Trước khoan kể chuyện Nguyễn Đông Thanh đối phó với yêu sách của Thượng Quan Trường Không ra sao.
Sau khi gặp Trần Dũng, Nguyên Phương ở Tế Kỳ thành, truyền nhân của chùa Long Hoa – Kim Thiền Tử – nhanh chóng lên đường thẳng hướng Quan Lâm.
Một tay y cầm tích trượng, trên đầu che nón tu lờ, phăm phăm bước từng bước một. Kim Thiền Tử thân là người kế nhiệm của phương trượng Long Hoa tự, một thân tu vi đã sớm tiến sâu vào Vụ Hải, hơn nữa phật pháp thông huyền.
Thậm chí, có người còn nói luận chiến lực chưa chắc Kim Thiền Tử đã dưới cơ hai thiên kiêu đứng đầu Huyền Hoàng giới hiện nay: “long đằng vạn lý, hổ khiếu thanh minh”.
Kim Thiền Tử sớm đã luyện thành thần thông “Súc Địa Thành Thốn” của Phật môn, cho dù không lăng không phi hành cưỡi gió đạp mây thì cũng có thể vượt qua khoảng cách trăm dặm trong thoáng chốc. Tốc độ tuyệt không thua ai.
Thế nhưng hiện giờ y lại đi từng bước từng bước, chậm rãi tiến lên, không dùng một tí chân khí nào, ngoại trừ tố chất thân thể sớm đã đạt Kim Thân La Hán ra thì chẳng khác nào phàm nhân.
Kim Thiền Tử sớm đã được nghe Bích Mặc tiên sinh ưa thích giả làm phàm nhân, cảnh giới cao thâm mạt trắc, thủ đoạn sâu không lường được. Kim Thiền Tử lần này đi tới Quan Lâm không dùng truyền tống trận, không sử dụng thần thông, âu cũng là một cách thể hiện kính ý của hắn.
Đương nhiên, kỳ thực còn một nguyên nhân khác nữa.
Tuy tố chất thân thể vượt xa cường giả bình thường, song đi từng bước từng bước một, thành thử tuy Kim Thiền Tử đi đã được nửa ngày, nhưng cũng chỉ mới đến bến sông nơi Lý Thanh Vân gặp được chủ tớ Quế Như Ngọc.
Gã ngừng lại, lần tràng hạt, con ngươi bên phải từ từ chuyển từ màu nâu nhạt sang một sắc ánh kim lấp lánh như vàng ròng. Kim Thiền Tử nhìn về phía dòng sông trước mặt, nhoẻn miệng cười, sau đó thu hồi thần thông ở mắt. Lúc con ngươi của y khôi phục màu sắc lúc trước thì gã đã ngồi xuống bên bờ, một chiếc dép dùng làm ghế, chiếc còn lại để kê chân.
Bàn tay Kim Thiền Tử vơ lấy một hòn sỏi, vung tay ném về phía mặt sông. Viên đá chạm nước, nhảy lên ba bận, bắn ra đến giữa dòng mới chìm. Hòa thượng làm xong, mới giật mình, cúi đầu nhìn vào bàn tay mình, lẩm bẩm:
“Tại sao mình lại làm thế?”
Kim Thiền Tử từ bé đến lớn đều trấn thủ Tháp Lâm, ngày thường quét tước lau dọn cũng có sư đệ trong chùa xách nước đến cho, từ lúc nhỏ đến nay ngay cả cái ao cũng chưa thấy, đừng nói chi là con sông rộng thênh thang trước mặt. Thế nhưng, ban nãy y lấy sỏi lia nước trong lòng lại cảm thấy rất quen thuộc, giống như là một thói quen đã làm vô số lần.
Gã lắc đầu, vết tàn hương trên trán hơi sáng lên, tâm cảnh của Kim Thiền Tử thoắt cái lại trở nên trong suốt như gương, chẳng nhiễm một chút bụi trần. Y chắp tay chữ thập trước ngực, miệng tụng câu “a di đà phật”, nói đoạn bình thản trải cà sa, tích trượng để ngang đùi, nhắm mắt lại.
Kim Thiền Tử đang chờ.
Y hiện tại đã luyện thành La Hán Kim Thân, tinh thần sung mãn, khí lực bất tận dùng mãi không hết. Chỉ cần trong trời đất còn có chân khí để khôi phục thì Kim Thiền Tử hắn có đi đến lúc trời già đất chết cũng chẳng bao giờ thấy mệt.
Đương nhiên cũng không cần ngồi xuống nghỉ ngơi.
Mà ngồi chờ bên bờ sông cũng chính là nguyên do thứ hai khiến Kim Thiền Tử không sử dụng thần thông mà từng bước từng bước một đi về phía Quan Lâm.
Phật môn nói nhân quả, nhìn duyên phận...
Mà Kim Thiền Tử trời sinh nắm xá lợi, sau đầu có phật cốt, con mắt trái cũng thức tỉnh một thiên phú mang tên Vạn Hoa Đồng. Phật nói “nhất hoa nhất thế giới, nhất diệp nhất bồ đề”, cái tên của thần thông cũng lấy từ ý này mà ra.
Thần thông Vạn Hoa Đồng của Phật Môn có thể tham thấu quá khứ, khám phá vị lai, đoán định nhân quả duyên phận. Phàm là người thức tỉnh thần thông này cơ hồ đều có thể xu cát tị hung, chẳng khác nào biết trước tương lai, yên ổn tìm kiếm cơ duyên.
Có thể nói, Vạn Hoa Đồng chẳng khác nào một loại bảo chứng.
Bảo chứng đăng lâm tuyệt đỉnh, chứng thành đại đạo.
Khai đạo tổ sư của Phật Môn – Tổ Phật – tương truyền chính là người đầu tiên thức tỉnh Vạn Hoa Đồng, từ đó tránh nạn tìm duyên, hai bàn tay trắng lập nghiệp, đẩy thiên địa huyền môn, hóa đạo truyền thế.
Phải biết, trong Ngũ Lộ Triều Thiên, Phật Môn có thể nói là lập môn gian nan nhất. Tổ Phật phát tích ở phương tây, nơi này chẳng những có Hoàng Liên Sơn Mạch mà còn là địa bàn của Mộng Yểm Thụ Tinh tộc. Một thiếu niên hai bàn tay trắng, không có thế lực không có bối cảnh, lại có thể tìm được một miếng đất cắm dùi ở nơi cực tây hung ác kia, quả thực là một truyền kỳ.
Tuy hiện giờ Thiên Đạo tổn thương, Vạn Hoa Đồng cũng không thể nào nhìn đến nơi hạ du của Tuế Nguyệt Trường Hà như ghi chép trong kinh sách. Thế nhưng sử dụng thần thông này, Kim Thiền Tử vẫn có thể thấy đại khái được ở bờ sông này, y có một lần kì ngộ.
Nếu sử dụng thần thông Súc Địa Thành Thốn lao đến Quan Lâm, thì sẽ bỏ lỡ.
Thành thử, Kim Thiền Tử từng bước từng bước một đi đến nơi này, lại ngồi xuống.
Chỉ thấy...
Từ phương nam, một bóng người áo trắng chắp tay sau lưng, đạp mây mà đến. Y vừa xuất hiện, ánh nắng dường như cũng trở nên ảm đạm, thiếu đi mấy phần diễm lệ.
Thoáng chốc, cỏ cây thất sắc.
Thiếu niên này đương nhiên chẳng phải ai khác, chính là thiếu lầu chủ của Vọng Thiên lâu – Lã Vọng Thiên. Cậu chàng đang đằng vân bỗng nhiên dừng lại, bấm đốt tay mấy cái.
Sau đó, dường như tính đến chuyện gì, Lã Vọng Thiên nở một nụ cười, nhằm hướng bờ sông mà bước đi.
Kim Thiền Tử đã chờ sẵn.
Hắn tuy là người xuất gia, thế nhưng mày kiếm mắt sáng, má như nhồi phấn môi tựa bôi son, quả thực luận nhan trị cũng không thua kém Lã Vọng Thiên bao nhiêu. Khác biệt lớn nhất có lẽ là khí chất.
Lã thiếu lâu chủ cho người ta một loại cảm giác nhẹ nhàng, pha thêm một chút yếu nhược, quả thực là bệnh công tử trong truyền thuyết.
Kim Thiền Tử lại khiến người ta cảm thấy như tắm trong nắng sớm, thiếu niên nhiệt huyết.
Hai người đứng đối diện...
Lã Vọng Thiên nhìn Kim Thiền Tử một cái, cười:
“Đại sư dường như đã biết sẽ gặp tại hạ ở đây?”
“Như nhau. Xem ra thí chủ cũng đã tính ra sẽ gặp được tiểu tăng ở chốn này.”