Tiễn Lê Minh Đức rồi, Nguyễn Đông Thanh mới đi tìm ông đồ già Cố Văn. Ban nãy, nếu không có y, có lẽ Bích Mặc tiên sinh của chúng ta hãy còn ù ù cạc cạc, chả biết kẻ đến gặp mình rốt cuộc là ai, thân phận ra sao. Điều này không khỏi khiến gã cảm thấy hoài nghi nhân sinh.
Hai người cùng đến Bạch Đế một ngày, thế nhưng Cố Văn cơ hồ đã nắm được các nhân vật máu mặt ở đây là những ai, bối cảnh thế nào, hỏi đến là có thể trả lời vanh vách cứ như thể đoán biết được tương lai vậy. Trái lại, Nguyễn Đông Thanh thì chẳng khác nào người giời. Ngoại trừ Hồ Ma Huyền Nguyệt và hai quan Chưởng Kiếm, Chưởng Bút ra, gã cũng chỉ nắm được trong thành Bạch Đế còn có hai thế lực lớn.
Một là nhà họ Đào. Tộc này nhiều đời làm quan, nắm trong tay bốn phần ruộng đất, bảy làng nghề thủ công, lũng đoạn toàn bộ sách vở thư viện trong thành. Có thể nói, phóng mắt toàn bộ châu Ngọc Lân thì Đào thị cũng là sĩ tộc số một số hai, sức ảnh hưởng cực kỳ khổng lồ.
Mà thế lực còn lại gọi là Tham Lang bang, nghe đâu là một bang phái đã nhất thống toàn bộ thế giới ngầm thành Bạch Đế. Hầu hết những chốn ăn chơi như kỹ viện, sòng bạc, võ đài ngầm, sới đá gà chọi chó đều có bọn hắn đứng sau. Những chỗ mua sắm sầm uất nhất thành gồm bốn khu chợ ở các thành đông tây nam bắc, tám con đường lớn Càn Đoài Li Chấn Cấn Khảm Tốn Khôn vây quanh thành nội đều nộp phí bảo hộ cho bọn hắn cả. Trừ phủ thành chủ và ba Chưởng Quan, cơ hồ Đào thị là bá chủ ngoài sáng, Tham Lang bang là vương là tướng trong bóng đêm.
Còn có tin đồn rằng tiền bạc nhân mã của Tham Lang bang thực ra đều là do các thế gia sĩ tộc lớn nhỏ trong thành cung cấp. Đổi lại, Tham Lang bang sẽ thay mặt bọn họ làm đối trọng với Đào thị. Song thế gia sĩ tộc xưa này làm việc rất sạch sẽ, không để lại dấu vết bao giờ, thành thử hư thực của lời đồn kia cũng chẳng ai kiểm chứng được. Chí ít, ghi chép trong phủ Chưởng Ấn không hề có chứng cứ chứng minh các sĩ tộc lớn nhỏ trong thành cấu kết dựng lên Tham Lang bang.
Mà Lê Minh Đức đương nhiên là không có dây dưa gì với cả hai thế lực lớn ngoài sáng lẫn trong tối, cơ hồ chỉ êm ấm ở nhà làm viên ngoại giàu sang, thành thử Nguyễn Đông Thanh cũng chẳng hay biết gì đến lão.
Cứ như Cố Văn giải thích, thì Lê Minh Đức nhập ngũ trong trận đánh giữa Đại Tề – Đại Việt.
Thực chất, chiến tranh giữa hai nước cũng không đơn giản như những gì thiên hạ vẫn truyền tai nhau. Cái việc Lý Huyền Thiên cản Nghiêm Hàn ở Hoàng Liên sơn đạo chẳng qua cũng chỉ là mở đầu cho quốc chiến. Lúc ấy Đại Tề vừa đánh gục năm nước, khiến cả phương bắc xưng thần, tài lực vật lực hơn xa một nước nhỏ ở phía nam Lục Trúc Hải. Nghiêm Hàn đích thân dẫn Huyền Giáp Vệ vượt biển trúc, đánh từ phía tây vòng lại chỉ là một trong bốn đường tiến công mà thôi.
Hai quân Tả Hữu Dực thì mượn thế công của thú triều Lục Trúc Hải đánh hạ Quan Lâm, sau đó sẽ phân binh làm hai đường. Một theo kế hoạch vòng phía tây, mượn núi Lệ Chi kéo đến đánh hạ thành Bạch Đế, khống chế thành Thanh Tùng, sau đó dẫn Huyền Giáp Vệ vào, nuốt gọn hai châu Ngọc Lân, Hỉ Phượng. Cánh còn lại chiếm cứ Tế Kỳ thành, sau đó xuôi dòng nước công phá Hải Nha, đánh xuôi nam phối hợp long tộc chiếm châu Thụy Quy. Cuối cùng bốn mũi tiến công vây Cổ Long thành vào giữa, nghiền nát sự chống cự của Đại Việt.
Mà nguyên nhân Nghiêm Hàn tự vẫn thực ra không phải là tiến công bất lợi, mà do Huyền Giáp Vệ của hắn không tiến vào Đại Việt được, khiến Hữu Dực quân bị sa lầy, cuối cùng hai mười vạn đại binh đều chôn xác ở nước nam.
Cố Văn lại kể:
“Khi ấy người Tề không rõ bằng cách nào mà tạo ra được một trận pháp, lấy trụ đồng đóng lên các thành Quan Lâm, Tế Kỳ làm dẫn, có thể làm nổ nhẫn chứa đồ mang lương thảo quân nhu của Đại Việt. Thời gian đầu Đại Việt tiếp tế bất lợi, liên tiếp bại lui, đến nỗi thành Bạch Đế cũng rơi vào tay quân Hữu Dực. Về sau, Lý Huyền Cơ quay sang dùng sức người sức ngựa, thuyền bè tải lương mới hóa giải được nguy cơ.
“Mà lúc ấy Lê Minh Đức chính là một tiểu tốt vận lương. Binh mã vận lương đi vòng mặt bắc, tiếp tế cho Ải Thị, thế nhưng giữa chừng trúng mai phục. Quan vận lương đầu hàng, duy chỉ có Lê Minh Đức liều mạng phá vây đến Ải Thị báo tin. Trước trận, Lê Minh Đức chỏ tay mắng tướng sĩ quân Tề vô sỉ, quan vận lương bất trung, nên lúc Ải Thị bị phá mới bị chém đứt hai ngón tay.”
Y ngừng một chốc, chặc lưỡi, đoạn kể tiếp:
“Về sau Ải Thị cũng bị đánh hạ, toàn quân tướng sĩ chết trận, chỉ có một mình Lê Minh Đức vì có thù với quan vận lương nên bị giam trong cũi làm tên hề cho kẻ khác nhục mạ. Mãi đến lúc Hữu Dực quân sa lầy ở Ngọc Lân, binh mã Đại Việt không ngừng chặn đánh, Lê Minh Đức mới có thể thừa cơ thoát thân.
“Sau trận chiến đó lão nhân vết thương cũ cởi giáp, bắt đầu buôn bán làm ăn ở Bạch Đế. Người ta vì trận chiến Ải Thị năm xưa mà gọi lão là lão Bát Chỉ Anh Hùng.”
Nguyễn Đông Thanh nghe xong, mới hỏi:
“Cố lão thấy chuyện này thế nào?”
“Tử chiến Ải Thị, hai lần thoát chết, nếu đưa cho cánh thuyết thư tiên sinh thì quả thật là một giai thoại li kì, dễ làm dân chúng thích thú. Song nếu nhìn một cách lý tính thì quá vô lý.”
Cố Văn ngẫm một chốc, đoạn cười, đáp.
Bích Mặc tiên sinh của chúng ta thuộc loại văn dốt võ nát, thứ gần nhất với phá án hắn từng tiếp xúc trừ Bao Công, Cảnh Sát Hình Sự thì cũng chỉ còn Thám Tử Conan mà thôi. Nhưng được cái gã biết mình biết người, nên lúc này mang thái độ thỉnh giáo rất mực chân thành.
“Xin Cố tiên sinh chỉ giáo.”
“Không dám. Trong chuyện này có ba điểm đáng ngờ. Thứ nhất nếu quan vận lương thật sự hàng Tề thì vì cớ gì không để lính Tề giả làm lương đội, đoạn phá thành từ bên trong? Hữu Dực quân là một trong bốn quân đoàn lớn nhất Đại Tề, chắc chắn không thiếu mưu sĩ.”
“Thế nhưng nếu Lê Minh Đức đến Ải Thị trước thì sao?”
Nguyễn Đông Thanh chợt lên tiếng hỏi.
Cố Văn cười, lắc đầu: