Nghĩ lại chuyện này, mẹ Thịnh vẫn thấy tiếc, trước đó khi Thịnh Vãn Yên vừa tốt nghiệp, trường học lại đang thiếu giáo viên.
Trường dự định sẽ chọn ra một học sinh có thành tích tốt nhất trong số những học sinh sắp tốt nghiệp để giữ lại.
Bà muốn con gái thử đi phỏng vấn, ai ngờ thành tích của đứa con gái này lại kém đến mức khó tin.
Rõ ràng trước đó lúc nào cũng đứng nhất, cơ hội ở lại trường rất cao, vậy mà học kỳ cuối cùng lại đứng bét lớp.
Trong ký ức của nguyên chủ, Thịnh Vãn Yên cũng tìm thấy phần ký ức này.
Cô thật sự rất muốn mắng nguyên chủ một trận, từ trước đến giờ cô chưa từng thấy ai ngốc nghếch đến thế.
Nhà họ Thịnh không có nhiều họ hàng, ông nội Thịnh có một người anh trai, cô phải gọi là bác cả.
Bác cả Thịnh và vợ sinh được hai con trai, một con gái.
Hiện tại, cả nhà bác ấy đang sống tại một ngôi làng ở Dung Thành, thật ra nhà họ Thịnh vốn là nông dân, cuộc sống trước đây của hai nhà đều nghèo như nhau.
Bà nội Thịnh và bà cả Thịnh từ hồi còn trẻ đã không ưa gì nhau, trọng nam khinh nữ là chuyện thường ngày ở huyện.
Bà cả Thịnh sinh được hai con trai, càng được bà cố Thịnh coi trọng, thường xuyên lời ra tiếng vào mỉa mai bà nội Thịnh.
Ai cũng mong muốn trong nhà có nhiều con trai, nhất là trong thời đại mà sức lao động được coi trọng như bây giờ.
Thế nhưng bà nội Thịnh lại chỉ sinh được mỗi Cha Thịnh, bà cố Thịnh không vui nên thường xuyên bắt bà làm việc.
Hơn nữa, Cha Thịnh lại là cháu đích tôn, kẹp ở giữa nên càng không được bà cố Thịnh coi trọng.
Sau này, Cha Thịnh thi đỗ đại học, trở thành người duy nhất trong làng đỗ đại học.
Ông đã giúp bà nội Thịnh ngẩng cao đầu, lúc này bà cố Thịnh lại muốn nhà thứ hai phải hỗ trợ cho nhà cả.
May mà ông nội Thịnh là người thương vợ, kiên quyết chia nhà.
Bản thân ông chỉ có một đứa con trai, nhất định sẽ không để người nhà thứ hai trở thành con đỉa hút máu, liên lụy đến tương lai của con trai mình.
Sau khi bà cố Thịnh qua đời, khoảng cách của hai nhà càng ngày càng xa.
Một mình Cha Thịnh đã gánh vác cả gia đình.
Con trai cả nhà ông cả bằng tuổi Cha Thịnh, cô phải gọi là bác cả.
Bác ấy làm kế toán ở thôn, đã có vợ con, ba đứa con, hai trai một gái.
Tất cả đều đã ngoài 20, có gia đình cả rồi.
Người con trai thứ hai (của ông cả) là một nông dân bình thường, ngày ngày làm việc để kiếm sống.
Cô phải gọi là chú hai, nhà có bốn đứa con, hai trai hai gái.
Ngoại trừ cô con gái út bằng tuổi với Thịnh Vãn Yên đang được mai mối, những người còn lại đều đã yên bề gia thất.
Nhà ông cả Thịnh có rất đông con cháu, bảy người con, bốn trai ba gái.
Cộng thêm cả cháu chắt, người trong nhà càng lúc càng đông.
Sở dĩ thành tích của Thịnh Vãn Yên năm đó tụt dốc không phanh là do con gái của chú hai Thịnh, Thịnh Tú Anh xúi giục.
Thịnh Tú Anh bằng tuổi Thịnh Vãn Yên, nhưng cuộc sống của hai người một trời một vực.
Là con gái, nhưng Thịnh Vãn Yên từ nhỏ đã không phải làm việc nặng, hơn nữa còn được học hành đến nơi đến chốn, khiến ai cũng phải ghen tỵ.
Còn Thịnh Tú Anh, cô ta phải sống trong gia đình trọng nam khinh nữ, suốt ngày đầu tắt mặt tối, cơm không đủ no, áo không đủ mặc.
Từ nhỏ Thịnh Tú Anh đã ghen ghét với Thịnh Vãn Yên, hai người bằng tuổi nhau, tại sao cô ta lại có thể sống sung sướng như vậy.
Cô ta cho rằng, Thịnh Vãn Yên nên giống như mình, phải làm việc đồng áng, làm những công việc nặng nhọc nhất.
Sau khi biết Thịnh Vãn Yên tốt nghiệp có thể ở lại thành phố, Thịnh Tú Anh liền tìm mọi cách để tẩy não nguyên chủ.
Lần nào gặp Thịnh Vãn Yên, cô ta cũng nói rằng lao động là vinh quang, lại thêm tình hình hiện tại, người đọc sách không được coi trọng, dần dần, Thịnh Vãn Yên bị Thịnh Tú Anh tẩy não.
Chính điều này đã khiến cho thành tích của cô ngày càng kém, đánh mất cơ hội ở lại trường làm việc.
Nguyên chủ Thịnh Vãn Yên chưa từng trải sự đời, trước khi cô đến, cô ấy còn không hề hay biết âm mưu của Thịnh Tú Anh.
Thấy Thịnh Tú Anh sống khốn khổ, lần nào cô cũng đem đồ ăn của mình cho Thịnh Tú Anh.
Trong lòng luôn coi Thịnh Tú Anh là bạn tốt, mấy năm qua không biết đã cho Thịnh Tú Anh bao nhiêu đồ.