Tạm ngưng sự tình ở thành Hải Nha, kể tiếp chuyện của nhị đồ đệ Lão Thụ cổ viện.
Tạ Thiên Hoa bước chân xuống khỏi “cáp treo”, bước mấy bước, lại ngoảnh đầu lại nhìn cái khoang xe tiếp tục di chuyển vào trong trạm bảo dưỡng. Đến giờ cô nàng vẫn còn có chút không thể tin được con người có thể làm ra loại hình thức di chuyển đường dài dạng này.
“Từ Vân công công nói không sai, tay nghề của Hàn gia Đại Yến quả là phi thường!”
Từ rất lâu trước đây, có lẽ phải từ trước Phản Thiên Chi Chiến, không hiểu vì lý do gì, Đại Yến cho đập hết các truyền tống trận, chỉ để lại một cái duy nhất tại Bằng Sơn Quan nối với bên ngoài. Thành thử, trong thời gian dài sau đó, di chuyển đường dài tại quốc nội nước Yến vô cùng khó khăn gian khổ đối với phàm nhân cùng tu luyện giả cấp thấp, lại cũng khá mệt nhọc tốn sức đối với tu luyện giả cấp cao. Mãi phải đến đâu đó ba ngàn năm về trước, Hàn Xuân Phong – gia chủ Hàn gia lúc bấy giờ, mới chế tạo ra tuyến cáp treo đầu tiên cho Đại Yến, đặt nền móng cho mạng lưới cáp treo chằng chịt dẫn đi khắp đất nước về sau này. Đây cũng là kiệt tác thành danh, để đời của lão. Thậm chí có người nói, đây là một trong những lý do Hàn Xuân Phong quyết định cho gia tộc rút lui khỏi giới luyện khí, chuyển sang làm nghề thủ công.
Đến nay, chả ai còn dám chắc khi đó cụ thể những gì đã xảy ra, song “cáp treo” cũng đã sớm trở thành một biểu tượng của Đại Yến, một phần văn hóa, một nét đặc sắc mà người dân nơi đây vẫn vỗ ngực tự hào không nước nào khác tại Huyền Hoàng giới có. Mà cũng bởi vậy, mặc dù Hàn gia đã chuyển đến thành khác sinh sống, không còn ở Bằng Sơn Quan nữa, song người dân thành này vẫn luôn tự hào thành của họ là nơi hai anh em Kiếm Thánh chôn rau cắt rốn, cũng là nơi đặt trạm cáp treo đầu tiên trên đất Đại Yến.
Tạ Thiên Hoa lúc này đã ở địa phận thành Cửu Phượng, một trong các tiền tuyến trọng điểm của Đại Yến. Ngay khi nhận tin từ Từ Vân công công, cô nàng ngựa không dừng vó, chuyển tiếp mấy lần cáp treo để tới đây. Cáp treo ở Đại Yến cũng phân loại đãi ngộ theo giá tiền. Khoang hạng sang cho cánh nhà giàu, thương nhân rộng hơn, có cả đầu bếp riêng phục vụ ăn uống. Khoang chở người thi hành công vụ và các khoang bình dân thì chỉ cho phép mua sẵn đồ ăn từ trước mà mang vào thôi.
Vốn là trước đây, đồ ăn mang lên cáp treo phần lớn đều là lương khô, đồ nguội. Song, dạo thời gian gần đây, nhờ Hữu Tiền Liên Minh phục chế được cạp lồng cơm của Nguyễn Đông Thanh, cho sản xuất đại trà, nên các chi nhánh Nhất Phẩm ở Đại Yến đã bắt đầu phát kèm cặp lồng có khắc nhãn hiệu Nhất Phẩm khi mua các loại vé tuần, vé tháng đi cáp treo. Ai có cạp lồng đều có thể vào các hàng quán sập tiệm Nhất Phẩm để mua đồ ăn nóng mang lên cáp treo ăn. Thậm chí, nếu xuất trình được vé tháng, vé tuần, thì còn được miễn phí bữa ăn. Nghe đâu vé tháng còn cho phép đổi cặp lồng mới nếu cái cũ hỏng hóc. Còn những người mua vé từng chuyến, từng ngày thì vẫn phải trả tiền ăn từng bữa, do giá vé không bao gồm dịch vụ ăn uống.
Tạ Thiên Hoa là nhị đồ đệ của Bích Mặc tiên sinh, đương nhiên là có sẵn cạp lồng của riêng mình. Từ hồi hai người Trương, Đỗ tính chuyện làm ăn kiếm thêm đồng ra đồng vào cho cổ viện rồi đặt hàng loạt, đã để dành cho mỗi đệ tử của Nguyễn Đông Thanh một cái riêng. Cô nàng tuy không quá kén ăn, song cũng không thấy có lý do gì phải ép bản thân chịu khổ khi có lựa chọn tốt hơn, nên cũng lấy cạp lồng ra chọn vài món hợp khẩu vị mang theo ăn trên đường. Có điều, nàng ta cũng phải cảm thán những kẻ đứng sau Hữu Tiền Liên Minh quả rất biết làm ăn. Chỉ với thời gian ngắn vậy mà đã nghĩ ra cách tận dụng phát minh “của” sư phụ mình đến như thế.
Thành Cửu Phượng là thành ven biển ở cực Bắc đại Yến, Đại Yến lại ở cực Bắc Huyền Hoàng giới. Xét về vị trí địa lý, đáng lẽ ra nơi này phải có khí hậu rét buốt. Nhưng có lẽ nhờ có mạch núi lửa ngầm mà một số thành thị của nước Yến có suối nước nóng, lại có khí hậu ấm áp hơn nơi khác. Chính bởi vậy, mà khắp cả vùng lân cận có một loài cây xứ nhiệt đới, lá đỏ rực như lửa, lại được thi nhân ví với lông đuôi loài chim Phượng. Người ta cũng nói, chính nhờ loài cây này nên thành mới được đặt tên như vậy. Chữ “Phượng” hẳn là chỉ loài cây Phượng Vĩ được trồng khắp quanh thành, còn về phần chữ “Cửu” thì người ta cũng không ai rõ tại sao lại gọi vậy. Có người nói là có liên quan đến ngoại hiệu của thành chủ, song cũng nhiều người phản bác ý kiến này.
Nơi đây chả riêng gì trong chiến tranh với Hải Thú mà quanh năm suốt tháng đều là trọng điểm quân sự, không vì lý do gì khác, chỉ bởi vị trí địa lý của nó khá gần với Thiên Đảo. Dẫu sao, tuy nói Chiến Hổ nhất tộc là một lũ điên chỉ chuyên nội đấu, song trời mới biết cái mũi dùi từng diệt sát toàn tộc Bệ Ngạn kia có một ngày chợt chĩa về phía Đại Yến hay không. Thành thử, Cửu Phượng thành có thể nói là cứ điểm quân sự trọng yếu nhất của Đại Yến.
Nhưng có lẽ cũng vì Thiên Đảo ở ngay đó, cho nên theo như Tạ Thiên Hoa được biết, chiến tranh với Hải Thú ở Cửu Phượng xưa nay đều an tĩnh, nhẹ nhàng hơn những nơi khác. Có lẽ cả đám Hải Yêu, Hải Thú cũng không muốn đặt bản thân vào tầm ngắm của đám điên Chiến Hổ...
Còn thành chủ của thành Cửu Phượng tính ra không xa lạ gì đối với nhị đồ đệ của Bích Mặc tiên sinh. Thậm chí, mới không lâu trước đây, còn có thể tính là có chút ân oán với cô nàng. Y chính là kẻ từng chống lưng cho Thẩm Tam Vạn, Vương gia uy vọng đứng đầu nước Yến, Cửu Liên vương – Lăng Khiếu Thiên.
Tuy lúc này lão yêu họ Thẩm đã đâm sau lưng Lăng Khiếu Thiên một nhát, y cũng đã có động thái tạ tội với hoàng đế Đại Yến và Tạ Thiên Hoa, song đấy cũng chỉ là hình thức làm màu lòe thiên hạ thôi. Còn thực tế, Cửu Liên vương sẽ bởi có thù chung với Thẩm Tam Vạn mà làm hòa với nhị đồ đệ cổ viện hay vì họ Thẩm đã cao chạy xa bay mà giận cá chém thớt, trút giận lên cô nàng thì chỉ có trời biết, đất biết, và bản thân lão ta biết. Tạ Thiên Hoa không rõ ý đồ của Lăng Khiếu Thiên, lại càng chẳng rõ lão làm người ra sao, nên cũng chẳng nhọc công đi đoán mò. Binh đến thì tướng ngăn. Cô nàng cứ phòng thân tốt rồi tùy cơ ứng biến là được, mặc kệ lão ta định giở trò gì.
Cửu Liên vương cũng không để cô nàng phải chờ lâu. Tạ Thiên Hoa vừa xuất trình giấy tờ cho lính gác trạm thì đã được thông báo Vương gia có lời mời gặp. Người ta dẫn nhị đồ đệ của cổ viện ra cổng, nơi xe ngựa của Vương phủ đã chờ sẵn.
Lúc Tạ Thiên Hoa tới nơi, Lăng Khiếu Thiên đang cởi trần luyện võ ngoài sân. Nhìn từng động tác cùng khả năng khống lực phát lực của lão, mà cô nàng thầm nghĩ:
“Chả trách Lăng Khiếu Thiên được Thiên Cơ các xếp hạng 307 trên Võ Bảng. Xem ra đúng là chẳng sai!”
Tạ Thiên Hoa tính cẩn thận nhất trong đám đệ tử cổ viện. Sau sự kiện ở trấn Thiết Khanh, trong mấy ngày nghỉ chờ tin tức từ Từ Vân công công, cô nàng đã bỏ thời gian ra tìm tất cả các thông tin mình có thể tìm được về Cửu Liên vương, đề phòng sau này cần đối phó với lão. Võ Bảng Ngọc lại là vật phẩm Thiên Cơ các cho bày bán công khai khắp Huyền Hoàng giới, chỉ cần bỏ chút tiền ra là có thể mua được. Thành thử, không khó để biết thứ hạng của Lăng Khiếu Thiên trên đó.