"Phải là thiên tài giáng thế mới có thể đặt ra được cái tên hoàn hảo như vậy."

Vì hộ khẩu của tôi không phù hợp nên ngoài học phí, khi đi học tôi còn phải nộp một khoản phí mượn học.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy, trường tiểu học gần đó vẫn từ chối nhận tôi.

Bác cả tức đến trợn mắt: "Tôi đã nộp tiền rồi, tại sao họ lại không nhận Văn Nhân?"

Cuối cùng, bác gái đi khắp nơi tìm người, phát hiện ra em họ của chị họ của bà là em gái vợ của hiệu trưởng.

Dựa vào mối quan hệ này, lại cùng anh Gia Văn đi tặng t.h.u.ố.c lá và rượu cho hiệu trưởng, hiệu trưởng mới đồng ý.

Anh Gia Võ vội vàng chạy đến mắng: "Mẹ đưa anh Gia Văn đi làm gì?"

Bác gái liếc anh ấy: "Trình bày ví dụ điển hình, nếu con học giỏi như Gia Văn, mẹ cũng sẽ đưa con đi gặp cùng, để hiệu trưởng thấy rằng chỉ cần là người nhà của chúng ta thì sẽ không thể là học sinh kém được!"

"Chỉ tại con không có chí tiến thủ."

Những người trong nhà tập thể biết chuyện đi học đều hỏi bác gái: "Chị định cho con bé đi học thật à?"

"Cho nó ăn một bữa cơm, để nó ở nhà giúp chị làm việc vặt là được rồi. Nhà máy của chúng ta làm ăn không tốt, hai đứa con trai còn chưa đủ để chị chạy vạy sao?"

Bác gái hừ hừ: "Đấy là ý của chồng tôi, tôi biết phải làm sao?"

Thực ra mọi người trong nhà tập thể đều biết thân phận của tôi, họ đều đang ngầm nói bác cả và bác gái làm điều ngốc.

Bản thân nghèo rớt mồng tơi, còn phải nuôi con cho em trai.

Nếu thực sự muốn có con gái thì cũng nên nhận nuôi một đứa nhỏ không biết chuyện, như vậy mới nuôi được.

Vì kinh tế gia đình eo hẹp, bác gái mua rất nhiều len về nhà móc giày, đợi trời lạnh sẽ mang đi bán.

Bác cả tan sở vội vàng ăn vài miếng cơm rồi đi chạy xe ôm.

Nhưng vào buổi tối, ở một huyện nhỏ, người thì ít mà tài xế xe ôm thì nhiều, cũng không thể kiếm thêm được nhiều tiền.

Hè qua đông đến, mẹ thuận lợi sinh ra hoàng thái tử.

Bác gái không có tiền mua áo bông mới cho tôi nhưng bà đã xin được một số quần áo còn mới tám chín phần từ chị đồng nghiệp.

Bà giặt giũ phơi khô, lại dùng tay khéo léo may cho tôi vài bông hoa để mặc vào tham dự tiệc tắm ba ngày của em trai tôi.

Rõ ràng gia đình nghèo rớt mồng tơi nhưng để ăn mừng sự ra đời của em trai, ba tôi đã cố tỏ ra giàu có, phát toàn t.h.u.ố.c lá hiệu Bạch Sa.

Mọi người đều khen em trai tôi đẹp.

Nhưng tôi thấy nó thật xấu xí.

Nhăn nheo đen xì, trên mặt còn có một lớp màng trắng li ti.

Mẹ vui mừng khôn xiết, nghẹn ngào nói: "Cuối cùng cũng sinh được con trai, xem sau này còn ai bàn tán sau lưng nhà tôi không có con trai nữa không?"

Bà nắm lấy tay tôi, xúc động nói: "Nhị Muội, đây là em trai ruột của con, sau này con chắc chắn phải bảo vệ em trai, biết chưa?"

Tôi nhìn vào mắt mẹ, nói: "Mẹ, con có tên rồi."

Tôi tên là Hồ Văn Nhân.

Tôi không muốn giống như đứa con gái thứ hai của những gia đình khác trong làng, đều được gọi chung là Nhị Muội.

Những vị khách đến chơi hầu hết đều quen biết tôi.

Họ cũng gọi tôi là Nhị Muội.

Nhị Muội, con cao hơn nhiều rồi.

Nhị Muội, con trắng hơn rồi.

Nhị Muội, bác gái nuôi con trắng trẻo mập mạp đấy.

Tôi nghiêm túc giải thích với từng người: "Bác cả đặt tên cho con rồi, bây giờ con tên là Hồ Văn Nhân."

Những ông già ngậm tẩu thuốc cười khẩy: "Cái tên này khó đọc quá, ai nhớ nổi."

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play