Lại kể chuyện của Tạ Thiên Hoa...
Sau khi chia tay sư huynh đệ đồng môn, cô nàng dẫn theo con gà con lông đen đoạn vỗ cánh bay về phía thành Đông Thanh.
Trong ngọc giản cô nàng được cho biết lần này mục tiêu của mình là chi viện cho Đại Yến quốc, nằm ở cực bắc Huyền Hoàng giới. Hơn nữa đại đội đã lên đường trước, nên cô nàng cần phải trong thời gian ngắn nhất tới được nước Yến, hội ngộ với đại đội binh mã của Đại Việt. Song... ít nhất cấp trên cũng không đến nỗi “đem con bỏ chợ”, trong ngọc giản của cô nàng chẳng những có một số tình báo điển tịch về nước Yến mà còn viết sẵn lộ trình tối ưu để đến nơi này, cũng bớt được công nghiên cứu tìm tòi cho Tạ Thiên Hoa.
Theo những gì có trong ngọc giản thì nước Đại Yến nằm ở cực bắc Huyền Hoàng giới, phía bắc là Thiên Đảo và biển Tinh Hải, còn có tên là biển Bắc Băng. Phía tây giáp với nước Tề, phía đông gần với nước Thục, nam giáp đại Hoàng.
Trong sáu nước, Đại Yến là có diện tích lớn nhất, cơ hồ chiếm ba phần tổng số đất đai lãnh thổ của lục quốc cộng lại. Thế nhưng xưa nay phía bắc giá rét, lắm núi cao, khó trồng trọt, thành thử tuy bá chủ trung nguyên nhiều lần đổi ngôi, song cũng chẳng ai đi ghen tị với cái lãnh thổ gân gà bỏ thì thương mà vương thì tội của đại Yến cả.
Đại Việt ở cực nam, Đại Yến ở cực bắc, đường xá xa xôi, nếu bằng tốc độ của Tạ Hàn Thiên thì phải bay ít nhất nửa tháng không ngừng nghỉ mới tới được nơi.
Kể từ sau trận càn quét của Nghiêm Hàn khắp lục quốc, nước Đại Yến cơ hồ đã bế quan tỏa cảng, co mình không giao lưu mấy với các nước khác nữa. Lần này nếu không phải vì nạn Hải Thú thì có lẽ nước Đại Yến cũng không phá lệ đồng ý cho quân đội các nước khác vào biên ải chi viện.
Chính vì thu mình tách biệt, lại thêm lúc Nghiêm Hàn kéo quân đồ sát thiên hạ hoàng thất Đại Yến đã cho phá hủy hầu hết truyền tống môn nối vào lãnh thổ của họ, nên hiện giờ còn rất ít thành trì có thể truyền tống được đến Đại Yến. Khắp cả châu Ngọc Lân chỉ có duy nhất một tòa thành có thể truyền tống đến Bằng Sơn Quan của nước này – thành Thanh Tùng, nhân chuyện của Lâm Tế Tửu mà đã đổi tên thành Đông Thanh.
Tạ Thiên Hoa bay khoảng ba ngày nữa thì đã thấy dãy Hoàng Liên trập trùng nhấp nhô thấp thoáng nơi chân trời. Chỗ lưng chừng núi có một tòa sơn thành hùng tráng tọa lạc, bao quanh bởi những rừng tùng, bách xanh rợp cả mấy chục dặm.
Cô nàng đứng trên tầng mây, ngắm nhìn tòa thành hiện tại đã mang tên ông sư phụ nhà mình một lượt, kế mới lắc mình đáp xuống xếp hàng trả phí vào thành. Thực lòng mà nói, thì Tạ Thiên Hoa cũng rất chờ mong háo hức muốn xem xem thành trì mang tên Bích Mặc tiên sinh rốt cuộc nó ra làm sao, có xứng đáng với ông sư phụ ở Lão Thụ cổ viện hay không. Con gà đen thì đậu trên đỉnh đầu cô nàng, bấy giờ lim dim mắt ngáp dài một cái, gục đầu xuống ngủ.
Lính canh cổng cũng không vì Tạ Thiên Hoa là người từ nơi khác đến mà gây khó dễ hay tỏ thái độ gì. Có ngọc giản của triều đình, thành thử chuyện xác nhận thân phận cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian. Sau khi thu phí, lính canh bảo Tạ Thiên Hoa vào thành tìm lấy chỗ nào đấy trọ lại hai hôm, đến sáng ngày thứ ba truyền tống môn đến Bằng Sơn Quan nước Yến mới mở. Cô nàng cảm ơn y một câu, sau đó nhảy chân sáo vào thành.
Thành Đông Thanh là thành trì lớn có tiếng, một nửa đặt trên lưng chừng núi Tùng Khê, nửa còn lại trải rộng dưới chân quả núi, rộng có đến năm mươi dặm vuông. Trong thành chẳng những có ruộng lúa, bãi cỏ, lại có hồ nước tự nhiên do sông suối trên núi Tòng Khê đổ vào, có thể nói là cái thế nhìn sông tựa núi, dễ thủ khó công. Trong thời chiến có thể tự cung tự cấp, có bị bao vây ba tháng nửa năm cũng chẳng thành vấn đề.
Trong thành phồn hoa đô hội, phố xá sầm uất, từ trang phục đến giá cả đều có thể thấy nơi đây giàu có hơn chốn biên ải như Quan Lâm không chỉ gấp đôi gấp ba. Tạ Thiên Hoa thấy chuyến này ra ngoài không nên phô trương quá, bèn tìm một cái khách điếm thuộc hàng trung thượng, không quá xa hoa cũng chẳng đến nỗi xập xệ mà ở.
Nơi này vừa là quán trọ, vừa là quán cơm, lúc cô nàng đi vào thì vừa hay đang giờ cơm trưa, ở góc phía tây của quán có dọn ra một cái sân khấu gỗ rộng độ ba chét tay, cao nửa tấc. Trên có kê bàn ghế đàng hoàng, một lão già chính đang ngồi ngay trước án, vừa phe phẩy cái quạt giấy vừa kể chuyện thiên hạ, nước bọt văng năm thước. Thực khách tứ phương rõ ràng nghe hứng thú lắm, thỉnh thoảng đến đoạn hay lại vỗ tay đôm đốp.
Tạ Thiên Hoa thong dong gọi mấy món ăn, một ấm trà thơm, lúc này mới hướng sự chú ý lên khán đài.
Bấy giờ, ông lão kể chuyện vừa hay kể đến giai thoại “Bích Mặc tiên sinh khẩu chiến quần Nho”.
“Lúc ấy chỉ thấy phong vân biến chuyển, lục đại thư viện trên từ viện trưởng, dưới tới nho sinh mặt đều tái mét, ôm đầu kinh sợ, chẳng khác nào chó thấy hùm beo, chuột nghe tiếng sấm. Mỗi câu mỗi chữ tiên sinh cất lên, Nho đạo trên không theo đó mà rung chuyển ầm ầm, thánh hiền kêu khóc, lệ máu đổ ra thành sông. Loáng thoáng nghe được âm thanh thánh hiền trách cứ, đều nói rằng Nho đạo vô phúc. Cuối cùng, Bích Mặc tiên sinh bước lên một bước, đọc xong câu phú sau cùng. Trước con mắt hãi hùng của thiên hạ, Nho đạo sập mất một góc.”
Trong quán lập tức ngập tràn tiếng vỗ tay hân thưởng, không thiếu kẻ còn đứng lên bàn hò hét, đủ thấy danh tiếng của Nho môn ở đất này kém tới mức nào.
Tạ Thiên Hoa nhấc chén trà lên, cười.
Ngày thường vẫn nói Nho môn toàn một lũ nhìn đời bằng nửa con mắt, mũi hếch lên tận trời, thiên hạ chỉ người đọc sách thanh cao. Trong bụng đầy mưu mô, ngoài miệng thì lại bô bô rằng ta đây quân tử, dùng đạo nghĩa làm gông cùm, quả thực là khiến kẻ khác buồn nôn.
So với ông sư phụ nhà bọn họ thì quả thực là đáy vực so với thiên không, ngọn cỏ ven đường chẳng sánh được với mây ngàn hùng vĩ. Nếu nói có điểm yếu gì thì chắc hẳn là quá khiêm tốn, cùng một câu chuyện qua lời kể của Nguyễn Đông Thanh quả thực khác như trời với vực với lão thuyết thư. Một bên thì khắc họa Bích Mặc tiên sinh oai phong lẫm liệt, đầy vẻ oai hùng. Bên kia thì lại kể như kiểu hai bên có hiểu nhầm, nên mới buộc lòng phải dùng đến, cơ hồ chỉ coi bản thân là kẻ bình thường, cái chuyện đánh sập Nho đạo ai ai cũng làm được.
Tạ Thiên Hoa nghe đến đây, cảm thấy lão thuyết thư kể chuyện không tệ, bèn lấy ra mấy đồng bạc để vào đĩa. Tự có tiểu nhị chạy đến thu lấy, giao cho người kể chuyện.
Bấy giờ, trong góc phòng lại có tiếng hừ lạnh, sau đó một giọng chất vấn cất lên the thé:
“Đúng là cái đám ngu dân bất trí, khó phân phải trái đúng sai. Lại thêm cái đám thuyết thư các người dùng hoặc chúng yêu ngôn, thật đáng tội lắm. Học huynh, chẳng bằng chúng ta thỉnh học lệnh, bài trừ tà thuyết này?”
“Chuyện ấy không cần phải gấp. Tên kia bây giờ nhìn như phong quang, kỳ thực là tự mình hại mình, chuyện bịa càng lúc càng xa, khác nào con ếch trương lên sắp nổ? Hiện tại đã không thiếu cường giả các phương đến thăm dò thực hư của hắn, Nho môn ta cũng không phải ngoại lệ. Là vàng thật hay đồng thau chẳng mấy chốc sẽ bại lộ, đến lúc đó đám người này nâng hắn lên càng cao, té ngã lại càng đau.”
“Nói đúng lắm. Lời của học huynh trực chỉ bản chất, thực chẳng khác nào vén màn sương, học đệ thụ giáo.”
“Thế nhưng nghe những tà thuyết này vào quả thực là bẩn tai. Cũng chỉ có đám tiện dân tai trâu kia mới thích.”
Cả quán rượu ai nấy đều thể hiện vẻ khó chịu ra mặt, người chặc lưỡi kẻ nhổ nước bọt, nhưng nhiều nhất thì vẫn là thở dài thườn thượt. Dường như loại chuyện này xảy ra không chỉ một lần. Lão thuyết thư cũng lâm vào cái thế tiến thoái lưỡng nan, chẳng biết làm sao cho phải.
Tạ Thiên Hoa nghe thế, cười khẩy, nói: