Quả nhiên là Ân Từ Quang hiểu được ý của Ân Thừa Ngọc.

Hắn từ tốn cúi người, nói:

- Ân tình của thái tử điện hạ, ta xin khắc ghi trong tim, đời đời không bao giờ quên. Ngày sau nếu ta phản bội điện hạ sẽ không được chết toàn thây.

Ân Thừa Ngọc đỡ hắn lên:

- Hoàng trưởng tỷ đừng nói thế, anh chị em một nhà giúp đỡ nhau là chuyện thường tình, không cần phải báo đáp gì cả.

Dù sao cả Ân Từ Quang và Dung tần, không có ai đe dọa được vị trí của y.

Nếu đã như thế, y giúp đỡ bọn họ là chuyện dễ như trở bàn tay, cũng không cần Ân Từ Quang phải đổi cho y cái gì.

Thế nhưng Ân Từ Quang không nghĩ thế. Hắn tới cầu xin Ân Thừa Ngọc che chở không phải vì tin vào trái tim nhân hậu của y mà là một đổi một.

Thái tử bằng lòng che chở thì hắn cũng phải đáp lại chứ.

- Thật ra ta tìm cậu lần này là vì còn có một chuyện muốn cho cậu biết.

Ân Từ Quang lại che miệng ho khan vài tiếng, đoạn nói:

- Gần đây phụ hoàng sủng ái một Mỹ nhân[1] mới, lúc vô tình gặp nàng ta, ta ngửi thấy một mùi huân hương khác lạ. Người ta nói bệnh lâu thành thầy thuốc, sức khỏe ta không tốt phải thường dùng thuốc, cho nên ta coi như khá nhạy cảm với mùi hương. Huân hương nàng ta dùng chắc chắn là tô hợp hương* đã bị cấm.

*Liquidambar orientalis

Tô hợp hương là huân hương bị cấm từ thời Hiếu Tông.

Nó có mùi thơm nhẹ nhưng dược tính khá mạnh, thường dùng để trợ hứng. Vào thời Hiếu Tông, có một vị phi tần nhờ huân hương này mà được hoàng đế sủng. Sau đó vì dùng quá liều khiến vua Hiếu Tông kiệt sức ngất xỉu, mọi người mới biết được cái hại của nó.

Vị phi tần dùng huân hương bị ban chết ngay lập tức, từ đó tô hợp hương trở thành thứ bị cấm trong cung.

Trải qua mấy chục năm, số người biết được mùi của tô hợp hương hầu như đã qua đời hết. Thế nhưng có mấy cung nhân lớn tuổi từ thời Hiếu Tông - nay đã trở thành ma ma của giáo phường tư - vẫn còn giấu loại huân hương này.

Dung tần xuất thân từ giáo phường tư, có một ma ma rất thương bà nên lén cho một viên tô hợp hương, bảo bà lợi dụng nó để sinh một đứa bé.

Dung tần cũng thực sự dùng nó, sau lại mang thai.

Đương nhiên những chuyện xưa cũ này không cần thiết phải nói với thái tử, Ân Từ Quang bỏ qua, chỉ nói:

- Huân hương này tuy có thể giúp đàn ông tăng cường sinh lý nhưng nó có tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu sử dụng thời gian dài sẽ hút cạn sinh lực.

Ân Thừa Ngọc cau mày suy tư.

Theo y biết, mỹ nhân này dường như có liên quan tới Đức phi.

Nàng ta là tú nữ vừa được tuyển chọn năm nay, xuất thân từ nhà thương nhân. Sau khi được ân sủng, nàng ta được phong danh mỹ nhân [1], rất được Long Phong đế yêu thích.

Một tiểu thư của một nhà thương nhân nho nhỏ làm sao biết được hương cấm trong cung?

Nhưng nếu đây là thứ Ân Thừa Cảnh đưa cho Đức phi sắp xếp thì dễ hiểu.

Ân Thừa Cảnh nuôi đào kép nên biết được hương Tô Hợp này cũng không lạ. Mà Đức phi lại không có nhan sắc, không thể khiến Long Phong đế yêu thích. Cũng có thể hiểu được vì sao bà ta dùng một Mỹ nhân nho nhỏ để tranh sủng thay mình.

- Cô biết rồi, đa tạ hoàng trưởng tỷ đã nói cho Cô.

Ân Thừa Ngọc từ tốn xoay nhẫn ngọc trên tay, ánh mắt nhìn Ân Từ Quang dường như đã thay đổi.

Người anh trai này của y tuy ốm yếu nhưng không phải quả hồng mềm để người khác bóp nát.

Ân Từ Quang không hỏi y có ý định vạch trần Mỹ nhân Tiêu hay không, hắn cúi đầu cáo biệt rồi rời đi.

Để lại Ân Thừa Ngọc đứng trầm tư một mình.

Tô hợp hương lại nhắc nhớ y về một chuyện khác ở đời trước.

Đời trước, Long Phong đế càng lớn tuổi càng ham mê tìm tiên hỏi đạo, Tiết Thứ từng giúp ông ta mời một vị thần tiên - hiệu là Tử Viên chân nhân - vô cùng tinh thông việc luyện đan. Long Phong đế rất vui được gặp Tử Viên chân nhân, càng ngày càng lún sâu vào đan dược. Ông ta thường xuyên ở cung Ngọc Hi tu luyện đan, không màng đến sự vụ mà giao toàn bộ cho Tiết Thứ.

Nhờ thế mà về sau khi y quay lại Đông cung mới có cơ hội danh chính ngôn thuận giám quốc, từ từ nắm chặt triều chính trong lòng bàn tay.

Mặc dù vì chuyện hồ yêu mà bây giờ Long Phong đế tạm thời không nghĩ đến chuyện ấy, nhưng cái ham muốn tu tiên của ông ta không hề thay đổi. Quốc khố chỉ mới vừa được rót đầy được mấy hôm nhưng ông ta đã nghĩ tới chuyện tu sửa đạo quán, tìm thần tiên đã đắc đạo.

Ân Thừa Ngọc khá là mong chờ đối với chuyện này.

Được sống lại một đời, y không muốn phải lãng phí thời gian vào mấy chuyện tranh đấu quyền lực, không muốn lúc nào cũng bị ai cản trở nữa. Song mâu thuẫn giữa y và Long Phong đế chắc chắn không bao giờ biến mất.

Dù sao Long Phong đế cũng là cha ruột của y, là người ban tặng cho y cuộc sống này cho nên y không thể để người khác nắm được cái nhược điểm phạm vào tội giết cha. Như thế, y đành chỉ nghĩ cách dời sự chú ý của Long Phong đế sang chuyện khác.

Tô hợp hương mà Ân Từ Quang nhắc tới có thể coi là một cách hay. Tuổi Long Phong đế không còn nhỏ, nếu dùng huân hương này e rằng không khỏe mạnh được bao lâu. Đợi đến lúc ông ta bất lực, đương nhiên sẽ lại bước vào con đường tìm tiên học đạo như đời trước.

Đến lúc ấy sẽ là cơ hội của y.

Long Phong đế ham mê tu tiên, không quan tâm triều chính. Mà bản thân y là thái tử, giám quốc là chuyện nên làm.

Cho nên y không muốn lật tẩy vở kịch của Mỹ nhân Tiêu, thậm chí y sẽ âm thầm che giấu giúp nàng ta nữa. Dù sao nàng ta là do Đức phi sắp xếp còn Ân Thừa Cảnh đưa huân hương. Nhỡ có xảy ra chuyện gì thì chỉ mình Ân Thừa Cảnh là người chịu cái danh bất trung bất hiếu.

Ân Thừa Cảnh luôn muốn kiểm soát được mọi thứ, ngư ông đắc lợi, không biết lần này gã có kịp chuẩn bị phương án dự phòng không nữa.

Ân Thừa Ngọc chắp tay sau lưng, đi ra khỏi đình. Y phân phó cho Trịnh Đa Bảo chờ sẵn bên ngoài đi điều tra về Mỹ nhân Tiêu:

- Nếu có phát hiện chuyện gì, cứ giúp nàng ta giấu là được rồi.

*

Hôm sau, Ân Thừa Ngọc phái Triệu Lâm âm thầm đưa tin cho Tiết Thứ, bảo hắn buổi tối đến cung Từ Khánh.

Sau khi nhận được tin, Tiết Thứ vẫn luôn mong ngóng trời mau tối.

Đợi mãi cho đến khi mặt trời xuống núi, mặt trăng lên cao, hắn mới cố tình chọn con đường vắng người đến cung Từ Khánh.

Trước đó Ân Thừa Ngọc đã lệnh cho Triệu Lâm tạm dẫn thủ vệ Đông cung đi cho nên lần này Tiết Thứ vào không gặp một thủ vệ nào, thông thoáng một đường.

Bởi vì bí mật gặp nhau cho nên Ân Thừa Ngọc không ở ngoài đại sảnh mà ở trong tẩm điện.

Lần trước Tiết Thứ đã từng vào, nhưng khi ấy hắn dồn toàn bộ sự chú ý cho Ân Thừa Ngọc nên không quan sát được kĩ xung quanh. Hôm nay hắn đi vào từ cửa chính mới chú ý tới việc toàn bộ điện đều trải thảm nhung.

Trời đã vào hè, màn che dày dặn dùng cho mùa đông đã được đổi thành màn vải bông mỏng. Cơn gió từ ngoài cửa sổ thổi vào, tấm màn khẽ bay, lấp ló ánh nến lay động.

Sau giá nến rồng vàng, Ân Thừa Ngọc ngồi quay lưng vào trong, ánh nến vàng hắt lên áo trong màu trắng.

Y cầm một quyển sách cổ, từ tốn lật xem, đôi chân trần dẫm lên tấm thảm nhung mềm mại.

Thấy Tiết Thứ bước vào, ngón tay thon dài gấp sách lại, từ từ quay mặt lại, trong mắt là ánh sáng của ngọn nến:

- Tới rồi sao?

Tiết Thứ đứng cách y một khoảng, quen mắt nhìn xuống đất, đoạn lại bị đôi bàn chân nõn nà lấy mất sự chú ý.

Con ngươi lay động, hắn vội vàng ngẩng đầu lên, vừa vặn đụng phải ánh mắt lạnh nhạt của Ân Thừa Ngọc:

- Nhìn lung tung gì đó?

Tiết Thứ mím môi nhìn thẳng vào y, khát vọng trong lòng cuồn cuộn dâng lên.

Hắn tham lam khóa chặt Ân Thừa Ngọc, mãi sau mới để ý tới hình thêu trên cổ áo của Ân Thừa Ngọc. Hắn không nhịn được nữa, hỏi ngược lại y:

- Quần áo điện hạ mặc là cái hôm qua ta vừa trả lại sao?

Hắn nhớ rất rõ, trên cổ áo bộ áo trong ấy có thêu một cây trúc xanh.

Cứ xem như có áo trong khác cũng thêu hình giống hệt như thế nhưng trực giác của hắn lại cho rằng đó là bộ quần áo mà hắn đã giặt.

Lửa cháy hừng hực trong mắt Tiết Thứ.

Ân Thừa Ngọc nhìn hắn, hừ cười:

- Quần áo của Cô đều do Trịnh Đa Bảo chuẩn bị, sao ngươi biết được đây là cái mà ngươi đưa trả lại chứ?

Dứt lời, y không để Tiết Thứ trả lời, nói tiếp:

- Cô gọi ngươi tới đây vì có chuyện quan trọng cần bàn bạc.

Y bỏ sách xuống, đứng dậy đi đến bên bàn, rút bức tranh bị đè dưới chặn giấy ra:

- Cô muốn nhờ ngươi tìm một người.

Trên bức tranh vẽ một ông lão đạo sĩ trông khá trẻ, khuôn mặt gầy gò nhưng đôi mắt đầy sức sống.

- Đây là ai?

- Một đạo sĩ già, họ Bành, không biết tên, thường được gọi là Tử Viên chân nhân. Bây giờ...có thể đang ở vùng Đại Đồng thuộc Sơn Tây.

Đời trước, Tiết Thứ mất ba năm mới tìm được Tử Viên chân nhân, sau đó đưa đến gặp Long Phong đế.

Tử Viên vốn là một đạo sĩ lang thang, không có năng lực thần tiên gì cả nhưng được nuôi ở đạo quán từ nhỏ. Mưa dầm thấm lâu, gã cũng có chút mánh khóe để lừa gạt, đặc biệt là mái đầu bạc trắng bẩm sinh khiến người ta càng tin hơn. Mặc dù mới hơn bốn mươi tuổi nhưng gã thường nói với người khác rằng mình đã hơn trăm tuổi.

Bởi thế, đi đến đâu thì bách tính nơi đấy đều gọi gã là thần tiên.

Tiết Thứ tìm được người ở Đại Đồng thuộc Sơn Tây.

Song Tử Viên chân nhân không phải là người Sơn Tây, Ân Thừa Ngọc cũng không rõ nguyên quán của gã ở đâu. Bây giờ lại tìm trước ba năm, y không chắc gã có ở Sơn Tây không nên chỉ đành nhờ Tiết Thứ đi tìm trước.

- Nếu không tìm thấy ở Đại Đồng thì cứ tìm rộng ra xung quanh.

Tiết Thứ gật đầu, nói:

- Gần đây bệ hạ thường lệnh ta đi tìm cao nhân ở khắp nơi. Nếu gã thật sự có năng lực, cứ mời về kinh. Điện hạ đang tìm cao nhân cho bệ hạ sao?

Ân Thừa Ngọc tán thưởng:

- Nếu ngươi đã hiểu rồi thì Cô không cần phải giải thích nữa. Mau chóng tìm được người về đây.

Y nhấc chặn giấy ra, cuộn bức tranh lại, đưa cho Tiết Thứ.

Ngón tay hơi lạnh chạm vào tay hắn rồi lại dời đi mất, Tiết Thứ lưu luyến sờ chỗ vừa chạm phải, ngọn lửa trong mắt lại bùng cháy lần nữa:

- Điện hạ có thưởng cho ta không?

Ân Thừa Ngọc cười, nhìn hắn, chế giễu:

- Không phải Cô đã thưởng cho ngươi rồi sao? Bây giờ ngươi khá to gan đấy.

Tiết Thứ nhìn y không chớp mắt, khàn giọng:

- Khăn tay rất đẹp, không nên dùng thường xuyên.

Ân Thừa Ngọc dừng cười. Tuy y biết hắn dùng khăn tay làm gì, nhưng hắn cũng quá mặt dày, dám nói thẳng ra như thế.

Hắn biết chắc chắn y sẽ không phạt sao?

Ân Thừa Ngọc lạnh mặt, không thích cái cảm giác bị nắm rõ này. Y nắm cằm Tiết Thứ, híp mắt, nói:

- Nếu ngươi biết khăn tay quá đẹp thì bớt dùng đi. Lần này đi Sơn Tây nửa tháng, nếu ngươi làm hỏng, Cô sẽ không thưởng cho cái khác.

Nói xong, y buông tay ra, lạnh nhạt nói:

- Cô buồn ngủ rồi, ngươi cút nhanh đi.

- -------------------

Cún: (thì thầm) Khăn tay chắc là...vô dụng.

- -------------------

[1] Trật tự hậu cung

1. Hoàng hậu

2. Hoàng quý phi (Có hoặc không)

3. Quý phi

4. Phi (Hiền, Thục, Trang, Kính, Huệ, Thuận, Khang, Ninh là dòng chính; và các danh hiệu phi khác thấp hơn)

5. Tần (Đức, Hiền, Trang, Lệ, Huệ, An, Hòa, Hy và Khang là dòng chính; và các danh hiệu tần khác thấp hơn)

6. Chiêu nghi

7. Chiêu dung

8. Tiệp dư

9. Quý nhân

10. Mỹ nhân

*Hoàng hậu Ngu (mẹ thái tử) cao hơn quý phi Văn (mẹ nhị hoàng tử) một bậc, Đức phi (mẹ của tam hoàng tử) thấp hơn quý phi Văn hai bậc (Đức không nằm trong dòng phi chính), mẹ của "đại công chúa" Ân Từ Quang là Dung tần, thấp nhất trong số mấy vị phi tử đã xuất hiện từ đầu truyện (trừ bà sủng phi mới vô là mỹ nhân thấp nhất).

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play