Dịch: Kình Lạc

Beta: Chị Gái 7 Nickname Giấu Tên

3 giờ 30, Bạc Quan Sơ quay về ngõ Vân Lý, Bạc Phương đang chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn, bận tối mắt tối mũi, ngoại trừ Lý Khả Hân và Lý Hoạ Lạc ra thì không còn ai phát hiện cô biến mất hơn nửa ngày.

Thường sẽ có 9 người ăn bữa cơm tất niên, nhưng năm nay chỉ còn 7. Thời khắc đáng lẽ gia đình phải hoà hợp vui vẻ, thì ngoại trừ đứa em trai chẳng biết chuyện gì ra, còn tất cả mọi người đều miễn cưỡng cười, cố ném ra lời chúc Tết chua xót.

Bạc Quan Sơ không ăn được mấy miếng, cũng không ai quan tâm cô ăn bao nhiêu.

Lý Hạo Lạc không ngồi yên, ăn no xong thì nhận lì xì, sau đó muốn rời bàn. Người lớn cho phép, Lý Khả Hân và Bạc Quan Sơ rời bàn đi trông em.

Cô đánh tiếng với Lý Khả Hân, sau đó đi tản bộ.

Bạc Quan Sơ chạy một mạch đi, khi tới phố trước thì cô đã không thể chạy nữa, phải dừng lại thở dốc một lúc lâu, tiếp đó kéo khoá áo để bung áo ra, nghênh đón làn gió ập đầy lồng ngực, cuối cùng mới tiếp tục đi về phía trước, đi thẳng lên lầu sáu.

“Có người đuổi theo em à? Sao chạy nhanh thế.”

“Không… sợ anh… sợ anh sốt ruột.”

Lương Viễn Triêu nhướng mày: “Từ từ thôi, uống miếng nước đi.”

Tiếng pháo bên ngoài vang lên liên tiếp, Lương Viễn Triêu cúi người thái rau trên thớt, Bạc Quan Sơ ngồi trên sô pha chơi xếp hình.

Lần này đến, Bạc Quan Sơ phát hiện trong ngăn kéo bàn trà có thêm vài bộ xếp hình mới, cô chọn một bức khó nhất.

Vẫn là hai người họ, người nấu cơm cũng vẫn là cậu, mà người chơi xếp hình cũng vẫn là cô, nhìn thì chẳng có gì thay đổi nhưng thật ra đã thay đổi hoàn toàn.

Lương Viễn Triêu nấu hết toàn bộ số rau mua lúc sáng, nhưng cậu chỉ ăn mấy miếng, còn đâu ngồi bóc tôm giúp cô.

Qua chốc lát, hơn nửa đĩa tôm đã bị cô ăn hết.

Bạc Quan Sơ cũng bóc một con cho Lương Viễn Triêu.

“Chúng ta ước nguyện đi.” Bạc Quan Sơ rất thích ước nguyện, mỗi lần ước nguyện cô đều cảm thấy tương lai rất rạng rỡ, những chua xót bi thương của hiện tại chẳng còn là gì nữa.

“Lần này tôi đã ước xong ở trong lòng rồi, thế mới linh nghiệm.”

Cô nhắm mắt, ước nguyện trước mấy con tôm. Ước nguyện xong, thấy Lương Viễn Triêu vẫn mở mắt, cô hỏi: “Anh ước chưa?”

“Ước rồi.”

“Ước gì thế?”

“Không phải em nói là không được nói ra sao?”

“À, đúng nhỉ.”

Bình thường Bạc Quan Sơ rất chuyên tâm ăn cơm, nhưng hôm nay lại nói cực nhiều.

“Anh từng nghe đến hoa tay với vân tay bao giờ chưa? Một hoa thì nghèo hai hoa thì giàu, ba hoa bốn hoa bán đậu hũ, nam hoa sáu hoa mở tiệm cầm đồ, bảy hoa tám hoa làm quan, chín hoa mười hoa hưởng an nhàn.”

Lương Viễn Triêu lắc đầu: “Chưa.”

“Nếu như đường vân tay trên ngón tay có quy luật, vậy thì là hoa tay, nếu không có hình thù quy luật gì thì chỉ là vân bình thường.”

Bạc Quan Sơ lôi cánh tay Lương Viễn Triêu lại gần xem, cả mười ngón tay của cậu đều có hoa tay: “Chúc mừng nha chủ tịch Lương, anh có biết là cái này còn một cách gọi khác không, chính là ‘đủ đầy mười lưới, thành danh thủ khoa’.”

Lương Viễn Triêu lại cầm đũa lên: “Đừng mê tín này nọ, chẳng qua chỉ là sự kết hợp tự do giữa các gen thôi.”

Nhưng người ta thường nói, thà tin là có, còn hơn là tin không tồn tại.

Cô tiếp tục cười nói: “Có người từng lý giải rằng, người có mười hoa tay bình thường sẽ trọng tình trọng nghĩa, si tình. Là anh, đúng không?” Khi nói đến âm cuối, Bạc Quan Sơ nâng cao hơn.

Hàng lông mi của thiếu niên mỏng như cánh ve sầu, cậu tán thành: “Câu này có thể tin.”

Tự luyến!

“Em có mấy?” Lương Viễn Triêu hỏi cô.

“Sáu.”

“Người ta nói sáu như thế nào?”

Bạc Quan Sơ nhướng đuôi lông mày lên: “Có dã tâm, thích suy nghĩ lung tung.”

Lương Viễn Triêu không sợ ánh mắt trần trụi của cô, cậu nhìn thẳng vào đôi mắt ấy: “Vậy hiện tại em đang nghĩ gì?”

Cô nghĩ đến nửa sau câu nói đó: Lúc nhỏ không thuận buồm xuôi gió, sau thời tuổi xuân vận may tăng như diều gặp gió, khiến người xung quanh hâm mộ. Bên ngoài quê hương là nơi phát triển lý tưởng.

Cô cố ý: “Dù sao cũng không nghĩ đến anh.”

Dứt lời, Bạc Quan Sơ mới phát hiện không biết ở bên bàn phía đối diện đã có thêm một bao lì xì từ bao giờ.

Cô muốn cắt luôn cái lưỡi của mình đi.

“Ăn cơm tôi nấu, ăn tôm tôi bóc, uống canh tôi nấu, bây giờ em lại nói với tôi là em đang nghĩ đến người khác? Bạc Quan Sơ, em cũng có bản lĩnh đấy nhỉ.” Nói xong, Lương Viễn Triêu lấy lại xì lì. Đột nhiên mu bàn tay cậu bị đôi bàn tay mềm mại che phủ, bàn tay ấy có ngón tay thon dài, móng tay hồng hào.

“Nào có đạo lý cho rồi lại lấy về.”

Một tay cậu giữ chặt hai tay cô, chẳng hề lưu tình mà nhét bao lì xì vào trong túi: “Cái này vẫn chưa cho mà, may là còn chần chừ đấy, nếu không lỗ lớn rồi.”

Bạc Quan Sơ vừa chạm vào bao lì xì đó, bên trong chắc chắn có mấy tờ: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy.” (1)

“Nhưng tôi đã nói gì đâu.”

“Anh…”

Lương Viễn Triêu đứng dậy trở về phòng, khi trở ra, Bạc Quan Sơ đang rầu rĩ gặm sườn.

Trong phòng khách tĩnh lặng có thể nghe thấy tiếng kim rơi, ba tiếng “cốc cốc cốc” vang lên, đó là tiếng xương ngón tay gõ vào cánh cửa gỗ.

Bạc Quan Sơ quay đầu, Lương Viễn Triêu đang dựa vào cửa, trên người cậu là bộ vest và đôi giày cô mua tặng. Một tay cậu đút vào túi, tay còn lại thì giơ bao lì xì lên.

Sợ Lương Viễn Triêu đổi ý, Bạc Quan Sơ đột nhiên nhảy lên, chiếc ghế ma sát vào sàn gạch phát ra âm thanh chói tai. Khi víu canh tay Lương Viễn Triêu xuống để cướp lì xì, Bạc Quan Sơ hôn bẹp một cái lên má cậu, sau đó cười ngang ngược: “Năm mới vui vẻ, chúc phát tài phát lộc!”

Lương Viễn Triêu ngây người, Bạc Quan Sơ – người cầm bao lì xì dày hơn vừa nãy- cũng sửng sốt.

Bông tuyết nhảy múa dưới ánh đèn đường, pháo nổ vang trời.

Khi Lương Viễn Triêu quay về phòng, cậu bỏ thêm 1000 vào lì xì, nhét tới mức căng phồng. Nên trong lì xì hiện tại có 2000.

“Anh cho nhiều như thế làm gì?” Tiền đó là do ba mẹ cậu để lại.

Ăn cơm tất niên xong mới thay quần áo mới, Lương Viễn Triêu đưa váy đỏ cho cô, sau đó trả lời: “Bởi vì tôi thích.”

Bạc Quan sơ thay váy đỏ, tóc để xõa, chậm rãi đi về phía Lương Viễn Triêu. Lương Viễn Triêu bị người trước mắt thu hút, vẻ mặt cậu lộ ra vẻ kinh ngạc, cô giống một bông hồng trắng, bên ngoài là lớp giấy gói hoa màu đỏ quyến rũ đẹp đẽ.

Lương Viễn Triêu đưa chiếc áo khoác ngoài mang phong cách dân quốc cho Bạc Quan Sơ. Áo khoác ngoài rất nặng, chất lượng vải đẹp đẽ, thiết kế tinh tế mỉ mỉ, xúc cảm nhẵn nhụi, nhìn là biết giá trị xa xỉ, không giống như có thể mua được ở thành phố này.

Bạc Quan Sơ không hỏi, cô chỉ mặc vào thuận theo động tác của cậu.

30 Tết phải đón giao thừa, đêm nay Nam Thành là một đêm không ngủ. Bạc Quan Sơ nói muốn dẫn Lương Viễn Triêu đến một nơi, Lương Viễn Triêu không hỏi gì, cứ vậy đi theo cô.

Ánh trăng chiếu vào một cửa tiệm nhỏ ở ngõ sau, cổng mở một nửa, bên trong có người đang chà mạt chược, mấy tấm bài mạt chược chà sát vào nhau phát ra âm thanh thanh thuý. Căn tiệm nằm ở sườn nhà, nối liền với tường sân. Hàng hoá tuy chật chội nhưng được xếp gọn gàng, Bạc Quan Sơ nhớ rõ lúc đầu chỗ này xếp đồ uống, vậy mà hôm nay lại đổi hết thành pháo hoa, pháo ném. Từ kẹo QQ treo trước cửa, đến kẹo cao su, chân gà, khoai tây chiên trên quầy, các nhãn hiệu thuốc lá, giờ tất mọi thứ đều được phủ lên một sắc bạc.

Bà chủ dựa vào quầy xem Xuân Vãn, khi Bạc Quan Sơ và Lương Viễn Triêu đi qua, bà chủ quay đầu nhìn vài lần, tưởng là người thân ở thành phố nào đó tới ăn Tết.

Đi qua căn tiệm nhỏ, hai người rẽ trái. Nơi rẽ vào vẫn là một con ngõ, trời tối đen đến mức không nhìn rõ tên ngõ được ghi ở ngay đầu vào, nhưng có một điều đặc biệt là, những viên gạch trên mặt đất được trải theo chiều ngang.

Nếu gạch trong ngõ được trải thẳng, thì chứng tỏ con đường này thông; nhưng nếu gạch trên đường được trải ngang thì chứng tỏ con đường này là không thông đi đâu. Đây là một ngõ cụt, chỉ có hai hộ gia đình.

Bạc Quan Sơ đưa Lương Viễn Triêu đến nhà đầu tiên. Trên cổng của căn nhà treo hai chiếc đèn lồng to đỏ rực, đèn trong nhà sáng choang.

“Ông Trần ơi!” Bạc Quan Sơ gọi to.

Ông Trần đã tới độ 60, hơi lãng tai, Bạc Quan Sơ gọi đến lần thứ ba thì ông mới nghe thấy, giọng nói như chuông lớn vang: “Ai thế?”

“Cháu đến chụp ảnh ạ!”

Ông Trần ngồi trong nhà không đi ra: “Về đi về đi, 30 Tết không kinh doanh gì hết!”

Bạc Quan Sơ lao vào trong sân, ông Trần đang ngồi trên chiếc ghế dựa trải thảm dày, tivi chiếu Xuân Vãn, cạnh tay đặt một ly trà.

“Ông à, ông thu xếp một chút được không.”

Ông Trần phất tay: “Ông chưa quên đâu. Cháu còn không biết thẹn mà bảo ông thu xếp à?”

Mối quan hệ giữa Bạc Quan Sơ và ông Trần phải nói từ lần cô đánh cháu trai của ông ấy.

Ông Trần là người mê nhiếp ảnh kiểu xưa, vợ là giáo viên, một người làm nghệ thuật, một người làm văn hoá, trình độ tư tưởng của cả hai không thấp, hơn nữa còn rất độc lập. Sau khi dành hơn nửa cuộc đời để cùng nhau lo cho bản thân dưới một mái, ông Trần càng ngày càng mê nhiếp ảnh, vì để tìm kiếm linh cảm và tư liệu sống, cả ngày ông bôn ba khắp nơi.

Cuối cùng ông và vợ ly hôn. Cuối những năm 80 của thế kỳ 20, việc ly hôn không bình thường thoải mái như bây giờ, người phụ nữ mang theo hai con trai rời đi, nghe nói là đến một thành phố lớn. Ông Trần thành người độc thân, trạng thái này kéo dài suốt 30 năm, đồng thời ông cũng bị hàng xóm láng giềng coi như truyện cười, thành đề tài nghị luận sau bữa cơm suốt 30 năm ấy.

May mà ông Trần chẳng vì miệng đời mà khốn đốn, nếu không ông đã chết trong mấy lời chỉ trích đó rồi. Lần đầu tiên Bạc Quan Sơ biết đến danh “ông Trần chụp ảnh” là nghe được từ buổi trà buôn chuyện của mấy bác gái ở đầu ngõ.

Bạc Quan Sơ và cháu của ông Trần học cùng lớp năm lớp 2, hơn nữa hai người còn ngồi cùng nhau một học kỳ.

Cháu của ông Trần là quỷ sứ nghịch ngợm, phá phách lại kiêu ngạo. Từ bé Bạc Quan Sơ đã xinh, mấy thằng nhóc trong lớp lúc nào cũng thích làm phiền cô, cháu ông Trần cũng không ngoại lệ.

Hơn nữa đứa cháu đó và ông Trần giống nhau tới những 70%, kiêu ngạo, mắt để lên đầu và thích chụp ảnh.

Lần nọ trong tiết mỹ thuật, cháu ông Trần cướp tranh của Bạc Quan Sơ, uy hiếp cô, bắt cô làm người mẫu để thằng nhóc đó sẽ chụp ảnh, nếu không sẽ xé tranh của cô.

Bạc Quan Sơ không đồng ý, nam sinh xé luôn một góc tranh.

Bạc Quan Sơ lập tức tặng cho một bạt tai, thằng nhóc đó khóc. Sau khi cướp tranh về, cô bắt đầu lo sợ bất an, nếu nam sinh nói với cô giáo, cô giáo tìm mẹ cô, chắc chắn cô sẽ xong đời.

Vì để làm người bạn cùng bàn nín khóc, Bạc Quan Sơ lại bị uy hiếp. Nam sinh bảo cô giúp làm chân chạy vặt thì việc này mới có thể xí xoá.

Bạc Quan Sơ đành phải đáp ứng. Việc chạy vặt kia chính là đưa một tấm ảnh cho ông Trần thay nhóc đó. Đưa xong cô mới biết người bạn cùng bàn của mình là cháu ông Trần.

Ông Trần chưa gặp cháu trai, nhưng khi nghe nói thằng nhóc cũng thích chụp ảnh, ông lập tức cảm thấy đây chính là người kế vị mình, dù có chết thì ông cũng không còn gì luyến tiếc nữa.

Đối với chuyện Bạc Quan Sơ đánh cháu ông một bạt tai, ông canh cánh trong lòng rất nhiều năm. Dù cho Bạc Quan Sơ làm chân chạy vặt cho cháu ông mấy năm, ông cũng vẫn không quên.

Trà ông Trần pha rất ngon, ông rót một ly nhỏ rồi uống.

“Sao ông thù dai thế! Cháu truyền thư giúp hai người lâu thế mà!”

Ông lão lắc đầu, thổi chén trà, còn không quên liếc nhìn thiếu niên đằng sau Bạc Quan Sơ: “Người này là…”

“Cháu đưa đến.”

“Hai năm không gặp, có người yêu rồi cơ à?”

Ông già thế này mà còn buôn chuyện vậy? Bạc Quan Sơ chuyển đề tài: “Ông ơi, chụp cho bọn cháu một tấm đi.”

“Mặc như này là định chụp ảnh kết hôn à? Ông đâu phải Cục Dân Chính, mời hai vị trở về.”

Bạc Quan Sơ đi về phía trước, giẫm lên chân ghế lắc lư của ông Trần. Ông Trần đang vui vẻ lắc lư, đột nhiên chiếc ghế dừng lại, ông bị đẩy về phía trước theo quán tính.

Ông lão tức giận: “Này, con bé này…”

Đột nhiên thấy rõ áo khoác trên người Bạc Quan Sơ, ông Trần nhìn thiếu niên phía sau, rồi lại nhìn cô.

“Chụp một tấm thôi, không mất nhiều thời gian đâu ạ.”

“Nào ai 30 Tết lại bắt người ta làm việc? Huống chi ông còn là người già, cháu kính trọng người già chút đi, mùng 2 tới chụp nhá.”

Trong lòng ông lão rối bời, bây giờ ông không muốn chụp ảnh, chỉ muốn tìm tòi khám phá điều bí mật huyền bí thôi.

Bạc Quan Sơ nhăn mặt: “Nếu hôm nay ông không chụp cho cháu, về sau cháu không tới nữa, máy ảnh của ông sẽ vĩnh viễn không chụp được người nào đẹp như này đâu.”

Lương Viễn Triêu ở phía sau bị dáng vẻ “mèo khen mèo dài đuôi” của cô chọc cười.

“Được được được, đến đây đi.”

Ông lão đứng dậy đi lấy máy ảnh: “Muốn chụp thế nào?”

“Thế nào cũng được ạ, chỉ cần hai bọn cháu ở chung khung hình là được.”

“Cháu đừng sỉ nhục cái nghề dày công tu dưỡng bao ngày của ông.”

Căn nhà của ông Trần là giữ lại từ thời dân quốc, ông chưa từng cải tạo lại. Xung quanh căn nhà bị mấy cây đại thụ xanh um tươi tốt bao phủ, khiến nó trở thành góc khuất của phố sau, nhưng trang hoàng bên trong lại làm người khác ao ước.

Hai người vào trong nhà ông Trần chụp ảnh, ở đó có giá sách bằng gỗ cao cấp màu nâu và chiếc đèn bàn lưu ly. Không tạo dáng nhiều kiểu, chỉ có hai bàn tay lặng lẽ đan vào nhau.

Bạc Quan Sơ nhất định bắt ông Trần phải rửa xong ảnh ngay trong tối đó.

11 giờ, cầm ảnh chụp trở lại phố sau, cái Tết này hoàn toàn khác biệt.

11 giờ 50, Bạc Quan Sơ nằm trên chiếc giường ở ngõ Vân Lý.

Giao thừa, tạm biệt năm cũ, nhưng cũng là chia tay.

Lễ chia tay không hoàn hảo như Bạc Quan Sơ mong đợi, vì vẫn còn thiếu một điều, đó chính là không cùng nhau đốt pháo hoa.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play