Trương Dực Đức mặt đen, râu ria xồm xoàm, hai mắt tròn to, thân cao tám thước, nhìn từ xa quả thật trông như một tòa núi lớn.
Hắn làm nghề mổ heo giết dê, thịt đem bán cho các tửu lầu ở đường Bát Bảo. Đồ tể trong thành không thiếu, nhưng làm ăn lớn được như gã thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đại khái còn có năm sáu người nữa. Thành Bạch Đế rộng lớn, lắm thương nhân nhiều sĩ tộc, thành thử các lò mổ lớn trong thành ai có địa bàn của người nấy, nước giếng không phạm nước sông. Trương Dực Đức nhờ đó cũng gọi là có chút tài sản, không lo ăn mặc.
Họ Trương chính đang ngồi ngáp ngáp đuổi ruồi thì ngoài cửa quán đã có một trung niên thấp lùn, gầy như que củi chạy vào.
“Chú Trương, hôm nay có phần thịt nào ngon ngon không?”
Vừa đến trước quán, người nọ đã bô bô lên tiếng chào hỏi, lại kéo ghế tự ngồi ra chiều quen thuộc lắm. Trương Dực Đức cũng đã quen với thái độ của người nọ. Mười năm qua hắn làm nghề này, nếu không phải có người trung niên thấp bé này giúp đỡ chiếu cố thì chưa chắc hắn đã gượng dậy được.
“Hôm nay có bộ lòng với dẻ sườn. Quán bác Đồng hôm nay đón tiếp vị tai to mặt lớn nào hay sao mà đến sớm thế?”
“Bậy. Bậy. Bảo chú bao nhiêu lần rồi. Trong thành tai vách mạch rừng, phải bảo anh họ Đông.”
Người kia vừa nói, vừa dáo dác nhìn quanh, tựa như sợ hãi kẻ nào đó đang nấp ở xó tối nghe lén. Trương Dực Đức thấy y sợ bóng sợ gió, thần hồn nát thần tính như vậy thì lại cám cảnh mình, không khỏi cười khổ một cái, nói:
“Em lỡ lời. Cũng là người cơ khổ với nhau.”
Trung niên vốn họ Đồng, tên Đình Quang, hiện giờ đang làm quản sự cho Phi Tiên lầu – tửu lầu lớn nhất nhì khu đường Bát Bảo thành Bạch Đế. Thế nhưng, hiện giờ còn rất ít người biết cái tên này của y. Người ta chỉ biết có Đông Phúc mà thôi.
Nguyên nhân y phải đổi tên thay họ, sống nơm nớp như chim sợ cành cong kể ra thì dài dòng, nhưng nếu buộc phải nói trong một câu, thì ấy là tại gia tộc họ Đồng sinh ra một người: Đồng Quang Vinh.
Đồng Quang Vinh và Đồng Đình Quang vốn là hai anh em cùng cha khác mẹ, cha là gia chủ đời trước Đồng Lâm Thanh. Người sau là con vợ cả, kẻ trước là con của người thiếp. Thế nhưng vì ông bác của hai người bị bệnh mất sớm, trưởng lão trong tộc bèn để Đồng Quang Vinh nhận làm con thừa tự cho y, để mà kéo dài hương hỏa nhánh đó của họ Đồng.
Đồng Quang Vinh từ nhỏ đã có dã tâm bừng bừng, bây giờ từ con của thiếp thất nhảy lên thành anh họ của Đồng Đình Quang, cơ hội tranh giành chức gia chủ rộng mở. Thế là, y bày mưu ám hại Đồng Đình Quang kém chút thì chết mất xác.
Tuy Đồng Đình Quang may mắn sống sót, nhưng bị thương đến tam tiêu, thành thử người co ngắn lại không thể nào lớn được, đến tuổi tráng niên vẫn chỉ như đứa trẻ mười một mười hai.
Đồng Quang Vinh tuy giết người không thành, lại mượn ngoại hình của Đồng Đình Quang nói chuyện, cố gắng thuyết phục hội trưởng lão rằng để một người ngắn cũn một mẩu lên làm gia chủ thì sẽ khiến danh dự họ Đồng bị tổn hại. Lúc ấy, đột nhiên Trương Dực Đức – khi thiếu thời cũng là nhà hàn môn hào cường ở Bạch Đế – nhảy ra vạch trần chuyện Đồng Quang Vinh ám hại Đồng Đình Quang.
Chuyện xảy ra từ thời thiếu niên, Bát Kỳ Hầu khi ấy hành sự còn đầy lỗ hổng. Thành thử, nhà họ Đồng chỉ tra một ngày là đã rõ ràng thực hư chân tướng. Đồng Quang Vinh đáng nhẽ phải bị xử chết, nhưng vì y là con thừa tự của anh trai gia chủ đương thời, thành thử các trưởng lão quyết định đổi thành nhập ngũ, đến Quan Lâm làm lính, coi như là một loại đi đày.
Vốn là nhà họ Đồng cho việc đến đấy là sẽ chấm dứt, người ở Quan Lâm thì nào có cơ hội thăng tiến gì trong triều?
Thế nhưng ở đời không ai lường trước được chữ ngờ. Đồng Quang Vinh đầu tiên là trở thành một trong Tứ Mãnh Khuyển, sau lại nhờ lập công trong chiến tranh Tề – Việt mà nhảy lên trở thành châu chủ một châu, bái tướng phong hầu, địa vị hiển hách siêu nhiên. Y “áo gấm về quê”, nhà họ Đồng ở Bạch Đế từ danh gia vọng tộc cứ thế mà biến thành bàng chi của hầu tộc châu Kim Quy.
Đồng Đình Quang thì thê thảm hơn cả. Gia tộc vì sợ Đồng Quang Vinh ghi thù mà không tiếc trục xuất y khỏi gia môn, xóa tên khỏi gia phả. Đồng Đình Quang chỉ đành đổi tên thay họ, lang bạt ở Bạch Đế. Cũng may nhờ xuất thân cao, biết chữ nghĩa, hiểu kinh sách, thế nên Đông Phúc may mắn được Phi Tiên lâu thu nhận làm chân quản sự, phụ trách đặt mua nguyên liệu nấu ăn hàng ngày.
Mà kẻ dám đứng ra vạch tội Đồng Quang Vinh năm xưa như Trương Dực Đức cũng không có quả ngon để ăn.
Trương Dực Đức bẩm sinh không mang cái tên này.
Cha mẹ hắn đặt cho hắn cái tên là Gia Hòa, hàm ý gia hòa vạn sự hưng, mong hắn có thể chấn hưng gia tộc, để họ Trương thoát khỏi cái mác hàn môn, đạp chân vào giới sĩ tộc.
Người ta thấy hắn sinh ra trong nhà thư hương mà vóc dáng vạm vỡ, mặt đen râu rậm, tính nóng như lửa, ghét ác như cừu, bèn gọi đùa hắn là Tú Hoa Trương Phi. Mà bản thân Trương Gia Hòa cũng rất khoái cái biệt hiệu này. Thành thử, đến lúc trưởng thành, gã bèn xin cha mẹ cho đổi tên thành Trương Dực Đức luôn.
Cha mẹ hắn đều mất trong lần Hải Thú tràn bờ mười ba năm về trước. Từ ấy về sau, Trương Dực Đức thừa kế sản nghiệp trong nhà, gắng sức dùi mài kinh sử. Hắn thân kẻ sĩ mà không khinh mạn dân lành, còn thường xuyên lấy tiền của giúp đỡ kẻ khó khăn cơ cực ở Bạch Đế, thành thử thanh danh rất tốt.
Tựa hồ, thiếu niên chính nghĩa năm đó mãi mãi cũng không chết đi.
Đáng tiếc...
Vào một ngày mùa đông, một cô gái chạy đến nhà Trương Dực Đức.
Y thị là ca kỹ nổi danh trong thành, họ Vi, vô luận là đàn ca sáo nhị hay khiêu vũ làm thơ đều tinh thông, quả thật là tình nhân trong mộng của vô số thanh niên tài tuấn.
Trương Dực Đức thấy Vi thị bị thương, hỏi ra mới biết là bị bọn buôn người bắt cóc, vừa mới chạy thoát được. Thương tình, hắn cho y thị ở lại trong phủ, chăm sóc cẩn thận, lại vẫn luôn giữ lễ nghĩa cẩn thận. Qua mấy ngày, Vi thị bỏ đi...
Giai nhân vừa rời gót ngọc, tai họa đã ập xuống đầu.
Chẳng được mấy bữa, quan Chưởng Ấn đã phái bổ đầu đến bắt Trương Dực Đức với tội danh là bắt cóc người trong ca tịch. Người tố cáo lại không phải ai khác ngoài Vi thị.
Trương Dực Đức cả kinh, nhưng cái thời đại nhân trị, quan muốn hại dân có muôn vàn cách. Hắn có mười cái miệng cũng không nói được, chỉ đành phải cắn răng, một hai thề thốt vào nhân phẩm cá nhân, đánh cược hương thân phụ lão sẽ không đâm hắn một nhát sau lưng như Vi thị.
Trương Dực Đức lại sai.
Những kẻ hắn từng trợ giúp khi xưa chẳng những không nói đỡ, còn thi nhau “vạch mặt” hắn. Trương Dực Đức hết bị nói là mua danh chuộc tiếng thì lại bị mắng là hư ngụy dối gian.
Thế là, Tú Hoa Trương Phi thân bại danh liệt, toàn bộ gia sản đều bị sung công.
Chưởng Ấn vì cố tình nhục nhã hắn, ra lệnh toàn bộ Bạch Đế không một ai được bán sách cho Trương Dực Đức. Ngoại trừ làm nghề đồ tể mổ heo cho “danh phù kỳ thực”, bất luận hắn vẽ tranh cho chữ gì thì dân chúng Bạch Đế đều không được phép hỗ trợ.
Nếu không phải có Đông Phúc – Đồng Đình Quang nâng đỡ, thì có lẽ Trương Dực Đức đã chết đói đầu đường rồi.
Thế nhưng, thiếu niên nghĩa khí can vân ngày nào cũng đã chết vào hôm đó. Mỗi câu chửi mắng của đám dân đen đều là một nhát dao đâm sâu vào xương thịt của Trương Dực Đức, lút đến tận cán.
Máu xanh đã chảy hết.
Tiếng gọi của Đông Phúc đánh thức Trương Dực Đức khỏi hồi ức.
“Ngoại trừ cái đám sĩ tộc hào môn trong thành thì còn ai nữa? Hôm nay mấy nhà tụ hội bàn đối sách ứng phó với vị Bích Mặc tiên sinh kia. Lâu chủ bảo anh đi chuẩn bị nguyên liệu từ sớm.”
Đồng Đình Quang vừa nói, vừa lơ đãng nhìn ra xa.
Trương Dực Đức nghiến răng, lầm bầm: