Phùng Thanh La kể lại, sở dĩ cô nàng và Chân Lợi Kiếm được lựa chọn làm thánh tử, thánh nữ đời kế tiếp là do trong khảo nghiệm của Vấn Tâm Thạch, hai người đi được xa nhất.
Phạt Hải Kiếm Thánh không thích cách dạy đệ tử theo kiểu nuôi cổ, mạnh được yếu thua. Y nói nếu để các đệ tử tự do tranh đấu, chỉ vì tài nguyên mà không tiếc thủ đoạn, thì cho dù có bồi dưỡng được một đám cường giả tu vi cao thâm thì cũng chỉ là dạy ra một đám sâu mọt tiểu nhân.
Đối với những người này, tông môn chẳng qua là nơi cung cấp tài nguyên, vì lợi mà đến. Kẻ sống tự tư tự lợi như vậy, còn trông chờ gì được cái lúc khẩn yếu quan đầu, tông môn lâm nạn?
Thành thử, cả đời y chỉ nhận hai đồ đệ và một kiếm đồng.
Hơn nữa, khác với những kẻ khác, Phạt Hải Kiếm Thánh không hề giữ lại chiêu số tuyệt diệu nào cho mình, truyền thụ hết lòng cho ba người theo hầu.
Sau khi Kiếm Thánh tọa hóa, chôn kiếm bên cạnh phiến đá bình thường vẫn dùng để mài kiếm. Dần dà, đá mài kiếm nhẵn bóng như gương, có thể soi được tâm ma thiện niệm trong lòng người, từ đấy được Kiếm Trì gọi là Vấn Tâm Thạch.
Hai vị kiếm tổ sơ đại của Cường Kiếm phái, Khoái Kiếm phái nhớ lời dạy của sư phụ, từ đó cũng tạo nên cái lệ các đời kiếm tổ muốn chọn lựa truyền nhân, thì cửa ải tiên quyết chính là Vấn Tâm Thạch này. Cho dù có Kiếm Tâm Không Minh, Tiên Thiên Kiếm Vực thì cũng không thể trở thành ngoại lệ. Mặc kệ nhà ngươi có là thiên tài tuyệt thế hay tu vi kiếm đạo thông huyền đi nữa... nếu không thể đi xa trên khảo nghiệm Vấn Tâm Thạch, vậy thì rất tiếc...
Nhà ngươi và ngôi thánh tử, thánh nữ của Kiếm Trì vô duyên.
Tạ Thiên Hoa chính đang muốn nói gì đó, thì ở bên cạnh Đỗ Thải Hà đã nói chen vào:
“Cũng tức là cho dù hồi ấy ông đại sư huynh nhà bọn này có gật đầu đồng ý làm thánh tử Kiếm Trì cũng chưa chắc đã được Lâm kiếm tổ nhận làm đồ đệ đúng không?”
Phùng Thanh La bật cười, nói:
“Cũng có thể nói vậy, song cũng chưa hẳn là vậy. Chấp Kiếm trưởng lão mỗi lần ra ngoài thay mặt hai vị kiếm tổ tìm truyền nhân đều sẽ mang theo Vấn Tâm Tử Thạch, là một bảo vật các đời kiếm tổ dựa trên Vấn Tâm Thạch Kiếm Thánh để lại tạo thành. Bằng không, cứ mỗi lần tìm được một người lại đưa y đến tận đây để tham gia khảo nghiệm của Vấn Tâm Thạch thì Phạm trưởng lão có mà kiệt sức suy vong, tổn thọ chết sớm mất thôi.”
“Kể cũng đúng...”
oOo
Trong lúc mấy người nói chuyện phiếm với nhau thì ba vị kiếm tổ đã tổ chức cho đệ tử phù hợp tư cách chia cặp luận bàn thi đấu.
Đồng môn luận bàn, đương nhiên chỉ điểm tới là dừng, không được hại đến tính mạng, cũng không thể ra tay tàn độc khiến đối phương tàn phế, có thể nói là quy tắc luận bàn tiêu chuẩn cho các tông môn giáo phái ở Huyền Hoàng giới.
Đương nhiên, Kiếm Trì cũng có bản sắc riêng.
Đầu tiên, là chiến trường.
Cứ hai người một cặp, chọn lấy một cái cây bên ao Tẩy Kiếm phóng mình bay lên đầu ngọn cây. Sau đó hai người đạp trên cành lá mà giao thủ. Ai không may rơi xuống đất là thua. Chân khí của ai làm rụng lá, rơi hoa, gãy cành nhiều hơn cũng tính là thua.
Thành thử...
Ở Kiếm Trì, mỗi một lần luận bàn đều là một lần khảo nghiệm.
Chẳng những là kiểm tra năng lực thực chiến, các loại thủ đoạn, mà còn có yêu cầu rất cao đối với khả năng nhận thức không gian và khống chế lực đạo của kẻ tham chiến.
Kiếm khí tung hoành, kiếm ảnh xé gió, vô số bóng người liên tục lướt qua nhau, trường kiếm tương hội liên tục tóe ra ánh lửa, có thể nói là một lần thịnh hội. Ấy vậy mà hoa, lá rời cành rơi xuống lại lác đác không có mấy, đủ thấy những đệ tử được đến tham dự cơ hồ đều là tinh anh trong Kiếm Trì, có chân tài thực học chứ chẳng phải hạng giá áo túi cơm.
Kiếm Trì tam tổ mời Vương Tiểu Thạch lên bình đài quan chiến, thỉnh thoảng thấy mấy đệ tử có tiềm lực hơn người, hoặc biểu hiện ưu dị thì cũng không ngại lên tiếng đề điểm một hai. Dần dần, các cặp đấu cũng phân ra hơn thua được mất. Thế nhưng kẻ thắng không kiêu ngạo ta đây, kẻ thua không lấy cớ chửi mắng, cơ hồ trên ngọn cây chỉ có lễ nghĩa và kiếm, ngoài ra tuyệt không còn bất cứ thứ gì khác xen vào, thuần túy đến cực điểm.
Lý Thanh Vân không ngờ Kiếm Trì lại là tông môn trên hòa dưới thuận như vậy, không khỏi nhớ lại cái cách hành xử khi xưa của mình với Phạm Kim, bất giác thấy xấu hổ. Phùng Thanh La thấy vậy, không khỏi đắc ý, nói:
“Lý thiếu hiệp, Kiếm Trì bọn ta cũng không tệ đấy chứ?”
“Là tại hạ không đúng.”
Lý Thanh Vân cười, cúi đầu thi lễ một cái.
Nếu có thứ gì anh chàng học được ở sư phụ - Bích Mặc tiên sinh Nguyễn Đông Thanh – thì đó là dũng cảm nhận sai.
oOo
Sau chừng hơn một canh giờ giao thủ, tam cường của lần thi đấu này đã xuất hiện. Đứng thứ ba là một thiếu niên lưng vác trọng kiếm, mặc một bộ trường bào màu đen, gương mặt nghiêm nghị tuấn dật. Hạng nhì là một thiếu nữ cột tóc đuôi ngựa, cài một cái châm con bướm, sử dụng nhuyễn kiếm.
Mà hàng đệ nhất lại là một cặp song sinh giống nhau như lột, một người dùng kiếm nặng, một người dùng trường kiếm, một áo đen, một áo trắng, thực đúng là hơi khác người. Thế nhưng toàn bộ Kiếm Trì, bao gồm cả Kiếm Tổ, không ai nói gì về hành động “lấy đông đánh ít” này của cặp sinh đôi cả, cơ hồ đều coi là chuyện hiển nhiên. Điều này không khỏi khiến ba người Lý, Tạ, Đỗ thấy tò mò.
Phùng Thanh La thấy ba người nghĩ méo mặt cũng không ra, mới giải thích:
“Vị sư đệ này tên là Song Vô Song, là con của Ngự Kiếm trưởng lão. Năm xưa lúc trưởng lão mang thai Vô Song, đánh nhau với hải thú, không cẩn thận trúng một đòn nặng, làm thai khí một phân thành hai, từ đó mới sinh ra Song Vô Song một hồn hai xác như vậy. Tuy là hai cơ thể, nhưng thực ra chỉ có một người khống chế mà thôi.”
Ba người Lý Thanh Vân không ngờ trên đời còn có chuyện lạ thế này, nghệt mặt nhìn nhau. Đoạn, Tạ Thiên Hoa lắc đầu, nói:
“Sư phụ dạy đi một ngày đàng, học một sàng khôn quả không sai.”
Quyết đấu đã xong xuôi, ba vị Kiếm Tổ bèn nói:
“Ba người các con ai muốn luận bàn một phen với Lý thiếu hiệp?”
Ba người Trần Thanh Lãng vừa lên tiếng, lập tức thiếu niên áo đen và Song Vô Song vô thức lui lại một bước, giơ kiếm che hạ bộ, ánh mắt đầy cảnh giác nhìn về phía Lý Thanh Vân.
Tuy không nói ra, nhưng gương mặt cơ hồ viét rõ ý nghĩ trong lòng hai người: