Trời dần về khuya...
“Khách khứa” từ các nơi cũng hay tin mà lục tục đến Quan Lâm.
Ảnh Lão vác kiệu hạ xuống, Trương Hạo vén màn liếp từ từ bước ra, vuốt râu chắp tay cười vang:
“Kể từ sinh thần của thánh thượng đến nay mới có dịp tái ngộ, tiên sinh vẫn mạnh khỏe chứ?”
“Cảm tạ sự quan hoài của lão thái sư. Tại hạ vẫn vậy thôi. Lão thái sư thì khác, có vẻ càng ngày càng tinh thần, thực là gừng càng già càng cay.”
Trương Hạo nghe thế, biết là Nguyễn Đông Thanh nói khách khí, cười vang:
“Lão hủ nghe nói tiên sinh quyết định rời núi vào triều đường, vốn cũng định đến chúc mừng một tiếng. Tiếc là tuổi cao sức yếu, không tiện đi xa, vẫn mong tiên sinh chờ trách.”
“Không dám, lão thái sư quá lời rồi.”
“Kể ra thì thế sự vô thường thật. Mới ngày nào tiên sinh chỉ vừa mới đến thành Cổ Long, tay áo chẳng vướng bụi công danh, thế mà bây giờ vừa ngoái đầu nhìn, lão hủ thì vẫn dã hạc nhàn vân, mà tiên sinh thì bay lên chín tầng trời, hót một tiếng vạn người kinh. Thực là phúc của Đại Việt, phúc của vạn dân vậy.”
Nguyễn Đông Thanh bị lão tán dương mà ngượng chín cả mặt, vội ho khan một tiếng, chặc lưỡi, thầm nghĩ:
“Không hổ là thái sư tiền triều, công phu bôi mật vào tai này của lão quả thực là danh bất hư truyền.”
Sau Trương Hạo, vị “khách” thứ hai đến Quan Lâm không phải ai khác ngoài binh mã đại nguyên soái của Đại Việt – Võ Hoàng Lý Huyền Thiên.
Lý Huyền Thiên vừa đến ải Quan Lâm đã lập tức đi thẳng đến chỗ Nguyễn Đông Thanh đang đứng, đưa tay qua quàng vai, bá cổ, nói:
“Tiên sinh, bấy lâu nay vẫn mạnh giỏi chứ? Không biết khuyển tử bây giờ thế nào?”
Bích Mặc tiên sinh nhìn người đang hào hứng bắn chuyện liên thanh với mình, gương mặt lộ rõ vẻ ngờ vực. Lý Huyền Thiên lúc này giống như mới nhận ra chuyện gì đó, ho khan một tiếng, nhẹ giọng giải thích:
“Tiên sinh, ta chính là Lý Huyền Thiên.”
Nguyễn Đông Thanh thấy người này tự xưng là Võ Hoàng, không khỏi cảm thấy kinh ngạc. Chỉ có thể nói người trước mắt so với vị “phụ huynh học sinh” Lý Huyền Thiên trong trí nhớ của hắn quả thực là cực kỳ khác biệt, cơ hồ ngoại trừ khí chất ra thì không thể nào tưởng nổi hai kẻ ấy chỉ là một người.
Không tính ở Võ Bảng Hội, thì lần ở Cổ Long thành Lý Huyền Thiên là một trung niên anh tuấn, kiên nghị, đầu hai thứ tóc, nếu chỉ nhìn vào ngoại hình thì có lẽ tuổi vào khoảng ngoài bốn mươi.
Còn hiện tại, đứng trước mặt Nguyễn Đông Thanh là một người cũng trạc trạc tuổi gã, chắc hơn cỡ ba bốn tuổi gì đó, mái tóc đen huyền xõa tung trên vai, gương mặt tuấn tú vẫn nhuốm vẻ phong trần, song thiếu đi vài phần nghiêm nghị, nhiều hơn vài phần tà mị sắc bén.
Lý Huyền Thiên khoát tay, nói:
“Giải thích ra thì dài dòng, chuyện này có liên quan đến thể chất gia truyền của tại hạ.”
“Ra vậy. Lần này cũng may có điện hạ hạ cố ghé thăm, thiết nghĩ đám người nước Sở cũng sẽ không dám khinh người quá đáng. Xin mời Võ Hoàng theo hạ cố đi cùng tại hạ một chuyến, chỗ ngồi của ngài ở bên này.”
Nguyễn Đông Thanh vừa nói, vừa cố tình dẫn Lý Huyền Thiên ngồi cách thật xa Trương Hạo.
Chuyện khác thì có lẽ hắn đã quên, thế nhưng cái vụ Võ Hoàng giữa đám cưới của hai họ Trương – Hồ xách nguyên cái đầu người của thị lang Lại bộ vứt vào giữa sân thì có đánh chết hắn hắn vẫn nhớ như in như tạc.
Ấn tượng khó phai đến thế, quên được mới lạ.
oOo
Sau Lý Huyền Thiên, người của các thế lực khác khắp Đại Việt cũng nhao nhao đến Quan Lâm, có thể nói đại quan quý nhân đi đầy đường, chưởng môn tông chủ nhiều như chó.
Mục đích đương nhiên đều chỉ có một: kết giao với vị “cường giả” thần bí Bích Mặc tiên sinh.
Mà kẻ đầu sỏ của chuyện này – Nguyễn Đông Thanh – sau khi tiếp Võ Hoàng và lão thái sư thì lập tức cáo bận, ngoài miệng lấy cớ là cần phải vào kiểm tra xem cánh tiểu thư công tử luyện tập đến đâu rồi. Vừa nhờ Vũ Tùng Lâm thay mình ứng phó quan khách xong, Bích Mặc tiên sinh đã ba chân bốn cẳng trốn thẳng vào sau cánh gà.
Vừa kịp đến Quan Lâm tham dự hội còn có Lã thiếu lâu chủ và Kim Thiền tử của chùa Long Hoa. Lã Vọng Thiên một mình ngồi một góc, mắt ngó ngang nhìn dọc khắp nơi, không nói cũng biết là đang tìm ai. Trái lại, vị sư trẻ Kim Thiền Tử thì lại an tĩnh hơn. Y chắp tay trước ngực, miệng lẩm nhẩm phật hiệu, mắt nhắm hờ, nhìn chẳng khác nào một bức tượng gỗ. Người của các thế lực khác thấy có một tăng nhân quái lạ như thế đến nơi này, thế mà người của phủ thành chủ không đuổi đi, cũng lấy làm hiếu kỳ.
Đương nhiên, không kẻ nào đến làm phiền Kim Thiền Tử.
Huyền Thanh nương nương thì tự mình mò đến khu khách quý, ôm một bịch hướng dương to đùng, miệng thì cắn hướng dương, hai lỗ tai thì giật giật, thỉnh thoảng lại mấp máy môi nói gì đó.
Lần này các thế lực đến Quan Lâm có thể nói là tam giáo cửu lưu, đủ mọi loại người, có đồng minh hữu hảo thì cũng có tử địch cạnh tranh. Ngày thường ngăn sông cách chợ, hiếm thấy mặt nhau thì còn đỡ. Bây giờ tụ tập chung một chỗ thì quả thực làm bầu không khí trở nên căng thẳng, sặc mùi thuốc súng. Tình cảnh trên khán đài lúc này không khác gì một mớ dây đàn căng cứng chằng chéo lên nhau, chỉ hơi động một cái là... đứt hàng loạt.
Mà kể từ lúc Huyền Thanh lôi hướng dương ra cắn, những người này bắt đầu... cãi cọ.
Nếu để Vũ tổng binh hoặc Bích Mặc tiên sinh biết vị nương nương này rảnh rỗi sinh nông nổi, dùng thuật truyền âm kích đểu các thế lực khắp nơi chửi nhau cho vui – nói theo kiểu của Nguyễn Đông Thanh là “tự tạo drama tự hít” – thì không biết sẽ nghĩ gì.
Mãi đến cuối giờ Dậu, lúc mặt trời đứng bóng thì mới nghe giọng một cậu lính trong Thủ Thành quân cất giọng thông báo:
“Đại Sở thái tử đến!”
Lời còn chưa dứt, thì từ trên khán đài, không dưới năm trăm cặp mắt bắt đầu ném những cái nhìn đầy bất thiện, sắc lẻm như dao về phía thiếu niên đang lững thững tiến về phía sân khấu. Nếu như ánh mắt có thể giết người thì dám chắc hiện giờ Thượng Quan Trường Không đã bị muôn mũi tên thấu tim mà chết.
Thái tử Đại Sở không có đại tài, song cũng không phải kẻ ngốc.
Ngay từ cái lúc hắn vào phủ thành chủ tìm Nguyễn Đông Thanh, Thượng Quan Trường Không đã đoán trước được kết quả lúc này. Tuy vậy, lúc bản thân thực sự đứng trong cảnh “vạn chúng chú mục, toàn trường công địch” thế này, gã vẫn không nén được sự sợ hãi, khẽ rùng mình một cái.
Nhất là hiện giờ...
Trên khán đài, có một đôi mắt ưng đang nhìn chòng chọc vào hắn với vẻ đầy bất thiện. Đồng thời, bên tai Thượng Quan Trường Không vang lên giọng cười lạnh lẽo và đầy châm chọc, so với gió tuyết trên Vân Nguyên còn lạnh hơn:
“Vẫn nghe thái tử Đại Sở kiệt ngạo bất tuần, mắt cao quá đầu, nay được gặp quả thực là danh bất hư truyền. Có dịp bản hoàng phải đến hoàng đô nước Sở ngồi một phen với Thượng Quan Kim Hồng, hỏi hắn xem hắn dạy con thế nào mà ra được một đứa... tuyệt phẩm như các hạ.”