9.
Chớp mắt đã đến ngày cuối năm.
Bên lão gia phu nhân gửi thư về, nói rằng trời đông giá rét, đường xá xa xôi, lão gia không có chiếu chỉ nên cũng không tiện hồi kinh, vậy nên họ không về nữa.
Thư viện thì lại cho nghỉ hai mươi ngày.
Ngày Nhị thiếu gia trở về, ngoài trời tuyết rơi nhẹ, Kiếm Như bận rộn trước sau giúp hắn mang đồ đạc.
Từ sáng sớm ta đã thái thịt dê, sau đó nhóm lò ấm rượu, thức nhắm cũng đã sẵn sàng, chỉ chờ Nhị thiếu gia nghỉ ngơi xong là dọn lên.
Đại thiếu gia và Nhị thiếu gia lâu ngày không gặp, biết hai người còn muốn ôn chuyện, ta cùng Kiếm Như liền thức thời không ngồi cùng bàn.
Chờ qua một canh giờ đi lên dọn dẹp bát đũa thì Nhị thiếu gia đã say khướt.
Đại thiếu gia trông vẫn còn tỉnh táo, chỉ có mặt hơi đỏ.
Kiếm Như vừa ôm vừa dìu Nhị thiếu gia về phòng, ta dọn dẹp chén đĩa, do dự một lúc vẫn hỏi Đại thiếu gia: "Đợi rửa bát xong, nô tỳ có nên đi theo hầu hạ không ạ?"
Đại thiếu gia hỏi: "Ngươi muốn hầu hạ gì?"
"Hầu hạ Nhị thiếu gia."
"Ngươi muốn hầu hạ hắn cái gì?"
"Chải tóc, tắm rửa..."
Đại thiếu gia không nói gì.
Tuy hắn còn tỉnh, nhưng sắc mặt không thoải mái lắm, lông mày chau lại, trông như đang tức giận, lạnh lùng cười một tiếng: "Ngươi muốn đi à?"
Ta đương nhiên là không muốn rồi… Nhị thiếu gia còn không biết có cho ta ngủ lại trong viện của hắn không nữa, nếu lại bắt ta ngủ một mình ở dãy phòng kia… thì sợ lắm.
Nhưng Nhị thiếu gia là chủ tử, chủ tử trở về, bên cạnh không thể thiếu người hầu hạ.
Trước đây là Thôi Cửu, giờ Thôi Cửu đã theo phu nhân đến Ba Lăng.
Kiếm Như là người thân cận của Đại thiếu gia, vậy chỉ còn ta đi hầu hạ Nhị thiếu gia thôi.
Ta do dự nói: "Toàn nghe phân phó của chủ tử ạ."
Đại thiếu gia mím môi: "Không cần ngươi, ta đã dặn Kiếm Như rồi."
"…Vâng."
"Ngươi—!"
Đại thiếu gia lại giận.
Ta nhận ra đại thiếu gia hình như không thích từ "vâng", mỗi lần nói thế hắn đều giận.
Ta cúi đầu, ngoan ngoãn, đổi lời: "Được ạ."
Đại thiếu gia lườm ta một cái, đứng dậy định về phòng. Giờ thương thế của hắn đã khá hơn nhiều, đã không phải dùng gậy từ lâu, chỉ là đi lại vẫn còn khập khiễng.
Chẳng biết vì đã uống rượu hay sao, đứng dậy đột ngột hắn lại loạng choạng suýt ngã. Ta hoảng hốt, vội vàng lao đến đỡ hắn, vừa đưa tay ra, Đại thiếu gia hơi cứng người lại, cau mày. Ta nhìn theo ánh mắt đó thì thấy mình đang đỡ khuỷu tay của hắn, cả nửa cánh tay của ta đang lộ ra ngoài.
Ta lập tức kéo tay áo một cách lúng túng.
Nửa năm qua ta lớn rất nhanh, bộ quần áo được phát khi mới vào phủ giờ không còn vừa nữa.
Cái áo bông ta mặc hôm nay còn còn là đồ tim được trong kho. Nói cho cùng thì không phải quần áo may đo nên chỉ có thể mặc tạm, chân thì vừa vặn, nhưng phần thân trên lại hơi chật, hễ cử động mạnh là lộ cổ tay.
Đại thiếu gia cụp mắt, lấy trong n.g.ự.c ra một túi tiền đưa cho ta, bảo ta đi may hai bộ quần áo mới.
Ta cũng muốn may áo mới, nhưng sao có thể dùng tiền riêng của Đại thiếu gia được.
Đại thiếu gia bèn nói đây là tiền thưởng tết do phủ phát.
Các gia đình giàu có thường phát thưởng cho người hầu vào dịp lễ tết, nhưng túi tiền trong tay Đại thiếu gia chỉ nhìn thôi cũng thấy quá nhiều rồi.
Ta rất phân vân.
"Hàng năm đều vậy sao? Kiếm Như ca cũng có ạ?"
Đại thiếu gia có vẻ hơi sượng: "Có chứ."
Lúc này ta mới yên tâm, trình trọng nhận lấy, tính sẽ để dành hết số tiền này.
Câu đối xuân năm nay do chính tay Đại thiếu gia viết.
Viết là: "Hoa hảo nguyệt viên nhân thọ, thời hòa tuế lạc niên phong."
Những ngày ở cạnh Đại thiếu gia, ta luôn cảm thấy hắn là một công tử ôn nhuận như ngọc, mọi thứ đều tốt, chỉ có điều đôi lúc thiếu một chút sức sống.
Hiện giờ hắn hơi cúi người, vén tay áo cầm bút, trên án thư đặt tấm giấy đỏ nhũ vàng, viết lên những mong ước giản dị của bách tính trong năm mới. Ta đột nhiên phát hiện, hóa ra Đại thiếu gia cũng chẳng cách biệt với một tiểu nha đầu như ta là bao.
Đại thiếu gia viết xong thì gọi ta lại gần, bảo ta cũng viết một câu đối.
Ta nào biết viết câu đối gì?
Đại thiếu gia một tay chống cằm, nhàn nhã nhìn ta cười: "Dạy ngươi nửa năm trời, vậy mà một bộ câu đối cũng không viết được. Tiểu Thập Lục, có phải ngươi lén lười biếng sau lưng ta không đấy?"
Lười biếng thì không có, chỉ có lén bán trâm gỗ thôi.
Ta có hơi chột dạ, mặt đỏ lên, cầm lấy bút rồi chậm rãi viết lên giấy:
"Tuế tuế bình an tiết, niên niên như ý xuân."
Nếu năm nào cũng đều yên bình như thế này thì tốt biết bao.
Ngày mùng 5 đầu năm, Nhị thiếu gia muốn ra ngoài cưỡi ngựa.
Chẳng hiểu sao hắn lại khăng khăng đòi ta đi theo.
Trong phủ vốn có năm sáu thớt ngựa, nhưng sau khi Ngụy gia xảy ra chuyện, quản gia đã sa thải bớt người hầu, bán bớt ngựa, giờ chỉ còn lại một con, bình thường do Kiếm Như chăm sóc.
Nhị thiếu gia cưỡi ngựa đi lững thững, may mà trên phố người đông, hắn không thể cưỡi nhanh, ta nhón chân chạy theo vẫn có thể theo kịp.
Sau đó, có lẽ Nhị thiếu gia thấy phố xá đông đúc quá, cưỡi ngựa không thoải mái, nên xuống ngựa, đi bộ cùng ta. Lúc này ta mới có thể đi từ từ, chỉ chạy một đoạn đường khi nãy cũng khiến ta mướt mồ hôi rồi.
Nhị thiếu gia liếc ta đánh giá một lượt, rồi ném qua một bầu nước. Ta ngửa đầu uống ừng ực hai hớp, khó khăn lắm mới điều hòa được hơi thở.
Ta với nhị thiếu gia thực ra không mấy thân quen, giữa phố xá ồn ào mà hai người chúng ta lại im lặng khác thường.
Có lẽ nhị thiếu gia cũng thấy khó xử, đi được một đoạn hắn bắt đầu tìm chuyện để nói.
“Thập Lục, ngươi là người ở đâu?”
“Thôn Bạch Vân, trấn Thanh Thạch ạ.”
“Thôn Bạch Vân? Chưa từng nghe qua, có xa không?”
“Cách kinh thành tám mươi dặm ạ.”
“Tám mươi dặm... nếu nhanh thì đi về trong một ngày cũng được.”
Nghe Nhị thiếu gia có vẻ muốn đi thôn Bạch Vân, ta hốt hoảng.
Đi đi về về hơn trăm dặm đường, đâu phải nói đi là đi được.
Huống chi hắn còn không biết đường, lúc ta đến kinh thành ngồi xe bò của người môi giới, chỉ e đường sá cũng không nhớ rõ, còn phải hỏi thăm cả dọc đường mới về được.