Kỳ thực, Đỗ Thải Hà cũng không cuồng ngạo như nàng ta thể hiện ra. Lý do thật sự cô nàng đưa ra lời thách đấu như vừa rồi là do tò mò về bản lĩnh thật sự của Nho môn cũng như bộ môn có nhiều điểm tương đồng với Số học mà sư phụ dạy.

Sau khi đấu với bốn người Trần đại nho, Đỗ Thải Hà cũng đã nhận ra Nho đạo tu hành hẳn có một con đường khá giống với Số học. Thậm chí, nàng ta hoài nghi, liệu môn Cửu Số trong miệng phó quán chủ Lam Ba thư quán kia, có lẽ nào có chung nguồn gốc với Số học mà Nguyễn Đông Thanh dạy hay không. Chính vì vậy mới tương kế tựu kế, mượn cơ hội để tìm hiểu thêm địch tình.

Nhiệm vụ của Đỗ Thải Hà là lan truyền “sở tác của sư phụ” ra ngoài, việc cô nàng tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào làm sinh hoạt phí cho cổ viện hoàn toàn chỉ là tiện tay. Lại nói, “thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội”. Mang nhiều tiền trong người mà không có bản lãnh tương xứng, kỳ thực chỉ tăng thêm nguy hiểm cho chính mình mà thôi. Thành thử, sau khi thắng được bốn người Lê tiến sĩ, Đỗ Thải Hà đã tương đối hài lòng. Tiếp theo đó, có thắng thêm được hay không kỳ thực đối với nàng ta không còn quan trọng. Dẫu sao, cô nàng cũng không có ý định giữ toàn bộ số tiền kiếm được hôm này mà đang chuẩn bị ném “củ khoai lang nóng bỏng tay” này cho người khác cầm. Nếu đã vậy, tội gì không hống hách một phen, triệt để khiêu khích cho đối phương giở hết chân tài thực học ra, cho bản thân dễ bề thăm dò tìm hiểu?

Dù gì, Nho môn cũng cổ viện sợ là tương lai sẽ còn có xích mích. Nên nếu chân tài thực học của Nho môn có thể làm khó được cô nàng bây giờ, thì sớm thua trận nhỏ để biết đường mà tìm hiểu thêm về đối phương cũng còn hơn là sau này không có chuẩn bị mà thua trận lớn hơn. Tất nhiên, nếu có thể tiếp tục thắng, nàng ta cũng sẽ không ngại tuyên cáo cho toàn Huyền Hoàng giới, ánh mắt chọn đồ đệ của Bích Mặc tiên sinh không kém!

Mà Đỗ Thải Hà phỏng đoán cũng không quá xa vời với thực tế: Số học hiện đại mà nàng ta được dạy có thể tính là bản đầy đủ hơn của Cửu Số, với một số khác biệt cơ bản.

Khác biệt đầu tiên và cũng là rõ ràng nhất, chính là bản thân hệ thống chữ số Ả-rập và ký hiệu toán học (còn gọi ngắn là “dấu”). Riêng cái khác biệt này thôi đã là sự biến đổi rõ ràng trong việc tiết kiệm thời gian và không gian cho tính toán rồi. Trước khi sử dụng chữ số Ả-rập và các dấu phép toán, cần quá nhiều giấy để diễn đạt các phép tính đơn giản, lại dễ xảy ra sai sót.

Khác biệt lớn thứ hai, có lẽ phải nói đến khái niệm số âm, và khái niệm vô cực. Cửu Số của Huyền Hoàng giới chưa có hai khái niệm này, còn trong Số học Nguyễn Đông Thanh dạy cho Đỗ Thải Hà, thì đây lại là một trong những khái niệm cơ bản, nền móng nhất. Mà bởi vậy, có thể tưởng tượng, khi đi sâu hơn vào các kiến thức, phương trình sau này, khác biệt cơ bản này sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, làm nền cho nhiều khác biệt mang tính hệ thống khác.

Khác biệt cơ bản cuối cùng, có lẽ phải kể đến đồ thị hàm số. Cửu Số ở Huyền Hoàng giới chưa sử dụng đến đồ thị để hình dung hàm số, còn Số học hiện đại mà Đỗ Thải Hà được học, thì lại nghiên cứu về đồ thị từ rất sớm. Thậm chí, sử dụng đồ thị để hình dung, tìm nghiệm cho phương trình.

Mà chỉ vì ba khác biệt cơ bản này, mà đi lên cao hơn, Cửu Số lại có càng nhiều thiếu sót.

Tỉ như, tuy cửu số cũng có khái niệm về bình phương, lập phương, nhưng lại chỉ có phương trình tuyến tính mà chưa có phương trình bậc hai, bậc ba, hay khái niệm nghiệm âm, cũng không biết đến đồ thị của hàm bậc hai, bậc ba. Đây kỳ thực chính là lý do tại sao Trần đại nho ban nãy phải ngồi thử thay số lần lượt từ 1 đến 35 vào phương trình lệ phí, mà không đoán được đồ thị hàm số sẽ có chỗ vòng xuống. Dẫu sao, tư duy của con người chúng ta vẫn luôn bị giới hạn bởi những kiến thức mà mỗi người được biết, được học. Và chỉ có những bậc anh tài mới có thể tư duy vượt thời đại.

Thành thử, tất cả những điều mà mỗi người hiện đại coi là kiến thức phổ thông, coi là ai cũng biết thì tại một điểm nào đó ở trong quá khứ đều từng là những phát kiến vĩ đại. Học sinh hiện đại ai cũng biết dùng định lý Pytago để tính cạnh tam giác vuông, nhưng trước Pytago, định lý này cũng không tồn tại. Thậm chí, Einstein hay Galileo còn từng bị chửi bới, tẩy chay rất nhiều khi đưa ra các lý luận khác với kiến thức chung của thời đại, nhưng những điều họ nói ngày ấy hôm nay đều được coi là thường thức.

Thế nên, kỳ thực cũng không phải là Nguyễn Đông Thanh hay Đỗ Thải Hà tài giỏi hơn nhân tài của Nho Đạo Huyền Hoàng giới, mà nói cho chính xác thì số học hiện đại đầy đủ, tinh hoa, và có tích lũy lớn hơn Cửu Số. Tất nhiên, đây là nói về bản chất vấn đề, còn biểu hiện bề ngoài và điều mà người của Huyền Hoàng giới sẽ nghĩ về trận đấu giữa Đỗ Thải Hà và các vị thượng khách của Lam Ba trà lâu thì lại là chuyện khác.

Hiện tại kể đến Trần Dự Chi, phó quán chủ của Lam Ba thư quán, thách đấu Đỗ Thải Hà.

Họ Trần đọc đề đầu tiên:

“Có chín đồng tiền cùng mệnh giá, tám đồng là thật, một đồng là giả, cùng một cán cân. Biết tiền giả nhẹ hơn tiền thật, hỏi cần cân bao nhiêu lần để tìm ra đồng tiền giả?”

“Hai lần. Chia chín đồng tiền ra thành ba nhóm, mỗi nhóm ba đồng. Cân hai nhóm bất kỳ, nếu cán cân thăng bằng, thì tiền giả nằm trong nhóm còn chưa cân. Ngược lại, nếu cán cân lệch về một bên thì tiền giả nằm ở bên nhẹ hơn.

“Lại tiếp tục lấy hai đồng bất kỳ trong nhóm đã xác định có tiền giả đem lên cân. Như trước, nếu cán cân cân bằng, thì đồng tiền giả là đồng cuối cùng chưa cân, còn nếu cân lệch về một bên, thì tiền giả chính là đồng nhẹ hơn trong hai đồng đang cân.”

Trần Dần hừ lạnh một tiếng, song không thể không công nhận đáp án của Đỗ Thải Hà. Lão ta lại hỏi:

“Có một con voi. Làm sao để biết cân nặng của nó nếu không dùng thần thông, không đi tìm người của Hàn gia trợ giúp, cũng không cho giết hay cắt nhỏ.”

Đỗ Thải Hà nghe đề này thì thoáng giật mình. Đề bài này cô nàng đã được đọc trong sách của sư phụ. Trong sách nói, đề này cuối cùng là Trạng Lường Lương Thế Vinh giải được. Thế nhưng, trong lịch sử của Huyền Hoàng giới, chưa nghe qua từng tồn tại Trạng Nguyên nào có tên như vậy. Thành thử, lúc này cô nàng hoàn toàn tin tưởng việc mình đang so đấu với người của Nho môn hẳn cũng nằm trong tính toán của sư phụ, thầm nghĩ:

“Chắc chắn sư phụ muốn mượn tay Nho môn nhắc nhở mình không thể chỉ vì là đồ đệ của người mà có thể kiêu căng, khinh địch!”

Còn về tại sao Trần phó quán chủ phải thêm giới hạn không cho dùng thần thông hay tìm đến Hàn gia ở Đại Yến nhờ trợ giúp, thì cũng là do lịch sử Huyền Hoàng giới khác biệt Địa cầu. Ở Huyền Hoàng giới không có Lương Thế Vinh, nhưng lại có một Hàn gia siêu quần bạt tụy trong chế tác đồ vật.

Tương truyền, hơn hai ngàn năm trước, sứ thần Đại Thục từng đem đề toán này làm khó Đại Yến. Đề khi đó chỉ cấm cắt nhỏ con voi ra mà thôi, nên cuối cùng bị Hàn gia chủ đời đó giải được, bằng cách... xây dựng một cái cân khổng lồ có thể cân nguyên một con voi. Chuyện này khi ấy đã trở thành truyền kỳ. Về sau, một vị Đại Nho tu Cửu Số lại dựa trên cái cân khổng lồ của Hàn gia chế tác mà sáng tạo ra Thần thông Cân Voi, chuyên dùng để cân đo đong đếm các vật nặng ngoại cỡ, trong chiến đấu cũng có thể dùng để rời núi lấp bể. Thành ra, hai cách duy nhất để giải đề này tại Huyền Hoàng giới tại thời điểm hiện tại, chính là hai cách Trần lão đầu cấm Đỗ Thải Hà sử dụng.

Trần Dần vốn đang chắc mẩm Đỗ Thải Hà không thể nào giải được đề thì đã nghe cô nàng đáp:

“Dẫn con voi lên một chiếc thuyền lớn trôi nổi trên mặt nước, rồi đánh dấu lại vị trí mặt nước bên ngoài thân thuyền. Sau đó, dẫn con voi trở lại đất liền, kế tiếp chất đá lên thuyền cho tới khi thuyền chìm lại xuống bằng vị trí đánh dấu khi trước. Cuối cùng, chỉ cần cân từng tảng đá rồi cộng tất cả lại là sẽ được cân nặng của con voi.”

Lời này vừa nói ra, thực không khác gì điểm tỉnh người trong mộng. Nụ cười của Trần Dự Chi cứng lại trên mặt lão, mà các vị thượng khách khác trong phòng mặt cũng nghệt ra. Cách này bảo khó thì không hề khó, nó thậm chí quá đơn giản khiến người ta nghe xong chỉ hận sao bản thân không nghĩ ra. Song, có lẽ đúng như Nguyễn Đông Thanh từng suy đoán, ở thế giới của người tu hành, tư duy thường sẽ suy xét với khả năng của tu luyện giả, chứ liệu sẽ có mấy người nghĩ theo hướng để phàm nhân ai cũng làm được? Chả thế mà Bích Mặc tiên sinh của chúng ta mới thu hút không ít sự chú ý khi mỗi một “phát minh” mới đều có vẻ như xoay quanh người phàm.

Lúc này, vài người trong phòng không nhịn được mà phải khen hay. Thế nhưng, đại đa số các vị đại nho, tiến sĩ, học đồ, phu tử vẫn nhìn Đỗ Thải Hà bằng ánh mắt bất thiện. Nhiều người còn ai oán lườm Trần phó quán chủ, như muốn nói:

“Làm ăn kiểu gì vậy? Mất mặt!”

Trần Dần bị nhìn như vậy thì cũng thẹn quá hóa giận, tằng hắng một cái, tiếp tục ra đề.

Đáng tiếc, mặc cho lão vận dụng phương điền, túc mễ hay suy phân, thương công, quân thâu hay thiếu quảng, câu cổ, Đỗ Thải Hà đều trả lời vanh vách, không dừng lấy một nhịp. Thậm chí, đến khi lão vận dụng cả doanh bất túc và phương trận, ra một đề hệ năm phương trình tuyến tính mà bản thân lão cũng phải tốn không ít công phu mới giải được, thì Đỗ Thải Hà cũng chỉ hơi nhíu mày, kế đó lấy giấy bút ra vẽ loằng ngoằng một hồi như vẽ bùa, rồi đưa ra đáp án chính xác...

Trần phó quán chủ sao có thể ngờ, do đề của lão không giới hạn cách giải, cũng không hề yêu cầu cô nàng phải giải thích, nên Đỗ Thải Hà bèn dùng luôn đồ thị hàm số để tìm nghiệm cho đỡ tốn công tính toán?

Thế là, trận so tài thứ năm cứ như thế kết thúc, với tam đồ đệ của cổ viện toàn thắng.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play