả.
Huyền Thanh đạo nhân công lực đã cao, có thể nghe rõ một chiếc lá rơi
trong vòng năm trượng thế mà người này cười ngay ở bên ông mà ông cũng
không biết họ đến tự lúc nào và biến ẩn nơi đâu.
Cả Ngọc Chánh Tử và Ngô Không đại sư cũng nhận thấy tiếng cười rất quái lạ.
Người nào cũng nhớn nhác đưa mắt tìm tòi nhưng tuyệt nhiên không nhận ra vết tích gì.
Bỗng có tiếng Thanh Loan gọi :
- A! Bạch hạc lại bay tới rồi!
Huyền Thanh, Ngọc Chánh Tử và Ngô Không còn đang chú ý tìm tông tích
người vừa phát ra tiếng cười quái lạ, nên không để ý đến biến cố xảy ra
trên đỉnh đầu.
Đến khi nghe Thanh Loan nói thì đã muộn. Họ vừa ngẩng đầu lên thì bạch
hạc đã cuộn gió bay vút qua bên Huyền Thanh, vừa thò chân quặp lấy miếng da mãng xà rồi.
Ngọc Chánh Tử đứng gần sát bên Huyền Thanh, thấy bạch hạc đột nhiên đáp
xuống quặp tấm da rắn, trong lòng vừa tiếc vừa giận, quát to một tiếng
lớn, phất tay áo phi thân theo, đánh một chưởng vào bạch hạc, luồng kình phong veo véo. Bạch hạc bị quây lộn một vòng, rồi lại cất cánh bay vút
tận mây xanh, ré lên một tiếng lớn.
Ngọc Chánh Tử vận dụng hết nội lực, đánh ra một chưởng với sức mạnh có
thể tan bia vỡ đá, mà vẫn không hạ được bạch hạc, lòng vừa tiếc, vừa
giận, vừa thẹn, nên sau khi đã đứng được xuống mặt đá, bà ngước đầu nhìn trời, mặt buồn tênh, không nói gì cả.
Huyền Thanh thấy vậy bước đến bên bà tìm lời an ủi :
- Con bạch hạc này đánh chết một con mãng xà dài hai trượng thì phải là
một loài có sức mạnh phi thường. Nó chỉ quặp lấy tấm da rắn mà không
đánh người, đủ biết nó là một loài linh điểu. Mà linh điểu này tất phải
có một kẻ nào nuôi dưỡng. Một đòn “Phách Không chưởng” của sư muội ít
nhất cũng nặng tới năm sáu trăm cân, đừng nói gì loài chim, ngay đến
loại mãnh thú như hổ báo cũng phải chết ngay với chưởng đó, thế mà bạch
hạc vẫn an toàn vô sự. Cứ lấy đó mà suy, thì chủ nhân nuôi bạch hạc này
phải là bậc tiên hiệp. Tiếng cười vừa rồi biết đâu không phải là chủ
nhân của con bạch hạc ấy. Vả lại, con hạc đánh chết mãng xà biết đâu
chẳng phải là lệnh của chủ nhân nó sai khiến. Và, giờ đây cũng chính
lệnh của chủ nhân nó sai đến cướp tấm da lại. Chúng ta đã mất tấm da quý rồi, ở đây lâu nữa cũng vô ích, chi bằng rời khỏi nơi đây cho sớm là
hay hơn.
Ngọc Chánh Tử thở dài, gật đầu. Mọi người đều vội vã cất bước theo lối thâm cốc trở ra đường cũ.
Đi được một hồi lâu thì đến chỗ Quân Vũ gặp Thanh y quái nhân lúc trước. Ai nấy đã có vẻ mệt mỏi, nên ngồi lại đó nghỉ ngơi và đem lương khô ra
ăn.
Sáu người ăn xong, đang ngồi trò chuyện thì đột nhiên có một tiếng cười vang dội từ trong u cốc vọng ra.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT