Thôn Lão Thạch nằm trong núi sâu, giao thông đi lại bất tiện.
Xuân Quế có một tuyến xe buýt đường dài có thể chạy lên tới thị trấn, nhưng mỗi lần về Quý Minh Xuyên đều chọn đi bằng tàu, dù nó đắt hơn và không chạy thẳng tuyến. Vì trên xe buýt quá chật chội và ồn ào, không khí rất tệ, Quý Minh Xuyên chỉ ngồi xe buýt một lần vào ngày nhập học, sau đó hễ đi đi về về đều chọn đi bằng tàu.
Quý Minh Xuyên chuyển tàu một lần, sáng sớm hôm sau đi ra khỏi nhà ga nhỏ cũ nát. Có mấy tốp hành khách nói tiếng địa phương đang tản ra, khuôn mặt y dưới lớp khẩu trang nhuốm mấy phần mỏi mệt.
Lúc này ngày xưa, Trần Vụ sẽ thuê xe ba gác tới đón y, trong những ngày trời mưa trời tuyết thì anh còn mang cả ủng cao su cho y thay. Sau đó xe ba gác sẽ đưa bọn họ từ thành phố xuống thị trấn, tiếp theo là quãng đường đi bộ gập ghềnh.
Đường núi khó đi, Trần Vụ sẽ kể cho y nghe những chuyện trong nhà, rồi hỏi y học ở trường thế nào, dọc đường cứ vừa đi vừa nhẩn nha như thế.
Còn lần này, Quý Minh Xuyên phải tự mình làm mọi thứ từ đầu đến cuối. Lúc y xuất hiện ở cổng thôn trong bộ dạng gió bụi mỏi mệt, giày và gấu quần dính đầy bùn tuyết, trời đã sáng choang.
Gió trên núi rất mạnh, kẻ phát hiện ra y đầu tiên là một con chó đang bới tìm đồ ăn trong đống rác hôi rình. Trông thấy Quý Minh Xuyên, nó tiến vào trạng thái cảnh giác cấp độ một.
Tiếng sủa inh ỏi kinh động chủ nhân của nó.
Đôi mắt ông lão không tốt, không nhận ra Quý Minh Xuyên một năm mới về được hai lần: “Cậu là ai? Tìm ai vậy?”
Quý Minh Xuyên không để ý, y bước vào thôn rồi đi tới trước cửa căn nhà cũ ở phía cực Đông.
Trên cửa móc một ổ khóa nhỏ, có vụn lá khô dính trên khóa.
Quý Minh Xuyên rút tay ra khỏi túi áo khoác rồi cầm chặt khóa cửa, sau đó nhìn xuống vết gỉ sét trên tay.
Vẫn chưa về à?
Quý Minh Xuyên đi đến cạnh bức tường trong sân, nhấc một mảnh ngói nơi đầu tường lên và tìm thấy một chiếc chìa khóa ở bên dưới, sau đó mở cửa.
Thôn rất nhỏ, chẳng mấy chốc tin tức về một người lạ vào thôn đã truyền đi truyền lại mấy lần.
Mọi người đi theo dấu chân trên tuyết tìm tới nhà lão Quý. Ai nấy đều tưởng rằng cậu con trai lớn của lão đã về, cười cợt nói mắt ông lão kém quá, đến cả anh mà cũng không nhận ra.
“Sao tôi có thể không biết Tiểu Vụ được?” Ông lão oan uổng muốn chết, “Không phải nó, không phải nó đâu. Người kia cao hơn nhiều, cách ăn mặc cũng đầy chất người thành phố.”
“Hay là Minh Xuyên?” Lúc này có người suy đoán.
“Thế chắc đúng rồi, được nghỉ đông.”
“Không phải Tiểu Vụ đi tìm Minh Xuyên hả, nhất định là hai đứa nó cùng về.”
“Không cùng nhau đâu, tôi chỉ thấy một người thôi.”
Khi mọi người đang bàn tán, cánh cửa đột nhiên mở ra. Nhìn thấy Quý Minh Xuyên, mấy đứa trẻ con ngừng chơi đùa, đứa nào đứa nấy trốn tiệt sau lưng người lớn nhà mình.
Ánh mắt Quý Minh Xuyên đảo qua mọi người già trẻ lớn bé, sau đó rơi xuống mấy dấu vết bẩn thỉu trước cửa.
“Minh Xuyên, cháu về rồi à!”
“Đầu tháng Chạp năm ngoái cháu đã về rồi mà, sao năm nay muộn thế?”
“Lớp Mười Hai sao giống lớp Mười lớp Mười Một được? Sang năm là thi đại học, trường phải quản chặt hơn chứ.”
“Đúng đúng đúng, lớp Mười Hai khổ lắm. Thằng út nhà tôi khi đó ngày nào cũng phải làm rất nhiều bài tập, học tập cứ luôn căng thẳng. Kết quả lại không thi đỗ, haizzz, cạnh tranh quá lớn.”
“Đi học cũng phải có thiên phú cơ. Thằng út nhà ông không có khả năng học, không giống Minh Xuyên chứ. Nhất định Minh Xuyên có thể thi đỗ đại học, trường Trung học Số 1 của Xuân Quế lợi hại lắm đấy, người bình thường đâu học nổi.”
Lao nhao tán gẫu đan xen tạo thành sự nhiệt tình chất phác.
Quý Minh Xuyên khẽ nhíu mày.
Nửa năm không gặp, mọi người nhất thời không nhớ ra y là kiểu người thế nào. Mãi đến khi chậm chạp cảm thấy bầu không khí đang đông cứng, họ mới nhận ra rằng con cả và con út của lão Quý khác tính nhau rất nhiều.
Thế là tiếng ồn ào nhộn nhịp im bặt.
Quý Minh Xuyên lạnh lùng nói: “Tránh ra.”
Những người già kéo bọn trẻ nhường ra một con đường, Quý Minh Xuyên đi về phía nhà trưởng thôn.
Cánh cửa đang khép hờ bị đẩy ra một chút, tiếp đó là tiếng gọi to.
“Tiểu Vụ? Tiểu Vụ!”
“Thật sự không về hả… Sao thế nhỉ…”
Nghe tin nên tới đây, trưởng thôn đối mặt với Quý Minh Xuyên. Ông hỏi: “Anh cháu không về à?”
Quý Minh Xuyên không trả lời, chỉ hỏi: “Cha cháu được chôn cất ở đâu ạ?”
“Anh cháu không nói với cháu sao?” Trưởng thôn nhìn y một cách kỳ lạ: “Để bác dẫn cháu đi.”
Tiếng bàn tán trước nhà họ Quý vẫn kéo dài thêm chốc lát, ai nấy đều không hiểu tại sao nhà này chỉ có mình cậu út trở về.
Mấy đứa trẻ con phụng phịu bị người lớn cầm tay kéo về. Chúng nó tới đây là vì muốn xin kẹo, nhưng không xin được, vì người phát kẹo không ở đây.
Đi ngang một vườn hồng, trưởng thôn nói: “Tiểu Vụ mang hồng ngọt cho cháu rồi nhỉ.”
Quý Minh Xuyên ngẩng đầu lên. Hồng trên cây đã bị hái xuống mang bán từ lâu, chỉ còn sót lại mấy quả tít trên cao bị chim sẻ mổ thủng lỗ chỗ.
Y giẫm lên những quả hồng thối rơi trên tuyết, tiếp tục cất bước về phía trước.
“Đó là những quả đầu mùa ngon nhất trong thôn năm nay đấy, anh cháu đã lựa từng quả một.” Giọng trưởng thôn vang lên ở đằng sau, “Anh cháu còn sợ đi đường bị dập hồng, nên bọc lại rất kĩ.”
Thấy thiếu niên đi rất nhanh và cũng không có ý định đáp lời, khuôn mặt già nua của trưởng thôn thoáng lộ vẻ bất mãn, nhưng ông cũng không quay đầu xuống núi một mình.
Trưởng thôn dẫn Quý Minh Xuyên băng qua gần nửa ngọn núi, sau đó dừng ở một nơi: “Chính là chỗ này.”
Một ngôi mộ nho nhỏ, phủ đầy tuyết.
Trưởng thôn bẻ một nhánh cây quét quét tuyết trên mộ: “Cha cháu luôn mong ngóng lúc nào cháu về, thế nên anh cháu mới chọn chỗ này. Chỉ cần cháu lên núi là cha cháu có thể thấy cháu, có thể thấy cháu về nhà.”
Quý Minh Xuyên không mở miệng.
Trưởng thôn lại nói tiếp: “Mộ phần do anh cháu tự tay đào, không để ai trong chúng ta giúp một tay. Quan tài cũng là do thằng bé cưa gỗ, bác không am hiểu việc chọn cây, nhưng nó rất nặng, còn thơm nữa. Tay anh cháu bị xước xát rất nhiều…”
Giọng Quý Minh Xuyên trong trẻo: “Có thể để cháu ở đây một mình không?”
Trưởng thôn ngại ngùng, nhưng biết tính tình em trai Tiểu Vụ vẫn luôn thế nên đành coi như thôi. Lúc quay về thôn, ông bị người ngăn lại hỏi: “Có hỏi được tại sao Tiểu Vụ lại không về chung không?”
“Không hỏi ra.” Ông xua tay.
“Vậy làm sao bây giờ, câu đối Tết của mọi người vẫn đang chờ thằng bé viết đây này.”
Trưởng thôn đi về phía nhà: “Có thể lấy của tôi. Lúc tôi lên thành phố gửi tiền, thấy có hoạt động, được tặng không ít, thằng út cũng gửi về một chút. Mọi người cứ xem rồi tự dùng đi.”
“Chẳng lẽ không phải Tiểu Vụ bận quá nên về trễ, mà là năm nay không về à?”
“Không biết không biết!” Trưởng thôn cũng đâu ngờ rằng nhà lão Quý chỉ có một người quay về, trở tay không kịp.
Tiếng gió thổi trong rừng nghe như tiếng khóc buồn bã của cô hồn. Quý Minh Xuyên cụp mắt xuống, trên mặt là vẻ lạnh lùng hững hờ như chưa bao giờ làm điều gì trái lương tâm.
Dù y có tới tay không, chẳng mang nổi một nén nhang một cây nến hay tiền giấy, thì cũng không đứng trước mộ giải thích tại sao mình lại về muộn giống những gì đã nói với Trần Vụ.
Mấy phút sau, Quý Minh Xuyên xoay người xuống núi.
Trước mộ chỉ nhiều thêm một dấu giày, không hề có vết lõm của quỳ lạy.
Quý Minh Xuyên không đi dạo trong thôn cũng không chào hỏi bất kỳ ai. Y về thẳng nhà, vòng qua nhà chính rồi đẩy cửa vào căn phòng trong ở phía Bắc.
Trên giường chỉ phủ một manh chiếu, không có thứ gì khác.
Quý Minh Xuyên mở ngăn tủ phía trên ra, bên trong đặt bộ chăn gối, vỏ và ruột đã được tháo ra để riêng. Điều này chứng tỏ Trần Vụ còn cẩn thận thu dọn gọn gàng, chuẩn bị xong xuôi cho việc ra ngoài một thời gian.
Tới tận hôm nay, Quý Minh Xuyên vẫn mắc kẹt trong sự nghi hoặc tại sao Trần Vụ muốn ở lại Xuân Quế, điều gì ở một thành phố nhỏ không đáng nhắc đến có thể khiến anh từ bỏ hành trình trở về?
Đến động vật còn biết lê lết tấm thân tàn tạ quay lại ổ của mình để chữa thương.
Bây giờ, người có quỹ đạo cuộc sống đơn điệu, người nên ở trong một vòng tròn cố định mãi mãi cho đến khi già và chết, đột nhiên có một ngày không nắm bắt được nữa.
Bất thường thường có nghĩa là phiền phức.
Quý Minh Xuyên dùng sức đóng sập cửa tủ. Cánh cửa bật ra đập vào tay y, y vô thức giơ tay sang bên cạnh: “Anh ơi, em…”
Không có ai.
Đáy mắt Quý Minh Xuyên dâng lên vẻ nham hiểm với tốc độ mà mắt thường cũng nhìn thấy được. Y lại đóng sầm cửa tủ, liên tục mấy chục lần như đang trút bỏ thứ gì đó.
Cửa tủ không chịu nổi sức nặng, xệ xuống.
Quý Minh Xuyên hít một hơi thật sâu, sau đó đá văng đinh ốc trên mặt đất rồi đi tìm hộp thuốc nhưng không tìm thấy. Y đè vết thương rướm máu xanh tím trên tay, nhìn chằm chằm vào di ảnh đặt trên chiếc bàn dài ở nhà chính một lúc lâu, đầu óc không hoạt động nổi.
Mỗi lần đi gặp y, Trần Vụ đều mang theo một hộp thuốc nhỏ chứa các loại thuốc thường dùng được sắp xếp cẩn thận.
Hộp thuốc cũng mới được đóng gần đây thôi.
Y đã ném mất hộp thuốc ở ký túc xá, mà y lại tìm không thấy hộp thuốc trong nhà.
Trán Quý Minh Xuyên rịn một lớp mồ hôi mỏng, tóc mái cũng lộn xộn. Y gọi điện cho Trần Vụ, nhưng bên tai chỉ vang lên âm báo dạo này nghe rất nhiều lần: “Số máy quý khách vừa gọi hiện đang bận, xin vui lòng gọi lại sau.”
Bàn tay cầm điện thoại di động của Quý Minh Xuyên đặt lên mi mắt, lồng ngực không ngừng phập phồng lộ ra cảm xúc bất ổn của y. Y muốn đi rửa vết thương, lại đột nhiên nhìn thấy bức ảnh chụp chung trên tường.
Một nhà ba người.
Người lớn tuổi ngồi trên ghế, hai đứa bé đứng sau lưng lão, mặt hướng về ống kính. Cơ thể lão đã khô quắt vì bệnh tật, hai đùi buông thõng vô lực, song trên khuôn mặt chữ điền chất phác vẫn mang theo nụ cười.
Không biết hai đứa bé đang lén lút nắm tay.
Bối cảnh của bức ảnh là rừng trúc sau nhà.
Trên cổ đứa bé cao hơn có đeo một chiếc thẻ gỗ, nó được làm bởi đứa bé thấp hơn. Hàng năm lúc về nhà vào thời điểm nghỉ đông và nghỉ hè, y đều có một chiếc thẻ gỗ mới thay cho cái cũ.
Quý Minh Xuyên thò tay vào trong cổ áo len cao cổ màu trắng, chạm vào chiếc thẻ gỗ kia rồi kéo nó ra.
Độ bóng của thẻ gỗ đã mờ nhạt, đường vân nhòe đi, nên đổi một cái mới rồi.
Tại sao rõ ràng đã đồng ý với y là chôn cất người trước, chờ y quay về tế bái, nhưng lại tự ý chạy đi tìm y?
Quý Minh Xuyên đột nhiên chạy ngược cơn gió rét đến nhà trưởng thôn.
Trưởng thôn đang nhóm lò trong sân, chẳng hiểu sao lại bị Quý Minh Xuyên chất vấn: “Trước đây mỗi lần anh ấy tới Xuân Quế tìm cháu, bác đều thông báo cho cháu tới đón. Tại sao đợt này lại không thông báo chứ?”
“Cháu sao thế Minh Xuyên?” Không biết vì lạnh quá hay vì thấy cơ thể run rẩy như đang cố hết sức kìm nén gì đó của Quý Minh Xuyên, trưởng thôn rùng mình một cái: “Một ngày trước khi anh cháu đi tìm cháu, bác gái không khỏe lắm nên bác mới đưa bà ấy tới bệnh viện. Chờ lúc bác quay về thôn thì anh cháu cũng sắp đến Xuân Quế rồi. Bấy giờ bác cũng rất bận, nên mới không gọi điện thoại cho cháu.”
Quý Minh Xuyên nhắm mắt: “Nếu bác thông báo cho cháu thì đã không…”
“Không cái gì cơ?” Trưởng thôn nghe không hiểu, ông nghĩ nghĩ hỏi: “Cháu cãi nhau với anh mình à?”
Quý Minh Xuyên quay đầu lại nhìn cây cổ thụ khô héo ngoài tường: “Cháu không biết giờ anh ấy đang ở đâu.”
Trưởng thôn kinh hãi: “Không phải ở Xuân Quế sao?”
Quý Minh Xuyên không đáp lời. Y cúi đầu vuốt nhẹ vết thương trên tay, chợt cười nói: “Trưởng thôn, bác hỏi giúp cháu với.”
“Cãi nhau thật à? Bác còn đang tự hỏi sao anh cháu lại không về với cháu chứ. Tranh cãi vì chuyện gì thế? Gần đến Tết rồi mà còn cãi nhau như vậy là điềm xấu đấy, cha cháu ở dưới đất thấy thế sao có thể dễ chịu…” Trưởng thôn vừa càm ràm vừa vào nhà tìm điện thoại. Ông vừa bấm tới dãy số của Tiểu Vụ thì đã bị Quý Minh Xuyên giành lấy.
Một tin nhắn được gửi đi.
[Tiểu Vụ, cháu có về ăn Tết không, nếu không về thì để bác gửi cho cháu ít thịt xông khói nhé, cháu gửi địa chỉ cho bác đi.]
Chỉ chốc lát sau đã có tin trả lời.
Trần Vụ: [Quý Minh Xuyên, đừng dùng điện thoại của trưởng thôn để nhắn tin cho tôi.]
Quý Minh Xuyên nhếch môi cười nhạt: “Anh mình đúng là rất hiểu mình.”
Y bấm bấm bàn phím mờ, gõ một hàng chữ rồi gửi đi.
[Anh không về quê ăn Tết là định mừng tất niên với ai ở Xuân Quế vậy? Anh không mang đủ tiền theo người, đừng bị người ta lừa.]
Nhưng lần này Trần Vụ không hồi đáp.
Quý Minh Xuyên lại gửi thêm mấy tin cho anh.
[Anh thực sự không về ăn Tết hả?]
[Cha mới mất năm vừa rồi, mùng hai Tết cúng vong linh(1). Đến lúc đó họ hàng sẽ tới ăn cơm, anh để em một mình thu xếp à?]
(1) “Mùng một không ra cửa, mùng hai bái vong linh” là một tập tục ở nông thôn. Theo phong tục, vào năm qua đời đầu tiên, vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch, con cháu nên làm lễ cúng bái tại nhà, sau đó mới đi nghĩa trang cúng bái năm mới. Điều này rất quan trọng đối với người chết, và nó là một loại hoài niệm đối với người sống. Ngày này kị chúc Tết người sống.
[Em có lỗi với anh, nhưng anh đừng bỏ nhà đi, đừng bỏ mặc cha.]
[Anh, add em lại đi, xin anh đấy.]
Quý Minh Xuyên gửi rất nhiều tin, song dù y có chỉ trích bằng cách trói buộc đạo đức, hay nhõng nhẽo như một đứa trẻ giống lúc trước, tất cả đều bặt vô âm tín.
Trần Vụ xóa hết mọi tin nhắn rồi nhấp vào mục danh bạ, mở nhóm liên lạc thôn Lão Thạch, nhưng sau đó lại bỏ suy nghĩ muốn xóa số.
Thanh Minh sang năm quay về viếng mộ vậy.
Trần Vụ áy náy thầm nói tiếng xin lỗi cha mình. Anh xoa xoa mặt, sau đó nói với Yến Si Ví đang dựa gốc cây hút thuốc: “Bạn Yến này, đằng trước có nhà vệ sinh, tôi đi chút nhé.”
“Đứng lại đó cho tôi.” Yến Si Ví sải bước đến gần, bàn tay đang kẹp điếu thuốc nắm bả vai Trần Vụ rồi xoay anh lại: “Ngẩng đầu lên.”
Trần Vụ sửng sốt không thôi.
Yến Si Ví trực tiếp buộc anh ngẩng đầu lên.
Trên núi sương mù dày đặc, Trần Vụ mặc áo mưa, mái tóc lộ ra ngoài ướt sũng dính sát cổ, nhìn có vẻ đen nhánh hơn bình thường, cứ như tơ lụa.
Mắt kính anh vừa lau sạch lại bị mờ, che khuất đôi mắt.
Yến Si Ví cắn điếu thuốc trên môi, tháo kính xuống, khom người nhìn anh: “Có khóc đâu nhỉ, sao trông như sắp khóc đến nơi thế?”
Trần Vụ: “…” Anh lấy kính lại, “Bạn Yến à, sao cậu lại nghĩ vậy?”
“Ai biết được.” Yến Si Ví bất cần đời phả khói: “Ban nãy anh nhắn tin với ai?”
“Trưởng thôn, bác ấy bảo gửi thịt xông khói cho tôi, nhưng tôi không muốn.” Trần Vụ đi về phía nhà vệ sinh.
“Cầm gậy chống của anh này.” Yến Si Ví nói.
“Đã bảo không cần rồi. Tôi lớn lên trong núi mà, không cần cái đó đâu.” Trần Vụ thoải mái bước trên thềm đá.
Yến Vi Sí: “Để xem khả năng của anh thế nào.”
Hắn cầm hai cây gậy, biếng nhác đi theo.
Đây không phải là Xuân Quế mà là thành phố bên cạnh. Nhóm Yến Si Ví tới vào tối hôm qua, hiện còn chưa về.
Họ leo lên đỉnh núi ngắm mặt trời mọc, bây giờ đang trên đường xuống núi.
Không có ai đề nghị ngồi cáp treo, vì ai nấy đều đang tuổi thanh niên trai tráng, mày đi tao cũng đi được.
Khương Hi thì không ổn lắm. Cô bé đã ngồi nghỉ trên tảng đá hồi lâu, mà chân vẫn đau muốn chết, búi tóc rối tung, bộ Hán phục vô cùng bẩn thỉu. Bình thường Khương Hi là một cô bé tràn đầy sức sống, giờ lại như nụ hoa bị cuộc đời tàn phá.
Cạnh cô là Hoàng Ngộ và Khương Lương Chiêu cũng tàn phế giống hệt.
Ba người họ không hẹn mà cùng nhìn về hai vị đang đi về phía nhà vệ sinh.
“Sao đi vệ sinh mà phải cùng nhau nhỉ?” Khương Hi không hiểu nổi.
“Sao em hiểu được chứ.” Hoàng Ngộ nghiêm mặt: “Giống đám con gái tụi em đó, con trai cũng muốn có người đi chung thôi.”
Khương Hi: “…”
“Anh Sí không bao giờ cần người đi chung, nhất định là do Trần Vụ.” Cô kéo kéo chiếc găng tay lông thú của mình, nhỏ giọng lầm bầm: “Nhưng anh Sí lại đồng ý cơ đấy, anh ấy dễ tính như thế từ bao giờ nhỉ.”
Hoàng Ngộ lau mồ hôi: “Má ơi, không hổ là trò giỏi. Xem năng lực trinh thám này kìa, vèo cái đã phát hiện bug rồi.”
Hoàng Ngộ mất bình tĩnh, gã khoanh hai tay trước mặt: “Cũng không phải là em gái ruột của tao, tao mới không thèm quản đâu. Mày có giỏi thì làm đi, tao học theo cái coi.”
Sách lược của Khương Lương Chiêu là lấy bất biến ứng vạn biến, nghĩa là dù em gái có nói gì, hắn ta vẫn coi như không nghe thấy.
“Haizz.”
Khương Hi thở dài một hơi vô cùng vui mừng, lẩm bẩm: “Cũng may Trần Vụ là nam, chứ nếu là nữ thì mình…”
Dòng suy nghĩ của cô bé đến đây thì đứt, Khương Hi không thể tưởng tượng nổi mình sẽ ra sao nếu có một người khác phái bên cạnh anh Sí.
Hai người đi vệ sinh đằng kia đã ra ngoài.
Trần Vụ giơ điện thoại chụp ảnh, Yến Si Ví vừa chê anh không biết căn bố cục kỹ thuật kém, vừa hướng dẫn anh.
Khương Hi co chân giẫm lên tảng đá, hai tay chống cằm bĩu môi. Không phải họ là anh em hả, nhưng sao cứ thấy là lạ, mà không cách nào diễn tả được.
Dường như đáp án đã dâng đến miệng, song lại kẹt ngay ở đó, vô cùng khó chịu.
Không bao lâu sau, nhóm người tiếp tục xuất phát.
Khương Hi nhanh chóng bị tụt lại phía sau một quãng dài. Cô bé nhọc nhằn chống gậy bước về phía trước như một bà cụ, vạt áo Hán phục tinh xảo quệt xuống phiến đá ẩm ướt, hình tượng thiên kim tiểu thư hoàn toàn mất sạch.
Vốn định mặc Hán phục chụp hình xinh đẹp, thế mà giờ đến điện thoại cũng chẳng muốn rút ra.
Tối qua, chính cô bé tự muốn tới đây leo núi, nhưng hiện tại hối hận muốn chết.
Khương Hi bất ngờ trượt chân, không khống chế được mà lao một mạch xuống dưới. Cô bé cấp bách túm chặt người phía trước, khi sợ hãi ngẩng đầu lên mới phát hiện người mình đang chộp lấy không phải là người mình quen.
“Trần, Trần Vụ, tôi không va phải anh chứ?” Khương Hi lập tức rụt tay lại.
Trần Vụ không nói gì, cũng không tăng tốc đi tìm mấy người Yến Si Ví ở phía trước. Anh giữ nguyên nhịp độ ban đầu, chậm rãi và ổn định.
Khương Hi không nhờ Trần Vụ kéo mình, mà nhân cơ hội ở chung hiếm có này nói chuyện khác: “Trần Vụ, anh có thể giúp tôi một chuyện được không?”
Trần Vụ dừng lại trên bậc thang.
“Anh Sí đối xử với anh còn thân thiết hơn cả hai người bạn nối khố.” Dựa vào sự quan sát từ lúc gặp mặt tối hôm qua đến giờ, Khương Hi đã tự phát hiện ra điều này. Cô bé vén mấy lọn tóc dính trên khuôn mặt xinh đẹp trẻ trung của mình để trông gọn gàng hơn chút, nói: “Nếu anh giúp tôi tán được anh ấy, tôi có thể cho anh rất nhiều tiền.”
Một thiên kim nhà giàu, trước tiên nghĩ tới cách dụ dỗ bằng vật chất, ngây thơ và đơn thuần, thậm chí còn không biết cái gọi là ngưỡng mộ và tình yêu của mình có phải là một hay không.
Trần Vụ yên lặng phút chốc mới hỏi: “Em không có bạn trai à?”
“Đương nhiên là không rồi!” Khương Hi kích động mở to mắt, trong mắt tràn ngập vẻ khinh bỉ không hề ác ý: “Cái thể loại có bạn trai rồi mà còn có tâm tư khác buồn nôn lắm, tôi ghét nhất đấy!”
Trần Vụ rũ mắt nhìn đôi giày thể thao đi tạm trên chân: “Ngại quá, anh không giúp em được.”
“Tại sao?” Khương Hi lập tức tủi thân.
Trần Vụ đáp: “Qua năm mới anh phải dọn đi rồi.”
Khương Hi bất giác cười rạng rỡ, sau khi nhận ra thì lúng túng xoay mặt sang một bên: “Thế thôi vậy.”
Thật kỳ lạ, tại sao khi nghe thấy Trần Vụ nói phải chuyển ra khỏi chỗ anh Sí, cô bé lại vui vẻ thế nhỉ, còn có cảm giác thở phào nhẹ nhõm.
Khương Hi không kìm được mà nhắn wechat cho anh mình, báo chuyện Trần Vụ sắp rời đi cho anh trai biết.
Khương Lương Chiêu đọc xong bèn hỏi người đứng cạnh: “Anh Sí, năm sau Trần Vụ không ở chỗ mày nữa à?”
Yến Vi Sí lướt ảnh chụp trên điện thoại: “Ừ.”
Khương Lương Chiêu hỏi bằng giọng điệu tùy ý: “Vậy anh ta tìm thấy chỗ ở mới chưa?”
Yến Vi Sí ngẩng đầu: “Làm sao?”
Khương Lương Chiêu cười nói: “Hỏi chút thôi mà, dù sao cũng là bạn bè.”
“Hỏi ít thôi.” Yến Vi Sí tắt màn hình. Hắn nhìn lên bên trên, chẳng hiểu sao mặt mũi sưng sỉa: “Rốt cuộc em gái mày có đi được không hả?”
Khương Lương Chiêu nhìn theo ánh mắt của anh Sí, thấy em mình và Trần Vụ đang đứng trên cùng một bậc thang, trông có vẻ như đang tán gẫu.
Yến Vi Sí đá hắn ta: “Còn không đi quản đi?”
Khương Lương Chiêu nói: “Không cần đâu, có Trần Vụ giúp Tiểu Hi là được rồi. Anh ta là người leo núi giỏi nhất trong số chúng ta đấy.”
“Anh ta là tên ngốc, mày còn tin hả?” Yến Si Ví thúc giục: “Nhanh đi đi.”
Khương Lương Chiêu vịn tay cầm bậc thang đi lên, Hoàng Ngộ đang ngồi lướt điện thoại, thấy hắn ta thì không khỏi vui đến phát khóc: “Đến đón tao à? Ôi người anh em tốt.”
“Tự túc là hạnh phúc.” Khương Lương Chiêu nói: “Mày còn không bằng Trần Vụ.”
“Mẹ kiếp!” Hoàng Ngộ bị khiêu khích tràn đầy ý chí chiến đấu, nhưng giây tiếp theo lại nản lòng: “Anh ta trồng trọt mà, xem thể lực kia, đôi chân kia đi, nói bây giờ Trần Vụ đang tản bộ cũng không ngoa đâu, chẳng nghiêm túc gì cả.”
Khương Lương Chiêu nói vu vơ: “Nhưng anh Sí vẫn không yên tâm về anh ta.”
“Dừng dừng!” Hoàng Ngộ bày ra vẻ mặt sắp phát điên đến nơi. Vất vả mãi gã mới thoát khỏi vấn đề “Có thích hợp không” và cả hình ảnh anh Sí đội mũ Lôi Phong của Trần Vụ, còn phải tự ép mình ra ngoài chơi đừng thử phân tích những thứ này.
Trong nửa sau của cuộc hành trình, Hoàng Ngộ và Khương Lương Chiêu thay phiên nhau cõng Khương Hi.
“Các anh mặc kệ em thì anh Sí sẽ chăm sóc em.” Khương Hi sắp tàn phế rồi, nhưng vẫn còn nhớ nhung bờ vai rộng của anh Sí nhà mình.
Hoàng Ngộ xốc cô bé trên lưng: “Em gái à, ngủ thiếp rồi hẵng nằm mơ được không?”
Khương Hi ỉu xìu một lúc. Chẳng biết bị chạm dây thần kinh nào mà cô bé đột nhiên nhảy xuống khỏi lưng Hoàng Ngộ rồi khập khiễng đi đến trước mặt Trần Vụ, bảo anh cõng mình.
Trần Vụ còn chưa đáp lời, bên cạnh đã vang lên giọng nói của Yến Si Ví: “Tự mình đi.”
Khương Hi bày ra vẻ mặt như đưa đám: “Chân em đau quá.”
“Vậy thì tìm anh trai em ấy.” Yến Si Ví vuốt mái tóc vàng óng của mình thành một kiểu tóc mới tùy tiện phóng khoáng, cáu kỉnh hét lên: “Khương Lương Chiêu, mẹ nó đừng hóng hớt nữa, mau bò tới đây cho ông.”
Khương Lương Chiêu bị chửi một trận không hiểu ra sao, hắn ta đưa em gái đi, dùng giọng điệu vừa nghiêm túc vừa dịu dàng bảo cô bé ngoan ngoãn chút, nếu không lần sau sẽ không dẫn ra chơi nữa.
Khương Hi vừa đi, Yến Vi Sí đã dạy dỗ Trần Vụ: “Nếu vừa rồi tôi không ra mặt, có phải anh định đồng ý không?”
Trần Vụ đáp: “Tôi chưa cõng con gái bao giờ.”
“Muốn cảm nhận thử chút hả?” Yến Si Ví lạnh lẽo nói: “Anh cõng con bé mà xảy ra chuyện gì, nhà họ Khương có thể khiến anh chết mà không biết chết thế nào đấy.”
Trần Vụ giật nảy mình: “Nhà họ lợi hại lắm à?”
Yến Vi Sí kéo khóa áo khoác lại: “Có tiền, có thế lực.”
Trần Vụ sững sờ: “Bạn học Yến, cậu còn có loại bạn bè này luôn hả?”
Yến Vi Sí không biến sắc: “Người ta nể mặt thôi.”
Trần Vụ: “Ồ…”
Hồi lâu sau anh mới thốt ra được một câu: “Đó cũng là bản lĩnh của cậu, có thể kết giao với người ta từ sớm, còn nắm quyền chủ đạo. Người bình thường đâu làm được vậy.”
Yến Vi Sí nghiêng đầu “Xì” một tiếng, đúng là đồ ngốc nói gì tin nấy.
Sau khi xuống núi, Khương Hi ngã vật ra ghế xe, tóc tai bù xù, đạp rơi cả giày.
Hoàng Ngộ và Khương Lương Chiêu cũng mệt mỏi đến độ chẳng buồn nói chuyện, từ đầu tới chân hai người đều viết hai chữ “nhếch nhác”, mất hết vẻ quý công tử lúc mới tới.
Trần Vụ ngồi xổm ven đường ăn bánh mì.
“Còn chơi nữa không, không chơi thì đi về.” Yến Vi Sí uống trà sữa, hỏi anh.
Trần Vụ lúng búng nói: “Chúng ta có đi chơi đâu, chỉ leo núi thôi mà.”
Yến Vi Sí: “Chê chúng tôi cùi bắp hả?”
“Bình thường cậu đi làm cũng coi như có tập luyện rồi, sức khỏe rất tốt.” Trần Vụ lắc đầu, anh bóc giấy gói bánh mì ra: “Nhưng mấy người bạn của cậu thì mệt lăn lóc kìa.”
“Quan tâm chúng nó làm gì.” Yến Vi Sí nói: “Tôi đang hỏi anh đấy.”
Trần Vụ ăn từng miếng hết bánh mì mới hỏi: “Chỗ này có đu quay không?”
“Đu quay?” Yến Vi Sí cau mày: “Anh muốn ngồi à?”
Trần Vụ thật thà đáp: “Muốn ngồi.”
Yến Vi Sí không có hứng: “Đu quay có gì hay để ngồi, vô nghĩa lắm.”
Trần Vụ nói nhỏ: “Tôi tò mò không biết lúc nhìn từ đu quay xuống có giống với khi nhìn từ trên sườn núi không.”
Yến Vi Sí: “…”
Lúc Trần Vụ ăn cái bánh mì thứ hai, Yến Vi Sí gẩy một bên mũ Lôi Phong đang che tai anh, nói: “Đứng dậy, đi thôi.”
“Đi đâu thế?” Trần Vụ cắn bánh mì, ngẩng đầu ngơ ngác.
Yến Vi Sí ném ly trà sữa rỗng vào thùng rác, mở định vị trên điện thoại ra: “Còn đi đâu được nữa.”
“Dẫn anh đi ngồi đu quay chứ sao.” Hắn thản nhiên đáp.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT