Bữa tối khá gượng gạo. Suốt thời gian ăn, chỉ có Thẩm Đại luyên thuyên đủ điều. Thẩm Nhung phụ họa cùng bà đôi câu. Riêng Thịnh Minh Trản hoàn toàn im lặng, tập trung ăn những món gần mình nhất.
Bất chấp việc Thẩm Đại từ tốn khuyên thử thêm món khác, Thịnh Minh Trản chỉ cúi "Vâng" khe khẽ, tiếp tục gắp cải thảo xào tỏi ớt trước mặt.
Thẩm Nhung ghét ăn rau, Thịnh Minh Trản ăn sạch. Trái lại, điều này làm Thẩm Nhung có thêm chút thiện cảm.
Ăn xong, Thẩm Đại dẫn Thịnh Minh Trản đến phòng ngủ.
Phòng nằm ở lầu hai, phía Nam, bên ngoài có ban công nhỏ, rất yên tĩnh.
Đứng trên đó có thể ngắm hoàn toàn khu vườn nhỏ ấm áp. Không có gì làm khuất tầm mắt nhưng rất riêng tư. Xa xa trông thấy núi đồi đan xen.
"Chuẩn bị hơi vội." Thẩm Đại đứng bên ngoài, bà như một vị khách, không tuỳ tiện bước vào, tay kẹp điếu thuốc lá thon thả dựa vào khung cửa.
"Con thấy chỗ nào không ổn thì nói với dì."
Thịnh Minh Trản mang cặp nhỏ, ánh mắt quét quanh căn phòng. Sau đó, cô ngoái đầu lại, nhỏ giọng với Thẩm Đại: "Mọi thứ đều ổn, cảm ơn dì."
"Khách sáo với dì Thẩm làm gì?" Thẩm Đại nói. "Cứ coi đây là nhà mình. Nuôi một đứa con gái là nuôi, hai đứa cũng vậy, thêm đôi đũa mà thôi."
Đôi môi Thịnh Minh Trản mấp máy như muốn nói, cuối cùng lại nuốt hết vào trong.
"Có gì thì nói với Tiểu Nhung, em gái con, con bé ở ngay đầu hành lang." Thẩm Đại chợt nhớ gì đó, bà nói thêm: "Yên tâm, con bé ngoan lắm, nó không làm phiền con đâu. Sáng mai, dì sẽ đưa con và Tiểu Nhung đi học cùng nhau, dẫn con đến lớp gặp chủ nhiệm mới."
Thẩm Đại biết, Thịnh Minh Trản là đứa trẻ ít nói, hướng nội nên bà thôi không hỏi để tránh làm phiền. Bà chỉ dặn dò bé con đi tắm, chuẩn bị thích ứng trường mới, sau đó đóng cửa ra ngoài.
Thịnh Minh Trản tắm xong, muốn nhắn với Thẩm Đại rằng không cần đưa mình đi, cứ đưa địa chỉ, bản thân đến là được. Kết quả, cô quên thêm Wechat của Thẩm Đại, đành phải xuống lầu tìm dì.
Vừa đến góc cầu thang đã nghe thấy giọng của Thẩm Nhung: "Hả? Chị ấy ở nhà mình luôn?"
Thịnh Minh Trản khựng bước, lùi lại. Đứng nép sau tường, tránh mẹ con nhà họ Thẩm phát hiện.
"Ừ, nhà chị Minh Trản con có chút chuyện. Con bé sẽ ở cùng mẹ và con trong khoảng thời gian này." Thẩm Đại dụi điếu thuốc trên tay vào gạt tàn, quạt cho tan bớt khói.
Thịnh Minh Trản nghe ra được, giọng điệu của Thẩm Đại khi nói chuyện với con gái nhẹ nhàng, đầy yêu thương.
Há cũng dễ hiểu, làm gì có ai muốn cho một người lạ bỗng dưng xuất hiện trong nhà, chia sẻ đi hơn nửa sự quan tâm.
Huống chi...
Thịnh Minh Trản giữ chặt con dao trong túi - con dao không bao giờ ly khai cô.
Nào ngờ, Thẩm Nhung im lặng một lúc, sau đó nói: "Vậy lúc con tập thể dục sẽ làm chị ấy thức giấc không chừng, chị ấy đừng bực nhen."
Nghe câu này, đôi mắt u buồn của Thịnh Minh Trản tròn xoe.
Thẩm Đại cười: "Ai dám bực mình cô, cô nương ơi. Mà chị Minh Trản học cấp ba rồi, chẳng dậy muộn hơn con là bao. Con đó, đừng thấy người ta hiền lành mà ăn hiếp, nghe chưa?"
"Con ăn hiếp chị ấy?" Thẩm Nhung "hừ".
Thịnh Minh Trản thầm nghĩ, có lẽ cô bé sẽ mách với mẹ về chuyện con dao.
Mấy ai thích ở cùng một phần tử nguy hiểm xa lạ đâu chứ?
Sau khi dỗi, Thẩm Nhung thong thả bước xuống lầu, nói với lại. "Con sẽ cố."
Thịnh Minh Trản: "..."
Nghe tiếng hai mẹ con dần xa, Thịnh Minh Trản thò đầu ra khỏi sau bức tường, tò mò nhìn xuống từ tầng hai, ánh mắt dừng lại ở đôi vai gầy gò của Thẩm Nhung, ngẩn người một lúc.
...
Tiệc sinh nhật 15 năm trước. Hai con người như được định mệnh sắp đặt, nắm lấy hai đầu dây của số phận. Trong khoảnh khắc khởi đầu đầy chông gai, giữa biển người mênh mông, họ đã nhìn thấy nhau.
Thịnh Minh Trản mang trong mình đầy thương tích, loạng choạng bước về phía Thẩm Nhung - chân ái của đời mình.
Và những gì xảy ra sau đó như đoàn tàu trật bánh khỏi đường ray, tàn nhẫn cắt ngang đời họ, để lại mớ hỗn độn không thể nào gỡ rối.
...
Đêm muộn, sau khi ra khỏi bệnh viện ung bướu, Thịnh Minh Trản lái xe vào tầng hầm của khách sạn M.
Cần gạt nước như thấm mệt, lắc qua lại, phủi xuống lớp tuyết đọng trên kính chắn gió.
"Cho tôi mượn 2 vạn." Sau khi Thịnh Minh Trản đỗ xe của Lâm Chỉ, lập tức gọi cho chủ xe để vay tiền.
Lúc này, Lâm Chỉ đang khổ ải trần gian, trở thành thành viên của đội quân mất ngủ. Nhận được cuộc điện thoại khó hiểu của Thịnh Minh Trản, hỏi. "Bà chủ quý hóa ơi, tiền hai đâu hai?"
Tuy không liên lạc 2 năm, nhưng lần này về nước, có thể nói Thịnh Minh Trản là vung tiền như rác ở Trường Nhai. Lâm Chỉ còn tưởng cậu ấy ra nước ngoài làm ông chủ lớn nào nên mới hào phóng như vậy. Hỏi ra mới biết đấy là công việc kinh doanh riêng của Thịnh Minh Trản.
Cũng đúng thôi, từ nhỏ Thịnh Minh Trản đã có đầu óc kinh doanh. Ở nhà họ Thẩm mấy năm, phỏng chừng đã học hỏi không ít từ Thẩm Đại. Trước đó còn bán bất động sản do mình đứng tên trong nước, được hơn trăm triệu, coi như là có chút vốn gầy dựng sự nghiệp.
Với sự thông minh của Thịnh Minh Trản. Trong vòng 2 năm, việc thoát khỏi một công ty không phải không thể.
Thật không may, "người thầy" Thẩm Đại từng truyền dạy, giải đáp mọi thắc mắc về thương trường cho cô trước đây, đã vấp cú ngã lớn, không thể nào gượng dậy.
Thịnh Minh Trản ở xứ người lại như cá gặp nước. Nghĩ đến đây, tự hỏi thế quái nào nửa đêm cậu ta gọi bảo muốn vay tiền, mà còn là con số nhỏ như 2 vạn.
"Trả tiền khách sạn." Thịnh Minh Trản nói. "Tiền trong tài khoản khác của tôi ngày mai mới đến."
"..."
Hiểu rồi, vừa đến thăm mẹ, để hết tiền trong người vào đó, thậm chí chẳng chừa lại chút nào để trả tiền phòng nên phải quay về "hớt lông" bạn già.
Lâm Chỉ được xem là "bạn cũ" của nhà hát An Chân, là một trong những biên kịch của "Nhữ Ninh" và đồng thời là bạn học cũ của Thịnh Minh Trản. Trước kia thường xuyên họ Thẩm, là người mà Thẩm Đại dõi theo từ nhỏ đến lớn.
Khi ấy, vở kịch đầu tiên cô viết tại nhà hát An Chân, gặt hái được thành công vang dội. Những tháng năm đó, Thẩm Đại giúp không ít, Lâm Chỉ luôn ghi nhớ ân tình. Lúc bà ngã bệnh, đã ghé qua thăm hỏi vài lần.
Khi đó mới nhập viện, bà vẫn rất mạnh mẽ. Con cháu đến chơi, cố gắng xuống giường chào hỏi, bóc quýt cho Lâm Chỉ, hoàn toàn không giống người bệnh. Dạo gần đây, Lâm Chỉ bận đến mức muốn tách mình làm hai để dùng, chẳng có dịp đến hỏi han bà. Song, ngày nào cũng nhắn tin WeChat cho Thẩm Đại, nhưng bà ít khi trả lời, có lẽ do tinh thần ngày một kiệt quệ.
"Không tốt lắm." Giọng Thịnh Minh Trản nặng nề. "Bà ấy tự tránh mặt người nhà, đến hỏi bác sĩ. Bác sĩ bảo chỉ còn nửa năm."
Cái gọi là "người nhà" chẳng phải Thẩm Nhung sao?
Lâm Chỉ nghe xong thấy bình thường. Không phải ai cũng dám đối mặt với tháng ngày gần đất xa trời của chính mình. Nhưng, Thẩm Đại thì có.
"Cậu, gặp Thẩm Nhung chưa?"
Dù sao, không biết vô tình hay cố ý, đêm nay Lâm Chỉ cũng đã châm mấy thùng thuốc nổ, cái này có xá chi.
Nhắc tới cái tên Thẩm Nhung, Thịnh Minh Trản im lặng gần như biến mất.
Lâm Chỉ véo sống mũi, mắt thấy trên màn hình có một tin Wechat vừa được gửi đến, liền nhấp vào đọc vài lần rồi nói:
"Sao thế Minh Trản? Lão Triệu nhắn Wechat hỏi cậu ngày mai mấy giờ gặp và gặp ở đâu."
Thịnh Minh Trản có hẹn với người môi giới nhà hát để bàn chuyện muốn thuê, chuẩn bị địa hóa một vài vở nhạc kịch xuất sắc mà mình tìm được ở nước ngoài.
(Địa hoá: làm cho nó có tính chất bản địa hơn, phù hợp với khách hàng của khu vực hoặc thị trường cụ thể)
"Tôi sẽ gọi điện nói cho Lão Lâm sau."
Thịnh Minh Trản nhận được 2 vạn Lâm Chỉ chuyển, đi thang máy lên sảnh. Cô vừa làm thủ tục nhận phòng, vừa nói chuyện điện thoại với Triệu Kiêu: "Tối mai, 8 giờ, gặp ở Ngự Mãn Đông Phong. Ừ, nhà hàng ẩm thực kết hợp chỗ phố Quang Hoa."
Cúp máy, ngay lúc Thịnh Minh Trản muốn đi tắm, điện thoại nhận được một thông báo Wechat. Thịnh Minh Trản vừa cởi nút áo sơ mi bằng một tay, vừa liếc mắt nhìn xem.
[Minh Trản, Mưu Lê nè! Cậu về nước khi nào thế? Sao lại không báo tôi hay? Tôi mừng quá, còn bất ngờ nữa.]
Lát sau còn gửi thêm một emoji con mèo đỏ mặt.
Thịnh Minh Trản tắm xong bước ra, đọc tin nhắn của người kia xong thì nhắn lại.
Giấc ngủ đêm qua khiến Thẩm Nhung mệt mỏi rã rời. Hình ảnh Thịnh Minh Trản tràn đầy trong mơ không nói, vừa tỉnh dậy cổ họng đau rát như bị đổ cát, đổ sỏi. Từ họng đến dạ dày, khô khốc lại ợ chua liên tục làm đầu cô như búa bổ.
Trên tay phải có một vết thương rộng chừng 3 cm, kéo dài từ hổ khẩu vào lòng bàn tay. Máu đã đóng vảy từ lâu, năm ngón tay vừa cử động liền đau nhói.
(Hổ khẩu: miệng cọp, kẽ giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ.)
Thẩm Nhung cố gắng lục lọi ký ức, nhưng không tài nào nhớ ra mình đã bị thương thế nào. Chỉ có thể suy đoán rằng có lẽ đêm qua khi bám vào lan can nôn, vô tình bị xước.
Thẩm Nhung rửa sạch miệng vết thương, dán băng cá nhân. Cơn đau rát từ đó khiến cô tỉnh táo hơn đôi phần.
Sáng nay không thể nào tập thể dục. Và với cổ họng như thế chỉ cần hát đôi ba câu cũng có thể phun khói.
Cô uống chút nước, thấy Thẩm Đại còn ngủ, mới dám lấy hợp đồng của Dương Thịnh ra, dùng điện thoại chụp gửi cho cố vấn pháp luật. Trong lúc chờ đợi câu trả lời từ luật sư, cô đánh dấu những thuật ngữ chuyên môn mà bản thân không hiểu, dùng điện thoại tra cứu.
Lúc này, Thẩm Nhung hoàn toàn tỉnh, nhạy bén hơn nhiều so với tối qua. Sau khi xem xong hợp đồng, đúng lúc luật sư Hoàng phản hồi:
[Tiểu Nhung à, cái hợp đồng này không khác gì khế ước bán thân, không được ký.]
Đúng như Thẩm Nhung nghĩ. Dương Thịnh chiếm lấy 15 năm vàng son nhất của cô, biến cô thành cỗ máy kiếm tiền cho hắn và...
Thẩm Nhung nhắn lại cho luật sư Hoàng:
[Cảm ơn, tôi sẽ suy xét.]
Cô thoát khỏi cửa sổ trò chuyện Wechat, phát hiện group chat bạn bè nhảy lên, có người đang nói chuyện.
Nó không phải là nhóm bạn cùng lớp, mà chỉ được tạo ra bởi những người yêu thích nhạc kịch cô quen biết thời trung học.
Trước đây có cả Thịnh Minh Trản, nhưng sau khi chia tay chị chọn rời nhóm.
Thịnh Minh Trản đi, Thẩm Nhung không còn nhắn gì trong nhóm. Mỗi khi muốn tìm ai đều len lén kiếm riêng.
Cô nhìn vào đó, mọi người đang bàn bạc về chuyện tụ hộp tối nay. Một đám thích ca hát thì bất kể là bữa tiệc nào, xuất phát điểm luôn là KTV.
Bây giờ, mỗi lần thấy ba chữ "KTV", Thẩm Nhung liền cảm thấy buồn nôn. Cô nhìn bầu không khí sôi nổi bên trong, chọn rời khỏi nhóm, dù sao cô chả muốn đi.
Trước khi rời khỏi bệnh viện, Thẩm Nhung cho Thẩm Đại uống morphine.
Thẩm Đại chưa từng kêu đau, mẹ không mở miệng, thế nhưng Thẩm Nhung rõ.
Mỗi khi hỏi mẹ "đau không" mẹ sẽ trả lời chắc nịch "không đau", nghĩa là mẹ chịu được. Tuy vậy, khi mẹ chẳng hé răng, Thẩm Nhung biết người mẹ kiên cường của mình đã bị đau đớn dày vò đến cỡ nào.
"Chút nữa dì cả đến ở với mẹ. Hôm nay con phải qua nhà hát thanh toán tiền tập luyện rồi về cho Tiểu Mệnh ăn. Tối con sẽ tranh thủ ghé sang với mẹ."
Thẩm Đại muốn nói "Con cứ bận chuyện con", nhưng khi nó vụt qua đầu, từng câu từng chữ đều như đá nặng đè lên cơ thể rỗng tuếch của bà, không còn sức để đẩy ra khỏi đôi môi trắng bệnh.
Bà nằm trên giường lặng lẽ nhìn con, như thể nhìn thấy chính bản thân năm 30 tuổi.
Lúc ấy bà trẻ đẹp, đầy sức sống.
Nhìn vào mắt mẹ, Thẩm Nhung cảm nhận được sự lưu luyến rõ ràng. Cô nén xúc động, hôn lên trán mẹ, cầm nút gọi nhét vào tay bà, như hứa rằng: "Con sẽ về sớm, mẹ chờ con."
Cô không muốn rời xa mẹ, nhất là trong khoảng thời gian đặc biệt này.
Rời khỏi phòng bệnh đầy đau đớn và ly biệt, đúng là có thể mang lại cho cô cơ hội hít thở ngắn ngủi.
Song điều đó đồng nghĩa với việc cô có thể bỏ lỡ cơ hội ở bên mẹ lần cuối.
Tuy nhiên Thẩm Nhung nào còn có lựa chọn khác. Ngoài việc liều mình che chở mẹ, cô còn phải gánh nợ nần, chật vật vay mượn khắp nơi.
Vừa ra khỏi cửa bệnh viện, Thẩm Nhung đã thấy dì mình.
Dì bị cao huyết áp, sáng vừa mới truyền dịch xong, giờ lại phải lê cái thân xác héo tàn đến chăm sóc cho người em gái cận kề cái chết, người em đang dần bước đến chân Chúa sớm hơn bà.
"Con đi đi." Tóc dì bị gió lạnh thổi bay, mỏng manh như rong biển trong dòng hải lưu. Dường như chỉ cần cơn gió mạnh là có thể thổi bay tóc và cơ thể dì sẽ bật khỏi mặt đất. Dì cứ mãi loay hoay một hồi, lắc ra vài chữ. "Dì... có dì chăm mẹ rồi. Con yên tâm nha con."
Thẩm Nhung nói "Cảm ơn", bắt taxi trở về nhà ở khu biệt thự "Thiên Lý Xuân Thu".
Vừa vào cổng đã nghe thấy tiếng Tiểu Mệnh sủa vang từ trong nhà. Đứng sau cửa kính, cuống quýt xoay vòng, tiếng sủa biến thành tiếng rên rỉ vì thiếu kiên nhẫn.
Tiểu Mệnh được Thịnh Minh Trản đưa đến trường huấn luyện chó, vừa ngoan vừa thông minh. Nếu tính theo tuổi xương thì nó sinh cùng năm với cháu trai dì cả. Lúc đứa cháu trai kia chỉ biết nằm trên giường khóc lóc đòi sữa, Tiểu Mệnh đã có thể thay Thịnh Minh Trản đi mua nước tương.
Khi Thịnh Minh Trản rời khỏi nhà họ Thẩm, chị chỉ mang theo một chiếc vali rỗng tuếch, đựng một vài bộ quần áo, tất cả những thứ khác đều bỏ lại.
Bao những món đồ kỷ niệm của chị và Thẩm Nhung, với cả con cún này.
Vòng qua vòng lại, vô tình quất vào bắp chân của Thẩm Nhung, cô đau đến mức không biết kêu ai.
Tiểu Mệnh có khu vực riêng để đi vệ sinh ở sân sau, Thẩm Nhung dọn dẹp sạch sẽ cho nó, lại thêm thức ăn và nước uống, rồi lên lầu.
Tiểu Mệnh vui vẻ đi theo cô, cùng lên phòng ngủ, tò mò nhìn Thẩm Nhung lấy một đống đồ từ trong phòng thay đồ ra ngoài.
Hôm nay cô đến đoàn kịch "Bất Khả Kháng" để thanh toán khoản phí cuối cùng.
Mặc dù chưa diễn ngày nào, nhưng tất cả các khoản phí từ diễn tập, ăn uống, tiền đi lại đều phải thanh toán. Đây là nguyên tắc của Thẩm Nhung.
Nhưng với tình hình kinh tế hiện tại thật sự là không có tiền mặt, đành bán đồ thôi.
Cô lấy ra những chiếc túi xách, giày, sản phẩm điện tử và đồ trang sức bản giới hạn, một số vẫn còn nguyên vẹn chưa sử dụng bao giờ, thậm chí chưa từng xem qua, Thẩm Nhung nhét hết vào vali.
Lúc đang thu dọn, bất ngờ, một hộp bìa cứng hình chữ nhật nhỏ màu đen bị mắc ở giữa túi rơi thẳng vào vali, vé máy bay tung tóe khắp bên trong.
Thẩm Nhung khẽ ngẩn người.
Toàn là vé khứ hồi, tới lui cùng một điểm, thành phố N và Y và tên hành khách đều là "Thẩm Nhung".
Có thể nhìn rõ trên vé, hai năm qua, cứ cách một hai tháng, Thẩm Nhung sẽ bay đến thành phố Y một lần.
Thẩm Nhung nhanh chóng nhặt từng cái vé lên toan ném vào thùng rác bên cạnh, nhưng cô dừng lại. Đâu cần phải làm đến thế? Cô không nói không rằng, gom nó lại, cất vào tận cùng bên trong của ngăn kéo.
Đóng vali, cô đã tìm được một người bạn thu mua xa xỉ phẩm cũ, lát nữa sẽ mang tất cả đi bán.
Đây là đợt đồ cá nhân cuối cùng, bán hết rồi sẽ đến lượt căn nhà này.
Khi Thẩm Đại còn chút sức, bà từng hối hận vì nghĩ mình về hưu nên chuyển hết cơ nghiệp sang tên Thẩm Nhung, để giờ đây nợ nần dồn hết lên vai con.
Dương Thịnh đã gây áp lực, 300 triệu phải được trả trong tháng này, 200 còn lại thì cứ góp. Nếu không, gã có vô số cách chính đáng và cả tà đạo để đẩy cô vào ngục tối.
Để tránh khỏi cảnh tù tội, Thẩm Nhung bán xe, bán nhà, bán hết tất cả những gì có thể bán.
Và rồi, cô dần nhận ra, Dương Thịnh đã tính ra nhà hát An Chân và tất cả bất động sản dưới tên cô bán được bao nhiêu, tính được cả giới hạn của cô.
Không muốn vào tù thì phải lên giường với Dương Thịnh.
Thẩm Nhung thấy phương thức đầu tiên dễ chấp nhận hơn.
Vì muốn bán nhanh căn nhà này, cô đã hạ giá 30 triệu so với giá thị trường, mà vị trí lại là đẹp nhất trong toàn khu. Mặt tiền hướng ra hồ nhân tạo, phía sau dựa núi non, riêng tư tuyệt đối và tầm nhìn hạng nhất. Đương nhiên, được bán đi rất nhanh.
Thủ tục sang tên đã hoàn tất, tuần sau cô phải dọn ra khỏi nhà, dứt khoát không mang theo bất kỳ món đồ nội thất nào, tất cả đều để lại cho chủ nhân tiếp theo.
Trong thời đại đề cao hiệu suất, dường như mọi thứ đều diễn ra rất nhanh, xây nhà nhanh mà bán nhà còn nhanh hơn.
Mọi người đến cũng nhanh, mà đi thì chỉ trong chớp mắt.
Tiểu Mệnh ngồi bên cạnh nhìn cô, nó cảm nhận được Thẩm Nhung không còn giống với ngày xưa nữa. Hai tròng mắt tỏa sáng, nó nghiêng đầu nhìn cô một cách khó hiểu.
Thẩm Nhung bật cười, xoa cái đầu to của nó.
"Yên tâm." Thẩm Nhung nói: "Em theo chị."
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT