Im lặng một lúc, tiếng kèn ồn ào huyên náo nhà bên cạnh càng lúc càng rõ ràng, Trịnh thị nghe mà hốc mắt cay cay, nhất thời nước mắt trào lên.
Phó Nhiêu thấy thế, im lặng thở dài một hơi, cầm lấy bàn tay trắng nõn mảnh khảnh của bà, khuyên nhủ: “Mẹ, mẹ đừng buồn, tái ông mất ngựa làm sao biết không phải phúc(*), nhân cách Từ Gia như thế, sớm ngày nhìn thấu là tốt, hơn nữa, qua lần này, nữ nhi cũng suy nghĩ kỹ càng, thay vì buộc hỉ nộ ái ố lên người nam nhân, chi bằng tự mình đi tìm.”
(*)Tái ông mất ngựa: là một câu thành ngữ an ủi người đang gặp khó khăn, tương đương với câu “trong cái rủi có cái may”.
Trịnh thị cầm khăn tay lau nước mắt, hốc mắt vẫn đỏ, bà hỏi: “Ý con là sao?”
Phó Nhiêu mỉm cười, ngồi xuống trước mặt bà, tinh thần phấn chấn: “Mẹ xem đi, bây giờ nữ nhi được phong làm Huyện chúa, đây là vinh quang cả đời mà biết bao nữ nhân đều không có được, nữ nhi đã hơn rất nhiều người rồi, bây giờ có đất phong trong tay, cả đời không lo ăn mặc, cũng không cần lo lắng bị nam nhân bỏ rơi, không cần nhìn sắc mặt người khác sống qua ngày, chẳng phải rất tự tại sao?”
“Nữ nhi đã nghĩ kỹ, muốn kế tục di nguyện của tổ mẫu, mở rộng tiệm thuốc, dương danh thiên hạ.”
“Đợi đến lúc Khôn Nhi đỗ đạt công danh, nhà chúng ta sẽ tốt hơn thế nữa…”
Trịnh thị ngơ ngác nhìn nàng một lúc lâu, đau lòng nói: “Nhưng hôn sự của con thì làm sao bây giờ?”
Nữ nhi bị Công chúa cướp hôn, tổn hại đến thanh danh, còn ai cam tâm tình nguyện cưới nàng nữa, đây mới là nỗi đau trong lòng Trịnh thị.
Trong đầu Phó Nhiêu đã không còn nghĩ ngợi về việc thành thân, song nàng không thể nói toẹt lời này với Trịnh thị được, bèn khuyên nhủ: “Mẹ cứ quan tâm vớ vẩn, năm ấy nữ nhi cập kê, không phải đạo sĩ đã nói nữ nhi vượng phu sao, vả lại đợi sóng gió qua đi, sau này nhất định có người tới làm mai.”
Câu này lại gợi lên chuyện đau lòng của Trịnh thị, bà khó có thể kiềm lòng, nước mắt rơi như mưa: “Con đã mười tám... trước kia đã bị tên khốn Từ Gia kia làm lỡ hai năm, bây giờ lại đợi hai năm nữa, đợi đến khi con hai mươi làm sao còn gả ra ngoài được đây?”
Trịnh thị đau lòng không thôi, ngã xuống sạp khóc không thành tiếng.
Phó Nhiêu không khuyên nổi, đành thôi vậy.
Ngờ đâu ngày hôm sau Công chúa Bình Khang phái một nữ quan tới cửa, nói là bảy ngày sau tổ chức tiệc ngắm hoa, chọn rể thay Phó Nhiêu.
Trịnh thị nghe vậy tuy có lo lắng trong lòng, nhưng nghĩ đến hôn sự của nữ nhi trắc trở, còn cố kỵ điều gì nữa, lập tức đồng ý.
Bà lại lo lắng Phó Nhiêu không chịu đi, chỉ dặn dò hạ nhân trong nhà không được nói chuyện này với Phó Nhiêu.
Ngày Từ phủ tổ chức yến tiệc, sáng sớm Trịnh thị đã giữ Phó Nhiêu lại.
“Hôm nay con ở lại trong phủ làm giúp mẹ một việc.”
Phó Nhiêu đang dùng bữa sáng với Trịnh thị, trên bàn bày cháo hoa bách hợp nấu với ý dĩ(*), một đĩa bánh mì cuộn hấp(**) nhỏ và một lồng há cảo nhân tôm.
(*)Cháo hoa bách hợp nấu với ý dĩ:
(**)Bánh mì cuộn hấp:
Hơi nước nóng hầm hập làm Phó Nhiêu suýt không mở mắt nổi, nàng cắn một miếng há cảo, không rõ nên hỏi: “Chuyện gì ạ? Có gấp không mẹ? Hôm nay có một thương gia cung cấp dược liệu muốn đến tiệm, nếu không vội thì hoãn cho con mấy ngày.”
Gần đây Phó Nhiêu đi sớm về trễ, sau khi trở về còn phải bắt mạch cho bà, phối dược thiện ngày hôm sau, có thể nói là bận đến nỗi chân không chạm đất, Trịnh thị cũng đau lòng: “Nhiêu Nhi, mẹ còn một tín vật ở chỗ Từ Gia, hôm nay con đi lấy về giúp mẹ nhé.”
“Ngày khác đi...”
Trịnh thị nghiêm mặt nói: “Không được, nhất định phải đi hôm nay.”
Nếu là trước kia, Phó Nhiêu chắc chắn sẽ nghĩ cách thuyết phục Trịnh thị, bây giờ nàng được phong Huyện chúa nhờ hiếu danh, ít nhiều cũng không dám trái lời lão nhân gia bà.
Trịnh thị lấy lại tinh thần kéo nàng ngồi trước bàn trang điểm, trang điểm cả buổi trời, sau đó phân phó Chung ma ma dẫn nàng ra cửa.
Vào Từ phủ, nàng mới biết mình bị mẹ ruột lừa.
Công chúa Bình Khang không muốn gặp Phó Nhiêu, giả bệnh không ra, chỉ bảo ma ma trong cung chuẩn bị yến tiệc.
Trong phủ không chỉ mời sĩ tử cùng khóa với Từ Gia, mà còn mời một vài quan viên cấp thấp của Hàn Lâm viện, cùng với vài vị Ngự sử lục thất phẩm, ngoài ra cũng mời gia quyến của họ tới.
Phó Nhiêu chán ngán, định ngồi một lát rồi rời đi ngay, ai biết mấy nữ quyến kia kéo Phó Nhiêu hỏi này hỏi nọ, thay nàng đánh giá các sĩ tử được mời đến buổi tiệc hôm nay, khoác lác mà không biết ngượng bảo chọn vị hôn phu giúp nàng, song đều bị Phó Nhiêu từ chối hết.
Trong bữa tiệc, Từ Gia bị chuốc không ít rượu, uống đến nỗi mặt mày đỏ bừng, nổi hứng làm một bài thơ trước mặt mọi người, khiến cả sảnh đường lớn tiếng khen hay.
Sau bữa tiệc, Phó Nhiêu lấy cớ không khỏe nên muốn về nhà, đi ra khỏi hoa sảnh(*), dọc theo đường lát đá băng qua vườn đào, thấy phía trước có một nam tử mặc thanh sam đứng ở ven đường, hắn xoay người thấy là Phó Nhiêu, sắc mặt sáng sủa hơn một chút, lập tức tiến lên chắp tay: “Phó sư muội.”
(*)Hoa sảnh: chỉ phòng ở sảnh ngoài trong những ngôi nhà kiểu cũ, chủ yếu được xây ở khoá viện hoặc hoa viên.
Người này không phải ai khác, hắn chính là nam tử lên tiếng thay Phó Nhiêu ở tửu quán ngày hôm đó, họ Trần, tên một chữ Hành, là nhân sĩ Thanh Châu đồng hương với Phó Nhiêu.
Phó Nhiêu sững sờ nhìn hồi lâu, mất một lúc mới nhận ra hắn, vui mừng nói: “Trần sư huynh, sao lại là huynh?”