Nguyễn Đông Thanh chắp tay, nói:
“Chiến Vương quả thực oai phong lẫm liệt, khí vũ hiên ngang, tại hạ nghe danh đã lâu, giờ mới được gặp. Nếu như Nghiêm Hàn đại tướng quân trên trời có linh trông thấy con trai mình thế này chắc hẳn sẽ kích động đến nỗi đội mồ sống dậy mất.”
Nghiêm Quảng bay giữa đường, vừa nghe được câu nói móc này thì loạng choạng lúc sà xuống thấp lúc vọt lên cao.
Mà binh mã Đại Tề theo sau y cũng bị một câu này của Bích Mặc tiên sinh kích nổ, chẳng khác nào tổ ong vò vẽ bị xối nước. Dân chúng Tề kính trọng Nghiêm Hàn thế nào, có lẽ cũng không cần nhắc tới, hà huống gì lần này người đến Quan Lâm đều là con cháu nhà binh. Chẳng thiếu người khi còn là thiếu niên huyết khí phương cương, vì nghe được truyền kỳ về Sát Thần mà nhiệt huyết bừng bừng, quyết tâm nhập ngũ.
Bây giờ đối phương nhắc lại chuyện Nghiêm Hàn bại dưới tay Lý Huyền Thiên, quy kiếm tự vẫn, chẳng khác nào xát muối vào chỗ đau của bọn họ.
Mà kẻ dẫn dội – quân sư lần này – Long Tuyền thì khóe miệng cũng giật một cái. Lần này Hải Đại Quý – Tề quốc vương – chẳng hiểu sao lại thả Nghiêm thân vương khỏi ngục, cho đi theo cùng đến Đại Việt, ngoài mặt nói là để rèn luyện. Thanh danh của cái vị Chiến Vương Nghiêm Quảng này trong quân ai mà không biết, thành thử Long Tuyền cũng chỉ đành gật đại, coi là bưng theo cái bình vôi.
Lúc đến Đại Việt, Chiến Vương xưa nay quen thói ngông cuồng, bay lên trước khiêu khích, Long Tuyền cũng không ngăn cản.
Kỳ thực hắn cũng muốn hạ uy của Đại Việt.
Thân là con em nước Tề, ai mà không muốn giúp Nghiêm tướng quân lấy lại oai nghiêm?
Thế nhưng, đánh chết hắn hắn cũng không ngờ được Dực hoàng đế chẳng hiểu bằng cách nào lại có thể mời được Bích Mặc tiên sinh ra làm quan tiếp sứ, khiến hắn tạm thời ở vào cái thế tiến thoái lưỡng nan, không rõ nên làm căng hay xoa dịu tình hình.
Cuối cùng, Long Tuyền chỉ đành đạp gió bay vút tới tường thành, dùng ánh mắt sắc lẻm nhìn về phía đoàn tiếp đón:
“Tại hạ tướng quân Tả Dực quân, Long Tuyền, trước xin thay Chiến Vương xin lỗi chư vị. Thân vương trẻ người non dạ, xưa nay được quốc quân chiều chuộng sinh hư, nói năng bỗ bã. Thế nhưng lần này Đại Tề ta hữu hảo mang binh đến chi viện cho quý quốc, cùng nhau phòng ngự Hải Thú, hà cớ gì quý quốc lại buông lời khó nghe, nhấc lên cái chuyện không ai muốn nhắc đến thế?”
Nói đến đây, y lại chặc lưỡi một cái.
Cả sáu nước đều chỉ xưng vương, không đặt đế hiệu, vì cứ mãi hằm hè lẫn nhau. Ngay cả nước Tề hiện giờ mạnh nhất lục quốc, Hải Đại Quý cũng không xưng đế trên chiếu thư.
Duy chỉ có Đại Việt là một mình một góc phía nam Lục Trúc Hải là xưng đế.
Đối với chuyện này, các nước có thái độ khác nhau. Một số thì mắng Đại Việt là xứ mù thằng chột làm vua, hổ mất khỉ xưng vương. Một số khác thì lại cho rằng cứ để Đại Việt tự xưng đế như thế cũng được, dù sao bọn họ là vương nhưng lại không cần phải chầu hoàng đế Đại Việt thì đâu ảnh hưởng gì, hữu danh vô thực mà thôi.
Nhưng Long Tuyền lúc nói chuyện ngoại giao phải tôn Lê Dực là đế, mà Nguyễn Đông Thanh lại gọi Hải Đại Quý là vương, hắn thấy bỗng dưng mình thấp hơn kẻ khác một cái đầu.
Khuất nhục.
Nguyễn Đông Thanh nghe y xưng hô là tướng quân của quân Tả Dực thì cũng hơi giật mình. Mấy ngày gần đây hắn có tìm Cố Văn hỏi mượn một số tài liệu, thư từ liên quan đến binh mã sáu nước để đọc tham khảo, tiện còn hoàn thành nhiệm vụ “tiếp đón phái đoàn ngoại giao”.
Trong trí nhớ của hắn, quân đội của nước Tề từ xa xưa đã lấy đồ đằng Bất Tử Điểu, chia làm bốn đạo quân chính. Cánh quân năm xưa của Nghiêm Hàn thay thế cho Tiền Chủy – sau này được mệnh danh là Thương Khốc Chi Chủy, chủ yếu là quân tiên phong, xung sát chém giết. Hai bên quân tả hữu đóng đại bản doanh ở Tây An, Đông An, gọi là Tả Hữu Dực. Cuối cùng, một cánh quân nữa đóng ở núi Lạc Phụng phía sau kinh thành, gọi là Hậu Kiều.
Tả Dực quân, còn gọi là Lẫm Đông Chi Dực, ở lục quốc cũng là cánh quân khét tiếng thiên hạ, đứng hàng trước mười.
Tướng quân của Tả Dực quân – Long Tuyền – tất nhiên cũng chẳng phải kẻ tầm thường tào lao gì. Người này vốn là con cháu tộc Xi Vẫn, trong trận đại chiến năm xưa một chi của y chạy thoát được lên bờ, đến nương nhờ Đại Tề. Sau này lập công lao hãn mã, tiến thân thành tướng quân thống lĩnh quân Tả Dực, chi này mới đổi họ về họ Long, hàm ý là muốn chống đối Long Tộc của biển Phong Bạo.
Long tộc hay tin, nhiều lần phái sứ thần đến nói chuyện với quốc quân Đại Tề, thế nhưng Long Tuyền vẫn bình an vô sự, hơn nữa ngồi trên cái ghế tướng quân quân Tả Dực này vững như bàn thạch, có thể thấy người này tuyệt đối không đơn giản chút nào..
Tuy danh tiếng của đối phương vừa nghe thôi đã thấy gai người, song Bích Mặc tiên sinh của chúng ta ngoài mặt thì bình thản đáp:
“Tướng quân chỉ sợ là hiểu nhầm, Đại Việt ta xưa giờ vẫn kính ngưỡng Nghiêm tướng quân, chỉ tiếc là khi đó hai bên không cùng trận tuyến. Lần này chư vị đến đây chống cự Hải Thú, Đại Việt ta thân là chủ nhà cũng hi vọng Nghiêm tướng quân hiển thánh âm phù, nên đã cho bày sẵn bài vị tế đàn ngay trong thành.
“Chắc Nghiêm tướng quân trên trời có linh đã tiên liệu từ trước, nên mới phái con trai độc nhất theo cùng, tại hạ thấy việc này quả nhiên là tuyệt diệu nên mới buộc miệng nói lời chân thật, sao lại nói là khó nghe? Chắc là tướng quân đây cả nghĩ rồi.”
Vốn là Nguyễn Đông Thanh còn muốn mượn lời của Nghiêm Quảng đâm cho Long Tuyền thêm một nhát, nhưng y đã cẩn thận rào trước, nên cũng không tiện nhấc chuyện này lên lại nữa.
Sau đó...
Binh mã nước Tề dưới sự phân công của Hồ Ma Huyền Nguyệt và Vũ Tùng Lâm được sắp xếp cho một chỗ dừng chân. Nhân mã Long Tuyền dẫn theo tuy đều có khúc mắc với Đại Việt vì chuyện của Nghiêm Hàn, song thân là binh sĩ vào sinh ra tử nhiều năm, quân kỷ vẫn gọi là tốt. Hoàn cảnh ở Quan Lâm sơ sài mọt chút bọn hắn cũng chẳng để tâm gì mấy.
Duy chỉ có Chiến Vương Nghiêm Quảng là cứ một năm một mười kêu gào đòi ra ngoài tìm nơi tốt hơn để ở, mấy lần định xông đến chỗ Bích Mặc tiên sinh yêu sách, Long Tuyền nói rã họng mới khiến ông thân vương nhà mình yên lặng được, song y cũng biết ấy chỉ là cách tạm thời.
Long Tuyền chặc lưỡi, hoài nghi không biết đây có phải là cách mà Bích Mặc tiên sinh ra oai phủ đầu với bọn hay không.