10.

Thiếu gia sửng sốt nhìn nhóc câm, gấp gáp muốn ôm cậu vào lòng dỗ dành. Song lúc này cậu đang ở trong trạng thái cực kỳ kích động, anh sợ mạnh tay sẽ làm cậu bị thương, mà không dùng sức thì không kiềm cậu lại được. Giữa lúc giằng co tiến thoái lưỡng nan, cửa phòng đột ngột bật mở.

Là bà quản gia nghe thấy tiếng động lạ, sợ rằng có chuyện không hay xảy ra nên tự ý mở cửa.  

Trong phòng bỗng nhiên có thêm một người, nhóc câm sợ hãi, bất giác muốn vùi đầu trốn vào ngực thiếu gia. Thiếu gia rốt cuộc cũng ôm được cậu vào lòng. 

Thiếu gia bị một phen bàng hoàng, bà quản gia thì mịt mờ ngơ ngẩn, đám hầu gái dưới lầu chen nhau hóng hớt vô cùng náo nhiệt, cả nhà ai ai cũng bị nhóc câm này đùa bỡn một lần mới xong.  

Thiếu gia đưa cậu xuống lầu ăn cơm. Vừa nãy nhóc câm kêu thét thật lâu như muốn xé rách họng, thiếu gia phát hiện quả nhiên cậu không buồn đụng đũa, chỉ uống một bát canh nóng. 

Thiếu gia gắp cho cậu miếng thịt, cậu lại lén lút gắp trả lại vào bát thiếu gia. Kỳ thật, vừa làm ra một trận náo loạn, nhóc câm cũng xấu hổ chết đi được. Nhưng bây giờ lại vừa bị bại lộ là mình kén ăn trước mặt thiếu gia, cho nên cậu bèn gồng mình ra vẻ ta đây cây ngay không sợ chết đứng, hùng hổ uống tiếp bát canh.

Thiếu gia cũng không thể làm gì khác ngoài việc chiều theo, lòng nhủ thầm nếu nhóc câm này biết đọc biết viết, chắc hẳn phải gọi một câu chiều quá hóa hư mất thôi.

Ăn cơm xong, trong đầu thiếu gia nảy ra một ý nghĩ. Nhóc câm chẳng rõ vì sao mà không chịu học nói, vả lại trình độ thủ ngữ của anh thực sự có hạn, có lẽ tốt hơn hết là dạy cậu viết chữ, khi nào học được kha khá rồi sẽ có thể viết ra lý do mình không muốn nói chuyện.

Anh ngẫm lại, như thế rất mất thời gian. Mặc dù nhóc câm nhìn qua thì thông minh lanh lợi nhưng kỳ thực rất là ngốc nghếch, ở gần một thời gian là rõ. Huống hồ còn chưa có căn bản, việc dạy dỗ tất càng khó khăn. 

Ngày hôm sau, thám tử tư đến nhà chụp ảnh và lấy dấu vân tay của nhóc câm. Thiếu gia đưa y văn tự bán mình của cậu, yêu cầu điều tra thân thế.

Thiếu gia hết kì nghỉ phép, quay lại làm việc. Nhóc câm ở nhà cũng không hề nhàn rỗi, hằng ngày học đọc học viết với gia sư mà thiếu gia mời về. 

Một chiều nọ, thiếu gia về nhà sau cả ngày bận rộn, vừa đúng lúc nhóc câm học xong. Cô gia sư là nữ sinh của trường đại học danh tiếng, gặp thiếu gia thì tươi cười, dạn dĩ cất tiếng hỏi: “Thiếu gia, em ấy tên gì vậy?”  

Thiếu gia suy nghĩ một hồi. Ừ nhỉ, anh vốn đã quá quen gọi cậu là nhóc câm, thành thử quên khuấy mất, nhóc câm nhà anh nào đã có một cái tên đàng hoàng. 

    11.

Đặt tên là chuyện trọng đại, thiếu gia cũng không định xem nhẹ chút nào. Anh lật tung các loại sách vở, vắt óc nghĩ lời hay ý đẹp, nhưng mãi mà vẫn chưa tìm được thứ gì xứng đáng với nhóc câm nhà mình. 

Bà quản gia khuyên: “Hay là chúng ta tìm thầy bói? Dựa vào bát tự của tiểu tiên sinh để đặt tên, chung quy sẽ tốt hơn.”

Thiếu gia lắc đầu. Nếu làm thế nhất định phải hỏi ngày sinh tháng đẻ của nhóc câm, mà cậu căn bản không nhớ rõ, cũng chẳng muốn nghĩ đến. Có hỏi vả chăng cũng vô ích, chỉ càng khiến cậu hờn tủi thương tâm. 

Bà quản gia nói tiếp: “Thiếu gia thật sự là vô cùng quan tâm lo lắng tiểu tiên sinh, phu nhân mà thấy…”

Những lời này nghe ra sầu lo thì ít mà không cam lòng thì nhiều, cứ như thể đang giảng giải thuyết giáo. Thiếu gia ngắt lời bà, không bàn luận thêm nữa, tiếp tục lật sách chăm chú. 

Bà quản gia gắn bó với thiếu gia từ khi anh còn nhỏ, nhất là sau này khi phu nhân mất đi, gần như trở thành trưởng bối trong nhà. Rất ít khi thiếu gia tỏ thái độ khó coi trước mặt bà như vậy. Bà sững sờ trong chốc lát, song cũng không hề phát hiện ra rằng mình vừa lỡ lời. 

Nhóc câm từ dạo học vỡ lòng, bắt đầu biết đọc chữ thì tỏ ra yêu thích cô gia sư vô cùng. Ngày nào cậu cũng ra tận cửa hai bận nghênh đón tiễn đưa cô, ngay đến thiếu gia còn chưa được hưởng phần đãi ngộ tốt như thế. Cô giáo được yêu mến thì vừa mừng vừa lo, mấy ngày liền đều mang đến cho nhóc câm vài thứ đồ chơi nho nhỏ xinh xinh. 

Con nhà người ta hai, ba tuổi học nói, bốn, năm tuổi học viết. Nếu làm tốt làm giỏi thường sẽ được phần thưởng, chẳng hạn như cái bánh cái kẹo, hoặc chiếc chong chóng nhiều màu. 

Nhóc câm nhà thiếu gia sống khổ từ bé, đến lúc lớn lên lại đặc biệt thích thú với những thứ đồ chơi trẻ con nọ. Mà đồ cô gia sư mang đến thì không món nào giống món nào. Hôm thì là hình nộm bằng kẹo ngọt, hôm sau nữa lại là tranh cắt dán. Nhóc câm chơi đến mê mẩn, chẳng mấy khi để tâm đến thiếu gia nữa. 

(Hình nộm kẹo ngọt: Từ gốc là 糖人 (đường nhân), kẹo làm bằng cách đun chảy đường, thường là đường mía và mạch nha, sau đó nặn thành các hình thù phong phú.)

Thiếu gia vò đầu bứt tai, đắm chìm trong mớ sách cổ tìm tên cho cậu nhóc con vô lương tâm kia. Kết cục, anh quyết định từ bỏ. Dẫu sao mình cũng không phải cha mẹ nhóc câm, việc này không kham nổi.

Vì vậy, thiếu gia chỉ dặn mọi người gọi nhóc câm là “tiểu tiên sinh”, vừa không quá khách khí, lại vẫn đủ tôn trọng.   

Nhưng trong mắt bà quản gia, như thế đã là tột bậc trân quý.

Khi buổi học kết thúc cũng là vừa đúng lúc thiếu gia tan làm trở về nhà. Trao đổi về bài tập luyện chữ buổi tối của nhóc câm xong, cô giáo ra về, thiếu gia tiễn đến cổng. Cảnh tượng thật chẳng khác nào một vị phụ huynh cùng với gia sư dạy kèm cho con mình.

Hễ có lần nào hai người nói chuyện nhiều thêm đôi câu, dù là lúc nấu cơm tâm trạng bà quản gia cũng hết sức vui vẻ. Cô gia sư theo học trường danh giá, cử chỉ lại khéo léo đoan trang, đứng cạnh thiếu gia quả thực xứng lứa vừa đôi vô cùng. Còn vị “tiểu tiên sinh” trên lầu kia, nói cho cùng hoàn toàn không có xứng.

Nhóc câm dần đọc được một ít chữ, bà quản gia cố ý dúi vào tay cậu vài quyển tiểu thuyết tình cảm nam nữ, khấp khởi mong chờ một ngày nào đó cậu tự giác hiểu ra.

Tiếc rằng người tính không bằng trời tính, thiếu gia sống với bà từ nhỏ vốn nằm trong số ít những kẻ tuyệt đỉnh thông minh, đâm ra giờ đây bà vô tình đánh giá quá cao cái đầu không mấy sáng láng của nhóc câm. Cô giáo chỉ dạy cậu nhận mặt chữ, còn ý nghĩa biết gì đâu mà hiểu. Cậu bèn vác sách đi hỏi cô giáo. Cô gia sư liếc qua, tức tốc bảo cậu, cấm không được đọc loại sách như thế nữa.

Nhóc câm viết: “Tại sao ạ? Quyển này, rất là nhiều chữ.”

Cô giáo viết trả lời: “Chữ quá nhiều, em không đọc được đâu.” 

Tối đến, nhóc câm nói lại chuyện này với thiếu gia. Lúc cô giáo ở bên cạnh, cậu còn chịu chăm chỉ tập viết, vắng bóng cô giáo thì bút cũng chẳng muốn cầm lên, chỉ lười biếng nũng nịu là giỏi. Nhóc câm huơ tay: “Cô giáo không cho em đọc sách, bảo là em không đọc được.” 

Việc này lúc chiều về đến nhà thiếu gia đã được báo lại. Vẻ mặt cô gia sư rất mực ngượng ngùng, bảo với anh không biết là ai đã đưa cho cậu mấy cuốn sách nọ. Loại sách ấy mới học vỡ lòng thì không được xem, mà biết nhiều chữ rồi cũng không nên đọc. 

Thiếu gia bắt lấy đôi tay nhóc câm không ngừng khua khoắng, dập tắt ý định khoe tiếp mấy chữ hôm nay mới học của cậu. Anh đưa tay đè xuống, buộc cậu nhắm chặt mắt.  

Nhóc câm biết thiếu gia buồn ngủ rồi, cũng ngoan ngoãn nhắm mắt thiếp đi. 

Ấy thế mà ngày hôm sau, bà quản gia phát hiện cậu vẫn cầm sách đọc. Nhìn lại tờ bìa, thấy có vẻ đúng là sách của mình đưa cho cậu, bà bèn mãn nguyện rời đi. Bà chẳng hề hay biết cuốn sách trên tay nhóc câm kỳ thực là một cuốn truyện tranh mà thiếu gia mới tìm được. Trong truyện, ngoài hình vẽ ra thì chỉ có vài câu thoại, nội dung kể về hai vị thiếu gia. 

Giữa muôn vàn tình sâu duyên cạn của cuộc đời, họ vẫn không để mất người mình yêu thương, thề nguyện bên nhau đến đầu bạc răng long. Ai hiểu câu chuyện cũng phải cảm thán, tình yêu và nha phiến ôi sao mà giống nhau, đã dính vào rồi thì có trời mới dứt ra được. Nhưng nhóc câm thì không hiểu. Cậu chỉ cảm thấy, cả hai vị thiếu gia trong sách ấy mà, ai cũng không bì với thiếu gia nhà cậu được đâu.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play