Cũng may là Trương Nhược Hi giỏi giang, xử lý mọi việc đâu ra đấy, nàng còn đang học cách làm sổ sách Long Môn và sổ sách Tứ Cước. Nàng quản lý hiệu buôn Thịnh Mỹ mà bản thân không biết về sổ sách Long Môn và Tứ Cước, thì rất dễ bị người dưới qua mặt. Biểu tượng của hiệu buôn Thịnh Mỹ là một chữ “Mỹ” ngoài tròn trong vuông, hiện giờ đã mở ra sáu tiệm buôn ở Thanh Phổ, Hoa Đình, Thượng Hải, Côn Sơn, sử dụng cách hối lộ cho thợ may mà Trương Nguyên bày, quả nhiên hết sức công hiệu, các hiệu buôn Thịnh Mỹ nhanh chóng mở rộng thị trường ở các nơi, và trụ vững. Trương Nhược Hi dự định sang năm sẽ mở rộng hiệu buôn đến Tô Châu, Gia Hưng và Hàng Châu, đồng thời tăng thêm số lượng máy đánh bông dệt lụa, cần thêm một lượng lớn thợ dệt lành nghề, về vấn đề này chỉ có thể tự bồi dưỡng được một số, số còn lại cần phải trả lương cao để tuyển dụng.

Mới sáng sớm, đã nghe ngoài cổng lớn có người hầu kêu lên:
- Giới Tử thiếu gia đến rồi, Giới Tử thiếu gia đến rồi.

Trương Nhược Hi mừng rỡ, bỏ sổ sách trên tay xuống, bước nhanh ra đón. Thấy trước cổng là một đoàn người, có nhiều gương mặt xa lạ, bèn dừng bước, nói người hầu mau đi mời Lục Thao đến.

Huynh đệ Trương Nguyên ở bên này đã nhìn thấy Trương Nhược Hi, vội bước tới chào, Trương Nhược Hi hết sức vui mừng, nhìn đệ đệ Trương Nguyên khắp lượt, nói:
- Tiểu Nguyên hình như cao hơn rồi… Tông Tử, Yến Khách đi đường vất vả, mời vào trong ngồi, mấy vị đó là ai? Đợi tỷ phu đệ đến rồi mới chào hỏi vậy.

Rất nhanh Lục Thao đã bước ra, Trương Nguyên giới thiệu ba người Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ, Kỳ Bưu Giai với mọi người, đoạn cùng vào sảnh ngồi. Bốn chiếc lò than được đốt lên rừng rực, Trương Nguyên nói sơ vài câu, rồi vào nhà trong nói chuyện với tỷ tỷ Trương Nhược Hi. Hỏi ra mới biết phụ thân Trương Thụy Dương đầu tháng chín có tới Thanh Phổ, ở lại Thanh Phổ ba ngày, Lý Thuần, Lý Khiết đều không nhận ra ông ngoại. Trương Nhược Hi lại nói thêm là Tông Dực Thiện và cha mẹ y đã đi cùng với phụ thân Trương Thụy Dương đến Sơn Âm, Tông Dực Thiện muốn ở lại Sơn Âm an cư.

Trương Nhược Hi vui mừng nói:
- Sức khỏe của phụ thân rất tốt, tâm trạng cũng rất vui vẻ, đều là nhờ đệ cả đấy.

Trương Nguyên cười nói:
- Nhưng cha đâu có khen trước mặt đệ…

Trương Nhược Hi nói:
- Đương nhiên rồi, cha sợ đệ kiêu ngạo mà.
Rồi nàng thấy Mục Chân Chân đi vào thỉnh an, bèn kéo nàng ấy lại hỏi chuyện.

Trương Nguyên bèn đi ra nói chuyện với tỷ phu, bọn Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái nhận được tin tức, bèn vội vàng đến gặp mặt. Hôm đó Lục phủ mở yến tiệc lớn, thiết đãi sáu người bọn Trương Nguyên cùng các cộng sự ở Hàn Xã như Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái. Lục Dưỡng Phương cũng ra gặp khách, trông y béo trắng hơn so với hồi năm ngoái, khi mới trở về từ nhà ngục ở Tùng Giang. Gặp Trương Nguyên, Lục Dưỡng Phương không dấu nổi vẻ xấu hổ. Trương Nguyên không nhắc nửa lời đến chuyện cũ, lần trước từ miệng Lục Đại hắn biết được, bây giờ Lục Dưỡng Phương làm một kẻ nhàn rỗi trong nhà, những chuyện gạo tiền trong Lục phủ không để cho y nhúng tay vào nữa. Lục Dưỡng Phương trải qua chuyện trắc trở lần trước, cũng không còn mặt mũi nào tranh quyền với anh trai chị dâu nữa.

Sau giờ ngọ, Nghê Nguyên Lộ đi đến núi Đông Xà bái kiến Trần Mi Công, ba huynh đệ Trương Nguyên không đi. Trần Mi Công là bạn tốt của Đổng Kỳ Xương, gặp nhau khó tránh khỏi khó xử, nên chỉ nhờ Nghê Nguyên Lộ mang thiệp chào của ba huynh đệ hắn đi.

Trương Nguyên, Trương Đại theo bọn Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái đi thăm Hàn Xã thư cục, giẫm lên tuyết mà đi, trên đường đi Dương Thạch Hương nói:
- Mấy ngày trước Kim Lang Chi có đến chỗ ta, có nhắc tới cha con Đổng thị. Đổng Kỳ Xương bệnh nằm liệt giường nửa năm nay, mời thầy chạy chữa, gần đây đã có thể chống gậy bước đi. Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường lúc trước bị giam giữ trong nhà lao phủ Tùng Giang, sau đó thông qua ba phủ Tô, Thường, Trấn cùng hội thẩm, tháng trước có quyết định đưa xuống, chỉ tước danh hiệu sinh đồ của Đổng Tổ Thường, giữ trong nhà quản thúc, Đổng Tổ Nguyên chỉ bị giáng hai bậc. Những nhà dân bị Đổng Tổ Nguyên chiếm cứ ở Trường Sinh Kiều, huyện Hoa Đình đều trả lại cho các hộ dân, bồi thường cho mỗi hộ ba mươi đến năm mươi lượng bạc, còn những ruộng đất bị y xâm chiếm phần lớn đều được trả lại. Đồng thời Học Đạo Vương yêu cầu học phủ ở Tùng Giang, và ba học huyện Thượng Hải, Thanh Phổ, Hoa Đình nghiêm khắc quản hạt chư sinh, nếu có tình trạng không phục phán quyết, tụ tập gây sự, sẽ nhất loạt tước bỏ công danh. Việc này cũng cứ vậy mà lắng xuống.

Trương Đại cả giận nói:
- Không trừng trị được Đổng Kỳ Xương thì cũng đành, Đổng Tổ Nguyên cũng xử nhẹ như thế, quan trường của triều đình Đại Thanh thật là đen tối!

Trương Nguyên nói:
- Các chư sinh ở Tùng Giang không bị dính vào vụ án này là tốt rồi, với danh vọng của Đổng Huyền Tể, muốn xử nặng hai người con trai của ông ta là chuyện rất khó. Trải qua chuyện này, khí thế nhà họ Đổng ở Hoa Đình e là không thể lấy lại được rồi.

Hồng Đạo Thái nói:
- Cha con nhà họ Đổng không thể tác oai tác quái ở Hoa Đình được nữa, nghe nói có thể sẽ chuyển đến kinh sư, nhưng việc này phải đợi đến khi Đổng Huyền Tể khỏi bệnh đã.

Dương Thạch Hương chần chừ một chút, rồi nói:
- Giới Tử hiền đệ, Đổng Huyền Tể mà đến kinh sư, thì e là sau này không có lợi cho đệ.

Trương Nguyên nói:
- Đổng Huyền Tể từng đảm nhiệm chức vụ thầy dạy của Đông Cung, thầy dạy của đệ là Tiêu Thái Sử cũng từng làm thầy dạy của Đông Cung, hơn nữa…
Có những lời không nên nói ra, nên hắn im luôn.

Dương Thạch Hương nghĩ cũng thấy đúng, Tiêu Thái Sử cũng không thua kém gì Đổng Hàn Lâm, Trương Nguyên là môn đồ cưng của Tiêu Thái Sử, Tiêu Thái Sử tất sẽ dốc sức bảo vệ Trương Nguyên. Đổng Kỳ Xương vì chuyện lần này mà mất hết danh tiếng ở Hoa Đình, muốn báo thù Trương Nguyên cũng không phải chuyện dễ.

Tiền thân của Hàn Xã thư cục là hiệu sách của Dương Thạch Hương, tọa lạc ở sân sau nhà họ Dương bên dòng sông Thanh Long. Nửa năm trước vẫn chỉ là một tiệm sách nhỏ, với mười gian nhà ngói, một thợ viết, mười hai thợ khắc, sáu thợ in, hai thợ phụ. Sau khi Hàn Xã thành lập, chín ngàn lượng bạc cổ phần được đổ vào, tiệm sách nhanh chóng được mở rộng. Trong vòng nửa năm ngắn ngủi, mười gian nhà ngói được xây thêm, trả lương cao mời thêm hai mươi thợ khắc lành nghề, năm thợ in, ba thợ phụ, trả lương sáu mươi lượng một năm để mời một lão đồng sinh tinh thông các thể loại chữ về làm thợ viết. Quy mô của thư cục hiện nay đã không hề thua kém thư phường Phất Thủy Sơn Phòng của Phạm Văn Nhược. Lợi nhuận ba năm đầu của thư cục sẽ không chia, tất cả đều được tính thành cổ phần gia tăng của các cổ đông, dùng vào việc mở rộng thư cục, theo như dự tính của Trương Nguyên, thì Hàn Xã thư cục cần phải có trên một trăm thợ khắc giỏi, mỗi ngày mỗi loại chữ Nhan, Liễu, Âu, Triệu phải khắc được mười ngàn chữ trở lên, hoặc bản khắc chữ thể Tống phải khắc được hai mươi ngàn chữ trở lên. Nếu có được năng lực chế bản như vậy, chỉ cần ba ngày là hoàn thành một chế bản sách, nếu cần làm gấp, thì mỗi bộ sách mới chỉ cần bảy ngày là đã có thể in ấn xong và tung ra thị trường.

Hai bên bờ sông Thanh Long, tuyết trắng bao trùm, so sánh với màu trắng của tuyết, nước sông trở nên đen kịt. Hai mươi gian nhà ngói của Hàn Xã thư cục tuyết phủ đầy nóc, dày đến nửa thước, thợ phục bắc thang gỗ leo lên mái nhà dọn tuyết, vì sợ tuyết cứ rơi mãi không ngừng như thế này sẽ đè sập mái. Hai mươi thợ khắc có thể khắc các thể chữ Nhan, Liễu, Âu, Triệu, đang khắc chế bản “Tiêu thị bút thừa”, bộ sách này có tám mươi ngàn chữ, sẽ chia làm hai phần thượng, hạ để in ấn phát hành. Đây là lần đầu tiên Hàn Xã thư cục in ấn phát hành tuyển tập của một nhân vật nổi danh đương thời, nên yêu cầu chế bản, giấy, công tác đóng quyển đều phải rất tỷ mỉ đẹp mắt, yêu cầu tung ra là phải thành công. Hai mươi thợ khắc chữ thể Tống đang chế bản tác phẩm “Cảnh Thế Thông ngôn” của Phùng Mộng Long, những bộ sách này đều phải được làm xong trước tết. Dương Thạch Hương đã hứa là mỗi thợ khắc sẽ nhận được thêm một món lì xì trị giá ba lượng sáu tiền vào trước tết, cho nên những thợ khắc này đều hăng hái làm việc.

Trương Nguyên đi quanh một vòng, tương đối hài lòng, hắn nói qua một số công việc cần làm cho sự phát triển của thư cục sau này với Dương Thạch Hương, Hồng Đạo Thái. Nói rằng Phất Thủy Sơn Phòng thư phường ở Tô Châu đã trở thành phân cục của Hàn Xã thư cục, nhưng thị trường tiêu thụ của phân cục Tô Châu chỉ giới hạn ở các huyện phủ phía nam Trực Lệ, còn tổng cục Hàn Xã thì không bị giới hạn, chỉ cần đủ khả năng thì cứ việc mở rộng.

Chiều tối, Dương Thạch Hương phái người đi mời Trương Ngạc, Hoàng Tôn Tố, Kỳ Bưu Giai cùng đến phủ dùng tiệc tối. Sáng ngày kế tiếp còn tổ chức một hội văn nhỏ ở miếu Thủy Tiên, thành phần tham gia đều là các thành viên của Hàn Xã thư cục, có hơn hai mươi người. Những người đến tham gia hội văn đều có công danh tú tài, nội dung được nói đến nhiều nhất đương nhiên là kỳ thi hương vào năm tới, chỉ có điều địa điểm thi của môn sinh Thanh Phổ là ở Nam Kinh, còn Trương Nguyên, và mấy người Hoàng Tôn Tố thì ở Hàng Châu. Nhưng mùng ba tháng ba sang năm Hàn Xã thư cục tụ hội ở Sơn Âm, mọi người có thể gặp mặt nhau một chuyến, mọi người đều rất mong mỏi đến kỳ tụ hội tại Sơn Âm vào năm sau

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play