Theo quan điểm của khoa học hiện đại, trung tâm của mỗi thiên hà đều là một cái hố đen khổng lồ. Cho nên, thứ mà Nguyễn Đông Thanh vô tình triệu hoán ra, chính là một lỗ đen cỡ cái bánh xe bò ở ngay phía trên đỉnh Tu Di sơn.
Về cơ bản, hố đen là một dị tượng thời không, sinh ra khi một ngôi sao khổng lồ kết thúc vòng đời, bùng phát nhiên liệu hạt nhân, và bị sụp đổ dưới chính trọng lực riêng của nó. Sau khi hình thành, lỗ đen có thể tiếp tục mở rộng nếu có các vật thể rơi vào bên trong nó. Thậm chí, hai lỗ đen có thể di chuyển cũng như sáp nhập lại thành một cái to hơn, và các nhà khoa học còn đặt cả giả thuyết về tốc độ mà hố đen các kích cỡ di chuyển nhanh chậm khác nhau ra sao.
Khi xem các phim khoa học viễn tưởng, nhiều người nghĩ rằng hố đen có lực hút kinh khủng, khiến tất cả những gì vào gần đều bị nó hút vào trong mất hút. Nhưng kỳ thực không đơn giản như vậy. Hố đen thực ra không hề hút cái gì vào cả. Điều thật sự diễn ra là bản thân lỗ đen là một vùng thời không nơi các tính chất vật lý không còn hoạt động như bình thường nữa. Ở xung quanh hố đen, thời gian trôi chậm hơn và vạn vật không còn thể tích, chỉ còn khối lượng cùng trường hấp dẫn. Cộng thêm với việc chính hố đen có trường hấp dẫn cực lớn, mới khiến cho không thứ gì rơi vào trong đó mà còn có thể thoát ra ngoài, bao gồm cả thời không và ánh sáng.
Nói một cách nôm na thì hố đen rất nặng, vô cùng nặng, nặng đến nỗi tất cả những thứ rơi vào trong nó đều không còn lối thoát. Tất nhiên, đấy là nếu như rơi được vào trong lỗ đen, vẫn còn khả năng đến gần thôi đã bị bóp nát bởi chênh lệch hấp dẫn tại mọi điểm xung quanh đó rồi.
Để cho dễ tưởng tượng, các nhà khoa học tính ra được một cái hố đen có kích cỡ một quả bóng chày thôi đã nặng bằng mười lần Trái Đất rồi. Mà hố đen ở trung tâm một thiên hà thường là loại khổng lồ nhất... Vậy nên, cái thứ mà Bích Mặc tiên sinh của chúng ta triệu hoán ra trên bầu trời Quan Lâm – kể cả có giống như núi Tu Di, chỉ là bản mô phỏng thu nhỏ đi chăng nữa – cũng nào có thể đơn giản?
Tuy người đứng xem vẫn còn bán tín bán nghi, không rõ tại sao Bích Mặc tiên sinh chỉ diễn hóa ra một vật bé tẹo như vậy để đáp lại ảo ảnh khổng lồ của Kim Thiền Tử, song không hiểu sao họ lại có thể cảm nhận được một sự yên lặng đến chết chóc, bất giác sinh ra sợ hãi. Không có một tiếng động, không có một ngọn gió, ánh mặt trời cũng ảm đạm hẳn, còn thời gian thì như chậm lại...
Trên bầu trời, lỗ đen bé tẹo kia và núi Tu Di ngày một gần nhau...
Thế rồi, vẫn không một tiếng động, không một lời báo trước, nhưng núi Tu Di bắt đầu lở ra từng mảng. Song, đất đá không lăn rơi xuống dưới, mà tất thảy bị hút thẳng vào trong hố đen.
Tất cả tăng lữ phật tử nhìn thấy chuyện này đều phải biến sắc mặt. Mà cả người đến xem náo nhiệt thì cũng không khá hơn là bao. Tràng cảnh “lấy trứng chọi đá” mọi người chờ đợi đúng là diễn ra, nhưng ai là “trứng”, ai là “đá” thì lại hoàn toàn trái ngược với tưởng tượng...
Toàn bộ những người ở trước cổng thành... Không! Phải nói là già trẻ trên dưới toàn ải Quan Lâm, cộng thêm yêu tộc trong Lục Trúc Hải và dân chúng Tế Kỳ thành cùng các thành lân cận khác lúc này nếu nhìn lên bầu trời đều có thể thấy hai thứ: Phật Đạo bắc ngang qua trời cùng một ngọn núi khổng lồ lơ lửng trên Phật đạo đang không ngừng sạt lở, thu nhỏ, như thể nó đang bị phân rã và hút vào trong hư vô...
Thế nhưng, sự việc kinh khủng đáng sợ này không dừng lại ở đó, mà cứ thế tiếp diễn, cho tới khi cả ngọn núi thánh khổng lồ biến mất hoàn toàn trong vật thể lạ mà Bích Mặc tiên sinh triệu hoán ra, để lại toàn bộ người có mặt chứng kiến tràng cảnh khủng khiếp này một mặt ngơ ngác không tin nổi mắt mình: một vật thể kỳ lạ chỉ bé bằng cái bánh xe bò vừa mới khiến cho một ngọn núi khổng lồ mới nãy còn che cả một góc trời biến mất không còn tăm hơi...
Những tưởng thế đã là xong, nhưng không! Lỗ đen sau khi nuốt gọn núi Tu Di thì liền đè thẳng xuống Phật đạo. Con đường màu vàng óng trải đầy hoa sen cũng không chịu nổi sức nặng của vật thể kỳ lạ bé nhỏ kia, bị ép cho bẹt xuống, lại phình ra. Nếu lúc trước có thể dùng hai đường thẳng song song để vẽ Phật đạo, thì giờ đây, ở khúc giữa nơi lỗ đen rơi xuống, phải lấy com-pa khoanh một vòng tròn có đường kính rộng gấp rưỡi khoảng cách giữa hai đường thẳng song song kia.
Còn may, ngay khi hố đen đập bẹt Phật đạo ra, thì Nguyễn Đông Thanh sau khi bị giật mình cũng vội xoay chuyển suy nghĩ, để dị tượng nọ biến mất.
Người đến xem luận đạo ai nấy đều lau mồ hôi trán, âm thầm than thở:
“Đến rồi! Bích Mặc tiên sinh lại đem đại đạo nhà người ta ra nhào nặn chơi đùa rồi! Quá đáng sợ! Quá khủng khiếp!”
Tất nhiên, vì không phải chuyện nhà mình, nên họ cũng chẳng lo lắng hồi hộp như Phật gia lúc này.
Người của Phật môn nhìn Phật đạo của nhà mình bị đập bẹt một khúc, lại nhớ tới chuyện Nho đạo sụp mất một góc, không ít người không tự chủ được mà rùng mình một cái. Nhiều người đã bắt đầu nản lòng thoái chí, hối hận buổi luận đạo hôm nay...
Là kẻ đứng mũi chịu sào, Kim Thiền Tử cũng bị phản phệ nặng nhất. Dẫu sao, núi thánh Tu Di cũng là hắn triệu hoán ra, nay đã bị hố đen nuốt gọn, thiên kiêu của Phật môn há có thể dễ chịu? Y thấy trong miệng ngòn ngọt, tiếp đó phun ra một búng máu.
Song, buổi luận đạo vẫn tiếp diễn. Kim Thiền Tử lại chắp tay trước ngực, lầm rầm niệm kinh.
Dưới chân y, một đài sen xuất hiện. Sau đó, phía trên Phật đạo, chi chít các đài sen xuất hiện, dễ phải đến cả trăm, cả ngàn cái cả thảy. Trên mỗi một đài sen, lại có một vị Phật, hoặc bồ tát, La Hán đứng. Tại đài sen ở vị trí trung tâm, một vị Phật – có thể là Tổ Phật – ngồi ngay ngắn, bộ dáng như đang giảng đạo cho chúng đệ tử. Có lẽ đây là cõi niết bàn? Hoặc chăng đây chính là thời kỳ thịnh vượng, huy hoàng của Phật giáo Huyền Hoàng giới, khi mà “Phật nhiều như hằng hà sa số”? Tràng cảnh này, thanh thế này, ắt hẳn có thể dọa bất cứ thế lực nào ở Huyền Hoàng giới. Đáng tiếc, vào mắt Bích Mặc tiên sinh của chúng ta, thì nó chỉ khiến hắn hoài niệm tuổi thơ xem Tây Du Ký mỗi mùa hè mà thôi...