Thầy giáo trẻ họ Hứa bắt đầu sự nghiệp gõ đầu trẻ từ năm chưa đầy mười tám tuổi, đến nay đã dạy dỗ biết bao thế hệ học trò. Ban đầu, thầy cũng từng ấp ủ những lý tưởng cao đẹp. Vậy còn sau đó? Sau đó, cũng giống như bao nhiệt huyết và ước mơ trên thế gian này, lý tưởng của thầy dần bị mài mòn theo năm tháng. Thầy có một vị hiệu trưởng già đáng kính, người ấy trước đây rất thích nói: “Tôi không tin trên đời này lại có người không thể dạy dỗ nên người!”. Ông ấy nói năng hào sảng, một khi cất tiếng thì chẳng ai dám cãi lời. Kết quả là, trong lễ khai giảng năm ấy, ông bị một đám học sinh cá biệt lớp trên ném đá vỡ đầu.

Hồi trẻ, thầy Hứa cũng là một người nóng nảy. Có lần, thầy đã xông thẳng đến nhà một nữ sinh, mắng té tát người bố mẹ bắt con bỏ học, rồi lôi xềnh xệch cô bé trở lại trường. Cô học trò ấy dáng người đen nhẻm, thành tích bình thường, nhưng giọng đọc bài rất hay, phát âm lại chuẩn. Thầy Hứa nghĩ, biết đâu sau này cô bé sẽ trở thành một phát thanh viên, nên mỗi lần thầy đều gọi em lên bục giảng để tập đọc cho cả lớp. Nhìn cô học trò nhỏ ngày một tự tin, bản thân thầy cũng cảm thấy vui mừng. Ngày chia tay, thầy Hứa đã viết những lời chúc khác nhau trên ảnh kỷ yếu của từng học sinh, mong rằng các em đều có được một cuộc đời rực rỡ.

Bốn, năm năm sau, thầy lại tiễn một lứa học trò ra trường, lứa mới cũng sắp sửa tốt nghiệp. Hôm ấy, thầy Hứa chuyển nhà mới, trên đường về định ghé mua ít đồ kho. Một người phụ nữ dáng vẻ sồ sề đang đứng bên cạnh người bán hàng, vừa thấy thầy  mừng rỡ reo lên: “Thầy Hứa?”. Thầy Hứa ngẩn người, phải mất một lúc lâu mới nhận ra cô học trò cũ qua những đường nét trên khuôn mặt. Thầy nhớ lại hình ảnh cô bé ngày nào luôn dẫn đầu cả lớp đọc bài, ngập ngừng cất tiếng: “Em…”

“Em học xong cấp hai là nghỉ học luôn rồi ạ, giờ đang cùng chồng kinh doanh.” Người phụ nữ ấy có chút ngại ngùng kể về cuộc sống hiện tại. Người đàn ông bán hàng khá mập mạp, nghe nói là thầy giáo cũ của vợ nên rất nhiệt tình, nhất quyết muốn tặng thêm thầy Hứa một cái chân vịt. Nào ngờ, thầy Hứa lại cuống cuồng bỏ chạy.

Thầy có thể đấu tranh với khó khăn, nhưng thầy không thể đấu tranh với những điều tầm thường, dung dị.

Thầy tự hỏi, bản thân mình dạy học để làm gì, khi mà chuyện này đã không phải lần đầu tiên xảy ra. Thầy cứ ngỡ cô học trò nhỏ với giọng nói truyền cảm ấy sẽ tiếp tục học hành, sẽ rời khỏi cái huyện nghèo này, sẽ tìm kiếm một công việc tốt đẹp hơn. Nhưng không, cô bé đã không làm vậy. Thầy cứ ngỡ bản thân đã thay đổi được điều gì đó, nhưng sự thật là bố mẹ cô bé vẫn giữ quan điểm cổ hủ và thiển cận về việc học hành của con cái. Họ không cho con gái tiếp tục đi học, còn cô bé cũng không quyết tâm đấu tranh cho tương lai của chính mình, cứ thế an phận chấp nhận số phận làm vợ, làm mẹ. Thầy chỉ có thể giúp đỡ người khác trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, còn cuộc đời là cả một chặng đường dài, thầy đưa người ta qua sông rồi, rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Thầy tìm đến người hiệu trưởng già năm xưa bị ném vỡ đầu, trãi bày nỗi niềm của mình. Thầy đã dạy biết bao thế hệ học trò, tuổi trẻ vốn dĩ là cái tuổi khó dạy, dốc hết tâm can để dạy dỗ thì đã sao, vài năm sau khi trưởng thành, chúng cũng chỉ là những con người tầm thường, vô vị.

Cái đầu của thầy hiệu trưởng tuy đã lành lặn, nhưng từ đó trở đi, suy nghĩ và hành động của ông có phần chậm chạp. Ông muốn nói ra câu nói bất hủ của mình, nhưng tiếc là giọng nói đã không còn sang sảng như xưa. Từ dạo ấy, thầy Hứa không còn mấy mặn mà với việc dạy học nữa. Dù thầy hiệu trưởng có khuyên nhủ thế nào, thầy cũng chẳng lấy lại được tinh thần. Cuối cùng, ông đành tự mình quyết định, tìm người chuyển thầy Hứa đến trường cấp ba số 1, xem như để thầy tĩnh tâm suy nghĩ lại. Thầy Hứa xem đây là hình phạt của thầy hiệu trưởng dành cho mình, nhưng thầy không muốn khuất phục, thầy cho rằng bản thân mình không sai.

Trên cõi đời này, liệu có ai giống như thầy hiệu trưởng, ngay cả khi bị ném vỡ đầu vẫn có thể giữ vững lý tưởng cho đến cuối đời? Máu nóng rồi cũng có lúc nguội lạnh.

Bao nhiêu năm qua, thầy không kết hôn, không con cái, thầy sưu tầm những bài văn hay của học sinh, luôn hy vọng rằng một ngày nào đó, trong số chúng sẽ có một vài người trở nên phi thường. Thế nhưng, những tia sáng le lói ấy cuối cùng đều bị cuộc sống mài mòn, những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, đáng yêu ngày nào… rồi cũng trở thành những người lớn na ná như nhau.

Đôi khi, thầy thậm chí chỉ muốn xông đến hỏi, tại sao bây giờ các em lại trở nên như vậy, trước đây các em từng viết những bài văn hay như thế, trước đây các em học giỏi như vậy, tại sao? Tại sao các em lại sống một cuộc đời như thế này? Nhưng thầy không thể mở lời, cũng chẳng có ai trả lời thầy. Thầy Hứa cảm thấy bản thân mình có lẽ bị bệnh rồi, không, phải là bị bệnh rồi, nếu không tại sao lại có những chấp niệm như vậy?

Vậy thì cứ sống như một người bệnh đi. Sau khi chuyển đến trường cấp ba số 1, học sinh ở đây còn khó dạy hơn, nói không nghe, mắng không sợ. Thầy Hứa dứt khoát gạt bỏ hết nhiệt huyết và chấp niệm đối với nghề giáo, cùng với chút sức sống ít ỏi còn sót lại trong mình. Thầy bắt đầu học cách xem học sinh trong lớp như những củ cải, chẳng ai mong củ cải thành tinh cả, thầy hờ hững dạy học, cũng hờ hững với kết quả.

Thầy Hứa gần như đã quen với việc này, cho đến khi thầy gặp được Lý Cố. Có lẽ thầy vẫn luôn canh cánh trong lòng, những trang giáo án chi chít ghi chú chính là bằng chứng rõ ràng nhất. Sự xuất hiện của Lý Cố giống như cơn mưa tưới mát cho những hạt mầm ấp ủ trong tim thầy, để rồi những khao khát bị kìm nén ấy lại bừng bừng trỗi dậy.

Hôm nay, Lý Cố đã hỏi thầy một câu khiến thầy phải á khẩu, thầy buộc phải đối mặt với câu hỏi từng khiến thầy thất bại một lần nữa.

Tan học, thầy Hứa trên đường đi mua rượu, ghé qua gian hàng hôm trước để mua ít đồ kho. Một cậu bé con chạy lon ton quanh mẹ, người phụ nữ đeo găng tay dính đầy dầu mỡ vừa bán hàng cho khách vừa dạy con học chữ. Vị khách nghe thấy,  trêu chọc: “Ồ, tiếng phổ thông của cô chuẩn thật đấy.” Nghe vậy, người phụ nữ rất vui, cô tháo găng tay, vén tóc ra sau tai: “Đương nhiên rồi, hồi đi học tôi còn được thầy giáo gọi lên bảng để tập đọc cho cả lớp nữa cơ.” Lúc nói câu này, gương mặt cô như bừng sáng một cách lạ kỳ. Đứa bé con ôm lấy chân mẹ, bắt chước giọng điệu của mẹ, đánh vần từng chữ.

Thầy Hứa đứng nhìn hồi lâu rồi mới quay người bước đi. Thầy tự hỏi, phải chăng cô ấy không hạnh phúc? Có vẻ như cũng không phải.

Năm đó, thầy đã làm những gì mình nên làm, nhưng thầy không có quyền yêu cầu người khác phải sống một cuộc đời khác. Cô gái ấy, cô ấy có cha mẹ thậm chí còn không muốn cho con gái đi học, nếu cô ấy chọn một cuộc sống khác, chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn phía trước. Thầy đã từng giúp đỡ cô ấy, vậy thầy có quyền yêu cầu cô ấy trở thành một chiến binh hay không? Câu trả lời là không. Giờ đây, cô ấy đã sớm yên bề gia thất, sống một cuộc sống khác. Thầy Hứa nghĩ, bản thân mình lấy tư cách gì để phán xét người khác? Những gì thầy làm giống như việc chở người qua sông, qua đoạn đường này rồi, đi tiếp như thế nào, đi về đâu là lựa chọn của chính họ.

Thầy chỉ có thể làm tốt vai trò của một người lái đò trong một giai đoạn ngắn ngọn.

Điều thầy có thể dành cho người khác, dù cố gắng đến đâu cũng không phải là một cuộc đời khác. Mà là một khoảng thời gian từng trải qua trong cuộc sống bình dị này, giống như khi người phụ nữ ấy nhắc về khoảng thời gian được đứng trên bục giảng năm xưa, ánh mắt cô ấy sáng rực lên… Đó là những khoảnh khắc tỏa sáng trong cuộc sống của một người bình thường. Chỉ cần từng tồn tại, là có thể soi sáng cả cuộc đời.

Ngày hôm sau, thầy Hứa đến lớp, đứng trên bục giảng, thầy bắt gặp dáng vẻ ủ rũ của Lý Cố. Ngọn lửa trong lòng thầy lại bùng cháy, và người đầu tiên phải chịu trận chính là cậu học trò nhà quê này – Lý Cố bị thầy mắng cho một trận nên thân.

“Hôm qua em hỏi tôi học hành có thực sự có ích hay không, tôi chưa kịp trả lời, em đã nản chí rồi sao? Nói cho em biết, tôi thấy em cũng khá lắm.” Thầy Hứa liếc mắt nhìn Lý Cố, giọng điệu mỉa mai: “Cái tuổi của em là tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Vô dụng thì đã sao, vô dụng thì không cần học nữa à? Có ích thì đã sao, tôi nói có ích là em sẽ học giỏi chắc? Ngay cả những thứ vô dụng trước mắt em còn chẳng làm được, thì em có thể làm được cái gì có ích?”

Lý Cố bị mắng đến ngây người.

Thầy Hứa hả hê trút giận, tìm lại được chút tự mãn từ Lý Cố. Sau đó, thầy kéo ngăn bàn, lấy ra một tờ giấy mỏng đưa cho cậu. Lý Cố nhận lấy, đọc đi đọc lại hồi lâu, thì ra đó là đơn xin hỗ trợ học sinh nghèo. Cậu đọc rất kỹ, ngay cả phần hướng dẫn cũng không bỏ sót, sau đó ngây ngô hỏi: “Thưa thầy, cái này phải dán thông báo trước lớp mà?” Anh thấy trên tờ đơn cũng ghi rõ như vậy.

Thầy Hứa tức giận đến nghẹn họng, mắng: “Cả lớp chỉ có mỗi mình em biết chữ thôi hả?”

Lý Cố im bặt: “Thầy ơi, em… Em cảm ơn thầy. Nhưng như vậy thì không hay cho thầy lắm.”

Thầy Hứa thực sự không muốn đôi co với cậu nữa: “Nếu muốn công bằng, công chính thì cút sang lớp khác đi, thầy Hứa đây thích “lách luật” đấy. Không phục hả? Không phục thì đi mà tố cáo tôi đi!” Nói xong, thầy phẩy tay đuổi Lý Cố đi, một lúc sau lại gọi cậu quay lại, điền xong đơn thì cút.

Lý Cố cúi đầu viết đơn, thầy Hứa đi đến bên cạnh, chỉnh sửa chữ viết cho cậu. Lý Cố vẫn cặm cụi viết, bỗng nghe thấy giọng nói trầm thấp của thầy Hứa vang lên: “Nghĩ kỹ lại rồi, tôi chỉ cần dạy dỗ thật tốt, chỉ cần bản thân mình không hổ thẹn với lòng là được. Còn những thứ khác, tôi không quản được. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, gia đình cho em đi học là vì họ kỳ vọng ở em. Nhưng cuộc đời rất dài, sau này em bước đi như thế nào là do bản thân em tự quyết định. Khi còn ở trên con thuyền của tôi, tôi sẽ bảo đảm em không đi chệch đường, cho dù không thể tốt hơn con người mà em muốn trở thành, thì cũng không thể tệ hơn.”

Giọng nói của thầy trầm ấm và chân thành, khiến Lý Cố khi ấy đang mải mê điền đơn suýt chút nữa ngỡ là mình nghe nhầm. Rất lâu sau này, cậu mới hiểu được, giọng nói ấy, là dòng chảy tuôn trào từ tâm hồn của một người thầy, là dòng sông mênh mông và dịu dàng.

Lý Cố không biết mình đã làm gì để có được may mắn như vậy, lúc gần đi thầy Hứa còn ôm cho cậu một chồng tạp chí cũ mới: “Toàn là đồ hết hạn rồi, mang về mà đọc, không cần trả đâu. Đọc nhiều thứ bên ngoài sách giáo khoa một chút, lần sau tôi hỏi thì tốt nhất là em phải trả lời được đấy.”

Lý Cố ngây ngô nhìn thầy, gật đầu lia lịa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play