Ánh mắt Tiết Thứ quá trắng trợn, thẳng thắn bày tỏ tình cảm trong con ngươi đen kịt, chạm khẽ đến đáy lòng Ân Thừa Ngọc.

Hình như Tiết Thứ rất tin tưởng y, cho dù là đời trước hay đời này.

Y chợt nhớ tới lúc vừa mới về cung ở đời trước.

Năm ấy, y ra đi với hai bàn tay trắng, mang nỗi ô danh nhục nhã.

Năm năm sau, y quay về nhưng chưa được rửa sạch oan khuất. Để tránh việc Long Phong đế tiếp tục lập y làm thái tử, bọn người kia cố tình nhắc lại chuyện xưa cũ của y.

Chuyện cũ năm năm lại bị khơi ra, thêu dệt nên câu chuyện còn tệ hơn cả trước kia. Phe nhị hoàng tử và tam hoàng tử thay phiên nhau bịa đặt nói xấu về y.

Tuy Ân Thừa Ngọc đã chuẩn bị sẵn tinh thần, nhưng nghe được những chuyện như thế cũng khiến y ngứa tai.

Nhưng, trong năm năm bị giam cầm, y đã học được phải chuẩn bị sẵn sàng mới hành động, nếu đã không rửa được oan khuất thì chẳng bằng án binh bất động.

Trái lại, người không nhịn được là Tiết Thứ.

Đang lúc triều thần bàn tán về chuyện "thông dâm" của y và Dung tần, thậm chí còn đổ thêm những lời bịa đặt lên đầu y thì Tiết Thứ - người đang nghe - bước xuống khỏi đài Kim Loan, rút thanh đao bên hông thị vệ, chém chết tên ngự sử đang nói lớn tiếng nhất ngay tại chỗ.

Dưới ánh mắt hoảng sợ của tất cả quan viên, hắn lạnh nhạt ném thanh đao nhuốm máu xuống đất, hung ác nói:

- Chỉ giỏi hùa theo thôi, ta đây rất chướng mắt mấy người ngu dốt không phân biệt được đâu là thật đâu là giả.

Khi ấy, y chỉ thấy Tiết Thứ hung ác độc tài, không dung tha cho kẻ nào dám nghi ngờ quyết định của hắn. Bây giờ nghĩ lại, giọng điệu chắc chắn của hắn lúc đó, giống hệt như vừa rồi.

Nhưng trước đó y chưa từng gặp Tiết Thứ, mà chuyện "thông dâm" giữa y và Dung tần năm năm trước chắc có lẽ là bí mật ai cũng biết. Hành động ban chết cho Dung tần của Long Phong đế dường như đã đóng đinh vào cột.

Tại sao Tiết Thứ không tin triều thần văn võ mà lại tin y?

Sự chắc chắn của hắn đến từ đâu?

Ân Thừa Ngọc dần buông tay đang nắm cằm hắn, ngừa đầu ra sau nhìn Tiết Thứ chăm chú.

Trong lòng y có rất nhiều thắc mắc. Có một số việc nếu phát hiện ra manh mối sẽ càng thêm nghi ngờ.

Song, rốt cuộc y vẫn không hỏi ra tiếng.

Ân Thừa Ngọc chậm rãi vuốt phẳng mấy nếp gấp trên quần áo, đoạn đứng dậy, mỉm cười, nói sang chuyện khác:

- Ngươi phải người tới phủ Đại Đồng và phủ Tuyên (Tuyên Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc) điều binh bảo vệ Sơn Tây và các châu phủ xung quanh. Không ai được phép ra hay vào khi chưa rõ có dấu hiệu mắc bệnh hay không. Kế tiếp, điều hai vạn binh sĩ Tứ vệ doanh đóng quân ở biên giới Sơn Tây, lỡ như không khống chế được...

Tới đây, Ân Thừa Ngọc sầm mặt, không nói tiếp nữa.

Nhưng Tiết Thứ hiểu được ý của y: Nếu có một ngày không thể khống chế được dịch bệnh ở Sơn Tây nữa, bắt buộc phải dùng đến phương án kia.

Hắn cụp mắt, nhận lệnh.

Ân Thừa Ngọc suy tư hồi lâu, đang lúc định hỏi thêm những chuyện khác, y chợt để ý tới sắc trời bên ngoài. Nghĩ thầm bọn họ đã vất vả bôn ba cả ngày, y không định hỏi nữa, chỉ nói:

- Mấy chuyện còn lại cứ để ngày mai bàn tiếp. Cô buồn ngủ rồi, ngươi đi ra ngoài đi.

Tiết Thứ đáp lời, lui ra ngoài, cẩn thận đóng kỹ cửa phòng.

Ra tới ngoài, hắn không đi ngay mà lẳng lặng đứng một hồi. Lâu sau, hắn mới nhấc chân đi gọị đám binh sĩ đang làm nhiệm vụ, sắp xếp để bọn họ làm theo những gì Ân Thừa Ngọc nói.

Nói xong, hắn lại trầm ngâm một hồi, bổ sung thêm:

- Sáng sớm ngày mai sai người đi xây một căn nhà cách xa khu dân cư bên ngoài thành. Chuẩn bị thêm vài cái lồng sắt, mười con chó và một trăm con chuột nuôi chung với nhau, chỉ cần cho uống nước, không cần cho ăn.

Nghe được cuộc đối thoại hôm nay giữa Ân Thừa Ngọc và thái y, Tiết Thứ có suy tính.

Tuy thái y nói nạn dịch hạch do chuột gây ra chỉ là phỏng đoán, nhưng hắn chắc chắn rằng bệnh dịch có liên quan đến chuột. Trước đây hắn vô ý nghe được những người già từng sống sót qua dịch bệnh nói, năm mất mùa không được ăn thịt chuột.

Mất mùa, mọi người không có thức ăn, vậy con chuột ăn gì?

Tất nhiên là xác chết không ai chôn.

Nếu ăn thịt chuột sẽ dễ nhiễm mùi hôi thối và tà khí của xác chết, nhẹ thì bệnh vài ngày, nặng thì mất mạng.

Mặc dù đây chỉ là điều người xưa truyền lại, lại còn liên quan đến quỷ thần, nhưng đó là kinh nghiệm của người đi trước, không hẳn vô dụng.

Giả dụ như có thể chứng minh nạn dịch hạch có liên quan đến chuột rồi từ đó tìm ra nguyên nhân, chắc có lẽ sẽ giúp ngăn chặn được bệnh dịch.

- Bắt chuột phải cẩn thận, mặc quần áo dày chút, che mũi miệng lại, chớ để chuột chạm vào người. Sau khi làm xong, lập tức đốt hết quần áo rồi đi tìm thái y để xông thảo dược.

*

Đêm nay, Ân Thừa Ngọc ngủ ba canh giờ đã tỉnh.

Trời tờ mờ sáng, y đứng dậy mở cửa sổ ra, chợt thấy vài bóng người đi lại trên đường.

Tất cả đều là người già và trẻ em, bọn họ cúi người bước nhanh, thấy nhà nào không có người thì đi vào lục lọi.

Y đứng yên nhìn một hồi lâu. Cho đến khi Tiết Thứ bưng chậu rửa mặt vào, y mới đóng cửa sổ lại không nhìn bên ngoài nữa.

- Sao ngươi đã dậy rồi?

- Thần dậy sớm.

Tiết Thứ đáp. Đợi Ân Thừa Ngọc súc miệng xong, hắn đưa một cái khăn ấm cho y lau mặt.

- Chuyện hôm qua bàn, ngươi đã làm xong chưa?

Ân Thừa Ngọc lau xong, ném khăn vào lại trong chậu. Đoạn, y giơ hai tay ra, để Tiết Thứ giúp mặc quần áo.

Động tác thay quần áo của Tiết Thứ rất thành thạo, đầu tiên là mặc áo trong, tiếp theo khoác thêm áo ngoài vào. Hắn cúi đầu, từ tốn tỉ mỉ vuốt thẳng mấy nếp gấp trên mặt áo ngoài.

- Thần đã sắp xếp xong, đêm nay có thể phong tỏa được rồi.

Ân Thừa Ngọc gật đầu:

- Có tin gì của đội cứu tế không? Khi nào tới?

- Nhanh thì hai ngày, chậm thì ba ngày.

- Không kịp.

Ân Thừa Ngọc cau mày, nói:

- Phải sớm khống chế bệnh dịch, không được chậm trễ. Cô đi gặp Bố chính* Sơn Tây trước để sắp xếp cho xong việc cứu trợ, đợi đồ cứu tế đến có thể nhanh chóng phân bổ.

* Là vị trưởng quan ty Bố chính, trật Chánh tam phẩm văn giai. Là một ty thuộc và lãnh trọng trách tại cấp dinh, trấn và tỉnh, ty Bố chính phụ trách các vấn đề tài chính, hành chính như thuế khóa, đinh điền, đê điều, hộ tịch lẫn trọng trách truyền đạt chính sách và chủ trương của triều đình. (nguồn: wikipedia)

Sửa soạn xong, Ân Thừa Ngọc đi đến quan thự thành Thái Nguyên, đồng thời sai người gọi Bố chính Sơn Tây và Đô chỉ huy sứ tới gặp.

Từ sau khi Tuần phủ Chu Vi Thiện bị cắt chức tống vào ngục, Bố chính Kinh Vệ Sơn luôn lo lắng hồi hộp, sợ thanh đao đang treo lủng lẳng trên đầu rơi xuống lúc nào không hay.

Sáng sớm hôm nay, nghe thấy thông báo thái tử đến, ông ta bỗng giật mình rồi lại thở dài. Cho dù kết quả có xấu đến mức nào thì cuối cùng thanh đao treo trên đầu cũng rơi xuống rồi. Rốt cuộc cái sự rối loạn ở phủ Thái Nguyên, thậm chí là cả Sơn Tây đã có người đến dọn dẹp.

Bố chính Sơn Tây, Đô chỉ huy sứ và tri phủ Thái Nguyên dẫn theo một đám thuộc hạ đứng chờ trước nha môn, cung kính đón Ân Thừa Ngọc vào.

Ân Thừa Ngọc bước lên ghế trên, ngồi xuống. Y nhìn một đám quan viên đang cúi đầu nơm nớp lo sợ phía dưới, từ tốn hỏi:

- Sao chỉ có mấy người thế này?

Ngoại trừ Bố chính, Đô chỉ huy sứ và tri phủ, chỉ còn lại mười một quan viên đứng trong đám người.

Bố chính Kinh Vệ Sơn cười khổ, chắp tay tạ tội:

- Bẩm thái tử điện hạ, nhiều quan viên trong quan thự cũng bị nhiễm dịch bệnh, đã...giết hết rồi.

Chu Vi Thiện giữ chức Tuần phủ Sơn Tây gần hai mươi năm, quản lý toàn bộ dân chúng và quan lại. Ông ta ngấm ngầm xây dựng thế lực riêng, thâu tóm cả Sơn Tây trong tay.

Nạn dịch hạch bùng phát đột ngột, để giấu giếm dịch bệnh, Chu Vi Thiện giết vô số người, bao gồm mấy quan viên có chức vị thấp.

Những quan viên này đã quen nghe Chu Vi Thiện sai bảo, bỗng nhiên gặp phải chuyện này, không ai dám đứng ra phản kháng lại sự hung ác của ông ta.

Nếu Tiết Thứ không phái người đi thuyết phục phục Chỉ huy sứ Trung đồn vệ An Đông Tôn Diệu tố cáo, e là triều đình sẽ không biết được việc này. Chắc có lẽ những quan viên và dân chúng bị thiêu sống cũng chỉ là một con số mơ hồ trong tấu chương của Chu Vi Thiện mà thôi.

Mặc dù có hơi buồn bực nhưng nhìn thấy vẻ tiều tụy và sợ hãi trên mặt đám quan lại, Ân Thừa Ngọc không nỡ trách móc nặng nề.

Trước khi tới đây, y đã xem qua tiểu sử của Kinh Vệ Sơn. Người này tuy không có năng lực, không có chủ kiến, song lại không ác.

Ông ta chỉ thực hiện theo quyết định của Chu Vi Thiện mà thôi.

- Chu Vi Thiện đã vào ngục, chuyện Sơn Tây giao cho Đại lý tự xử lý rồi. Về phần các ngươi, tuy từng có sơ sót nhưng nể tình chỉ là tòng phạm và không có ý định làm việc ác, Cô cho các ngươi lấy công chuộc tội.

Ân Thừa Ngọc nhìn vẻ mặt bọn họ, chậm rãi nói:

- Cô đã truyền lệnh cho phủ Đại Đồng và phủ Tuyên điều binh phong tỏa Sơn Tây, trước khi khống chế được dịch bệnh, không ai được ra hay vào. Đồ cứu tế của triều đình hai, ba ngày nữa sẽ tới. Bạc, lương thực, thuốc,.. Cô có thể đảm bảo đầy đủ. Bây giờ chỉ thiếu người thực hiện, các vị có làm được không?

Từ lúc bước vào đây, mặc dù y chưa hề nổi giận, chưa hề trách mắng nhưng khi nghe thấy mấy chữ "phong tỏa Sơn Tây", bọn họ bỗng lạnh sống lưng.

Vị thái tử điện hạ này trông có vẻ điềm đạm, song e là không kém Chu Vi Thiện là mấy.

Giả dụ như khống chế được dịch bệnh, đó là chuyện vui mừng. Thế nhưng nếu không ngăn chặn được,...không ai dám nghĩ thêm nữa.

Kinh Vệ Sơn cúi người thật sâu, tiên phong nói:

- Xin thái tử điện hạ sai bảo, chúng thần nhất định sẽ cố gắng hết sức.

Ân Thừa Ngọc lập được uy, thỏa mãn gật đầu:

- Được rồi, truyền lệnh xuống, mau chóng kê khai dân số Sơn Tây, bao nhiêu người còn sống, bao nhiêu người đã chết, bao nhiêu người nhiễm bệnh. Phải điều tra rõ ràng, lập thành danh sách. Lại sai binh sĩ dựng lều cứu trợ người bệnh (khu cách ly, bệnh viện dã chiến) ở chỗ đất trống bên ngoài thành, đưa người nhiễm bệnh vào đó.

Ân Thừa Ngọc sắp xếp từng việc một, đám quan viên cuối cùng cũng tìm được người đáng tin cậy, từng người tự dẫn theo sai dịch tản ra.

Ba ngày sau, đội cứu tế đến phủ Thái Nguyên.

Một nhóm quan binh hộ tống mấy xe lương thực và thuốc vào thành. Ân Thừa Ngọc lệnh cho Tiết Thứ dẫn thuộc hạ đi kiểm kê, xác nhận không thiếu thứ gì mới chuyển vào kho.

- Lương thực cứu nạn đã tới, mau chóng phân bổ đến các châu phủ, cho sai dịch thông báo để nạn dân đến lĩnh.

Ân Thừa Ngọc cau mày, nói tiếp:

- Nhưng mà trong danh sách không có ghi số người bệnh. Nạn dịch hạch rất nghiêm trọng, không rõ số người bệnh, nếu tụ tập đông người e rằng sẽ tiếp tục lây lan.

Nguyên nhân không ghi rất dễ đoán. Dạo trước, Chu Vi Thiện ra tay rất tàn ác, cho dù là sốt cao hay ho khan đều bị ông ta coi là nhiễm bệnh, thiêu sống tại chỗ. Chính vì thế, dân chúng không còn tin tưởng chính quyền nữa. Nếu trong nhà chẳng may có người bị bệnh, bọn họ thà giấu giếm chứ không dám nói cho ai, càng không dám báo cáo lên.

Ân Thừa Ngọc vẫn chưa nghĩ ra biện pháp tốt để giải quyết tình hình này. Y đành phải nói:

- Thôi, cứ tiến hành ở phủ Thái Nguyên trước đi. Đợi phát hết lương thực, cứu được nhiều dân chúng, các châu phủ khác sẽ làm theo.

Đoạn, y nhìn kho lương thực đầy ắp, nói:

- Tối nay sai người nấu cháo để sáng sớm ngày mai phát. Dẫn thêm hai thái y theo, nếu phát hiện người có dấu hiệu nhiễm bệnh, lập tức đưa đến lều cứu trợ.

Ba vị thái y và các đại phu chân đất khác đang nghiên cứu các trị nạn dịch hạch. Nhưng trước khi bọn họ tìm ra cách, bắt buộc phải cách ly người bệnh ở lều cứu trợ, tránh lây nhiễm cho người khác.

- Sợ rằng nạn dân không chờ được đến sáng mai.

Nghe xong, Tiết Thứ lắc đầu, đề nghị:

- Điện hạ cứ sai người canh gác ở kho lương thực, tránh cho nạn dân vào cướp đoạt.

Mấy ngày nay, Tiết Thứ lần lượt phái vài phiên dịch đi tìm hiểu tình hình trong ngoài phủ Thái Nguyên. Đừng thấy vẻ bề ngoài hệt như thành chết của phủ Thái Nguyên mà lầm tưởng, thật ra bởi vì dân chúng sợ hãi quan binh bách người nên vào ban ngày, đa số người đều trốn vào hầm, đến tối mới ra ngoài sinh hoạt.

Lúc xe lương thực vào kho khi nãy, có phiên dịch báo cáo rằng, thấy vài bóng người xung quanh đó.

- Đó là lương thực cứu tế, hà cớ gì bọn họ phải cướp?

Ân Thừa Ngọc khó hiểu..

- Dạo trước, dân chúng không nhận được lương thực cứu nạn, lại thêm tội ác của Chu Vi Thiện, dân chúng như chim sợ cành cong, có lẽ sẽ không còn tin tưởng quan phủ nữa.

Tiết Thứ rủ mắt, trầm giọng:

- Thay vì đợi chờ số lương thực ít ỏi mà quan phủ bố thí, không bằng bọn họ tự đi cướp cho rồi.

Bệnh dịch đã bùng phát ở Sơn Tây được hơn một tháng, dân chúng còn sống ở đây có lẽ không chịu đựng nổi nữa.

Khi con người rơi vào đường cùng, sẽ không còn tin tưởng bất cứ kẻ nào, chỉ tin bản thân mình.

Ân Thừa Ngọc suy tư một hồi, hình như hắn nói cũng có lý.

Nhưng y vẫn không thể hiểu được...Y nhìn thẳng vào Tiết Thứ, dùng ánh mắt đe dọa hắn:

- Sao ngươi biết rõ suy nghĩ của nạn dân thế?

- -------------------

Cún: Phải giấu clone đi thôi.

Điện hạ:?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play